Saturday 30 October 2010

Tiễn biệt tháng Mười, lương khô cho một ngày mưa lạnh, hay Orhan Pamuk nói về Mario Vargas Llosa (nhưng đúng ra là "Mario Vargas Llosa và văn chương Thế giới Thứ ba")



+ Hôm nay Sài Gòn lạnh như mùa đông, nằm trên sofa đọc Tuyết của Pamuk mà cứ nghèn nghẹn.  Thò tay định kéo chăn lên cho đỡ lạnh chân phát hiện ra chả có cái chăn nào, lại giật đứt ngay một sợi lông chân mình, tiếc ơi là tiếc:)


+ Như đã hứa hẹn, sẽ tiễn biệt tháng 10 bằng một bài nữa  trong tập Other Colors của Orhan Pamuk, rồi xin chừa:). Hy vọng bài này đủ dài để làm lương khô cho một ngày mưa lười ra đường, hoặc nơi nào không mưa xem như lương khô cho kỳ nghỉ cuối tuần.


+ Tên entry dài thế kia để chứng minh rằng tôi cũng có thể rất... dài khi muốn:))


----------------------------





Mario Vargas Llosa và văn chương Thế giới Thứ ba

Có không cái gọi là văn chương Thế giới Thứ ba? Liệu có thể xác định đâu là những phẩm chất căn bản của văn chương của những quốc gia cấu thành cái mà ta gọi là Thế giới Thứ ba - mà không sa vào chỗ dung tục hoặc chủ nghĩa địa phương hẹp hòi?  Khi được diễn đạt một cách tinh tế nhất - ví dụ như trong lý luận của Edward Said - khái niệm văn chương Thế giới Thứ ba là nhằm làm nổi bật sự phong phú và trình độ của dòng văn chương bên lề và quan hệ giữa chúng với chủ nghĩa dân tộc và căn tính phi phương Tây.  Nhưng khi một người như Fredric Jameson khẳng định rằng “Văn chuơng Thế giới Thứ ba mang tính cách là những dụ ngôn dân tộc” thì ông chỉ đơn giản bày tỏ sự thờ ơ lịch thiệp với sự giàu có và phức tạp của văn chương từ thế giới bên lề.  Borges viết các tiểu luận và truyện ngắn của ông vào những năm 1930 tại Argentina - nhưng vị trí của ông ngay giữa lòng văn chương thế giới là không thể tranh cãi.

Dù vậy, rõ ràng là có một loại tiểu thuyết trần thuật đặc thù đối với các nước thuộc Thế giới Thứ ba.  Tính độc đáo của nó không liên quan nhiều đến nơi chốn của nhà văn mà liên quan hơn đến thực tế là nhà văn nhận thức rằng anh ta đang viết từ cách xa các trung tâm văn chương thế giới và anh ta cảm nhận được khoảng cách này trong chính bản thân.  Nếu có gì đó tách biệt văn chương Thế giới Thứ ba, thì đó không phải là nghèo khổ, bạo lực, chính trị, hay bất ổn xã hội của quốc gia từ đó văn chương xuất phát mà chính là nhận thức của nhà văn rằng tác phẩm của mình theo một cách nào đó xa cách những trung tâm nơi lịch sử của môn nghệ thuật này - tức nghệ thuật tiểu thuyết - được mô tả, và anh ta phản ánh khoảng cách này trong tác phẩm của mình.  Điều cốt lõi ở đây là cảm quan bị lưu đày khỏi những trung tâm văn chương thế giới của các nhà văn thuộc Thế giới Thứ ba.   Một nhà văn thuộc Thế giới Thứ ba có thể lựa chọn rời quê hương và tái định cư ở một trong những trung tâm văn hóa của châu Âu - như Vargas Llosa đã làm. Nhưng cảm quan về bản thân thì không thể thay đổi, vì “sự lưu đày” của một nhà văn Thế giới Thứ ba không hẳn là vấn đề địa lý mà là trạng thái tinh thần, một cảm quan về sự bị loại trừ, về việc là người nước ngoài vĩnh cửu.

Cùng lúc đó, cảm quan là người ngoài cuộc này giải phóng anh ta khỏi những âu lo về tính độc đáo.  Anh ta không bị ám ảnh về việc chạy đua với những bậc cha chú hoặc người đi trước để tìm ra giọng của riêng mình.  Vì anh ta khai phá những địa hạt mới, đề cập những chủ đề  chưa từng được bàn thảo trong nền văn hóa của anh ta, và thường hướng tới lớp người đọc rõ rệt và đang trỗi dậy, chưa từng thấy trước đây trong quốc gia của anh ta - điều này khiến văn của anh ta có tính chân thực và độc đáo riêng biệt.

Trong bài điểm sách thời trẻ cuốn Những hình ảnh đẹp của Simone de Beauvoir, Vargas Llosa đề xuất những nguyên tắc định hướng cho một sự nghiệp như thế có thể là gì.   Ông ca ngợi de Beauvoir không chỉ vì đã viết một cuốn tiểu thuyết chói sáng mà còn vì khước từ những mục đích của trào lưu tiểu thuyết mới đang là thời thượng khi đó (thập niên 1960).  Theo Vargas Llosa, thành tựu lớn nhất của Simone de Beauvoir là việc đã lấy hình thức tiểu thuyết và kỹ thuật viết của các nhà văn như Alain Robbe-Grillet, Nathalie Sarraute, Michel Butor và Samuel Beckett và sử dụng vào những mục tiêu hoàn toàn khác.

Trong một tiểu luận khác về Sartre, Vargas Llosa khai triển ý tưởng của ông về việc “sử dụng” kỹ thuật và hình thức của các nhà văn khác.  Những năm sau này, Vargas Llosa phàn nàn rằng tiểu thuyết của Sartre vắng bóng sự hóm hỉnh và bí ẩn, rằng tiểu luận của ông được viết rõ ràng nhưng rối rắm về chính trị, và rằng nghệ thuật của ông lạc hậu và sáo mòn; ông sẽ bày tỏ niềm thất vọng rằng trong thời kỳ Mác-xít của chính ông ông đã bị ảnh hưởng sâu sắc thậm chí bị hủy hoại bởi Sartre.  Vargas Llosa ghi  nhận ngày giải ảo tưởng Jean-Paul Sartre là ngày ông đọc một bài báo trên tờ Le Monde trong năm 1964.  Trong bài báo tai tiếng này (gây phản kháng thậm chí ở Thổ Nhĩ Kỳ), Sartre đặt văn chương cạnh một đứa trẻ da đen đang chết đói ở một quốc gia thuộc Thế giới Thứ ba như Biafra, tuyên bố rằng chừng nào những đau khổ như thế còn diễn ra thì việc những nước nghèo mơ tưởng đến văn chương là điều “xa xỉ”.  Ông thậm chí còn đi xa hơn khi cho rằng các nhà văn thuộc Thế giới Thứ ba sẽ không bao giờ thưởng thức được cái gọi là tính xa xỉ của văn chương với một lương tâm trong sạch, và kết luận rằng văn chương là việc của các nước giàu.  Vargas Llosa thừa nhận vài khía cạnh nhất định trong tư tưởng của Sartre, cái logic cẩn thận của ông và việc ông khẳng định rằng văn chương quá quan trọng nên không thể là trò chơi đã chứng tỏ là “có thể dùng được” - chính nhờ Sartre mà Vargas Llosa tìm được đường đi qua khỏi những mê cung văn chương và chính trị - do vậy rốt cuộc, Sartre là một người dẫn đường “hữu ích”.

Để mãi mãi nhận thức được khoảng cách từ mình đến trung tâm, để bàn luận cơ chế của cảm hứng và cả những cách mà khám phá của các nhà văn khác có thể trở nên hữu ích, người ta phải sở hữu một sự ngây thơ sinh động (và theo Vargas Llosa thì trong Sartre chẳng có gì ngây thơ khờ khạo cả).  Sự ngây thơ sinh động của riêng Vargas Llosa được phản ánh không chỉ trong tiểu thuyết mà còn cả trong phê bình, tiểu luận và các tác phẩm khác của ông.

Cho dù ông viết về  sự dính líu của con trai ông với những người theo phong trào Rastafarni, hoặc trình bày hoạt cảnh chính trị về những người thuộc phong trào Mác-xít Sandinista ở Nicaragua, hay mô tả Cúp thế giới 1992, chưa bao giờ ông thôi lôi cuốn, chưa bao giờ ông rời bỏ chính mình; ông đặc biệt hay khi viết về Camus, người mà ông nhớ khi còn trẻ đã đọc một cách không hệ thống - vì ảnh hưởng của Sartre lên ông thời đó thật to lớn.  Nhiều năm sau này, sau khi sống sót qua một trận tấn công khủng bố ở Lima, ông đọc Kẻ nổi loạn, luận văn dài của Camus về lịch sử và bạo lực, và quyết định ưa thích Camus hơn Sartre.   Tuy vậy, ông vẫn ca ngợi cách tiểu luận của Sartre đi thẳng vào trọng tâm vấn đề, và cũng có thể nói như vậy về các tiểu luận của Vargas Llosa.

Sartre là một nhân vật phức tạp, có lẽ thậm chí là nhân vật có ảnh hưởng hàng đầu, đối với Vargas Llosa.   John Dos Passos, người chịu nhiều ảnh hưởng của Sartre, cũng quan trọng đối với Vargas Llosa; ông ca ngợi John Dos Passos vì đã từ chối sự đa cảm dễ dãi và vì đã thử nghiệm các hình thức trần thuật mới.  Như Sartre, Vargas Llosa sử dụng ghép mảnh, tương phản, lồng ghép, cắt dán, và các kỹ thuật trần thuật tương tự để tổ chức tiểu thuyết của mình.

 Trong một tiểu luận khác, Llosa ca ngợi Doris Lessing vì là thể loại nhà văn “dấn thân” theo nghĩa của Sartre.  Với ông một tiểu thuyết “dấn thân” là tiểu thuyết đắm chìm trong những tranh cãi, huyền thoại, và bạo lực của thời đại, mà những tiểu thuyết thiên tả thời kỳ đầu của Vargas Llosa là ví dụ tốt cho thể loại này.  Nhưng cái tả khuynh mà chúng ta thấy trong những tiểu thuyết thời kỳ đầu này là một thứ tả khuynh giàu tưởng tượng và vui thú.  Trong số các nhà văn mà Vargas Llosa bàn đến trong các tiểu luận của mình - trong đó có Joyce, Hemingway và Bataille - người mà ông chịu ơn nhiều nhất là Faulkner.  Cái mà Vargas Llosa ca ngợi trong Nơi ẩn náu - sự tương phản giữa các phân cảnh và sự nhảy vọt về thời gian - thậm chí thể hiện rõ ràng hơn trong chính các tiểu thuyết của chính Vargas Llosa.  Ông sử dụng thành thạo kỹ thuật này - sự giao cắt quyết liệt giữa các giọng điệu, câu chuyện và đối thoại - trong Cái chết trong dãy Andes.

[còn nữa, nhưng thôi post một nửa thôi, nửa kia xin giữ lại làm tin, hehe]



(Dịch từ bài Mario Vargas Llosa and Third World Literature trong tập Other Colors của Orhan Pamuk)



Friday 29 October 2010

Làm anh khó đấy (refresh)


Thỉnh thoảng refresh bài cũ lên cho các bác xem các kiệt tác lúc bắt đầu blog này:)

--------------------

Làm anh khó đấy

(Suy nghĩ linh tinh nhân dịp Quốc hội đang họp)

Sách Tập Đọc lớp hai ngày xưa, thời tiền cải cách, có bài thơ như thế này, giờ tôi vẫn nhớ lõm bõm vài câu, có thể không chính xác lắm:

“Làm anh khó đấy
Phải đâu chuyện đùa
Khi em bé ngã
Anh phải dỗ dành
Có quà bánh đẹp
Chia phần em hơn…”

Đại ý bài thơ dạy các bé cách hành xử khi làm anh, làm chị. Nào là phải nhường nhịn, phải chăm sóc các em bé hơn mình. Rồi thì kẹo bánh phải chia cho em phần hơn. Gì gì chứ khoảng này coi bộ hơi căng. Làm anh công nhận khó.

Nhưng tôi là con út trong gia đình, tôi không phải làm anh ai cả, chỉ phải làm em. Tôi thấy làm em cũng khó ra phết. Ví dụ hồi nhỏ, má tôi cho hai anh em ăn cái gì, ông anh tôi cũng ăn thật nhanh xong quay ra xin đồ ăn của tôi. Vấn đề của tôi là làm sao cũng phải ăn thật nhanh mà không bị mắc nghẹn, hoặc giả chưa ăn xong, phải làm sao bảo vệ được khẩu phần của mình trước sự dụ dỗ kèm dọa dẫm của ông anh. Ví dụ khác, ông anh tôi có thể trêu chọc tôi bằng tất cả những từ ngữ trời ơi đất hỡi có thể nghĩ ra, trong khi nếu tôi áp dụng nguyên những từ ngữ đó ngược lại cho ông anh quý hóa tức thì tôi bị quy chụp “hỗn”, “láo xược” bất kỳ lúc nào.

Rồi tôi đi học. Mười hai năm phổ thông, lúc nào tôi cũng làm lớp trưởng. Tôi vừa là “đại biểu của nhân dân” vì được các bạn trong lớp bầu lên, vừa là đại diện cho “quyền lực” của nhà trường ở cấp cơ sở. Tôi phải đứng về phe “quyền lực”, tức nhà trường và các thầy cô, để thực thi các “chính sách cai trị”, hay phải đứng về phía “nhân dân” , các bạn bè trong lớp, lúc nào cũng nghĩ ra đủ trò nghịch ngợm, tai quái? Lớp không kỷ luật, phong trào yếu, lớp trưởng bị gõ đầu đầu tiên, nhưng nếu tôi nghiêm khắc với “nhân dân” quá thì có nguy cơ bị “nhân dân” tẩy chay. Tổi phải luôn cố làm thế nào để ở thế cân bằng , vừa được nhà trường tin tin tưởng, lại vừa được chúng bạn yêu mến. Làm lớp trưởng quả thực là khó.

Một ngày đẹp trời kia, đột nhiên tôi làm bố. (Ấy là tôi lạm dụng kiểu kể chuyện kiếm hiệp một tí cho giật gân, chứ sự việc gì diễn ra cũng có quá trình. Cái bác gì già già râu râu đã bảo chẳng có gì tự động sinh ra, tự động mất đi. Phật giáo thì có khái niệm nhân duyên, vì cái này có nên cái kia có, cái này không nên cái kia cũng không. Để trở thành bố, cách đấy chín tháng tôi cũng có phần hơi lao lực). Nhìn cái sinh linh bé bỏng thiêm thiếp nằm ngủ trong nôi, tôi thấy vừa xa vừa gần, mấy tuần đầu thậm chí còn hơi xì-trét, không biết phải cư xử như thế nào cho phải đạo…làm bố. Ngoài chuyện phải học bao nhiêu kỹ năng mới lạ: ẵm con, pha sữa, thay tả, tôi còn phải làm quen với chuyện mình chẳng còn là số một. Cái cảm giác bị ra rìa cũng hơi tủi thân. Con lớn lên, phải học cách chơi với con. Con bị bệnh phải học cách cho con uống thuốc. Rồi phải dạy con điều nọ điều kia, phải biết lúc nào nịnh con, lúc nào quát mắng. Chao ôi, trăm điều phức tạp. Làm bố chẳng phải chuyện dễ dàng.

Ngẫm đi ngẫm lại, tôi thấy muốn làm cái gì một cách tử tế cũng khó, từ chuyện làm em, làm lớp trưởng, làm chồng, làm cha, đến làm nhân viên hay làm xếp. Những lúc đó, bài thơ học từ hồi lớp hai cho tôi một gợi ý:

“Làm anh thật khó
Nhưng mà thật vui
Ai yêu em bé
Thì làm được thôi”.

Thế đấy, làm anh tuy khó nhưng yêu em bé là làm được. Làm lớp trưởng thì quý mến bạn bè, làm cha thì thương con, chuyện khó cũng thành dễ.

Làm đại biểu Quốc hội tử tế có khó không? Khó, nhưng chỉ cần “yêu” em bé – nhân dân là làm được thôi mà.

Wednesday 27 October 2010

Lại chuyện bố con Pamuk

Blog này sẽ tụng Pamuk và Other Colors đến hết tháng 10, sau đó tạm ngưng:)


Dưới đây là một tản văn nữa của Pamuk về con gái.


-----------------------



Khi Ruya buồn

Con biết gì không, con gái?  Khi con buồn như thế này, ba cũng buồn theo.  Ba cảm thấy như thể có thứ bản năng chôn sâu đâu đó trong ba - trong thân thể ba, trong tâm hồn ba - ừ, ở nơi đâu đó: Khi ba thấy con buồn, ba buồn theo.  Như thể có cái máy tính nào đó trong ba ra lệnh,  KHI THẤY RUYA BUỒN NGƯƠI PHẢI BUỒN THEO.

Tôi cũng có thể đột nhiên buồn vô cớ.  Giữa một ngày bình thường, tôi có thể đang ngó nghiêng cái tủ lạnh, tờ báo, đầu óc tôi hay tóc tai tôi.  Tự dưng tôi nghĩ lan man: cuộc đời này… nhưng hãy thôi đi một lát.  Tôi nhìn Ruya, mặt bạn ấy tối sầm mờ mịt; bạn ấy nằm còng queo trên divan, chỉ nằm đó - điều gì làm bạn ấy không vui đến thế? - trong khi bạn ấy đang ngắm nhìn thế giới qua khóe mắt còn ba bạn ấy đang ngắm bạn ngắm nhìn thế giới.

Con thỏ xanh lam nằm trong một tay.

Bạn chống bộ mặt không vui của mình lên tay kia.

Tôi quay lại bếp, lục lọi các ngăn tủ lạnh và đầu óc mình.  Có thể là chuyện gì?  Tôi băn khoăn.  Liệu bạn ấy có đau bụng?  Hay có thể bạn ấy chỉ đang khám phá vị muộn phiền?  Cứ để bạn ấy như thế, để bạn ấy buồn, để bạn tự vùi mình trong nỗi cô đơn và trong mùi của chính bạn.  Mục tiêu đầu tiên của một người thông minh là đạt đến trạng thái không vui khi xung quanh mọi người đều vui.  Tôi từng nghĩ thế.  Tôi thích khi nghe người ta nói theo giọng của Borges: “Thực ra, bất cứ khi nào có thể tôi cố gắng để không vui như mọi người trẻ tuổi.”  Thế cũng tốt, nhưng hãy cẩn thận, bạn ấy chưa là một người trẻ tuổi; bạn ấy là trẻ con.

Im lặng.

Tôi mở tủ lạnh, lấy một quả táo đỏ tươi to đùng, cắn phập hết sức mình.  Tôi ra khỏi nhà bếp.  Bạn ấy vẫn còn nằm khoanh đó.  Tôi dừng lại suy nghĩ.

Thử tiếp cận.  Chẳng hạn nói, Này, mình chơi xúc xắc đi, và nói, Cái hộp đâu rồi nhỉ?  Đi tìm cái hộp, rồi mở ra và hỏi, Con chọn màu nào?  Con chọn màu xanh lá cây.  Okay, vậy thì ba lấy màu đỏ.  Rồi gieo xúc xắc, đếm số chấm, và đảm bảo cho bạn ấy thắng.  Nếu bạn ấy bắt đầu muốn thắng, nếu bạn ấy bắt đầu thích thú, mặt bạn ấy sẽ tươi tắn lên và nói,

Con thắng rồi!

Vậy cứ dẫn trước đi.  Thắng hết các ván.

Đôi khi tôi cũng chán, tôi nói, Để ba thắng, một lần thôi cũng được; phải cho cô bé này biết thế nào là thất bại.

Không có tác dụng.  Bạn ấy ném xúc xắc đi.  Bạn ấy lật úp bàn cờ lại.  Bạn ấy chui vào một góc dỗi tiếp.

Sao tôi không đề nghị chơi trò Không Chạm Chân Xuống Đất?  Bạn có thể đi từ trên bàn sang ghế ăn, từ ghế ăn sang ghế bành, divan, cái bàn khác, cái cạnh máy sưởi.  Bạn có thể chạm sàn nhà, nhưng nếu bạn bị bắt gặp chạm chân xuống sàn, thì bạn trở thành Sàn Nhà.  Nhưng đừng cố nhảy xa quá.

Trò hay nhất là Đuổi Bắt.  Chạy quanh nhà, quanh bàn, từ phòng này sang phòng nọ, quanh những cái ghế ăn, trong khi tivi lải nhải về những thiên đường, đảo chính, nổi loạn, cuộc thi hoa hậu mới nhất, và về đồng đô la, thị trường chứng khoán; và hãy nhìn chúng tôi, nhìn chúng tôi đuổi bắt nhau như thế nào mà chẳng hề chú ý tới bạn và những trò vô nghĩa của bạn.  Trong khi chúng tôi đuổi bắt nhau náo loạn, làm nháo nhào rổ rá, làm đổ đèn, móp méo những lâu đài làm từ những đống báo, coupon, và bìa các tông, bắt đầu đổ mồ hôi, la hét, nhưng không biết chính xác mình la hét gì; thỉnh thoảng chúng tôi cởi bỏ quần áo.  Phải chi bạn biết chúng tôi có thể chạy qua những giấy gói sô cô la, sách màu, đồ chơi vỡ, báo cũ, chai nước bị bỏ, dép và những cái hộp nhanh như thế nào. 

Nhưng thậm chí tôi không thể làm điều này.

Tôi ngồi trong một góc xem màu của bụi lặng lẽ lắng dần qua tiếng gầm gào của thành phố.  Tivi mở, nhưng không có âm thanh, không một âm thanh nào.  Một chú hải âu đang thong thả dạo buớc qua mái nhà; tôi nhận ra nó từ tiếng sột soạt.  Cả hai chúng tôi nhìn ra ngoài cửa sổ lặng yên không nói lâu thật lâu, tôi ngồi trong ghế còn Ruya trên divan, và cả hai chúng tôi - Ruya buồn bã còn tôi hớn hở - nghĩ rằng nó xinh đẹp đến ngần nào.  

Monday 25 October 2010

Chuyện bố con Goldmund:)

Tôi bắt đầu nghĩ về mối quan hệ giữa tôi và con gái Alpha bốn tuổi như một mối quan hệ dậy mùi chính trị:  trong mối quan hệ của chúng tôi có vờ vịt và mẹo mực, có sự tìm kiếm vị trí cân bằng giữa các thế lực ảnh hưởng, có áp dụng phương thức chia để trị.v.v.

Vờ vịt và mẹo mực

Alpha khó ngủ như bà già.  Tuy nhiên, khi đã ngủ, Alpha ngủ say như ba của bạn!  Đánh thức Alpha dậy để đi học đúng giờ là một việc khó khăn.  Tuy nhiên, có thể áp dụng một trong những chiêu thức sau đây khá hữu hiệu:
  1. Cố tình hát sai các bài hát mẫu giáo:  Chẳng hạn, ngồi bên cạnh Alpha, khi đấy mắt đang nhắm tịt, và hát, “Một con mèo xòe ra hai cánh - Nó kêu rằng  méo méo méo, mèo mèo mèo”, tức thì Alpha sẽ mở mắt bảo, “Hát tầm bậy tầm bạ!”

  2. Đọc thơ và giả vờ quên: “Cây dưa leo - Bé tí teo - Ở trong nhà - Lại…lại…lại gì nữa Alpha, ba quên mất rồi.”  Alpha sẵn lòng nhắc, “Lại thò ra - Ngoài cửa sổ….”  Cứ đọc hết bài thơ, và quên vài lần nữa, thì Alpha sẽ tỉnh hẳn.

  3. Đánh vào tình yêu bánh mì của Alpha:  Bày bánh mì ra bàn ăn sáng, rồi kêu váng lên, “Có ai ăn ruột bánh mì không?” tức thì sẽ có người lò dò từ phòng ngủ chạy ra xin ăn.
Đứng giữa các siêu cường

Mẹ là một “siêu cường”.  Điều này không thể chối cãi.  Ba là một “siêu cường” khác.  Tạm cho là thế!  Giữa ba và mẹ, Alpha là một “nước nhỏ”.  Ba hỏi Alpha, Alpha có nhớ ba không?  Alpha trả lời, con nhớ ba, mà con nhớ cả mẹ nữa.  Mẹ hỏi Alpha, con thích ba tắm cho con hay mẹ tắm cho con.  Alpha trả lời, con thích ba mẹ tắm cho con.   Alpha không bao giờ nói thương ba hơn hay thương mẹ hơn.  Hỏi dồn cách mấy cũng chỉ nói, con thương ba mẹ.  Nhờ vậy, mà không “siêu cường” nào mếch lòng!

Chia để trị

Khi chỉ một mình Alpha hay một mình Pi “quậy”, xử lý cũng dễ, vì khi có một mình, bạn nào cũng sợ ba hơn.  Nhưng khi hai bạn hội lại với nhau, cùng xé giấy dán tường chẳng hạn, bị la, hai bạn cứ nhảy lâng câng như thú nhún.  Ba đành áp dụng phương thức “chia để trị”: lôi bạn Alpha ra một góc nhà, giáo huấn, rồi bắt úp mặt vào tường; xong lôi bạn Pi ra một góc khác, to nhỏ nhỏ to, rồi bắt cũng bắt úp mặt vào tường; rồi quay lại bạn Alpha, bắt xin lỗi, hứa không tái phạm; rồi lại quay ra bạn Pi.  Cứ thế, mới xử xong.  Chứ để hai bạn đứng cùng một chỗ thì cứ như được tiếp sức bởi sức mạnh tình đoàn kết của giai cấp vô sản, hai bạn cứ nhảy nhót, cười cợt, coi thường giai cấp thống trị!

Sunday 24 October 2010

Chuyện bố con Pamuk

 Nhà văn Pamuk có một cô con gái tên là Ruya (đúng ra có hai dấu chấm trên đầu chữ u nhưng tôi không biết cách gõ).  Trong tập Other Colors có một số tản văn Pamuk viết về con gái của mình.  Dưới đây là một trong số đó:


----------


Ruya và chúng tôi

1.     Mỗi sáng chúng tôi cùng nhau đến trường: mắt nhìn đồng hồ, mắt kia để ý túi xách, cánh cửa, con đường.  Trong xe, chúng tôi luôn làm những trò như nhau: (A) vẫy chào mấy con chó trong công viên nhỏ; (B) đong đưa người tới lui khi xe tăng tốc quanh góc đường; (C) nói, “Đi xuống đồi và về phía tay phải, bác tài!” trong khi liếc nhìn nhau thật lâu và cười vang; (D) cười vang khi nói “Đi xuống đồi và về phía tay phải, bác tài!” bởi vì bác ấy biết chính xác chúng tôi đi đâu, vì chúng tôi luôn bắt taxi từ cùng một trạm taxi; (E) ra khỏi taxi và tay trong tay dạo bước.


2.     Sau khi tôi choàng túi xách lên vai Ruya, hôn bạn ấy và dẫn bạn vào trường, tôi ngắm bạn từ phía sau.  Tôi ghi nhớ cách Ruya bước đi, và tôi rất thích ngắm nhìn bạn đi vào trường.  Tôi biết bạn biết tôi nhìn bạn.  Như thể là việc bạn biết tôi ngắm nhìn khiến cả hai chúng tôi cảm thấy an tâm.  Thoạt tiên có một thế giới mà bạn ấy bước vào và khám phá mỗi ngày, và rồi có một thế giới mà chúng tôi chia sẻ.  Khi ngắm bạn ấy, và khi bạn ấy ngoảnh lại nhìn tôi, thế giới của chúng tôi vận động.  Nhưng rồi bạn ấy vụt chạy và bước vào một đời sống mới mà ánh nhìn của tôi không thể vươn tới.


3.     Để tôi khoe một tẹo: Con gái tôi thông minh và bạn ấy biết bạn ấy thích gì.  Bạn ấy khẳng định không một chút ngần ngừ rằng tôi kể những câu chuyện hay nhất, và vào các buổi sáng cuối tuần bạn ấy nằm xuống bên cạnh tôi và đòi nợ.  Vì bạn ấy biết mình là ai, nên bạn ấy cũng biết bạn ấy muốn gì.  “Phải là phù thủy nữa đấy nhé, bà ta phải vượt ngục nhưng bà ta không được mù và không được già đi, và cuối cùng bà ta không được bắt trẻ con.”  Bạn ấy không muốn tôi bỏ qua những đoạn bạn thích.  Bạn ấy bảo cho tôi biết bạn không thích đoạn nào khi tôi còn đang kể chuyện.  Đó là lý do tại sao kể chuyện cho bạn ấy nghĩa là vừa viết nên câu chuyện và vừa đọc câu chuyện như đứa bé viết câu chuyện đó.


4.     Như mọi quan hệ thân mật khác, quan hệ giữa chúng tôi là một cuộc đấu tranh giành quyền lực.  Ai sẽ quyết định: (A) xem kênh nào trên tivi; (B) mấy giờ đi ngủ; (C) chơi trò nào hoặc không chơi trò nào, và làm thế nào quyết định này, và nhiều quyết định, thảo luận, tranh cãi, thủ đoạn, lừa dối ngọt ngào, trận khóc, lời quở trách, cơn dỗi hờn, hòa giải, và hành vi hối lỗi tương tự khác được giải quyết sau những thương lượng chính trị lê thê.   Tất cả nỗ lực này khiến chúng tôi mệt mỏi và vui sướng, nhưng rốt cuộc nó tích lũy lại và trở nên lịch sử của mối quan hệ, của tình bạn.  Bạn sẽ đi đến chỗ hiểu biết, bởi vì bạn không từ bỏ lẫn nhau.  Bạn nghĩ về nhau, và khi cách xa bạn nhớ mùi của nhau.  Khi Ruya đi vắng tôi nhớ mùi tóc bạn ấy kinh khủng.  Còn khi tôi đi vắng, bạn ấy nhớ mùi bộ pi-ja-ma của tôi.

Wednesday 20 October 2010

Anh hùng xa lộ

(Thiên phóng sự hư cấu về mưu sinh trên xa lộ Hà Nội)

Dòng đời éo le đưa đẩy tôi vào tình cảnh gần như hàng ngày phải lưu lạc (lưu thông và lầm lạc) trên xa lộ quan trọng bậc nhất của Sài Gòn: xa lộ Hà Nội.  Với những ai chưa biết, đây là xa lộ cửa ngõ phía Đông Sài Gòn, nối trung tâm Sài Gòn với các quận 2, 9, Thủ Đức, từ đó đi ra các tỉnh cao nguyên, Đông Nam Bộ, miền Trung và dĩ nhiên nếu đi thẳng mãi thì ra tới Hà Nội.  Chắc vì lẽ đó và vì tình đoàn kết với thủ đô nên xa lộ này được gọi là xa lộ Hà Nội. (Tất nhiên có thể có những lý do khác, nhưng tôi không có thời gian tìm hiểu và cũng không quan tâm, vì đây là một thiên phóng sự hư cấu chưa biết trước chiều dài.)

Hàng ngày trên con đường này, tôi có thừa mứa thời gian để quan sát người ta làm những gì để mưu sinh.  Hôm nay nhân một ngày trời không đẹp cũng không xấu, tôi ghi nhận lại một số nghề, đồng thời, góp thêm một số sáng kiến cho nhân dân hai bên đường nhằm giúp họ tăng thu nhập, cải thiện đời sống, tiến tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội, ừm, công bằng và văn minh.

Nghề xin vé

Trên xa lộ Hà Nội có một trạm thu phí hoành tráng, nguyên thủy được xây  để thu phí xe cộ sử dụng đường… Điện Biên Phủ.  Sau một số năm, trạm thu phí đó được đập đi, xây lại to hơn, để thu phí những xe cộ nào có sử dụng đường (nói chung).  Phí qua trạm đối với xe con là 10.000 đồng một lượt.  Nếu xe không mua vé điện tử, tháng hoặc quý, thì mỗi khi qua trạm, bạn sẽ trả 10.000 đồng và nhận một vé.  Dĩ nhiên, nhân viên bán vé sẽ giữ lại cùi vé tương ứng.

Khi xe qua khỏi trạm, ta sẽ thấy có một vài người đứng giữa đường, giữa các làn xe tấp nập, để xin lại cái vé các xe vừa mới mua.  Cái gì đã khiến những người đó bất chấp hiểm nguy phơi thân giữa muôn trùng xe cộ vậy?  Tất nhiên, chẳng ai nghĩ rằng họ xin vé để bán giấy vụn cả, vì không biết đến khi nào những tấm vé bé nhỏ kia mới gộp lại cho đủ kí lô.  Một phỏng đoán  là những tấm vé xin được kia sẽ trở lại quầy vé, tiếp tục vòng luân hồi của nó.  Dĩ nhiên, đây chỉ là phỏng đoán,  vì tôi chưa bao giờ dừng lại để quan sát những người xin vé làm gì với những tấm vé xin được, nhưng tôi chưa nghĩ được họ sẽ dùng chúng vào mục đích nào khác hơn. [Ý kiến một độc giả: Người xin vé là để bán lại cho các tài xế, theo đó cánh tài xế dùng vé này thanh toán lại cơ quan mình. Thường là các bác tài cánh lái xe cơ quan Nhà nước]

Nghề bán cà phê, báo, và thú lúc lắc

Bán những thứ trên thì chẳng có gì lạ.  Lạ là chúng được bán trên, chính xác là giữa, con đường đông đúc xe cộ bậc nhất Sài Gòn này.  Gần các ngã tư trên xa lộ, nơi xe cộ thường xuyên dừng lại lâu ngoài mong đợi, có những em bé, thanh niên và phụ nữ len lỏi ngược xuôi giữa các làn xe để bán cà phê, bò húc, báo, và những con thú trang trí xe.  Tất nhiên có cầu mới có cung.  Cánh tài xế xe container là khách hàng thường xuyên của những chú bé bán bò húc và cà phê đá pha sẵn - những thức uống giúp họ tỉnh táo hơn để tiếp tục lái xe bò (tức xe tải đi với tốc độ xe bò).  Còn các hành khách thì luôn có nhu cầu mua báo đọc giải khuây trong lúc chờ qua ngã tư.  Báo còn có thể sử dụng vào việc che nắng, đuổi ruồi và một số mục đích khác không nhất thiết phải liệt kê ra, nhất là khi không phải nhà vệ sinh nào cũng cung cấp giấy.

Và những nghề khác

Khi tốc độ lưu thông trên con đường này thường xuyên dao động từ 0-5km/h, dự đoán có nhu cầu cho những dịch vụ sau:

(i)        Dịch vụ mát xa:  Nhân viên mát xa có thể lên xe hành nghề chừng 15 - 30 phút.  Trong thời gian đó, xe có thể di chuyển được trung bình 500 mét.  Nhân viên đó có thể xuống xe, trèo con lươn qua bên kia đường, phục vụ khách đang di chuyển hướng ngược lại.  Có thể phục vụ nhiều suất trong ngày mà đảm bảo không bị chở tuốt vào nội thành hoặc ra Hà Nội.   Dịch vụ hứa hẹn sẽ ăn khách, vì ai ngồi lâu trên xe cũng mỏi, không chỗ này thì chỗ khác.

(ii)       Dịch vụ rửa xe:  Trước khi vào thành phố, hẳn nhiều xe có nhu cầu làm sạch.  Nếu bố trị một trạm rửa xe ngay tại ngã tư Thủ Đức và một trạm ngay cầu Rạch Chiếc, ắt sẽ được hoan nghênh.  Tất nhiên, việc rửa xe diễn ra ngay trên đường là hoàn toàn có thể, vì đằng nào tấp vô lề cũng là chuyện rất khó.

(iii)      Dịch vụ trông xe:  Có những tài xế ngồi quá lâu trong xe cần chợp mắt độ mươi, mười lăm phút.  Vậy ai nhanh nhạy, hãy cung cấp dịch vụ này: chỉ cần lên xe, ngồi mở mắt nhìn xung quanh để đảm bảo xe không bị gỡ gương trong lúc tài xế ngủ, và đánh thức tài xế dậy khi xe có thể di chuyển được.  Người này không cần biết lái xe.

(iv)      Bán dạo: Hiện tại đã có người bán cà phê và báo dạo.  Dự đoán, tài xế và hành khách trên tuyến đường này cũng cần mua đồ ăn, tăm xỉa răng, chai nước suối đã qua sử dụng, bỉm (cho trẻ em cũng như người lớn), dầu gió, paracetamol, khẩu trang, khăn mặt, lược, .v.v.  Hãy bán những gì có thể.



Monday 18 October 2010

Trong cơn day dứt



Tôi đang trong cơn day dứt không biết cuốn sách mình đọc tiếp theo nên là cuốn gì!


Từ chỗ bàn tôi ngồi nhìn qua kệ sách, có thể thấy độ tháng nay nâng lên chục xuống cả chục cuốn, cuốn dăm ba trang cuốn vài chương, nhưng chẳng xong cuốn nào cả.  Nhìn cái đám gáy thòi ra có thể kể Vào một đêm không trăng, Peeling the Onion, Never Let Me Go, Di sản của mất mát, Nhím thanh lịch, Minh sư, Trái tim bạc nhược, Lược sử máy kéo bằng tiếng Ukraina, Thế giới tính dục, The Book of Salt, The Road.  Toàn là những cuốn mua vì được ai đó giới thiệu còn không thì cũng được tặng.  


Không phải mấy cuốn này không hay, mà là vì nó không hay đến độ hạ gục tôi đứ đừ đừ.   Bốn mùa, trời và đất có thể kể là một cuốn tôi rất thích, nhưng nó không thuộc dạng có thể đọc ngay một lần, thành cũng tính là đọc chưa xong.  Cuốn tiểu thuyết đọc gần đây nhất hạ gục nhanh tiêu diệt gọn thằng tôi hẳn là Disgrace của Coetzee đọc cũng đã hơn ba tháng rồi.  Trước đó nữa chắc là Cuộc sống ở trước mặt.  


Cuối tuần vừa rồi, sau khi vần vày bao nhiêu cuốn, tôi đọc lại Cánh đồng bất tận!  Lần đọc trước có thể tôi đọc nhanh quá nên không thấy hay bằng lần này.  Có hai điểm tôi cho là thú vị nhất trong truyện này của Nguyễn Ngọc Tư: sự phong phú về từ vựng, và kỹ thuật kể hồi tưởng rất khéo.  Có vài chỗ diễn giải hơi dài dòng, thường thì tôi hay nhăn mặt ở những đoạn như vậy, nhưng với Nguyễn Ngọc Tư tôi sẵn lòng bỏ qua, vì tác giả vẫn có khả năng diễn giải một cách  có duyên.


Vừa rồi, có bạn comment nhắc sao lâu rồi không thấy tặng sách gì.  Thật ra tôi đã có sẵn dã tâm đó:)  Được tặng mãi rồi, nên thỉnh thoảng tặng lại cho nó vui đời.  Tôi không nhắc lại "thể lệ", nhưng nếu bạn theo dõi blog này thường xuyên, bạn sẽ biết làm thế nào để nhận được sách tặng từ tôi.  Lần này, bạn sẽ được chọn lựa một trong hai cuốn Bốn mùa, trời và đất của Márai Sándor hoặc Bàn về tự do của J.S. Mill.  Hai người được tặng lần trước là bạn Tea Xanh, cuốn Cộng hòa phi lý, và bạn Land, cuốn Cuốn sách và tôi.  Cả hai người này đều áp dụng chiến thuật lấy thân mình làm giá súng thì phải!





Thèm viết một câu thơ



Bỗng nhiên thèm viết một câu thơ mà không viết nổi.  Cảm giác này xuất hiện khi sáng nay đọc xong thơ mới của hai bạn Giang Phạm và Quân Trần trên Facebook.   Nay rinh về nhà để ngắm nghía.  Ai kiện cáo mặc kệ:)




-------------------
Đây là bài của bạn Ramblings Quân Trần




Nơi đây nỗi cô đơn đang an nghỉ


Bạn ạ, rốt cuộc tôi đã biết mình đợi gì. Tôi đợi một người cùng tôi khiêng nỗi cô đơn lên đồi, chôn nó dưới gốc cây già. Và chúng tôi sẽ dựng một mộ bia, trên mộ bia ấy tôi sẽ khắc: nơi đây nỗi cô đơn đang an nghỉ.

*******

Tôi nhớ một bài thơ mùa thu, gió xoáy tóc em 
rạng màu lá úa. 
Tôi chỉ nhớ màu tóc em đỏ.
Và bài thơ hắn viết về em.

*******
Thu năm nào cũng là mùa tuyệt vọng,
Đám lá một hôm nhận thấy chúng đã chuyển mình,
cháy một lần cho rực rỡ rồi khô rụi, rồi về
với đất ẩm ướt. 

*******


On evenings such as this,
when the sun is viscous and light is thick,
when I’ve finished sitting under the black walnut tree,
I carry our loneliness in my pockets, like rocks
And walk with them to the lake.
I intent to throw them in and watch them sink,
But I don’t, because they keep me company. At least,
In them I have you.
Because I can’t remember having anything else.


-------------------


và đây là bài của bạn Forest Găm Giang Phạm Z


T.H.18Oct10

Có thể mùa đông đang chiếm đoạt
Những ngày tháng cuối cùng này

Bọn chim mòng mòng tìm nơi ống khói cao nhất của thành phố
Tụ tập lại thành một bầy biểu tình trong im lặng
Những cái đầu chui trong đám lông màu xám

Căn phòng không gió một năm cư trú
Bốn giờ sáng giầy gõ hành lang
Một kẻ cười rú lên
một vỏ chai rơi vỡ

Tôi đã quen với sự biến mất của bóng đêm
rút đi dưới bóng đèn ne-on
sợi tóc cháy tưởng chừng sắp rụng

Đôi mắt và cái đầu phù thũng
Không thấy được gì hơn ngoài
Những chiếc lông chim mòng mòng bay trong gió
Khi bắt đầu bình minh

Saturday 16 October 2010

Đua đòi với chị So:)






Bìa 1 và bìa 4 cuốn của Thanh Lãng mua năm 68.  Nhã Nam có khi nên học cách quảng cáo sách sắp xuất bản trên bìa 4 thế này!:)







Cuốn này mua trước cuốn kia 2 năm







Puskin tình yêu của tôi.  Cầu vồng dốc đứng, e hèm:)





Hình như có lần bạn TQ tìm cuốn này?






Cuốn này mua năm dịch giả Thái Linh chưa sang Ba Lan:)



Wednesday 13 October 2010

Tắc đường tùy tản tập (II)



Nhấc lên


Những khi chán nản, tôi thường mong được một cuốn sách nào đó nhấc tôi lên.  Nhấc thật sự, nhấc một cách vật lý, chứ không chỉ nhấc về mặt tinh thần.  Tôi mong được cuốn sách đó nhấc tôi lên cách mặt đất một khoảng đủ cao để tôi nhìn thấy cái ghế tôi ngồi, cái giường tôi nằm, con đường tôi đi từ trên cao.  Nhìn từ đó có thể tôi sẽ nhận ra cội nguồn cơn chán nản.  Tôi biết có những có cuốn sách có quyền năng đó: nhấc bổng con người lên khỏi mặt đất.  Tôi chỉ không biết nó ở đâu.

Tôi đành bằng lòng với những giấc mơ.


Sự giận dữ

Khi giận dữ tôi trở nên khó chịu với tất cả: mùi sữa tắm xông ra từ phòng tắm, tiếng tivi lào rào, tiếng trẻ con léo nhéo, tiếng nước chảy từ vòi, cả sự thể là những hạt gạo nếp nằm cong queo trong nồi nước cũng trở nên không chịu đựng nổi.  Lúc đó, tôi khó chịu như đàn bà ốm nghén.

Bạn sẽ không thích tôi khi tôi giận dữ.


Chim bồ câu ở nhà thờ Đức Bà

Trưa này đi bộ ngang  nhà thờ Đức Bà, tôi thấy những con chim bồ câu đang mổ thóc trên vỉa hè.  Tôi đi sát gần, chúng vẫn chăm chú mổ thóc.  Tôi ngồi xuống cột dây giày, chúng vẫn không hoảng sợ bay đi.  Tôi ngắm nhìn chúng lòng hân hoan.  Tôi mong ngày mai, ngày kia, cả ngày kia nữa, những chú bồ câu vẫn còn ở đó, vẫn sà xuống mổ thóc mặc xe cộ, dòng người qua lại.  Chim bồ câu ở nơi công cộng luôn là dấu hiệu của những thành phố thanh bình.

Một tháng nữa, khi người bạn New Zealand của tôi đến thăm Việt Nam, tôi sẽ chỉ cho bạn xem những con bồ câu ở nhà thờ Đức Bà.  Hy vọng khi đó chúng chưa trở thành bồ câu quay.


Sân khấu

Tôi chán lắm rồi những lễ hội luôn có những sân khấu với những cô gái mặc áo dài đi qua đi lại. 

Xem các cô đi trên cầu Thê Húc trong dịp đại lễ nghìn năm, con trai tôi, ba tuổi, luôm mồm hỏi: Ba ơi, sao mấy cô đi hoài? Sao mấy cô chưa về đi ngủ?

Hãy cuộc đời hóa sân khấu, xin đừng sân khấu hóa cuộc đời!

Xin lỗi, thỉnh thoảng tôi cũng cần kịch tính.

Tuesday 5 October 2010

Here, there and nowhere

Dạo này chả tập tành thể dục chi cả, ngoại trừ cái món này vẫn đều đặn tuần ba lần.  Nhờ đó, theo dõi được sát sao tình hình cuốn nào mới ra, cuốn nào mới được nhập về, ở đâu và ở đâu, vân và và vân vân:


+ Cho bạn nào muốn tìm sách của Paul Auster: Fahasa Nguyễn Huệ đang bán Invisible bìa cứng, giống y  cuốn tôi đang có, giá là 335.000 đồng;


+ Cho bạn nào muốn đọc Other Colors của Orhan Pamuk, bản tiếng Anh: Fahasa Nguyễn Huệ cũng đang bán bản bìa mềm giá 230.000 đồng.  Tất nhiên muốn đọc tiếng Việt thì phải đợi ít lâu, nhiều khả năng là hơi lâu:), nhưng hẳn là sẽ có;


+ Fahasa Nguyễn Huệ cũng đang có Burmese Days của George Orwell.


+ Fahasa Quận 7 thì đang có tập Moral Disorder của Magaret Atwood.


+ Rất ngạc nhiên khi khám phá ra Davit Mitchell đã được dịch ở Việt Nam, cuốn Làng thiên nga đen, chắc là dịch từ Black Swan Green.  Sách do công ty gì xuất bản quên rồi, nhưng thấy in xấu quá nên không mua.  Đang tăm tia cuốn The Thousand Autumns of Zacob de Zoet của anh này.  Thấy review có vẻ hấp dẫn.


+ Hôm nọ thấy Mặc cảm của D của Đới Tư Kiệt định mua nhưng chưa mua, nay tìm khắp nơi chẳng thấy đâu.  Kinh nghiệm thấy cuốn nào vừa mắt phải mua ngay.  Haizz:)


+ Danh sách mấy cuốn mới ra và định mua nhưng chưa mua, ai tặng thì tốt:)  Bay trên tổ chim cúc cu, Hoa trên mộ Algernon, Chàng Sumo không thể béo, Henderson ông hoàng mưa, Trò chuyện trong quán Cathedral, Lại đùa với lửa, Con lươn chép miệng.


 +  Làm thế nào để có được Encounter nhỉ? :)


+  Cần tìm tất cả sách của Umberto Eco đã được dịch ra tiếng Việt.  Ngoài ra cũng đang mong muốn có How To Travel With A Salmon.









BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN