Cứ mỗi lần đến Singapore, khi ngồi trên taxi từ sân bay về trung tâm thành phố, khi những tán cây xanh vù vù trôi qua mắt, là tôi lại lẩm nhẩm câu hát tự chế nhại theo Bob Dylan: How many trees that you have planted/ before you become so green? (Bob Dylan: How many roads that a man walk down/ before you call him a man?). Tôi hình dung ra rằng ở Singapore này có lẽ người ta chẳng làm việc gì khác ngoài việc trồng cây, tưới cây, tỉa cành, bón phân và thậm chí trèo lên từng cái cây một để lau bằng sạch từng hạt bụi bám trên từng chiếc lá, nếu không sao cây lại nhiều, xanh và sạch thế kia? Tất nhiên đấy là một hình dung cực đoan và hết sức ngớ ngẩn, vì rằng chẳng có quốc gia trên thế giới nào mà toàn dân dành toàn bộ thời gian vào việc trồng cây cả. Đảng, Nhà nước và nhân dân Singapore còn nhiều việc khác để làm. Chỉ trồng cây không thì GDP đầu người không xếp ở vài hạng đầu thế giới được. Lúc ăn tối ở nhà H, tôi đem chuyện cây cối ra hỏi. H cười, bảo, tại vì Lý Quang Diệu của chúng tao rất thích trồng cây. Tôi nói Hồ Chí Minh của chúng tao cũng thích trồng cây, thậm chí còn phát động Tết trồng cây và nói “Vì lợi ích mười năm trồng cây”, nhưng rất buồn trên đất nước chúng tao rừng mất đi từng ngày, cây xanh giữa Hà Nội qua đêm còn trơ gốc còn ở Sài Gòn có công viên nháy mắt trở thành nhà chọc trời.
H là đồng nghiệp của tôi ở Singapore. Chúng tôi vào công ty cùng năm, H trước vài tháng. Có lẽ nhờ đó, và có lẽ nhờ tính tình đều tếu táo nên chúng tôi khá hợp nhau, mặc dù một năm gặp nhau chỉ một, hai lần. Chẳng gì vui hơn khi nói xấu sếp và công ty mà có người tán thưởng! Đùa tí, chứ sếp của tôi và H cũng tếu táo chả kém, đặc biệt có khả năng nói đùa mà không thay đổi giọng cũng như nét mặt. Lần này sang Singapore, H mời chúng tôi đến nhà ăn tối. H tự tay làm món risotto – một món cơm trộn nấm và vang trắng kiếu Ý - và bò rô-ti khá ngon (vợ H không thích và không biết nấu ăn – con gái Sin điển hình); còn sếp, một chuyên gia rượu vang có bộ sưu tập hơn ngàn chai, mang đến hai chai vang lâu năm, một chai mua ở Tokyo và chai kia ở London – cả hai chai đều hơn tôi vài tuổi. Sếp bảo chẳng ai khui vang để uống một mình, và vang ngon thì phải có bạn uống cùng. Tôi đọc cho sếp câu thơ Nguyễn Khuyến: Rượu ngon không có bạn hiền - sếp gật gù thích thú.
Tôi mang cho cả H và sếp mỗi người hai gói cà phê Trung Nguyên số 5 – loại tôi thích, khuyến mãi thêm một cái lọc cà phê. Cà phê Việt Nam nói chung và Trung Nguyên nói riêng nhiều loại ngon, bạn bè nước ngoài rất thích. Tôi muốn tìm loại có bao bì đẹp và sang một tí để làm quà, nhưng rất tiếc không có, nên đành mua loại vẫn thường pha ở nhà. Tôi nghĩ các hãng cà phê, trà, bánh kẹo Việt Nam nên đầu tư hơn vào bao bì sao cho thật bắt mắt thì sẽ nhiều cơ hội mở rộng thị phần ở các nước lân cận. Nhất là cà phê. Việt Nam có một văn hóa cà phê độc đáo so với các nước trong khu vực, nếu đầu tư vào việc quảng bá văn hóa này cơ hội thành công là không nhỏ. Rất nhiều bạn bè nước ngoài của tôi khi đến Việt Nam đều rất mê cà phê Việt Nam, nhưng không dễ để mua được cà phê và phin cà phê kiểu Việt Nam ở ngoài Việt Nam. Tôi thấy có một quán cà phê Trung Nguyên ở một trung tâm thương mại ở Singapore; nhưng đấy là một trung tâm nhỏ, tương đối vắng khách, còn những trung tâm sầm uất hơn thì chưa thấy.
Sếp hỏi chúng tôi có thấy lạ không khi ở Singapore muốn băng qua đường phải bấm vào đèn hiệu, tất nhiên kèm theo câu hỏi là cái nháy mắt tinh nghịch. Tôi làu bàu đây không phải lần đầu chúng tôi bước chân vào thế giới văn minh, biết rằng sếp chỉ hỏi kháy để tưởng nhớ những lần tim đập thình thịch băng qua đường phố Sài Gòn. Chúng tôi chuyện vãn những gì mà đến tận 12 giờ khuya sau khi cạn hai chai vang đỏ của sếp, một chai vang trắng và sâm-banh của chủ nhà mới về. Sau khi uống hết từng ấy thì tôi không nhớ lắm những chuyện đã nói, chỉ biết rằng đã cười rất nhiều.
Bất cứ người Singapore nào gặp chúng tôi cũng hỏi rằng chúng tôi đã vào casino mới mở trên đảo Sentosa chưa, có lẽ vì đây là casino đầu tiên được phép hoạt động ở Sin và vì người nước ngoài được vào miễn phí còn người Sin phải trả tiền vé vào cửa 100 đô. Chúng tôi có ra Sentosa, nhưng không vào casino vì không quan tâm lắm, vả lại chúng tôi cũng chẳng có nhiều thời gian.
Sentosa, cái đảo ấy có rộng lớn và xinh đẹp gì mấy đâu, nhưng người Sin đã khéo léo biến hòn đảo thành một trung tâm vui chơi giải trí khổng lồ. Điều đáng nói là giữa rất nhiều công trình xây dựng họ vẫn khéo léo chừa lại một mảnh rừng con con được giữ gìn nguyên vẹn. Nếu so với những khu rừng nổi tiếng ở Việt Nam như Cúc Phương hay Nam Cát Tiên về diện tích hay mức độ đa dạng sinh học, cái được gọi là rừng ở Sentosa chỉ là một trò đùa không hơn không kém – chẳng khác gì so sánh bonsai với cổ thụ. Tuy nhiên, có thể thấy người Sin trân trọng và biết cách sử dụng không phải tận dụng cây bonsai của mình gấp ngàn lần. Trước khi vào “rừng” có một căn phòng lớn trưng bày hình ảnh của những cây cối và động vật trong rừng với chú giải chi tiết rất thích hợp cho mục đích giáo dục. Chúng tôi gặp khá nhiều học sinh đi tham quan rừng ngày hôm ấy. Số chủng loại cây và động vật ở đây thật ra có thể đếm trên đầu ngón tay: vài loại chim, thêm vài loại kiến, nhện – những thứ mà hẳn ở Việt Nam chúng ta không buồn nhắc đến. Trong rừng, cứ độ vài mươi mét lại có một bảng cung cấp thêm thông tin về các loài động thực vật, không quên kèm lời nhắc nhở người đi dạo phải nói khẽ cười duyên, chỉ được phép để lại dấu chân và “lấy đi” (chụp) những bức ảnh (leave only footprints and take only photos). Những học sinh đi thăm rừng ở đây chắc không học được nhiều về động vật hay thực vật, nhưng sẽ học được nhiều về cách ứng xử với thiên nhiên. Đi một lúc, chúng tôi ồ lên vui sướng khi phát hiện ra có hai vỏ lon nước ngọt bị quăng lăn lóc. Thì ra ở Singapore cũng có rác!
Buổi sáng cuối cùng ở Singapore, chúng tôi chỉ kịp ghé Borders mua vài cuốn sách và ăn sáng uống cà phê với một em gái xinh đẹp rồi lại vội vàng ra sân bay bay về lại với thế giới của mình. Sài Gòn thật ra chỉ cách Singapore chưa tới hai giờ bay…
" ăn sáng uống cà phê với một em gái xinh đẹp".
ReplyDeleteKêu gọi thế mà cuối cùng cũng chỉ MỘT em gái xinh đẹp thôi hả bác Mund?
Linh: Cái này gọi là chọn lọc chi tiết:)
ReplyDeleteĐến cái đoạn Singapore cũng có rác, bác làm em buồn cười quá, nhớ tới cái truyện ngắn Nếp nhà của Nguyễn Khải kết thúc bằng câu "Chớ có ngạc nhiên! Rác của Hà Nội đấy! Hàng hóa nhiều tất nhiên rác rưởi phải nhiều chứ nghèo quá, đói quá lấy đâu ra rác."
ReplyDeleteEm thì không thích Sing lắm :D
"Đi một lúc, chúng tôi ồ lên vui sướng khi phát hiện ra có hai vỏ lon nước ngọt bị quăng lăn lóc. Thì ra ở Singapore cũng có rác!"
ReplyDeleteCâu này độc à nghen! Thấy rác ở Sin phê phê hén bác?
Ghé Borders mua được sách gì vậy anh :)
ReplyDeleteAngelique: Nhiều người khác cũng không thích Sin, chắc vì nó sạch và gọn gàng quá. Lộn xộn như Việt Nam thích hơn?:)
ReplyDeleteBác DrNikonian: Dạ phát hiện đó cũng ngang Columbus phát hiện ra châu Mỹ!
Lili Thanh: Mua mấy cuốn mỏng mỏng rẻ rẻ thôi em ơi:) Slaughterhouse-Five của Kurt Vonnegut và Brave New World của Aldoux Huxley. Thích mấy cuốn khác dày hơn:) nhưng sách ớ Sin cũng đắt quá, đắt hơn những cuốn nhập về bán ở Việt Nam.
Cuối tháng này mình cũng sẽ đến Sing, lần đầu :) Khi về mới có thể chia sẻ cảm xúc với bạn GM
ReplyDeleteKhông biết SG thế nào chứ ở HN em thấy ít sách nhập về VN quá :(. Border bên Sing chắc là cũng bạt ngàn như ở Mỹ?
ReplyDeleteLinh: Sài Gòn cũng chẳng có mấy đâu; nhưng cuốn nào nhập về thì giá rẻ hơn Sin không hiểu tại sao. Nói chung vào Borders muốn tìm cuốn gì gần như có cuốn đó.
ReplyDeleteMới đầu ấn tượng về Singapore của mình cũng rất tốt, cho đến khi mình đi đến tận những hang cùng ngõ hẻm ở Sing mới phát hiện ra nhiều, Sing cũng có rác, cũng ăn mày, cũng trộm vặt, cũng phơi đồ đầy ở những blog nhà chung cư xập xệ...nói chung thấy bớt ngưỡng mộ.
ReplyDeleteBác Phú đi tận hang cùng ngõ hẻm sau đó đã bớt ngưỡng mộ Singapore, không biết dân Singapore nghĩ gì về VN khi mọi thứ lồ lộ trước mắt?
ReplyDeleteThis comment has been removed by the author.
ReplyDeleteSao không đọc được bài Dành cho các bác đang làm Phd, bác GM ơi.
ReplyDeleteBài đó tôi xóa rồi bạn.
ReplyDeleteCách nhau gần 2 giờ bay thật ra đâu có xa..Vậy mà sao cách nhau trời vực? :D
ReplyDeleteVân Lam: Chính là thế:)
ReplyDeleteCâu kết của bác Mund hàm ý sâu xa nhỉ? Đọc xong là tỉnh hẳn cả người, 2 giờ bay nhưng là cả sự khập khiễng trên bàn cân so sánh. :)
ReplyDelete