Sunday 27 February 2011

Ghi chép chớp nhoáng về thực tại số 9






đêm qua mười hai giờ khuya
(lúc đi nhậu về)
tôi cáng fải 01 coong chuộc cống chếch

Chuột chết hai lần
thịt xương nát tan



Friday 25 February 2011

Nhà văn đã chết


Không gì làm tôi vui sướng hơn, không gì ràng buộc tôi vào cuộc sống chắc chắn hơn bằng việc đọc được một đoạn văn sâu sắc và cô đọng trong một cuốn tiểu thuyết, bằng việc bước vào thế giới đó và tin rằng nó có thực.  Tôi cũng thích nhà văn đã chết hơn, bởi vì lúc đó sẽ chẳng có áng mây ghen tị nào che mờ sự ngưỡng mộ tôi dành cho họ.  Càng già, tôi càng tin chắc rằng những cuốn sách hay nhất là do những nhà văn đã chết viết ra. Ngay cả nếu họ chưa chết, cảm nhận sự hiện diện của họ là cảm nhận một bóng ma.  Đây là lý do tại sao khi gặp các nhà văn lớn ngoài đường ta đối xử với họ như bóng ma, không tin lắm vào mắt mình khi chúng ta sững sờ nhìn từ đằng xa.  Vài linh hồn can đảm tiếp cận những bóng ma để xin chữ ký. Đôi khi tôi tự nhủ các nhà văn này sớm sẽ chết thôi, và khi họ chết rồi, những cuốn sách  - di sản của họ sẽ chiếm giữ một vị trí thậm chí còn được yêu mến hơn trong tim ta.  Tuy vậy, dĩ nhiên không phải lúc nào cũng thế.

(Orhan Pamuk)

----
Đoạn trên đây thân tặng bạn Nhã Thuyên, người chỉ tin cậy và yêu mến những nhà văn đã chết:)






Monday 21 February 2011

Huyền thoại về nàng công chúa A-ra-Alpha


Như mọi câu chuyện cổ tích khác, chuyện cổ tích về các nàng công chúa thường rất thiếu chi tiết. Do đó, tùy trường hợp, ta có quyền tự do tưởng tượng những chi tiết chưa được nhắc đến, hoặc, một cách thô bạo hơn, thẳng thừng từ chối sự tồn tại của những chi tiết đó, miễn sao đạt được mục đích của mình. Chẳng hạn như câu chuyện sau đây về nàng công chúa có tên Alpha:

Không biết từ bao giờ, Alpha tự cho rằng mình là công chúa. Hồi nhỏ, tức là hồi nhỏ hơn bây giờ, ai hỏi Alpha tên gì, Alpha sẽ trả lời: “Con tên là Công Chúa.” Bây giờ,  nếu hỏi tên, Alpha sẽ trả lời: “Con tên là Alpha.” Hỏi tiếp, Alpha là ai, câu trả lời sẽ là: “Alpha là công chúa.” Vì thế, ba mẹ bạn cũng hay giáo dục bạn sống, chiến đấu, học tập như một công chúa.  Chẳng hạn: “Công chúa phải ăn nhanh lên, không có công chúa nào ngậm cả”, hoặc, “Công chúa phải dịu dàng, không được cào vào mặt em.”

Một hôm, Alpha bỗng thông báo, “Mẹ ơi, con vừa mới đánh rắm!”

Mẹ (rất nghiêm nghị): Ôi, sao thế?  Sao công chúa mà lại đánh rắm.  Công chúa thì không được đánh rắm.

Alpha: Có chứ!  Công chúa có đánh rắm mà.

Mẹ: Không, công chúa không đánh rắm, phải không ba?

Ba (giọng nghiêm nghị không kém): Đúng rồi.  Công chúa không đánh rắm, mà cũng không đi ị nữa.  Có bao giờ con thấy trong sách công chúa đánh rắm hay đi ị không?

Mẹ:  Trong sách chỉ có, sau khi hoàng tử hôn công chúa, thì công chúa tỉnh dậy.  Chứ làm gì có chuyện hoàng tử hôn công chúa, thì công chúa đánh rắm; hoặc hoàng tử hôn công chúa, thì công chúa mắc ị.

Ba: Mẹ nói đúng đấy.  Như vậy Alpha không phải là công chúa rồi.

Alpha: (bắt đầu nức nở…)
Ba (vội vàng xuống nước): Ồ, không không, Alpha vẫn là công chúa, mặc dù Alpha đánh rắm.  Trong sách người ta quên kể thôi, chứ thật ra mọi công chúa đều đánh rắm và đều đi ị cả.

:)))

Thỉnh thoảng, ỷ lớn ăn hiếp nhỏ rất là vui!

Wednesday 16 February 2011

Bí mật dưới giàn mướp

Tôi đã từng mơ viết một cuốn tiểu thuyết như thế này:

Một người đàn ông giàu có, đẹp trai, thành đạt, gia đình hạnh phúc, rơi từ tầng 33 của một tòa nhà trong thành phố xuống đất.  Trong thời gian rơi đó, khoảng vài giây, người đàn ông hồi tưởng lại những sự kiện diễn ra trong đời mình, tất cả những dích dắc khúc mắc, tình yêu, thù hận, tiền bạc, quyền lực, những góc khuất tâm hồn, quan điểm chính trị .v.v., dần dần sẽ được hé lộ, và đến khoảnh khắc cuối cùng, khi anh ta chạm đất, thì người đọc cũng tự trả lời được cái chết của anh ta là án mạng hay tự tử.  Toàn bộ những hồi tưởng trong khi đang rơi đó, diễn ra trong vài giây, sẽ được thuật lại trong khoảng 500 trang. 

Đấy, nhưng tôi mới phát hiện ra, cái ý tưởng trên hơi bị trùng lắp. 

Trong truyện ngắn “An Occurrence at Owl Creek Bridge” của Ambrose Bierce, nhân vật chính bị treo lủng lẳng trên thành cầu do tội phá hoại đường ray. Khi dây thừng bắt đầu siết quanh cổ, anh ta nhớ về vợ con mình. Dây thừng đứt, anh rơi xuống sông, thoát khỏi đạn bắn đuổi, lặn lội rừng suối tìm về nhà gặp vợ.  Khi anh chạy lại định ôm vợ, thì anh thấy đau quanh cổ.  Đó chính là khi dây thừng bị siết lại.  Hóa ra là dây thừng chưa bao giờ bị đứt, và anh đã tưởng tượng ra toàn bộ câu chuyện trốn thoát.  Chỉ mỗi tội truyện này ngắn lắm, đăng Tuổi trẻ Cuối tuần được, chứ không đến 500 trang.

Trong một truyện ngắn khác, “The Secret Miracle” của Borges, nhà viết kịch Hladik bị kết án tử hình.  Đêm trước ngày thi hành án, ông cầu chuyện Chúa ban cho ông một năm để hoàn thành vở kịch của mình.  Ngày hôm sau, khi bị dẫn ra đứng trước đội súng và viên chỉ huy đã ra lệnh bắn,  chợt thế giới trở nên bất động. Hladik, tuy bất động nhưng hoàn toàn tỉnh táo, nhận ra rằng Chúa đã nghe lời nguyện cầu của ông.  Ông có một năm để hoàn thành vở kịch của mình, và một năm đó là khoảng thời gian chủ quan của ông, bắt đầu từ khi lệnh bắn được phát ra cho đến khi viên đạn hoàn thành sứ mệnh của nó.  Với mọi người khác, thời gian vẫn trôi bình thường, nên chẳng ai nhận ra điều gì khác lạ.

Tôi biết đến hai truyện ngắn này khi đọc Letters to a Young Novelist (Thư gửi một tiểu thuyết gia trẻ tuổi) của Vargas Llosa, một cuốn sách về kinh nghiệm viết tiểu thuyết mà tôi nghĩ là cực kỳ hữu ích đối với các nhà văn nói riêng và những ai quan tâm đến nghệ thuật tiểu thuyết nói chung.  Tôi sẽ còn nhắc đến cuốn này trong các post tới, và hy vọng sẽ trích dịch được một ít.

Trong thời gian chờ đợi, tôi đi viết cuốn tiểu thuyết 500 trang của tôi đây! :) :) :)

Update: Link truyện Phép lạ bí ẩn của Borges, bản dịch của Mr. Tin Văn.

Tuesday 15 February 2011

Bí mật trên giàn mướp



Hình dưới đây cho thấy những keyword được sử dụng để vào blog này trong vòng 12 giờ qua (click vào hình để phóng to).  Đang có đánh nhau to về vụ Hội thề phải không các bác?


Monday 14 February 2011

Love at first sight

+ Hôm qua, tôi đi tìm một câu để nhét vào entry về ngày tình yêu, gặp được câu nàyvốn là câu mở đầu một cuốn tiểu thuyết rất nổi tiếng, "It was love at the first sight".  Thế nhưng, đó lại không phải là tiểu thuyết về tình yêu.  Đố các bác đó là cuốn nào:).


+ Love at first sight khá nhiều chuyện kinh hồn táng đởm.  Trong một cuốn nọ, có chuyện một anh chàng nhìn thấy một cô phát mê luôn, mê đến nỗi rút phắt súng pằng pằng bạn trai của cô kia xong dắt cô đó chạy trốn.  Đố các bác là cuốn nào tiếp đấy?:)


+ Bài thơ Love at first sight của Szymborska đã quá ư quen thuộc với bạn đọc Việt Nam qua nhiều bản dịch khác nhau.  Nói chung, tôi cố gắng tránh dịch thơ càng xa càng tốt, nhất là dịch qua hai ba nước.  Tuy vậy, tôi đã hai lần dại dột làm việc đó, và một trong hai lần dại dột là nghe lời gái mà dịch bài thơ này.  Nó ở đây.



Sunday 13 February 2011

Hoa cho ngày tình

... gọi tắt là hoa tình, như thường lệ, chắc chắn sẽ là rất đắt.  Do đó, từ cách đây một tuần, tôi đã nhanh tay mua tặng cụ bà ở nhà một bó hoa hồng, khi đó hoa chưa tăng giá.   Từ đó đến nay, ngày nào cụ bà cũng thay nước, đêm đem ra phơi sương, cả hai cùng quyết tâm chăm sóc bình hoa tươi đến ngày 14/2 nhà vẫn có hoa hồng mà tiết kiệm được một khoản đáng kể.  Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn, sá gì việc chăm một bình hoa cho tươi cả tuần:)


đây là chưa kể chưa bao giờ đi mua hoa mà có cảm giác dễ chịu đến thế.  Cô bán hoa thật tươi, nói năng thật lịch sự nhẹ nhàng, gói bó hoa thật đẹp lại không tính tiền giấy gói và nơ.  Ngày nào ra đường gặp được một người như thế là cũng đủ thấy cuộc đời vẫn đẹp.  Về kể với cụ bà, cụ bà cứ gườm gườm, cho nên  nếu ngày mai mà đi mua hoa nữa thế nào cũng bị nghi ngờ.  Càng có lý do để không mua hoa vào ngày mai, góp phần vào việc bình ổn giá hoa:)


tôi thấy như bác tổng giám đốc nhà tôi là hay: thứ bảy tuần nào cũng mua hoa tặng vợ; thấy hay nhưng không bắt chước được, vì bắt chước thế nào cũng bị nhằn!

Friday 11 February 2011

Mua sách trên mạng (II)

Chia sẻ thêm một số thông tin về mua sách trên mạng cho các bạn quan tâm:


+ Abebooks.com:  Đặc biệt vì có chính sách miễn phí shipping toàn cầu đối với một số đầu sách.  Nói là một số, nhưng hầu hết những sách tôi muốn mua đều lọt vào diện này.  Đơn hàng được xử lý rất nhanh, thường trong vòng một ngày.  Sách giao cũng nhanh, về đến Việt Nam trong vòng 3-4 tuần, chậm hơn ngày giao dự kiến nhưng như vậy là nhanh lắm rồi.


+ Amazon.com:   Tiền shipping về Việt Nam thường bằng gần một nửa giá sách, bất kể mua nhiều hay mua ít.  Xử lý đơn hàng chậm, giao hàng nếu không trục trặc gì mất khoảng 6-7 tuần, có khi mất đến 3 tháng.  Lần gần đây nhất, một đơn hàng của tôi quá hạn giao một tháng mà chưa đến, tôi khiếu nại thì Amazon xin lỗi rối rít và đồng ý hoàn trả tiền.  Điều đáng khen là dịch vụ khách hàng của Amazon trả lời rất nhanh, và thể hiện sự tin tưởng khách hàng tuyệt đối.  Bảo không nhận được là họ hoàn tiền ngay.  Tuy nhiên, họ cũng nói thêm, nếu sau đó mình vẫn nhận được hàng thì hoặc gởi trả cho họ và họ sẽ hoàn tiền cước cho mình, còn nếu mình muốn giữ sách thì thông báo cho họ để họ charge thẻ tín dụng của mình.  Một tuần sau khi Amazon hoàn tiền, tôi nhận được sách.  Tôi thông báo cho Amazon tôi muốn giữ sách, không quên kỳ kèo giảm giá vì sách đến quá chậm.  Thế là họ đồng ý chỉ tính tiền sách và miễn hoàn toàn tiền shipping cho lô hàng đó.


+ Tiki.vn:  Tất cả sách đều được bọc nylon miễn phí rất đẹp, và được tặng kèm những bookmark rất xinh xắn.  Tuy nhiên, dịch vụ thanh toán của Tiki còn nhiều hạn chế, chẳng hạn họ không chấp nhận  thẻ tín dụng, mà chỉ chấp nhận chuyển khoản.  Có lần, sau khi đặt sách, tôi chuyển khoản ngay cho họ, thế mà mấy mấy ngày sau nhân viên Tiki còn gọi hỏi tôi đã chuyển tiền chưa, chứng tỏ Tiki không có hệ thống theo dõi chặt chẽ việc trả tiền của khách hàng.  Một việc bực mình khác là có những cuốn đã hết hàng nhưng không thể hiện trên website, khách đặt mua, trả tiền xong rồi, họ mới gọi điện báo là hết hàng, và hứa sẽ trả tiền lại, nhưng hoàn tiền rất chậm.  Đợt rồi làm một cái survey gì đó của Tiki thì được tặng một mã giảm giá 20% sử dụng trong một tháng.


+ Zokik.com:  Chấp nhận thanh toán bằng thẻ thông qua Paypal account.  Thường cho giảm giá một số đầu sách trong một khoảng thời gian nhất định.  


+ Vinabook.com:  Hết đợt khuyến mãi 35% khi thanh toán bằng ví điện tử Vnmart thì chẳng thấy giảm giá gì nữa ráo, nhưng số lượng đầu sách có vẻ phong phú hơn so với các trang khác.


Mua sách trên mạng (I)

Wednesday 9 February 2011

Thời gian của đọc


Trước Tết khoảng mười ngày, tôi đột nhiên thấy người ớn lạnh, uể oải, cứ tưởng là mình có bầu tới nơi rồi. (Con gái Alpha thỉnh thoảng sờ bụng ba, hỏi, ba sắp có em bé hả?).  Hai ba hôm liền như thế, cộng thêm một vài triệu chứng khác, đi khám, thì may không phải bầu, mà là bệnh.  Bệnh  không nặng lắm, nhưng khó chịu, và buộc phải ở nhà một tuần.  Nghe bác sĩ báo tin xong, tôi vừa bực mình, vì những ngày đó mà buộc phải ở nhà chẳng khác bị chặt chân, nhưng cũng vừa hơi thinh thích vì sẽ có nguyên một tuần để đọc sách!  Trong tuần đó, trừ những lúc sốt, chóng mặt, hay đau đầu quá sức, thì tôi đọc liên tục được bốn cuốn:  Những ngã tư và những cột đèn của Trần Dần, Henderson - Ông hoàng mưa của Saul Bellow và hai cuốn của Vargas Llosa là In Praise of the Stepmother (tạm dịch Ngợi ca kế mẫu), và Death in the Andes (tạm dịch Cái chết trên dãy Andes).

Tôi chia sẻ nhận xét của bạn Nhã Thuyên về Những ngã tư và những cột đèn: cuốn tiểu thuyết này là một bài thơ dài.  Tôi thậm chí còn muốn thêm: một bài thơ bậc thang dài.  Tôi có ấn tượng đó vì cách ngắt nhịp trong văn Trần Dần: ông sử dụng dấu phẩy dày đặc để ngắt những câu dài thành ba, bốn, năm đoạn. Về mặt ngữ pháp, có thể những dấu phẩy đó không thực sự cần thiết; tuy nhiên, về mặt ngữ điệu, nó cho ta cảm giác khi đọc những bài thơ bậc thang, nơi một câu thơ luôn được ngắt ra thành ba bốn bậc.   Với tôi, điều thú vị nhất khi đọc tiểu thuyết của Trần Dần là lại được nhìn thấy một Trần Dần - nhà thơ.

Về cuốn Ông hoàng mưa, sau chừng 100 trang đầu, tôi tự hỏi mình có nên đọc tiếp.  Nhưng cũng vào lúc tôi đang băn khoăn thì nhân vật chính, Henderson - một triệu phú người Mỹ, đột nhiên quyết định đi sang châu Phi.  Những chuyến đi châu Phi luôn hứa hẹn những điều kỳ thú, nhất là khi Henderson quyết định tránh xa những dấu vết văn minh để đi off the beaten track vào những nơi xa xôi, hẻo lánh, lạ lùng nhất.  Trước chuyến đi châu Phi, thành tích đáng kể nhất của Henderson là bắn hụt một con mèo (tất nhiên phải trừ quả huân chương trong chiến tranh thế giới thứ hai).  Chuyến đi châu Phi của Henderson đầy ắp những sự kiện đáng ghen tỵ cho bất cứ tiểu thuyết phiêu lưu nào: làm nổ tung một bồn nước đầy ếch nhái bằng một quả bom làm từ đèn pin và dây giày, ngủ cùng với xác chết, đột nhiên bị lột quần áo và tung hô hay gầm gào cùng với sư tử.  Thế nhưng, lẽ dĩ nhiên Ông hoàng mưa không chỉ là một tiểu thuyết phiêu lưu. Cái tiếng nói trong đầu Henderson thôi thúc ông rời khỏi cuộc sống vô vị dấn thân vào cuộc phiêu lưu để tìm hiểu bản thân mình muốn gì hẳn là tiếng nói mà đôi khi mỗi chúng ta cũng nghe thấy nhưng thường bị lờ đi. Và những đoạn đối thoại giữa Henderson và vị vua sư tử minh triết Dahfu thực sự là thức ăn thượng hạng cho tâm hồn, tha hồ cho ta vừa ăn vừa chiêm nghiệm cuộc sống.
 
In Praise of the Stepmother là một cuốn tiểu thuyết tương đối mỏng, chưa tới hai trăm trang, chưa kể bản tôi có là bản bìa cứng, chữ to, lại là tiểu thuyết erotic nên có thể đọc rất nhanh mà không cần đứng dậy đi uống sữa:) Đây là cuốn đầu tiên của Vargas Llosa mà tôi đọc.  Trước đó nhà có sẵn cuốn The Bad Girl  - một phiên bản của bà Bovary (Vargas Llosa rất hâm mộ Flaubert)  nhưng mãi mà tôi vẫn để đấy, chưa sờ tới, vì không khoái gái hư lắm.:)  In Praise of the Stepmother là tên bài luận văn mà cậu con trai riêng của chồng tuổi vị teen (chắc dưới 13 tuổi) Fonchito viết để thuật lại những gì diễn ra giữa cậu và bà mẹ kế Lucrecia.  Chỉ đến trang cuối tiểu thuyết, ta mới có thể biết những âm mưu đen tối nhất có thể khoác bộ mặt thánh thiện nhất.  Điều này khẳng định rằng một sự thật rằng, làm gì có chuyện mẹ kế mà được ngợi ca!  Điểm đáng chú ý của cuốn này là xen giữa những chương sách thuật lại câu chuyện giữa Lucrecia, ông chồng Don Rigoberto và cậu con trai riêng Fonchito, là những chương tả lại những bức tranh thời phục hưng có đề tài liên quan đến câu chuyện.  Những bức tranh đó được in lại trong sách. 
  
Tôi chỉ hơi thích In Praise of the Stepmother, nhưng tôi hoàn toàn bị chinh phục bởi Death in the Andes.  Tôi biết đến cuốn này từ bài luận văn của Pamuk về Vargas Llosa mà tôi có đăng một phần bản dịch trên blog này.  Pamuk nhận xét Death in the Andes là một tiểu thuyết tiêu biểu của Vargas Llosa. 

Trích Pamuk: “Tiểu thuyết này lấy bối cảnh những thị trấn nhỏ nằm rải rác và bị lãng quên trong dãy Andes xa xôi - trong những thung lũng đìu hiu, những mỏ khoáng sản, những con đường núi, và một cánh đồng chẳng có gì ngoài sự hoang vắng - và theo chân một cuộc điều tra chuỗi những vụ mất tích  nhiều khả năng là giết người.  Cả điều tra viên, hạ sĩ Lituma, và đối tác của anh trong lực lượng dân vệ, Thomas Correno sẽ quen thuộc với độc giả những tiểu thuyết khác của Vargas Llosa.  Trong khi hai người lang thang trong núi thẩm vấn những đối tượng tình  nghi, họ kể cho nhau nghe những chuyện tình trong quá khứ, luôn phải trông chừng mai phục của Con Đường Sáng - nhóm du kích theo chủ nghĩa Mao.  Những người họ gặp dọc đường và những chuyện họ kể trộn lẫn với lịch sử cá nhân họ tạo nên một hoạt cảnh rộng lớn của Peru đương đại với tất cả khổ đau của nó.”

Cách kể chuyện của Vargas Llosa trong Death in the Andes thú vị nhưng cực kỳ phức tạp.  Chuyện kể quá khứ và hiện tại đan xen với nhau không phải theo từng chương hay từng đoạn mà từng câu. Nhưng cũng nhờ đó, nó tạo hiệu ứng như khi xem một cuốn phim mà những xen quá khứ liên tục được chèn vào xen hiện tại.  Khi xem phim, ta phân biệt được quá khứ - hiện tại nhờ vào bối cảnh, trang phục, ánh sáng .v.v, còn khi đọc cuốn này đôi khi ta chỉ phân biệt được quá khứ và hiện tại nhờ vào cách sử dụng đại từ nhân xưng.

Bây giờ thì chờ có Trò chuyện trong quán La Catedral để đọc. Ghét thế, Sài Gòn luôn có sách mới muộn hơn Hà Nội.  Sáng lên mạng đã thấy hoa hậu khoe toáng đang đọc rồi.  Kinh thật!

Monday 7 February 2011

Đời nhẹ khôn kham


Đời nhẹ bẫng tuy có khôn kham, nhưng đời nặng nề quá thì đúng không chịu nổi.  Chẳng thế mà, sau mấy ngày Tết ăn quá nhiều bánh chưng bánh tét đặc ruột, người ta chỉ mong ăn nhiều rau xanh cho nó nhẹ nhàng.  Cũng có cách khác, tốn kém hơn, nhưng cái sự nhẹ nhõm chắc chắn là đạt được: Đi máy bay của Vietnam Airlines.

Chưa bao giờ trong cuộc đời làm người đi máy bay, tôi bay chặng Sài Gòn - Đà Lạt, cho dù hai mươi năm nay năm nào tôi cũng về nhà vài lần.  Năm nay xí xớn, tôi quyết định cả nhà sẽ về quê ăn Tết bằng máy bay.  Biết những ngày Tết vé khó mua, tôi nhờ một người bạn làm đại lý du lịch  đặt vé từ rất sớm.  Trước Tết hơn hai tháng, cả nhà tôi đã có vé đi từ Sài Gòn 28 Tết, và ngày về mùng 4 Tết. Vé điện tử, được gửi vào email, tôi đánh dấu rồi để đó. Ngày 26 Tết, tôi in vé ra xem giờ bay rồi tắc lưỡi, bay giờ này có nghĩa 4.30 sáng đã phải ra khỏi nhà rồi.  Tối 27 Tết, chuẩn bị hành lý xong xuôi,  tôi giở vé ra xem lại, thấy ngày bay là 30/1.  Hơi ngờ ngợ, xem lịch, mới phát hiện ra 30/1 là 27 Tết, nghĩa là chuyến bay của chúng tôi đã cất cánh sáng hôm đó rồi!  10 giờ đêm gọi bạn đại lý với hy vọng mong manh đổi chuyến bay sang hôm sau.  Đại lý báo ngày 28 chỉ còn đúng một vé hạng thương gia, và ngày 29 Tết cũng thế.  Thế là chúng tôi đành phải chuyển sang đi bằng xe đò.  Tôi quả là không có số bay chặng  Sài Gòn - Đà Lạt.  

Ngay sáng hôm sau, bạn đại lý của tôi gọi điện báo Vietnam Airlines xác nhận lại chuyến về để tránh bị hủy vé.  Tuy nhiên, Vietnam Airlines báo rằng đích thân tôi phải  gọi điện đến đại diện Vietnam Airlines ở Đà Lạt thì vé chuyến về mới không bị hủy.  Ngày 29 Tết, tôi gọi đến Vietnam Airlines Đà Lạt yêu cầu xác nhận lại hành trình, và được báo rằng do tôi không đi chuyến Sài Gòn - Đà Lạt nên vé có thể bị hủy.  Tôi giải thích lý do, và khẳng định sẽ đi chuyến về ngày mùng 4, nhưng Vietnam Airlines Đà Lạt vẫn bảo chỗ của chúng tôi trên chuyến về sẽ không bị hủy bởi nhân viên nhưng vẫn có thể bị hệ thống hủy, do đó, 24 giờ trước khi bay tôi phải gọi điện một lần nữa để tái xác nhận.  Suốt mấy ngày thắc thỏm, sáng mùng 3 Tết, tôi gọi cho Vietnam Airlines Đà Lạt một lần nữa, cô nhân viên ở đây mau mắn xác nhận “ngày mai bốn người nhà anh bay bình thường.”   Buông điện thoại, tôi hát nghêu ngao, “cuộc đời vẫn đẹp sao.”

6 giờ sáng mùng 4, chúng tôi gọi hai bạn Alpha và Pi dậy, mặc cho 4 lớp áo, rồi đi 30 cây số đến sân bay Liên Khương.  Đầu con đường vào sân bay có trạm thu phí, anh nhân viên thu phí năng động đứng hẳn giữa đường chặn xe và bán vé.  Con đường vào sân bay thẳng tắp, hai bên là đồi hãy còn lác đác hoa quỳ vàng.  Sân bay hình như mới được sửa lại, trông khá mới và xinh xắn.  Tôi hớn hở trình giấy tờ cho cô nhân viên làm thủ tục.  Nhưng, sự hớn hở của tôi kéo dài không lâu, khi được thông báo chúng tôi không có tên trong danh sách chuyến bay.  Tôi bắt đầu lờ mờ cảm thấy rằng sự mau mắn của cô nhân viên Vietnam Airlines Đà Lạt ngày hôm qua hình như có gì …bất thường.  Nếu không có chỗ, điều đó có nghĩa là chúng tôi phải trở ra ngã ba Finom, cách đó chừng sáu bảy cây số ngồi bên đường hứng gió lạnh bắt xe đò.  Người lớn thì không sao, chỉ tội nghiệp hai bạn nhỏ phải lếch thếch.

Cô nhân viên trấn an tôi, chắc không sao đâu, anh ra đại diện Vietnam Airlines  kiểm tra lại.  Ra quầy của Vietnam Airlines tại sân bay Liên Khương, chúng tôi được thông báo rằng vé của tôi đã bị hủy.  “Rõ ràng là ngày hôm trước Vietnam Airlines Đà Lạt đã xác nhận chúng tôi bay bình thường cơ mà?”  “Chúng tôi không biết.  Anh gọi số nào?” “ Tôi gọi theo địa chỉ trên trang web của Vietnam Airlines, số 40 Hồ Tùng Mậu Đà Lạt.”  “40 Hồ Tùng Mậu chỉ là một phòng vé thôi!”  À há, có vẻ như có nhiều Vietnam Airlines khác nhau đang cùng hoạt động, và Vietnam Airlines-Liên-Khương không công nhận Vietnam Airlines -40-Hồ-Tùng-Mậu-Đà-Lạt.  Vào lúc đó, không thể nào liên lạc được với nhận Vietnam Airlines -40-Hồ-Tùng-Mậu-Đà-Lạt để hỏi tại làm sao họ xác nhận “bay bình thường”, mà bây giờ lại trở thành “hành trình bị hủy”; còn Vietnam Airlines-Liên-Khương chỉ có thể giải quyết bằng cách cho chúng tôi vào sổ chờ, nghĩa là nếu 30 phút trước khi cất cánh có người bỏ chỗ thì chúng tôi mới có ghế.  Mùng 4 Tết, và chúng tôi cần đến 4 chỗ, điều này có nghĩa hy vọng mong manh đến mức nào.

Kỳ diệu thay, ơn Đảng ơn Chính phủ, ơn Vietnam Airlines và ơn những ai đó đã bỏ chỗ, 27 phút trước khi cất cánh chúng tôi được “giải quyết.”  Vội vã check-in, vội vã qua cửa kiểm tra, hai bạn lớn vội vã dắt hai bạn Alpha Pi chạy từ nhà chờ ra máy bay khi hầu hết hành khách đã yên chỗ.  Ít phút sau, máy bay từ từ lăn bánh rồi cất cánh. 

Cảm giác cầm boarding pass trong tay và bay lên trời cao chưa bao giờ bồi hồi đến thế.  Thật là nhẹ nhõm khôn kham.


BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN