Friday 9 April 2010

Nguyễn Hưng Quốc viết về Bùi Giáng


Hôm nọ đi hội chợ sách có mua được một quyển về Bùi Giáng do Đông Tây xuất bản. (Hóa ra Đông Tây vẫn còn sống, cứ tưởng là chết rồi. Làm sách cũng hay mà marketing thì dở quá, chả thấy tên tuổi đâu cả. Lúc chưa có Nhã Nam, toàn tìm sách của Đông Tây để mua). Rồi nhiều hôm sau cái hôm đi mua sách mới giở cuốn này ra. Dạo này bận rộn không đọc được cuốn nào tới chốn nên thường giở mỗi cuốn vài trang bất kỳ. Gặp một bài thấy có tả TÔI gặp Bùi Giáng đoán là của người quen nhìn lại tên tác giả thấy đúng y như thế! :) Lật sang bài khác, đọc một đoạn thấy thú vị, xem tên tác giả là ai, hóa ra là Nguyễn Hưng Quốc. Định lọc cọ gõ lại, thì phát hiện ra bài đã đăng talawas rồi. Toàn văn bài đấy ở đây, còn đoạn định chép lại ngay dưới:



[...] Xoá nhoà. Xoá nhoà ranh giới giữa các giọng điệu, giữa truyền thống và hiện đại, giữa thơ và phi thơ, giữa cái lý và cái phi lý, giữa cái tôi và cái ta, cái riêng và cái chung, xoá nhoà mọi sự phân biệt, biện biệt: theo tôi, đó là những đặc điểm nổi bật nhất trong thơ Bùi Giáng. Bằng những sự xoá nhoà ấy, Bùi Giáng xoá nhoà luôn cả ranh giới giữa cái gọi là văn hoá cao cấp và văn hoá bình dân. Đồng thời, Bùi Giáng cũng xoá nhoà luôn cả tính chất nghiêm nghị, nghiêm túc với những khẩu hiệu ồn ào như 'vị nhân sinh', 'vị nghệ thuật' vốn kéo dài rất lâu trong văn học Việt Nam. Khác với các nhà thơ khác lúc nào cũng nhăn mặt nhíu mày, lao vào thơ như lao vào một trận địa, kỳ khu và khắc khổ, lúc nào cũng khắc khoải sáng tạo ra cái mới, mà chưa chắc đã mới và chưa chắc đã hay, Bùi Giáng, ngược lại, làm thơ cứ như đùa như giỡn, như không phải đang làm thơ, vậy mà tự nhiên thơ lại trở thành bát ngát và lấp lánh và lộng sắc và lộng hương. Mai Thảo kể: "ba chữ 'vui thôi mà' là câu trả lời mơ hồ nghịch ngợm duy nhất của Bùi Giáng trước mọi tìm hiểu của (về ?) lực thơ và số lượng thơ không thể tưởng tượng được ở nơi ông", rồi bình tiếp: "Thơ Bùi Giáng vui thật. Một vĩ đại vui".
[12] Theo Leslie Fiedler, sự xoá nhoà ranh giới giữa văn hoá bình dân và văn hoá cao cấp, và cùng với nó, việc đoạn tuyệt với chủ nghĩa đặc tuyển (elitism) và tính chất nghiêm cẩn (seriousness) là những đặc điểm chính yếu của chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism). [13]

Ở khía cạnh này, Bùi Giáng rất gần các nhà thơ hậu hiện đại. Bùi Giáng còn gần gũi các nhà thơ hậu hiện đại ở một khía cạnh khác nữa: một số khá nhiều những bài thơ của ông là loại thơ không thể giảng. Susan Sontag cho một trong những đặc trưng lớn của chủ nghĩa hậu hiện đại là tính chất phản-diễn dịch (anti-intepretation), là sự nhấn mạnh vào hình thức và sự trình diễn (performance) hơn là nội dung và ý nghĩa.
[14] Chúng ta biết theo quan niệm của Ferdinand de Saussure, ngôn ngữ chỉ là một hệ thống ký hiệu, ở đó, mỗi đơn vị ký hiệu đều có hai mặt: cái biểu đạt (signifier) và cái được biểu đạt (signified). Cái biểu đạt là âm hoặc chữ viết. Cái được biểu đạt là ý niệm do âm hoặc chữ viết ấy gợi lên trong đầu chúng ta. Ví dụ: nghe âm 'chó' (cái biểu đạt), chúng ta nghĩ ngay đến giống vật thường được nuôi trong nhà (cái được biểu đạt). [15] Từ đó, người ta đi đến chỗ coi bài thơ cũng là cái biểu đạt. Đọc thơ là để tìm kiếm cái được biểu đạt, tức ý nghĩa, điều ẩn giấu phía sau bài thơ. Với Bùi Giáng, cũng như với các nhà thơ hậu hiện đại, ngược lại, bài thơ là cái được biểu đạt chứ không phải là cái biểu đạt. Nói cách khác, bài thơ là bài thơ. Không có ý nghĩa nào ẩn đằng sau bài thơ để chúng ta đào xới, tìm kiếm. Nó giống như một bức tượng đá. Bề mặt: đá; trong ruột: cũng là đá. Do đó, nếu hỏi ý nghĩa bài thơ 'Đạm Tiên' tôi dẫn ở trên là gì ư? Chịu! Ý nghĩa của nó là chính sự hiện hữu của nó, là bài thơ có nhan đề là 'Đạm Tiên', vậy thôi. Chúng ta không thể phân tích. Chúng ta chỉ cần nghiệm (experience). Đọc lần thứ nhất: chúng ta không hiểu gì cả. Đọc lần thứ hai: chúng ta vẫn không hiểu gì cả. Đọc lần thứ ba: chúng ta lại vẫn không hiểu gì cả. Nhưng càng đọc chúng ta càng nghe rõ, càng thấm, càng cảm cái nhạc điệu lầm rầm, lầm rầm của bài thơ. Nghe như thần chú. Như tiếng tụng kinh. Như lời cầu hồn. Chúng ta sống trong một không khí huyền bí, ma quái, không có gì rõ nét. Thì Đạm Tiên là một bóng ma mà! Ở nhiều bài thơ khác, điều chúng ta nghiệm được thường là sự bất lực của ngôn ngữ: chúng ta không hiểu vì chính nhà thơ cũng không thể diễn tả được những gì ông chỉ cảm nhận một cách mơ màng hoặc bằng trực giác hoặc bằng tiềm thức.

Chúng ta có thể gọi Bùi Giáng là nhà thơ hậu hiện đại được chăng? Khái niệm hậu hiện đại, mặc dù xuất hiện từ thập niên 30 và 40 với Frederico de Oníz, Dudley Fitts và Arnold Toynbee, được sử dụng khá nhiều tại Mỹ vào thập niên 50 và 60, trở thành thời thượng tại Âu Mỹ từ giữa thập niên 80 đến nay,
[16] vẫn còn khá xa lạ với giới cầm bút Việt Nam. Điều đó dễ gợi cho chúng ta ấn tượng chủ nghĩa hậu hiện đại là cái gì rất mới, chỉ gần đây thôi, gắn liền với máy vi tính, chẳng hạn. Tuy nhiên, trên thực tế, khác hẳn. Danh sách các nhà thơ hậu hiện đại được Jerome Mazzaro phê bình trong quyển Postmodern American Poetry bao gồm W.H. Auden (1907-73), Randall Jarrell (1914-65), Theodore Roethke (1908-63), v.v... [17] Với Margaret E. Gray, ngay cả Marcel Proust (1871-1922) cũng là một nhà văn hậu hiện đại. [18] Chúng ta có thể gọi Bùi Giáng là nhà thơ hậu hiện đại hay hậu 'iện' đại (người vượt ra ngoài chủ nghĩa 'iện' đại tại Việt Nam) hay 'ậu' hiện đại (người ít nhiều - chứ chưa hoàn toàn - nhích ra khỏi chủ nghĩa hiện đại theo cách hiểu truyền thống tại Tây phương) được chăng? [...]

11 comments:

  1. Bùi Giáng thật khó hiểu, thật khác thường. Đọc ông, thấy những câu dung dị, bên cạnh những câu có gì đó cao siêu và phi thực tế!

    ReplyDelete
  2. em nghĩ, nói theo NHQ thì BG là chủ nghĩa liện đại, còn nói theo BG thì BG là chủ nghĩa tiện đại; còn em thì là quá xá miệng đại.

    ReplyDelete
  3. haha, em thích cái comment của bác Càfê sữa.

    ReplyDelete
  4. Nhà sách Đông Tây ở Nguyễn Chí Thanh đã đóng cửa , hồi cuối năm ngoái bán thanh lý truyện giảm giá 50 - 80% , có loại còn bán theo cân . Giờ chuyển ra Phùng Chí Kiên , chắc heo hút hơn cho đỡ tiền thuê mặt bằng

    ReplyDelete
  5. Bùi giáng, chỉ cần nói đó là Bùi Giáng là đủ.

    ReplyDelete
  6. Tưởng bác vẫn còn cay vụ truyện dịch hậu hiện đại chứ ;)) Đông Tây có nhiều đầu sách hay phết, chỉ là lúc cần thì không biết mua ở đâu :D

    ReplyDelete
  7. Bac Phu: Noi nhu bac cac nha phe binh that nghiep het a?:)

    Gia Vu (Doi la la Deja vu hay Tan di, Gia Vu nghe sen qua!): Cay gi nua, dau sach hay thi khen, con lam an luom thuom thi che thoi, song phang ma!

    Cafesua: Lang nhang qua, anh tuong chua la "hau dai tien" chu:)

    Ba con thong cam, dang go khong bang may cua minh nen khong co tieng Viet.

    ReplyDelete
  8. Em còn hận bọn Đông Tây này vì làm mất của em 1 cái xe máy :(.
    Nói chung Đông Tây chọn sách thì OK nhưng cách làm ăn rất thiếu chuyên nghiệp.

    ReplyDelete
  9. Linh: ừ cho cả hai. Nhân tiện khoe hôm nọ còn vơ được cuốn tiểu luận Phạm Quỳnh viết bằng tiếng Pháp tất nhiên đã dịch ra tiếng Việt do Đông Tây và NXB Trí Thức xuất bản.

    ReplyDelete
  10. Hihi cuốn Phạm Quỳnh thì em thấy lâu rồi và hình như ở đâu cũng thấy bán :D

    ReplyDelete
  11. DHP: haha con nít ở ngã tư xóm gà thời 80s chỉ cần nghe "Bù Giáng" là đủ chạy vắt giò lên cổ.

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN