Lẽ dĩ nhiên, để xem phim truyền hình, trước hết bạn cần có một cái tivi. Thời này tivi dứt khoát phải có màu, màn hình nhất định phải phẳng, plasma thì tốt, còn không LCD cũng tạm được. Kế, tivi phải được nối với ăng-ten, hoặc sang hơn thì nối cáp. Ở Sài Gòn, bạn có thể lựa chọn giữa SCTV và HTVC. (Tất nhiên, lựa chọn chỉ là một khái niệm tương đối, vì không phải cứ muốn đài nào được đài nấy - có những địa bàn bạn chỉ có thể đăng ký SCTV, địa bàn khác chỉ đăng ký HCTV, nên không có chuyện chán đài này thì nhảy sang đài kia. Cả hai đều có giá thuê bao hàng tháng bằng nhau, và chất lượng cũng khó lòng phân biệt.) Ngoài ra, còn có VTC chuyên bán đầu thu kỹ thuật số, mỗi năm bán một mẫu đầu thu mới mà không có gì đảm bảo mẫu đầu thu đó sẽ tiếp tục dùng được trong các năm kế tiếp khi mẫu đầu thu mới hơn ra đời.
Giải quyết xong vụ tivi, ăng ten, cáp, kỹ thuật số, bạn đã giải quyết xong yếu tố vật chất. Tiếp theo là yếu tố con người - nghĩa là bản thân bạn. Bạn cần phải có thời gian, không phải nửa tiếng, một tiếng mà là nhiều tiếng một tuần, và rất nhiều tiếng một tháng, vì phim truyền hình đúng nghĩa phải kéo dài năm này sang tháng nọ. Tôi có biết một anh bạn, đi đâu thì đi, cứ tới chín rưỡi hàng đêm là phải ngồi trước tivi. Như vậy, ngoài thời gian, người ta cần phải có cả kỷ luật nữa.
Có tivi, có thời gian và sẵn sàng ghép mình vào kỷ luật, bạn đã sẵn sàng để xem phim truyền hình chưa? Có khi là chưa…
Hôm nọ, tôi ghé vào hàng bánh cuốn gần nhà. Đó là một hàng bánh cuốn gia đình, nghĩa là phòng khách được tận dụng làm cửa hàng, chủ nhà đích thân ngồi tráng bánh cuốn, còn giữa nhà thì tivi vẫn bật. Tôi đi ăn một mình, chẳng phải trò chuyện với ai, thế là vừa ăn tôi vừa nghếch mắt lên tivi. Xem không đầu, không đuôi, nên tôi không biết phim tên gì, đề tài gì, diễn viên là ai, nhưng trong khoảng 15 phút ở hàng bánh cuốn, tôi thấy ba nhân vật chính thường xuyên xuất hiện là một nhóm bạn hai cậu con trai và một cô gái tầm ngoài hai mươi một chút. Cô gái thường xuyên đội một cái mũ lưỡi trai trên đầu. CHÚ Ý: Đây là một chi tiết quan trọng, quan trọng như con mèo của Hermione Granger lúc nào cũng chực vồ con chuột của Ron Weasley vậy! Sỡ dĩ tôi cố thu hút sự chú ý của bạn, là vì, với kinh nghiệm mấy chục năm làm người, cho dù cô gái kia lúc nào cũng sùm sụp mũ lưỡi trai, thì rõ ràng với nước da ấy, giọng nói ấy, điệu bộ ấy, hình thể ấy (you know what I mean, huh?) chỉ có thế là con gái chứ chẳng thế nào khác được. Thế cho nên, tôi thấy hết sức bình thường khi cô ấy bị mẹ giật mũ lưỡi trai làm xõa mái đóc đen mà bóng mượt (chắc nhờ gội dầu Sunsilk trị gàu). Ấy vậy mà khi đó khuôn hình máy quay cho thấy vẻ sững sờ trên mặt cậu con trai (“cậu-sững-sờ”). Cảnh tiếp theo, cậu này tìm cậu bạn kia uýnh một cái vì cho rằng cậu kia toa rập (“cậu-toa-rập”) lừa dối mình. Cảnh tiếp theo nữa, hai cậu con trai và cô gái - lúc này không đội mũ lưỡi trai nữa - ngồi với nhau, cậu-sững-sờ chất vấn cô gái: “Nè, rốt cuộc thì bạn là con gái hay con trai hả?”.
Không bút nào tả xiết sự sững sờ, à không, sự choáng váng của tôi lúc đó. Mèn ơi, bây giờ năm 2011, còn có mỗi năm là tận thế, chớ có phải thời Hoa Mộc Lan với Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài đâu mà gái giả trai dễ dàng đến vậy? Có chăng, là các nhà sản xuất phim truyền hình có công làm cho mọi sự trở nên đơn giản, dễ dàng hơn gấp ngàn lần; hoặc là, họ tưởng họ đang làm phim cải lương, nơi nhân vật có quyền trúng đạn ( trúng tên/ trúng độc) ngã xuống trên đường băng tân sơn nhất nhưng bỗng vụt đứng lên ca thêm một hơi dài. Tôi ra khỏi hàng bánh cuốn quên cả lau mồm.
Thế mới biết, để xem phim truyền hình, người ta cần phải rất… độ lượng. (Hay, giật tít theo kiểu Vietnamnet: Cần lắm sự độ lượng khi xem phim truyền hình.)*
* Chú ý: Chỉ áp dụng với phim truyền hình Việt Nam. Phim truyền hình Hàn, Trung, Nhật, Mỹ.v.v. cần những phẩm chất khác.