Sunday 30 August 2009

Đại tiện và trĩ

1. Chuyện nghe lỏm bên bàn nhậu:

Disclaimer: Chuyện này nghe được bên Lào, nên chắc nói về xứ lào không lói về xứ lày.

Chuyện kể rằng có chàng kiến trúc sư Lào được giao thiết kế một tòa nhà 4 tầng. Yêu cầu về công năng của tòa nhà là phải đáp ứng được nhu cầu của bốn nhóm đối tượng: trẻ em lứa tuổi nhà trẻ, sinh viên, luật sư và các quan chức. Sau một tháng làm việc miệt mài, chàng nộp bản thiết kế lên hội đồng xét duyệt. Tòa nhà của chàng, cho dù chỉ còn nằm trên bản vẽ, nhưng đã hứa hẹn là một kiệt tác kinh hồn của kiến trúc đương đại. Tinh hoa kiến trúc Á Âu Phi Ả-rập từ cổ chí kim thảy đều chen vai thích cánh trong công trình của chàng. Duy có điều các tinh hoa kiến trúc đứng sát nhau quá nên việc hít thở có phần khó khăn, còn nếu muốn đại tiện là sự vụ bất khả vì công trình của chàng không mảy may có lấy một cái toa-nét. Hội đồng yêu cầu chàng giải trình về điều này. Chàng ung dung bảo: Tầng một để làm nhà trẻ, bọn trẻ con đấy đại tiểu tiện chưa tự chủ, bạ chỗ nào ị chỗ nấy, toa-nét mà làm gì. Hội đồng gật gù. Chàng tiếp: Tầng hai làm ký túc xá cho sinh viên, bọn đấy có cái qué gì trong bụng đâu mà ị. Hội đồng hớn hở. Chàng lại tiếp: Tầng ba dành cho các luật sư. Ai chả lạ gì các vị ấy toàn ấy vào mồm nhau. Hội đồng ồ lên khoái trá. Thế còn tầng 4? Sao lại không có toa-nét? Chàng kiến trúc sư mỉm cười bí hiểm, bảo: Tôi quyết không thiết kế thừa bất cứ thứ gì. Nói đến đây, chàng quay lưng bỏ đi. Hội đồng nhìn nhau, một nửa mặt chuyển từ đen sang tái xám, còn nửa kia sắc mặt không đổi.

2. Đấy là chuyện đại tiện. Còn sau đây là chuyện trĩ:

Ai cũng biết trĩ nghĩa là bất khả đại tiện. Người mắc chứng này vào dễ ra khó, bụng cứng lưng cong, sắc mặt không tươi nếu không nói là hay cau có, vùng giữa lông mày và chân tóc phía trước thường xuất hiện nhiều nếp nhăn. Bệnh này ai cũng có thể mắc phải, bất kể vô danh tiểu tốt hay tiếng tăm lừng lẫy như Arsene Wenger. Có vài lời khuyên tránh bệnh này như sau:

Để phòng ngừa bệnh trĩ, cần uống nhiều nước (mỗi ngày ít nhất 8-10 ly), ăn nhiều rau cải, trái cây. Nên vận động để tránh tăng áp lực trong tĩnh mạch, nhất là sau khi ngồi hoặc đứng lâu. Vận động cũng giúp tránh táo bón và giảm trọng lượng nếu bệnh nhân béo phì. Nếu phải ngồi lâu, bệnh nhân không được lót gối mềm dưới mông vì sẽ làm tăng hiện tượng chèn ép các tĩnh mạch. (Theo Vnexpress.net)

Đấy là cách phòng bệnh. Nếu đã mắc bệnh rồi, muốn chữa cho dứt hẳn phải phẫu thuật hoặc đốt điện khó tránh khỏi đau đớn, chưa kể đối với nam giới còn có rủi ro cắt nhầm búi trĩ.

Tuy nhiên, gần đây dân gian truyền tụng có một số người mắc bệnh này chỉ nhờ chăm đọc báo mà tự dưng khỏi. Người ta còn đồn đại rằng để khỏi bệnh thì đọc báo nào cũng được không nhất thiết phải cầu kỳ báo đắt tiền giấy láng in màu, miễn là báo đấy có đăng tin giá xăng.

Người ta nghiệm ra rằng cứ mỗi lần đọc tin giá xăng tăng, kèm theo lời giải thích rằng giá xăng ta còn thấp hơn giá xăng các nước (các nước ở đây là một số nước có giá xăng cao hơn giá xăng ta, còn một số nước khác có giá xăng thấp hơn thì không được kể trong các nước), những người lâu ngày không đại tiện được bất giác trơn tru, khỏi bệnh tắp lự. Tuy nhiên, phương pháp này chống chỉ định đối với những người không bị trĩ, vì có thể gây ra hội chứng tự do tháo dạ.

Friday 28 August 2009

Mình nói chuyện gì khi mình nói lại nói chuyện đời

Mình nói chuyện gì khi mình nói lại nói chuyện đời tất nhiên là phần hai của Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện đời. Theo kiểu Holywood, phần hai phải có một vài nhân vật cũ từ phần một cộng thêm một vài nhân vật mới, ngoài ra phải có những chi tiết mang tính “xuyên suốt” để làm sợi chỉ đỏ, buộc cho phần hai khỏi rơi khỏi phần một. Nhân vật chính của phần một trong trường hợp này là hoa trái nên đương nhiên nhân vật chính của phần hai cũng là hoa trái. Bối cảnh phần một là Trung Quốc và Việt Nam. Bối cảnh phần hai sẽ là Việt Nam và Úc. (Thông thường, phần 2 cũng chán hơn!)

***

Ở bang Victoria, Úc, nhà thổ là hợp pháp, điếm là một nghề cao quý như bao nghề khác, tuy nhiên, vào nhà thổ hoạt động mà không sử dụng hoa trái là bất hợp pháp. Xin lỗi bạn vì tôi chưa kịp nghiên cứu kỹ khi không sử dụng hoa trái ai bị coi là người phạm luật, khách hay là chủ, nhưng hình như là chủ. Trong trường hợp ở đây, có anh chàng vào nhà thổ hoạt động, nhưng có lẽ do không sử dụng hoa trái, hoặc sử dụng hoa trái chất lượng đểu (made in China?) nên hậu quả nghiêm trọng xảy ra: một đứa bé chào đời.

Thoạt đầu, anh ta, một người đàn ông có vợ, đồng ý hỗ trợ cho mẹ đứa bé 100 đô một tuần. Sau một thời gian anh ta mất việc, việc trợ cấp trở thành gánh nặng, anh đâm đơn ra tòa và kiện người phụ nữ kia vì đã vi phạm luật thương mại Úc. Anh cho rằng giữa anh và người phụ nữ kia có một “quan hệ tiêu dùng”, và một điều khoản ẩn của hợp đồng là người phụ nữ phải sử dụng mọi biện pháp có thể để tránh xảy ra trường hợp thụ thai. Anh ta không phủ nhận mình là cha đứa trẻ nhưng chỉ không muốn tiếp tục trả tiền trợ cấp. Tạm thời, anh đã bị tòa bác, nhưng anh vẫn còn quyền kháng cáo. Tòa sơ thẩm cũng chỉ cho anh con đường sáng: anh có thể kiện nhà thổ và/hoặc mẹ đứa bé do đã gây “thiệt hại” cho anh.

Người ta ngờ rằng hai nhân vật chính trong vụ án này có một quan hệ trên mức “tiêu dùng” do việc người phụ nữ có thể xác định ai là cha đứa trẻ trong số rất nhiều người vào nhà thổ hoạt động, còn anh chàng kia không phủ nhận mình là cha. Riêng đứa trẻ, không biết lớn lên nó sẽ nghĩ gì khi biết rằng sự có mặt trên đời của mình chả ai mong muốn, và cha mẹ nó còn kiện cáo nhau vì 100 đô một tuần?

***

Hôm qua, các bạn gợi ý tôi viết entry Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình. Nói thật viết thì dễ thôi, có gì mà không dám viết. Viết xong mà post mới khó:) Dạo này, blog này nhiều người đọc:) post gì cũng ngó trước ngó sau, chuyện riêng tư ai dám toang toác lên mạng. Bạn nào mời tôi uống café (hay tặng sách cho tôi) tôi kể riêng cho nghe.

Nhân nói về chuyện riêng tư, tôi nhớ hôm nọ đọc cuốn Ngầm của Murakami. Tác giả kể rằng ông gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm các nhân chứng của vụ đầu độc hệ thống tàu điện ngầm Tokyo bằng chất sarin. Lý do là các bệnh viện, nơi cấp cứu các nạn nhân sarin, bảo vệ thông tin cá nhân của các nạn nhân rất nghiêm ngặt. Về điểm này, Nhật cũng giống như các nước phương Tây có quy định về bảo vệ thông tin cá nhân rất chặt chẽ; đồng thời, người dân cũng nhạy cảm khi động chạm đến những gì riêng tư. Ngày xưa, có lần tôi sơ ý hỏi một đồng nghiệp Nhật tốt nghiệp năm nào, thế mà cô nhất định không nói. Sau mới đoán cô này sợ mình đoán ra tuổi.

***

Hôm kia là sinh nhật bạn tôi, người bạn có lần tôi kể là mãi mà không lấy được visa đi Mỹ theo chồng. Lâu rồi bạn không tổ chức sinh nhật. Năm nay bạn tổ chức, vì tiệc sinh nhật cũng là tiệc chia tay bạn lên đường sang xứ cờ hoa. Chúc mừng sinh nhật và cũng chức mừng bạn đã lấy được visa. Tôi cũng tự hào vì có góp chút công sức trong đó, khi đã viết thư cho lãnh sự quán Mỹ, kèm theo cái entry kể chuyện đi ăn đám cưới bạn.

***

Hôm qua, tôi đố cô cháu gái 17 tuổi của tôi câu Ignorance is no defence có nghĩa là gì. Cháu lẩm bẩm ignorance là ngu dốt, defence là bảo vệ, không lẽ có nghĩa là ngu dốt thì không được bảo vệ. Lẩm bẩm vậy nhưng thấy kỳ kỳ nên không dám chắc. Ít ra thì cháu còn thấy kỳ kỳ, không như bác tuyên huấn của tathy.com năm xưa, một con người thông thái và đáng kính như các bác tuyên huấn khác, cứ nhất định dịch là câu này là Sự ngu dốt thì không được bảo vệ. Vâng, các bác như cứ như thế thì ai bảo vệ các bác được.

***

Cũng hôm qua, có một người mà tôi đón đọc từng bài báo, từng entry với một sự cảm phục sâu sắc mất việc. Có ai bảo vệ anh không? Biết nhiều thì tội nhiều anh nhỉ. Biết mà còn dám viết, dám nói nữa thì tội to đùng rồi.

***

Mấy hôm đi vacation với cụ bà cứ ngâm nga câu “đời là cái đinh, tình là cái que, vợ là con muỗi vo ve, lơ mơ đập phát chít”. Đời là cái đinh gì đâu, mình nhỉ? Mình lại nói chuyện đời thì biết nói chuyện gì bây giờ?

Chán, chả buồn nói.

Thursday 27 August 2009

Khi người ta ba tuổi

Khi người ta ba tuổi, người ta biết làm những việc sau:

  • Thấy ba mặt mày phờ phạc sau một ngày làm việc và kẹt xe, người ta trèo lên lòng ba rồi thỏ thẻ: “Ba ơi, ba buồn hả ba? Ba có giận bà nội không? Ba có giận mẹ không?”. Ba cười xòa, bao nhiêu mệt mỏi đều bay biến.

  • Trời mưa sấm chớp ầm ầm, người ta xoay sang em: “Em Pi, sấm đấy, em Pi đừng sợ nha, chị ôm chân em Pi này.”

  • Sáng đi học, người ta bảo em: “Bye em Pi, chị đi học một tí thôi, chiều chị về nhé.”

  • Khi đi ngủ, người ta ngủ với sáu cái gối ôm và hai em bé. Tối nào người ta cũng loay hoay kiểm kê đủ số lượng rồi mới chịu ngủ.

  • Trước khi ngủ, người ta không đòi gãi chân nữa, nhưng người ta nằn nì: “Mẹ nói chuyện với con một tí.” Rồi người ta kể chuyện mẹ ơi hôm nay bạn Suri đánh con, mẹ ơi hôm nay bạn Thắng nhìn con ...tè, hay mẹ ơi con sợ bạn Nam Đô lắm, vì bạn ấy béo quá. Chuyện của người ta tối nào cũng giống tối nào.

  • Người ta có thể phục vụ ca nhạc không theo yêu cầu điếc cả tai liền tù tì từ Cháu vẽ ông mặt trời, Con cò bé bé, Bắc kim thang đến Cháu lên ba, Mẹ đi vắng, Con chim non vân vân và vân vân. Riêng bài Con chim non thì người ta tự động chế tác thành Em yêu chim, em đánh chim thay vì Em yêu chim, em mến chim.

  • Ai hỏi người ta "con tên gì", người ta dõng dạc trả lời: “Con tên là công chúa”.

  • Nếu hỏi “công chúa của ba mẹ đâu rồi”, người ta sẽ chỉ tay vào chính mình. Nếu hỏi “hà mã đâu rồi’, người ta sẽ chỉ tay sang em Pi. Còn hỏi “công chúa hà mã của ba mẹ đâu”, người ta tức thì hấm hứ.

  • Người ta thích nhất ăn cơm trứng, nghĩa là cơm trộn với trứng đánh tơi. Hôm nào ăn cơm trứng, người ta tuyên bố: “Con tự ăn. Con ăn cơm trứng con không ngậm đâu”. Người ta cũng rất thích ăn ruột bánh mì và bánh “bà ngoại”, nghĩa là bánh đậu xanh Hải Dương.

  • Sáng hôm sinh nhật, người ta nhắc ba: “Ba ơi, hôm nay mình đi mua bánh kem hả ba?” Nhắc thế thì làm sao ba quên được.

Happy birthday to Alpha, công chúa hà mã của ba!

Tuesday 25 August 2009

Xúc sắc thống kê

Sáng mở mắt, đánh răng xong, kẹt xe một tiếng rưỡi đồng hồ, chui vào facebook thấy có bạn tự nhận mình ki bo, thế mà cũng mua đến những hai cuốn của Thuận. Bạn ấy nói thêm đọc đến Vân Vy thì chán Thuận rồi. Tôi nói leo tôi cũng đọc ba cuốn của Thuận, thích mỗi T mất tích còn Vân VyChina Town đều chán, riêng Paris 11/8 thì chưa đọc. Căn cứ vào thống kê thì xác suất chán khi đọc Paris 11/8 là 66.6%, do đó tôi đã có một quyết định hết sức data-driven là không đọc Paris 11/8:) Nói khoác một tí thế chứ cái gì liên quan đến data là tôi cực dở, và hầu hết quyết định tôi đưa ra trong cuộc sống cũng như trong công việc là dựa vào intuition. Do đó, nếu chẳng may bạn nào ép một cành forget-me-not vào Paris 11/8 rồi tặng tôi thì rất có khi tôi sẽ đọc ngay tức khắc.

Tin hay không thì tùy, nhưng hình như tôi đã từng học cái môn xúc xắc thống kê này ở trường luật. Cũng có thể tôi nhầm, hình như cái môn đã làm khổ tôi ở trường luật là Toán cao cấp chứ không phải xuất sắc thống kê. Đằng nào thì đối với luật sư hay thẩm phán tương lai, hai môn này cũng vô bổ ngang nhau. Trường luật ngày ấy còn dạy hàng tấn môn vô bổ khác, trong khi những thứ rất quan trọng như Rousseau hay Montesquieu chỉ được đề cập rất qua loa. Mà thôi, nói xấu trường luật in ít kẻo có thầy cô giáo cũ nào đi ngang lại bảo là ăn cháo ấy bát. Cũng mở ngoặc ngày ấy tôi rất ít ăn cháo ở trường, tuy đến trường rất chăm nhưng thường ngồi ở quán cafe hoặc đánh bài tiến lên với các đồng đội. Tôi sống lay lắt được là nhờ cháo (và mì gói) ở Thư viện tổng hợp.

Tôi cũng xin thông báo là trình độ IT của tôi đã nâng cấp vượt bậc. Ngày hôm qua tôi đã gắn được Google Analytics vào trang này, giờ thì chắc chắn tôi sẽ biết có nàng tiên cá nào ở đảo Cortu ghé thăm hay không. Trước đây chỉ nhìn được người đọc blog này đến từ quốc gia nào. Chẳng hạn ngày hôm qua thì các bác đến từ Canada tăng lên khá nhiều. Hầu hết các bác này là độc giả của diendan.org vào theo link của entry Chúng ta đến từ đâu. Điều này thì không giỏi xúc sắc thống kê cũng nhìn ra được. Các bác có comment trong entry đó sắp chuẩn bị nổi tiếng :) vì diendan.org có khá nhiều độc giả. Nhờ link của các bác ấy mà lần đầu tiên số khách lần đầu của blog này áp đảo số khách quen trong ngày.

Theo truyền thống chuyện nọ xọ chuyện kia, thì tôi sẽ nói tiếp rằng không cần biết xúc sắc thống kê cũng biết trước được chị Hạnh Dung ở báo Phụ nữ sẽ tư vấn như thế nào, vì chị ấy tư vấn lần nào chẳng giống lần nào. Xác suất đoán trước được tư vấn của chị là 90% tăng lên 100% nếu như câu hỏi có liên quan đến cái ngàn vàng. Thế nào chị cũng mắng cho bạn gái ấy một trận vì tội mới quen anh chàng kia có ba ngày/ 1 tuần/ nửa tháng mà đã trao cái ngàn vàng cho người ta; sau đó sẽ đến đoạn giảng giải đại loại con trai không có gì để mất còn con gái thì có cho nên em phải thế này thế nọ thế kia; cuối cùng, chị sẽ kết luận anh chàng kia là lợi dụng/ Sở Khanh/ không đáng tin cậy đại loại thế.

Báo thì thể nào chả nhiều người đọc, nên tư vấn như của chị Hạnh Dung trở thành “tư tưởng chủ lưu/chính thống” về vấn đề vàng bạc này, còn thực tế như thế nào thì các bác biết cả rồi đấy, cứ gọi là vàng ảnh vàng anh nếu phải tay anh… Đang nghĩ, nếu tôi mà đóng vai chị Hạnh Dung thế nào cũng bị đấu tố. Mới trưa qua trong giờ ăn tại công ty tôi và một anh bạn khác đã nồng nhiệt tư vấn cho một bạn gái trên 30 khá dễ thương mà chưa có người yêu lên ebay rao bán cái ngàn vàng đi, vì để quá đát thì còn giá trị gì nữa, bán sơm sớm còn gỡ gạc được tí. Nhân nói đến đề tài này, tôi kèm theo đây hai cái link tôi thấy hay: một cái về chuyện giáo dục giới tính ở Mỹ, và cái thứ hai là câu chuyện của nhà văn Lý Lan.

Cuối cùng, nếu cuối tuần đọc trang 360 độ yêu của báo Tuổi Trẻ, xác suất kiếm được chuyện cười cũng rất cao. Mới đây nhất là chuyện một bạn gái tự nhận mình thông minh quá nên không có người yêu . Đọc bài của bạn gái này xong, tôi thấy bạn ấy không có người yêu là phải, đàn ông gặp bạn chắc chắn chạy mất dép, nhưng không phải vì bạn thông minh như bạn ấy cứ tưởng.

Sunday 23 August 2009

Thôi đừng hát nữa được không

Đã hết éo le rồi các bác ạ. Rất vui sướng khi đi vacation về biết nhà vẫn có người thăm. Kỳ thực khi đi vacation tôi vẫn mang theo laptop nhưng hầu như không vào internet. Vacation với cụ bà mà cứ lăm lăm vào mạng đấu láo thì nguy cơ trên cả éo le là rất cao.

Đi mấy ngày báo chí không đọc. Về nhà, sau khi tắm rửa sạch sẽ và ôm hôn thắm thiết hai bạn Alpha và Pi, tôi ôm chồng báo mấy ngày vừa rồi ra xem, thì thấy ngay các bạn Nhã Nam bị đấu tố về chuyện bìa sách. Các nhà khác cũng bị đấu, nhưng Nhã Nam bị nêu tên nhiều nhất. Có một hình minh họa chụp bìa của 5 cuốn Tình ơi là tình, Khách không mời, Tên của khí trời, Đôi mắt ấy vẫn ở trên giường, và một cuốn tôi không nhận ra. Ngoài ra, những cuốn khác được nhắc tới như ví dụ về bìa sách “khoe hàng” là Lần đầu tiên của Nguyễn Nguyên Phước và Lụa của Alessandro Barrico.

Theo ý tác giả, thì bìa những cuốn sách này là rẻ, không được “giản dị, sang trọng, lâu dài”. Nguyên nhân của việc rẻ chủ yếu là vì bìa các cuốn này phô bày nhiều (i) lưng, mông, bụng của phụ nữ và (ii) không liên quan gì đến nội dung tác phẩm.

Tác giả bài báo tỏ ra người là người khá khó tính và trình độ thẩm mỹ cao. Chẳng hạn, mông và bụng trên bìa của cuốn Tên của khí trời thì bị anh chê là “khá phô”. Xem lại bìa cuốn này ta thấy hình chụp một phụ nữ có mông và bụng hơi to. Đọc lời chê bai đấy của tác giả bài báo, ta cứ tưởng rằng anh sẽ thích những bộ mông săn chắc, gợi cảm. Tuy nhiên, khi một bộ mông đẹp như trên bìa của Tình ơi là tình cũng bị anh bảo là “tươi mát” với một cái ngoặc kép hẳn là một hình thái khác của một cái bĩu môi rẻ rúng thì ta cũng chịu, không biết anh thích loại mông nào.

Để ví dụ về việc bìa sách không liên quan nội dung tác phẩm anh nêu cuốn Khách không mờiLần đầu tiên. Khách không mời tôi chưa đọc nên không có ý kiến gì. Tuy nhiên, nếu anh theo trường phái bìa sách nhất thiết phải minh họa nội dung thì cái bìa đáng bị chê bai nhất phải là Bắt trẻ đồng xanh cũng do Nhã Nam thực hiện. Cái bìa cuốn truyện nói về anh chàng Holden Caulfield đã quá nổi tiếng về tinh thần phản kháng xã hội và cười cợt chứng đạo đức giả này chả có hình ảnh gì ngoài một cái bìa xanh lè. Lẽ ra, phải có hình một chàng trai cười nhếch mép hay ít ra phải có hình trò chơi đuổi bắt trên cánh đồng lúa mạch chứ! Còn về Lần đầu tiên, ngạc nhiên sao khi anh cũng phàn nàn. Nếu như biết rằng Lần đầu tiên là câu chuyện về một anh chàng sau khi cha mất đã lần đầu tiên đi tìm sự an ủi trong vòng tay một cô gái điếm, hẳn cái bìa mà anh tả là “một phụ nữ đứng khỏa thân và một đàn ông có gương mặt từng trải, mình trần, miệng ngậm thuốc lá” phải là một sự minh họa tốt chứ.

Các bạn hẳn đã từng ít nhất một lần trong đời làm người xem truyền hình Việt Nam xem game show Chiếc nón kỳ diệu của VTV3. Trong cái lần giả định là duy nhất bạn đã xem gameshow đấy, tôi cá một ăn mười với bạn thể nào người dẫn chương trình, từng là anh Long Vũ, giờ là ai không biết, cũng yêu cầu/đề nghị/nài nỉ/ép buộc một trong số những người chơi hát một bài. Để tránh lạc đề, ở đây không bàn về tính chất man rợ của kiểu dẫn chương trình này, chỉ băn khoăn là sao các bạn dẫn chương trình không nghĩ ra trò tiêu khiển gì đỡ nhàu nhĩ hơn. Sao lúc nào cũng bắt người ta hát? Thôi đừng hát nữa có được không?

Wednesday 19 August 2009

Éo le

1. Hôm nay trời nắng. Nếu phải tay bạn Alpha thì bạn sẽ ca ngay một bản có con chim là chim chích chòe trưa nắng hè mà đi đến trường, nhưng cụ thân sinh của bạn đã qua tuổi mẫu giáo lâu rồi, trời nắng cụ đâm nhớ bài yết hậu này của Hồ Xuân Hương:

Đang cơn nắng cực chửa mưa tè

Chị rủ em ra ra tát nước khe

Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu

Xưa nay chinh chiến mấy ai về

Éo le!

(Cũng dính dáng đến bài đi và về của cụ NL đấy chứ.)

2. Xét thấy blog này nhắc đến bạn Alpha hơi nhiều, mà cụ thân sinh gái của bạn ít được nhắc tới nên hôm nay nhắc tí phòng khi cụ phát hiện ra blog này cụ bớt ganh tị. Vì cụ làm việc liên quan đến ngoại ngữ, trước hết xin kể một câu chuyện nho nhỏ liên quan đến việc học ngoại ngữ. Bạn nào chưa nghe chuyện này nên tập trung, bạn nào nghe rồi tí hồi dịch sang tiếng Anh nghe lại cho nó lọa:

Nhác thấy gà mái từ xa, cáo nấp vào bụi cây rồi giả vờ gáy ò ó o. Gà mái nghe tiếng gáy liền xông ngay vao bụi. Lúc sau, cáo chui ra, vừa liếm mép vừa lẩm bẩm, công nhận học ngoại ngữ có lợi!

Moral of the story:

1) Cho đàn ông: Nên học ngoại ngữ, không cần thông thạo lắm, chỉ cần biết gáy là được;

2) Cho phụ nữ: Không nên vội vàng nhảy vào bụi cây, ít ra phải nói với nhau vài câu đã chứ. Dành bụi cây cho tập hai.

3. Một hôm hai cụ thân sinh của bạn Alpha đi bộ lòng vòng trong sân khu chung cư, cụ bà bỗng nhiên thỏ thẻ:

Cụ bà: - Anh này, em thấy trong khu mình nhiều cô lấy chồng Tây ghê.

Cụ ông: - À, vì mấy cô đấy biết tiếng Anh.

Cụ bà: - Nhưng mấy cô đấy nói tiếng Anh dở tệ.

Cụ ông: - Ừ, thì đâu cần nói thạo, body language là chính mà.

Cụ bà: - Nhưng sao bây nhiều người lấy chồng Tây thế?

Cụ ông: - Chậc, thì thời mở cửa, giao lưu nhiều nên …giao hoan cũng nhiều chớ sao.

Cụ bà tắt điện.

4. Dù sao đi nữa, thời này biết tiếng Anh ít nhiều gì cũng là lợi thế. Mấy bác phóng viên thể thao chẳng hạn, có thể chẳng cần xem bóng bánh ra sao, tối khò một giấc sáng dậy lướt nét dịch phứa bài của Telegraph, Guardian hay Daily Mail là ra bài. Chỗ nào dịch không được thì bỏ đi, sau đấy cứ tương vào là lược dịch, hoặc chú là tổng hợp từ .v.v. Nhưng biết chút tiếng Anh cũng éo le. Tôi đồ rằng trước kia các bác phóng viên thể thao sẽ viết “Henry và người đá cặp với anh…”, nay sau khi đã có bằng B tiếng Anh, các bác ấy lại viết thành “Henry và đối tác của anh trên hàng công…". Hỏi có éo le không?

5. Ngày mai hai cụ đi vacation. Alpha và Pi ở nhà.

Monday 17 August 2009

Không ngủ được bốn đêm rồi

Em ơi
anh không ngủ được
bốn đêm rồi!

(Trần Dần)

Trong một entry gần đây, bác 5xu có bảo tôi đừng phàn nàn về tiếng Việt mới nữa, kẻo không lại trở thành người có định kiến với tiếng Việt, một thứ "sinh ngữ còn non trẻ”, theo lời bác ấy. Bác bảo thế làm tôi mất ngủ bốn đêm liền, hệt như Trần Dần:), cũng là người mà bác 5xu tôn vinh là một trong những người sáng tạo tiếng Việt thần kỳ nhất. Tất nhiên Trần Dần mất ngủ vì lý do khác.

Biết nói thế nào nhỉ, phàn nàn thì tôi vẫn phàn nàn thôi, phàn nàn cho vui ấy mà. Còn bảo tôi định kiến với tiếng Việt thì có phần oan ức, nếu không nói rất chi oan ức. Tôi không có định kiến với tiếng Việt; tôi chỉ “định kiến” với những người lẽ ra phải sử dụng tiếng Việt chuẩn mực mà không làm được như thế thôi. Mà nếu nói “đinh kiến”, thì chính những nhà ngôn ngữ học mới là và nên là những người “định kiến” nhất. Họ có đủ kiến thức và thẩm quyền để làm việc đó. Còn công việc kiếm cơm của tôi không dính dáng tới việc ngồi săm soi ai nói viết đúng sai thế nào.

Lúc bé, tôi có đọc được trong tủ sách của ba tôi một cuốn tên là Thuật viết văn của Nguyễn Văn Hầu, một tác giả miền Nam trước 75. Hình như gần đây cuốn này đã được Nhà xuất bản Trẻ tái bản. Cuốn này, theo như tôi nhớ, chỉ ra một số lỗi cơ bản trong cách hành văn, ví dụ tránh những trùng ngữ như ngày sinh nhật, cháu đích tôn, đề cập đến, hay cách tránh diễn tả ý bị động bằng từ bởi, cũng như tránh những lỗi thường thức như hoa phượng vỹ (chỉ có hoa phượng, không có hoa nào là hoa phượng vỹ) v.v. Cuốn sách này đã giúp tôi thận trọng khi viết lách, bất kể viết thứ gì. Cũng nhờ đọc cuốn này mà tôi có thói quen “xét nét” văn người khác. Xét nét là để cho chính mình, chứ không phải vì tôi dư thời gian:)

Tôi nghĩ bên cạnh các nhà văn, nhà thơ, dịch giả - những người sử dụng ngôn ngữ làm chất liệu nghệ thuật, thì chính báo chí, đài truyền hình v.v. là những nơi có trách nhiệm sử dụng tiếng Việt chuẩn mực. Quần chúng nhân dân thì không nói làm gì, vì ai cũng biết trong mọi lĩnh vực quần chúng chỉ là bầy cừu, phải có chó sủa mới chạy đúng hướng. Nhưng báo chí, đài truyền hình trung ương mà cũng nói, viết tiếng Việt ú ớ thì còn biết nhờ cậy ai để “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Ngoài ra, chúng ta, những người có sử dụng internet, có viết hoặc đọc blog, những người đã trót sử dụng bàn phím nhiều hơn cây búa, cái liềm, cũng nên nhận một phần trách nhiệm đối với tiếng Việt.

Để kết thúc entry này, tôi đưa ra hai ví dụ về việc sử dụng tiếng Việt chưa chuẩn xác để trao đổi. Tôi nói trước tôi nhặt ra không phải vì tôi giỏi tiếng Việt hơn những người rất đáng kính trọng có tên dưới đây, mà chỉ là tôi thấy thì tôi nói, còn người viết có lẽ sơ ý trong trường hợp cụ thể đó. Vả lại, viết hàng trăm trang có sai đôi chỗ thì cũng là chuyện bình thường, nhưng không sai thì tốt hơn:)

Ví dụ 1:

Trong trang đầu tiên của cuốn Moon Palace mà tôi chưa có tiền để mua mà cũng chưa ai tặng, dịch giả CVD aka blogger Nhị Linh yêu quý như trái bí của chúng ta có viết một câu trong đó dùng từ “suýt nữa”. Vì chỉ đọc lướt qua trong hiệu sách nên tôi không nhớ nguyên văn là gì. Trong một bài viết lâu rồi, giáo sư Cao Xuân Hạo đã chỉ ra suýt nữa tôi ngã chẳng hạn là một cách viết không chuẩn, nó chỉ là sự nhầm lẫn giữa hai mẫu câu “tôi suýt ngã” và “thiếu chút nữa tôi ngã”. “Suýt” bản thân nó có nghĩa là gần, gần đạt được, gần tới, hay almost trong tiếng Anh. Do đó, cụm từ có nghĩa tương đương với suýt là “thiếu chút nữa”, chứ “suýt nữa” thì thừa từ .

Ví dụ 2:

Trong truyện ngắn đăng trên báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần tuần vừa rồi, nhà văn Đoàn Lê có viết một câu như thế này: Nhờ công chúa Huyền Trân, người ân nhân cao quý đã bí mật tác thành cho đôi ta, giúp em gặp chàng đêm ấy trong vườn cấm. Vì có đoạn người ân nhân cao quý chen giữa nên ta có cảm giác câu này ổn, nhưng thật ra câu này thừa một từ: hoặc từ nhờ, hoặc từ giúp. Đặt trong mạch văn, có lẽ bỏ từ giúp hợp lý hơn.

Hi hi, thôi thế là thôi là thế đó, hết entry này không bắt các bác đọc về tiếng Việt nữa đâu, trừ phi đổi ý:)


Sunday 16 August 2009

Tiếng Việt (Lưu Quang Vũ)

Tiếng Việt
Lưu Quang Vũ



Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm
Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về
Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm
Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre.


Tiếng kéo gỗ nhọc nhằn trên bãi nắng
Tiếng gọi đò sông vắng bến lau khuya
Tiếng lụa xé đau lòng thỏi sợi trắng
Tiếng dập dồn nước lũ xoáy chân đê.
Tiếng cha dặn khi vun cành nhóm lửa
Khi hun thuyền gieo mạ lúc đưa nôi
Tiếng mưa dội ào ào trên mái cọ
Nón ai xa thăm thẳm ở bên trời.


"Ðá cheo leo trâu trèo trâu trượt..."
Ði mòn đàng dứt cỏ đợi người thương
Ðây muối mặn gừng cay lòng khế xót
Ta như chim trong tiếng Việt như rừng.


Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ
Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ.


Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát
Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh
Như gió nước không thể nào nắm bắt
Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh.
Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy
Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn
Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối
Tiếng heo may gợi nhớ những con đường.


Một đảo nhỏ xa xôi ngoài biển rộng
Vẫn tiếng làng tiếng nước của riêng ta
Tiếng chẳng mất khi Loa thành đã mất
Nàng Mỵ Châu quỳ xuống lạy cha già.
Tiếng thao thức lòng trai ôm ngọc sáng
Dưới cát vùi sóng dập chẳng hề nguôi
Tiếng tủi cực kẻ ăn cầu ngủ quán
Thành Nguyễn Du vằng vặc nỗi thương đời.


Trái đất rộng giàu sang bao thứ tiếng
Cao quý âm thầm rực rỡ vui tươi
Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim người
Như tiếng sáo như dây đàn máu nhỏ.
Buồm lộng sóng xô, mai về trúc nhớ
Phá cũi lồng vời vợi cánh chim bay


Tiếng nghẹn ngào như đời mẹ đắng cay
Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt.
Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết
Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi
Như vị muối chung lòng biển mặn
Như dòng sông thương mến chảy muôn đời.


Ai thuở trước nói những lời thứ nhất
Còn thô sơ như mảnh đá thay rìu
Ðiều anh nói hôm nay, chiều sẽ tắt
Ai người sau nói tiếp những lời yêu?
Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển
Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya?
Ai ở phía bên kia cầm súng khác
Cùng tôi trong tiếng Việt quay về.


Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ
Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn
Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá
Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình...

Friday 14 August 2009

Tiếng Việt trong sáng

Posted by Picasa

Chị Sonata có hỏi thế nào là tiếng Việt trong sáng. Tiếng Việt trong sáng nó như thế này này:

  • Sáng Chủ nhật, mới có 6 giờ kém 15, bạn Alpha (mấy hôm nữa thì tròn 3 tuổi) lồm cồm ngồi dậy và tuyên bố: "Ba ơi, con ngủ xong rồi". Ăn xong được, ị xong được, hà cớ gì mà ngủ không xong, phải không? Báo hại ba cũng lồm cồm dậy theo.
  • Khi bạn muốn uống nước, bạn sẽ kêu váng lên: "Ba ơi, con khát uống nước quá". Phiên bản của bạn Pi (22 tháng rưỡi) sẽ là: "Nội ơi, mắc uống nước". Vẫn bạn Pi: "Nội ơi, mắc ngủ quá". Chứng tỏ bạn Pi đã biết khi muốn một nhu cầu nào đó được thỏa mãn thì dùng từ "mắc".
  • Bạn Alpha, hứng chí vì cuối tuần sẽ được đi hồ bơi, làm luôn một tràng: "Cuối tuần con không đi học. Cuối tuần con đi hồ bơi. Ba đi hồ bơi. Mẹ đi hồ bơi. Alpha đi hồ bơi. Còn em Pi chỉ ở nhà đánh rắm thôi." Bạn Alpha dùng từ "còn" và "chỉ" hơi bị chuẩn đấy chứ!
Vài ví dụ thế. Tôi mắc dừng quá rồi.



Thursday 13 August 2009

Chúng ta đến từ đâu? (II)

Nếu bạn nào để ý thì thấy hôm trước tôi viết là “tôi không nghĩ sẽ mua một đĩa nhạc Dương Thụ”, sau đó tôi len lén sửa lại thành “tôi nghĩ sẽ không mua một đĩa nhạc Dương Thụ”. Tôi cũng như nhiều người trong số các bạn sau khi đã biết một chút tiếng Anh có khuynh hướng đặt câu theo ngữ pháp tiếng Anh. Có thể theo thời gian cách đặt câu theo tiếng Anh (trước đây là tiếng Pháp) sẽ được chấp nhận rộng rãi, ta sẽ quên mất đấy là cấu trúc câu tiếng nước ngoài. Nhưng lúc nào lòng còn nhớ ra thì còn cố viết cho ra dáng tiếng Việt. Dĩ nhiên, ngôn ngữ luôn vận động, ngôn ngữ là tài sản chung của quần chúng nhân dân mà. Nói viết sai hay lai căng nhưng đến lúc quá phổ biến rồi thì cũng được chấp nhận. Ý dân là ý trời, mặc cho các nhà ngôn ngữ học, từ điển học .v.v. gào thét. Bây giờ, dẫu biết chúng cư là đúng, chung cư là sai, nhưng nếu không muốn bị coi là kẻ lập dị xin cứ nói là chung cư. Cũng như khi hầu hết mọi người đã sử dụng nhiêu khê thì còn viết nghiêu khê làm gì nữa. Dĩ nhiên còn nhiều ví dụ khác. Ngay cái cấu trúc câu tôi có lần nói tới “Khi NL đi ra đường, không mặc quần” biết đâu vài năm nữa cũng được đưa vào sách giáo khoa!
***
Thỉnh thoảng, bắt bẻ nhau trong cách viết lách cũng vui. Tôi nhớ có lần tôi viết trên một diễn đàn có dùng chữ “trơ vơ” tức thì một bác nhảy vào bảo tôi viết sai chính tả, phải “chơ vơ” mới đúng. Tôi trưng Từ điển tiếng Việt của Viện Khoa học xã hội, theo đó, cả hai cách viết đều được chấp nhận. Bác kia bảo theo Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê thì chỉ có “chơ vơ”. “Trơ vơ” là do bọn giáo sãi thêm vào! Người hành hiệp trên chốn giang hồ lâu ắt nhận ra đấy là khẩu khí của ai. Ở đây, có bạn NL không mặc quần cũng thích bắt bẻ. Tôi viết “entry tham dự cuộc thi…” bạn bảo phải là “tham gia”, không được “tham dự”. Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh cho nghĩa tham gia / tham dự là gần như nhau. Dù vậy, tôi cũng đồng ý không phải từ đồng nghĩa thì có thể dùng thay thế nhau thoải mái. Nói “tham gia hoạt động cách mạng” chứ không nói “tham dự hoạt động cách mạng”, trong khi đó, “tham dự hội nghị ” và “tham gia hội nghị” có thể có nghĩa khác nhau, và theo ví dụ của bạn NL thì ta nói “tham gia have sex” chứ không ai nói “tham dự have sex” cả. Tuy nhiên, “tham gia” hay “tham dự” một cuộc thi tôi thấy đều ổn.
***
Mấy ngày nay, tôi hay nghe đi nghe lại Tình ca của Phạm Duy. Tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời, người ơi mẹ hiền ru những câu xa vời. Giai điệu của bài hát cứ dìu dặt trong đầu. Tôi chợt nhớ câu chuyện một người bạn của tôi, con trai anh được chừng 17, 18 tháng tuổi. Anh khoe con anh hiểu được các sếp người Mỹ trong công ty, vì ngày nào anh cũng dành ra mấy tiếng đồng hồ nói tiếng Anh với con. Chắc anh cũng ru con bằng tiếng Anh. Lớn lên, con trai anh có thể được trầm trồ vì khả năng nói tiếng Anh, nhưng còn tiếng Việt thì sao, không biết con anh có nói tôi đi rửa đầu thay vì tôi đi gội đầu? Mọi người có vẻ lo lắng con cái không giỏi tiếng Anh trong khi lạ là ít người lo con sẽ kém tiếng Việt. Tiếng Anh bây giờ gần như trở thành nỗi ám ảnh đối với các ông bố bà mẹ. Họ ùn ùn chở con đến các trung tâm ngoại ngữ, thậm chí khi con đang còn trong lứa tuổi tè trong quần. Sài Gòn không thiếu những trung tâm tiếng Anh mở lớp cho các học viên rất nhí này, nơi giáo viên tiếng Anh kiêm luôn nhiệm vụ đổ bô và rửa đít. Các bố các mẹ hăng hái quan tâm cho thế hệ tương lai thế thật là đáng mừng. Nhưng mà, như thế có phải là giấc mơ mẹ đè nát cuộc đời con quá không?
***
Chương trình truyền hình Đường lên đỉnh Olympia của VTV3 không biết bây giờ đã sang năm thứ mấy. Những năm gần đây, tôi không theo dõi nên không biết có thay đổi gì về thể thức chơi. Có một thời gian, một trong những phần chơi của chương trình này là mục đoán từ, trong đó, thí sinh phải cố gắng mô tả một từ đã cho để bạn mình đoán ra từ đấy. Trò này đòi hỏi ngoài kiến thức phổ thông là khả năng diễn đạt, dĩ nhiên, người cùng chơi cũng phải nhanh. Tôi nhớ khi đấy, khi muốn diễn tả một từ gồm hai tiếng như “Hạ Long” chẳng hạn, hầu hết các thí sinh đều bắt đầu bằng: “Có hai từ. Từ đầu có nghĩa là…” Giá như người dẫn chương trình có một lần nhắc nhở rằng các em phải nói là “có hai chữ” hoặc “có hai tiếng”. Giáo sư Cao Xuân Hạo từng kể một câu chuyện rằng có phụ huynh khi nghe ông giới thiệu là giáo sư tiếng Việt bỗng xanh mét mặt mày, van vỉ thôi đừng dạy tiếng Việt cho con họ nữa. Tôi đoán giáo sư cũng có phần tự trào. Chủ yếu giáo sư muốn nói về thất bại trong nỗ lực dạy tiếng Việt của nhà trường Việt Nam.
***
Entry này dĩ nhiên chỉ là một cái tản mạn vô lối, rất ít liên kết giữa các đoạn và không nhằm trả lời câu hỏi chúng ta đến từ đâu. Nhưng “Chúng ta đến từ đâu” là một cái tiêu đề gợi cảm đúng không? Nếu đúng thế thì viết lại dưới này để làm câu kết:
Chúng ta đến từ đâu?

Tuesday 11 August 2009

Chúng ta đến từ đâu?

Đôi khi tôi băn khoăn tự hỏi trước khi có VTV3 thì chúng ta đến từ đâu? Xin đừng vội hiểu lầm, câu hỏi này không mang một ý vị triết học nào. Có phải là ta thường thấy các biên tập viên VTV trẻ trung, hầu hết là sạch sẽ và có vẻ thạo ngoại ngữ, tự tin đứng trước ống kính và…mở máy: Xin giới thiệu anh Nguyễn Văn Giai đến từ Nam Định, chị Trần Thị Gái đến từ Hưng Yên, em Lò Văn Tèo đến từ Mù Căng Chải, cô Lê Thị Bé Ba đến từ Chắc Cà Đao? Thoạt đầu, nghe cái cấu trúc câu đấy, ta thấy là lạ, chôi chối tai, vì hẳn là ta quen với cách nói “Tôi là Giai, quê Nam Định” hay “Tôi là Giai, người Nam Định” hoặc thậm chí “Tôi là Giai, ở Nam Định’. Thế đấy, trước khi có VTV3 chúng ta đâu có đến từ đâu. Nhưng sau một thời gian bị các anh chị biên tập viên VTV3 bỏ bom, nay thì bất cứ ai, từ bác hưu trí đến cô bé quàng khăn đỏ, từ anh nông dân bắt con cá gô bỏ vô gổ kêu gột gột đến chị nhân viên văn phòng iem iem, hễ xuất hiện trên VTV đều hăng hái tự giới thiệu theo mẫu: “Tôi là Giai. Tôi đến từ Nam Định”.
***
T. đến từ Mỹ. Trong trường hợp này, câu vừa rồi có vẻ diễn tả chính xác trạng thái của T., một người có cha mẹ Việt, sinh ra và lớn lên ở Mỹ, mang quốc tịch Mỹ, hiện tại đang thực tập tại một công ty Mỹ ở Việt Nam. T. nghe hiểu tiếng Việt được khoảng 80%, có thể giao tiếp được bằng tiếng Việt, dù phát âm hơi lơ lớ. Sinh ra và lớn lên ở Mỹ, giọng không lơ lớ mới lạ. Hỏi tại sao lại đi thực tập ở Việt Nam, T. nói tại vì T. thấy mình là người Việt và T. muốn sau khi ra trường sẽ làm việc và sinh sống luôn ở Việt Nam. Tôi bảo để sống ở đây, T. phải chịu khó nói tiếng Việt nhiều hơn nữa. T. gật đầu, rồi trèo lên xe máy phóng đi. Về văn phòng, tôi nhận được email của T.. Tên của T. trên email là một cái tên gồm ba chữ, và không có chữ tiếng Anh nào. Tôi trả lời email bằng một câu hỏi: Bạn có tên Mỹ không? Rất nhanh, T. trả lời: “Không, mặc dù ở Mỹ nhiều người vẫn nghĩ tên mình đánh vần là Tree”. T. tên là Trí. Không phải Johny Trí Nguyễn.
***
Cách đây vài tuần, Tuổi Trẻ có một bài viết về một người đàn ông Mỹ và cô con gái nuôi người Việt. Cách đây 13 năm, ông đến một trại trẻ mồ côi ở Việt Nam xin môt bé gái 8 tuổi làm con nuôi. 13 năm ông nuôi đứa bé lớn lên ở Mỹ, thế mà ngày về Việt Nam cô bé vẫn nói một thứ tiếng Việt chuẩn và đẹp. Ông bố Mỹ không biết nói tiếng Việt. Ông dạy con bằng cách thường xuyên chở con đến những khu người Việt để giao tiếp bằng tiếng Việt và yêu cầu những bạn bè người Việt chỉ nói tiếng Việt với cô con gái nuôi. Ông muốn con gái ông là một cô gái Việt, giỏi tiếng Việt và yêu văn hóa Việt, vì một người không yêu cội nguồn mình thì chẳng thế yêu ai. Tôi nghĩ đấy là một câu chuyện đẹp.
***
Hồng Nhung là một trong những ca sĩ Việt tôi thích nghe. Hầu như bài nào Hồng Nhung hát nghe cũng được, nếu không thành công xuất sắc thì cũng không đến nỗi dở tệ. Tôi nghĩ Hồng Nhung có khả năng cảm bài hát rất tốt. Tuy nhiên, khi cô hát tiếng Anh thì tôi thấy rất bực mình, đặc biệt là những bài nhạc Việt lời Anh. Trong album gì tôi quên tên toàn nhạc Dương Thụ, những bài như Cửa sổ mùa đông, Tháng tư về, Tiếng sóng tôi có thể nghe đi nghe lại nhiều lần. Nhưng cũng trong album này Hồng Nhung còn hứng chí hát ba bài cũng nhạc Dương Thụ bằng tiếng Anh. Mỗi lần nghe đến mấy bài này là tôi bấm qua cho nhanh. Hát cái gì mà “tờ mo râu quiu cằm”, thật tình là không thể chịu nổi. Không hiểu mấy bài tiếng Anh đấy để ai nghe. Người Việt như tôi chắc chắn thích nghe nhạc Việt lời Việt, còn mấy anh Tây mắt xanh da trắng tôi nghĩ sẽ không mua một đĩa nhạc Dương Thụ mười một bài tiếng Việt ba bài tiếng Anh để thưởng thức nhạc đại khái như “tờ mo râu quiu cằm”.
***

Monday 10 August 2009

Đàm ông thất nhẫn

Những ngày qua, một trong những tin tức thời sự nổi bật là việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng mất trộm. Theo tin tức trên các báo, ca sĩ Hưng sau buổi trình diễn ở Hà Nội về ngủ tại một tòa nhà 17 tầng. Sáng thức dậy, anh phát hiện bị mất hai chiếc nhẫn kim cương để trên bàn cùng 9.000 đô la Mỹ và 5 triệu đồng Việt Nam. Hai chiếc nhẫn kim cương của anh trị giá khoảng 4 tỷ đồng. Dù chưa từng bỏ tiền ra mua bất cứ album nào của anh và thường bấm sang kênh khác khi thấy anh trên truyền hình, tôi vẫn hết sức thành khẩn chia buồn cùng anh. Mất hơn 4 tỷ đồng một lúc thật là đau hơn hoạn. (Ấy là tôi đồ rằng hoạn rất đau, chứ xin khẳng định tôi chưa trải qua cảm giác này bao giờ.) Tiên sư bọn trộm vô lương tâm.

Tuy nhiên, đau thì đau, tiếc thì tiếc, hẳn anh chưa phải lâm vào tình cảnh khốn đốn sau khi mất một tài sản lớn như vậy. Đó là chưa kể với sự mưu trí thông minh tài tình hiệu quả của các chiền sĩ công an nhân dân Việt Nam, anh hoàn toàn có cơ hội tìm được lại những gì đã mất. Khi nói đến chữ “lớn”, tôi đặt nó trong tương quan với thu nhập của đại bộ phận dân chúng Việt Nam. Đối với hầu hết mọi người, tài sản có giá trị ở mức tỷ là quá quá lớn rồi. Tuy nhiên, đối với ca sĩ Hưng, một khi đã mang trên người tài sản đến 4 tỷ đồng, thì đây chắc chỉ là một phần nhỏ tổng tài sản của anh. Giả định hết sức khiêm tốn rằng hai chiếc nhẫn kia là một phần hai mươi tổng tài sản của anh, có thể ước đoán rằng tổng tài sản của anh ở khoảng 80 tỷ đồng. Năm nay anh 38 tuổi, giả định anh bắt đầu có thu nhập từ năm 18 tuổi thì bình quân trong 20 năm qua mỗi năm anh kiếm được 4 tỷ đồng từ ca hát và những nguồn khác. Với thu nhập cỡ đó, ắt hẳn anh đóng thuế thu nhập phải rất cao.

Lần tìm mấy bài bào cũ, tôi thấy có tin năm 2007, Đàm Vĩnh Hưng đóng thuế cả năm 84 triệu đồng. Theo mức thuế cá nhân vào thời điểm đó, để đóng thuế 85 triệu đồng thì thu nhập mà anh đã khai với cơ quan thuế ở khoảng mức 600 đến 700 triệu đồng (tôi lười tính số chính xác nên chỉ áng chừng). Nếu làm tròn thu nhập sau thuế của anh là 600 triệu đồng năm, thì mất khoảng 7 năm không ăn, uống, chi tiêu, mua sắm bất cứ thứ gì, anh mới có thể mua được hai chiếc nhẫn trị kim cương vừa bị mất trộm nói trên.

Sách Cổ học tinh hoa có chuyện Tái ông thất mã, hàm ý chuyện phúc họa khôn lường, phúc đấy họa đấy chả nói trước được. Nay họ Đàm mất nhẫn, đương nhiên là cái họa của cá nhân anh, nhưng có khi đấy là cái phúc của ngành thuế nước nhà.

Bonus lời bài Honesty của Billy Joel. Đàm Vĩnh Hưng đã bao giờ cover bài này chưa nhỉ?

Honesty

If you search for tenderness
it isn't hard to find.
You can have the love you need to live.
But if you look for truthfulness
You might just as well be blind.
It always seems to be so hard to give.

Honesty is such a lonely word.
Everyone is so untrue.
Honesty is hardly ever heard.
And mostly what I need from you.

I can always find someone
to say they sympathize.
If I wear my heart out on my sleeve.
But I don't want some pretty face
to tell me pretty lies.
All I want is someone to believe.

Honesty is such a lonely word.
Everyone is so untrue.
Honesty is hardly ever heard.
And mostly what I need from you.

I can find a lover.
I can find a friend.
I can have security until the bitter end.
Anyone can comfort me
with promises again.
I know, I know.

When I'm deep inside of me
don't be too concerned.
I won't as for nothin' while I'm gone.
But when I want sincerity
tell me where else can I turn.
Because you're the one I depend upon.

Honesty is such a lonely word.
Everyone is so untrue.
Honesty is hardly ever heard.
And mostly what I need from you.

Friday 7 August 2009

Khi ta mười bảy

Bác Tùng H có lần bảo, các nhà thơ giai sau hai mươi tuổi có khuynh hướng đem thơ ra hong. Hôm nay cuối tuần rảnh rỗi, mình đem thơ từ hồi mười bảy tuổi ra hong đây:

ĐÊM SÂU

Ta có em

đêm trăng và hàng cây

Hơi thở dịu

quyện vào đêm

rất nhẹ

Ta đã có

đêm thiên thần như thế

Vẫn sợ rằng

ta sẽ

không em.

17/11/92


TÌNH KHÚC THỨ BA

Giá như em dịu dàng thêm chút nữa

Bông súng hồn nhiên nở giữa mặt hồ

Anh đã chết trong trò chơi si dại

Đem bứt lòng mình tặng bông súng ngây thơ.

06/12/92


BỐN MÙA


Ta thích đêm đông đắp nắng ngủ

Trưa hè Phan Rang tắm mát giếng sau nhà

Thu xuýt xoa thổi hơi mùa run cây lá

Gõ núi đồi: bần bật tháng Giêng ra



Ta thích bốn mùa xoay chuyển trong ta

Để cảm thấy mình lớn lao như vũ trụ

Bay về đâu? về đâu? ơi loài chim di trú?

Làm sao bay khỏi bốn mùa.

Tuesday 4 August 2009

Bóng ai trong đáy cốc

Bài Đôi bờ Quang Dũng viết năm 1949 có hai câu này:

Thoáng hiện em về trong đáy cốc

Nói cười như chuyện một đêm mơ

Hẳn khi viết như thế, Quang Dũng có nghĩ đến mấy câu của Nguyễn Bính trong Một trời quan tái:

Chiều nay... thương nhớ nhất chiều nay
Thoáng bóng em trong cốc rượu đầy
Tôi uống cả em và uống cả
Một trời quan tái, mấy cho say!

Hôm nay mới đọc được trọn bài Lòng chiến sĩ của Trần Huyền Trân trong tập Rau tần do chị Sonata gửi tặng. Nhớ thế, mới phát hiện ra cái hình ảnh bóng em bóng ai trong cốc rượu rất có thể xuất hiện đầu tiên trong thơ Trần Huyền Trân:

Mặt trận đêm nay mừng đắc thắng
Rượu nồng sôi máu đỏ, ô hay
Men buồn nhẹ bốc trong lòng vắng
Thoáng bóng ai trong cốc rượu đầy

Trần Huyền Trân viết bài này năm 1939 ở Ô Chợ Dừa. Theo nguồn tin chưa kiếm chứng trên internet, Nguyễn Bính viết Một trời quan tái năm 1940 tại Lạng Sơn (có câu Tôi đi đi mãi vào sơn cước). Nếu đúng Nguyễn Bính mượn thơ bạn mình là Trần Huyền Trân lẽ ra ông cần phải chú thích như thế. Riêng Quang Dũng có lẽ cũng cần chua một câu “mượn hình ảnh trong thơ Trần Huyền Trân và Nguyễn Bính’.

Trong ba bác này, bác Nguyễn Bính "máu me" nhất. Hai bác kia chỉ thấy thoáng bóng ai trong đáy cốc rồi thôi. Bác Trân viết giùm Phạm Ngũ Lão nên chừng mực, bác Dũng thấy bóng em về thì trò chuyện với bóng em. Riêng bác Bính thấy bóng em trong đáy cốc rồi bác chơi cạn cốc luôn. Hình ảnh uống bóng em có vẻ rất lãng mạn, như là biểu hiện của tình yêu say đắm. Tuy nhiên, có thể có cách giải thích khác, đó là vì "em" khó ưa quá mà cứ hiện hình ảm ảnh hoài, nên cạn cốc quách cho rồi khỏi phải thấy bóng hình "em" nữa.

Đó cũng có thể là lý do tại sao ngày nay ở các quán nhậu người ta thường cụng ly trăm phần trăm:)


Sunday 2 August 2009

Dấu chấm than

1. Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường là một trong ba tiếu thuyết đoạt giải Hội nhà văn 1991. Hai cuốn kia là Bến không chồng của Dương Hướng và Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Hai cuốn sau tôi đọc từ lâu, Nỗi buồn chiến tranh còn đọc những mấy lần. Riêng Mảnh đất lắm người nhiều ma không hiểu vì sao tôi chưa đọc. Cho đến ngày hôm qua.

Tôi mua cuốn này nhân dịp Fahasa bán sách giảm giá. Cuốn này có giá chỉ 15.000 đồng, quá rẻ cho một cuốn sách từng đoạt giải và được nhiều người nói tới. Hôm qua thứ bảy ở nhà, nhân dịp hai bạn Alpha và Pi đã đi ngủ trưa, tôi bắt đầu lôi Mảnh đất lắm người nhiều ma ra đọc. Sau ba trang, tôi gấp sách lại. Tôi biết rằng tôi không thể đọc tiếp được nữa. Lý do rất đơn giản: có quá nhiều dầu chấm than. Tôi không chịu đựng được những dấu chấm than. Chúng như những cái gai đâm vào mắt tôi, đọc tiếp thế nào tôi cũng chảy nước mắt (sinh lý, không phải tâm lý). Tôi không thích cái thể loại văn bày tỏ quá nhiều xúc cảm trong đó. Tôi thích những giọng văn bình thản, thậm chí hơi lạnh, nơi cảm xúc bị truất khỏi bề mặt câu chữ. Ví dụ gần đây nhất mà tôi thấy là Ở lưng chừng thời gian của David Bergen, một cuốn tiều thuyết xuất sắc về những ảm ảnh hậu chiến. Cảm xúc ở đây không nhất thiết được thể hiện bằng những dấu chấm than.

Nếu có một nhà xuất bản nào đó biên tập lại Mảnh đất lắm người nhiều ma, bỏ tất cả hoặc đại đa số dấu chấm than trong đó, có khi tôi sẽ cố đọc lại. Vì công bằng mà nói, không ai đánh giá một cuốn sách sau ba trang cả. Ít ra thì cũng mất…mười trang chứ!

2. Không rõ vì lý do nào, một bài hát của Phạm Duy lọt vào chiếc ipod của tôi. Đó là bài Nắng chiều rực rỡ, Tuấn Ngọc hát. Vì cái câu “Thế kỷ này đang trong nắng ban chiều” cứ loanh quanh trong đầu tôi nên tôi chợt muốn nghe lại Phạm Duy.

Lâu lắm rồi tôi không nghe Phạm Duy. Hồi nhạc Phạm Duy chính thức được lưu hành trở lại, tôi mua album Ngày trở về do Phương Nam sản xuất. Ấn tượng duy nhất của tôi đối với album đó là các ca sĩ thuộc loại giỏi đương thời như Thanh Lam, Mỹ Linh, Quang Dũng đã có công biến các bài hát tinh tế của Phạm Duy thành những ca khúc vô hồn. Họ không bao giờ cảm nhận được cái không khí nhạc Phạm Duy đủ để chuyển tải những tình cảm trong đó.

Tôi nghe nói Đức Tuấn hát Phạm Duy hay nên mua thử một album của anh này, cho dù tôi không tin tưởng anh này lắm, một giọng hát lúc nào cũng quá điệu đà đâm ra đơn đớt. Những khuyết điểm đó được thể hiện trọn vẹn khi anh hát Phạm Duy. Cái tật to nhất của anh là cái tật điệu, cho nên “miệng cười thì anh hát thành “miện cười”, “giang hà” thành “gian hà”, “yêu nhau” thành “yêu nhâu” và “máu sông Hồng đỏ vì chờ mong” thành “mấu sông Hồng đỏ vì chờ mông”. Nghe anh hát, có cảm giác anh chú ý đến nhan sắc, cử chỉ điệu bộ của chính mình hơn là nội dung bài hát (cho dù anh hát trong phòng thu). Vì thế, khi hát Tiếng sáo Thiên Thai chẳng hạn, anh vừa mở miệng “Xuân tươi…”, thì lập tức ta có ngay cảm giác ôi thôi, cả một mùa xuân đã héo khô. Điểm sáng nhất trong album này, theo tôi là bài Vợ chồng quê, Đức Tuấn song ca cùng một cô ca sĩ tên là Ngọc Tuyền. Tôi chưa nghe tên cô này bao giờ, nhưng giọng cô trong trẻo và cao. Cô hát ra chất gái quê, vớt vát phần nào cho cái nhà quê tóc gôm bóng mượt của Đức Tuấn.

Công bằng mà nói, Đức Tuấn hát Phạm Duy vẫn đỡ hơn Thanh Lam hay Mỹ Linh. Mỹ Linh hát “tôi yêu tiếng nước tôi, từ khi mới ra đời” có thể nhận thấy ngay cô chẳng “yêu tiếng nước tôi” gì cả, còn Đức Tuấn hát cũng câu đó, vẫn cảm nhận được anh có “yêu tiếng nước tôi” chút chút. Nhưng nhìn chung, nghe Đức Tuấn hát Phạm Duy, cảm giác cũng không khác đọc văn quá nhiều dấu chấm than là mấy.

------------
Bài này thì không liên quan đến dấu chấm than, nhưng cũng có liên quan đến nghe nhạc. Lôi lên cho các bác ném đá luôn thể:)

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN