Đã bao lâu rồi kể từ khi Karenin và Anna thôi làm tình? Còn Vronsky thì sao? Chàng có giỏi cái khoản mang lại cực khoái cho nàng không? Và Anna? Liệu nàng có thể nào lãnh cảm? Họ đã làm tình trong bóng tối, ngoài ánh sáng, trên giường, trên thảm, được ba phút, ba giờ, nói chuyện lãng mạn hay tục tĩu, hay im lặng? Chúng ta chẳng biết tí gì về chuyện ấy. Trong các tiểu thuyết thời đó, tình yêu giải trên vùng đất rộng lớn từ lần gặp gỡ đầu tiên đến chỗ mấp mé của sự giao hợp; chỗ mấp mé đó là một ranh giới không được vượt qua.
Thế kỷ hai mươi, tiểu thuyết dần dần khám phá ra tính dục trong mọi chiều kích. Ở Mỹ, tiểu thuyết báo hiệu, và sau đó đi kèm với, biến đổi lớn lao về tập quán đạo đức diễn ra với tốc độ chóng mặt: trong những năm 1950 người ta hãy còn ngột ngạt trong một thứ thanh giáo cứng rắn, thì trong vòng hơn một thập kỷ sau mọi thứ đã thay đổi: cái quãng thời gian dài dặc từ những hò hẹn buổi đầu cho đến hành vi ái tình biến mất. Người ta không còn được che chắn, bảo vệ trước tình dục bởi thứ cảm giác ngập ngừng; giờ đây người ta đi vào chỗ đương đầu trực tiếp, quả quyết với nó.
Ở D.H.Lawrence, tự do tính dục có cái cảm giác của sự phản kháng kịch tính hay bi kịch. Không lâu sau đó, ở Henry Miller, nó bị các uyển ngữ trữ tình bao vây. Ba mươi năm sau, ở Philip Roth, nó đơn giản là một thứ phải có, mặc nhiên, phải đạt tới, thông thường, phổ biến, không thể tránh khỏi, được điển hóa: nó không kịch tích, không bi kịch, cũng chẳng trữ tình.
Giờ thì ta đã tiệm cận giới hạn. Không “xa” hơn. Bây giờ chẳng phải luật pháp, hay cha mẹ, hay quy ước phản đối dục vọng; mọi thứ đều được cho phép, và kẻ thù duy nhất chính là thân thể của chúng ta, bị bóc trần, vỡ mộng, lột mặt nạ. Philip Roth là một sử gia vĩ đại của chủ nghĩa huê tình kiểu Mỹ. Ông cũng là thi sĩ của nỗi cô đơn lạ lùng ấy của con người bị bỏ lại trơ trọi đối diện với thân thể mình.
Tuy nhiên, trong những thập kỷ vừa qua, lịch sử đã chuyển động rất nhanh đến nỗi các nhân vật trong Giáo sư dục vọng không thể không lưu giữ chút ký ức của một thời đã xa, thời của cha mẹ họ, những người trải nghiệm tình yêu giống các nhân vật của Tolstoy hơn là của Roth. Niềm hoài nhớ tràn ngập không gian khi cha và mẹ Kepesh xuất hiện không chỉ là niềm hoài nhớ của của hai bậc cha mẹ, đó là niềm hoài nhớ cho tình yêu như thế, cho tình yêu giữa cha và mẹ, cho cái tình yêu cảm động, lỗi thời dường như đã biến mất khỏi thế giới ngày nay. (Nếu không còn ký ức về việc nó từng là thế nào, thì còn lại gì của tình yêu, của bản thân khái niệm tình yêu?) Niềm hoài nhớ lạ lùng ấy (lạ lùng ở chỗ nó không bị ràng buộc với những nhân vật cụ thể mà được sắp đặt xa hơn, bên ngoài cuộc đời của họ, ở hậu cảnh) mang lại cho cuốn tiểu thuyết (có vẻ đầy mỉa mai) này một vẻ dịu dàng xúc động.
Sự tăng tốc của lịch sử đã làm biến đổi sâu sắc những cuộc đời cá nhân mà, trong những thế kỷ trước, thường diễn tiến từ sinh đến tử chỉ trong vòng một giai đoạn lịch sử; ngày nay một cuộc đời vắt qua hai giai đoạn như thế, có khi nhiều hơn. Trong khi lịch sử từng tiến bước chậm hơn nhiều so với cuộc đời con người, ngày nay chính lịch sử lại di chuyển nhanh, nó chồm về phía trước, nó trượt khỏi sự cầm nắm của con người, và tính tiếp diễn, cũng nhưcăn cước, của một cuộc đời đang trong mối nguy bị rạn vỡ. Cho nên tiểu thuyết gia cảm thấy có nhu cầu phải giữ lại trong tầm với, bên cạnh cách sống của chính chúng ta, ký ức về cuộc đời e lệ và phần nào bị quên lãng mà tiền nhân ta từng sống.
Đây là ý nghĩa của tính thông tuệ của các nhân vật của Roth, tất cả bọn họ đều là giáo sư văn chương hoặc nhà văn, thường xuyên suy gẫm về Chekhov, Henry James hay Kafka. Đây không phải là sự phô bày tri thức vô nghĩa của một thứ văn chương vị kỷ. Mà đó là mong mỏi muốn gìn giữ những thời đã qua ở chân trời của tiểu thuyết, và không bỏ các nhân vật lại trong một chốn rỗng không nơi mà giọng của tổ tiên không còn được nghe thấy nữa.
Dịch từ bài Love in Accelerating History (Philip Roth: The Professor of Desire) của Milan Kundera, qua bản dịch từ tiếng Pháp của Linda Asher