Sunday 29 April 2012

Lolita trên báo Văn

Truyện ngắn "Con suối mùa xuân" của Võ Hồng đăng trên tạp chí Văn  - Giai phẩm Xuân Ất Tỵ ra ngày 15/1/1965, có một đoạn hai nhân vật trò chuyện về Lolita. Lười gõ lại nên chỉ chụp hình. Click vào hình có thể xem rõ hơn (hy vọng thế).






Nhân đây, trên tienve.org có ý kiến cho rằng Lolita chỉ cao một mét hai lăm, và Dương Tường dịch thành một mét bốn sáu là sai. Nhưng tất nhiên Lolita không thể chỉ cao một hai lăm được. Theo tính toán của các nhân sĩ trên Facebook, Lolita cao 147.32cm.


Hiện tại, chưa thấy có các tính toán về cân nặng cũng như số đo ba vòng của Lolita. Khi nào thấy có, sẽ cập nhật.

Friday 27 April 2012

Giấu giấu giếm giếm


Bạn thân mến

Đâu đó Ernest Hemingway có nói rằng ở thời điểm khởi sự nghiệp viết của mình đột nhiên ông nhận ra nên loại bỏ sự kiện trung tâm ra khỏi truyện mình đang viết (sự kiện nhân vật chính treo cổ). Rồi ông giải thích rằng từ quyết định này ông khám phá ra một kỹ thuật kể chuyện mà về sau ông thường xuyên ứng dụng trong các truyện ngắn và tiểu thuyết của mình.  Thực tế, không hề phóng đại khi nói rằng những truyện hay nhất của Hemingway chứa đầy những sự im lặng đầy ý nghĩa; người dẫn chuyện giấu đi các mẩu thông tin, nhưng đồng thời lại trao cho các dữ liệu vắng mặt ấy một hiện diện hùng hồn và dai dẳng trong trí tưởng tượng của người đọc, sắp đặt thế nào để người đọc lấp đầy các khoảng trống bằng các giả thuyết và ức đoán của riêng mình. Tôi gọi kỹ thuật này là “sự kiện ẩn” và muốn nhanh chóng nói rõ rằng mặc dù Hemingway  đặt dấu ấn cá nhân của mình lên kỹ thuật này cũng như sử dụng nó thường xuyên, không hẳn ông là người sáng tạo ra nó, vì đây là một quy trình cũ xưa như chính bản thân tiểu thuyết.

Nhưng sự thật là ít có tác giả hiện đại nào sử dụng kỹ thuật này với cùng mức độ táo bạo như tác giả Ông già và biển cả. Bạn còn nhớ truyện “Những tên giết người” (The Killers), một truyện ngắn tuyệt hảo và có lẽ truyện nổi tiếng nhất của Hemingway? Ở trung tâm câu chuyện là một dấu chấm hỏi to tướng:  Tại sao hai gã ngoài vòng pháp luật mang súng săn cưa nòng ghé vào cái quán ăn nhỏ tên Henry ở chốn đồng không mông quạnh muốn giết tay Thụy Điển Ole Andreson? Và tại sao, khi cậu thiếu niên Nick Adams cảnh báo hắn rằng có hai tên sát thủ đang lùng, tay Andreson bí ẩn này không chịu trốn đi hoặc báo cảnh sát, mà lại bình thản đón nhận số phận của mình? Chúng ta không bao giờ biết chắc. Nếu muốn có câu trả lời cho hai câu hỏi then chốt kia, chúng ta phải tự giải lấy dựa vào vài sự kiện ít ỏi mà người dẫn chuyện khách quan và biết tuốt (omniscent:)) cung cấp: trước khi chuyển tới vùng này, dường như Andreson từng là võ sĩ đấm bốc ở Chicago, ở đó gã từng làm cái gì đó (cái gì đó trật chìa, gã nói) định đoạt số phận gã.

Sự kiện ẩn, hay trần thuật theo lối đục bỏ,  không thể vu vơ hoặc tùy tiện.  Điều thiết yếu là sự im lặng của người dẫn chuyện phải có ý nghĩa, có một ảnh hưởng rõ ràng lên phần hiển lộ của câu chuyện, phải khiến người ta cảm nhận được sự thiếu vắng của nó, và phải khêu gợi lòng hiếu kỳ, sự trông đợi và tưởng tượng nơi người đọc. Hemingway là một bậc thầy vĩ đại về kỹ thuật, như thể hiện rõ trong truyện “Những tên giết người”, một hình mẫu của lối trần thuật kiệm lời.  Văn bản của truyện ấy như chóp một tảng băng, một mỏm nhỏ có thể nhìn thấy được, mà dưới ánh chớp lóe thì gợi ra một thoáng vẻ ngoài của cái khối chi tiết cồng kềnh đỡ bên dưới, và rồi bị giật phắt ngay khỏi tầm nhìn của người đọc. Kể chuyện bằng cách giữ im lặng, thông qua những ẩn ý biến thủ thuật ấy thành một lời hứa hẹn và buộc người đọc chủ động tham dự việc xây dựng câu chuyện bằng những ức đoán và giả định: đây là một trong những phương thức phổ biến nhất mà những người dẫn chuyện thành công trong việc mang lại vẻ sống động cho các câu chuyện của mình, qua đó đem sức thuyết phục đến cho những câu chuyện ấy.

Bạn còn nhớ mẩu thông tin bị giấu đi trong Mặt trời vẫn mọc, theo tôi là tiểu thuyết xuất sắc nhất của Hemingway?  Đúng rồi, cái vụ bất lực của người dẫn chuyện Jake Barnes đó. Chuyện đó không bao giờ được công khai nói tới nhưng dần trở nên rõ ràng - tôi muốn nói là độc giả, vì bức bối với cái mình đọc, gán điều ấy cho nhân vật - thông qua một sự im lặng đích đáng, một khoảng cách vật lý kỳ lạ, mối quan hệ trong sáng của Jake với cô nàng Brett xinh đẹp, mà rõ là anh yêu cô ta và cô ta cũng rõ là có yêu anh, hoặc có thể đã yêu anh, nếu không phải vì một trở ngại hay chướng vật nào đó mà chúng ta không bao giờ được thông báo chính xác.  Sự bất lực của Jake là một im lặng ngầm ẩn, một thiếu vắng  trở nên nổi bật khi người đọc để ý thấy và rồi ngạc nhiên vì cái vẻ bất thường và đầy mâu thuẫn trong cách ứng xử của Jake Barnes với Brett, mãi cho đến khi cách duy nhất để giải thích chuyện đó là nhận ra (hay bịa ra?) sự bất lực của anh. Mặc dù không được nói ra, hay có lẽ chính xác vì không được nói ra, mà mẩu thông tin ẩn đó tưới tắm cho câu chuyện trong Mặt trời vẫn mọc  bằng một thứ ánh sáng rất riêng.

Dịch một phần chương The Hidden Fact trong cuốn Letters to a Young Novelist của Mario Vargas Llosa. 



Thursday 26 April 2012

Lật một trang


Lắm sách chất quanh nhà cũng có cái lợi. Một trong những cái lợi là thỉnh thoảng giở cuốn này ngó một trang, cuốn kia ngó một trang, có khi thu nhặt được đôi điều bổ ích bất ngờ. Chẳng hạn, hôm nọ giở một trang cuốn dày cồm cộp của Gardner thấy câu này của ông hình như tên bắt đầu bằng chữ S - Samuelson hay gì đấy, sẽ xem kỹ lại sau, đã xem lại, tên ông chính xác là Samuel Johnson. Câu thế này, nghe có quen không nhé: “Your work is both good and original, but the part that is good is not original, and the part that is original is not good.” Câu này vốn rất phổ biến, thường được đem ra chọc ghẹo nhau: văn của mày vừa hay vừa mới tiếc rằng chỗ hay thì không mới mà chỗ mới thì không hay. Hai điều nhặt được từ đây: một, lần đầu tiên biết được ai là người nói câu ấy; hai, chữ “original” có  thể dịch một cách gọn, nhẹ là “mới”, thay vì cứ phải băn khoăn giữa “độc đáo”, “sáng tạo”, “độc sáng” (nghe rất ghét!) với cả “uyên nguyên”! Lại lật một trang trong cuốn chích chòe của Dương Tường, thấy có bài cụ phân tích chữ “thực thụ”/ “thực sự”. Theo cụ, cách dùng chữ “thực thụ” trong những “người đàn ông thực thụ”, “tài năng thực thụ” .v.v. đều sai cả. Còn, lật một trang tạp chí Văn Học của miền Nam trước 75, số đặc biệt về Vũ Hoàng Chương, thì thấy cách dùng chữ “thọ” rất buồn cười. Nguyên văn câu ấy như sau: “Nay nhân dịp thi sĩ Vũ Hoàng Chương vừa thọ 55 tuổi nên chúng tôi lại tiếp tục dự định trên” [tức là ra số đặc biệt về Vũ Hoàng Chương]. 55 tuổi mà là “thọ”? Không hiểu có phải thời ấy chiến tranh nên cách hiểu về chữ “thọ” có khác?

Wednesday 25 April 2012

Kawabata

Bài này dịch 2004, đăng eVan. Post lại ở đây nhân dịp đang tìm kiếm Tuyển tập Kawabata của Đông Tây.  Cuốn đó, từng nhìn thấy nhiều lần, nhưng không lấy, bây giờ muốn có lại không thấy đâu. Bạn nào có, chỉ giúp, xin hậu tạ.





GIẢI  NOBEL VĂN CHƯƠNG 1968
Diễn  từ trao giải của tiến sĩ Anders Osterling, Viện Hàn lâm Thụy Điển

Người nhận giải Nobel văn chương năm nay, nhà văn Nhật Bản Yasunari Kawabata, sinh năm 1899 ở thành phố công nghiệp khá lớn Osaka, nơi cha ông, một bác sĩ có học thức cao và say mê văn chương, hành nghề.  Tuy nhiên, từ khi còn nhỏ, ông đã buộc phải xa rời môi trường trưởng thành thuận lợi này sau cái chết bất ngờ của bố mẹ.  Là đứa con độc nhất, ông được gửi đến ở với người ông mù lòa và đau yếu ở một vùng quê hẻo lánh.  Những mất mát bi kịch này, có ý nghĩa gấp bội khi khi xét đến tình cảm sâu nặng về quan hệ ruột thịt của người Nhật Bản, rõ ràng đã ảnh hưởng đến toàn bộ cái nhìn của Kawabata về cuộc đời và là một trong những lý do khiến ông nghiên cứu giáo lý Phật Giáo về sau này.

Ông đã quyết định theo nghề văn từ khá sớm, khi còn là sinh viên đại học hoàng gia ở Tokyo, và ông là tấm gương về niềm đam mê miệt mài vốn luôn là điều kiện cần thiết để theo đuổi nghiệp văn chương.  Trong một truyện ngắn viết khi còn trẻ, truyện đầu tiên khiến ông được chú ý ở tuổi hai mươi bảy, ông kể về một sinh viên nọ trong một mùa thu cô đơn thả bước dạo trên bán đảo Izu, tình cờ gặp một vũ nữ nghèo, bị khinh miệt và giữa hai người đã nảy nở một mối tình cảm động.  Cô gái mở rộng tấm lòng thanh khiết của mình và đưa chàng trai trẻ đến với những cảm xúc chân thật và sâu sắc.  Như một điệp khúc buồn trong môt bản dân ca, chủ đề này lặp lại nhiều lần với những biến tấu khác nhau trong các tác phẩm về sau của ông.   Ông đưa ra thang giá trị của riêng mình, và năm tháng trôi qua tiếng tăm của ông đã vượt xa khỏi biên giới Nhật Bản.  Thật vậy, cho đến bây giờ chỉ mới  ba tiểu thuyết và một vài truyện ngắn của ông được dịch ra các ngôn ngữ khác, rõ ràng là vì vấn đề dịch thuật ở đây là một khó khăn đặc biệt to lớn và dễ trở thành một màng lọc quá thô kệch mà qua đó nhiều tầng nghĩa tinh tế trong ngôn ngữ phong phú của ông bị mất đi.  Dù vậy những tác phẩm đã được dịch của ông vẫn cho chúng ta thấy được một bức tranh tiêu biểu về tính cách của ông. 

Cũng như người đồng hương cao niên quá cố Tanizaki, phải thừa nhận là ông đã chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện thực phương Tây, nhưng đồng thời ông vẫn lấy văn chương cổ điển Nhật Bản làm nền tảng và nhờ đó đại diện cho một khuynh hướng rõ rệt về sự hoài vọng và gìn giữ phong cách truyền thống thật sự của đất nước.  Trong nghệ thuật kể chuyện của Kawabata, ta có thể nhận ra chất thơ tình huống được tô đậm nhạt một cách tinh tế (sensitively shaded situation poetry) có nguồn gốc từ tranh sơn dầu về đời sống và phong tục Nhật Bản của Murasaki khoảng năm 1000. 

Kawabata đặc biệt được ca tụng là một nhà phân tích tâm lý phụ nữ tài tình.  Nghệ thuật bậc thầy này của ông biểu hiện trong hai đoản thiên tiểu thuyết Xứ Tuyết Ngàn Cánh Hạc.  Trong hai tác phẩm này chúng ta có thể thấy được khả năng miêu tả xuất sắc những trường đoạn gợi tình, sự quan sát sắc sảo tinh tế, sự đan xen những chi tiết nhỏ nhặt, bí ẩn làm lu mờ kỹ thuật kể chuyện của châu Âu.  Văn của Kawabata gợi lại nghệ thuật hội họa Nhật Bản, ông là người tôn sùng vẻ đẹp mỏng manh và ngôn ngữ đầy hình ảnh u uẩn về cuộc sống thiên nhiên và số phận con người.  Nếu sự phù du của hành động bề ngoài có thể so sánh với túm cỏ trôi dạt trên mặt nước, thì đó chính là nghệ thuật thu nhỏ đích thực Nhật Bản của thơ haiku được phản ánh trong phong cách hành văn của Kawabata.

Thậm chí nếu ta cảm thấy bị gạt ra, và đúng là như thế, khỏi cách viết của ông do vấp phải một hệ thống những tư tưởng và bản năng Nhật Bản cổ xưa khá lạ lẫm đối với chúng ta, có thể chúng ta vẫn thấy văn Kawabata hấp dẫn ở những điểm tương đồng với tính chất của các nhà văn châu Âu trong thời đại chúng ta.  Turgeniev là cái tên đầu tiên chúng ta nhớ đến, ông cũng là một nhà văn nhạy cảm một cách sâu sắc và là một họa sĩ phóng khoáng vẽ nên những cảnh tượng xã hội, với những nỗi cảm thông mang sắc thái bi quan trong một thời đại chuyển đổi giữa cái cũ và cái mới. 

Tác phẩm gần đây nhất, cũng là tác phẩm xuất sắc nhất của Kawabata, tiểu thuyết “Cố đô” hoàn thành cách đấy 6 năm và bây giờ đã được dịch ra tiếng Thụy Điển.  Truyện kể về cô gái trẻ Chieko, một đứa trẻ bị cha mẹ nghèo xơ xác bỏ rơi và được gia đình thương gia Takichiro nhận nuôi, ở đây cô được nuôi nấng dạy dỗ theo những nguyên tắc truyền thống của Nhật Bản.  Chieko là một cô bé nhạy cảm, trung thành, nhưng thầm ấp ủ câu hỏi về thân thế của mình.  Ở  Nhật Bản, người ta cho rằng một đứa trẻ bị bỏ rơi sẽ khổ ải với tai ương suốt đời, thêm vào đó,  theo một quan điểm hết sức lạ lùng của Nhật Bản, trẻ sinh đôi còn chịu sự nhục nhã đáng xấu hổ.  Một ngày nọ tình cờ cô gặp một cô gái lao động xinh đẹp trong rừng tuyết tùng gần thành phố và phát hiện ra rằng cô là người em song sinh của mình.  Họ gắn kết sâu sắc với nhau vượt qua hàng rào giai cấp xã hội – cô gái thô kệch, làm việc nặng nhọc Naeko và cô gái thanh nhã, luôn được bảo vệ cẩn mật Chieko, nhưng sự giống nhau lạ lùng giữa họ đã mau chóng làm phát sinh rắc rối, phiền toái.  Toàn bộ câu chuyện được đặt trong bối cảnh năm lễ hội tôn giáo ở Kyoto từ mùa xuân anh đào nở rộ đến mùa đông lấp lánh tuyết.

Bản thân thành phố thật sự là một nhân vật quan trọng, thủ đô của vương quốc xưa, từng là nơi đóng đô của Thiên hoàng và triều đình, sau hàng ngàn năm vẫn là một thánh địa lãng mạn, quê hương của mỹ thuật và hàng thủ công trang nhã, ngày nay tuy bị khai thác cho du lịch nhưng vẫn là địa điểm thăm viếng được ưa chuộng.  Với các chùa chiền phật giáo và các đền thờ thần, khu thủ công xưa và vườn thực vật, nơi này mang trong nó chất thơ mà Kawabata thể hiện bằng một phong cách dịu dàng,  nhã nhặn,  không ủy mị mà tự nhiên như một sự hấp dẫn đầy xúc động.  Ông đã sống qua thất bại nặng nề của đất nước và nhận thức chắc chắn rằng tương lai đòi hỏi gì về tinh thần cầu tiến, nhịp điệu và sức sống công nghiệp.  Nhưng trong làn sóng hậu chiến của sự Mỹ hóa mạnh mẽ, tiểu thuyết của ông là lời nhắc nhở nhẹ nhàng về sự cần thiết cứu lấy một cái gì đó trong vẻ đẹp và cá tính của Nhật Bản xưa cho một Nhật Bản mới.  Ông mô tả những lễ nghi tôn giáo ở Kyoto một cách tỉ mỉ như thể chọn mẫu hoa văn trên khăn thắt lưng truyền thống trong trang phục phụ nữ.  Những khía cạnh này trong tiểu thuyết có thể có giá trị tài liệu, nhưng độc giả thích thú với những đoạn mô tả sâu sắc như vậy như đoạn tả nhóm người trung lưu của thành phố thăm viếng vườn thực vật – vốn bị đóng cửa một thời gian dài vì lính Mỹ chiếm đóng lập doanh trại ở đó – để nhìn xem những con đường đáng yêu với hàng cây long não có còn nguyên và có thể làm vui sướng những con mắt thành thạo. 

Với Kawabata, lần đầu tiên Nhật Bản bước vào thế giới những người đoạt giải Nobel văn chương.  Điều cốt yếu dẫn đến quyết định này là, với tư cách nhà văn, ông đã truyền đạt một nhận thức văn hóa có tính thẩm mỹ và đạo đức (moral-esthetic cultural awareness) bằng một phong cách nghệ thuật độc đáo, do đó, đóng góp vào cầu nối tinh thần Đông Tây theo cách của ông.

Thưa ngài Kawabata

Bài diễn văn trên ca ngợi nghệ thuật kể chuyện bậc thầy của ngài mà bằng sự tri cảm lớn lao nghệ thuật ấy đã thể hiện bản chất tâm hồn Nhật Bản.  Chúng tôi hết sức vui mừng chào đón ngài, vị khách danh dự phương xa đến đây hôm nay, trên bục này.  Thay mặt Viện hàn lâm Thụy Điển, tôi nồng nhiệt chúc mừng ngài và mời ngài lên nhận giải thưởng Nobel văn chương năm nay từ tay của Đức Vua.


Friday 20 April 2012

Đất lề quê thói - chép trong khi đọc


Đất lề quê thói là một cuốn sách của Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu khảo về phong tục Việt Nam.

Cuốn này nằm trong mớ sách của papa, mang vào nhà đã lâu, nhưng chưa có lúc nào đọc vì sách nát quá, cầm lên ngại. Nay nhân mới hỏi được chỗ đóng sách, đem đi đại tu, kết quả có một cuốn sạch sẽ, gọn gàng, xinh xắn. Dân chơi sách thường không ưa sách đóng bìa hay bị gọt xén lắm. Nhưng nếu chỉ để đọc, thì cầm bản sau khi đại tu này thích hơn nhiều.

Đọc được một ít, đã thấy nhiều cái hay, ví như những đoạn chép lại dưới đây:
  • Giảng nghĩa chữ phong tục:  …”hai chữ Phong-Tục có nghĩa: Phong là sự gì người này xướng lên kẻ khác nối theo thành thói quen, như vật theo gió hòa vào nhịp điệu mà không biết; Tục là thói bắt chước người trên, lâu dần hóa thuộc. Nói cho gọn thì người trên cảm hóa người dưới gọi là Phong, người dưới tập nhiễm được gọi là Tục (Thượng sở hóa viết Phong, hạ sở tập viết Tục).
  • Trị dân là chăm lo phong hóa:  “Đời xưa cứ xét thói tục của dân mà suy luận ra chính sự người trên, thiện chính thì dân lành, ít càn dỡ. Vua đi tuần thú thường là để xem xét điều ấy. Luôn luôn ý niệm như vậy, vua quan thời xưa tự cho mình có sứ mạng chăn dắt dân, thường chăm lo dạy dỗ dân bằng những huấn lệnh nhắc nhở điều hay nên làm, điều dở phải tránh, chứ không chuyên chú ban hành luật pháp trừng phạt tội lỗi. Hai tiếng “trị dân” cũng có nghĩa là chăm lo phong hóa.”
  • Về phương ngôn tục ngữ ca dao phong dao: “Sẽ có những câu chẳng làm đẹp lòng người này người nọ, vì ý nghĩa trào lộng hay chê bai bài bác, nhưng đó chính là những cái mà dân chúng ưa thích hay ruồng ghét đến nỗi truyền miện nhau nói ra thành tục ngữ phương ngôn hoặc câu ca câu vè; nếu thói đời quả thực không có vậy, thì chắc hẳn đã chẳng có lời ong tiếng ve; bỏ qua là che giấu sự thật, với tinh thần khoa học, với con mắt khách quan, các bậc thức giả hẳn không bao giờ nghĩ rằng có thể có va chạm.”
  • Tên cúng cơm: “Sau khi chết thì tên thường gọi lúc sinh thời trở thành tên húy tục gọi là tên cúng cơm”.
  • Về tính tình dân ta: “Người mình phần đông thường ranh vặt, đến quỷ quyệt, hay sợ sệt ngờ vực, bộ tịch lễ phép mà hay khinh khi báng nhạo. Tâm địa nông nổi, hay khoe khoang, khoác lác hiếu danh, thích vui chơi, ham cờ bạc”

Mới đóng bìa xong


Nhưng vẫn còn bìa trong

Wednesday 18 April 2012

[Bìa] sách gối đầu giường

Những cuốn dưới đây toàn danh tác. Tuy nhiên, đôi khi không cần đọc, chỉ cần xem bìa, là đủ:)











Tuesday 17 April 2012

Ngợi ca đọc chậm

Bài này nói về việc đọc chậm rất thú vị. Nhân lúc bản thân cũng đang thực hành đọc chậm, tôi dịch phiên phiến một số đoạn của bài này.  Tôi chép tiếng Anh trên tiếng Việt dưới, theo format của bác TV:), để mọi người tiện bề ném đá.  Tôi cũng chỉ mới dịch thoáng qua, chưa xem lại, mà chắc cũng không xem lại trừ chỗ nào sai rành rành. Bài dịch này thân mến tặng chị Sonata.


-----



In our leisure moments, whenever we have down time, we should turn to literature—to works that took some time to write and will take some time to read, but will also stay with us longer than anything else. They'll help us unwind better than any electronic device—and they'll pleasurably sharpen our minds and identities, too.

Bất cứ khi nào thư thả, có chút thời gian rỗi, ta hãy nên quay sang văn chương - sang những tác phẩm mất khá thời gian để viết và cũng sẽ mất khá thời gian để đọc, nhưng sẽ ở lại với ta dài lâu hơn bất cứ thứ gì khác. Chúng sẽ giúp ta thư giãn đã hơn bất cứ thiết bị điện tử nào - và chúng cũng sẽ mài giũa tâm hồn và căn tính ta đầy khoái thú.

To borrow a cadence from Michael Pollan: Read books. As often as you can. Mostly classics.

Mượn câu khẩu hiệu của Michael Pollan: Hãy đọc sách. Càng thường xuyên càng tốt. Chủ yếu là cổ điển. (Cadence: nhịp, phách, ở đây dịch tạm là khẩu hiệu, vì bác này có câu: Eat food. Not too much. Mostly plants. - Ăn. Nhưng đừng nhiều quá. Chủ yếu là thực vật.)

Aim for 30 minutes a day. You can squeeze in that half hour pretty easily if only, during your free moments—whenever you find yourself automatically switching on that boob tube, or firing up your laptop to check your favorite site, or scanning Twitter for something to pass the time—you pick up a meaningful work of literature. Reach for your e-reader, if you like. The Slow Books movement won't stand opposed to technology on purely nostalgic or aesthetic grounds. (Kindles et al make books like War and Peace less heavy, not less substantive, and also ensure you'll never lose your place.)

Nhắm khoảng 30 phút một ngày [mỗi ngày mình chơi được hai đến ba tiếng:)]. Nửa tiếng đồng hồ ấy có thể tòi ra khá dễ dàng nếu như mà bất cứ lúc nào bạn có thời gian rảnh - tức là những lúc mà bạn thấy mình tự động bật ti vi, hay mở máy tính nghía trang web ưa thích của mình, hay lướt Twitter [ở Việt Nam mình thì có thể thay Twitter bằng Facebook] cho qua ngày đoạn tháng - thì  bạn hãy cầm một tác phẩm văn học có ý nghĩa lên. Nếu thích thì cứ thò tay mà lấy cái máy đọc sách. Phong trào Đọc Chậm hổng có phản đối công nghệ đơn thuần trên các cơ sở hoài cổ hay mỹ mẽo học. (Kindle và mấy cái máy tương tự khiến những cuốn như Chiến tranh và hòa bình bớt nặng hơn, chớ hông có bớt xén gì, ngoài ra nó còn giúp bạn khỏi phải lo quên đang đọc chỗ nào).

Why the emphasis on literature? By playing with language, plot structure, and images, it challenges us cognitively even as it entertains. It invites us to see the world in a different way, demands that we interpret unusual descriptions, and pushes our memories to recall characters and plot details. 

Sao lại nhấn mạnh  tới văn học? Tại vì bằng cách chơi đùa với ngôn ngữ, cấu trúc câu chuyện, và các hình ảnh, văn học thách đố ta về mặt nhận thức ngay cả khi nó giải trí cho ta. Nó mời mọc ta ngó nhìn thế giới theo một cách khác, đòi hỏi ta diễn giải những miêu tả khác thường, và thúc đẩy trí nhớ [suy tàn] của ta, buộc ta phải nhớ các nhân vật và chi tiết của cốt truyện.

…neuroscientists have found plenty of proof that reading fiction stimulates all sorts of cognitive areas—not just language regions but also those responsible for coordinating movement and interpreting smells. Because literary books are so mentally invigorating, and require such engagement, they make us smarter than other kinds of reading material, as a 2009 University of Santa Barbara indicated. Researchers found that subjects who read Kafka's "The Country Doctor"—which includes feverish hallucinations from the narrator and surreal elements—performed better on a subsequent learning task than a control group that read a straightforward summary of the story. (They probably enjoyed themselves a lot more while reading, too.)

Các nhà thần kinh học đã tìm ra khơ khớ bằng chứng rằng đọc văn chương hư cấu kích thích mọi trung khu nhận thức - hông phải chỉ vùng ngôn ngữ mà còn cả các vùng chịu trách nhiệm điều phối cử động và phiên dịch mùi [ref: Mưa rơi không cần tinh dịch]. Một nghiên cứu năm 2009 của Đại học Santa Barbara đã chỉ ra, vì sách văn học khiến người ta hết sức phấn chấn về tinh thần, và đòi hỏi sự tập trung, chúng khiến ta thông minh hơn các loại tài liệu đọc khác. Các nhà nghiên cứu thấy rằng các đối tượng đọc “The Country Doctor” của Kafka - [tôi chưa đọc] truyện này có những ảo giác bồn chồn [chắc phải đọc truyện mới biết feverish hallucinations thực sự là gì - chỗ này dịch loạn] của người kể chuyện và những yếu tố siêu thực - thì sau đó làm một bài tập tốt hơn một nhóm đối chứng đọc một bản tóm tắt truyện giản đơn. (Có thể trong khi đọc họ cũng thấy thích thú hơn nhiều.)

Literature doesn't just make us smarter, however; it makes us us, shaping our consciences and our identities. Strong narratives—from Moby-Dick to William Styron's suicide memoir, Darkness Visible—help us develop empathy

Tuy nhiên, văn học không chỉ khiến ta thông minh hơn; nó còn khiến ta là ta, định hình lương tâm và căn tính của ta. Những tự sự mạnh mẽ - từ Moby-Dick [Cá voi trắng] cho đến hồi ký tự sát của William Styron, Darkness Visible (hem biết cuốn này) - còn giúp khả năng đồng cảm của ta lớn lên thêm.

With empathy comes self-awareness, of course. By discovering affinities between ourselves and characters we never imagined we'd be able to comprehend (like the accused murderer Dimitri Karamazov), we better understand who we are personally and politically; what we want to change; what we care about defending.

Dĩ nhiên, đồng hành với đồng cảm là sự tự ý thức. Bằng cách khám phá ra những tương đồng giữa chính ta và các nhân vật ta không bao giờ tưởng tượng ta có thể hiểu được (như anh chàng Dimitri Karamazov bị cáo buộc giết người ấy), chúng ta sẽ hiểu rõ hơn ta là ai cả về mặt cá nhân con người cũng như mặt chính trị;  ta muốn thay đổi cái gì; và ta quan tâm đến bảo vệ cái gì.

Best of all, perhaps, serious reading will make you feel good about yourself. Surveys show that TV viewing makes people unhappy and remorseful—but when has anyone ever felt anything but satisfied after finishing a classic?

Trên hết, có lẽ là việc đọc thực thụ sẽ khiến bạn cảm thấy chính mình tốt đẹp hơn. Các khảo sát cho thấy xem tivi làm cho người ta buồn bã, hối hận [đấy, cứ coi Vietnam’s  Got Talent mí lại Vietnam Idols cho lắm vào:)] - nhưng đọc xong một tác phẩm cổ điển thì liệu có ai cảm thấy gì khác ngoài cảm giác thỏa mãn.

… if you're not reading slowly, you're doing yourself—and your community—a great wrong. As poet Joseph Brodsky said in his 1987 Nobel Prize acceptance speech, "Though we can condemn ... the persecution of writers, acts of censorship, the burning of books, we are powerless when it comes to [the worst crime against literature]: that of not reading the books. For that ... a person pays with his whole life; ... a nation ... pays with its history."

Nếu bạn không đọc chậm, bạn đang phạm một sai lầm vĩ đại đối với bản thân bạn và cả cộng đồng của bạn nữa. Như nhà thơ Joseph Brodsky đã nói trong bài diễn văn đợp giải Nobel 1987 (chữ "đợp" của Mr. Tin Văn, ha ha), “Mặc dù chúng ta có thể chỉ trích sự khủng bố các nhà văn, các hành vi kiểm duyệt, việc đốt sách, chúng ta bất lực khi động tới [tội ác tệ hại nhất đối với văn chương]: đó là tội không đọc sách. Về việc đó, một người trả giá cả cuộc đời; còn một quốc gia trả giá bằng lịch sử của mình.”

----------


Cơ hội mua sách rẻ của NXB Trẻ (vốn thường rất đắt): Nhân ngày Sách và Bản quyền thế giới, từ 20/4 đến 25/4/2012 tại Cửa hàng sách NXB Trẻ 161B Lý Chính Thắng, quận 3, Tp.HCM sẽ giảm giá 20% cho bạn đọc đến mua sách, ngoài ra bạn đọc còn được tặng sách miễn phí. 
Từ 18/4 đến 2/5 tại Hà Nội, bạn đọc sẽ được ưu đãi từ 20% - 30% tại Chi nhánh NXb Trẻ và một số nhà sách lớn như Fahasa, hệ thống nhà sách Tiền Phong, nhà sách Trí Tuệ, hệ thống nhà sách Phương Nam, Sách Việt Nam nhân 10 năm thành lập chi nhánh Hà Nội


Wednesday 11 April 2012

Xin hãy yêu tôi


Xin Hãy Yêu Tôi
Xin hãy yêu tôi, những lòng thiếu nữ! Tôi chép thơ ca tụng miệng hoa cười. Ôi những nàng như liễu, mắt xa xôi! Yêu tôi nhé, tôi vốn người mê đắm! Xin hãy yêu tôi, những lòng hoa thắm! Xuân đã hồng, thu biếc, tôi làm thơ. Cửa phòng tôi giăng lưới nhện mong chờ, Buồn phơ phất mới trông chiều, ngóng gió. 
Tôi vẫn ở một phòng sầu bé nhỏ, Riêng một đèn, một gối, một tình yêu. Đời của tôi là giấc mộng ban chiều, Tôi lấy bút vẽ con đường vũ trụ. 
Em có má hồng dạo lòng qua đó, Bởi vô tình không biết đấy mà thôi: Trời của tôi mà Thu cũng của tôi, Để em tới em làm người khách lạ. Miệng kia xinh sao tình lơ đãng quá! Tôi không yêu sao có má em hồng? Tôi không buồn sao có mắt em trong? Tôi không mộng sao có lòng em đẹp? 
Nay đến trước xin yêu, hồn khép nép, Tự trời xanh rơi xuống để gần em. Một tờ hoa đính ước gởi thơ kèm, Si tình thế vậy mà hiu quạnh mãi! Yêu tôi với! tôi làm thơ ân ái Để yêu người và cũng để người yêu. Để các em qua từng bước diễm kiều Trong cảnh nước non tình tôi xếp đặt. 
Ngày hôm nay cánh bướm vàng phơ phất, Các em đi tha thướt, áo màu hoa. Đời đua vui, tôi buồn ở trong nhà, Tình chép mãi, thơ sầu như châu lệ. 
Các em dịu dàng sao tàn nhẫn thế ? Mà lòng tôi hoài vọng cứ đa tình! Hãy yêu tôi vì tôi biết em xinh, Tôi biết khóc để cho Tình cảm động. Hãy yêu tôi vì tôi làm nên mộng, Hãy yêu tôi vì tôi dệt nên trời. Em đi trong trời mộng đó, em ơi! Theo áo nhẹ, bay cao hồn vũ trụ. Xin hãy yêu tôi, những lòng thiếu nữ! Một hôm nay Tình ghé bến Thu Hồng, Tôi khổ rồi, em có thấy yêu không?
Đinh Hùng
Bài trên chép từ tập này:



Tuesday 10 April 2012

Hội họa Việt Nam đương đại (III)

Tới giờ thì trình độ vẽ vời của Alpha đã vượt qua cả ba lẫn mẹ:)  Sau đây là vài tác phẩm mới:


Kết quả của việc Alpha lần đầu tiên được nghịch màu nước ở nhà một người bạn. Ở nhà thì ba mẹ cấm tiệt màu nước vì sợ bẩn nhà:)





Còn đây là ba bức tranh màu sáp vẽ một lèo chiều Chủ nhật. Alpha đòi đóng khung treo lên. Nhưng với tốc độ sản xuất tranh của Alpha, tranh nào cũng treo thì chắc phải thuê cả sân vận động:)

Monday 9 April 2012

Tủ sách của ba tôi (II)

Đúng tên bài này là "Tủ sách của tôi", vì nó do nhân vật tự kể. Xin giới thiệu bài viết của ông nội bạn Alpha và Pi trên Facebook.


Tủ sách của tôi



Nhân đọc tạp bút : Tủ sách của ba tôi"  lại nhớ về tủ sách của tôi .  Tôi đã từng có một tủ sách .  Gọi là tủ sách cho nó oách chứ thật thì, nói ra xấu hổ, đó chỉ là mấy chiếc thùng carton cũ .  Sách mua về, đọc xong tôi xếp vào đó .  Một thùng, hai thùng rồi ba thùng …Thời trai trẻ, tôi sống như một tên Bohémien chính cống .  Không một nơi nào cố định, chỗ năm ba tháng, chỗ một vài năm .  Mỗi lần dịch chuyển, một ba lô quần áo, một tủ sách di động theo sau .  Nhẹ tênh .  Mãi đến khi  bị Người Kia tóm được thắt lưng tôi mới chịu dừng bước giang hồ và đoạn tuyệt cái cảnh cơm hàng cháo chợ .

      Tôi mê sách .  Tôi thường xuyên mua sách .  Tôi xin phép lan man với Nguyễn Vỹ một chút.   Không biết sao hồi đó tôi rất thích Nguyễn Vỹ . Phải thừa nhận Nguyễn Vỹ là người đa tài, viết văn, làm thơ hay  làm báo, ở lãnh vực nào ông cũng nỗi trội . Các đầu sách của ông như Dây Bí Rợ, Hai Thiêng Liêng, Chiếc Áo Cưới Màu Hồng, Tuấn Chàng Trai Đất Việt tôi dều có đủ . Ông là chủ soái của Tao Đàn Bạch Nga .  Cách đây cả nửa thế kỹ ông đã  biết cách sử dụng lời bài hát để làm slogan cho tờ nhật báo Dân Ta của mình . Thật vậy, dưới hai chữ Dân Ta to tướng bao giờ cũng có dòng chữ : “ Dân Ta hằng anh dũng, Dân Ta vẫn oai hùng, Dân Ta dù nguy biến không nao…” .  Ông là chủ biên cùa tờ Phổ Thông Bán Nguyệt San ( một dạng như tờ Kiến Thức Ngày Nay bây giờ ) mà tôi không bỏ sót  số nào . Ngoài ra, ông còn dich Bonjour Tristesse ( Buồn ơi, chào mi ) của Francoise Sagan rồi đăng trên Phổ Thông BNS .  Tôi khâm phục nhưng không ngưỡng mộ ông, bỡi rằng, qua mắt tôi, Nguyễn Vỹ là người có tài nhưng khiêm tốn một cách “ huyênh hoang “.  Điều này, nếu ai có đọc chuyên mục “ Mình ơi! “ ông viết dưới bút danh Diệu Huyền hay  ´Người tù 69 “  trên PTBNS  ắt nhận ra ngay .  Thôi chết, mình lạc đề xa quá rồi, hãy trở lại với tủ sách của tôi .

      Trong đời, có lúc mình phải đưa ra một quyết định có ảnh hưởng đến cuộc sống của chính mình .  Tôi đã có một quyết định .  Một quyết định mà mãi sau này mình mới nhận ra là ngớ ngẩn và dại dột .  Cứ nhìn cái cảnh mỗi tuần,  thứ bảy dắt díu nhau về Phanrang rồi chiều chủ nhật lại lót tót trở lên Đơn Dương để kịp sáng hôm sau lên lớp, tôi chợt có ý nghĩ, sao mình không về Phanarang ở quách cho nó tiện ?  Mình đơn thương độc mã ở đâu mà chẳng được .  Đang yên đang lành, công việc đang xuôi chèo mát mái bỗng nhiên giở chứng
      Việc trước tiên là xếp sách vào thùng, buộc cẩn thận rồi chuyển theo xe lửa cho sách xuôi về Phanrang trước ..Nhà Người Kia  có một cái tủ kính khá đẹp, tôi chiếm dụng ngay làm tủ sách .  Bao năm nay nằm chật chội trong mấy cái thùng xấu xì, giờ được nắm tay nhau đứng dàng hàng trong chiếc tủ kính, trông sách mới đẹp làm sao . Nhưng, những quyển sách vô tri kia nào  biết, tai họa đang chờ nó .

      Năm 1964 – Cây lụt Giáp Thìn .  Đon Dương lụt .  Phanrang cũng lụt .  Đơn Dương lụt vì thiếu kinh nghiệm điều tiết nước hồ Danhim .  Phanrang lụt vì vỡ đê Sông Cái .  Người Kia cứ thẩn thờ, không biết mẹ già em dại ra sao . Còn tôi, ngoài việc chia sẻ chuyện gia đình, lòng cũng rối bời không kém. Chẳng biết cái tủ sách giờ thế nào .Tôi bèn rũ vài người bạn đồng hành bằng xe đạp về Phanrang .  Cung dường tám mươi cây số, chúng tôi phải vác xe trên vai mất mươi cây vì đoạn đường từ trên Tân Mỹ đến cuối Đồng Mé đã biến thành sa mac . Cát bồi lắp chẳng còn đường sá gì, chỉ nhắm hướng động mà tiến bước .

      Phanrang .  Điêu tàn .  Nền nhà cao một thước mà mực nước ngập gần chạm nóc .  Đến người mà ngấm mấy ngày dưới nước như thế cũng tơi tả rã rời huống gì là sách .  Mấy trăm quyển PTBNS của tôi đã kết dính lại thành một đống nhão nhoẹt.  Tổn thất trăm phần trăm .  Tủ sách đầu tiên của tôi đã trở thành vật hiến tế cho thủy thần .

      Làm lại từ đầu .  Giờ đã có vợ con đàng hoàng rồi .  Giờ đã ở trong căn hộ dàng hoàng rôi . Phải có một tủ sách đàng hoàng mới được .  Tôi lại mua sách như điên .  Mỗi lần năm, ba quyển .  Có khi cao hứng lấy luôn chục quyển . Anh hùng hảo hớn trong Tự Lực Văn Đoàn đều đã đủ mặt .  Nam Cao, Tô Hoài, Nguyễn Vỹ, Vũ Trọng Phụng…..góp phần làm cho tủ sách thêm xôm tụ . Năm 1968 tôi lại phải :” Xếp bút nghiên theo việc binh đao “.  Bốn năm biền biệt  .Ngày trở về, thì ôi thôi rồi tủ sách của tôi !  Những quyển sách mà tôi thường nói, mếch lòng thì chịu, nhất quyết không cho ai mượn , đã được cậu em tốt bụng của tôi cho người này mượn vài quyển, người kia vài quyển .Vứt mỗi nơi mỗi quyển .  Sách một ra đi là không trở về .  Tính ra thiệt hai cũng non phân nửa .

      Lại phải chỉnh trang tủ sách .  Tôi lên Dalat tha về một chiếc tủ bằng ván ép dán formica .  Kiểu dáng tủ khá hiện đại (lúc bấy giờ).  Phía trên có hai phần kính trượt trên ray . Phần giữa là một cánh ngang, khi cần, kéo ra thả xuống thành bàn viết ; dùng xong, nâng lên đóng lai rất gọn gàng .Bên dưới là cửa gỗ có khóa . Sách giờ đã khá nhiều, phong phú hơn , lai được bày biện trong  chiếc tủ xinh đẹp, ai trông thấy cũng phải trầm trồ khen ngợi .  Phòng khách như sáng hơn, sang hơn .  Rồi đến một ngày …
30.4 Ngày giải phóng .
      Alô , alô…chú ý, chú ý : “ Ai đang cất giữ sách báo, những sản phẩm văn hóa đồi trụy, khẩn trương đem ra giao nộp cho chính quyền cách mạng .  Ai không giao nộp sẽ bị …. Tiếng loa cứ rên rỉ, nhắc đi nhắc lai .  Ôi, sách của tôi .  “ Un bon livre est un bon ami “ ( Một quyển sách hay là một người bạn tốt ).  Đau lắm chứ .  Xót lắm chứ .  Làm sao tôi có thể đem giao nộp những người bạn tốt của tôi để thiên hạ đốt đi một cách vô cảm . Tôi xin thề, tôi là một nhà giáo, tôi sống rất nghiêm túc .  Sách của tôi cũng rất nghiêm túc .  Nhưng tối biết giải bày điều này với ai ?  Với ai mới được chứ !  Ở vào một thời điểm đặc biệt, khi mà người ta có thể giăng lên một banderole với dòng chữ : “ Con bò có cái cục u / Những người buôn bán thì ngu như bò “  thì mớ sách báo kia được gọi là sản phẩm văn hóa đồi trụy âu cũng là điều dễ hiểu .
      Tôi lại có một quyết định .  Cái quyết đinh này cũng chẳng hay ho gì hơn so với cái quyết định chuyển sách năm xưa, nhưng dù sao nó cũng làm cho tôi đỡ xốn xang, bứt rứt . Tôi mang tất cả sách báo chất vào một gian cầu tiêu hỏng, không sử dụng .  Tôi định bụng, nếu ai hỏi, tôi sẽ nói, để đó chùi…đỡ phải mua giấy KissMe ..
       Cái tủ sách trống huơ trống hoác ngơ ngác nhìn tôi như muốn hỏi : Gì vậy ?  Có chuyện gì xãy ra vậy ?  Tôi lại lần mò ra sau, đứng tần ngần trước cái cầu tiêu hỏng rồi nghĩ : “ Cái gì đồi trụy thì đồi trụy chứ Từ Điển thì nhất định không thể nào đồi trụy được .  Thế là tôi gom gần chục quyển tự điển mang vào xếp lên tủ sách .Vài ba hôm sau, tôi lại trở ra . Cao Nguyên Miền Thượng này, Làng Xòm Việt Nam này, Hội Hè Đình Đám này, Tín Ngưỡng Việt Nam này, mấy thứ này sao gọi là đồi trụy được .  Tôi lại gom góp mang vào xếp lên tủ sách .  Thêm vài lần tuyển chọn như thế…Rồi một mùa mưa đi qua .Tôi trở ra thăm cầu tiêu sách, thì…trời ạ, từ ông cố, ông sơ cho dến cháu chắt chín đời họ nhà mối đã kéo về xây thành đắp lũy ngay trên đống sách ươt mèm của tôi . Đống sách mà giờ đây chỉ cần chạm nhẹ nó cũng rệu rả, bẹp di xuống.  Tôi tiếc biết chừng nào .  Hàng trăm quyển Hương Quê, một tư liệu rất quý cho nhà nông, trong đó, mỗi quyển lại có một truyện ngăn cực hay của Bình Nguyên Lộc . 
      Tủ sách của tôi giờ chẳng còn bao nhiêu quyển .  Theo thời gian, nó cũng tàn tạ như chủ nhân của nó .Nhưng tôi tin rằng, rồi con tôi sẽ có một tủ sách thật hoành tráng như tôi hằng mơ ước .  Và, hinh như điều đó đang dần dần trở thành hiện thưc .
Có quyển nào đồi trụy ở đây không?
Còn hai quyển này ?
Hay hai quyển này ?
Hổng dám dồi trụy đâu !
Cũng vậy thôi .
Xin thề, hổng có quyển nào đồi trụy hết á .

Wednesday 4 April 2012

Không đầu không đuôi 46 - 50



46.  Có hai điều thú vị khi đọc Chết ở Venice của Thomas Mann, bản dịch mới của Nguyễn Hồng Vân trong tủ sách Cánh cửa mở rộng: Thứ nhất, cầm cuốn sách lên mới biết cuốn này được dịch từ nguyên bản tiếng Đức, chứ không phải qua bản tiếng Anh như mọi người đồn đoán. Điều thứ hai, đây là một bản dịch rất đầy đặn, thể hiện qua cách sử dụng tiếng Việt chắc chắn và phong phú. Bản dịch này hoàn toàn vượt trội so với bản dịch Thần tượng lạ của Nguyễn Tử Lộc của miền Nam trước đây. Nói tới đây thì tôi nhận ra mình đã mắc phải một thói quen rất xấu đó là khi đọc sách dịch cứ chăm chăm xem người ta dịch như thế nào, đôi khi quên mất bản thân tác phẩm. Đôi khi, thèm được vô tư như ngày xưa, khi đọc mà chẳng cần phải quan tâm người dịch là ông bà cha căng chú kiết nào. Cứ như bây giờ, đọc xong thì chỉ biết nhận xét bản dịch, chứ chẳng biết nói gì về tác phẩm, chỉ thắc mắc tại sao Ngô Bảo Châu lại chọn cuốn này vào tủ sách:) (tôi đoán đây là lựa chọn của Ngô Bảo Châu chứ không phải Phan Việt). Ngoài ra, tôi cũng tin rằng viết “đồng tính luyến ái” thành “đồng tình luyến ái” là nhầm lẫn của nhà xuất bản hay thợ sắp chữ chứ không phải của giáo sư.:)

47.  Nhìn vào đây, nhất định phải tìm cho được Never Any End to Paris của Vila-Matas.  Review có vẻ rất ấn tượng: “I am emphatically telling you it is virtually impossible to dislike this novel” (Tôi nhấn mạnh với bạn rằng không thích cuốn tiểu thuyết này gần như là điều không thể).

48.  Trích bài trả lời phỏng vấn của Nguyễn Huy Thiệp trên Sài Gòn Tiếp Thị: Thật sự con người rất oái oăm. Muốn trở thành nhà văn, phải rất tinh vi, đi vào cái vi tế của con người. Lòng người càng ngày càng oái oăm, trẻ con lấy nhau, bỏ nhau như bỡn.

Vừa rồi tôi đi thăm mấy nhà trọ của khu công nghiệp Bình Dương, thấy nhiều đôi trai gái đẻ con không đủ tiền nuôi, đem cho một cách thản nhiên. Một người đàn ông làm từ thiện phải than trời vì nhiều trẻ bị bỏ rơi đến nỗi ông nhận không xuể. Cái ác phổ biến đến nỗi người ta không biết đó là ác nữa. Nếu chỉ nhìn những khu công nghiệp hào nhoáng, làm sao thấy được những nhà trọ chật chội đầy trẻ con có cha mẹ mà vẫn mồ côi, những người công nhân cuộc sống ức chế, thiếu hụt nghiêm trọng cả về đời sống tinh thần, vật chất. Chứng kiến những điều đang diễn ra, tôi đau lòng, giật mình. Chúng ta đâu cần phải hoành tráng, hào nhoáng, hãy phát triển từ từ để nâng cao trình độ dân chúng. Hoà nhập thế giới là chơi với người giỏi hơn mình, nếu không vững sẽ rất dễ bị áp đặt luật chơi của họ. Trong xã hội chỉ có một bộ phận theo kịp, nhưng dân chúng thì bị thiệt thòi rất nhiều. Bất ổn từ đó mà sinh ra. Vong bướm cảnh tỉnh con người đừng rời bỏ thiên nhiên, hãy quay trở về với cái gốc gác làng quê của mình. Văn học như cái phanh, làm cho con người sống chậm, sống tử tế hơn.”

49.  Đợt hội sách vừa rồi, tôi có đi nghe Nguyễn Huy Thiệp trong buổi ra mắt Vong bướm. Thực ra, việc nghe bất thành: các thứ loa trong hội sách to quá, mà Nguyễn Huy Thiệp thì nói nhỏ, và cũng không nói nhiều mấy. Ông ngồi đó nghe người ta tôn vinh mình và nghe người ta hô hào giết mình. Dẫu biết “hãy giết Nguyễn Huy Thiệp” là một cách nói hình tượng, nghe vẫn cứ sờ sợ, nhất là khi nhà văn của chúng ta ngồi sờ sờ ở đó. 

Ở dưới nhìn lên, tôi thấy ông đúng thực là một nhà văn.

Tôi nghĩ, nhà văn ở Việt Nam hiện tại, nhất định phải tư tưởng về cái ác. Đó là lý do vì sao tôi luôn yêu  Nguyễn Huy Thiệp, cho dù tôi không thích những cái ông viết trong giai đoạn sau này.

50.  Chương trình Mỗi ngày một cuốn sách hôm nay: Thiên sứ của Phạm Thị Hoài. Kể người đọc ở ta cũng khổ. Tác phẩm hay thì chẳng có mấy. Những cuốn hay thì hoặc không được tái bản, hoặc không được xuất bản. Cuốn này, dĩ nhiên tôi đã đọc nhiều lần, nhưng đây là bản mới kiếm được. Như thế, tôi dư ra bản Thiên sứ trên tạp chí Tác phẩm văn học. Có ai muốn đổi không?:)


Tuesday 3 April 2012

Tĩnh vật





TĨNH VẬT 

Mẩu bánh mì ở góc bàn 
và cốc nước trong như mắt đẹp 
thôi để giấc mơ lên cỏ hoa 
hiện hình nỗi chết 
từ ngón tay 
hết cả niềm hồn hậu 
người đau bằng mầu bằng âm thanh 
những ngày nghèo đói 
ăn mày 
cố rúc tiếng cười lên cổ nõn 
tóc mai 
phố ngõ lên chiều mãi nhớ thương 
người nhổ muôn ngàn vết máu ra khỏi lồng ngực 
là tĩnh vật 
kẻ đi ngoài kia la vào mồm 
sống 



Thanh Tâm Tuyền

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN