Friday 30 September 2011

Sau giờ ăn trưa

thì buồn ngủ

để khỏi có buồn ngủ, có hai lựa chọn: một, không ăn trưa; hai, ngày làm việc chấm dứt sau giờ ăn trưa

không ăn trưa: giờ thì không sao, nhưng tầm hai giờ sẽ đói - bạn sẽ không thích tôi khi tôi đói, vì khi đói tôi rất xấu tính (bình thường cũng xấu, nhưng khi đói xấu hơn) - tệ hơn, lúc đó không có gì để ăn ----> chuyển sang lựa chọn thứ hai.

ngày làm việc chấm dứt sau giờ ăn trưa: tuyệt vời, nhưng ảo tưởng ->>> không phải là một lựa chọn.

tóm lại:  không có lựa chọn nào. Tắc tị. Bí.

nói tới bí, gần đây mới phát hiện ra rất nhiều người đang bí ý tưởng kinh doanh do đó cứ lên google để đi tìm "ý tưởng kinh doanh" ---->> thường xuyên rơi vào post này. Chúc các bác ấy may mắn.


-------------------------



xời ơi vớ được cái này đỡ buồn ngủ, dịch hầu các bác một đoạn



NGƯỜI PHỎNG VẤN


[…]. Điều gì khiến ông quyết định bắt đầu viết tiểu thuyết?

GROSSMAN

Tôi biết chuyện đó bắt đầu thế nào. Lúc đó tôi đang sống chung với Michal, dù chúng tôi chưa lấy  nhau, và chúng tôi có một trận cãi cọ như thường xảy ra giữa các đôi.  Cô ấy xử sự theo kiếu đàn bà hay làm hồi ấy trong những tình huống tương tự: gói ghém mọi đồ đạc cá nhân vào một cái túi xách nhỏ - chúng tôi cũng chẳng có đồ đạc gì mấy - rồi về chỗ bố mẹ cô ấy ở Haifa. Còn lại mình tôi trong căn phòng nhỏ của chúng tôi ở Jerusalem, và tôi tan nát. Tôi cảm thấy đời tôi thế là xong và chẳng còn sống để cho ai nữa.  Rồi tôi tới bên bàn và bắt đầu viết truyện “Những con lừa.”  Trước đó một khắc tôi không hề biết tôi định viết gì. Tại sao tôi lại viết ra câu chuyện này trong mọi câu chuyện trên đời, tôi không biết. Nhưng trong những phút đầu tiên ngồi viết, tôi biết tôi đã tìm được mình.

Tôi luôn luôn so sánh chuyện đó với việc khám phá ra sex. Cái khoảnh khắc trước khi bạn làm chuyện đó, bạn chỉ có một ý niệm mờ mịt về việc nó sẽ như thế nào. Nó có tính đe dọa, nó hấp dẫn, nó là tất cả. Khoảnh khắc sau đó, bạn không hiểu làm thế nào có thể sống cuộc đời mình mà không có nó. Ngay lập tức bạn trở thành con nghiện. Bạn biết rằng đây là cái mà bạn muốn làm.



-------
Nói tóm lại bị bồ đá người ta có thể trở thành nhà văn lớn.


Grossman tức là David Grossman, nhà văn Israel, tác giả cuốn To the end of the land, mà tôi rất thích tuy chưa có dịp nhắc tới. Đó là một cuốn rất đẹp, khi nào sẽ viết về nó sau

Monday 26 September 2011

Nhân trường hợp bác họ Trương, cảm tác

Bác họ Trương hôm nay có status như thế này trên Facebook: "Được ngày mặc quần màu sáng, dính quả trời mưa, đến duyên! Lại quay về quần bò xanh sạch đẹp vậy."


Nhân đọc status của bác Trương, cảm tác bài thơ sau.  Kính  mong hương hồn trung niên thi sĩ Bùi Giáng tha thứ.:)

Người con trai mặc quần

Người con trai hôm nay mặc quần sáng
Vì hôm qua đã mặc chiếc quần bò
Sáng hay bò gặp mưa đều ướt nhẹp
Không mặc gì có phải rất hay ho

Người con trai hôm nay mặc quần ngắn
Vì hôm qua đã mặc chiếc quần dài
Ngắn hay dài kể ra đều quan trọng
Để an toàn sao thiếu một trong hai

Người con trai hôm nay mặc quần bó
Vì hôm qua đã mặc quần thùng thình
Bó thì khó, mà thùng thình cũng khó
Vì thùng thình nên rất mực rung rinh.

Người con trai hôm nay mặc quần áo
Vì đêm qua trót không mặc áo quần
Áo với quần là hai phần tươi đẹp
Gắn liền nhau như Đảng với nhân dân


----------------
Nguyên tác của Bùi Giáng:


Người con gái mặc quần 

Người con gái hôm nay mặc quần đỏ
vì hôm qua đã mặc chiếc quần đen
đen và đỏ là hai màu rồi đó
cũng như đời, đường hai nẻo xuống lên

Người con gái hôm nay mặc quần trắng
vì hôm qua đã mặc chiếc quần hồng
hồng và trắng là hai màu bẽn lẽn
cũng như núi và rừng đều rất mực chênh vênh

Người con gái hôm nay mặc quần tím
vì hôm qua đã mặc chiếc quần vàng
vàng và tím là hai màu mỉm miệng
mím môi cười và chúm chím nhe răng

Người con gái hôm nay mặc quần rách
vì hôm qua đã mặc chiếc quần lành
lành và rách đều vô cùng trong sạch
bởi vì là lành rách cũng long lanh

Friday 23 September 2011

Nói đôi lời tử tế

Hồi bé, tôi có một cuốn sổ tay, ghi lại những câu, đoạn mà tôi cho là hay hay. Cuốn sổ đó giờ lạc đâu mất rồi, nhưng có một câu thế này, giờ tôi vẫn nhớ đại ý: Mỗi ngày ta nên ngắm một bức tranh đẹp, đọc một bài thơ hay, nghe một bản nhạc hay và nói đôi lời tử tế.

Trong câu đó các vế tương đương nhau: và A và B và C và D, chứ không phải cái sau chót là hệ quả của ba cái trước.

Tuy nhiên, tôi vẫn ưa nghĩ rằng cái sau cùng, "nói đôi lời tử tế" là hệ quả của ba cái trước. Nghĩa là người nào nếu cảm thụ được cái đep, cái hay trong tranh, trong nhạc, trong thơ, thì sẽ ưa nói những lời tử tế. Đấy là tôi ưa nghĩ thế, mà cái ưa nghĩ của tôi hoàn toàn chủ quan, chẳng có căn cứ gì. Tôi cứ tin thế thôi.

Thế cho nên tôi vẫn luôn lấy làm lạ khi một số người mà tôi nghĩ/đoán/giả định có khả năng cảm thụ cái hay, cái đẹp của nghệ thuật nhưng mở miệng ra lại toàn những lời thiếu tử tế.

Ví dụ thì nhiều, cứ mở báo hay internet ra thấy đầy.  Gần nhất tôi thấy trường hợp này. Gì thì gì, gọi chệch tên người khác là thiếu sự tôn trọng tối thiểu. Còn tới vụ Windows on the World, thì người viết còn tự bắn vào chính chân mình. Làm thế nào mà bác ta nghĩ rằng người dịch nguyên cuốn tiểu thuyết này lại không biết Windows on the World là tên một nhà hàng trên tháp đôi trong khi ngay trang đầu tiên của cuốn sách tên nhà hàng đã được nhắc đến? Hẳn khi công kích dịch giả dịch Windows on the World thành Cửa sổ trên tháp đôi là "rùng rợn hơn cả chính biến cố 9.11", người viết hoàn toàn chưa đọc cuốn sách, cả bản tiếng Pháp lẫn bản tiếng Việt. Trong trường hợp này, khi dịch Windows on the World thành Cửa sổ trên tháp đôi, rõ ràng người dịch đã lựa chọn cách dịch như thế. Có thể đó chưa phải cách dịch hay nhất, nhưng đó là chuyện khác.

Ai cũng có thể có lúc sai. Nếu thấy sai thì lựa đôi lời tử tế mà nói với nhau, đời có bao lăm mà hằn học.  Huống hồ người ta chưa chắc đã sai.


-----------


Lọ mọ tìm được bài này http://phiem-dam.com/vanhoc99.htm nhiều tư liệu hay về văn học dịch miền Nam trước đây.


+ Thông qua một cao nhân :) đã đọc các ý kiến phê bình bài viết về văn học dịch của NVL vài năm trước đây. Trân trọng cảm ơn các bên có liên quan:)

Tuesday 20 September 2011

Thức ăn từ Nhật Bản

Một cuốn sách hay, bất kể về đề tài gì, bao giờ cũng là một cuốn sách có tính chất khơi gợi, hoặc về suy nghĩ hoặc về tình cảm. Đó là cuốn sách mà khi đọc xong ta không muốn gấp lại, không muốn cất lên kệ, mà muốn đặt nó trước mặt nhìn, ngắm, lật đi lật lại, và kể cả khi ta nhắm mắt lại ta vẫn thấy nó. Nó lởn vởn trong trí ta, chữ nghĩa, ý tưởng của nó diễu hành trong đầu ta, từ chối rút lui có trật tự. Nó gây ra một cuộc xáo động. Nó làm ta bứt rứt. Nó khiến ta không thể không nói về nó, dù ít dù nhiều, cách này hay cách khác. Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847-1885 của vị giáo sư Nhật Bản Yoshiharu Tsuboi là một cuốn sách như thế.

Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847-1885 viết về giai đoạn lịch sử khi Pháp bắt đầu áp đặt nền thực dân đối với Việt Nam. Tuy nhiên, đề tài được khảo cứu chính không phải là lịch sử quá trình chiếm đóng Việt Nam của Pháp, mà là tình hình chính trị, xã hội, kinh tế Việt Nam dưới triều Tự Đức.  Một cuốn sách như thế này -  được viết khách quan, khoa học, hấp dẫn như tiểu thuyết, căn cứ vào một nguồn tài liệu phong phú -  cung cấp cho người đọc thật nhiều cái nhìn mới mẻ và sáng sủa về một giai đoạn lịch sử phức tạp, đầy biến động - giai đoạn mà nhiều lựa chọn của triều đình nhà Nguyễn khi đó để lại hệ quả lâu dài cho Việt Nam mãi về sau. Những người từng viết review cho cuốn sách như Nguyễn Vĩnh Nguyên trên Sài Gòn Tiếp Thị, hay giáo sư Trần Văn Giàu (viết lời giới thiệu) và nhà văn Nguyên Ngọc (viết lời bạt) đều đồng ý với nhau về ý nghĩa thời sự của cuốn sách cũng như những bài học mà ta có thể rút ra từ cuốn sách cho giai đoạn hiện tại. Ở đây, tôi chỉ nhặt ra những luận điểm hoặc quan sát của tác giả mà tôi quan tâm hoặc thấy thú vị hơn cả:

+             Sự lưỡng lự, bất nhất của triều đình Tự Đức trong việc chọn đồng minh: Khi muốn trấn áp các nhóm giặc cờ, tàn dư của Thái bình Thiên quốc tràn sang, Tự Đức kêu gọi Trung Hoa giúp sức. Khi Garnier tấn công Hà Nội, triều đình lại cậy cánh quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc. Khi có loạn văn thân, Tự Đức lại nhờ hải quân Pháp can thiệp. Rốt cuộc thì sao? Giới văn thân hoàn toàn bất mãn với Tự Đức (đến khi Tự Đức chết rồi thì họ lại hưởng ứng phong trào Cần Vương), thổ phỉ người Hoa hoành hành khắp thượng du Bắc Kỳ, Hà Nội vẫn mất vào tay Pháp.  Có vẻ như ai cũng là đồng minh thì chẳng có ai là đồng minh thực sự cả.

+             Việc phó thác thương mại vào tay người Hoa: Tsuboi quan sát thấy trong nước người Việt Nam đi lại phải có giấy thông hành, còn người Hoa lại có quyền tự do đi lại nên mại bản người Hoa có thể mua gạo trực tiếp ở người sản xuất và xuất khẩu sang Trung Hoa.  Thêm vào đó, người Việt Nam bị nghiêm cấm không được vào buôn bán ở Trung Hoa, nên chỉ thương nhân người Hoa mới có thể đi lại giữa hai nước. Việc xuất gạo sang Trung Hoa mang lại lợi lớn cho thương nhân người Hoa trong kh đó lại đẩy giá gạo trong nước lên và gây ra cảnh thiếu đói. Từ năm 1875, khi triều đình Huế cho mở cửa các thương cảng Hà Nội, Hải Phòng rồi Quy Nhơn phục vụ ngoại thương thì tình hình càng tai hại hơn do thiếu kinh nghiệm nên không kiểm soát được thương nghiệp của nước ngoài. Việc mở cửa các bến cảng càng tạo thế thượng phong cho người Hoa trong thương nghiệp, trong khi ấy thì nạn đói hoành hành ở Bắc Kỳ. Đổi lại gạo, người Hoa nhập vào cái gì? Có hai thứ: thuốc phiện và… tiền giả!       
                     
+             Quan hệ giữa Tự Đức và giới văn thân: Theo quan sát của Tsuboi, chính sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa Tự Đức và giới văn thân trở thành một trong những nguyên nhân nội tại chính yếu làm cho Pháp dễ dàng áp đặt chế độ thực dân.

+             Tự Đức: Những tư liệu về Tự Đức đặc biệt mới mẻ và quan trọng. Trích tường thuật của giám mục Pellerin: “Vua đã tỏ ra quan tâm muốn biết về châu Âu và các quốc gia lớn ở châu Âu, vua hỏi tôi nước Pháp nhờ đâu mà hùng cường và phồn thịnh, tôi trả lời là những sinh lực hàng đầu của một dân tộc là quyền tự do cá nhân và những quan hệ tự do giữa các dân tộc nữa.” Tự Đức ham muốn hiểu biết về thế giới phương Tây, đọc cả báo phương Tây viết bằng chữ Hán, và không phải là không mong muốn du nhập kiến thức khoa học của phương Tây về cho đất nước.  Tuy nhiên Tự Đức và triều đình của ông thiếu sự mềm dẻo về hệ tư tưởng, lệ thuộc cứng nhắc vào Khổng giáo, quan lại đều mặc triều phục Trung Hoa, mở miệng là dẫn sử sách Trung Hoa, khiến Tsuboi kết luận rằng “nước Việt Nam của Tự Đức tỏ ra bảo thủ hơn các nước theo Nho giáo khác.” Thay vì phân tích tình hình chính trị đương thời trên nền tảng học thuyết cố truyền, thì nhận định của Tự Đức về thực tại “dường như bị sàng lọc, bị đóng khung bằng khuông mẫu Khổng giáo”.

Cuốn sách của Tsuboi là một cuốn quá quan trọng để có thể bỏ qua đối với bất kỳ ai quan tâm đến lịch sử và/hoặc hiện tại. Nó cung cấp too much food for thoughts.

Nhược điểm duy nhất của cuốn sách là nó thiếu một bảng chỉ mục (index) phục vụ việc tra cứu.
.

Saturday 17 September 2011

Trò chơi Sỉ nhục

Trò chơi Sỉ nhục là trò chơi do vị giáo sư người Anh Swallow sáng tác ra trong cuốn tiểu thuyết Đổi chỗ của David Lodge. Trong trò chơi này, mỗi người phải nghĩ ra một cuốn sách nổi tiếng mà mình chưa đọc, và cứ mỗi người có mặt đã đọc cuốn đó thì ghi được một điểm. Ví dụ, tôi là một trong sáu người chơi, tôi nêu ra cuốn chưa đọc là Số đỏ chẳng hạn, và năm người còn lại đều đã đọc rồi, thì tôi ghi được số điểm tối đa là 5 điểm, còn bạn Nhị Linh nêu ra cuốn chưa đọc là Chùa Đàn của Nguyễn Tuân chẳng hạn, và chỉ có hai người đã đọc, thì bạn Nhị Linh chỉ được 2 điểm thôi.

Trò này độc ở chỗ để ghi điểm mỗi người phải nêu ra tên một cuốn sách mà gần như ai cũng đã đọc, nhưng mình lại chưa. Chưa đọc một cuốn sách thuộc hàng kinh điểnlà điều khá xấu hổ, đặc biệt trong môi trường học thuật (ở nước ngoài, cụ thể trong truyện là ở Anh, chứ Việt Nam thì chưa chắc:). Vì vậy, trò chơi có tên là Sỉ nhục:  Muốn thắng, thì phải tự sỉ nhục mình. Trong truyện, một vị giáo sư văn chương Anh thắng cuộc sau khi thú nhận rằng mình chưa đọc Hamlet - tác phẩm vẫn được coi như là lớn nhất của cả nền văn học Anh.

Bản dịch tiếng Việt cuốn Đổi chỗ có một lỗi trong đoạn dịch về trò chơi này, cụ thể là sai một chữ, “chưa” thay vì đúng ra là “đã”. Một chữ thôi, nhưng là chữ quan trọng, vì nó khiến cả hai ba trang sau tường thuật về trò chơi trở nên vô nghĩa.  Câu trong bản tiếng Việt như sau: “Cốt lõi của vấn đề là mỗi người sẽ nêu tên một cuốn sách mình chưa đọc nhưng giả định rằng người khác đã đọc, và cứ có một người chưa đọc cuốn sách đó thì mình ghi được một điểm.”

Nhân dịp nhắc đến trò chơi này, tôi tự sỉ nhục mình bằng cách thú nhận rằng tôi chưa đọc Chiến tranh và Hòa bình của Lev Tolstoy!  Giá như tôi gặp nó trước năm 18 tuổi thì chắc chắn tôi đã đọc, vì hồi ấy tôi đọc bất cứ cuốn gì rơi vào tay. Sau này khi gặp nó, thì có rất nhiều lý do để …đọc cuốn khác trước. Nhưng tôi nghĩ rằng nếu chơi trò này mà tôi nêu ra Chiến tranh và Hòa bình hẳn vẫn khó thắng!

Nhân đây, các bạn đoán xem nhà văn nào có thể là người viết câu này: “Những cô gái điếm ngắn hạn là những cô vẫn thường bị khinh rẻ, còn những cô điếm dài hạn là những kẻ được kính trọng.”


-------


Bác Nguasat, vừa mới đọc xong, đã trả lời đúng:






Cuốn này là một trong những cuốn đầu tiên của Tủ sách Tinh hoa văn học của Phương Nam.


Còn đây cũng là nó, một bản dịch khác:










Friday 16 September 2011

Ý tưởng kinh doanh (nảy ra trong giờ ăn trưa)


+ Bổ sung một clip quảng cáo condom của Ấn Độ:




Ý tưởng này được thảo luận trong một bữa ăn trưa của tôi và một vài đồng nghiệp.  Các đồng nghiệp ấy chả bao giờ biết đến cái blog này nên tôi tạm coi là ý tưởng của tôi vậy:)

Các bạn đọc link này rồi tôi nói tiếp.

Éo le phải không ạ? Thực ra, chúng tôi đã bàn thảo ý tưởng dưới đây từ trước khi đọc tin trên, nhưng nhân dịp có tin này, tôi sẽ phác thảo ở đây đôi nét cơ bản.  Sẵn lòng tiếp nhận các ý kiến đóng góp để hoàn thiện dự án.

Dự án: Máy bán BCS tự động

Cơ sở dự án: (tổng hợp từ sách, báo, internet, viết lại theo trí nhớ nên có thể có thiếu chính xác về mặt số liệu, tuy nhiên tinh thần căn bản không sai lệch mấy đâu í ạ):

+ Độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu của thanh niên Việt Nam là 19.1;

+ 50% đàn ông và 30% phụ nữ có gia đình có quan hệ tình dục ngoài hôn nhân (số liệu này theo cuốn Vườn thú người của Desmond Morris, đàn ông nói chung không phải đàn ông nói riêng.  Nói thêm, cũng trong cuốn này, Desmond Morris có một lập luận rất thú vị về ngừa thai);

+ Việt Nam đứng top 3 thế giới về tỷ lệ nạo phá thai;

+ Tỷ lệ vô sinh ở Việt Nam lên đến 20% (theo báo Người Lao Động số ra ngày hôm qua, hoặc hôm kia) Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh là nạo phá thai bừa bãi;

+ Mức độ bẽn lẽn khi đi mua BCS là 81% (số liệu tổng hợp từ vnexpress, dantri, vietnamnet, v.v.);

+ Cần bổ sung số liệu về bệnh lây lan qua đường tình dục (hôm qua có bọn xấu mồm bịa ra cụm từ “quan hệ qua đường internet” và “lây lan qua đường GM”, nghe gứm chết đi được).

Mục tiêu dự án:  Làm thế nào phân phối BCS đến tay( hoặc chỗ khác) của người người tiêu dùng kín đáo nhất, nhanh nhất, gọn nhất.

Nội dung dự án: 

+             Lắp đặt máy bán BCS tự động trong nhà vệ sinh nam và nữ ( công cộng, của quán ăn nhanh như KFC, Pizza Hut, Phở 24, Cà phê Highlands, Cà phê Trung Nguyên, trà sữa trân châu, các quán cà phê và quán ăn khác trên toàn quốc). Ở trỏng ai cũng bận bịu việc riêng của mình, về cơ bản không ai nhìn ai, nên có thể thực hiện hành vi mua mà không bị chú ý, không sợ người ta nghĩ mình sắp làm gì.

+             Máy BCS cần được thiết kế  với logo, màu sắc, hình dáng đồng nhất, không được nổi quá cũng không được buồn chán quá. Nổi quá thì dễ gây chú ý, mà buồn chán quá thì …chán. Cũng có thể thiết kế màu xanh dương hay xanh lá cây cho máy gắn trong nhà vệ sinh nam, và màu hồng hay tím cho máy gắn trong nhà vệ sinh nữ.

+             Máy cần được sử dụng với tiền giấy, tức là tiền plastic ấy, chứ tiền xu giờ cơ hồ biến mất khỏi chốn giang hồ rồi. (Ngày xưa bác nào nói tiền xu nhà mình sẽ sử dụng được mấy chục năm ấy nhỉ?)

Đội ngũ triển khai:  Bước đầu, cần ít những vị trí sau.  Tùy mức độ phát triển của dự án mà tuyển thêm người sau:

+             Giám đốc Nhà vệ sinh: Chuyên làm việc với các chuỗi cửa hàng, quán ăn, quán café đề họ đồng ý cho phép lắp đặt máy. Người này có trách nhiệm thuyết phục những nơi cho thuê chỗ rằng lắp đặt máy sẽ làm cho quán họ thêm khách hàng, vì vậy, họ không nên lấy tiền cho thuê chỗ.

+             Giám đốc Pháp lý: Phụ trách đăng ký nhãn hiệu, xin giấy phép, kiêm quan hệ chính phủ luôn.

+             Giám đốc Marketing: Có trách nhiệm tuyên truyền sử dụng BCS và do đó máy bán BCS thông qua tất cả các kênh marketing có thể nghĩ ra.  Tận dụng các diễn đàn, mạng xã hội, youtube.v.v.

+             Giám đốc Điểm sách: Có trách nhiệm chỉ ra những quyển sách nào trong đó nhân vật có sử dụng BCS, hoặc có mua BCS từ máy càng tốt.

+             Giám đốc Mua hàng: Phụ trách việc mua sỉ BCS (tất nhiên) và tìm kiếm nhà thầu thiết kế, sản xuất máy.

NPV và ROI của Dự án: Ngày xưa từng biết cách tính nhưng giờ quên rồi. Mà cũng hết giờ nghỉ trưa rồi còn gì.
  

Thursday 15 September 2011

Nghe kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu

Ngày nay, nếu nói chuyện thơ, thì phải nói chuyện Trần Dần, Đặng Đình Hưng, còn không thì Thanh Tâm Tuyền, Vũ Hoàng Chương, không nữa thì Mở Miệng hay Ngựa Trời, chứ nói Tố Hữu thế nào cũng bị cười nhạt.  Ấy mà, lớn lên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa như tôi, không năm nào không được học thơ của Tố Hữu, không thuộc thơ Tố Hữu mới là chuyện lạ. Chẳng những thế, do cái tính ưa tò mò mà lại nhớ dai, nên tôi thuộc ti tỉ thơ Tố Hữu, cả những bài ngoài chương trình. Tám tuổi tôi đứng giữa sân khấu thị trấn đọc bài Emily, con đi cùng cha, nhờ đó được bọn trẻ con lối xóm đặt tên là Emily.  Tụi nó kêu như này:  Hê, Ê mi ly, đi ăn chè hem mày? Sau này, tôi sử dụng thơ Tố Hữu vào việc tán gái, gái nghe thơ Tố Hữu xong lăn như bi, bẹp như gián.

Hic, là tôi bịa đấy, làm gì có chuyện gái đổ vì thơ Tố Hữu.  Có chăng vì tôi dẻo mồm:).  Nhưng có phần sự thật là tôi thuộc thơ Tố Hữu rất nhiều. Từ Mã Chiếm Sơn buông cương và ngẫm nghĩ đến Chuyện cô du kích xóm Lai Vu/ Rắn quấn bên chân vẫn diệt thù  rồi Ta đi tới trên đường ta bước tiếp/ Rắn như thép, vững như đồng/ Đội ngũ ta trùng trùng điệp điệp/ Cao như núi, dài như sông với lại Con đã về đây ơi Mẹ Tơm/ Hỡi người mẹ khổ đã dành cơm/ Cho con cho Đảng năm xưa ấy. .. Mỗi bài tôi tình cờ nhắc tên trên đây với tôi đều có một kỷ niệm.  Bài Ly rượu thọ tôi nghe nhắc đến lần đầu trong một cuốn truyện thiếu nhi của Văn Linh có tên Nơi xa, trong đó bọn trẻ con đặt biệt hiệu cho nhau là Tống Giang với Lý Quỳ, có một cô bé nhắc đến bài này, phân tích tâm trạng của Mã Chiếm Sơn.  Đọc truyên ấy xong, tôi đi tìm bài thơ trong các tập thơ Tố Hữu suốt mà không có, mãi sau này mới gặp được. Bài Tâm sự, là do bác tôi, người từng là bạn tù với Tố Hữu, chép trong một lá thư gửi vào cho chúng tôi khoảng năm tám mấy. Tôi thuộc lòng bài ấy và chưa bao giờ quên một chữ  (thuộc dạng chưa quên một chữ  bao giờ còn có bài Quê hương của Giang Nam, và, rất kỳ quặc là, Tha La xóm đạo của Vũ Anh Khanh).  Bài Ta đi tới tôi cũng từng trình diễn trên sâu khấu trong các buổi văn nghệ thiếu nhi, còn bài Mẹ Tơm có hai câu Sống trong cát chết vùi trong cát/ Những trái tim như ngọc sáng ngời mà có lần với sự giúp sức của bác Như Huy tôi chế thành Sống trong sách chết vùi trong sách/ Những trái tim như mọt, đáng đời!

Hôm nay, tôi nhắc đến thơ Tố Hữu là vì tôi chợt nhớ đến mấy câu này trong bài Tâm sự:

Nghe kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu
 Trái tim nhầm chỗ để trên đầu
 Nỏ thần vô ý trao tay giặc
 Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu.

Tất nhiên có lý do vì sao tôi nhớ mấy câu này, nhưng thôi chuyện đó để entry sau. Bây giờ tôi mắc có độ:)

-----------------------


+ Bài viết của bạn Tequila về Cục đá và Máy chữ




Wednesday 14 September 2011

Nghỉ ngơi đúng cách

Có một sự thật không nhiều người biết: trong môi trường văn phòng, vật nguy hiểm nhất là cái máy tính. Những thao tác lặp đi lặp lại trên bàn phím và con chuột, ngỡ lành, nhưng kỳ thực có thể gây ra nhiều chấn thương. Vì lẽ đó, một số công ty buộc nhân viên cài đặt một phần mềm theo dõi tần suất thói quen sử dụng máy tính của người dùng, và nhắc nhở người dùng phải nghỉ ngơi sau một quãng thời gian nhất định. Thường thì sau khoảng sáu phút dùng máy tính liên tục, người dùng được nhắc nghỉ khoảng sáu đến tám giây; và sau 55 phút dùng máy liên tục, nghỉ sáu phút.

Cách đây ít lâu, tôi đã kêu ca về việc đau ngón giữa bên phải do đánh máy không đúng kỹ thuật, dùng ngón giữa quá nhiều. Sau một thời gian cố gắng dùng nhiều ngón hơn khi đánh máy, tôi đã tiến một bước đến đau cả ba ngón trỏ, giữa, áp út bàn tay bên phải. Tay trái OK, có lẽ cho sử dụng ít hơn.  Tôi mong nhanh đến ngày phần mềm nhận giọng nói  thông dụng, khi ấy không dùng tay nữa, chỉ dùng mồm. (Nói vậy, vẫn e rằng khi ấy mồm lại chóng hư hỏng thì nguy hơn.)

Trong khi chờ đợi các tiến bộ về công nghệ, tôi cố tuân thủ quãng nghỉ theo nhắc nhở của phần mềm nói trên. Thời gian đầu, rất khó chịu khi đang có hứng làm việc mà phải nghỉ. Phàm làm gì đang có hứng mà bị gián đoạn thì cũng bực mình. Nhưng riết rồi tay đau, mắt mỏi, tôi tuân thủ nghiêm nhặt, đồng thời cố gắng sử dụng thời gian nghỉ hợp lý hơn. Chẳng hạn, tôi dành những việc như uống nước, lấy thư, pha cà phê, đọc báo, toa-nét.v.v. vào những lúc máy tính không cho mình làm việc.

Nếu bạn làm việc máy tính nhiều mà không có sẵn phần mềm đó thì sao? Tôi thấy có một số phần mềm miễn phí trên internet, nhưng chưa dùng thử nên không  dám giới thiệu. Tuy nhiên, có một số mẹo sau các bạn có thể dễ dàng làm theo:

1.       Dùng chuột ngoài thay cho cho chuột trong laptop;
2.       Sử dụng các phím tắt thay cho chuột;
3.       Không sử dụng bàn phím bằng cách kiếm người khác đánh máy cho mình;
4.       Không nhìn màn hình, bảo người khác đọc cho;
5.       Vứt máy tính đi.

Tuesday 13 September 2011

Hội An - demo; hội nghị - một nhát

Tôi mới đi Hội An về. Tôi muốn viết chút gì đó về Hội An.  Đoạn đầu có thể như sau:



Tôi trở lại Hội An sau bảy năm.

Tôi chợt nhận ra tôi hay bắt đầu các bài viết của mình bằng cách rọi về một kỷ niệm trong quá khứ. Nói một cách tuyệt đối, chỉ trẻ sơ sinh mới không có quá khứ, còn bắt đầu biết ăn biết đi rồi biết nói là đã bắt đầu có quá khứ rồi, cho dù ta có ý thức về nó hay chăng nữa. Càng lớn tuổi quá khứ càng chất chồng, thế nên người trẻ bao nhiêu đời vẫn hóng người già kể chuyện xưa. Còn ông bà bố mẹ mở miệng ra nhắc nhở con cháu là ngày xưa bố thế này, ngày xưa ông thế kia; bạn bè lâu ngày gặp nhau không khỏi hàn huyên chuyện cũ. Ai có sống vội sống vàng cho mấy, có ưa bàn chuyện tương lai năm mười năm sau, vẫn không thể không hoài niệm. Nên giả có một ngày quay lưng lại thấy sau lưng trống hoác, tịnh không chút kỷ niệm nào, thì người lại giật mình “bơ vơ như trẻ sơ sinh”

Đoạn trong ngoặc kép dĩ nhiên là của người khác, là ai tôi nói sau, cho nó hấp dẫn kiểu truyện Tàu hạ hồi phân giải.

-------

Có thể là như thế. Vài ngày nữa xem có viết được gì nối vào sẽ post tiếp, còn không thì thôi!

Hồi học đại học, tôi có trót tham gia một cái câu lạc bộ gọi là câu lạc bộ sáng tác cấp trường. Đại khái những ai có một bài thơ hay đoạn văn đăng trên cái báo tường của trường đều có thể tham gia câu lạc bộ này. Một hôm câu lạc bộ họp phiên toàn thể, có một bạn "bức xúc" thế này: Ở đây (tức ở trong trường) tù túng quá (tù túng thật, trường tôi ngày ấy giống cái nhà kho) không sáng tác được.  Đề nghị ban chủ nhiệm phải tổ chức đi dã ngoại để lấy cảm hứng sáng tác.  Tôi nghe đến đấy, đang ăn miếng bánh thì suýt sặc, bèn chuồn ra ngoài đi uống bia lên cơn với mấy thằng bạn thối đang ngồi nhậu ở cạnh bên cồng trường. Tôi đọc thơ cho chúng nó, uống bia, còn chúng nó đương nhiên nghe thơ và trả tiền.

Mấy ngày đi chơi vừa rồi, tôi ít vào mạng, ít đọc báo. Nhìn thoáng qua FB, thấy các bạn lao xao về hội nghị nhà văn trẻ đang diễn ra, tôi có liếc qua vài link, thấy có vài nhà văn trẻ đề xuất phải tổ chức trại sáng tác, rồi gì gì ấy. Dù đang không ăn gì, tôi vẫn suýt sặc, hệt như lần nghe bạn gì ngày xưa trong cái câu lạc bộ sáng tác còm cõi của trường phát biểu.  

Sao nhiều nhà sáng tác cứ thích nghĩ như thể nhỉ? Viết, cũng như masturbation, là thứ người ta chỉ có thể làm một mình. Một số nhà hay tuyên bố tôi cô đơn/độc khi sáng tạo tôi sáng tạo khi cô đơn/độc, nghe rất cliche, nhưng quả thực viết chưa bao giờ là hành vi hội hè đình đám. Người ta có thể gặp gỡ, trao đổi với nhau, có thể orgy, nhưng lúc viết thì phải ngồi một mình sau một cánh cửa đóng. 

Hic, có thể tôi to mồm, vì tôi chưa thực sự viết bao giờ, nhưng tôi tin như thế.  

Wednesday 7 September 2011

Bí quyết chinh phục một chàng trai

Tháng chín này, Pi tròn bốn tuổi. Chàng đã trở thành một thanh niên khôi ngô tuấn tú hay dỗi. Như bao thanh niên cùng tuổi khác, chàng  mê kiếm, siêu nhân và xe tăng, nhưng so với chúng bạn, chàng có đặc điểm nổi bật là sở hữu một mùi mồ hôi quyến rũ đặc biệt.  Nhảy nhót chừng năm phút, lưng áo chàng ướt mem đã đành, mà ngay cả những hôm mát trời, đánh một giấc dậy thì thân thể chàng vẫn có mùi ngai ngái.  Khỏi phải nói, chàng có bao nhiêu người theo đuổi, đâm ra chàng cũng hơi kiêu. Cách nào để chinh phục chàng?

Dĩ nhiên, con đường ngắn nhất và cổ điển nhất để chinh phục một chàng trai là đi qua bao tử. Ba chàng có lần trót tiết lộ với công luận chàng ưa sô cô la. Từ đó, chàng thường xuyên được phụ nữ tặng sô cô la, tủ lạnh lúc nào cũng sô cô la chất ngất. Nói phét một tí cho vui, chứ sự thật thì được vài phong, đủ để chàng nhâm nhi cả tháng. Nhưng cũng đủ thấy, sô cô la không còn là “đặc sản” với chàng nữa. Chàng ưa những món khác, độc đáo hơn, ưa đến nỗi chàng tự đặt cho những món ấy tên riêng với sự sáng tạo ngôn ngữ của chàng.

Do có chút quen biết với chàng (phục vụ chàng gần bốn năm còn gì), tôi tiết lộ những món ấy theo ngôn ngữ của chàng như sau:

1.      Cơm nướng:  Cơm chiên, cơm rang, cơm tay cầm, thậm chí cơm cháy, nhiều người biết, nhưng tôi e ít ai biết món cơm nướng là gì. Món này do ba chàng sáng tác ra trong một ngày mẹ chàng đi vắng. Món này được làm như sau: Hành tây một củ bóc vỏ băm nhỏ, trứng gà ba quả đập ra (nhớ bỏ vỏ trứng, chỉ lấy lòng đỏ và lòng trắng), cơm nguội ba bát, cùng nước mắm, bột nêm, nước tương, và dầu ăn. Dầu nóng chảo thì cho hành tây vào.  Khi nào hành tây thơm lừng thì cho cơm nguội trộn đều. Cơm nóng rồi thì cho trứng vào trộn, rồi nêm nếm gia vị vừa ăn là được. Đích thị, nó là món cơm chiên trứng, món duy nhất mà ba chàng có thể nấu hết sức khéo léo. Khéo đến nỗi chàng Pi ăn một muỗng đã khen: “Sao mà món cơm nướng này ngon quá vậy!”. Kể từ đó, món cơm chiên trứng có tên cơm nướng.

2.      Gà cầm: Vâng, gà cầm, chứ không phải gà hầm, gà chiên, hay gà quay. Chuẩn bị món này khá đơn giản:  Xe một chiếc, xăng một bình, tiền vài trăm. Đặt chàng lên xe, chở thẳng chàng đến quán Gà nướng Bảy Đực ở Bình Quới. Có người sẽ nói, ấy là gà nướng chứ gà cầm gì.  Đúng là gà nướng, nếu chỉ cho chàng ăn gà bằng muỗng hay nĩa. Nhưng nếu cho chàng cầm trên tay một đùi gà, tự bôi bẩn, tự trây trét, tự gặm cho đến khi cái đùi gà chỉ còn trơ một khúc xương sạch sẽ, thì ấy là món gà cầm.  Nói thêm, món này linh động, nếu ở nhà luộc gà xong cho chàng một khúc đùi gà cầm tay, thì gà ấy vẫn được gọi là gà cầm.

3.      Trứng tròn: Món này dễ làm. Điều tối cần thiết là phải để chàng nhìn thấy một cái trứng nguyên dạng, nghĩa là trứng luộc hay trứng kho, nhưng nhất thiết không phải trứng đập ra rồi chiên hay trộn, miễn sao chàng phải nhìn thấy cái đầu tròn tròn của quả trứng, thì đấy là món trứng tròn của chàng.

4.      Xoài đè sữa chua: Nếu như món cơm nướng do ba chàng sáng tác, món xoài đè sữa chua này là tác phẩm của mẹ chàng.  Cách làm như sau: Xoài chín cắt hạt lựu, sữa chua một hũ, trộn đều với nhau.  Sau khi trộn đều tất nhiên sữa chua và xoài nằm lẫn lộn, không cái nào đè cái nào. Tuy nhiên, một khi chàng đã ưa thích và đặt tên món ấy là xoài đè sữa chua, thì tốt hơn ta chớ cãi.

Giờ thì bạn có bí quyết chinh phục chàng trai bốn tuổi này rồi đấy!

Sunday 4 September 2011

Bolano trả lời phỏng vấn Playboy


Những ngày này, có hai người tôi đọc mỗi khi cần cho đầu óc thảnh thơi, cần giải lao khỏi bao nhiêu sự vụ mà tôi đang dính vào: người thứ nhất là Umberto Eco, và người thứ hai là Roberto Bolano.

Dưới đây là trích bài trả lời phỏng vấn tạp chí Playboy của Bolano. Trước đây tôi có dịch vài câu, hôm nay tôi dịch một ít; từ từ rồi sẽ dịch thêm ít nữa.

-------

PLAYBOY: Điều gì khiến ông nghĩ ông là một thi sĩ có tài hơn  tiểu thuyết gia?
BOLANO: Tôi căn cứ vào việc tôi đỏ mặt cỡ nào khi giở một tập thơ hay văn của tôi. Thơ làm tôi đỏ mặt ít hơn.
PLAYBOY: Ông là người Chi Lê, Tây Ban Nha, hay Mexico?
BOLANO: Tôi là người Mỹ La tinh.
PLAYBOY: Quê hương với ông có nghĩa là gì?
BOLANO: Tôi e rằng tôi phải đưa ra một câu trả lời ngớ ngẩn. Hai con tôi, Laurato và Alexandra, là quê hương duy nhất của tôi. Xếp thứ hai, có thể là vài khoảnh khắc, vài con đường, vài gương mặt, cảnh tượng hay cuốn sách sống bên trong tôi. Những thứ một ngày nào đó tôi sẽ quên thôi, nhưng chúng là phương cách cứu chữa tốt nhất cho quê hương.
PLAYBOY: Octavio Paz có còn là kẻ thù của ông không?
BOLANO: Hẳn nhiên không phải đối với tôi. Tôi không biết còn các nhà thơ viết như là phiên bản của ông ấy khi tôi sống ở Mexico, họ thì nghĩ sao.  Lâu lắm rồi tôi có biết gì về thơ ca của Mexico đâu. Tôi có đọc lại Jose Juan Tablada và Ramon Lopez Velarde, tôi thậm chí có thể đọc thuộc lòng Sor Juana, nếu cần, nhưng tôi chẳng biết các nhà thơ gần năm chục tuổi như tôi viết gì.
PLAYBOY: Ông có rơi nước mắt những lúc bị kẻ thù chỉ trích không?
BOLANO: Rơi tùm lum ấy chứ. Mỗi khi tôi đọc thấy ai đó nói xấu gì về tôi là tôi thút thít, tôi nằm vật ra sàn nhà, tôi tự cào cấu mình, tôi ngưng viết trong một quãng thời gian không xác định, tôi ăn mất ngon, tôi hút thuốc ít đi, tôi tập thể dục, tôi đi dạo dọc theo bờ biển, tình cờ là bờ biển chỉ cách chỗ tôi sống chưa tới ba mươi thước, và tôi hỏi những con mòng biển, mà tổ tiên của chúng ăn cái con cá đã ăn thịt Ulysses, tại sao lại là tôi, trong khi tôi có bao giờ làm điều gì sai trái với họ đâu cơ chứ.
PLAYBOY: Ông là một hầu bàn  giỏi, hay ông bán đồ trang sức rẻ tiền giỏi hơn?
BOLANO:  Công việc mà  tôi làm tốt nhất là làm người gác đêm ở một chỗ cắm trại gần Barcelona. Lúc tôi ở đó chả ai trộm cắp gì được sất. Tôi can được vài vụ đánh nhau mà lẽ ra có thể be bét lắm. Tôi ngăn cản thành công được một vụ hành hình kiểu lynch [hành hình bởi một đám đông không qua xét xử, thường bằng cách treo cổ hay ném đá] (dù sau đó tôi hẳn  sẽ vui sướng tự tay hành hình hay bóp cổ gã đó).
PLAYBOY: Đã bao giờ ông bị đói thê thảm, lạnh thấu xương, hay nóng nghẹt thở?
BOLANO: Để tôi dẫn Vittorio Gassman trong một cuốn phim: Nói không phải chứ gì cũng nếm rồi.
PLAYBOY: Ông có bao giờ ăn trộm sách để rồi sau đó phát hiện ra rằng ông không thích cuốn đó?
BOLANO: Không bao giờ.  Ăn trộm sách (trái ngược với ăn trộm két sắt) hay ho ở chỗ là ta có thể ngâm cứu kỹ lưỡng nội dung sách trước khi phạm tội.
PLAYBOY: Ông đã bao giờ đi bộ trong sa mạc chưa?
BOLANO: Có, và có lần còn khoác tay bà nội tôi. Bà cụ cứ đi mãi còn tôi thì lo không còn sống mà ra khỏi sa mạc.
PLAYBOY: Có bao giờ ông làm bỏng mình bằng thuốc lá?
BOLANO: Chưa bao giờ cố ý.
PLAYBOY: Có bao giờ ông khắc tên người thương yêu của ông lên gốc cây?
BOLANO: Tôi từng làm lắm thứ quái gở, nhưng hãy để chúng rơi vào lãng quên.
PLAYBOY: Ông có từng mê các cô gái hơn tuổi trong xóm không?
BOLANO: Dĩ nhiên.
PLAYBOY: Ông mắc nợ phụ nữ cái gì trong đời?
BOLANO: Nhiều thứ.  Tính thách thức và tham vọng vươn cao. Và những thứ khác mà tôi không đề cập vì lý do đoan chính.
PLAYBOY: Họ có nợ nần gì ông không?
BOLANO: Không  gì hết.
PLAYBOY: Ông có đau khổ vì tình?
BOLANO: Lần đầu thì đau khổ ghê lắm, sau đó tôi học cách chấp nhận mọi sự một cách hài hước hơn.
PLAYBOY: Còn thù ghét thì sao?
BOLANO: Nghe thì có vẻ hơi giả tạo, nhưng thật lòng tôi chẳng ghét bỏ ai. Ít nhất, tôi biết tôi không có khả năng duy trì sự thù ghét. Và nếu thù ghét mà không duy trì được, thì không phải là thù ghét, đúng không?
PLAYBOY: Ông tán vợ ông bằng cách nào?
BOLANO: Tôi nấu cơm cho cô ấy. Hồi đó tôi nghèo mạt nên chỉ ăn cơm suông, nên tôi học cách nấu cơm nhiều cách khác nhau.
(còn nữa)

Nguồn gốc gỗ mun

Gỗ mun có nguồn gốc từ đây:






Cuốn này vốn nằm trong Tủ sách Tin hoa Văn học của Nhà xuất bản Hội nhà văn. Thật, chứ Tủ sách Cánh cửa mở rộng của Ngô Bảo Châu và Phan Việt chẳng có cửa nào đọ lại Tủ sách Tin hoa này cả.  Vừa có tin lại vừa có hoa:








Còn đây là hai bản khác:













BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN