Friday 30 December 2011

Láo nháo cuối năm

Cuối năm không nói chuyện xếch xiếc nữa mà nói chuyện báo vậy.

Đầu tiên là thế này: Thời gian của mỗi người là hữu hạn, ai cũng chỉ có 24 giờ một ngày, nên muốn tập trung cho món mình muốn, ý là món xếch, tức là sách í, tôi cắt bỏ thời gian dành cho những mục khác. Đầu tiên là tivi: cái này cắt triệt để, cho nên café với tôi đừng có nói Cặp đôi hoàn hảo hay là cái gỉ cái gi nhá, tôi đập đầu vào ly café ngay tại chỗ. Kế đó là phim: kể ra tôi vẫn thích xem phim, nhưng như đã nói, phải tập trung cho “chuyên môn”, nên ngoài một số phim hoạt hình xem cùng với Alpha và Pi, năm rồi tôi xem được hai phim, một là Bi, đừng sợ, và hai là, nhờ ơn em Tôm Ngu, Lolita.  Giờ thì sẵn sàng đọc bản dịch cụ Tường rồi, thật là trái tinh thần Nabokov. Còn báo, năm trước tôi đã cắt Thể thao văn hóa, năm nay cắt nốt Tuổi Trẻ (chừa lại Tuổi trẻ cuối tuần), chỉ còn nhõn Sài Gòn Tiếp Thị, nhờ vậy mà nhà cửa gọn gàng ra hẳn.  

SGTT theo tôi là tờ báo, e hèm, đứng đắn nhất hiện nay, trong chừng mực có thể.:) Ấy là nói về mặt nội dung, còn về mặt tiếp thị, tôi rất sung sướng khi đặt một năm báo thì được tặng thêm một lô vouchers, một mũ bảo hiểm, một tờ báo xuân, và một tập lịch rất hoành tráng. Nói thêm về tập lịch này, nó thực sự là một ấn phẩm làm người ta thèm thuồng. Lịch được thiết kế là dạng lịch block, mỗi tờ lịch có hình một món ăn và hình của món ăn ấy. Tôi thấy đây là một ý tưởng rất hay, ở chỗ hàng ngày có thể gợi ý cho vợ nấu món trên tờ lịch ngày hôm ấy. Vợ mà có bảo không biết nấu, thì bảo, đấy, công thức sẵn đấy. Nói tóm lại, tôi thấy tập lịch này rất hay, tôi rất thích, và đã quyết định không xé lịch hằng ngày mà giữ lại làm tài liệu tham khảo. Nhược điểm duy nhất của tập lịch là tôi đang cần phải giảm cân! Hôm nọ đi khám sức khỏe, tôi ra sức công kích cái cân của các cô y tá, vì tội làm tôi dôi ra 4 ký so với bình thường; các cô í rất tỏ ra hối hận vì phòng khám quốc tế của các cô có một cái cân quá lỡm. Về nhà cân net lại thì mới phát hiện mình dôi ra ba ký từ khi nào. Khi ở  phòng khám, cân gross, có cái quần jean nặng trịch, thì thừa 4 ký là đúng rồi.

Năm vừa rồi, láo nháo thế nào mà tôi có tầm hai chục bài đăng báo, quả nhiên là kỷ lục năm. Nhuận bút được tái đầu tư triệt để vào xếch, thậm chí còn âm. Cá biệt lại còn được quả nhuận ảnh mới kinh, nhờ cái bác bên tạp chí Đẹp chơi đẹp khi tiền trảm ảnh tôi chụp sách của Murakami rùi hậu tấu kèm phong bì. Có nằm mơ thì tôi cũng không nghĩ có ngày mình chụp ảnh đăng báo.

Cuối năm, tôi được tặng cuốn tạp chí Thời trang số Tết. Cuốn này in đẹp, mỗi tội đọc phải ngồi, chứ nằm đọc không cẩn thận bị chết bẹp, vì nó nặng cũng phải 3 ký. Hoặc 4. Có điều tôi làm em biên tập viên hơi phiền lòng khi chỉ vào hai cô trên ảnh bìa mà hỏi đây là ai. Hóa ra một cô là Hồ Ngọc Hà, cô này tôi có biết, sao trông cô là lạ, còn cô thứ hai là Thanh Hằng, tôi chịu chết không biết cô ấy làm gì. Nhân tiện tôi cũng khoe luôn là đã được tặng Thể thao, Văn hóa & Đàn ông số Tết. Người tặng là anh giao báo, nguyên do sáng giao thiếu tờ Tuổi trẻ cuối tuần, tôi phải gọi bên phát hành, nên chiều đến tận nhà giao tờ báo thiếu, và tặng cuốn kia để xin lỗi. Thật là tốt quá.

Giờ chỉ còn rung đùi chờ ngày Văn nghệ trẻ số Xuân! :)

Friday 23 December 2011

Thư gửi ông già Noel

Ba mẹ bảo Alpha và Pi viết thư cho ông già Noel. Hai đứa nói, nhưng con chưa biết viết. Ba mẹ bảo, chưa biết viết thì vẽ.

Tối qua, hai bạn hí hoáy vẽ thư cho ông già Noel. Bên trái là thư của Alpha, bên phải là thư của Pi.




Theo thuyết minh của Alpha, thì Alpha xin ông già Noel hai chị em búp bê, và các món đồ trang điểm cho búp bê. Cái xanh xanh góc trái là cái kẹp lông mi, không hiểu Alpha nhìn thấy ở đâu, vì chắc chắn bà già Noel ở nhà không sử dụng cái này.

Ông già Noel nhìn thư của Pi mãi mà không luận ra Pi muốn xin quà gì. Hỏi Pi, Pi giải thích là xe máy xúc, có bốn cái bánh xe màu vàng, và cái trụ cao cao để xúc cát. Tác phẩm hội họa của Pi bao giờ cũng có khuynh hướng trừu tượng. 

Thursday 22 December 2011

Bản danh sách Goldmund - 2011 (Phần 2)


Sách tiếng Anh:

1)      Between Parentheses của Roberto Bolano: Trong năm tôi đã đọc ba tiểu thuyết của Bolano là The Savage Detectives, AmuletDistant Star, nhưng có vẻ tiểu thuyết Bolano không phải vị của tôi lắm. Tập Between Parentheses, tập hợp các bài báo, tiểu luận, phỏng vấn, .v.v. đọc sướng hơn nhiều. Với riêng tôi, đây là cuốn sách của năm.

2)      Death in the Andes của Mario Vargas Llosa: Đã có lần đề cập ở đây.

3)      The Sense of an Ending của Julian Barnes: Đã có hẳn một bài dài.

4)      The Cellist of Sarajevo của Stephen Galloway: Là chủ đề của entry này.

5)      To the end of the land của David Grossman: Đích thực là một tác phẩm đẹp và buồn. Xin khất một entry.

Tuesday 20 December 2011

Nhá hàng

Trong lúc chờ đợi Bản danh sách của Schindler, à quên, Goldmund phần II, nhá hàng phát


Toàn cảnh trông nó thế này:




Cận cảnh vài em:


Friday 16 December 2011

Bản danh sách Goldmund - 2011 (Phần 1)

Đến hẹn lại lên, mỗi cuối năm tôi sẽ tổng kết danh sách những cuốn sách ưa thích trong năm. Danh sách này phần lớn là tiểu thuyết, vì tiểu thuyết là quan tâm chính của tôi. Ngoài ra có thể có vài tập tiểu luận hoặc sách sử. Những cuốn nào tôi từng nhắc tới trên blog tôi sẽ để link đến các entry đó, thường không phải là các bài điểm sách mà chỉ nhắc qua, cách này hay cách khác. Những cuốn chưa từng nhắc tới tôi sẽ viết thêm vài dòng.

Cũng như những năm trước, đây là những cuốn tôi đọc trong năm, và không nhất thiết phải in trong năm. Có những cuốn in đã lâu nhưng bây giờ tôi mới đọc, nếu thích, tôi sẽ đưa vào đây. Tuy nhiên, tôi không hạn chế danh sách ở 10 cuốn như những năm trước, vì không nhất thiết phải tự làm khó mình quá. Để dễ theo dõi, tôi tách danh sách vài ra làm hai phần: phần 1 là sách tiếng Việt, và phần 2 là sách tiếng Anh. Các phần sách tiếng Hoa, Pháp, Đức, Nga, Ả Rập, Hebrew xin khất vô thời hạn. Tôi cũng xin giấu bớt một số cuốn kinh điển mới đọc trong năm, vì thò ra thì hơi xấu hổ:) Sách được sắp xếp theo thứ tự ngẫu nhiên.

Sách tiếng Việt:

1) Nếu một đêm đông có người lữ khách, Italo Calvino, bản dịch của Trần Tiễn Cao Đăng.

2) Những ngã tư và những cột đèn, Trần Dần: Trong Cát bụi chân ai, Tô Hoài có nhắc đến chi tiết Trần Dần đi phỏng vấn những người làm cho Pháp để viết một cuốn tiểu thuyết dưới ảnh hưởng của phong trào Tiểu thuyết mới. Đó hẳn phải là cuốn này, một tiểu thuyết như một bài thơ bậc thang dài. Không có quá nhiều tiểu thuyết Việt sau bốn mươi năm mà đọc vẫn còn tươi mới như cuốn này.

3) Chân dung Dorian Gray của Oscar Wilde, bản dịch của Nguyễn Thơ Sinh: Cuốn này tôi chôm được trong một quán cà phê của một người bạn và mang nó theo một chuyến đi chơi vì nó dày vừa đủ độ và vì lúc đó đang có tâm trạng đọc sách xưa. Thực sự là một áng luận văn tuyệt vời về nhục thể.

4) Tùy bút I của Võ Phiến.  Tôi có nhắc đến trong bài về Hội An.

5) Bản Sonata Kreutzer của Lev Tolstoy, bản dịch của Trần Thị Phương Phương: Là cuốn hay nhất trong các cuốn thuộc Tủ sách Tinh hoa của Phương Nam năm nay, và là cuốn hay nhất của Tolstoy mà tôi từng đọc. Cuốn tiểu thuyết này như một nhát dao lách vào đời sống hôn nhân.  Có lẽ nên nói thêm vào năm tám mươi tuổi, sau hơn năm mươi năm sống chung với vợ, bá tước Lev Tolstoy thu dọn đồ đạc lên tàu chạy trốn khỏi vợ. Ba ngày sau ông chết. Bài học rút ra: (i) Chạy trốn vợ thì sẽ sớm chết; (ii) Nếu muốn chạy trốn vợ, hãy đợi đến khi tám mươi tuổi.


7) Việt Nam thời Tây Sơn - Lịch sử nội chiến 1771 - 1802, Tạ Chí Đại Trường.

8) Bộ truyện tranh Ếch Xanh gồm bảy cuốn của Max Velthuijs do Alpha Kids ấn hành: Tranh vẽ đẹp, câu chuyện ngộ nghĩnh, thú vị, từng là cảm hứng cho một entry của tôi.  Lựa chọn này được sự nhất trí cao của Alpha và Pi.

Wednesday 14 December 2011

Có bạn

(Những chuyện kể dưới đây có thể hoàn toàn là hư cấu. Mà cũng có thể không.)

Tôi có một thằng bạn.  Tên nó là Lộc. (Đây là lần đầu tiên tôi tương tên người thật lên blog, vì không thể kể câu chuyện này mà không nhắc đến tên nó, mà viết tắt thì sợ tạo nhiều liên tưởng không tốt. Vả lại, đằng nào nó cũng không đọc blog này.)

Sáng, tôi rút điện thoại ra tính gọi nó. Cũng lâu tôi không gọi nó, chắc hai ba tuần gì rồi.  Trong danh bạ điện thoại có ba tên: Lộc, Lộc Chó, Lộc Con Lừa. Thằng này thỉnh thoảng lại đổi số, đó là lý do tại sao điện thoại tôi có đến ba số của nó. Tôi nhìn ba số, không nhớ ra nó đang xài số nào, đành lần lượt gọi cả ba. Một số không bắt máy, hai số ò í e. Chừng phút sau, điện thoại tôi bắt đầu hát, “One day you'll look to see I've gone. For tomorrow may rain”.  Người gọi là Lộc Chó. Tôi nhấc điện thoại, hoan hỉ, a, như vậy mày là chó, không phải là lừa. Nó nói, thằng chó.

Trưa, tôi đi ăn với nó. Hai thằng chửi nhau như chó.

***

Tôi có một thằng bạn, kém tôi vài tuổi. Tên nó là D., mà cũng có thể là K. D.K là Đếch Kare.

Đêm ở Hà Nội, nó chở tôi sang căn gác trọ của nó, quảng cáo Bảo Ninh từng ngồi đây viết Nỗi buồn chiến tranh. Căn gác nhìn xuống đường. Đường rộng và nhiều cây. Đêm, ít người qua lại.

Căn gác của nó có nhiều vỏ chai. Lúc tôi đến còn có một cô bé tôi gặp hai lần mà chả nhớ tên, và một cậu người Anh mới sang Việt Nam chín tháng nhưng đã nói tiếng Việt tương đối khá. Nó tắt đèn, bật nhạc. Chúng tôi ngồi bên khung cửa sổ, uống rượu và nhìn xuống đường. Con đường rộng, nhiều cây, ít người qua. Mùa đông luồn qua song cửa. Tôi nhìn cái giường đơn, nghĩ, không biết nó đã ngủ với bao nhiêu em ở đây?

Nó giơ ra hai cuốn sách, một to một nhỏ, nói, em tặng anh một cuốn, anh lấy cuốn nào. Tôi lấy cuốn to, tất nhiên. Nó ký tặng, bảo, anh chả bao giờ tặng em cuốn nào. Rồi nói, mai sáng em chở anh đi uống cà phê, hay anh muốn tối mai sau cái độ của anh đi nhậu tiếp? Tôi bảo, anh chả có nhu cầu gặp mày hai ngày liên tiếp.

Chúng tôi uống đến mười hai giờ đêm, tiếng Anh xen lẫn tiếng Việt. Dần về khuya, đường vắng hơn, trong phòng cũng lạnh hơn. Tôi nghĩ thầm, bỏ cha, sao mình thích mùa đông Hà Nội.

***

Tôi có một anh bạn, hơn tôi nhiều tuổi. Các bạn kém tôi chỉ vài tuổi gọi anh là bác. Tôi gọi anh là anh, liều quen miệng rồi. Anh có rất nhiều sách nhưng chưa cho tôi cuốn nào.

Lần đầu gặp anh ở Sài Gòn, anh bảo, mai mốt ra Hà Nội nhớ gọi anh.

Tối ở Hà Nội, tôi ngồi với anh và một số bạn khác ở một quán trên Nghi Tàm. Trời lạnh, uống tí rượu là ấm. Anh nói, sáng mai anh chở mày đi ăn phở Hà Nội.

Sáng, tôi dậy sớm, đánh răng, đọc tin nhắn của anh. Anh xin lỗi vì phải đi sớm nên không ăn sáng được. Tôi xuống nhà hàng của khách sạn, ăn sáng. Cái khách sạn này, lần trước tôi cũng ở đây, đã chẳng bảo với tôi rằng bữa sáng bao gồm trong giá phòng. Ăn xong, tôi về phòng, đánh răng, vào Facebook treo status, Răng đánh hai lần, thịt xương nát tan.

Trưa, có tin nhắn của anh trên Facebook. Anh bảo chiều qua anh ở Hải Phòng, về Hà Nội để gặp tôi, định sáng ăn sáng cùng tôi rồi mới quay lại Hải Phòng, nhưng có việc nên phải đi sớm hơn. Anh xin lỗi lần nữa. Tôi trả lời, không sao anh ơi, lần sau em ăn phở bù. Cả sách nữa nhé.

***

Khi có thể chửi nhau là chó, người ta là bạn.

Khi có thể nói năng phũ phàng với nhau, người ta là bạn.

Khi có thể bỏ công việc gặp nhau uống rượu một bữa, người ta là bạn.

Tôi có bạn.

Thursday 8 December 2011

Nhân dịp không ăn trưa

Trưa nay nhân dịp không ăn gì tôi dịch bài này chơi. Thật ra đây là đoạn cuối trong bài "How I Write" của Umberto Eco, trong cuốn On Literature (xem bìa sách bên dưới), do Martin McLaughlin dịch từ tiếng Ý. Phần đầu của bài viết dài này các bác Tienve đã dịch, nhưng mãi chưa thấy các bác ấy dịch đoạn cuối, chắc vì các bác ấy bận ăn trưa chứ không nhịn ăn như tôi. :)



NIỀM VUI VÀ NỖI BUỒN

Tôi không còn gì khác để nói về cách tôi viết tiểu thuyết. Ngoại trừ việc viết chúng phải mất nhiều năm trời. Tôi không hiểu được những ai viết một năm một cuốn tiểu thuyết;  có thể họ tuyệt vời, và tôi thực sự ngưỡng mộ họ, nhưng tôi không ganh tị với họ. Vẻ đẹp của viết một tiểu thuyết không phải là vẻ đẹp của trận đấu phát trực tiếp, nó là vẻ đẹp của việc phát chậm.

Tôi luôn luôn bực mình khi tôi nhận ra một trong các cuốn tiểu thuyết của tôi đi đến đoạn kết, tức là, theo logic nội tại của nó đã đến lúc nó (anh ta/cô ta) ngừng lại, và tôi cũng ngừng lại; khi tôi để ý rằng nếu mà tôi kéo thêm chút nào nữa thì nó chỉ có tệ hơn. Vẻ đẹp, niềm vui thực sự, là sống sáu, bảy, tám năm trời (lý tưởng là mãi mãi) trong một thế giới mà bạn sáng tạo từng tí một, và thế giới đó đã trở thành của riêng bạn.

Nỗi buồn bắt đầu khi cuốn tiểu thuyết kết thúc.

Đây là lý do duy nhất khiến bạn muốn ngay lập tức viết một cuốn khác.  Nhưng nếu nó không sẵn đó chờ đợi bạn, thì cố hấp tấp cũng chẳng có ích gì.

NGƯỜI VIẾT VÀ NGƯỜI ĐỌC

Tuy nhiên tôi không muốn những lời cuối cùng này lại tự động đẻ ra một quan điểm khác vốn phổ biến đối với những người viết tồi - đó là người ta chỉ viết cho bản thân mình. Đừng tin những người nói như vậy: họ những kẻ tự yêu mình không lương  thiện và dối trá.

Có một thứ duy nhất mà người ta viết cho mình, và đó là cái danh mục đi chợ. Nó giúp bạn nhớ mình phải mua thứ gì, và lúc mua xong mọi thứ rồi bạn có thể hủy nó đi, bởi vì nó chẳng có ích cho ai khác. Mọi thứ khác bạn viết, bạn viết để nói điều gì đó với ai đó.

Tôi thường tự hỏi mình: liệu ngày hôm nay tôi có còn viết không nếu người ta bảo tôi ngày mai một thảm họa vũ trụ sẽ phá hủy cả thế giới, nên ngày mai sẽ không ai đọc những gì tôi viết hôm nay?

Bản năng đầu tiên của tôi là trả lời không.  Sao phải viết nếu không có ai đọc tôi? Bản năng thứ hai của tôi là nói có, nhưng chỉ vì tôi ấp ủ hy vọng mỏng manh rằng, trong thảm họa thiên hà đó, một ngôi sao nào đó biết đâu sẽ sống sót, và trong tương lai ai đó có thể giải mã những dấu hiệu của tôi. Trong trường hợp đó, viết, ngay cả trên rìa ngày tận thế, vẫn còn có ý nghĩa.

Người ta viết chỉ vì có người đọc.  Người nào nói rằng anh ta chỉ viết cho mình thì không hẳn là nói xạo. Mỗi tội anh ta vô thần một cách đáng sợ. Ngay cả từ một quan điểm thế tục nghiêm khắc.

Bất hạnh và khốn khổ thay cho người viết nào không thể giao cảm với một người đọc tương lai.

Wednesday 7 December 2011

Ham muốn xưa và nay

Ngày xưa, mỗi khi cùng người yêu đứng bên một bờ hồ, bờ suối, bờ sông hay lang thang trên một triền đồi cheo leo, tôi hay bảo người yêu bằng một giọng kỳ bí rằng: Này em, bây giờ anh chỉ có một ham muốn tột bực, đó là... đẩy em xuống vực!

Ngày nay, chính xác là trưa nay, giờ ăn trưa tôi lang thang một mình trên mấy phố chính Sài Gòn. Bụng chưa đói lắm nên tôi lại ghé vào Fahasa, thật ra chỉ là ngựa quen đường cũ thôi chứ tôi chẳng ham muốn gì. Mà đúng thế thật. Khu sách ngoại văn của Fahasa mới có một loạt sách mới khá hoành tráng. Về cơ bản, có gần như đủ các đầu sách tiềng Anh của Pamuk, Paul Auster, Kundera, Ishiguro... Phải trước đây thì tôi phát cuồng lên rồi. Nhưng, lạ thay, lần này  tôi nhìn đám sách ấy  mà lòng hoàn toàn dửng dưng nguội lạnh, tịnh chẳng có ham muốn gì.

Thì ra, đám sách xinh đẹp và hấp dẫn ấy, không có cuốn nào mà tôi chưa có :)


Đùa chứ, đi ra đi vào rồi cũng vớ lấy một cuốn của Peter Carey, His Illegal Self, (là gì, cái tôi bất hợp pháp của thằng cha đó, nhỉ). Rất lạ là ông hai Booker này, tương đương Coetzee, chưa bao giờ được dịch ở Việt Nam, trừ một vài truyện ngắn, mà kẻ ai cũng biết là ai đấy có dịch vài truyện.

Entry này là để bạn nào đang tấm tức săn lùng sách của Paul Auster có thể ra đấy mà vơ. Cả bạn nào muốn đọc Other Colors bản tiếng Anh trước bản tiếng Việt cũng có thể toại nguyện.  Với cả bạn nào muốn đọc tạm
 Đời nhẹ khôn kham Sách cười và lãng quên bản tiếng Anh Fahasa Nguyễn Huệ cũng có tất. Cả 1984 vẫn lù lù đấy mà sao lão Xu béo tìm không ra?

Monday 5 December 2011

Linh tinh mùa Giáng sinh

Sáng nay Sài Gòn đã bắt đầu se lạnh. Năm nay lạnh thế là muộn. Mọi năm từ tầm tháng 11 đã thấy mát lắm rồi. Hy vọng ông trời của Sài Gòn được thể sẽ lạnh luôn, không quay ngược về những ngày nóng nực nữa. Lạnh tí mới ra vẻ Noel, chứ Noel mà mồ hôi nhễ nhại thì chẳng ra thể thống gì. Mới thấy những xứ như Úc hay New Zealand ở down under thật là kỳ cục: Giáng sinh giữa mùa hè nóng chảy mỡ. Tuy nhiên giữa Úc, New Zealand và các nước Bắc Âu, tương truyền là xứ sở của ông già Noel, hoặc ít ra rất gần xứ sở của ông già Noel, có một điểm chung.  Điểm chung ấy không kỳ cục. Và nhìn vào đó, ta có thể nhận ra ai mới là kẻ kỳ cục.

***

Từ độ hai tuần nay, cứ mỗi lúc lên xe là hai bạn Alpha và Pi kêu gào ầm ĩ đòi mở đĩa nhạc Noel. Đĩa nhạc này do công ty cũ của bố hai bạn tặng hai bạn Noel cách đây hai năm. Mặc dù, bài nào hai bạn cũng thích nghe, Alpha thích nghe những bài giọng nữ còn Pi thích nghe những bài giọng nam hát hơn. Trong đĩa này, các bài hát truyền thống Noel được hát chỉ một lần, nhiều bài rất ngắn, chưa đến một phút, nhưng tuyệt nhiên không có kiểu hát đi hát lại câu giờ. Tình cờ, những bài ngắn nhất đều do giọng nam hát. Alpha hỏi ba, Ba ơi, sao con trai hát ngắn thế, có phải vì con trai lười không?

***

Trong vòng hai ba tuần qua, tôi nhận được hơn chục cuốn sách từ các ông và bà già Noel tốt bụng. Một số cuốn trong đó rất quý, vì thuộc dạng có tiền cũng không dễ mua, chưa kể được đích thân tác giả ký tặng.  Nhiều cuốn trong số này là do nhưng người bạn chưa biết mặt, hoặc tình cờ gặp lần đầu, tặng tôi. Các bạn ấy biết tôi thông qua blog này, hoặc do có dây mơ rễ má đến blog này. Nếu blog tôi không viết nhiều về sách đến thế, thì tôi chẳng có cơ may sở hữu số sách ấy, mặc dù tất nhiên, khi viết về sách, tôi không đặt ra mục tiêu được tặng sách.  Tôi chỉ viết về thứ mình yêu thích. Bài học rút ra là “gái có công, chồng không phụ”; hay nói cách khác, cứ yêu đơn phương đi, rồi một ngày tình yêu ấy sẽ được đền đáp.:)

***

Alpha, chả hiểu giống ai, là một cô bé rất nhạy cảm, nhiều khi nhạy cảm hơn mức cần thiết.  Một trong những chữ kiêng kỵ của Alpha là chữ “già”. Dưới đây là mẩu đối thoại tôi ghi lại cách đây gần một năm, lúc Alpha bốn tuổi:

Một hôm, Alpha nhìn vào chén cơm của ba, hỏi:
Ba ơi, sao ba ăn nhiều quá vậy? Ba ăn nhiều để ba mau lớn hả?
Chẳng là vì ba hay bảo Alpha thế mà.
Ba bảo, Ba ăn nhiều để mau già, con à!
Không!
Sao lại không?
Con không thích ba già!
Sao con không thích ba già?
Vì ba già thì ba xấu!
Vậy con thấy ông bà nội có già không?
Dạ có.
Ông bà nội có xấu không?
Dạ [ngần ngừ], dạ không.
Chiều hôm đó, ba hỏi lại Alpha, Alpha ơi, nếu ba già thì con có thích ba không?
Dạ có.
Sao hồi sáng con nói không thích ba già?
Tại vì ba nói già cũng đẹp!

Mấy hôm nay, đề tài “già” cứ trở đi trở lại. Có hôm đến giờ đi ngủ, đột nhiên nước mắt lưng tròng. Hỏi tại sao, Alpha nói, tại con sợ ba mẹ già, ba mẹ đừng có già nhe. Có hôm ngồi trong quán ăn, Alpha nhìn sang bàn bên kia thấy một bà cụ da nhăn nheo, thế là lại khóc, vì sợ mai mốt ba mẹ giống bà cụ ấy.

***

Năm nay, lần đầu tiên nhà dựng cây thông Noel. Alpha và Pi tham gia trang trí cây thông rất hào hứng. Pi hào hứng thái quá, định cắm dây đèn vào ổ điện, bị ba quát nên dỗi một cục.




Tạm thời như thế này, từ từ rồi đặt thêm một số hộp quà dưới chân để che bớt cái đế lại. Còn Alpha và Pi đang bắt đầu mơ màng đêm Noel sẽ được ông già Noel tặng quà gì. Trong lúc đó, ông già và bà già Noel đang hội ý…


Linh tinh mùa Giáng Sinh 2010
Linh tinh mùa Giáng Sinh 2009

Sunday 4 December 2011

Quà từ Mỹ

Dạo này nhận quà nhiều quá nên tập trung tiêu thụ quà không viết lách gì. Đây là quà mới nhận từ Mỹ. Trân trọng cảm ơn các đối tượng có liên quan:)

Cuốn trên cùng là quà của người khác, không phải của mình. Mình cầm hộ thôi:)


Saturday 3 December 2011

Quà từ Úc



Đọc một đoạn trong Amulet thấy rất quen, chuyện cô thi sĩ trốn trong toalet khi lính chiếm trường đại học hình như Bolano đã kể ở đâu, có thể trong The Savage Detectives. Se kiểm tra sau.

Thursday 1 December 2011

Trong dòng sông của Heraclitus

Trong dòng sông của Heraclitus

Szymborska 

Trong dòng sông của Heraclitus
Con cá bắt cá
con cá phanh thây con cá bằng một con cá sắc
con cá xây con cá, con cá ở trong con cá
con cá bỏ trốn khỏi con cá bị bao vây.

Trong dòng sông của Heraclitus
con cá yêu con cá
Đôi mắt em - nó nói - sáng như cá trên trời
Cùng em đến vùng biển chung tôi muốn được bơi
ôi, em xinh đẹp nhất trong đàn cá.

Trong dòng sông của Heraclitus
con cá nghĩ ra một con cá siêu cá
con cá quỳ gối trước con cá, con cá hát cho con cá nghe
cầu xin con cá để được bơi thật nhẹ.

Trong dòng sông của Heraclitus
tôi con cá lẻ đơn, tôi con cá khác biệt
(dẫu chỉ khác với cá cây hay cá đá)
Đôi khi tôi viết về những con cá nhỏ
với lớp vẩy bạc ánh lên, nhanh đến nỗi người ta cứ ngỡ
đó chỉ là bóng đêm đang bối rối chớp mi.

(Thái Linh dịch)

Copy từ Facebook của dịch giả Thái Linh

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN