Kokoro có hai bản dịch ở Việt Nam, một là bản của Đỗ Khánh Hoan - Nguyễn Tường Minh dịch là Nỗi lòng và hai là bản của Đặng Lương Mô dịch là Lòng người. Tôi đọc bản của Đặng Lương Mô. Không phải do chọn lựa gì mà chỉ là vì không có bản kia. Đọc phần Lời người dịch của Đặng Lương Mô, thấy ông đề xuất cách dịch là Lòng người chứ không phải Nỗi lòng cũng khá thuyết phục.
Kokoro là một trong những cuốn đọc xong mà tôi không biết nói gì. Trên bề mặt, truyện có vẻ tẻ. Ở phần một, cậu thư sinh xưng tôi tình cờ làm quen với một người hơn tuổi mà cậu ta gọi là "thầy". Cậu thư sinh sẽ thường xuyên thăm viếng người gọi là thầy này, cũng có thể gọi là có chút thân thiết giữa hai người, nhưng người thầy vẫn giữ một khoảng cách và một chút bí ẩn nhất định. Điều đáng chú ý này là người thầy này không viết lách, không nghiên cứu, không giảng dạy và cũng không đi làm gì cả. Phần hai là chuyện cậu thư sinh tốt nghiệp đại học, về quê ở với cha mẹ, cha cậu khi đó đang ốm nặng. Phần ba là lá thư của người thầy gửi cho cậu thư sinh, kể lại chuyện của thầy khi trẻ, mối quan hệ bạn bè với một người bạn gọi là K - chính là người thầy đi thăm mộ hàng tháng. Lá thư này thực chất là di thư, vì khi cậu thư sinh nhận được thì người thầy đã tự sát rồi. Lá thư này vừa là lời thú tội, vừa phản ánh triết lý sống, vừa là sự dằn vặt của một con người không tha thứ cho chính mình. Tôi để ý thấy cả cậu thư sinh và ông thầy kia gần như không có bạn, cậu thư sinh chỉ có mối quan hệ với ông thầy, còn ông thầy kia dường như chỉ có một người bạn là K. Cả hai có vẻ đều cô độc.
Tôi không hiểu vì sao phần thứ hai lại cần thiết. Có thể bỏ hoàn toàn phần hai ra mà không ảnh hưởng tới cấu trúc của câu chuyện. Phần một và phần ba kết nối với nhau đủ thành một câu chuyện vừa đẹp, xoay quanh chủ đề lòng người, về việc lòng dạ con người ta có thể thay đổi như thế nào trước tiền bạc hoặc trước tình cảm trai gái.
Đọc nhiều văn học Nhật Bản rồi thì không còn bất ngờ nữa về việc người Nhật có thể dễ dàng tự sát như thế nào. Có vẻ đối với họ việc sống hay không sống không phải là vấn đề quan trọng. Danh dự là quan trọng, hẳn nhiên, nhưng ý nghĩa của đời sống cũng quan trọng, và do vậy khi họ thấy sống không có ý nghĩa thì đi tìm ý nghĩa trong cái chết. Có những thứ người phương Tây chẳng bao giờ hiểu được người Á Đông, mà giữa người Á Đông với nhau thì người Việt cũng khó mà hiểu được người Nhật. Tinh thần, cốt cách của họ hoàn toàn khác. Cho nên đọc truyện Nhật, xem phim Nhật ta sẽ thường thấy những thứ "weird".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét