Phải đến Ngựa thép,
Phan Hồn Nhiên mới gọi tác phẩm của mình là tiểu thuyết. Với những tác phẩm
trước đây như Công ty hay The Joker, Phan Hồn Nhiên chỉ gọi đó là
truyện dài (thật ra, tôi chưa đọc tác phẩm nào khác của Phan Hồn Nhiên). Tuy sự
phân chia thể loại không nhất thiết phải quá rạch ròi, nhưng qua việc này, có
thể nhận thấy Phan Hồn Nhiên đã rất cẩn trọng với việc dán nhãn tác phẩm của
mình. Phan Hồn Nhiên quan niệm rằng tiểu thuyết phải đi xa hơn việc kể một câu
chuyện. Chính vì lẽ đó, nếu đi tìm câu chuyện của Ngựa thép, người đọc
sẽ bối rối. Rõ ràng có nhiều hơn một câu chuyện, mà lại rất khó kết nối
các câu chuyện ấy với nhau.
Tác giả đã gọi tác phẩm
của mình là tiểu thuyết, và người đọc cũng có cảm giác mình được đọc một tiểu
thuyết đích thực, bởi lẽ Ngựa thép nắm
bắt được tính phức tạp và bất ngờ vốn tiềm tàng ở mỗi cá nhân con người, cũng
như trong quan hệ giữa họ với nhau, nhưng thường lại hay bị quy giản. Ngựa
thép đi vào những mối quan hệ không nhiều khi được đề cập trong văn chương
Việt Nam: tình cảm cảm thông và thẳng thắng giữa cha dượng và con riêng của vợ,
sự gắn bó và đố kỵ giữa hai anh em song sinh, sự thấu hiểu kỳ lạ giữa một cô
gái đánh mất trí nhớ sau tai nạn và một chuyên gia ngôn ngữ. Những nhân vật ấy
vừa lạ lẫm vừa quen thuộc. Lạ lẫm vì nếu so với cuộc đời mà ta biết, ta chưa
từng gặp những con người tương tự như vậy; còn quen thuộc vì, trong một góc sâu
kín nào đó, cách ứng xử cách suy nghĩ của những nhân vật ấy rất có thể là của
chính ta.
Trong Ngựa thép,
Phan Hồn Nhiên cũng thử nghiệm trò chơi cấu trúc. Tiểu thuyết gồm ba phần chỉ
kết nối với nhau bằng một số chi tiết nhỏ. Cấu trúc này gợi nhớ đến bộ ba phim Xanh,
Trắng, Đỏ của đạo diễn Ba Lan Krzysztof
Kieslowski, hoặc tiểu thuyết The
Blindfold của Siri Husdvet. Trong phần một, giọng kể lần lượt thay đổi từ
người cha dượng, sang người mẹ rồi đến cô bạn gái, qua đó Sơn - có thể gọi là
nhân vật chính của phần một - hiện lên từ các góc nhìn khác nhau. Phần ba lại
có tiểu thuyết lồng trong tiểu thuyết: chen giữa tiểu thuyết về cô gái mất trí
nhớ và chuyên gia ngôn ngữ, là cuốn tiểu thuyết mà cô gái được yêu cầu đọc để
phục hồi trí nhớ của mình. Ba phần của tiểu thuyết giống như ba bức tranh trong
cùng một bộ treo cạnh nhau, cùng trình diễn sự cô độc của con người trong thế
giới hiện đại.
Về mặt ngôn ngữ, Ngựa
thép có phần hơi Tây. Đôi chỗ cách dùng các đại từ khiến người đọc cả cảm
giác mình đang đọc một tiểu thuyết dịch. Bỏ qua những lấn cấn về ngôn ngữ
đó, cuốn sách vẫn có nhiều đoạn văn cảm động. Tổng thể, Ngựa thép là một
cuốn tiểu thuyết đẹp, đáng đọc.