Friday 31 December 2010

Về sự chân thật



Có những tiểu thuyết, những bộ phim, cho dù tác giả khăng khăng khẳng định rằng tôi kể chuyện thật mà người đọc người xem  vẫn thấy giả.  Ngược lại, có những câu chuyện ta biết chắc bịa trăm phần trăm mà ta vẫn bị chinh phục bởi sự chân thật của nó.  Ba đoạn trích dưới đây nằm trong ba tiểu luận của Umberto Eco, Orhan Pamuk, David Grossman cho ta thấy phần nào về quan điểm và lao động của các nhà văn lớn khi xây dựng một tiểu thuyết sao cho nó đạt độ khả tín cao nhất.   Đoạn của Eco là do Hoàng Ngọc Tuấn dịch, tôi lấy từ Tiền Vệ,  còn hai đoạn kia tôi trích lần lượt từ Other Colors và Writing in the Dark.  Cuốn cuối cùng này mới cầm trên tay sáng nay, do một bạn từ Anh mang về giúp.




1. 



"Đó là tại sao, khi tôi viết cuốn Danh Tính của Hoa Hồng, nếu tôi nhớ đúng, tôi đã bỏ ra nguyên một năm không viết một dòng (và tôi đã bỏ ra ít nhất hai năm như vậy cho cuốn Quả Lắc của Foucault và, cũng thế, cho cuốn Hòn Đảo của Ngày Trước). Thay vì viết, tôi đọc, làm những bản vẽ và những biểu đồ, phát minh ra một thế giới. Cái thế giới này phải chính xác tối đa, để tôi có thể di chuyển trong đó một cách hoàn toàn tự tin. Cho cuốn Danh Tính của Hoa Hồng, tôi đã vẽ hằng trăm lối đi ngoằn ngoèo phức tạp và hằng trăm sơ đồ của các tu viện, dựa trên những bản vẽ khác và trên những nơi chốn tôi đã viếng, bởi tôi cần mọi sự trôi chảy mạch lạc, tôi cần biết hai nhân vật vừa bước đi vừa nói chuyện với nhau từ chỗ này đến chỗ khác thì mất bao lâu. Và điều này cũng quyết định độ dài của những mẩu đối thoại.

Nếu trong cuốn tiểu thuyết tôi phải viết "trong khi xe lửa dừng ở ga Modena, chàng nhanh nhẹn nhảy xuống xe và mua tờ nhật báo," thì tôi không thể viết như vậy trừ khi tôi đã đến Modena để soát lại xem xe lửa có dừng ở đó đủ lâu không, và từ sân ga đến sạp báo thì bao xa (và điều này cũng phải đúng thật như thế ngay cả nếu xe lửa phải dừng ở ga Innisfree). Tất cả những điều này có thể chẳng mấy liên hệ đến việc khai triển câu chuyện (tôi tưởng tượng thế), nhưng nếu tôi đã không thực hiện như vậy, thì tôi đã không thể kể câu chuyện.

Trong cuốn Quả Lắc của Foucault, tôi nói rằng hai nhà xuất bản Manuzio và Garamond nằm trong hai toà nhà cao tầng khác nhau nhưng kề với nhau, ở giữa người ta có xây một hành lang, với một khung cửa lớn lắp kính mờ và một bậc tam cấp. Tôi đã bỏ ra một thời gian dài để vẽ một số sơ đồ và tính toán xem làm thế nào để có thể xây một hành lang giữa hai toà nhà cao tầng, và liệu hai toà nhà cao tầng này có phải nằm trên hai mảnh đất có độ cao khác nhau không. Độc giả lướt qua bậc tam cấp ấy mà không để ý gì đến nó (tôi tin thế), nhưng đối với tôi nó lại hết sức quan trọng".

(Umberto Eco, Hoàng Ngọc Tuấn dịch, nguồn tienve.org)

2.


"Với hy vọng miêu tả khoảng thời gian Ka lưu lại Frankfurt trong những năm tám mươi và đầu chin mươi mà không phải phạm quá nhiều sai sót, năm năm trước, tức năm 2000, tôi từng đến đây. Trong cử tọa hôm nay có hai người đã rất nhiệt tình giúp đỡ tôi, và chính là trong lúc họ dẫn tôi đi thăm thú vòng quanh mà chúng tôi đã ghé cái công viên nhỏ đằng sau những tòa xưởng cũ kỹ gần Getleustrasse nơi nhân vật của tôi trải qua những năm cuối đời. Để hình dung tốt hơn lộ trình Ka đi mỗi sáng từ nhà đến thư viện thành phố, nơi anh sẽ vùi cả ngày ở đó, chúng tôi đi bộ từ quảng trường phía trước trạm xe điện, dọc phố Kaiserstrasse, ngang qua những tiệm bán đồ tình dục và cửa hàng rau quả của người Thổ, tiệm hớt tóc và tiệm kebab trên phố Münchnerstrasse đến tận Quảng trường Tháp đồng hồ, băng qua trước ngôi nhà thờ mà chúng ta tụ họp hôm nay. Chúng tôi đi vào cửa hàng Kaufhof, nơi Ka mua chiếc áo khoác mà anh cảm thấy thoải mái khi mặc nó trong bao nhiêu năm. Suốt hai ngày, chúng tôi lượn quanh khu phố cũ nghèo mà người Thổ ở Frankfurt lấy làm nhà, thăm viếng các nhà thờ, tiệm ăn, hội đoàn cộng đồng và quán cà phê. Đây là tiểu thuyết thứ bảy của tôi, nhưng tôi nhớ là đã ghi chép chi tiết tỉ mỉ một cách không cần thiết giống như người mới vào nghề, cân nhắc từng chi tiết một, hỏi những câu đại loại, Liệu tàu điện có thực sự đi qua góc phố này trong những năm tám mươi không?"

(Orhan Pamuk, bài In Kars and Frankfurt, tập Other Colors)


3.

"Khi tôi dựng nên một nhân vật, tôi muốn biết, cảm nhận, và trải nghiệm được thật nhiều đặc điểm và khía cạnh tâm linh càng tốt, bao gồm cả những thứ khó gọi tên. Ví dụ, trương lực của nhân vật, cả về lý tính và cảm xúc: số đo sự năng động, độ nhạy cảm và độ co giãn của con người vật lý và con người cảm xúc của anh hay cô ta. Tốc độ suy nghĩ của cô ta, nhịp điệu khi nói của anh ta, thời gian dừng giữa các chữ khi cô ta nói. Độ thô ráp của da anh ta, độ mượt của tóc cô ta.  Tư thế yêu thích nhất của anh ta, cả khi làm tình lẫn khi ngủ.


Dĩ nhiên, không phải tất cả thứ này đều xuất hiện trong sách. Tôi tin tốt nhất chỉ phần nổi của tảng băng, chỉ một phần mười tất cả điều mà nhà văn biết về các nhân vật của mình, sẽ xuất hiện trong sách.  Nhưng nhà văn phải biết và cảm thấy cả chín phần mười kia nữa, ngay cả khi chúng chỉ chìm dưới nước. Bởi vì không có chúng, cái nổi trên mặt nước sẽ không có tính xác thực. Khi những yếu tố bổ sung này tồn tại trong ý thức nhà văn, chúng sẽ tự phát xạ đến những khía cạnh hiển thị và đóng vai trò là bục tăng âm và nền tảng ổn định cho nhân vật, và chính nhờ chúng mà nhân vật hiện hữu trọn vẹn".

(David Grossman,  trích bài The Desire to Be Gisella, tập Writing in the Dark)





Wednesday 29 December 2010

Ấn Độ và tôi

Entry của guest blogger, chị Bùi Thị Bích Liên.  Như mọi khi, copy không xin phép:)

--------
Nhận thức của tôi về Ấn Độ giống như một bức tranh không định dạng với muôn vàn những miếng ghép lộn xộn và chẳng hề khớp với nhau.

13 năm trước, tôi đã từng có 3 bạn cùng lớp người Ấn Độ: 2 bạn nam và 1 bạn nữ, nhưng giao tiếp của tôi với họ gần như bằng không. Sau một năm chung giảng đường tôi vẫn không thể nghe được hai bạn nam nói gì. Bạn nữ nói tiếng Anh chuẩn mực và có phong thái của một cô gái hiện đại, nhưng dường như bạn ấy ở một thế giới hoàn toàn tách biệt với thế giới của tôi.  Các bạn khác kể với tôi rằng nhà bạn ấy giàu lắm, bố bạn ấy là một nhà tài phiệt và bạn ấy đi học bằng trực thăng riêng của gia đình. Thời đó, tôi cũng có một bạn người Anh thỉnh thoảng phải đi làm việc ở Ấn Độ. Tôi hỏi anh ấy Ấn Độ thế nào thì câu trả lời của anh gói gọn trong mấy chữ: nghèo đói, nóng, và cà-ri.

Sau này, tôi có thêm những  người bạn mới và đôi khi Ấn Độ trở thành chủ đề trong câu chuyện của chúng tôi. Một người bạn từ Bắc Mỹ, có nguồn gốc từ thổ dân da đỏ mà tiếng Anh cũng gọi là Ấn Độ (Indian) nói rằng cô ấy không bao giờ có ý định tới Ấn Độ nhưng không giải thích lý do tại sao. Một người Bắc Mỹ khác, nguồn gốc Do Thái, lại đam mê Ấn Độ đến mức đi chu du miền Nam Ấn bằng xe máy để kỷ niệm sinh nhật lần thứ 50 của mình. Một số bạn Việt của tôi thì tới Ấn Độ vì mục đích tâm linh, và thi thoảng tôi được nhận vài món quà từ đất Phật.

Dường như tôi không có mối quan tâm đặc biệt nào tới Ấn Độ dù đã thử một số loại hình yoga. Tôi mua sách của Hồ Anh Thái nhưng bộ nhớ của tôi chẳng chịu ghi những gì mà tôi đã đọc. Tôi đã được chứng kiến một đám cưới Hin-đu nhiều màu sắc ở Kuala Lumpur, nhưng những nghi lễ và thủ tục đơn thuần đó không chạm vào vùng cảm xúc của một khách du lịch. Tôi đã xem lõm bõm vài phần của Ký sự sông Hằng trên TV, nhưng chương trình đó cũng giống như hàng loạt phim discovery khác. Tôi chưa từng xem một bộ phim Bolywood. Phim Holywood về Ấn Độ duy nhất mà tôi nghĩ xem được là Tỷ phú khu ổ chuột, nhưng những người trao giải Oscar lại cũng nghĩ như thế. Tuy nhiên, gần đây tôi đã phát hiện ra 2 mảng ghép lớn trong bức tranh không hình thù của mình.

Mảng thứ nhất chính là một cửa hàng đồ Ấn yêu thích của tôi và cô bạn thân. Tiếc rằng tôi sẽ không có gì nhiều để nói về mảng này ngoài việc chúng tôi sung sướng làm đầy cái dạ dày của mình vào buổi trưa và sau đó thì tôi thường bỏ luôn bữa tối.

Mảng thứ hai là (một phần của) văn học đương đại về Ấn Độ. Tôi đến với nó rất tình cờ. Một ngày nọ một người bạn (lại một người Bắc Mỹ khác, gốc Scotish) đưa cho một quyển truyện và bảo đọc đi, được đấy. Tên quyển đó là “The Six Suspects” (6 kẻ tình nghi). Tôi đọc vì … nghe lời bạn chứ thật ra không ham hố gì thể loại tiểu thuyết tội phạm - chưa bao giờ tôi đủ kiên nhẫn để nhai hết 1 cuốn của John Grisham. Dần dà tôi bị hút vào quyển sách lúc nào không biết. Tác giả không phải là nhà văn chuyên nghiệp. Ông cũng là một nhà ngoại giao như Hồ Anh Thái. Truyện viết về một tội phạm, nhưng thực ra là một bức tranh sinh động về xã hội Ấn Độ đương đại.  Nhãn quan sắc sảo của tác giả mổ xẻ những vấn đề xã hội từ nhiều góc độ khác nhau. Lối dẫn dắt chuyện tài tình, bố cục truyện và cách xây dựng nhân vật… chẳng giống ai. Trên hết, tính hài hước của ông làm tôi bật cười trước những trang sách. Ẩn dưới những nhân vật, sự kiện là triết lý sâu sa, nhưng thứ triết lý ấy không làm đầu óc tôi nặng trịch, vật vã như khi đọc các tác giả phương Tây (Suối nguồn là một ví dụ). Đọc hết cuốn sách, tôi biết mình đã được … nếm một món Ấn thực sự.

Vẫn người bạn đó đưa cho tôi quyển truyện thứ hai về Ấn Độ. Tên nó là “The Song of the cuckoo Bird” (Tiếng hát chim cúc cu). Tác giả là một phụ nữ Ấn, lấy chồng người Đan Mạch. Truyện viết về tầng lớp “những người cùng khổ” trong xã hội Ấn Độ và sự thay đổi cuộc sống của họ do phát triển kinh tế mang lại. Cũng giống như cuốn thứ nhất, tôi đọc một lèo hết cuốn thứ hai. Tác giả cũng là một người kể chuyện cừ khôi. Giống như bao câu chuyện khác, truyện này không thiếu những bi kịch, những cuộc vật lộn, những nút thắt, nhưng tất cả như được trải ra dần trong mắt người đọc như là cái gì phải đến sẽ đến. Tôi lờ mờ tự hỏi không biết có phải đó là vì cái “chất” của văn hóa Ấn Độ mà nhà văn mang trong mình không.

Cuốn thứ ba về Ấn Độ do chính tôi mua. Tên nó là “The Marriage Bureau for Rich People” (Môi giới hôn nhân cho những người giàu). Tôi nhặt nó lên giữa một đống sách ngoại văn vì nhớ đến sự thích thú của mình khi đọc hai cuốn trước. Tôi chưa bao giờ nghe đến tên tác giả, và chưa có ai đọc trước để bảo tôi nó có được hay không. Nhưng rất may là tôi đã không lãng phí sự “đầu tư” của mình. Lần này tác giả là một người Ấn di cư sang Anh từ năm 1990 và làm việc cho một ngân hàng đầu tư ở London. Không “chuyên nghiệp” như hai tác giả trước, anh có vẻ hơi “sến” trong cách tiếp cận của mình và chuyện kết thúc theo đúng kiểu cổ truyền “happy-end” - tất cả những người tốt thì đều gặp nhau hoặc gặp điều tốt. Dù sao, tôi vẫn bị hấp dẫn vì lối dẫn chuyện rất đỗi nhẹ nhàng và hài hước. Kiểu mô tả chi tiết các sự kiện của anh không làm tôi thấy nhàm chán mà ngược lại tìm ra những mối liên hệ nhất định với thế giới của tôi. Xuyên suốt cả 3 câu chuyện (chẳng liên quan gì đến nhau) là sự vật lộn giữa truyền thống và hiện đại, là những cái giá phải trả cho sự phát triển. Cả 3 tác giả đều là người Ấn, nhưng rõ ràng thế giới của họ không hoàn toàn thuộc về nơi họ sinh ra.

3 cuốn truyện mà tôi đã đọc không phải dạng best-seller, càng không phải là những tác phẩm văn học xuất chúng. Nhiều người có thể không thích, hoặc không thể đọc được chúng. Nhưng với tôi, chúng đã làm cho bức tranh vô hình thù trở nên rõ nét và màu sắc hơn. Giống như những bữa trưa ngon mà thỉnh thoảng tôi và bạn tôi vẫn muốn khi cần đổi món. Hy vọng một ngày nào đó tôi sẽ được đặt chân lên đất nước này, chạm tay vào nền văn hóa ngàn năm tuổi và Namskar!   

“We struggle so much for money, power, and love, but the world doesn’t care. It just goes round and round in its own circle” – Farahad Zama (Excerpt from “The Marriage Bureau for Rich People”)

Friday 24 December 2010

Linh tinh mùa Giáng sinh

Năm ngoái có cái entry Linh tinh mùa Giáng sinh.  Bổn cũ soạn lại, năm nay cũng phải linh tinh một phát, vì đã lâu rồi chẳng linh tinh.

***





Sáng nay, nhìn cái mục Ăn khách trong tuần, thấy chín trên mười entry là những cái liên quan đến sách (cái còn lại liên quan đến bao cao su), tôi không khỏi tự cảm thán: Thật là đồi trụy quá đỗi! Quả tình là tôi không định biến blog này thành nơi chuyên tán nhảm về sách.  Tôn chỉ ban đầu của blog này là ăn chơi nhảy múa, thơ ca hò vè; thế nhưng sau một thời gian lại đổ đốn ra, ăn chơi thơ thẩn giảm dần, nhường chỗ cho toàn sách là sách.  Phải mà chịu khó xem tivi thì entry ăn khách nhất hiện giờ hẳn là “Uyên Linh và những fan cuồng” hay cái gì gần như thế:)

***

Tối qua, vào Facebook chợt thấy hình đám cưới.  Nhìn cô dâu quen quen, hóa ra là một bạn cũng hay còm trên blog này.  Tìm chú rể mãi chẳng thấy đâu, chỉ thấy có hình bác cũng quen mặt sơ mi trắng xóa đứng cạnh. 

***

Giờ này năm ngoái đang say mê theo bác Paul Auster sau khi đọc một loạt mấy cuốn đỉnh của bác.  Giờ này năm nay thì chán bác rồi. Những cuốn gần đây của bác đều kém.  Năm ngoái cuốn Invisible đã thảm, cuốn năm nay Sunset Park có vẻ không khá khẩm gì hơn, dù tôi chỉ mới đọc độ hai mươi trang.   Có khi khuyên bác tạm nghỉ ít năm trước khi ra cuốn tiếp theo.  Nhân đây, trích một câu trong Other Colors mà Orhan Pamuk có nhắc tới Paul Auster (chỗ duy nhất trong hơn 400 trang của cuốn này): “Độc giả văn học ngày nay đợi chờ một cuốn sách mới của Garcia Márquez, Coetzee hay Paul Auster cùng một cách như những thế hệ độc giả trước đợi chờ tác phẩm mới của Dickens - như chờ những tin tức mới nhất.”

***

Còn đây là hai câu trích trong Lũ người quỉ ám của Dostoyevsky, cuốn mà Orhan Pamuk đánh giá là “tiểu thuyết chính trị vĩ đại nhất mọi thời đại”: (i) “Hẳn đó là một ý nghĩ vô liêm sỉ, nhưng vốn một người càng đạt đến trình độ phát triển cao bao nhiêu thì càng có xu hướng vô liêm sỉ bấy nhiêu, dù đó chỉ là vì cấu tạo của người đó càng trở nên phức tạp hơn”; (ii) “Trong nước ta, cái gì cũng do tật lười sinh ra, kể cả những điều hay”.

Theo tôi thì bất cứ ai có tham vọng thành tiểu thuyết gia cũng phải giải quyết xong Dos trước tuổi 20.  Câu này cũng tương tự như câu bất kỳ ai muốn thành cầu thủ bóng đá thì phải xem Brazil đá trước tuổi 11, nhưng tôi chắc là mọi người dễ dàng đồng ý với câu sau hơn.:)

***

Năm nay có vẻ tôi bội thu sách tặng.  Phần nhiều người tặng là những bạn có đọc blog tôi và biết tôi thích đọc và tàng trữ sách.  Lời hứa tặng mới nhất là của một bạn mê Ruồi Trâu, hứa sẽ tặng Đầu xanh tuổi trẻ của Dos, bản in năm 74.  Nhân dịp Giáng sinh, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các bạn đã tặng sách cho tôi. Tôi xin hứa vào một dịp thích hợp tôi sẽ tặng lại tất cả các bạn đã tặng sách cho tôi một cuốn sách thích đáng (còn việc bạn có thích thú với cuốn sách đó hay không ngoài tầm kiểm soát của tôi.)

***

Tâm sự của hai bạn Alpha và Pi nhân dịp Noel:  Được hỏi thích ông già Noel tặng quà gì, bạn Alpha đề đạt nguyện vọng, con thích công chúa Bạch Tuyết, công chúa Barbie và hoàng tử; còn bạn Pi thì, con thích kiếm, ô tô và hoàng tử.  Hôm qua, ông và bà già Noel đi dạo đến rả cẳng, nhưng chỉ đáp ứng được một phần nguyện vọng của hai bạn. 

***

Cuối cùng, xin chúc tất cả các bạn gần xa một mùa Giáng sinh an lành.

Monday 20 December 2010

Quà của bà già Noel

Noel tới, ai mà chẳng muốn có quà.  Tuy nhiên, ai cũng đòi quà từ ông già Noel,  e rằng ông phát không xuể. Thay vào đó, sao không xin quà từ bà già Noel?

Dưới đây là chỉ dẫn 7 bước về việc làm thế nào để có quà từ bà già Noel:

Bước 1: Noel.
Bước 2: Tin có tồn tại bà già Noel.
Bước 3: Xác định bà già Noel đang ở đâu.
Bước 4: Mon men làm quen bà già Noel.
Bước 5: Đề đạt nguyện vọng với bà già Noel.
Bước 6: Nhận quà từ bà già Noel.
Bước 7: Khoe quà:)

Hai món quà dưới đây nhận từ hai bà già Noel khác nhau, một bà ở Hà Lan một bà ở Mỹ:)







Sunday 19 December 2010

Danh sách 2010

Đây là danh sách 10 cuốn sách đã đọc trong năm 2010 mà tôi thích.   Có những cuốn khác tôi cũng rất thích nhưng chưa đọc xong nên chưa để vào đây chẳng hạn cuốn mới nhất của Pamuk The Naive and The Sentimental Novelist hay cuốn của Kapuscinski, The Soccer War.  Những cái link tôi chèn dưới đây dẫn tới các entry có liên quan của tôi, có thể là một bài review, nhưng phần nhiều là những nhận xét ngắn.  Tôi hy vọng nếu bạn cũng thích đọc sách văn học, thì danh sách này cho bạn một vài gợi ý khi đi chọn sách. 


1/The Brooklyn Follies (tiểu thuyết) - Paul Auster
2/ Cuộc sống ở trước mặt (tiểu thuyết)- Romain Gary
3/ Disgrace (tiểu thuyết) - Coetzee
4/ Other Colors (tản văn, tiểu luận, truyện ngắn) - Orhan Pamuk
5/ Bốn mùa, Trời và đất (tản văn) - Márai Sándor
6/ Có được là người (hồi ký) - Primo Levi
7/ The Book of Laugher and Forgetting (tiểu thuyết) - Milan Kundera 
8/ Catch 22 (tiểu thuyết) - Joseph Heller
9/ Vô tri (tiểu thuyết) - Milan Kundera
10/ The Invention of Solitude (hồi ký) - Paul Auster

Còn đây là danh sách năm 2009.


Thursday 16 December 2010

A news is a news is a news is a news

Cảm giác đọc một tác phẩm trên màn hình và một tác phẩm được in ra bằng giấy vẫn luôn khác nhau.  Đó hẳn là lý do vì sao ta lại vẫn náo nức đi mua cuốn sách mới ra của một nhà văn dù đã đọc mòn tác phẩm của nhà văn đó trên mạng.  Đó cũng là lý do mà mặc dù rất thương yêu những cánh rừng, tôi vẫn cứ phải bỏ tiền ra mua sách in, dù có khi mua về chỉ để nhìn thoáng qua và xếp lên kệ ngắm.

Trong Call If You Need Me  - The Uncollected Fiction and Other Prose của Raymond Carver, có ba truyện tôi đã đọc từ rất lâu trên máy tính, nhưng nay đọc lại trên giấy vẫn thấy thích hơn.  Ba truyện đó cũng là ba truyện mà tôi đã dịch và post trên blog này: Dreams, Kindling và Vandals.  Ba truyện này, cùng hai truyện nữa trong tập là What Would You Like To See và Call If You Need Me (nếu được bác 5xu tài trợ thì sẽ dịch nốt:) là những truyện tìm thấy sau khi Carver mất.  Theo Tess Gallagher, vợ sau của ông, khi viết một truyện Carver thường sửa chữa khoảng ba mươi lần.  Những truyện này có thể chưa qua tới ba mươi lần sửa chữa, nhưng cá nhân tôi thích loạt truyện này hơn cả một số truyện thời kỳ trước.  Những truyện này được viết trong thời kỳ cuối của Carver, nó đã “rộng mở” hơn rất nhiều, không bị cắt gọt quá mức nên người đọc dễ đồng cảm hơn.  Lắm lời quá thì khó ưa nhưng kiệm lời quá như một số truyện thời kỳ đầu của Carver thì cũng khó gần.

Ngoài năm truyện ngắn trên, tập sách này còn gồm một số truyện ngắn thời mới tập viết, các bài tiểu luận, giới thiệu sách và điểm sách của Carver, trong đó có bài On Writing mà bạn Giò Trắng đang tu tiên bên kia đã dịch, và bài về John Gardner, người mà Carver coi là thầy của mình.  Những bài tiểu luận và điểm sách cho thấy một điều là cũng như mọi nhà văn đúng nghĩa khác, Carver còn là một người đọc.  Nói ra điều rất hiển nhiên này vì tôi có biết một số nhà văn rất lười đọc, thậm chí nhường cả cái niềm hạnh phúc đi chọn và mua sách cho người khác, mà nếu không ai mua giúp thì…thôi.

Thế còn cái news là gì?  News, với tôi, là nhờ cuốn này mới biết Carver từng có dã tâm viết tiểu thuyết.  Có vài đoạn của  một cuốn tiểu thuyết dang dở được in trong cuốn này dưới nhan đề From The Augustine Notebooks.  Dường như nếu ông không mất sớm thì ta có thể được đọc một cuốn tiểu thuyết không hay lắm!

PS.  Tất nhiên câu “a news is a news is a news is a news” là sáng tác của Goldmund Stein:) sáng tác nhân ngày nhận được một cái news:)

Wednesday 15 December 2010

Bất ngờ

1.  Đại thi hào Bàn Tải Cân, tác giả áng thơ Nôm lừng danh Trinh Tùng truyện (trong chừng mực nào đó thì Trinh Tùng truyện còn hơn cả Kiều, vì Kiều dựa trên một câu chuyện nước ngoài, trong khi Trinh Tùng truyện không dựa trên một cốt truyện có sẵn nào cả, tính originality (độc đáo, độc sáng, sáng tạo?) có lẽ là cao hơn), đã phóng bút viết nên hai câu thơ bất hủ như thế này:

“Thơ hay ở chỗ bất ngờ
Người hay ở chỗ đêm mơ xuất tình”.

Hai câu trên chẳng những hay mà còn đúng.  Một bài thơ đọc câu trước đã biết câu sau, ý tứ phẳng lặng, vần vèo nhịp nhàng đều đều như vắt chanh thì chẳng còn gì hay.  Truyện hay phim cũng thế.  Review truyện hay phim tối kỵ tiết lộ những tình huống thắt nút để tránh gây mất đi sự bất ngờ của độc giả/khán giả.

2. Thế nhưng, trong các lĩnh vực khác, bất ngờ không phải lúc nào cũng hay, nếu không nói có khi còn mang lại phiền toái, mà người hiểu rõ điều này nhất vào thời điểm này hẳn phải là Julian Assange, người tên tuổi hiển nhiên gắn liền với Wiki Leaks.

Theo một số báo ở ta thì Julian Assange đang phải đối diện với tội danh quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su.  Đọc những tin như thế, nhân loại tiến bộ và có lương tâm không khỏi cau mày rằng sao mà kỳ khu thế? Nếu không sử dụng bao cao su mà có tội, lẽ nào trẻ con Thụy Điển đều từ ống nghiệm sinh ra. 

Thực ra, tội danh mà Julian Assange đang phải đương đầu, không phải là “quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su” hay “quan hệ tình dục sử dụng bao cao su rách” mà là tội “sex by surprise”.  (Cụm từ này không biết dịch ra tiếng Việt như thế nào cho đạt, từng chữ một mà phang thì ra  “tình dục bất ngờ”, còn theo phong cách dịch tít tiểu thuyết thì có thể để tạm “ấy trong sững sờ”.)  Đại khái, nếu trong quá trình thân mật, đối tác yêu cầu sử dụng bao cao su mà đương sự nhất quyết không sử dụng, thì khi đó đương sự có thể bị ghép vào tội “sex by surprise”.    

Sunday 12 December 2010

Mua sách trên mạng


Sau khi lượn lờ chán chê các nhà sách trên mặt đất, thời gian gần đây tôi thử lượn lờ các nhà sách trên mạng.  Đây là nhà sách trên mạng ở Việt Nam, chứ Amazon tôi lượn lờ đã lâu, không phàn nàn gì về sự chuyên nghiệp của họ, chỉ mỗi tội shipping về Việt Nam đắt lè lưỡi.  Thế nên nếu có bạn ở bển dzìa, giống như bạn Lila năm ngoái hay bạn Phùng Trân năm nay, tình nguyện cõng giùm sách, thì biết ơn lém lém.

Tôi thử mua ở Vinabook và nhasachphuongnam.  Vinabook bán sách trên mạng đã lâu, còn nhasachphuongnam là phiên bản online của Phương Nam mới đưa vào hoạt động.

Ở Vinabook, tôi mua thử Hoàng đế và giai nhân của Sơn Táp, tác giả của Thiếu nữ đánh cờ vây, và Hania, tình yêu của tôi, nỗi buồn của tôi của Sienkiewicz, tác giả Quo VadisTrên sa mạc và trong rừng thẳm.  Cuốn Hania này đích thực là tình yêu của tôi năm 16 tuổi.  Năm ấy đọc xong rung động tột độ chỉ nhăm nhăm kiếm cô nào để yêu (rốt cuộc không kiếm được).  Bản sách đó của tôi mất đã lâu, nên nay thấy có bán vội vàng mua ngay.  Vinabook đang có chính sách giảm giá 35% nếu thanh toán bằng ví điện tử Vnmart, nên tôi đăng ký ngay cái, thủ tục cũng nhanh gọn.  Làm thủ tục thanh toán xong, chẳng thấy xác nhận gì, hơi lo lắng nên gọi ngay sang bên Vinabook, bên ấy bảo hôm sau mới gửi mail xác nhận.  Tôi chọn phương thức chuyển thường bằng bưu điện, phí vận chuyển là 8.000 đồng,  4 ngày sau nhận được sách.  Sách được gói cẩn thận, không bị móp méo trầy trụa gì, nói chung là hài lòng.  Tận dụng đợt khuyến mãi (kéo dài đến hết tháng 12), tôi đặt thêm cuốn Ngàn lẻ một đêm bản in mới rất đẹp của Đông A và Ngàn mặt trời rực rỡ.  Đơn hàng lần này trên 100.000 đồng nên sẽ được giao miễn phí.  Nhìn chung, tôi thấy dịch vụ của Vinabook chấp nhận được, đặc biệt cú khuyến mãi giảm giá 35% kia rất hay, nên phát huy.:)

Bên nhasachphuongnam, tôi thử mua cuốn Pháo đài trắng của Pamuk, là sách của Nhã Nam ra từ năm 2008 mà tôi chưa có, mà cũng chẳng thấy ở đâu.  Thoạt tiên, tôi định thanh toán bằng thẻ tín dụng, nhưng thấy phải trả thêm phí 4% và 6.000 đồng nữa nên chuyển sang thanh toán bằng ATM.  Phí vận chuyển một cuốn sách là 10.000 đồng, nhưng nếu đơn hàng trên 100.000 đồng sẽ được miễn tiền vận chuyển.  Chuyển tiền xong, có người gọi điện đến báo đã nhận được tiền, và năm ngày sau thì nhận được sách.

Mua sách trên mạng có cái hay là có thể kiếm lại những bản sách ra đã lâu mà các nhà sách trên mặt đất không còn bày bán.  Ngoài ra, nếu có khuyến mãi, thì ta có thể tiết kiệm được kha khá.  Tuy nhiên, tôi thấy cả Vinabook và nhasachphuongnam cần phải cải tiến thủ tục xác nhận để khách hàng an tâm.  Cụ thể, khi đơn đặt hàng hoàn tất, cần phải xác nhận ngay trên màn hình và bằng email.  Cũng nên xem lại việc thu phí thanh toán bằng thẻ tín dụng, nên chịu khoản phí đó thay vì chuyển sang cho khách hàng.  Phải biết thả con săt sắt bắt con cá rô chứ.  Nếu thanh toán tiện lợi dễ dàng, khách hàng mua nhiều, doanh thu cao hơn có phải là tốt hơn không.

PS.  Hoàng đế và giai nhân của Sơn Táp là một nỗi thất vọng.  Cả bốn tiểu thuyết của Sơn Táp đã dịch ở VN đến giờ đều có đề tài lịch sử, nhưng có lẽ kể một câu chuyện lịch sử với bối cảnh Trung Quốc như trong Thiếu nữ đánh cờ vây hay Nữ hoàng dễ dàng hơn cho Sơn Táp.  Còn dựng lại hình ảnh Alexandre Đại Đế có lẽ quá sức tác giả.  Alexandre của Sơn Táp cũng tệ như Alexandre của Oliver Stone, cũng sến và cải lương như thế.  Thậm chí, giọng văn còn rất gái.  Đôi lúc đọc tâm sự của Alexandre Đại Đế mà cứ tưởng đọc nhật ký tiểu thư Jones, à quên, Alexandria:). 

Saturday 11 December 2010

Vé vào sở thú




Cái này để năm chục năm nữa đem bán đấu giá:)










Cảm ơn bạn Sầu Riêng, và cả bạn bồ câu béo ú:) 



Wednesday 8 December 2010

Tắc đường tùy tản tập (IV)

Golf  và bóng đá hay chuyện Pi biết đếm đến mười

Golf đích thị là môn thể thao nhà giàu, chưa ai tranh cãi về điều đó.  Để chơi golf, bạn cần có tiền, rất nhiều tiền.  Tôi không cố tỏ ra là người thông thạo về giá gậy, bóng, trang phục và phụ kiện để chơi golf hay giá thuê sân golf, và cũng không ngại ngần thú nhận mình chưa bao giờ bước chân vào cửa hàng bán đồ chơi golf hay sân golf nào cả.  Ngoài ra, sân golf chiếm quá nhiều diện tích cho một nhóm rất nhỏ người chơi với những quả bóng cũng rất nhỏ: thật là mất cân đối.


Ngược lại, bóng đá đích thực là môn thể thao nhà nghèo.  Chỉ một quả bóng mà những hai mươi hai người tranh nhau, chưa kể ba vị trọng tài cũng chạy lăng xăng.  Điều đó thật sự gây cho chàng thanh niên Pi  - hiện tại ba tuổi hai tháng  - một số phiền toái nhất định. Pi hăng hái ngồi cạnh ba xem đá bóng, nói, ơ sao có nhiều chú quá, để Pi đếm: một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười… có mười chú!  Tôi nhớ một truyện tranh đọc khi bé tên là “Dê con biết đếm đến mười.”


Khả năng chịu đựng

Ta không ngừng kinh ngạc về khả năng chịu đựng của con người khi nghe những câu chuyện như  33 thợ mỏ Chi Lê sống sót sau 69 ngày dưới lòng đất, ba thiếu niên New Zealand trôi dạt trên biển suốt 50 ngày, hay chuyện một người đàn ông Haiti sống sót sau hai tuần bị chôn vùi dưới đống đổ nát.  Còn trong tiểu thuyết như cuốn Cuộc đời của Pi của Yann Martel thì cậu bé tên Pi đã lênh đênh bao lâu trên biển cùng con hổ Richard Parkers?

Tuy nhiên, nếu để kiểm nghiệm giới hạn khả năng chịu đựng của con người, không nhất thiết phải tái tạo những hoàn cảnh khắc nghiệt như thế.  Có thể sử dụng những bài kiểm tra khác ít tốn kém và đỡ nguy hiểm hơn nhiều, chẳng hạn: (i) vào buổi trưa cuối tuần trong một căn hộ chung cư, người ta có thể chịu đựng được tiếng khoan đục của nhà tầng trên, tầng dưới, hay sát vách được bao lâu trước khi đi đập cửa nhà kia; (ii) sau một trận bóng đá, đặc biệt khi đội nhà thắng, người ta có thể nghe các bình luận viên huyên thiên bao lâu trước khi tắt tivi; (iii) xem được bao nhiêu phim truyền hình Việt Nam trước khi nói cười ngớ ngẩn, bao nhiêu phim truyền hình Hàn Quốc trước khi bị bệnh nan y, và bao nhiêu phim truyền hình Trung Quốc trước khi sờ lên gáy; (iv)  chứng kiến một thiếu nữ mặt hoa da phấn phun nước bọt xuống đường bao nhiêu lần; (v) ăn được bao nhiêu cái hột vịt lộn liên tục.

Một kết luận hầu như chắc chắn có thể rút ra là: sức người có hạn. 

Tháng mười hai trên những giàn su xanh


Tháng mười hai trên những giàn su xanh (*)

Tất nhiên ai sinh ra lớn lên ở vùng rau như Đà Lạt, Đơn Dương, Lâm Đồng đều biết su su, tuy to chẳng kém su hào, nhưng không phải là su hào. Su hào là củ còn su su là trái. Muốn ăn su hào phải đào đất lên còn muốn ăn trái su su phải hái từ trên giàn xuống. Sủ cu hào trăng lủng lẻo hay củ su hào treo lủng lẳng chỉ là câu nói đùa của những người giả vờ nói tiếng Hoa, còn trái su su mới đích thực là trăng lủng lẻo hay treo lủng lẳng. Sở dĩ vòng vo thế là vì, ngạc nhiên chưa, tôi đã gặp rất nhiều người tưởng su su là củ, hoặc nếu không là củ, thì cây su su chắc to không kém cây ổi! Đằng nào thì ổi và su su trông cũng khá giống nhau: đều màu xanh.

Cây su su tuy trái to nhưng thật ra rất yếu ớt, chẳng thể đứng nổi một mình mà lúc nào cũng phải bò lên một cái gì đấy, chẳng hạn như hàng rào, nhưng tốt hơn là một cái giàn: giàn su su. Hồi tôi học lớp 8, lớp 9, hai anh em tôi bỏ cả mùa hè lên núi vác về cả trăm cây gỗ to cỡ bắp chân, để làm giàn su su. Phải đào đất, chôn cả trăm cây gỗ đấy xuống làm cọc, mỗi cọc cách nhau chừng 5, 7 mét; xong rồi, giăng dây thép từ cọc nọ sang cọc kia. Khi xong, giàn su su chưa có dây su su nhìn giống như ma trận.

Dưới mỗi cọc, bắt đầu chôn những trái su su giống xuống. Su su giống là những trái su su già, già đến nỗi hạt thò ra ngoài, thường được gọi là su le. A, viết cái này tự nhiên tôi nhớ ra từ su le, lần gần đây nhất tôi dùng từ này chắc phải cách đây hai chục năm! Dây su su mọc lên khá nhanh, chỉ độ vài tuần là đã có một giàn su su xanh mướt, vài tuần nữa là đã thấy bao nhiêu là trái su su treo lủng lẳng. Ôi, su su tình yêu của tôi, kết quả lao động khó nhọc của cả nhà tôi, nỗi mơ mộng của tôi, và quan trọng hơn, thịt cá của gia đình tôi. Phải bán được su su thì mới ăn thịt cá, chứ không thì ăn su su cả tháng à.

Những ngày này, khi bắt đầu phải giám sát chế độ ăn để không tăng mức mỡ trong máu, tôi hay nhắc vợ mua su su về ăn. Tôi thích ăn su su luộc chấm chao. Tuy nhiên, món su su mua ở Sài Gòn về luộc lên ăn chỉ khá hơn rơm một tí. Tôi nhớ su su của những ngày thèm thịt cá. Su su của những ngày hái từ vườn vào, luộc lên xanh mướt, tô nước luộc bốc hơi nghi ngút, chấm với chao chùa làng, vị su su ngọt lừ, vị chao beo béo. Ăn từ từ thôi, vì ăn nhanh có thể không cần gặp nha sĩ mà răng vẫn rơi ra. Ai không tin thì cứ thử phập răng vào miếng su su vừa mới luộc.

Tháng mười hai, trời lạnh. Giàn su những sớm tháng mười hai ở Đon Dương sẽ xanh biếc, đẫm sương. Cả nhà tôi sẽ dậy sớm, mặc quần áo ấm vào rồi đi hái su su, chất vào những giỏ sắt to tướng. Có lần, chị tôi hái nhầm con rắn lục đang nằm uống sương mơ màng trên những đọt su non. Giàn su xanh, rắn lục cũng xanh, cùng màu nên thích lẫn vào nhau. May mà rắn lục mải uống sương nên tha cho chị tôi. Cả nhà được một phen hú vía.

Hôm nay lại là một ngày đầu tháng mười hai. Trời Đơn Dương chắc đã lạnh và hoa quỳ chắc đã nở vàng. Ở nhà, không còn giàn su su với cả rắn lục như xưa, nhưng nếu về Đơn Dương, hẳn sẽ vẫn được ăn món su su luộc xanh ngắt.

(*) Thơ Đỗ Trung Quân


Friday 3 December 2010

Đọc sách cuối tuần


Khi người ta hai mươi bốn tuổi, hãy cònít hiểu biết, không kinh nghiệm và dứt khoát muốn sống trong một thế giới siêu thực của mình”, mà bị bắt rồi đưa vào trại tập trung Auschwitz - nơi sau này sẽ được ghi nhận như một trong những nơi chốn khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người - người ta sẽ khó lòng gọi đó là một chuyện may mắn. Có lẽ chỉ khi là một trong số rất ít ỏi người sống sót sau Auschwitz (theo nhiều số liệu thì chỉ khoảng 2% tù nhân Auschwitz là còn sống khi trại được giải phóng) và bắt đầu ghi lại những hồi ức kinh khủng về khoảng thời gian đen tối đó trên những tấm vé tàu ở Turin thì Primo Levi mới, như sau này ông viết trong lời mở đầu cuốn Có được là người, coi việc bị bắt vào Auschwitz tương đối muộn là một điều may mắn: Vào thời điểm ông bị đưa vào Auschwitz, đầu năm 1944, do cần nhân công lao động chính phủ Đức đã quyết định kéo thời gian sống của tù nhân trước khi giết, thay vì đưa thẳng vào trại hơi ngạt.

Được viết năm 1947, Có được là người thuật lại câu chuyện thực của chính tác giả từ lúc bị bắt tại Ý đến khi được/bị đưa vào trại tập trung Auschwitz và chuyện ông đã sống sót trong chốn địa ngục đó như thế nào. Cần nói thêm rằng, vào thời điểm tác giả và những người Do Thái khác bị tống lên đoàn tàu chở người nổi tiếng của Đức quốc xã, Auschwitz đối với họ là một cái tên chưa có ý nghĩa gì mấy - thậm chí họ còn cảm thấy “nhẹ cả người” vì ít nhất cái đích đến đó “cũng là một nơi nào đó trên trái đất này”.  Họ sẽ nhanh chóng nhận ra cái “nơi nào đó” kia là nơi mà họ bị tước đoạt tất cả: vợ con, bố mẹ già, tư trang, nhân phẩm, thậm chí cả tên - mỗi người tù chỉ còn biết đến như một dãy số xăm vào cánh tay trái; là nơi mà họ sẽ phải sống - nếu như chưa chết hoặc chưa bị giết - dưới những điều kiện phi nhân nhất; là nơi mà rồi họ sẽ chia sẻ những giấc mơ giống nhau đến kỳ lạ: giấc  mơ được ăn, mà mỗi khi thức ăn chạm miệng là vụt tan biến thành nghìn mẩu vụn.  Ở chốn này, một ngày được coi là tốt lành khi ngày đó họ có vài giờ để “cảm thấy bất hạnh theo cái kiểu của những con người tự do” - tức khi những người tù xoay xở được thêm chút xúp loãng đủ tạm no nê mà có sức nghĩ về gia đình, vốn là việc những khi khác họ không làm nổi.

Cho đến bây giờ, đã có hàng nghìn cuốn sách viết về  những trại diệt chủng trong thế chiến thứ hai.  Còn vào thời điểm Primo Levi quyết định kể lại câu chuyện của mình, chúng cũng đã quá nổi tiếng.  Levi khẳng định trong lời mở đầu rằng cuốn sách không nhằm đưa ra “những lời buộc tội mới” mà chỉ cung cấp thêm tư liệu cho những nghiên cứu về “tâm trạng con người”.  Cuốn sách đặt ra nhiều câu hỏi nhức nhối: khi nào một con người là người? con người khác gì với con vật? liệu một con người có thể lấy đi nhân phẩm của một con người khác?  người có thể làm gì đối với người? thiện, ác, đúng, sai liệu có ý nghĩa gì trong một nơi chốn khủng khiếp như Auschwitz?  Trong quá trình học cách tồn tại, và nhờ cả may mắn để tồn tại đến những ngày cuối cùng giữa chốn phi nhân đó, Levi luôn tìm cách nhận ra những dấu hiệu con người: một cái ôm với người đồng hương trẻ tuổi Schlome, thái độ không từ bỏ, không chịu chấp nhận của Steinlauf, tình bạn với Alberto, Thần khúc của thi hào Ý Dante và nhất là sự tốt bụng của Lorenzo - người không ngại hiểm nguy tặng thường xuyên tặng xúp và bánh mì cho Levi.

Cho dù sau Auschwitz người ta có thể phục hồi về mặt thể chất, tinh thần là một cái gì đó khó hồi phục hơn nhiều. Không phải ai cũng có thể chịu đựng được những hồi ức về quãng lịch sử đen tối đó. Bản thân con người tốt bụng Lorenzo kia đã không vượt qua nổi chứng rối loạn về tâm lý và cuối cùng chết vì thiếu sự chăm sóc bản thân vào năm 1952. Còn Levi, dù chọn cách đương đầu với quá khứ bằng cách viết sách và đi nói chuyện về Auschwitz,  thì chết vào nhà riêng vào năm 1987, và cái chết nhiều bí ẩn của ông được nhiều nguồn tư liệu coi là tự sát. Dẫu sao, thì như Elie Wiesel, một tù nhân Auschwitz khác, đã nói, thực ra Primo Levi đã chết từ bốn mươi năm trước trong Auschwitz.

Với một câu chuyện u ám như thế, lẽ ra Có được là người phải là cuốn sách nặng nề và khó đọc. Nhưng thật lạ kỳ, đây lại là một page turner - một cuốn sách bắt người ta phải lật không ngừng.  Sức hấp dẫn của cuốn sách không nằm ở câu chuyện mà nằm ở cách tác giả kể chuyện - đó gần như là một giọng kể phi cảm xúc, che giấu sự kinh tởm trước những gì được mô tả - và cách mà cuốn sách gợi ra những suy nghĩ, những truy vấn mênh mang trong người đọc. 

* Có được là người  - Primo Levi, Nhã Nam và NXB Hội nhà văn, Trần Hồng Hạnh dịch từ nguyên bản tiếng Ý

Thursday 2 December 2010

Thơ Bút Tre





Hoan hô anh Ngô Bảo Châu
Tuy không có bầu vẫn vượt Hà Hô


Hà Hô là Hà Hồ, tức Hồ Ngọc Hà, bỏ dấu huyền cho đúng luật chứ xin khẳng định cô ấy không hô tí nào.  Bài thơ Bút Tre này được sáng tác nhân đọc bản tin của Vnexpress, theo đó từ khóa "Ngô Bảo Châu" đứng đầu trong top 10 các từ khóa được sử dụng trên Yahoo Việt Nam năm 2010.  Đặc biệt, bản tin có  đoạn: "Lần đầu tiên trong lịch sử, một nhà toán học Việt Nam được trao giải thưởng Fields danh tiếng (được coi là giải Nobel của Toán học). Do vậy rất người Việt Nam tìm hiểu thông tin về giáo sư Ngô Bảo Châu với niềm tự hào dân tộc. Không quá ngạc nhiên khi cái tên tuổi vị giáo sư trẻ tuổi này vượt qua ca sĩ Hồ Ngọc Hà, người đã có một năm ồn ào với chuyện mang bầu rồi có con đã tốn khá nhiều giấy mực của báo giới.".

Tớ không đi học đâu

Tớ không đi học đâu.  Bởi vì tớ buồn ngủ lắm ấy. Tớ lạnh nữa. Mà ở trường chẳng ai thích tớ cả.

Tớ không đi học đâu. Bởi vì ở trường có hai đứa kia. Chúng to hơn tớ. Chúng khỏe hơn tớ. Khi tớ đi ngang, chúng thò tay ra chắn đường. Tớ sợ.

Tớ sợ. Tớ không đi học đâu. Ở trường, thời gian như ngưng lại. Mọi thứ bị bỏ lại bên ngoài. Bên ngoài cổng trường.

Ví dụ như căn phòng của tớ ở nhà. Cả mẹ, bố, đồ chơi của tớ và những con chim trên ban công. Khi ở trường và nghĩ về họ, tớ muốn khóc. Tớ ngó ra ngoài cửa sổ. Trên trời có những áng mây.

Tớ không đi học đâu.  Vì tớ chả thích gì ở đó.

Hôm nọ tớ vẽ một cái cây. Cô giáo nói, “Đúng là một cái cây, giỏi lắm.” Tớ vẽ thêm một cây khác. Cây này cũng chẳng có lá.

Rồi một đứa trong đám trẻ kia lại gần và giễu tớ.

Tớ chẳng đi học đâu. Buổi tối lúc tớ đi ngủ và nghĩ về chuyện hôm sau đi học, tớ thấy kinh khủng lắm ấy. Tớ bảo, “Con không đi học đâu.” Người ta nói, “Sao con lại nói thế?  Ai cũng đi học mà.”

Ai cũng đi? Vậy cứ để cho ai đi. Tớ ở nhà thì đã sao? Hôm qua tớ đi học rồi, đúng không? Nếu ngày mai tớ không đi học thì sao, cả ngày kia nữa?

Phải chi tớ được ở nhà, trong giường của tớ. Hay trong phòng tớ. Phải chi tớ ở đâu cũng được, nhưng đừng phải ở cái trường đó.

Tớ không đi học đâu, tớ ốm rồi. Ấy không thấy sao?  Ngay lúc ai đó nhắc tới trường là tớ muốn ốm, tớ bị đau bụng. Thậm chí tớ còn không uống được cả sữa kia.

Tớ không uống sữa đâu. Tớ sẽ không ăn gì cả, và tớ cũng không đi học. Tớ chán lắm. Chẳng ai thích tớ cả. Có hai đứa kia. Chúng thò tay ra chắn đường tớ.

Tớ đến chỗ cô giáo. Cô giáo nói, “Sao trò đi theo cô?”.  Tớ kể ấy nghe chuyện này nhưng ấy phải hứa đừng nổi đóa.  Lúc nào tớ cũng bám theo cô giáo, và lúc nào cô giáo cũng nói, “Đừng đi theo cô.”

Tớ sẽ không đi học, không bao giờ nữa. Tại sao á? Tại vì tớ chỉ không muốn đi học, vậy thôi.

Vào giờ nghỉ tớ cũng chẳng muốn ra ngoài. Chỉ khi mọi người quên tớ đi, thì đó mới là giờ nghỉ. Rồi mọi thứ lộn xộn cả lên, mọi người cắm đầu cắm cổ chạy.

Cô giáo nhìn xéo tớ, và phải nói ngay trông cô ấy chẳng lấy gì làm tốt lắm. Tớ không muốn đi học.  Chỉ có mỗi một đứa thích tớ thôi, cậu ấy là đứa duy nhất nhìn tớ dịu dàng. Đừng nói với ai nhé, nhưng tớ cũng chẳng thích cậu ấy.

Tớ chỉ ngồi xuống và ở yên đó. Tớ thấy cô đơn làm sao. Nước mắt tớ lăn trên má. Tớ chẳng thích trường tẹo nào.

Tớ bảo rồi, tớ ứ thích đi học. Rồi trời sáng và người ta mang tớ đến trường.  Tớ thậm chí không cười nổi, tớ nhìn thẳng trước mặt, tớ muốn òa khóc. Tớ leo lên đồi, ba lô trên lưng to như ba lô bộ đội, tớ nhìn xuống đôi chân nhỏ xiú của tớ trong khi leo lên đồi. Mọi thứ mới nặng nề làm sao: ba lô trên lưng, sữa nóng trong bụng. Tớ muốn òa khóc.

Tớ đi vào trường. Cái cổng sắt đen khép lại sau lưng. Tớ bật khóc, “Mẹ ơi, xem này, mẹ bỏ rơi con trong này.”

Rồi tớ vào lớp ngồi phịch xuống. Tớ muốn biến thành đám mây bồng bềnh ngoài kia.

Tẩy, tập vở, và bút: Cho gà xơi tất!

[Dịch từ bài I'm not going to school của Orhan Pamuk]

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN