có bao nhiêu chỗ
ngồi sao em lại
chọn ngồi gần anh
trong tình trạng gần
như hoàn toàn khỏa
thân thưa nữ nhà
có bao nhiêu chỗ
ngồi sao em lại
chọn ngồi gần anh
trong tình trạng gần
như hoàn toàn khỏa
thân thưa nữ nhà
trịnh, ca từ, chất thơ,
triết lý, buồn, sầu, đau, miên viễn,
hoang hoải, trân quý, trăn trở, thai nghén, đến từ,
8/3, 20/11, giờ trái đất,
toàn cầu hóa, hiện đại hóa, công nghiệp hóa,
xanh hóa, kiên cố hóa, hợp thức hóa
văn hóa
chao ôi toàn những từ đáng sợ
phải đi
giải
sợ
***
Tôi đã sống như loài cây hoang dại. Cây hoang dại không được chăm sóc thường bị chết non, chết yểu nhưng cây nào còn sót lại sẽ sống tốt, sống khỏe. Tôi đã sống và lớn lên như thế đó. Và tôi cũng có thể tự hào nói rằng, tôi đã lớn lên bằng chính đôi tay, khối óc, mồ hôi, máu và nước mắt của chính mình.
Mười bảy tuổi, chuyện cơm áo gạo tiền đối với tôi là “vô tư”, là “không thành vấn đề”. Mười bảy tuổi, tôi là một aide-secrétaire (phụ tá thư ký) cho một đồn điền lớn của Pháp ở Blao (Bảo Lộc). Mười bảy tuổi, tôi quyết đi tìm mẹ. Không. Tôi đi tìm dấu tích của mẹ. Tôi xuôi về xứ nắng lửa mưa dầu để đến Cầu Bảo. Cầu Bảo là tên gọi xưa của Tháp Chàm. Tôi đứng tần ngần hồi lâu trước bệnh viện nơi trước đây là nhà thương thí, rồi tôi lại ngược lên Cầu Mống. Cầu Mống là chiếc cầu sắt giống hệt chiếc cầu của Dran nhưng ngắn hơn, chỉ có một nhịp mà thôi. Chiếc cầu này năm xưa khi qua tôi phải bò chứ chẳng dám đứng thẳng người mà đi. Cả bệnh viện lẫn chiếc cầu đều không gợi được cho tôi một hình ảnh gì về mẹ. Tôi thất vọng quay về. Tôi vòng lên Dalat, thăm hỏi, dò tìm. Cuối cùng tôi cũng tìm được ngôi nhà gỗ ngày xưa mẹ con tôi trú ngụ. May mắn làm sao, tôi có được tấm ảnh của mẹ. Mẹ đây rồi. Mẹ ngồi giữa hai người bạn. Tôi nhìn chăm chăm, bỗng bao nhiêu hình ảnh xưa hiện về. Mẹ đây rồi. Mẹ không đẹp lắm nhưng rất sang. Ở vào cái thời mà hầu hết phụ nữ trạc bằng tuổi mẹ đều ăn trầu, búi tóc thì mẹ không ăn trầu cũng không búi tóc. Tóc mẹ tết bím lỏng rồi quấn cao quanh đầu thật gọn gàng lịch sự. Trong ảnh mẹ mặc chiếc áo dài. Có những điều ta mới thấy đó rồi quên ngay nhưng cũng có những thứ nó ăn sâu vào tâm thức takhông bao giờ quên được. Như chiếc áo dài của mẹ, chỉ cần nhắm mắt một tí là tôi hình dung ra ngay, chiếc áo màu khói lam thật nhạt có những sọc trắng mờ, mặt vải bóng. Đây là xấp vải của một người bạn Pháp tặng mẹ. (Mẹ là một surveillante của trường nữ Pháp – Couvent des Oiseaux ). Buổi sáng khi đến trường mẹ mặc chiếc áo dài này, trên cổ buông lỏng sợi dây chuyền, bên ngoài mặc thêm chiếc manteau (áo măng – tô) tay xách giỏ mây, trông mẹ rất sang trọng ra dáng một “Quý Bà”.
Tôi đem ảnh mẹ nhờ thợ cắt xén rồi rọi lớn. Tôi đã có chân dung của mẹ. Trong những ngày sống lang bạt kỳ hồ tôi vẫn giữ kỹ ảnh mẹ một bên. Mãi sau này, khi đã có một tổ ấm riêng tư tôi mới đem ảnh mẹ đặt lên một chỗ trang trong. Tôi đề lên di ảnh:
Hai tám xuân qua chừ khôn lớn
Thì nay còn đâu mẹ hiền xưa
Đốt nén hương lòng con tưởng niệm
Công ơn trời biển mấy cho vừa
***
Tôi là kẻ ngoại đạo. Phật, Chúa đối với tôi là những người không quen biết. Một ngày tháng bảy theo bạn viếng chùa. Chùa đang vào hội Vu Lan. Một bầy chim nhỏ trong đồng phục áo lam cài sen trắng nhìn chúng tôi ngập ngừng dò hỏi, sau đó cài lên áo bạn tôi một bông hồng, còn tôi một hoa màu trắng. Tôi ngạc nhiên, bạn giải thích: Vu Lan là mùa Báo Hiếu. Những ngày này, con cái đều tưởng nhớ về cha mẹ, dù cha mẹ còn tại thế hay đã qua đời. Ai còn mẹ sẽ được hoa màu hồng, ai mất mẹ cài hoa màu trắng. Tôi mân mê đóa hoa mà thấy tủi thân vô cùng. Thì ra tôi đã mất mẹ. Đâu đây vang lên điệu hát:
Một bông hồng cho anh
Một bông hồng cho em
Một bông hồng cho những ai
Cho những ai đang còn mẹ…
Cám ơn Thiền Sư Nhất Hạnh đã du nhập về một mỹ tục đáng yêu.
Tôi theo đạo Phật từ đó. Tôi vào Gia Đình Phật Tử từ đó. Nơi đây tôi đã gặp biết bao bạn
bè cùng chung lý tưởng và sống chan hòa trong tình yêu thương dưới mái nhà Lam. Tôi yêu quý biết ngần nào, tôi nhớ nhung biết ngần nào cái Gia Đình Phật Tử Trúc Lâm bé nhỏ xa xưa của tôi.
***
Nếu ai hỏi tôi thèm gì nhất, chẳng cần đắn đo suy nghĩ tôi trả lời ngay: - Tôi thèm được gọi: “Mẹ, Mẹ ơi”! Có lẽ nỗi thèm khát đó đã đem lại cho tôi nhiều bà mẹ trong cuộc đời. Mẹ bạn là mẹ tôi. Có lần con gái bé bỏng của tôi bật nói: “Mình có nhiều bà nội quá há! Bên này có bà nội, bên kia có bà nội, ở Sài Gòn cũng có bà nội rồi trên bàn thờ cũng có bà nội nữa”. Tôi bật cười, con gái tôi đâu có biết tôi thèm có mẹ biết bao nhiêu. Bà mẹ nào tôi cũng yêu quý kính trọng nhưng tôi quý nhất là Má Năm.
Má Năm là mẹ của Chi, bạn tôi. Má Năm có món mì quảng tuyệt cú mèo. Cứ ra chợ Dran hỏi bà Năm Nhã bán mì quảng là ai cũng biết. Tội nghiệp Má Năm quanh năm tần tảo, chỉ với một ngôi nhà xiêu vẹo, một gánh mì quảng con con mà Má Năm đã nuôi được Chi ăn học tận Sài Gòn. Chi muốn gì cũng có, chỉ cần hê lên một tiếng là Má Năm chắt bóp mua cho bằng được. Nào quần là áo lượt, nào xe đạp, bút máy, giầy tây, Chi không thiếu một thứ gì. Lâu lâu tôi ghé thăm, câu đầu tiên Má Năm nói là: “Tổ cha bây, đi đâu mà mất biệt. Ngồi đó, ngồi đó… để tao làm cho tô mì ăn nghen.” Ôi, câu mắng đầy yêu thương, tôi nghe ấm cả lòng. Bưng tô mì quảng, tôi xì xụp vừa ăn vừa húp, sao mà ngon thế. Ngon không phải vì cọng mì dai dai hay sợi hủ tiếu chiên giòn giòn, cũng không phài do cái ngòn ngọt của thịt hoặc vị bùi bùi của đậu phụng rang mà nó ngon vì Má Năm đã nêm vào đây một chút tình thương chân thật.
Vợ chồng Chi lên Đắc Lắc lập nghiệp, Má Năm đi theo, từ đó biệt vô âm tín. Thời gian sau, một hôm tôi tình cờ biết được Má Năm đã trôi giạt lại về Dran rồi mất ở Lạc Xuân. Tôi tìm vào thăm, bàn thờ Má Năm hương tàn khói lạnh nằm khiêm tốn ở góc nhà của một người bà con xa dị giáo. Tôi xin phép rồi rước hương linh Má Năm về thờ ở chùa Giác Hoàng trong lúc vợ chồng Chi vẫn còn nằm trong trại cải tạo. Thế là tôi lại mất thêm một người mẹ.
***
Bạn còn mẹ ư? Tôi ganh tị với bạn nhưng tôi cũng thật lòng chúc mừng bạn. Mẹ là báu vật, bạn hãy trân trọng giữ gìn báu vật của mình.
Bạn mất mẹ ư? Tôi xin chia sẻ và thông cảm nỗi khổ đau của bạn vì nỗi khổ đau này tôi đã trải qua.
Dale Carnegie nói: “L’homme est un roseau, le plus faible de la nature mais c‘est un roseau pensant – Con người là một cây sậy, yếu ớt nhất trong thiên nhiên nhưng là một cây sậy biết suy nghĩ”. Hỡi những cây sậy biết suy nghĩ, hãy cho phép tôi được nói một điều, chỉ một điều mà thôi: “Hãy yêu quý mẹ, đừng bao giờ làm mẹ buồn, đừng bao giờ để mẹ phải rơi lệ bạn nhé!”
Lamnguyên
Tháng ba 2010
Tôi sốt. Suốt ngày dang nắng đã rồi lại trầm mình dưới suối, tôi bị sốt li bì lúc tỉnh lúc mê. Suốt đêm mẹ ngồi bên cạnh. Cứ mở mắt ra tôi lại thấy mẹ cầm cái quạt mo cau phe phẩy cho tôi. Nào chanh, nào gừng mẹ xin về cho tôi uống. Đến khi tôi khỏe lại bình thường cũng là lúc mẹ tôi ngã bệnh. Ba hôm liền mẹ không ăn được chút gì. Buổi tối, mọi người xúm quanh bên mẹ tôi, xầm xì bàn tán. Rồi sáng hôm sau, hai người đàn ông khỏe mạnh khiêng mẹ tôi ra nhà thương. Mẹ nằm im trên chiếc võng rách, tôi lúp xúp chạy theo, tay xách cái bị lát với vài bộ quần áo.
Đây là nhà thương thí, nơi bệnh nhân được điều trị và ăn uống không mất tiền. Nơi đây chỉ dành cho những người bần cùng. Thuốc men thiếu thốn. Mỗi ngày y tá chỉ đến phát thuốc một lần rồi thôi. Tôi đi lấy phần ăn cho hai mẹ con. Hai bát cháo lỏng bỏng và hai đôi đũa, ăn cháo bằng đũa thật nực cười. Tôi chỉ húp cái xoẹt là xong. Tôi dùng đũa để đút cháo cho mẹ, mẹ chỉ khẽ lắc đầu rồi nằm thiêm thiếp. Tôi húp luôn phần cháo của mẹ. Tôi thường ra đứng trước cổng bệnh viện. Ở đây có nhiều hàng ăn. Trời đất ạ! Nồi cháo lòng bốc lên cái mùi thơm phưng phức, tôi giương mũi lên hít lấy hít để, nước bọt ứa ra, tôi nuốt ực một cái rồi thè lưỡi liếm môi. Tôi ước ao, rồi một lúc nào đó mình sẽ được ăn một tô cháo đàng hoàng.
***
Tính cả ba hôm nằm ở vườn chuối đến nay là sáu ngày rồi mẹ không ăn uống gì cả. Khác với mọi hôm, sáng nay tôi thấy mẹ khỏe ra. Mẹ ra dấu cho tôi đến gần rồi nhìn tôi với ánh mắt khác lạ, mắt mẹ rơm rớm. Mẹ dúi vào tay tôi tờ giấy bạc một đồng nhàu nhò rồi mấp máy: “Cho con ăn bánh”. Mẹ có tiền! Tôi không nghĩ mẹ có tiền, lại càng không nghĩ mẹ cho tôi tiền. Mẹ lại nằm thiêm thiếp. Mẹ ơi, mẹ cho con thật hả mẹ? Con đi ăn cháo nghen mẹ. Con đi ăn cháo đây. Trời ơi, làm sao tôi biết được giây phút lóe sáng của ngọn đèn sắp tắt. Cái giây phút tỉnh táo của mẹ là tàn lực của kẻ biết mình sắp lìa đời.
***
Tôi ngồi chễm chệ trên cái đòn rồi nói: “Bán cho con năm cắc cháo”. Như sợ bà hàng không tin, đưa trước tờ giấy bạc cho bà. Coi kìa, tô cháo đầy tú hụ, mấy miếng thịt trải lên trên, một miếng huyết đỏ au, thêm một chút hành ngò, một chút tiêu, chỉ mới nhìn thôi đã chảy nước miếng. Hai tay bưng tô cháo nâng cao, tôi dí sát mũi vào “công khai” hít một hơi thật dài, thật sâu. Chao ôi, cái mùi vị sao mà quyến rũ. Tôi chậm rãi ăn từng muỗng. Tôi nhai. Nhai. Nhai thật kỹ rồi mới nuốt. Tôi không biết nem công chả phụng ngon thế nào. Tôi không biết yến sào, vi cá ra sao nhưng tôi tin chắc những thứ ấy không thể nào sánh được với tô cháo này. Nó ngon không thể nào tả nỗi. Rồi tô cháo cũng hết. Tôi liếm cái tô rồi mút cái muỗng. Giờ thì cả tô lẫn muỗng đều sạch bóng như vừa được rửa xong. Nhìn cái muỗng sáng choang, trong đầu tôi chợt lóe lên một ý nghĩ: tôi muốn lấy cái muỗng này. Có cái muỗng tôi sẽ đút cháo cho mẹ. Có cái muỗng chắc mẹ sẽ ăn được chút ít. Tôi cuộn cái muỗng vào lưng quần, rón rén đứng dậy đi giật lùi vài bước rồi xoay người chạy biến. Tôi là thằng ăn cắp. Tôi đã ăn cắp chiếc muỗng. Tôi thấy lòng bức rức, mình đã làm tầm bậy. Bỗng tôi chợt nhớ ra, mình vẫn chưa lấy tiền thối lại, như vậy cái muỗng này đáng giá năm cắc. Thôi thế cũng được, chắc cũng chẳng bên nào bị thiệt thòi.
Chạy vào chưa tới cửa phòng tôi đã hét lên: “Mẹ ơi, mẹ ơi ! Con cho mẹ cái này”. Tôi sựng lại, nhìn chiếc giường trống trơn. Mẹ đâu rồi nhỉ? Mẹ tôi thì làm sao có thể đi đâu được chứ. Bà cụ nằm cuối phòng cất tiếng: “Mẹ cháu chết rồi, người ta mang đi chôn gần cả tiếng đồng hồ rồi”. Tôi sững người. Đêm hôm ấy tôi nằm co ro trên giường, hai tay ôm khư khư chiếc muỗng. Tôi suy nghĩ lung tung. Mẹ chết lâu không? Mẹ chết mấy ngày rồi mẹ trở lại? Tôi chìm dần, chìm dần trong mộng mị. Tôi chơi vơi, bềnh bồng…
Ánh sáng xuyên qua cửa sổ rọi vào mắt. Tôi choàng dậy, căn phòng trống trơn. Bà cụ nằm giường cuối chắc đã ra ngoài. Chiếc muỗng tôi yêu thích đã không cánh mà bay. Thế là mẹ đã bỏ tôi mà đi thật rồi. Chiếc muỗng cũng bỏ tôi mà đi rồi. Tôi không khóc. Mẹ thường nói: “Con trai con lứa mà khóc xấu lắm”! Tôi không khóc. Mà sao chiếc gối ướt đẫm thế này!
***
Tôi không biết tại sao mình có thể nằm đây. Tôi đang nắm sấp dưới gầm dãy ghế của toa tàu. Chắc hẳn đó là bản năng sinh tồn. Toa tàu hạng ba, ở giữa xếp ngổn ngang hàng hóa và hành lý, hai bên người ngồi ken cứng. Tôi nằm như thế để trốn người xét vé. Tàu lên đèo cà giựt, cà giựt, đã mấy lần đầu tôi va vào chân ghế đau điếng. Rồi tôi cũng theo được những người hồi cư về lại Dran.
***
(còn nữa)
Tôi sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu. Mới lên tám tôi đã chịu cảnh mồ côi. Nhớ lại một sáng mùa thu năm ấy…
Mỗi khi nhắc đến mùa thu ta thường nghĩ về nắng vàng gió nhẹ. Bầy trẻ tung tăng cắp sách theo mẹ đến trường. Đêm về, trăng thu vằng vặc, có chú cuội cây đa. Có tiếng trống rộn ràng theo nhịp lân múa và bầy trẻ rước đèn chờ giờ phá cỗ. Không hề có an bình như thế. Đây, một mùa thu xám xịt. Thu khói lửa…
Mấy hôm nay súng nổ nhiều quá. Tiếng nổ đì đùng lúc nhặt lúc thưa, có lúc làm một tràng dài khiến ai nấy đều hoang mang lo lắng. Người ta truyền tai nhau: “Chạy giặc” . Chạy giặc? Hai từ thật lạ lẫm. Tôi chưa thể hình dung ra chạy giặc là như thế nào. Mẹ thu vén cả giang san vào một đầu thúng. Còn đầu thúng kia mẹ lót chiếc mền rồi đặt em tôi vào đó. Mẹ quảy gánh lên cùng lúc nắm lấy tay tôi rồi bắt đầu…chạy giặc. Tôi, một thằng bé suốt ngày tha thẩn quanh nhà xó bếp bỗng nhiên được chạy nghênh ngang ngoài đường. Tôi thích chí lắm. Nhìn ngang nhìn dọc, bọn trẻ cùng lứa cũng như tôi, vừa chạy lon ton vừa cười. Em tôi ngồi trong chiếc thúng vừa gục gặc đầu vừa cười như nắc nẻ. Đông. Vui. Chạy giặc thế này thì thích thật. Mà sao chạy lâu thế nhỉ? Tôi đã thấm mệt, đôi chân nặng dần mà chẳng thấy đoàn người dừng lại.
Hôm sau, chúng tôi dừng chân lại ở một làng quê hẻo lánh. Dran đây ư? Sao Dran hoang sơ vắng vẻ thế. Rải rác vài mươi liếp nhà tranh, thi thoảng mới thấy một ngôi nhà ngói. Đường sá vắng tanh. Chúng tôi tá túc tại nhà bà Bếp Ba, một bà cụ tốt bụng ở Xóm Làng. Bà có một đàn bò thường ngày thả rong ở triền núi, tối mới lùa về. Mấy hôm nay chộn rộn nên đàn bò bị nhốt trong chuồng. Suốt ngày hết long rong trong vườn tôi lại quanh quẩn bên chuồng bò. Tôi nghịch ngợm với mấy chú bê. Thấy vậy, bà bảo: “Hôm nào về bà cho một con đem về mà nuôi”. Bà nói đùa mà tôi tưởng thật, lại càng quấn quýt với đàn bò hơn. Cái xứ Dran khí hậu sao mà khắc nghiệt, gần nửa buổi sáng chưa thấy mặt trời, chiều chưa tắt nắng sương mù đã giăng phủ kín. Tiếng chim kêu vượn hú mới não nùng làm sao. Những tưởng tạm lánh đôi ngày rồi trở về phố thị. Ai dè…
Buổi trưa im ắng lạ thường. Tiếng gà gáy lạc điệu từ xa nghe rõ mồn một. Bỗng có tiếng loa vang. Mọi người đổ dồn ra đường. Trên bậc cấp cao nhất của ngôi chùa làng, một anh thanh niên vác chiếc loa thiếc dài ngoằng đang cố hết sức gào to: “Mặt trận Phi-Nôm (Fimnom) vỡ rồi, bà con mau tản cư”. Lặp đi lặp lại đôi ba lần rồi cả người và loa đều biến mất. Thế là, không ai bảo ai, kẻ gồng người gánh, đùm túm dắt díu nhau đổ dồn về miệt đồng bằng.
***
Lúc này đoàn người tản cư không còn chạy theo quốc lộ mà dạt lên rừng. Tôi vẫn chạy lúp xúp bên cạnh mẹ. Em tôi hai tay tì mép thúng, mở to đôi mắt tròn xoe, đen lay láy nhìn tôi, nó nghiêng bên này, ngoẹo bên kia, nheo nheo mắt như muốn trêu tôi. Em tôi dễ thương quá. Tiếng chân dẫm lên lớp lá thông khô nghe xào xạc. Đoàn người vẫn lầm lũi nối đuôi nhau như đoàn dân Do Thái đang tìm về miền đất hứa.
Tiếng súng nổ nghe giòn hơn, như gần hơn. Trên bầu trời nhá nhem, xám xịt, những tia lửa đạn đan chéo nhau như những dải pháo hoa. Đạn bay vèo vẻo, tiếng cành cây gãy đỗ phá vỡ sự im lặng của đoàn người đang câm lặng. Có tiếng ai gọi… chị ơi, chị ơi! Nhìn em bé thử… Mẹ tôi dừng lại, đặt gánh xuống, ngoái đầu rồi đổ sụm người ôm lấy chiếc thúng. Em tôi nằm ngoẹo cổ sang một bên, hai tay vẫn còn bám chặt mép thúng. Bất động. Máu đã thấm đẫm áo em. Còn mẹ tôi trong tích tắcnhư trở thành một con người khác. Mẹ già hẳn đi. Tóc tai rũ rượi, mặt mũi bơ phờ, gương mặt không còn thần sắc. Vài người dừng chân giúp mẹ đào một cái hố nông choẹt chỉ vừa chỗ đặt chiếc thúng rồi vội vội vàng vàng lấp lại qua loa, phủ thêm một lớp lá khô lên mặt. Tên bay đạn lạc đã cướp mất em tôi. Người ta lôi mẹ dậy. Bây giờ mẹ đội cả gia tài lên đầu, một tay nắm chặt tay tôi rảo bước. Tôi lê chân đi mà mắt cứ ngoảnh lại nhìn, tôi muốn xem thử em tôi có chạy theo không. Lòng tôi nặng trĩu. Em tôi mãi mãi nằm lại nơi này. Em tôi đã chết như thế đó, nó nằm khoanh tròn trong chiếc thúng như con chó đói.
***
Qua khỏi vùng rừng núi, đoàn người tản cư giờ lại chạy theo quốc lộ. Họ đã chia năm xẻ bảy thành nhiều nhóm, mỗi nhóm tùy chọn một nơi đến. Họ đi như bầy thú hoang cứ nhắm mắt theo con đầu đàn. Nhóm chúng tôi lớn nhỏ hơn hai chục người chuẩn bị vượt sông. Vượt sông. Dòng sông Mai Nương mùa này cạn ngắt. Người lớn lội qua chỉ quá gối còn lũ trẻ phải đến ngực. Mọi người giúp nhau qua dễ dàng. Trời tối dần, tối dần…Xuyên qua xóm dân cư thưa thớt, đoàn người cứ lầm lũi đi trên bờ ruộng. Cuối cùng rồi tất cả cũng dừng lại trong một khu rừng chuối. Tôi không thấy mẹ đâu nữa. Qua mấy ngày cùng chung hoạn nạn, ai nấy đều coi nhau như trong một đại gia đình. Mọi người trấn an, dỗ dành tôi. Không sao đâu, mẹ sẽ trở lại mà. Tôi ngồi thu lu suốt đêm bên gốc chuối. Chiều hôm sau, quả thật mẹ tôi đã trở lại. Vừa trông thấy, mẹ đã ôm chầm lấy tôi rồi khóc tức tưởi. Mẹ ôm chặt quá khiến tôi đau điếng, tôi cố vùng ra mẹ lại càng ôm chặt hơn cứ như mẹ sợ tôi trôi tuột đi mất.
Khu vườn chuối rộng thênh thang giờ đã thành một xóm ngụ cư. Mỗi gia đình chọn một góc,sắp xếp dọn dẹp để làm chỗ ở. Mẹ kéo lê những thân chuối ghép lại, trải lên thật nhiều lá khô, trên cùng là manh chiếu. Đó là tổ ấm của gia đình tôi. Hai mẹ con nằm dài lên đó, dang thẳng tay chân. Bao nhiêu mỏi mệt của mấy ngày qua rơi rụng dần dần. Tôi thiêm thiếp rồi chìm sâu vào giấc ngủ.
Từ trong khu vườn nhìn ra là cánh đồng bát ngát. Lúc này lúa đã chín vàng trĩu hạt. Mỗi khi làn gió nhẹ thổi qua sóng lúa lại dập dềnh, vài cánh cò trắng bay la đà khiến cho ta có cái cảm giác bình an. Dân địa phương đã vào mùa gặt. Ở những thửa ruộng đã gặt xong, nhóm người ngụ cư lại dàn hàng ra đi mót. Mỗi người một cái bị, họ nhặt nhạnh những hạt lúa rơi vãi, những tép lúa còn sót cho vào bị. Chính những hạt lúa mót này đã cho những con người khốn khổ đủ sống lây lất qua ngày.
***
Hôm nay có tát đìa. Đìa nằm ở rìa cánh đồng sát với xóm ngụ cư. Từ sáng sớm, một nhóm có hơn mười người kéo đến. Họ mang theo nào gầu, nào thùng, rổ rá… Theo lệnh của một người, chắc là chủ đìa, họ be bờ, tát nước. Gần đứng bóng nước đã cạn kiệt. Xem kìa, cá ơi là cá. Những con lóc, con trê, con rô thi nhau uốn mình nhảy đành đạch. Người ta xúc cá cho vào giỏ, vào thùng. Rõ ràng chủ đìa đã được một mùa bội thu. Khi bọn người tát đìa rút đi thì cũng là lúc gần như cả cái xóm ngụ cư đều nhảy ùm xuống nước. Người nào người nấy lấm lem từ đầu đến chân. Mẹ chộp được một con lóc bằng nắm tay chưa kịp vứt lên bờ thì chú cá đã vọt lại xuống sình. Một anh thanh niên gần đó vội tóm lấy. Mẹ tôi giành lại. Thế là “chiến tranh” xảy ra. Cãi cọ. La lối. Mẹ phùng mang trợn mắt như muốn ăn tươi nuốt sống đối phương. Trông mẹ thật dữ tợn. Cuối cùng rồi mẹ cũng lấy được con cá. Gương mặt mẹ tôi giãn nở, trở lại trạng thái bình thường. Mẹ nhìn tôi rồi nhoẻn miệng cười. Nụ cười mới ấm áp làm sao. Mãi sau này lớn lên tôi mới hiểu. Người mẹ nào cũng vậy, vì con, vì miếng ăn cho con, mẹ có thể làm bất cứ điều gì. Tôi được một bữa ăn đặc biệt. Mẹ nướng cá. Mùi cá thơm lừng lựng. Mẹ nói: “Giống cá đồng này xương dữ lắm!” Vừa nói mẹ vừa tỉ mẩn rút từng cái xương nhỏ, phần thịt cá mẹ dành cho con trai, còn mẹ nhai, mút những chỗ còn lại. Tôi đã từng ăn uống ở nhiều nhà hàng sang trọng, đã từng thưởng thức biết bao món ngon vật lạ nhưng chưa bao giờ tôi có lại cái cảm giác ngon miệng như bữa ăn trưa hôm ấy.
***
(còn nữa)
Khói thuốc chiều sông, hỡi dáng người !
Phương nào đôi mắt ngó xa xôi
Nào ai biết được niềm u ẩn
Từng lắng nhiều trong những mảnh đời
Tôi viết chiều nay, chiều tưởng vọng
Làm thơ mình lại tặng riêng mình
Sông trôi luống gợi dòng vô hạn
Biền biệt ngày xanh xa ngày xanh
Thời đại bao lần khô nước mắt
Hoa đèn riêng gửi chút tâm tư
Ngắn dài đã học người thiên cổ
Vạn đại sầu lên chẳng bến bờ
Chiều ấy em về thương nhớ ai ?
Tôi chắc đường đi đã rất dài
Tim tím chiều hôm lên bóng núi
Dọc đường mờ những cánh hoa phai
Một chút linh hồn nhỏ
Ði về chân núi xanh
Màu tím chiều chầm chậm
Hoàng hôn nghe một mình
Giáo đường chuông rời rạc
Tan vỡ nhiều âm thanh
Một chút linh hồn nhỏ
Ði về chân núi xanh
Còn đây là một entry có liên quan đến Mắt người Sơn Tây
Cách đây hơn hai tuần, tôi có đi xem vở kịch Ngàn năm tình sử (đạo diễn Thành Lộc, tác giả kịch bản Nguyễn Quang Lập) của IDECAF tại Nhà hát Bến Thành. Đây là một vở kịch về mối tình giữa Lý Thường Kiệt và người yêu tên là Thuận Khanh. Đại khái, thời trẻ hai người yêu nhau, rồi Lý Thường Kiệt vào quân ngũ, định vài năm công thành rồi về lấy Thuận Khanh làm vợ. Ngờ đâu, Thuận Khanh bị kẻ gian ton hót nên bị đưa vào triều làm cung nữ. Lý Thường Kiệt nghe tin, quyết định tự hoạn để trở thành thái giám hòng có cơ hội gần gũi người yêu. Bốn mươi năm sau, vua băng hà, các cung nữ được trả về quê. Lý Thường Kiệt gặp lại Thuận Khanh trong đau đớn. Chuyện Lý Thường Kiệt tự hoạn có ghi trong chính sử, còn lại tất nhiên là hư cấu. Bên cạnh tuyến kịch chính này, còn có tuyến kịch phụ khắc họa sự ghen tuông và đau khổ khi bị nhà vua bỏ rơi của hoàng hậu Thượng Dương, người sau đó uống thuốc độc tự vận vì quá tin kẻ gian mà mang tiếng phản bội đất nước.
Vai Lý Thường Kiệt do Thành Lộc đảm nhiệm. Mặc dù vẫn rất tài năng nhưng có lẽ Thành Lộc chỉ diễn tốt vai Lý Thường Kiệt lúc đã là hoạn quan. Còn trước đó, sự hạn chế về hình thể, tuổi tác và chất giọng khiến anh không thể nào diễn ra được một thanh niên Lý Thường Kiệt trẻ trung, nghịch ngợm, đắm say trong tình yêu và khỏe khoắn, uy dũng trong những pha múa võ. Nếu như diễn ra được những phẩm chất đó của Lý Thường Kiệt khi trẻ, người xem hẳn sẽ đồng cảm hơn với nỗi đau tinh thần và thể xác khi nhân vật Lý Thường Kiệt mất người yêu và một phần thân thể. Tương tự, Thanh Thủy có lẽ chỉ nhập vai khi Thuận Khanh đã tiến cung, khắc khoải nhớ người yêu và mòn mõi đợi chờ ân sủng nhà vua; còn thì chị cũng không diễn ra được cô thôn nữ Thuận Khanh trẻ trung, xinh đẹp và trong sáng.
Ngay cả khi hai diễn viên chính diễn nhập vai hơn ở phần sau vở kịch, nghĩa là khi các nhân vật đã trải qua những biến cố đau thương và đã thêm nhiều tuổi, Ngàn năm tình sử cũng không lúc nào cho người xem cảm giác thỏa mãn: nó thiếu cao trào, thiếu kịch tính. Cao trào được dự định có lẽ là trường đoạn Thuận Khanh và Lý Thường Kiệt gặp lại nhau sau bốn mươi năm, Thuận Khanh muốn mà Lý Thường Kiệt không thể. Tuy nhiên, người xem (ở đây là tôi) vẫn không thể nào có được cảm giác quặn thắt, xót xa mà hẳn là các tác giả vở kịch mong muốn. Có một cái gì đó thiếu thiếu: có thể là đài từ của diễn viên quá điệu đà (lúc này chỉ nghe chứ không nhìn thấy nét mặt, vì hai người diễn xuất sau một tấm màn), có thể là lời thoại chưa đích đáng. Mà nói chung, cả vở kịch không có câu thoại nào đích đáng – cái này rõ do kịch bản. Kể cả nhân vật Lý Đại Gia, kẻ đã đưa Thuận Khanh vào cung và lừa hoàng hậu Thượng Dương – một nhân vật hoàn toàn có đất để nói những lời độc địa lại chỉ nói những câu tương đối hiền lành. Trong khi đó, ở tuyến kịch phụ và hầu như không có liên kết với tuyến kịch chính, hoàng hậu Thượng Dương lại được dành cho quá nhiều thời gian, riêng đoạn Thượng Dương chuốc thuốc độc các cung nữ và tự vận phải gần mười lăm phút, làm người xem hết sức sốt ruột.
Bắt mắt và bắt tai hơn cả là những màn múa hát với sự tham gia của đông diễn viên - phải ghi nhận rằng các diễn viên đều múa và hát khá tốt và đạo diễn Thành Lộc đã sử dụng âm nhạc và vũ đạo để thể hiện nhiều không khí khác nhau từ mùa xuân tình yêu ở đầu vở kịch đến không khí chiến trường ở phần sau. Phần nhạc do Đức Trí soạn mượt mà, với những tiết tấu rất đặc trưng Đức Trí. Tuy nhiên, chính trong cách sử dụng nhạc để diễn cũng có vấn đề: thứ nhất là lời bài hát quá trẻ trung, không hợp với thời gian câu chuyện, khiến cho nỗi đau trong chuyện tình Lý Thường Kiệt - Thuận Khanh mang dáng dấp nỗi đau của một chàng trai 8x bị người yêu đá; và thứ hai, Thành Lộc và Thanh Thủy hát không tồi, nhưng không đủ tốt để đơn ca những đoạn “cao trào”.
Dựng lại nhân vật Lý Thường Kiệt không phải từ góc độ một vị tướng lừng lẫy mà từ góc độ một con người với những tình cảm riêng tư và có phần nhạy cảm, lẽ ra Ngàn năm tình sử phải là một vở kịch rất đáng xem. Tuy nhiên, một kịch bản nhạt nhòa, tản mác cộng với việc chọn diễn viên chưa thật sự hợp lý khiến cho Ngàn năm tình sử chỉ có thể là những mảnh vụn tình sử.
Đã thành lệ, cứ mỗi độ tháng ba về, khi Sài Gòn đang nóng như đổ lửa, khi mà để bước chân ra đường người ta phải chiến thắng một sự ngần ngại lớn lao, thì hội sách được khai mạc. Mấy năm trước, khi hội sách còn được tổ chức ở hội trường thành ủy, người ta còn có chỗ chui vào để tránh nóng. Vài năm gần đây, các nhà tổ chức lôi nhau ra Công viên Lê Văn Tám để sách và người cùng được phơi dưới cái nắng chói chang tháng ba, cứ như không phơi được thì bị mốc. Hội sách được khai trương vào ngày thứ hai, cái ngày mà ngay cả những người yêu sách nhất cũng khó có thể trốn việc đi phơi nắng và xem sách được. Chọn thời điểm khai trương và không gian tổ chức như vậy, nên không lấy gì làm lạ đâu đấy đã có tiếng kêu ca sách ế, sách đại hạ giá. Thì rõ ràng, thời buổi thóc cao gạo kém, sáng mở mắt đọc báo thấy giá điện giá nước tăng, tối quờ tay cầm rì-mốt mở tivi nghe xăng lại tăng giá nhà nhập khẩu vẫn kêu là lỗ, nhu yếu phẩm đều tăng như thế nên làm sao mà người tiêu dùng ưu tiên cho những thứ không phải là nhu yếu phẩm như sách được. Không điện không nước thì chết, không xăng thì què, chứ không sách vẫn sống khỏe chán, thế nên muốn mọi người đến với hội sách nhiều hơn có lẽ các nhà tổ chức nên nghĩ lại về thời gian và địa điểm. Sao không tổ chức vào tháng 12 chẳng hạn – cái tháng mà thời tiết Sài Gòn đẹp nhất ấy? Những ngày tiết trời mát mẻ nắng vàng dịu dàng có phải là khi mà người ta quên bớt nỗi lo cơm áo gạo tiền để dành nhiều thời gian và hy vọng là nhiều tiền hơn cho sách không?
Trời nóng khiến người cũng nóng, uống trà Dr Thanh mà cũng không hạ! Hôm kia bỗng dưng nhiệt độ trong người bỗng nhiên dâng lên bất bình thường, xong rồi vừa gặp cơn gió thổi vào nhà lại run run lập cập: thế là ốm con bà nó rồi. Thảo nào sáng dậy, thấy có cục gì ngang cổ nuốt mãi không trôi, hóa ra là đau họng. Hôm nay đỡ đỡ rồi, nhưng cũng còn vất vưởng lắm. Có lẽ hội sách năm nay không đi được mất. Thế nên bạn nào đi được khuân hộ ít, dĩ nhiên nếu tặng luôn thì cảm ơn.
Vài dòng thế thôi cho blog đỡ mốc:).
Trong tiếng Anh, corn là bắp, nhưng corny không có nghĩa là “rất bắp”! Corny có nghĩa là nhàm, là nhàu nhĩ. Nếu xem American Idol, bạn sẽ để ý thấy giám khảo Simon Cowell hay dùng từ này.
Trong Catcher in the Rye (Bắt trẻ đồng xanh), có một từ rất hay là phoney. Phoney có nghĩa là giả, không chân thành.
Từ corny đến phoney, khoảng cách không quá xa.
***
Có một số lý do khiến tôi không thích ngày 8/3 lắm.
Tôi không thích những trò đùa nhàu nhĩ hay được phát tán vào ngày này bằng email, tivi, hay báo.
Tôi không thích thấy hoa tăng giá; chỉ có chủ sạp hoa thì cười tươi như hoa tươi, còn lại từ người trồng hoa đến người mua hoa đều cười méo như hoa héo. Để tặng hoa hay quà cho những người mình yêu quý, cần gì phải đợi đến ngày 8/3.
Tôi không thích những lời chúc tụng, đặc biệt những lời chúc tụng theo kiểu “đại trà”. Nói chung, tôi không bao giờ thích những lời chúc tụng, mặc dù đôi lúc “vì hoàn cảnh” thì vẫn phải nói. Cái này chắc là vì chịu ảnh hưởng của Phan Thị Vàng Anh, người từng có một truyện ngắn trong đó có nhắc đến những tấm thiệp và những lời chúc không bao giờ trở thành hiện thực.
Tôi cho rằng đối xử tử tế đối với phụ nữ quanh năm thì tốt hơn là ca ngợi họ, tặng hoa cho họ, nói những lời có cánh với họ vào ngày 8/3, nhưng những ngày khác thì chẳng ra sao cả. Thế nhưng, đối với khá nhiều người, ngày 8/3 là ngày để họ đi tìm sự tử tế đã mất. Ngày 8/3 đi thì sự tử tế cũng ra đi, mọi việc đâu lại vào đấy.
***
Tôi ghét ngày 8/3, nhưng tôi luôn yêu những người phụ nữ của tôi: mẹ, chị, vợ và con gái.