Tuesday 29 January 2013

Sách xưa kỷ niệm (II)



Nếu sách là bạn, thì sách cũ ắt phải là bạn cũ, và niềm vui khi gặp lại những quyển sách thân quen của của một thời xa xôi nào đó chính là niềm vui "ngộ cố tri". Đây là chân dung vài người bạn cũ của tôi, mới gặp lại.

Phía núi bên kia, là cuốn sách tôi nhắc tới trong bài tạp bút về tiểu thuyết bốc mùi nhất mọi thời đại. Chuyện kể về mấy cậu bé lớn lên trong một làng quê rất nghèo, rồi trở thành văn công trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Hồi nhỏ, tôi đọc cuốn này nhiều lần, không hẳn vì nó hay tuyệt vời, mà vì cả tủ sách của tôi hồi đó đều chung số phận. Nhưng đây là một trong vài cuốn tôi nhớ hơn cả, và mỗi khi nhớ về cuốn này, là tôi lại nhớ cái nhà cũ của ba má tôi, cái khung cửa sổ mục bên ngoài có bụi dong riềng hoa trắng muốt thơm hăng hắc mà tôi vẫn thường vắt vẻo ngồi trên đó tay cầm quyển sách trong khi dưới chân ngay trong sàn phòng khách là lúa mới gặt đập đang phơi và ngay trước hiên là một đống rơm còn ướt thi thoảng sâu và nhớt vẫn bò ra và ba má tôi những giáo viên chuyên nghiệp nông dân nửa mùa chân lấm tay bùn đôi khi lấm lem quá mức cần thiết chạy tới chạy lui hò hò hét hét không khí cả nhà trong những ngày thu hoạch lúa từ hai mảnh ruộng một lớn sau nhà một bé trước sân nhà vui như hội. Khi tôi lớn lên rồi đi xa nhà, tủ sách bị tản mát dần.  Sau một thời gian dò hỏi, tôi mới kiếm lại được cuốn này. (Thực ra tôi kiếm được hai bản in khác nhau, nhưng bản này chính là bản tôi từng có).

Cuốn Dành cho các em trai dưới 16 tuổi là cuốn cẩm nang cho các thiếu niên trai của Liên Xô chị tôi mua cho tôi. Đây là một cuốn sách rất hữu ích không chỉ cho tuổi thiếu niên mà cho sau này  tuy tôi làm theo chưa quá  được một phần mười những gì sách bày. Tôi nghĩ đây là một cuốn rất nên được tái bản nhưng chưa thấy được tái bản. Tôi mua lại cuốn này để làm kỷ niệm và để dành cho bạn Pi, người chắc chắn sẽ đam mê máy móc kỹ thuật hơn tôi.  Nói thế cho vui chứ bạn Pi lớn lên thì có khối thứ khác hay ho cho bạn, chẳng sờ đến một cuốn sách đen bụi bặm làm gì.

Cuốn thứ ba, Yết Kiêu, là một cuốn tiểu thuyết lịch sử. Tôi chưa bao giờ sở hữu cuốn này. Nó là một món quà của bác tôi ở Đà Nẵng gửi một người bạn ở Đơn Dương. Ngày ấy bác thường gửi sách cho nhà tôi và một số người bạn khác. Tôi đương nhiên có phần của mình, nhưng lại ham cả phần người khác nữa. Tôi mượn cuốn này về đọc và ao ước nó là của mình.  Đúng là tham lam vốn sẵn tính trời. Chú thích thêm, ao ước hồi nhỏ thôi, chứ bây giờ kiếm được rồi, thì chỉ để trên kệ , không dám đọc lại.

Gặp bạn cũ, trong vui vui lại có ngùi ngùi, mà chính ngùi ngùi nên mới vui.






Friday 25 January 2013

Tưởng


Có  hai tờ báo tôi đặt nguyên năm: Tuổi Trẻ Cuối Tuần (TTCT) và Sài Gòn Tiếp Thị (SGTT). Hết năm, tôi  ỷ y mình đặt dài hạn, hết hạn thế nào báo cũng nhắc, lại đang bận bịu lung tung nên cũng chắng để ý gì. Qua năm mới được vài tuần, chợt không thấy TTCT đến nữa. Tuần đầu, tôi càu nhàu các em trong ban quản lý chung cư, đinh ninh các em chụm đầu tán dóc nên để người khác lấy nhầm báo của tôi rồi. Tuần kế, vẫn không thấy TTCT đâu, chưa kịp càu nhàu thì các em đã thề sống thề chết rằng không thấy ai giao tờ TTCT cả. Vốn cả tòa chung cư tôi ở, mỗi mình nhà tôi đặt TTCT, nên tôi tha cho các em. Gọi điện đến phòng phát hành, một chị bảo rằng vì tôi không đăng ký gia hạn nên đã cắt rồi; nay nếu đồng ý gia hạn, thì họ sẽ tiếp tục giao. Hỏi sao không thấy nhắc, chị nói nhiều quá, nhắc không xuể, chỉ nhắc chung trên báo thôi.  Giọng chị rất nhã nhặn. 

***

Mấy năm trước đây, tôi đặt mua tuần báo Time. Trước khi hết hạn khoảng 3 tháng, Time đã gửi thư đề nghị tôi gia hạn, nhưng khi ấy tôi không muốn tiếp tục đặt báo nên không trả lời.  Trong 3 tháng kế tiếp, cử khoảng hai, ba tuần, Time lại gửi thư cho tôi nhắc gia hạn, kèm phong bì in sẵn địa chỉ, không phải dán tem, chỉ cần tôi ký tên trên phiếu yêu cầu gia hạn, bỏ vào phong bì gửi trả lại là xong. Cả khi tôi ngoan cố không gia hạn, thì trong hai tháng kế tiếp, tôi vẫn tiếp tục nhận thêm ba, bốn lá thư nữa của Time, tiếp tục mời chào đặt báo.

***

Trong thời gian TTCT bị cắt, báo SGTT vẫn được giao đều đặn. Tôi nghĩ bụng chắc họ tự động gia hạn cho mình và sẽ liên lạc để thu tiền sau. Tuy nhiên, để tránh bị cắt đột ngột, tôi cũng gọi cho bên phát hành của SGTT yêu cầu gia hạn, đồng thời đăng ký số Xuân.  Người nghe vâng vâng dạ dạ. Giọng anh rất vui vẻ.  Chờ gần tuần, chẳng thấy báo xuân đâu, tôi gọi điện lại thẳng cho phòng phát hành SGTT. Kiểm tra một hồi, thì ở đây báo một tin buồn và một tin vui.  Tin buồn,  là tôi KHÔNG có đăng ký số xuân, và bây giờ thì đã muộn rồi, nên nếu muốn mua báo xuân thì ra sạp mà mua. Còn tin vui là mãi đến tháng 4 đăng ký báo của tôi mới hết hạn, thế mà tôi cứ tưởng hết hạn từ cuối năm ngoái. Thảo nào báo vẫn được giao đều.

***

Hôm nay đi làm về, thấy báo Xuân Tuổi Trẻ và cả Xuân Tuổi Trẻ Cười nằm chình ình trong nhà,  tôi hoan hỉ bảo vợ, Tuổi Trẻ tử tế ghê, mình có đăng ký báo xuân đâu mà vẫn được giao. Chắc họ tặng  mình vì mình đặt báo cả năm. Hân hoan thế, nhưng cũng không cầm báo, vì trước đó đã trót mua báo Xuân Tuổi Trẻ ngoài sạp. Tối, cơm nước xong nhặt báo lên, mới thấy rơi ra cái thiệp chúc Tết của Tuổi Trẻ gửi cộng tác viên. Chợt nhớ mình cũng là cộng tác viên SGTT.

***

Cứ tưởng thế này hóa thế kia, tưởng thế kia hóa thế nọ, đâm ra trong nhà bây giờ có thứ có hai, thứ chẳng có. Bèn không tưởng nữa, đứng dậy, đi tắm.

Wednesday 23 January 2013

Dư Hoa, Tô Đồng

Trước giờ tôi không quan tâm đến văn học Trung Quốc đương đại mấy. Tôi có đọc các nhà văn lưu vong Mã Kiến, Cao Hành Kiện, Cáp Kim, còn trong nước chỉ đọc một số cuốn của Mạc Ngôn. Mạc Ngôn, đọc Báu vật của đờiĐàn hương hình thì thích, sang Cây tỏi nổi giận bắt đầu chán, tới Ma chiến hữu thì chán hẳn, tôi nghỉ Mạc Ngôn từ đó. Cách đây vài hôm, được một bạn chỉ tới link này, đọc xong nghĩ bụng phải kiếm cuốn Pow! đọc thử, ngặt nỗi không biết cuốn này dịch chưa, và tựa tiếng Việt là gì.

Điều thú vị là trong bài viết, tác giả có nói ông thích Yu Hua và Su Tong hơn Mo Yan - Mạc Ngôn. Tra ngược tra xuôi một hồi mới biết Yu Hua là Dư Hoa, còn Su Tong là Tô Đồng. Cái kiểu phiên âm nhân danh, địa danh tiếng Hoa ra âm Hán Việt, một mặt tạo cảm giác gần gũi, dễ đọc, dễ nhớ, dễ tiêu hóa, mặc khác không thuận tiện cho việc giao lưu hợp tác quốc tế lắm, đặc biệt khi cần tra cứu tài liệu tiếng Anh.  Mấy lần nói chuyện với các bạn nước ngoài, họ nhắc đến một cái tên Trung Quốc, mình lại chả rõ họ muốn nói về ai, đến khi vỡ lẽ ra, thì đã muộn. Dư Hoa, đã nghe tên nhiều lần, có lần nguyên một chị nhà văn còn bảo đọc Dư Hoa đi. Tô Đồng hoàn toàn chưa nghe tên.

Tuy nhiên, chỉ cần rao vài phút, thì có bạn chạy vào mách ngay Tô Đồng là tác giả Đèn lồng đỏ treo cao. Tưởng gì, Đèn lồng đỏ thì đã xem cả phim lẫn truyện, thậm chí có sẵn sách trong nhà, mà trước giờ không để ý tên tác giả.

Lại có bạn mang luôn hai cuốn của Dư Hoa tới tận nhà. Đúng là ở hiền gặp lành. Thêm một ngạc nhiên thú vị nữa: hóa ra, Sống, mà Trương Nghệ Mưu dựng thành phim, chính là dựa trên tác phẩm cùng tên này của Dư Hoa.

Theo tin mật báo, cả Dư Hoa và Tô Đồng đều còn một số cuốn khác đã dịch. Tôi tiếp tục ở hiền chờ sung rụng.

Nhân tiện, tôi cũng đang kiếm sách của Tiền Trung Thư và A Thành.

* Nhân nói chuyện nhân danh, địa danh tiếng Hoa, lại đọc ngay được bài này.Tôi nghĩ đây là đề nghị hợp lý.

Monday 21 January 2013

Xỏ tay ống tre


Nói đến đười ươi, ta thường nghĩ ngay đến Bùi Giáng. Chẳng nhớ rõ Đười ươi thi sĩ là biệt hiệu ông tự xưng hay ai đặt cho, nhưng nhớ rất rõ Đười ươi chân kinh là do Thiên Hải Đoạn Trường Nhân biên soạn. Cái hay là, tập Đười ươi chân kinh ấy tôi còn chưa có, làm sao nhớ cái tên dài ngoằng kia, nếu cái hôm hôm ấy hôm gì MC Phương Văn tự Xu béo cầm chịch phiên đấu giá ở Nhã Nam Tụ hiền trang không tự dưng tặng thêm cho người thắng đấu giá cuốn Sông Đà có chữ ký Nguyễn Tuân cuốn Đười ươi chân kinh, chua thêm Thiên Hải Đoạn Trường Nhân là người đứt ruột nơi chân trời góc bể. Đôi khi trí nhớ hoạt động theo cơ chế tào lao như thế: chuyện nghiêm chỉnh, tập trung đầu óc đàng hoàng, thì hôm trước hôm sau là quên lửng; còn chuyện tào lao do một người tào lao nói lại nhớ như in :).

Trước khi biết đến Đười ươi thi sĩ, mỗi khi nhắc tới đười ươi, là tôi nhớ đến câu chuyện kinh dị hay được nghe kể hồi nhỏ. Chuyện kể rằng, đười ươi là con giống như khỉ, to như con người, sống ở trong rừng. Ai đi vô rừng mà gặp đười ươi, đười ươi sẽ nắm lấy tay người đó ngó vô mặt mà cười, nắm chặt lắm không thể nào gỡ ra được… Có người kể, đười ươi nắm tay người ta cười miết, tới khi nào mặt trời lặn thì ăn thịt. (Bây giờ nghĩ lại, tôi nghĩ cái kết này chắc không đúng lắm. Đười ươi đâu có ăn thịt, cùng lắm nó xáng cho một xáng bể đầu chơi cho zui thôi.  Với lại, nếu người ta đi vào rừng buổi tối thì sao?  Lúc đó, đười ươi sẽ chờ tới khi mặt trời mọc, hay chờ tới chiều hôm sau khi mặt trời lặn để động thủ?) Có người lại kể, đười ươi nắm tay người ta cười miết, người không tay gỡ ra được nên rốt cuộc chết đói.  (Đoạn kết này coi bộ có lý hơn, cho dù tôi biết, thường người ta chết khát trước khi chết đói.)

Dù kể thế nào, người kể cũng nói thêm rằng, để khỏi bị đười ươi nắm tay, khi đi vô rừng, người ta nghĩ ra cái mánh xỏ hai tay vô hai cái ống tre. Đười ươi nắm được cái ống tre, trong lúc nó tít mắt cười thì người ta lẳng lặng rút tay ra khỏi ống tre rồi bỏ đi.

Sao tôi tự dưng nhớ chuyện xỏ tay ống tre? Là vầy: hôm qua đi ăn trưa về, tình cờ tôi gặp một hội bạn ở công ty cỹ. Tán chuyện một hồi, mọi người bàn sang chuyện chặt tay cướp xe cướp điện thoại. Một người nói thời buổi này làm nghề bán chân tay giả chắc phát đạt. Một tia chớp chợt lóe lên trong đầu tôi: Sao mình không kinh doanh ống tre? Tay giả đắt tiền lại khó lắp, với lại mất tay là chuyện đã rồi, ráng giữ tay cho khỏi bị chặt không phải hơn sao?  Bán ống tre  do vậy có khi đắt hàng hơn hơn bán tay giả, nhất là khi ống tre rẻ hơn rất nhiều.

Ra đường, cứ xỏ hai tay vô ống tre, hễ thấy cướp vung dao thì giơ ống tre ra đỡ, xong rút tay ra khỏi ống tre rồi lẳng lặng bỏ đi. Cứ lặng mà đi rồi khuất bóng/ Rừng tre xao xác ống tre rơi.

Saturday 19 January 2013

Ai thông minh hơn học sinh lớp 5


Ai thông minh hơn học sinh lớp 5, chương trình gốc, là một chương trình rất buồn cười mà có một thời gian tôi từng hào hứng theo dõi. (Phiên bản Việt Nam tôi có xem vài lần nhưng cạch- bác Thanh Bạch MC không ra MC hài không ra hài, còn các em học sinh thì được huấn luyện để nói chuyện như bố người ta.) Chương trình hấp dẫn ở chỗ người lớn thường hay ngọng trước những câu đố mà các em học sinh lớp 5 giải phăng phăng. Tất nhiên, không phải vì các em thông minh hơn, mà vì các em mới học xong, còn người lớn chỉ có thể nói rằng cái này hồi đó mình có biết. Quả thực hầu hết chúng ta quên hầu hết những thứ từng học ở trường phổ thông.

Đợt cuối năm vừa rồi, trang Book Depository có chương trình bán sách đặc biệt, gọi là “24 hour deal”. Trong vòng 24 giờ, cứ mỗi một giờ, Book Depository lại bán một tựa sách giá giảm khoảng 70-80%, giao hàng miễn phí toàn thế giới. Tôi không ngồi canh suốt 24 tiếng được, chỉ thỉnh thoảng ngó vào, rốt cuộc chộp được một cuốn tựa là I used to know that – stuff you forgot  from school (Tôi từng biết điều đó – những thứ học ở trường mà bạn đã quên) với giá 4 đô. Thực ra lúc khác chưa chắc tôi đã mua cuốn này, vì đây không phải là một cuốn thực sự muốn có, nhưng cái tâm lý chộp được sách rẻ  trong một deal đặc biệt khiến mình phấn khích hơn, mua cả những thứ không thực sự cần.

Nhưng khi cầm được cuốn sách trên tay thì tôi lại nghĩ khác. Cuốn sách đuợc in rất đẹp, sờ rất thích, ngoài ra ưu điểm của nó là ngắn gọn và dí dỏm. Chẳng hạn, trong phần văn học châu Âu,  cả thiên truyện dài nghìn trang Anna Karenina được tóm tắt trong một câu thế này: “Một phụ nữ cưới một người đàn ông tẻ nhạt, cô ta yêu Vronsky rồi lao mình vào bánh xe lửa.” Còn Bà Bovary của Flaubert được “nhắc” như thế này: “Đây là cuốn truyện có cảnh nàng Emma buông mành xe ngựa và “quan hệ” trong khi xe chạy lòng vòng quanh Rouen. Tất nhiên có nhiều chuyện khác nữa, nhưng đây là cảnh mà  hầu hết mọi người nhớ nhất. Emma, tức bà Bovary, cưới Charles, một bác sĩ tỉnh lẻ danh giá nhưng buồn tẻ. Nàng tìm kiếm một tình yêu nồng nhiệt và lần lượt, chứ không phải đồng thời, kiếm được hai người tình là Leon và Rodolphe. Chuyện kết thúc trong nước mắt. Và thạch tín.”  Hay ở chương tóm tắt về các thủ tướng Anh, Magarett Thatcher được tả ngắn gọn là “nữ thủ tướng đầu tiên. Luôn được thế hệ tôi nhớ tới như là người cướp sữa vì đã chấm dứt chương trình cung cấp sữa miễn phí cho học sinh tiểu học.” 

Cuốn sách này cũng có thể xem như một dạng từ điển học sinh, có thể dùng để lướt nhanh qua những kiến thức tổng quát cơ bản, từ văn chương, lịch sử, đến toán học, thần thoại Hy Lạp. Tất nhiên, cần gì cũng có thể lên mạng mà tra, nhưng nguy cơ của việc lên mạng là la cà suốt từ trang nọ tới trang kia, có khi cần tra một tí nhưng lại mất cả mấy tiếng đồng hồ. Nếu đi thi Ai thông minh hơn học sinh lớp 5, có thể dùng cuốn này để ôn bài.

Tuesday 15 January 2013

Nhân Phan Việt sắp ra sách mới






Phan Việt và tôi biết nhau từ những ngày đầu của cả hai diễn đàn TTVN và tathy. Ngày ấy, diễn đàn TTVN như phát sốt với loạt bài Tản mạn Tinyhuong  của Phan Việt dưới nick Tinyhuong mà tới bây giờ nhiều dân chơi mạng kỳ cựu còn nhớ. Tôi thì thường vào box Thica của TTVN để post thơ, toàn những bài thơ làm từ thời sinh viên. Chúng tôi những người trẻ tuổi của hơn mười năm trước thường chat chít xướng họa thơ phú với nhau qua diễn đàn và qua chat, thời đó là AIM, một công cụ chat đã biến mất tăm vào cõi vô hình của internet. Phan Việt khi đó đã ở Mỹ, viết văn làm thơ đều hay nhưng thường nhường phần thơ cho tôi, (vì tôi ngoài bốt vài bài thơ lăng quăng thì chả viết lách được gì để “gây ấn tượng”), còn tôi thì ở Việt Nam ngày đi làm sở Tây tối vào hàng net chat chit post bài vì không có máy tính riêng ở nhà.

Phan Việt và tôi  có lối xưng hô theo kiểu kiếm hiệp huynh huynh muội muội tới giờ vẫn dùng mỗi khi trao đổi qua email. Tôi quý mến cô hiền muội thông minh, giỏi giang, văn hay, biết nhiều thứ, còn tôi thì chả hiểu tại sao Phan Việt lại chơi được với tôi. Có lần Phan Việt viết một bài tản mạn về Hà Nội, tôi mang đi gửi Tuổi Trẻ Chủ Nhật, bảo bạn này tên Hường ở Mỹ thế là Tuổi Trẻ tự đặt cho tác giả bút danh Mỹ Hường. Vài hôm sau, Phan Việt bảo tôi viết gì đó về sài Gòn, thành phố Phan Việt chưa đặt chân đến. Tôi nhắm mắt, vung tay thảo ngay một bài “Viết cho một người em gái ở xa”, xong vừa bon chen post vào Tản mạn Tinyhuong, vừa gửi cho Tuổi Trẻ. Tuổi Trẻ đăng bài, sửa tít lại thành “Lạ lắm, Sài Gòn…”, còn dòng “Viết cho một người em gái ở xa” thì in nghiêng bên dưới (dấu vết bài này hãy còn trên chốn giang hồ in tơ nét). Anh thư ký tòa soạnTuổi Trẻ Chủ Nhật lúc đó (không nhớ là anh Chức hay anh Truyền) gọi điện cho tôi trước ngày đăng, và bảo gửi thêm bài. Chỉ một bài đó thôi mà bị bạn gái thời đó hờn dỗi suốt mấy ngày, nên tôi không dám viết thêm bài nào khác (thực ra không viết được gì khác).

Thời gian chơi ở tathy, Phan Việt có biệt hiệu Sướt mướt kiếm khách còn nick Goldmund của tôi biệt hiệu Lang thang hiệp khách, tạo thành một cặp bài trùng hành hiệp trên chốn giang hồ. Phan Việt và tôi còn tạo ra nick chung My Lăng viết văn, làm thơ, dịch bài hát nhăng cuội chọc ghẹo thiên hạ một thời gian. Bản dịch Happy New Year nhố nhăng lừng danh toàn cõi internet mà dịp năm mới nào cũng thấy giang hồ đăng tải lại chính là sản phẩm của My Lăng - Phan Việt.

Tôi nhớ một ngày nọ còng lưng ngồi chat ở hàng net, tôi bảo Phan Việt nhất định phải theo con đường viết chuyên nghiệp, Phan Việt nói ngày nào Phan Việt quyết định viết văn chắc chắn Phan Việt sẽ nhớ tới những lời động viên của một anh chàng chưa biết mặt xa nửa vòng địa cầu này. Chúng tôi gặp nhau lần đầu ở Chicago trong mùa Giáng Sinh 2002. Hơn chục năm qua, Phan Việt vẫn ở Mỹ, tôi thì ở Úc rồi Việt Nam, nhưng gặp nhau đến sáu, bảy lần, quả là hữu duyên thiên lý năng tương ngộ.

Những cuốn sách của Phan Việt, tôi đều có may mắn được đọc trước, hoặc nhiều hoặc ít, hoặc một lần hoặc vài lần. Tôi chọn giúp Phan Việt phần lớn truyện trong tập Phù phiếm truyện, gửi đi thi giải Văn học tuổi hai mươi lần III. Lần ấy Phan Việt đoạt giải nhì.  Ít người biết rằng sách in ra đã bị cắt mất một truyện thuộc hàng dí dỏm nhất trong tập, chỉ vì truyện ấy có hai nhân vật tên là Marx và Engel. Phù phiếm truyện có nhiều nét tươi mới, đáng yêu, sau này Phan Việt viết truyện kỹ thuật chắc tay hơn nhưng cũng bớt đáng yêu hơn. Tiểu thuyết Tiếng người, tôi đọc bản thảo đầu tiên, chê không nương mồm khiến Phan Việt rất buồn, nhưng Phan Việt hết sức kiên trì, sửa đi sửa lại đến lần thứ bảy hay tám gì đó. Cuốn này sắp được tái bản lần thứ ba. Tập Nước Mỹ, nước Mỹ  tôi có đọc trước và đề nghị cắt một số truyện nhưng Phan Việt không đồng ý. Dầu vậy, tôi vẫn nghĩ đây là tập sách trội hơn cả của Phan Việt. 

Sách của Phan Việt nhiều người thích nhưng cũng nhiều người chê, tôi nghĩ bình thường. Với một nhà văn, được đọc đã là một điều hạnh phúc. Chưa tới mười năm, vừa đi dạy đại học, vừa dịch sách, viết báo, biên tập, lại ra được cuốn sách thứ tư Một mình ở châu Âu -sức làm việc của Phan Việt thật đáng nể. Người bé, ăn ít, lại còn không trà, không rượu, không cà phê, bồ đà cần sa cũng không, chỉ biết mỗi đánh răng, chả hiểu sao lại viết được lắm thế. Tôi chả biết nói gì hơn ngoài việc mở blog lại để chúc mừng Phan Việt ra sách mới.

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN