Friday 16 April 2010

Để thi sử tốt hơn

Để thi sử tốt hơn là phần II của Để học sử tốt hơn!

***

Một hôm lang thang trên Internet, tôi tình cờ lạc vào một trang web ắt hẳn là của một nhóm chuyên gia phụ trách ra đề thi tốt nghiệp phổ thông trung học. Đấy chắc là trang web nội bộ vì tôi đọc được rất nhiều thảo luận về hướng ra đề thi của các chuyên gia. Việc tôi lọt vào được trang web đấy không mất nhiều công sức chứng tỏ độ bảo mật của trang web có vấn đề. Nhưng có vẻ vấn đề đấy đã được phát hiện và khắc phục vì nửa giờ sau tôi cố quay lại trang web đấy nhưng không được. Tôi chưa kịp sao chép các đề thi dự kiến, và vì mới nhìn lướt qua tôi chỉ nhớ rằng trong môn lịch sử có một số đề như sau (tôi nhớ được vì đề khá ngắn):

Đề 1: Nếu anh /chị là lãnh đạo nước Việt Nam vào thời điểm 1945 – 1946, anh/chị sẽ có những chủ trương chiến lược nào để đối phó những mối nguy từ giặc ngoại xâm, giặc đói và giặc dốt?. Trình bày vắn tắt lý do cho những chủ trương đó. (Thời gian làm bài: 90 phút. Thí sinh được tự do sử dụng tài liệu.).

Đề 2: Nếu anh/chị là người có quyền quyết định, anh/chị có chọn Điện Biên Phủ làm chiến trường quyết định kết thúc kháng chiến chống Pháp hay không? Tại sao? ( Thời gian làm bài: 90 phút. Thí sinh được tự do sử dụng tài liệu.)

***

Dĩ nhiên, chuyện ở trên là bịa, vì ngoài tài mở hộp thư Yahoo hay Gmail:), tôi không có trình độ đột nhập bất kỳ trang web nào!

Ngoài ra, loại đề như trên, cũng như việc cho phép thí sinh mang tài liệu vào phòng thi trong một môn như môn Lịch sử chắc còn lâu mới diễn ra.

***

Quyết định của Bộ Giáo dục đào tạo năm nay về các môn thi tốt nghiệp phổ thông trung học, trong đó có cả Lịch sử lẫn Địa lý có vẻ như là một cú sốc đối với khá nhiều giáo viên và học sinh. Dạo quanh trên mạng có thể nghe khá nhiều lời kêu ca oán thán! Gì mà những hai môn “học bài”!

Có thể thấy qua những lời kêu ca đó là một phong cách dạy học rất là nghe ngóng: Từ đầu năm đến giờ, dường như các trường vừa dạy vừa đoán môn thi, kiểu như đoán số đề. Nay số đề ra trật, thì than.

Tại sao Lịch sử (và Địa lý) luôn được mặc định là môn “học bài”? Tại sao học sinh phải tụng như vẹt, cố nhớ và cố chép những gì mình nhớ ra khi làm bài thi? Một số trường còn tổ chức “dò bài” học sinh. Với kiểu dạy, học và thi như thế, đảm bảo đối phó xong kỳ thi là kiến thức sẽ theo gió cuốn đi.

Thế nhưng, có người đặt câu hỏi là có cần phải nhớ những kiến thức lịch sử không, khi bây giờ muốn biết gì chỉ cần search Google là ra. Thật ra, tôi cho rằng nhớ thì không cần nhớ, mà phải hiểu, mà hiểu thì tự nó nhớ. Nhớ phải đi từ sự hiểu mà ra, chứ không phải do tụng kinh. Có nhớ sử thì mới biết nước Lào không có đảo. Có nhớ sử thì không đập Givral. Đại để thế.

***

Với kiểu đề thi giả định trên kia, học sinh sẽ không phải tụng bài như vẹt, nhất là khi họ được mang tài liệu vào phòng thi. Nhưng tài liệu sẽ chẳng giúp ích gì nếu như họ không hiểu hoàn cảnh và ý nghĩa lịch sử của những giai đoạn, sự kiện lịch sử đó. Và nếu đề thi thật sự được ra theo kiểu như thế, có lẽ nhà trường không cần tổ chức dò bài cho học sinh!

Dĩ nhiên, đây chỉ là giả định!


23 comments:

  1. Đề thi giả định của bác chua thế.

    Tôi nhớ có lần, khi làm một dự án nhỏ đầu tiên, tôi họp công ty lại và phát biểu rằng: "...dự án này tuy nhỏ, nhưng nó là một Phay Khắt, một Nà Ngần của chúng ta". Thế là các đồng chí nhân viên (Toàn cử nhân cả) mắt tròn mắt dẹt chả hiểu xếp muốn ám chỉ gì, có thằng còn bảo "hay là xếp nói tiếng Lào?"

    ReplyDelete
  2. "Có nhớ sử thì không đập Givral. Đại để thế". Câu này thâm quá..

    -Land-

    p/s: à, em vẫn còn ém vài tấm ảnh hôm nọ chụp ở "chỗ đó" theo lời anh đấy ! định để dành làm entry ^^

    ReplyDelete
  3. GM nè,bữa nào đột nhập dzô ĐH KHXHNV -TPHCM nghía đề thi tốt nghiệp (khoa anh văn tại chức)coi dễ không.Hổm rày bị semantic nó vật đuối như củ chuối!
    Cảm ơn trước nha!
    LEHO2501

    ReplyDelete
  4. P/S :không nói ra thì ai ai cũng biết tình trạng dạy và học ở VN .Thầy đọc trò chép biểu sao mà không học như vẹt để đối phó với các kỳ thi.Đề thi hầu như năm nào cũng bị lộ .Dĩ nhiên lời đề nghị hồi nãy chỉ là đuà tí cho vui thôi nha GM!

    LEHO2501

    ReplyDelete
  5. Nhưng cũng lạ, vì thích học mấy môn này nhiều khi rất tự nhiên. Đứa cháu mình, từ bé nó đã tự say mê các sách sử-địa rồi, tự đọc tự nhớ. Chỉ sợ nó tẩu hỏa nhập ma thôi, vì hiện tại những thứ đó chẳng mấy ích lợi với việc học của nó!

    ReplyDelete
  6. Rất thật thà thú nhận là không hiểu sao "nhớ sử thì mới biết nước Lào không có đảo", trước giờ vẫn tưởng là muốn biết điều đó thì phải học môn địa.

    ReplyDelete
  7. Đại ca lãnh đạo nhà em hay nói 'cứ học nhiêu môn, thi bấy nhiêu, vậy là hết cảnh ta thán này nọ, mà cái bằng tú tài cũng được nâng cao giá trị'.

    đương nhiên, cũng chỉ là giả định.

    ReplyDelete
  8. Bác Phú: Bác dùng điển tích khó thế nhân viên của bác không biết đương nhiên rồi. Bác xem trong Tam Quốc hay Đông Chu có tích nào gần gũi quần chúng hơn không!:)

    Nước chè quê: Môn sử đấy, không phải môn địa đâu:))

    Cafe sữa: Hay là không thi môn nào cả nhỉ?

    ReplyDelete
  9. lúc trước khi biết đáp án thi học kỳ môn địa (hồi hôm qua nè),địa là môn em khoái nhất. Nghe mọi người ca thán địa là môn học bài mà em không tin, vì đó giờ trong trường chỉ có Sử là è cổ học thôi, còn địa thì cô cho thuyết trình, trả lời câu hỏi kiểu cái câu của anh ( nếu là bộ trưởng bộ TNMT, em làm gì để ngăn nạn phá rừng?...), anh cứ nghe cái audio bài giảng của cô em trong cái entry em viết bữa trước thì rõ.

    hôm qua thi xong em lên trang của Sở xem đáp án. trừ câu tính % ra còn lại em không thấy bài mình giống đáp án câu nào.
    đề thì nghe rất "mở" vì toàn "dựa vào atlat, em hãy chứng minh..."
    nhưng đáp án lại trích nguyên văn SGK :| nhìn vào atlat còn lâu mới trả lời giống ý Sở.

    giờ mới thấm câu "địa là môn học bài"
    làm thi xong cứ tưởng 10 ngon lành.
    chỉ hi vọng đề Bộ không vậy.

    mấy cô của em thì không (chưa?) bắt dò bài mà bảo rằng "điểm thi môn cô thì đa dạng, linh hoạt lắm, dao động từ 1 tới 10, em nhắm bao nhiêu đủ đậu thì thỏa thuận với ba mẹ, cô không ép"

    ReplyDelete
  10. với giả định như thế, em thà đi học mãi :)

    ReplyDelete
  11. Giả định của bác GM làm nhọc lòng quá đi :)

    ReplyDelete
  12. có được mang tài liệu của "bên kia" vào phòng thi không bác? ;))

    ReplyDelete
  13. Tân: e hèm, lúc tớ vào trang web đó không thấy có hạn chế gì về tài liệu cả:)

    ReplyDelete
  14. Sao không bắt học luật thi luật luôn đi nhể. Không biết sử chả chết ai chứ không biết luật thì rất dễ toi, Mund nhể.

    ReplyDelete
  15. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  16. Mình nghĩ để học sử tốt thì cần phải yêu, có yêu mới ham tìm hiểu, còn làm sao để yêu thì mình không biết, hehe. Hay đề xuất học sử thông qua truyện tranh đi, có hình ảnh là chóng mê chóng nhớ ngay.:D
    Greengeek: chị cũng thích sử và địa, địa còn có vụ toán tính múi giờ và giờ bay cũng hay phết. à, nếu em cần học sử theo hướng trên thì tham khảo bộ sách Lịch Sử Việt Nam bằng tranh của NXB Trẻ. ( tranh thủ PR phát, xin phép bác Mun)

    ReplyDelete
  17. CCM: PR thì không sao, nhưng còm lạc đề rồi:)

    ReplyDelete
  18. hehe, đi thi mà lạc đề thì bị mấy điểm ta?:D

    ReplyDelete
  19. Dân ta phải biết sử ta.
    Nếu mà hỏng biết thì tra gu gồ

    ReplyDelete
  20. oài, ngày xưa mình ghét học sử lắm. Xong òi khi ra đi làm, đọc nhiều tài liệu sử lại thấy hay ơi là hay. Cứ tự trách sao ngày xưa mình ghét sử và không chịu học sử để bây giờ dốt sử quớ hu hu...

    ReplyDelete
  21. Hôm trước em khen con "bạn", đại thể bảo nó xinh như Muội Hỷ, Đắc Kỷ, thế là nó sướng :))

    ReplyDelete
  22. Xinh như Muội Hỷ, Đắc Kỷ là xinh tầm cỡ khuynh quốc, không sướng mới là lạ. Mình chỉ mong có người khen mình thế mà (tất nhiên) chả ai khen cả :))

    Vấn đề nho nhỏ của đề thi của bác Mun là chấm hơi khó ạ, hi hi, 10 thầy ra 10 mức điểm thì kể ra cũng hơi khổ (cho cả thầy lẫn trò).

    ReplyDelete
  23. Có gì mà khó. 5 điểm ngữ pháp, 3 điểm chính tả, 2 điểm chữ đẹp nữa là xong:))

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN