Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2025

Tuyết xuân - Yukio Mishima

Mishima là một trong những nhà văn mà tôi mến mộ bậc nhất. Tôi đã đọc không dưới chục cuốn của ông. Tuy đã nghe nhiều về bộ tứ Bể phong nhiêu, mà Tuyết xuân là cuốn đầu tiên, nhưng tôi lại chưa đọc cho dù có đôi lần hạ quyết tâm. Nay Tuyết xuân đã hiện diện trong tiếng Việt, được dịch trực tiếp từ tiếng Nhật, đọc sướng hơn vòng qua tiếng Anh nhiều, tôi đọc luôn một mạch ngay khi vừa nhận được sách. Bản thân điều này đã đáng nói nếu biết lúc nào tôi cũng đọc dở dang chừng chục quyển và đã từ lâu không ước lượng số sách chưa đọc trong nhà. 

Về căn bản, Tuyết xuân là một chuyện tình. Nhưng nó không phải là một chuyện tình lãng mạn theo lối thông thường. Nó không phải là chuyện thương thương nhớ nhớ tầm phào, không phải chuyện tình yêu sét đánh, cũng chẳng phải là chuyện tình ngọt ngào và man trá. Nó là một chuyện tình được viết bởi một nhà văn thấu đáo đến tận cùng bản thể con người.

Truyện lấy bối cảnh Nhật Bản đầu thế kỷ XX, khi làn sóng Tây phương dần dội vào tầng lớp quý tộc vốn đang rạn nứt. Kiyoaki Matsugae được miêu tả là một mỹ nam tử, là một thanh niên quý tộc được nuôi dạy trong nhung lụa, và Satoko Ayakura  - cô tiểu thư mang vẻ đẹp chín chắn, điềm đạm là hai nhân vật chính của câu chuyện. Việc Mishima dành nhiều trang tả đi tả lại vẻ đẹp của Kiyoaki là có thể hiểu được, nếu ta biết về nhân thân của nhà văn.

Nhưng Tuyết xuân không  đơn thuần là một câu chuyện tình giữa hai người trẻ tuổi. Đó còn là một cuộc va chạm giữa cảm xúc chân thật  và khuôn phép xã hội - va chạm đó sẽ dẫn tới bi kịch. Đáng nói hơn cả, Mishima rất tài khi cho thấy để một người trẻ tuổi hiểu được cảm xúc thật của mình chẳng phải là điều dễ dàng gì, và bi kịch kia hoàn toàn có thể tránh được nếu các nhân vật trẻ tuổi của chúng ta hiểu rõ bản thân sớm hơn một tí. Nhưng tuổi trẻ, đúng là tuổi trẻ, luôn đầy hoài nghi, ngờ vực về bản thân; có mấy ai dám khẳng định lúc mười tám, hai mươi mình đã hiểu rõ bản thân muốn làm gì hoặc yêu ai đâu. 

Đọc những trường đoạn phân tích tâm lý nhân vật của Mishima trong Tuyết xuân, tôi cứ băn khoăn ông có chịu ảnh hưởng của Dostoievski không. Câu trả lời dường như là có. Khả năng phân tích tâm lý, đặc biệt những mâu thuẫn trong tâm lý nhân vật của Mishima thật sự cao cường. Kiyoaki nói thẳng ra là một nhân vật khó ưa - cậu ta kiêu căng, ích kỷ, đầy mâu thuẫn, hành động bất nhất; nếu là bạn hay con ta thì ta chỉ muốn đá đít. Nhưng cùng lúc, ta thông cảm với cậu ta: trong sự do dự và yếu đuối của cậu ta, ta thoáng thấy chính mình. 

Ngôn ngữ trong Tuyết xuân vừa mang nét thanh nhã truyền thống Nhật Bản, vừa thấm đẫm kiểu lãng mạn Tây phương. (Tôi nhớ tới Tình cuồng của Raymond Radiguet.) Những đoạn miêu tả cảnh vật luôn nhẹ nhàng, như thể người viết đang thả từng giọt mực lên nền giấy đã được hong khô bằng gió xuân. Mishima viết về tình cảm, tình dục thật gợi tình mà vẫn luôn tao nhã. Đoạn này, tả cảnh hai người yêu nhau trên bãi biển, dưới ánh trăng: "Mọi thứ xung quanh họ, bầu trời sáng trăng, mặt biển lấp lánh, cơn gió phiêu diêu trên cát, rặng thông rì rào phía xa xa, tất cả đều hẹn trước sự diệt vong", như viết lại thơ Xuân Diệu "Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt/ Những vườn xưa nay đoạn tuyệt dấu hài."

Tuyến nhân vật phụ của Tuyết xuân, có những nhân vật chỉ thoáng qua nhưng có những phát ngôn hay được miêu tả cực kỳ đặc sắc. Bà nội của Kiyoaki chẳng hạn, bà xuất hiện chắc chỉ ở hai, ba trang giấy khi gia đình có chuyện khủng hoảng, nhưng nói những câu "vô tiền khoáng hậu mang âm hưởng như tiếng ngựa phi nước đại". Giọng nói của bà được tả là "như vang vọng từ một thời đại đầy biến động đã bị lãng quên...những phụ nữ tầm tuổi bà thuộc thế hệ những bà nội trợ có thể bình tĩnh rửa bát trên những dòng sông lềnh bềnh xác chết." Riêng cậu bạn Honda rất mực trung thành của Kiyoaki thì có vẻ mang một chút hình bóng của Mishima: tình cảm của Honda dành cho Kiyoaki dường như trên mức tình bạn, đặc biệt ở những đoạn Honda ngắm Kiyoaki nằm ngủ.

Tuyết xuân có lẽ là cuốn sách dành cho những tình yêu bất khả, dành cho những kẻ từng yêu một ai đó trong đời, từng khao khát được gần mà phải chọn đứng cách xa, hoặc từng day dứt vì những điều không thể cứu vãn. Tôi chờ đọc ba phần còn lại của Bể phong nhiêu. (Có bản tiếng Anh đấy, nhưng tiểu thuyết Á đọc tiếng Việt vẫn hơn.)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét