Thursday, 13 March 2025

Hunchback - Saou Ichikawa

Hiếu gửi cho tôi cuốn Hunchback của Saou Ichikawa, kèm theo lời nhắn, cuốn này ngắn, nhưng đọc xong không thể quên được đâu anh. Tôi load cuốn sách vào Kindle, và trên chuyến bay từ Sài Gòn ra Hà Nội thì đọc xong, và có lẽ Hiếu đúng, nó khó quên thật.

Với Hunchback, có lẽ lần đầu tiên trong văn chương người khuyết tật được lên tiếng. Nhưng tiếng nói ấy dẫu rất trung thực, hay có lẽ vì quá trung thực nên không hề mơ mộng, lãng mạn kiểu như muốn được đi dạo dưới hàng cây hay được đi phơi mình trên bãi biển, mà nó u tối và khiến ta - những người may mắn lành lặn - giật mình và nhận ra ta chẳng hiểu gì về họ - những người khuyết tật bẩm sinh cả. 

Nhân vật chính trong Hunchback  một phụ nữ trung niên mắc chứng rối loạn cơ bẩm sinh, cuộc sống gắn liền với xe lăn và giường bệnh, không tự tắm rửa, không ra ngoài được, lại còn phải  thường xuyên dùng máy trợ thở để hút đàm trong phổi. Tuy nhiên, cô có một đời sống online phong phú và kỳ dị: cô học đại học từ xa qua iPad, cô viết truyện khiêu dâm, cô có tài khoản Twitter. Những thông điệp trên Twitter là những ước mơ của cô. Cô mơ gì? "Trong một thế giới khác, tôi sẽ làm điếm hạng sang." "Trong một thế giới khác, tôi sẽ phá thai." Người khuyết tật cũng mong muốn có một đời sống tình dục - một chủ đề mà đại đa số sẽ né tránh đã được khai thác trong cuốn tiểu thuyết mỏng này.

Đọc Hunchback, ta còn biết rằng những sở thích mang màu sắc cải lương của những người lành lặn như chúng ta ví dụ sưu tầm sách bản đặc biệt, hít hà mùi sách, thú vui khi đọc sách giấy thấy cuốn sách mỏng dần đi .v.v. lại là những thứ mà một người khuyết tật như nhân vật trong Hunchback ghét cay ghét đắng: cô không nhấc nổi một cuốn sách giấy, lật trang là một cực hình, và mùi giấy có thể gây ra những cơn ho tệ hại cho lá phổi quặt quẹo của cô.

Hunchback không phải là một tiểu thuyết mang lại cảm giác dễ chịu. Nó gây sốc, nó u tối, có chỗ nó khiến ta buồn nôn, nhưng đồng thời nó mới mẻ cả về đề tài lẫn cách viết. Hunchback đã lọt vào long-list của giải International Booker năm nay.


Tuesday, 11 March 2025

The Spies - Luis Fernando Verissimo

Luis Fernando Verissimo là một trong những nhà văn Brazil đương đại được đọc nhiều nhất. Tuy vậy, sách của ông chưa được dịch nhiều sang tiếng Anh.
Cuốn này, tóm được ở Fahasa Sài Gòn, không phải là một tiểu thuyết lớn, nhưng là một cuốn đọc rất dễ chịu. Nó ngắn, nhẹ nhõm, và dí dỏm. Phần đầu cuốn này đọc rất nhớ đến bác Trương Quý, người hay phàn nàn về nghề biên tập của mình. Đại khái bác biên tập viên nhân vật chính của cuốn này làm việc rất moody, nếu sáng thứ hai mà Cervantes hay Graham Greene có gửi bản thảo đến thì bác cũng cho vào sọt rác; tuy vậy, vào thứ sáu thì bác rất rộng lượng với các tác giả, vì chiều thứ sáu bác biết là bác sẽ được đi uống bia. Ắt là do đọc nhiều John le Carré, nên ngay khi nhận được một bản thảo bí ẩn của một thiếu phụ, bác đã hình dung ra ngay một câu chuyện ly kỳ và lần lượt phái các bạn mình đến một thị trấn nhỏ để điều tra về tác giả. Các bạn của bác, ngày thường chỉ chăm uống bia chém gió, đến khi làm điều tra viên thì chăm cưa gái hơn điều tra. Vì thế tất nhiên câu chuyện sẽ kết thúc một cách tẽn tò cho bác biên tập viên chúng ta. Sách mỏng, đọc rất buồn cười, vèo tối chủ nhật là đọc xong. Nếu dịch ra tiếng Việt chắc bán chạy.

Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào

1. Ngồi một mình ở bàn ăn buffet sáng, ý là đợi đồng nghiệp ngồi cùng, bỗng dưng thấy một bác lớn lớn tuổi đặt đĩa thức ăn trước mặt, không hỏi han gì. Một phút sau, con gái bác tới, kèm theo hai cháu gái độ ba bốn tuổi tới, kéo ghế ngồi chung luôn. Sau đó, tất nhiên là màn đút ăn, dọa ăn kinh điển.
2. Sân bay, rõ ràng mình chỉ đứng sau một đồng nghiệp một bước chân, nhoáng đã thấy mình đứng sau hai bà cháu. Thôi thì cũng chả đi đâu mà vội. Thế rồi đột nhiên hai bà cháu ấy check in cho những 11 người, cùng một đội quân hành lý kìn kìn xuất hiện, không rõ từ đâu ra. Và tất nhiên là một màn í ới gọi nhau cũng rất kinh điển.
3. Trong buổi sáng rất kinh điển này, tôi chợt nhớ lời Bác dạy: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Tôi yêu đồng bào tôi tha thiết.

Sự thật về Bébé Donge - Georges Simenon

Hóa ra Simenon không chỉ viết trinh thám.
Cuốn sách này, Sự thật về Bébé Donge, mở ra bằng một vụ đầu độc và kết thúc bằng một phiên tòa, chẳng giấu giếm gì, huỵch toẹt luôn là cô vợ đầu độc anh chồng sau đó ngồi tù. Không còn plot để play with, thì cuốn sách có gì? Có những flashback về đời sống vợ chồng của hai người, mà trong đó, có giao kèo là hãy luôn luôn nói với nhau sự thật. Nhưng sự thật là thứ không dễ chấp nhận. Đến một lúc nào đó, sự thật sẽ làm người ta nghẹt thở. Để thoát khỏi nó, hoặc người ta sẽ tự đầu độc mình, hoặc đầu độc đối phương. Bébé chọn cách thứ hai, trút luôn một liều thạch tín vào tách cà phê của chồng vào một sáng chủ nhật đẹp trời. Bài học rút ra: Sự thật có thể dẫn tới thạch tín, hoặc giả sự thật cũng có thể là một thứ thạch tín, vì thế đừng có mà lúc nào cũng đòi hỏi sự thật. Suy nghĩ của anh chồng về các vị luật sư, thẩm phán, công tố viên đua nhau tìm kiếm sự thật quả là minh triết: Các ông ấy sẽ làm gì với sự thật đây, nếu nhờ phép màu họ tìm ra.
Sách của nhà văn Bỉ Simenon, Lê Hồng Sâm dịch, Nhã Nam xuất bản 2018. Sách chống chỉ định với những ai ưa cà phê, ngoại tình, hoặc cả hai.

Sự đọc năm nay - 2018

Chiều trước khi nghỉ Noel, hơi quỡn, gõ nhăng cuội tí. Mọi năm hay làm list những sách ưa thích trong năm, nhưng cái sự làm list gần đây bị công kích dữ quá, nên gõ luôn thành bài cho nó hoành.

Hôm rồi tiệc nho nhỏ ở công ty, mọi người được yêu cầu phải “wow” bản thân. Đại để xét lại năm rồi, thấy mình khâm phục bản thân điểm nào nhất, thì chia sẻ với cả mọi người. Các đồng nghiệp phần nhiều chọn dự án này, công việc kia, thử thách nọ. Đến lượt tôi, tôi chọn chữ: thăng bằng.
Năm rồi, ở công ty, là một năm cực nhiều việc. Có quãng đến nửa năm gần như tôi phải gánh cả mọi việc vì thiếu người. Đã thế, còn rất nhiều dự án. Thêm vào đó, ơn Đảng, ơn chính phủ, luật nước nhà thay đổi như chong chóng, đâm ra luật sư đến là lắm việc. Tuy vậy, tôi tự hào vì giữ cho mình thăng bằng. Tôi chạy bộ chăm hơn, tuần ba, bốn lần, tầm chục cây cũng không phải là khó nữa. Tôi xem được hàng tấn phim, khai thác được hàng tấn nhạc mới, nhờ Spotify. Tôi đi qua đâu khoảng ba chục tỉnh ở Việt Nam, nhiều nơi chưa từng đặt chân trước đó như Đông Bắc, Tây Bắc, Cà Mau, Bạc Liêu và sắp tới là Pleiku, Phú Yên. Tôi thường nấu ăn cho Alpha và Pi vào cuối tuần, nhiều món được coi là trademark. Và tất nhiên, tôi vẫn duy trì việc đọc.
Theo Goodreads, tôi đọc được 44 đầu sách, số thực tế chắc phải đến bảy chục quyển vì có đầu sách gồm nhiều cuốn, chưa kể rất nhiều cuốn chỉ đọc vài chương. Tôi muốn nhắc tới vài cuốn tôi thích hơn cả.
Đầu bảng là Miền thơ ấu của Vũ Thư Hiên. Không hiểu sao ngày xưa nhà tôi không có cuốn này để đọc. Nhưng không sao, cuốn này đọc khi là người lớn hay hơn khi là trẻ con. Cuốn sách quả thật đưa tôi về một miền thơ ấu ở đồng bằng Bắc Bộ, với một thứ văn chương đẹp đẽ, giản dị và bây giờ hiếm thấy. Tôi vừa đặt mua thêm mấy cuốn để tặng bạn bè.
Thứ hai, là bộ Thế cục Quỷ Cốc tử do bạn My Hoàn tặng. Đây là một bộ tiểu thuyết 8 cuốn, mà chưa kết thúc, viết về giai đoạn Chiến quốc, xoay quanh bốn nhân vật Bàng Quyên, Tôn Tẫn, Tô Tần, Trương Nghi. So sánh gần nhất với bộ này có thể là Tam quốc diễn nghĩa. Tất nhiên, Tam quốc đã là cổ điển rồi, nhưng biết đâu Thế cục Quỷ Cốc tử sẽ là tân cổ điển.
Tôi muốn nhắc đến ba cuốn tiểu thuyết tương đối mỏng nữa là Ru của Kim Thúy – nhà văn Canada gốc Việt, Phố Academy của Mary Costello – một nhà văn Ái Nhĩ Lan, và Tâm cảnh của Andre Maurois. Tôi đọc Ru qua bản tiếng Anh. Đây gần như là một tự truyện về một cô bé vượt biên sau 75, lớn lên ở Canada rồi trở về làm việc ở Việt Nam. Phố Academy là thân phận một phụ nữ Ireland nhập cư vào Mỹ. Cả hai cuốn Ru Phố Academy giống nhau ở chỗ mỏng, buồn, và đẹp. Tâm cảnh thì cổ hơn, là một cuốn tiểu thuyết rất tuyệt về tình yêu.
Năm nào tôi cũng dành thời gian đọc lại một vài cuốn. Năm nay, có ba cuốn tôi đọc lại và vẫn thấy hay, hoặc hay hơn là Người tình của Duras, Bẫy 22 của Joseph Heller và Đời nhẹ khôn kham của Kundera.
Về non-fiction, tôi đọc một loạt hồi ký của Trần Độ, Trần Quang Cơ, Đoàn Duy Thành, Trần Đĩnh. Những cuốn này đọc đa phần để lấy tư liệu. Không cuốn nào được in ấn chính thức, nên việc biên tập tất nhiên còn nhiều vấn đề. Nói chung đọc hồi ký luôn cần cross-check. Cuốn sách tham khảo thú vị hơn cả mà tôi đọc trong năm là Gia Định xưa và nay của Huỳnh Minh, in trước 75, trong tủ sách của ba tôi.
Sau một thời gian gần như không đọc thơ, thì năm nay tôi đọc lại được thơ và đọc rất nhiều, tất nhiên thơ không được track trên Goodreads. Tôi “khám phá” ra Đinh Hùng, Nguyễn Bắc Sơn. Trước đây tôi có đọc họ chút ít, nhưng chưa thành hệ thống như bây giờ. Nhưng thú hơn nữa, là tái khám phá ra thơ cổ điển. Tôi say sưa đọc lại Đường thi, Chinh phụ, Cung oán, Hoa Tiên, mà đặc biệt là Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi. Đọc lại mới thấy, Nguyễn Trãi viết thơ từ thế kỷ mười lăm, mà tư duy thơ cực kỳ hiện đại đến bàng hoàng.

Một thời Hà Nội hát

Trong đêm ra mắt cuốn Một thời Hà Nội hát ở Cà phê Thứ bảy, một trong các diễn giả có nhắc đến chuyện một ca sĩ từng hát bài Vĩnh biệt của Đoàn Chuẩn, có câu “Ai đốt Cô Tô thành! Vì đôi mắt giai nhân hề” khong biết từ "hề" có ý nghĩa gì. Không biết từ “hề” không lạ, nhưng tôi nghĩ khó hát cho hay được. Hát bài ấy, mà không biết tích Cô Tô, không biết chuyện Phù Sai, Tây Thi ... thì thật khó hát. Nói rộng ra, tôi thấy bây giờ số ca sĩ hiểu bài hát mà mình hát không nhiều, rất ít khi tôi có thể xúc động khi nghe một bài hát nào đó. Phần lớn, chỉ hát kiểu trả bài, hoặc phát ra âm. Trong đêm nhạc Đoàn Chuẩn hôm thứ bảy vừa rồi, cả hai ca sĩ chính đều hát không tệ, nhưng tôi ấn tượng nhất khi Đoàn Đính, con trai Đoàn Chuẩn vừa đàn Hạ Uy Cầm vừa hát Chuyển Bến. Ông hát rất thấm thía, mặc dù không phải ca sĩ chuyên nghiệp. Nghe câu ông hát “gặp nữa không bằng lảng tránh nhau” tôi thấy gai mình.
Đêm sách nhạc vừa rồi, tôi thích. Mọi người nói rất vừa vặn. Thật ra, vừa vặn bây giờ cũng là thứ khó kiếm. Dễ kiếm hơn là những thứ vống lên, quá lên, diễn.
Vừa vặn cũng là cảm giác khi đọc cuốn sách của Trương Quý. Cuốn sách khiến tôi đọc hết trong một ngày và sau đó lẩn thẩn mở nhạc Đoàn Chuẩn nghe lại. Tôi hình dung về một Hà Nội tạm chiếm, một Hà Nội sau tiếp quản vẫn còn vang nhũng khúc ca diễm lệ, về một chàng công tử Hà thành dân chơi có hạng và có nghề. Sách viết công phu, kỹ, đôi chỗ còn duyên nữa.
À, tôi cũng thích mấy tờ nhạc đi kèm sách.

Thói quen xa xỉ

Những ngày này, tôi đang đọc Lâu đài sói của Hilary Mantel qua bản dịch của Nguyễn Chí Hoan. Lâu đài sói là cuốn sách đoạt giải Man Booker năm 2009 về cuộc đời của Thomas Cromwell. Đó là cuốn tiểu thuyết lịch sử về một giai đoạn trong lịch sử Anh thế kỷ 16. Sách dày hơn 600 trang khổ to, chi chít chữ, về những sự kiện xa lạ, về những nhân vật phần lớn là xa lạ.
Tuy là người vẫn giữ thói quen đọc tiểu thuyết, tôi đọc cuốn sách một cách khó nhọc. Có quá nhiều cám dỗ ngoài sách: Netflix, Facebook, bia, .v.v.; kể cả, nếu chỉ tính về sách, thì cũng còn nhiều cám dỗ khác: vì sao đọc cuốn này mà không đọc cuốn nọ, cuốn kia, những cuốn có thể móng hơn, mới hơn, dễ đọc hơn, cuốn hút hơn...., trong khi đã gần hai tuần, mà tôi mới xong đâu đó hơn hai trăm trang? Lắm lúc, tôi cũng tự hỏi, đọc để làm gì? Hoặc cụ thể hơn, đọc tiểu thuyết để làm gì? Và, vì sao lại đọc cuốn này?
Càng hỏi, tôi càng không có câu trả lời. Tôi chỉ biết là tôi cần tập trung để đọc xong cuốn sách. Tập trung, là việc khó, và đó chính xác là điều tôi cần làm. Bởi, thật quá dễ dàng để xem một tập sitcom trên Netflix, cũng khá dễ khi bốc một cuốn như Sapiens hay Humandkind lên, đọc một chương và tâm đắc với vài ý chính. Tiểu thuyết, một cuốn như Lâu đài sói, không làm tôi cười ha ha, cũng không có ý chính dễ dàng nắm bắt. Nó chậm chạp, lờ đờ, nó nhẩn nha với từng chi tiết, các nhân vật nói với nhau những lời vẻ như thừa thãi, cũng không có những câu có thể tô vàng hay giật lên làm status trên Facebook. Nó thử thách sự kiên nhẫn. Trong thời đại mà hầu như mọi thứ có thể "get done" trên đầu ngón tay, thì đọc tiểu thuyết nói chung, và Lâu đài sói - cuốn tiểu thuyết tôi đang đọc nói riêng, có vẻ như một thói quen xa xỉ. Rất nhiều người không thể, hoặc không còn có thể, đảm bảo được sự xa xỉ này cho bản thân.

Nhà điên - Machado de Assis

Nhà điên là một cuốn đỉnh cao. Lâu rồi mới đọc đươc một cuốn xuất sắc tầm này. Ý tưởng cực kỳ original, đọc cực kỳ sảng khoái.
Tập này gồm ba truyện: truyện đầu là đối thoại giữa một ông bố và người con trai nhân sinh nhật 21 tuổi, trong đó ông bố khuyên con tập dượt nghệ thuật trở thành ông lớn. Để thành ông lớn thì đừng suy nghĩ những gì người khác chưa nghĩ, hãy nói những lời sáo rỗng, tập tỏ ra thận trọng và đừng bao giờ châm biếm, thay vào đó hãy kể những mẩu chuyện tiếu lâm tục tĩu. Quả là một châm biếm rất sâu cay. Khi đọc không nhất thiết phải liên tưởng tới các ông lớn mà bạn biết.
Truyện thứ hai là về một bác sĩ tâm thần lập ra một nhà thương điên và đưa hầu hết công dân thành phố vào trong đó. Vài cuộc cách mạng nổ ra, nhưng nhà thương điên lúc nào cũng được chính quyền mới ủng hộ, vì lúc nào cũng cần có người trong nhà thương điên.
Truyện thứ ba, về quỷ Satan lập ra một giáo hội mới, tuyên truyền những phẩm chất xấu xa chẳng hạn lừa dối, bán đứng lương tâm. GIáo hội của Satan rất thành công, nhưng sau một thời gian, Satan kinh ngạc nhận thấy tín đồ của mình lén lút làm việc tốt. Chỉ có Đức Chúa trời mới giải thích được con người tại sao như thế.
Machado de Assis là nhà văn rất lớn của Brazil, lần đầu được dịch ra tiếng Việt.

The Real Life of Alejandro Mayta - Vargas Llosa

Mới đọc xong cuốn này tối qua. Lâu rồi mới đọc xong một cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Anh. Dẫu đã từng dịch dăm ba cuốn sách, thì đọc bằng tiếng Việt, nhất là tiểu thuyết, vẫn nhanh hơn tiếng Anh nhiều. Do vậy, tôi chỉ đọc tiểu thuyết bằng tiếng Anh khi không có bản tiếng Việt, hoặc bản tiếng Việt quá kém.
Cuốn tiểu thuyết này viết về một "nhà cách mạng" Peru. Chữ "nhà" có lẽ hơi to, nên cho vào ngoặc kép. Anh ta làm cách mạng trong khoảng những năm sáu mươi của Peru, với rất nhiều nhiệt tình, ngây thơ và nông nổi. Anh ta còn là người đồng tính, và bị chính các đồng chí của mình đấu tố, khai trừ ra khỏi đảng. Cái đảng ấy có bảy đảng viên cả thảy. Tất nhiên cuộc cách mạng của anh ta không đi tới đâu. Anh ta đi tù, lần đầu vì làm cách mạng không thành, những lần sau cũng vì cách mạng không thành, nhưng lại bị nhìn nhầm là trộm cướp. Cuối cùng, ra tù, anh ta bán cà rem.
Câu chuyện diễn ra ở xứ Peru xa xôi, lạ hoắc. Trong quá trình đọc, tôi tra Google mấy lần để xem Peru bây giờ ra sao, giàu hay nghèo, độc tài hay dân chủ, có những thắng cảnh nào. Nghệ thuật kể chuyện của Vargas Llosa hơi khó nắm bắt, nhưng khi quen phong cách của ông, thì phải nhận là trình ông cao. Tôi thích cuốn sách. Tuy nhiên, chỉ độ vài tháng nữa thôi, là tôi sẽ quên sạch những gì đã đọc, có lẽ chỉ nhớ mang máng mình từng đọc cuốn này rồi và mình đã có những giây phút hào hứng.

Dì Hulia và nhà văn quèn - Vargas Llosa

Cuốn sách này được dịch và in ở Việt Nam năm 1986, 9 năm sau bản gốc, nghĩa là khá sớm. Nhưng không hiểu sao nó không có được danh tiếng như Trăm năm cô đơn. Có lẽ vì không như tác giả Trăm năm cô đơn, cái mác nhà văn Nobel đến với Vargas Llosa khá muộn.
Cuốn sách gồm hai mưoi chương. Những chương số lẻ là chuyện tình giữa cậu sinh viên luật 18 tuổi ôm mộng trở thành nhà văn và người dì họ 32 tuổi, đã một đời chồng. Ở những chương số chẵn, thoạt đầu ta đọc được những truyện ngắn ly kỳ có kết thúc lửng lơ. Sau rồi ta sẽ biết những truyện ngắn ấy là tác phẩm của một nhà văn quèn, chuyên viết kịch truyền thanh. Dần về sau, nhân vật của các truyện ngắn lẫn lộn vào nhau, thay thế hoàn cảnh nghề nghiệp của nhau, thậm chí tên của nhân vật này bị gán cho nhân vật kia, ấy là khi nhà văn quèn bắt đầu bị tâm thần và nhầm nhọt các nhân vật trong các vở kịch truyền thanh của mình với nhau.
Vargas Llosa kể chuyện lôi cuốn và hài hước. Chẳng hạn trong một chương khi cậu sinh viên đang thất vọng vì tình, thì cậu được nhà văn khuyên hãy uống thuốc nhuận tràng, bởi lẽ “trong đa số trường hợp cái gọi là nỗi buồn trong tâm can chỉ là hậu quả của việc khó tiêu hoá món đồ quá khô, món cá thiu hoặc chứng táo bón. Một liều thuốc nhuận tràng mạnh mẽ thanh toán được những nỗi rồ dại của tình yêu.” Quả nhiên là một lý do rất tốt để trữ sẵn Antibio Pro bên người.
Sách dịch vòng qua bản tiếng Nga, so với bản tiếng Anh dịch từ tiếng Tây Ban Nha thấy sai sót không đáng kể. Tiếng Việt rất nhuần nhuyễn. Cuốn này quả là một kiệt tác bị bỏ quên (ở Việt Nam). Những năm gần đây, Vargas Llosa được dịch thêm hai cuốn nữa nhưng hình như ít người đọc.

Ly ca - Đỗ Doãn Phương

- Chiếc ô tô đâm anh?
- Không, là anh truyền nỗi buồn han gỉ cho nó
- Lưỡi dao đâm anh?
- Không, là anh ứa máu độc lên nó
Anh cần một cái gì mạnh nữa
Để hất anh ra khỏi đời em.
—-
Đây là bài Ly ca 1, bài đầu tiên trong tập Ly ca của Đỗ Doãn Phương. Ấn tượng với mấy dòng trên khiến tôi mua tập thơ. Nhưng hóa đây là trường hợp vì một cái lúm đồng tiền mà cưới nguyên một người đàn bà. Những bài còn lại trong tập chất lượng không tương xứng. Rườm rà, lắm lời, đàn ông thất tình gì mà lải nhải mấy chục bài, còn quá Vũ Thành An. Dù sao, đây vẫn là một ấn phẩm xinh xắn, tiện cho các đôi làm quà chia tay nhau.

Một ví dụ xoàng - Nguyễn Bình Phương

Cùng với Thuận, có lẽ Nguyễn Bình Phương là tiểu thuyết gia Việt Nam chuyên nghiệp nhất hiện giờ. Chuyên nghiệp không có nghĩa là sống bằng nghề, vì không biết nhà văn có sống bằng nghề không, mà ở mức độ ra sách rất đều đặn (Nguyễn Nhật Ánh là một trường hợp khác, dòng khác), và ở độ cẩn trọng với câu chữ. Tất nhiên, có cuốn trồi cuốn sụt, nhưng tất cả đều chỉn chu. Một ví dụ xoàng, may quá, theo tôi là cuốn trồi, trong đó Nguyễn Bình Phương rất cao tay trong nghệ thuật kể chuyện, đặc biệt cách chuyển góc nhìn, sử dụng nhiều góc nhìn để làm rõ lên một nhân vật, một câu chuyện. Kỹ thuật này giờ không còn quá mới mẻ nhưng sử dụng cho thật nhuần nhuyễn lại là một chuyện khác. Trong cuốn này, NBP giảm thiểu các chi tiết kỳ ảo, ma quái vốn là thương hiệu của NBP, giọng văn tiết chế, tỉnh, lạnh, lạnh không khác gì nhân vật cắt vợ thành ba khúc ở cuối truyện rồi cho vào bao tải chở đi vứt bằng xe máy, hay như cô bác sĩ vừa nạo thai vừa trò chuyện bằng cái giọng đều đều. Tôi chỉ hơi lợn cợn vì không hiểu sao tôi đọc cuốn này, thấy rõ tác giả rất tài, và thấy quá rõ, e rằng không phải là điều tốt lắm. Tôi cũng đang đọc song song Nắng Thổ Tang của Đinh Phương, một cuốn sách nhiều hứa hẹn mà cũng lắm chênh vênh, nhưng Đinh Phương có chút say, còn NBP thì quá tỉnh. Thôi, tôi đi làm vài ly bia đây

Sự biến chuyển của tiếng Việt trong thời đại Covid - thực tiễn và lý luận

Đại dịch vừa rồi (nói "vừa rồi" cứ như là qua rồi, thật ra chưa qua, nhưng cứ nói vậy đi cho nó lạc quan) gợi ra nhiều điều suy ngẫm về luật pháp, quản trị, xã hội (nghe nghiêm trọng quá, nguy hiểm nhỉ), và cả về ngôn ngữ. Sự biến chuyển của ngôn ngữ trong thời kỳ này có thể tạo cảm hứng cho một luận văn tầm tiến sĩ. Có những từ mới toe ra đời, "thu dung" chẳng hạn, đã ai nghe từ này trước kia? Có những từ cũ nhưng mang nội hàm mới, ví dụ, "ông ngoại" - một từ xuất sắc, ông ngoại, nhưng không phải là ông ngoại, mà thật ra là ông cố nội, nhưng cũng không phải ông cố nội, mà hơn cả ông cố nội; nội hàm mới nhưng vấn đề không mới, rất không mới, từ Nguyễn Du đã viết rồi: "Tính bài lót đó luồn đây/ Phải kêu ông ngoại việc này mới xuôi." Có những từ dịch từ tiếng Tây ra, mới đầu nghe rất chướng, càng nghe càng thấy chướng, ví dụ "cách ly xã hội", vì chướng quá nên sau biến đổi thành "giãn cách xã hội", nghe có vẻ xuôi tai hơn, có tiềm năng đi vào văn chương, âm nhạc "những ngày giãn cách anh nhớ em, nhớ ôi là nhớ đến vô cùng." Có từ phản ảnh xuất sắc tư duy chính trị, xã hội đương thời chẳng hạn "cách ly tập trung", vừa cách ly vừa tập trung, chính là thoát thai từ "tập trung dân chủ", nửa nạc nửa mỡ chẳng khác gì "kinh tế thị trường theo định hướng xếp hàng cả ngày". Có từ nôm na nhưng là cha mách qué, như "dập dịch", ôi cái từ gì vừa ám ảnh, luyến láy, vừa nằng nặng đầy hình ảnh gợi tình sexy hết đỗi. Càng nghĩ, tôi càng tâm tư đề tài này. Càng nghĩ, tôi càng mắc làm tiến sĩ. Anh chị em có gợi ý nào thêm vào, tôi xin hứa sẽ hoàn thành luận văn của tôi: "Sự biến chuyển của tiếng Việt trong thời đại Covid - thực tiễn và lý luận."

Nắng Thổ Tang - Đinh Phương

Đinh Phương có tài làm người đọc bối rối. Cuốn tiểu thuyết trước, Nhuỵ khúc, là một vùng mịt mờ sương khói. Còn cuốn này, Nắng Thổ Tang, đọc hết sách rồi không rõ là nắng gì hay ở đâu. Tra cứu một hồi thì hình như có một vùng đất tên là Thổ Tang, nghe đâu hiện đất đang lên giá, có một thời gian địa danh Thổ Tang được đổi thành Thái Học. Cũng có nguồn tin chưa kiểm chứng nhưng đáng tin cho rằng Thổ Tang là quê của Nguyễn Thái Học, cái chết của ông được nhắc tới nhiều lần trong cuốn tiểu thuyết này.
Cuốn tiểu thuyết khởi đi đầy hứa hẹn khi nói về cái đẹp của việc giết người. Chừng đó là đủ để đọc tiếp. Những chương sau, không phải lúc nào cũng cùng phong độ, nhưng luôn níu chân được người đọc. Đây sẽ là một trong ít ỏi tiểu thuyết Việt đáng đọc của năm.
Đinh Phương có vẻ ám ảnh với cột mốc 54, cột mốc chia cắt, chia lìa, chia ly lớn trong lịch sử Việt Nam. Nếu nhớ không lầm, trong tập truyện ngắn Đợi đến lượt trước đây cũng có truyện về đề tài này, mặc dù tập đó thì thất bại.
Nắng Thổ Tang được quảng bá là cuốn sách tham vọng của Đinh Phương, một tác giả sinh năm 89. Tôi cũng nghĩ thế. Tuy cho rằng không phải lúc nào tác giả cũng quán xuyến được tham vọng của mình, tôi không thất vọng với cuốn sách. 3.5/5 làm tròn thành 4.

Hồi ức thiếu nữ - Annie Ernaux

Bước vào một quán bar, hay một bữa tiệc, gọi một cốc đồ uống, không nói chuyện với ai, chỉ lặng lẽ ngồi một góc và quan sát mọi người, chú mục vào một người, rồi bóc trần người ấy ra bằng mắt, cho đến khi người ấy không còn một mảnh vải trên người. Đó chính là cách viết của Annie Ernaux trong cuốn này, Hồi ức thiếu nữ. Chỉ có điều, người bị quan sát, bóc trần chính là bản thân tác giả, ở một thời điểm, một quãng thời gian trong quá khứ. Annie Ernaux bóc trần chính mình không khoan nhượng, đến nỗi có cảm giác tác giả và cô Annie trong quá khứ không quen biết gì nhau, mặc dù sự thật đương nhiên không phải như thế, và rõ ràng là Annie Ernaux có lợi dụng sự quen biết, tình thân với cô Annie 18 tuổi để bóc tách cô ấy ra, hết lớp này đến lớp kia, cho đến khi cô gái 18 tuổi trong quá khứ ấy trắng hếu như một củ hành tây. Lối viết tự truyện ấy rõ ràng là chủ quan nhưng lại cực kỳ khách quan, cực kỳ tỉnh táo, vì quãng lùi thời gian quá dài rồi, nhưng chẳng phải ai cũng khách quan như thế khi kể về chính mình. Cách viết của Annie Ernaux, qua chính lời của bà, là “đào xới tận đáy khoảng sâu giữa một thực tại tàn nhẫn của chuyện đã xảy ra”. Đào xới như thế để làm gì? Để “khai quật những điều, thậm chí chỉ một điều, không thể giải quyết bằng tất tật các kiểu giải thích…, một điều không phải là kết quả của một ý nghĩ định sẵn, cũng không phải của một minh chứng, mà của một chuyện kể, một điều gì đó hiện ra từ những sâu kín được phơi bày trong câu chuyện và có thể giúp thấu hiểu - chịu đựng - chuyện đã xảy ra và việc ta đã làm.” Trung thực, tột cùng trung thực với chính bản thân mình là một việc rất khó, và Annie Ernaux đã làm được việc rất khó đó trong cuốn sách này, và dường như trong các cuốn khác nữa. Với bản thân tôi,đọc Annie Ernaux sau tầm chục cuốn văn học Việt Nam, có cảm giác rất rõ như được tắm mình trong một cơn gió lạ, rất sảng khoái.

Tiếng vọng đèo Khau Chỉa

Cách đây ít lâu, tôi có đọc được cuốn Chuyện lính Tây Nam của Trung Sỹ. Đó cũng là một cuốn hay. So với Chuyện lính Tây Nam, thì Tiếng vọng đèo Khau Chỉa viết không nghề bằng. Tuy nhiên, tác giả Nguyễn Thái Long, một y sĩ trong chiến tranh biên giới phía Bắc, chưa bao giờ có ý định làm văn. Ông chỉ ghi chép lại những mẩu chuyện của mình và đồng đội từ những ngày phá núi làm đường, cho đến cuộc chiến ngắn ngủi mà khốc liệt tháng 2/1979, rồi trận Vị Xuyên 1985 và những cuộc gặp gỡ giữa các cựu chiến binh bốn mươi năm sau, chủ yếu để những câu chuyện ấy không bị lãng quên đi.
Cuốn sách vì thế thật thà và cảm động. Và buồn. Buồn từ chuyện chiếc kỷ niệm chương 40 năm cuộc chiến có dòng chữ “Chiến thắng Biên giới” không bao giờ được phát ra. Buồn vì cái chết của những người lính không chết vì đạn thù mà chết vì mìn của ta khi chiến tranh đã kết thúc. Buồn vì hình ảnh người lính về hưu với hai tạ gạo và hai con ngựa, bươn chải mưu sinh rồi phải từ bỏ nơi chôn rau cắt rốn vào Nam đi kinh tế mới. Buồn vì chuyện những người lính đói khát, cận kề cái chết nhưng không từ bỏ trận địa, nhưng phải chào thua cái thủ tục xin huân chương chiến công.
“Lịch sử phải được tôn trọng, nhìn nhận đúng như sự thật vốn có.” Đó là mong muốn giản dị của tác giả. Éo le thay, như mọi thứ trên đời, cứ không phải giản dị là dễ.

Vũ Thư Hiên

Tôi đọc Vũ Thư Hiên lần đầu khi ngoài hai mươi. Dĩ nhiên là Đêm giữa ban ngày, hàng quốc cấm, tới giờ vẫn vậy. Hồi chưa Kindle, đọc trên máy tính quá mỏi mắt, nên in ra rồi cầm tệp A4 đọc. Điều buồn cười là chi tiết tôi nhớ nhất trong Đêm giữa ban ngày không phải là chuyện đời tư lãnh tụ, mà chuyện Vũ Thư Hiên cạo râu. Số là ở trong tù, có những ngày đặc biệt ông được cho tắm nước nóng, được cạo râu. Ông sẽ nhúng lưỡi lam vào nước nóng để cạo râu cho đỡ đau. Chi tiết vặt vãnh như thế mà tôi nhớ mãi, nhất là mỗi lần cạo râu, dù bây giờ bọt cạo râu thừa mứa, nhưng công nhận cho dao cạo vào dưới vòi nước nóng giãy cạo bay hơn thật.
Mãi sau này, tôi mới được đọc Miền thơ ấu, một cuốn sách với thứ tiếng Việt quá ư đẹp đẽ. Tôi đã mua thêm khá nhiều bản cuốn sách ấy tặng bạn bè.
Hiện, tôi đang đọc tập Tuỳ bút Chân dung của ông, viết về bạn bè, người quen, có người nổi tiếng, người không. Nhiều chuyện thú vị đã đành, nhưng thích nhất vẫn là thứ tiếng Việt nền nã, đằm thắm. Tôi thấy tiếng Việt của lứa mình đã kém các cụ nhiều, mà e rằng tiếng Việt lứa con cháu còn kém hơn nhiều nữa. Hai cô cậu ở nhà, tuy đọc sách khá nhiều hơn chúng bạn, nhưng chưa bao giờ tôi hài lòng về cách hành văn.
Đọc Vũ Thư Hiên, tôi nhớ Bùi Ngọc Tấn. Ấy đều là những người hiếm hoi mà tôi yêu quý, chỉ qua văn.

Monday, 10 March 2025

Cuối tuần kể chuyện Thần thoại Hy Lạp

Ta biết rằng Hera là vợ của Zeus, ông chủ đầy quyền lực của đỉnh Olympus. Ta cũng biết rằng, như mọi ông chồng chân chính khác, Zeus rất sợ vợ, bởi lẽ, Hera, như mọi bà vợ chân chính khác, thật là đáng sợ. Tuy nhiên, trước khi là một bà vợ đáng sợ, thì Hera đã bị Zeus lừa. (Tất nhiên về sau vẫn còn bị lừa!)

Nguyên ủy, khi Zeus hỏi Hera làm vợ, nàng từ chối. Thần Zeus ma mãnh bèn tạo ra một cơn giông đầy sấm sét, thứ mà thần có thừa. Trong cơn giông đó, Zeus hoá thành một con chim cu. Giả vờ hoảng loạn, chim bay vào vòng tay của Hera kiếm tìm sự che chở. Hera mủi lòng thương con chim bé nhỏ ướt sũng nên ôm nó vào lòng sưởi ấm cho nó, nhưng bất thình lình nàng thấy mình đang ôm thần Zeus hùng mạnh trong tay thay vì con chim cu. Chuyện gì xảy ra sau đó thì ai cũng biết, Hera trở thành vợ của Zeus.
Bài học rút ra: (i) Dành cho phụ nữ: nên cảnh giác trước những con chim, kể cả khi nó ướt sũng; (ii) Dành cho đàn ông: phụ nữ dầu sao vẫn rất dễ mủi lòng trước những con chim.

Chết trong ngày Chúa nhật - Nguyễn Nguyên Phước

 Tôi đọc xong Chết trong ngày Chúa nhật 5 ngày sau khi nhận sách. Đây là lần đọc thứ hai. Lần đọc trước cách đây 9 năm, khi ấy tôi đọc mới chừng một nửa, gần 200.000 chữ miên man mà đọc trên máy tính và điện thoại thì thách thức với mắt lắm.

Cuốn tiểu thuyết này là một niềm kinh dị. Nó táo bạo nó thách thức nó đánh đố nó phi lý nó mù mịt nó nhập nhằng nó trùng trùng điệp điệp nó miên man nó cuồn cuộn nó dữ dội nó báng bổ nó hài hước nó điên rồ nó thông tuệ nó trần trụi nó gợi tình nó bạo lực nó đẹp đẽ nó chẳng kiêng dè nó vật vã nó đau đớn nó đắng cay nó phá phách nó hoàn chỉnh đáng ngạc nhiên nó chưa từng có một cái gì giống nó trong văn chương Việt trước đây và cũng chưa chắc có cái gì gần giống nó trong văn chương thế giới và bởi vì thế nó là một tiếc nuối lớn lao.
Nhưng cũng như Nam Cao nói về nghề viết, cứ không phải thấy người ta ăn khoai thì mình vác mai đi đào, cuốn sách này có thể hoàn toàn không dành cho bạn.

Đường tới ổ nhền nhện - Italo Calvino

Mấy năm rồi mới đọc lại Calvino. Cuốn này, Đường tới ổ nhền nhện, là cuốn đầu tay của ông, nhưng bản chúng ta đọc đây là bản ông sửa chữa lại nhiều gần 20 năm sau bản in đầu. Tôi đọc miệt mài cuốn sách trên chuyến bay đi Chiang Mai và từ Chiang Mai trở về, nhờ ơn VietJet bay vòng vòng trên trời nên đọc xong luôn. Cuốn sách kể về một cậu nhóc người Ý trong chiến tranh thế giới thứ hai và phong trào kháng chiến của người Ý qua góc nhìn của cậu. Pin, tên cậu nhóc, không chia sẻ chút nào với những cậu nhóc trong Tuổi thơ dữ dội hay Đất rừng phương Nam. Gần với Pin nhất có lẽ là ... Vi Tiểu Bảo, ở chỗ Pin chửi bậy như hát hay, chuyên kể chuyện đùa tục tĩu, bởi lẽ người thân duy nhất của Pin, chị cậu, hành nghề giống mẹ Vi Tiểu Bảo. Bí mật, và cũng là thế giới mộng mơ của Pin, là ở một bãi đất ven sông, nơi lũ nhện làm tổ. Đó cũng là nơi Pin giấu khẩu súng cậu chôm từ một thủy thủ người Đức khi gã này đang bận rộn với chị cậu, vụ trộm khởi đầu cho cuộc phiêu lưu của Pin.
Calvino viết thật nhẹ nhõm, hài hước một cách tự nhiên. Cái sự nhẹ này Calvino về sau sẽ đẩy lên trong Nam tước trên câyHiệp sĩ không hiện hữu và lý thuyết hoá trong tập Sáu bài giảng cho thiên niên kỷ. Tuy chưa phải là kiệt tác, nhưng đọc cuốn này thấy sướng gì đâu.

Nghệ thuật của việc không đọc

Nghệ thuật của việc không đọc là một nghệ thuật rất quan trọng. Nó cốt ở việc không quan tâm đến bất cứ điều gì có thể thu hút sự chú ý của công chúng nói chung ở bất cứ thời điểm cụ thể nào. Khi một cuốn sách chính trị hay tôn giáo, hay tiểu thuyết, hay một bài thơ đang làm mưa làm gió, anh nên nhớ rằng kẻ nào viết cho những kẻ ngu ngốc thì luôn tìm được một lượng lớn công chúng cho mình. Điều kiện tiên quyết để đọc những cuốn sách hay là không đọc những cuốn sách dở: bởi cuộc đời thì ngắn. —Arthur Schopenhauer

Chúng ta không thuộc về nhau

Chỉ có đọc lại mới đáng kể, hình như Marai Sandor là người nói câu này. Vào thời nhà nhà cắm mặt vào điện thoại, còn Netflix, HBO, Prime Video thay nhau vẫy chào, đọc còn khó chứ ở đó mà đọc lại. Tuy nhiên, để đánh giá chính xác một cuốn sách, cũng như muốn lấy được chút gì từ một cuốn sách, thì đúng là không có cách nào khác ngoài đọc lại.

Điều này đặc biệt đúng với những cuốn sách đọc một thời đã xa, thời mười ba, mười bốn mê chuyện phiêu lưu, hay thời mười sáu, mười bảy đầy mộng tưởng. Tôi từng xúc động bao nhiêu vì một truyện dã sử võ hiệp (vầng!), trong đó nhân vật chính một thanh niên quý tộc xông pha chiến trường nhưng không được ghi nhận công lao vì dòng họ của nhà mình mang tiếng phản bội; nhiều năm sau này có dịp đọc lại tôi thấy viết chán gì đâu, đúng là truyện viết phơi dơ tông đăng nhựt trình hồi xưa cho vui. Năm nhất đại học Thiên sứ của chị Hoài gây ra một cú chấn động không nhỏ với tôi; cách đây dăm ba năm đọc lại, tôi thở dài công nhận thời gian khắc nghiệt. Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu từng làm tôi mê say theo dõi chuyện các anh bộ đội, giờ đọc chỉ thấy buồn cười, gì mà các anh yêu chó trang trước trang sau đã ngả chó ra liên hoan. Danh sách còn dài, trong đó có nhiều cuốn lần đọc thứ hai nghiêm trang chấn chỉnh ấn tượng lần đọc đầu quá độ đến nỗi một lần phát biểu thẳng thắng về cuốn sách ấy khiến tác giả và tôi trở thành chúng ta không thuộc về nhau.
Sau nhiều não nề và đắng cay, tôi nhận ra rằng, để giữ nguyên ấn tượng đẹp về những cuốn sách đã đọc thời thơ trẻ, thì thôi, ta đừng tìm lại nhau. Cũng như chớ nên tìm lại crush thời hoa niên, ta đâu có tinh thần sẵn sàng gặp lại một quý bà/ông toàn phần đề đạm?

Happens to the Heart

Ba cha con lên đường lúc 5 rưỡi sáng. Hai cô cậu còn ngái ngủ, ông bô để một list nhạc cổ điển rồi khoan thai đánh xe. Ba mươi cây số đầu, có không khoan thai cũng không được. Cao tốc Long Thành, có lẽ là cao tốc bận rộn nhất nước, xứng đáng có ít nhất 10 làn xe bao gồm làn khẩn cấp. Phải nói cho rõ chứ bây giờ định nghĩa cao tốc nó cũng ngả nghiêng, cao tốc không có làn khẩn cấp không những kém cả quốc lộ mà còn nguy hiểm hơn (nói cứ như quốc lộ ta chưa đủ nguy hiểm vậy).

Bỏ qua chuyện đường sá vốn chẳng có nhiều chuyện để nói nhất là khi cung đường Sài Gòn Đơn Dương quá quen thuộc mà cũng chẳng nhiều thứ để ngắm nhìn, trầm trồ, ông bô thả hồn vào những giai điệu du dương, dìu dặt. Tất nhiên là ông bô nói xạo. Nói thật là ông bô chăm chú nhìn đít xe trước, còn nhạc nó nó vào tai nào thì vô. Nhạc cổ điển được cái nghe trăm nghìn lần vừa quen vừa lạ, quen ở chỗ nghe thì biết đã nghe nhiều rồi, nhưng lạ vì không nhớ bản nào ra bản nào. Khi lái xe, nhạc không lời là lựa chọn tối ưu vì không làm tài xế phân tâm, nhưng tất nhiên ông bô không thường xuyên lựa chọn phương án tối ưu, như rất nhiều khi khác có quyền lựa chọn.
Được gần nửa đường, công chúa tỉnh giấc. Thật kỳ diệu vì thông thường vào những ngày nghỉ hoặc khi đi xe, công chúa chỉ dậy khi mặt trời đã lên quãng độ hai chục cây sào. Nghe Bách hay Bít gì đó nỉ non vài bản, công chúa đề nghị nghe nhạc do công chúa chọn. Là một ông bố có xu hướng chiều con gái trừ những khi không chiều, ông bô giao điện thoại công chúa. Tức khắc, từ Bách hay Bít, nhạc đã chuyển sang tlinh. Có thể cá rằng hơn nửa số người đọc tút này không biết tlinh là ai, nhưng ông bô thì biết, thậm chí có thể nhận ra bản hit "Gái độc thân". Công chúa đã có lần tuyên bố trong nhà này ba nghe nhạc gần gu con nhất. Thật ra ông bô có thể nghe nhạc từ đông sang tây, từ cổ chí kim, từ bolero Phần Lan sang indie Thụy Điển, từ Phạm Duy sang Ngọt, từ Trịnh sang Kiên nên biết tlinh hay G-Dragon cũng không phải gì lạ thường.
Nhưng được 3 bản tlinh, thì anh Pi tỏ ra thiếu kiên nhẫn. Anh cướp quyền điều khiển Spotify và chèn nhạc của anh vào. Một đoạn intro khá lạ vang lên, rồi dần rõ ra là bản rock của một ban nhạc thập niên sáu mươi, bảy mươi gì đó. Ông bô ngập ngừng đoán, The Rolling Stones hả con? Dạ không, The Who ba. Wow, ông bô tuy có nghe tên The Who nhưng chưa bao giờ thật sự nghe ban này, thế mà ông cu con, vốn chỉ hứng thú với những ban nhạc và ca sĩ cách đây ít nhất nửa thế kỷ, đã mò ra.
Bản kế theo anh Pi chọn là một bản của ca sĩ có chất giọng siêu trầm, Happens to the Heart, của Leonard Cohen. Từ hàng ghế sau, giọng công chúa chói lói, Pi, Pi nghe cái gì vậy Pi, ông này chết rồi phải không? Quả thế. Công chúa càu nhàu, gu nhạc cũng nói lên tính cách con người.
Và từ đó, nhạc trên xe là cuộc chiến đấu giữa một bên là tlinh, Big Bang và một bên là Queen, Cohen, The Beatles cho tới khi ông bô đưa ra quyết định dung hòa: mở list nhạc indie Việt gồm Ngọt, Cá Hồi Hoang, Chillies ... thì không khí trên xe mới yên ổn hơn, bớt những tiếng càu nhàu gầm gừ và những âm thanh chói lói.

Wednesday, 5 March 2025

Tôi sống thường trực bằng hình ảnh

Trong các giọng thơ trẻ hiện giờ, Huy Bảo là giọng thơ mang lại cho tôi nhiều ngạc nhiên và thích thú nhất. Tất nhiên tôi không đọc hết các bạn khác, mà có bỏ lỡ vài giọng cũng không sao. Có duyên thì sẽ gặp. Bảo đã in một tập thơ, đã đăng đây đó trên vài tờ báo, tạp chí, nhưng chắc chưa nhiều người đọc thơ Bảo. Tôi cũng không biết còn nhiều người đọc thơ không. Nhưng nếu ai còn đọc thơ, thì nên vào trang On the road trên Facebook để đọc thơ Huy Bảo.

Thơ Bảo luôn giàu hình ảnh và tràn ngập những liên tưởng kỳ lạ, không hiểu Bảo lấy đâu ra những hình ảnh và liên tưởng đó. Có thể nhận ra một vài hình ảnh đến từ văn học, các bức tranh, ví dụ khi Bảo nhắc tới Thợ Mũ ngày mai hắn mơ được làm Thợ Mũ /em đẽo cho hắn một đồng xu mới toanh thì ta có thể nhận ra Thợ Mũ trong Alice ở xứ sở diệu kỳ; hoặc khi Bảo viết Ai cũng có thể rời đi bằng cửa sổ / sau khi đã để lại thư tuyệt mệnh và minh họa bằng bức tranh Leaving by the Window của Bryan Charnley, ta biết bức tranh hẳn đã tạo cảm hứng cho bài thơ của Bảo.

Tuy nhiên, phần lớn hình ảnh trong thơ Bảo tươi mới, nhiều bất ngờ, và không rõ Bảo lấy những hình ảnh đó từ đâu ra. Tuần nào cũng thấy Bảo post một bài thơ mới mà có thể nói là mỗi lần đến chàng nhà thơ của chúng ta cũng mang theo những điều mới lạ. Chất thi sĩ của Bảo thật đáng ghen tị.


Một con trăn
tưởng dây ống bơm nước
là đồng loại
ước gì biết được
chiều nay
ai đã bị cắt lưỡi

thứ ba hái mặt trăng
thứ tư tuyệt thực
nhưng em không tin
cái quan tài bằng gỗ chà là
sẽ gặp tai nạn
trên đường đến thế giới bên kia sao

(Buổi chiều không đến)

Trong bài này, từ chỗ một con trăn/ tưởng dây ống bơm nước/ là đồng loại thì bình thường (mặc dù người bình thường hiếm ai tự dưng nghĩ tới trăn!), nhưng từ đó chuyển sang ba câu thơ kế hoàn toàn bất ngờ. Vì sao đang nói tới con trăn lại sang ước gì biết được/chiều nay/ ai đã bị cắt lưỡi. Bất ngờ, nhưng không khiên cưỡng, tác giả quán xuyến được mạch thơ bằng cái nhịp nội tại của mình; có một mạch ngầm nào đó trong tác giả đã dẫn thơ đi như vậy. Ấy chính là phẩm chất của thi sĩ. Tương tự, ở khổ kế tiếp, thứ ba hái mặt trăng (bất khả nhưng không bất ngờ), thứ tư tuyệt thực (không bất khả, cũng chưa bất ngờ, mặc dù người đọc thắc mắc, vì sao lại tuyệt thực, vì thứ ba hái mặt trăng ăn no nê rồi chăng?), thì chuyện em không tin/ cái quan tài bằng gỗ chà là/ sẽ gặp tai nạn/ trên đường đến thế giới bên kia sao lại hoàn toàn bất ngờ.

Đây là một bài khác của Bảo mà tôi thích. Thật ra tôi thích nhiều bài của Bảo, trừ những bài tỏ ra triết lý hoặc khi Bảo làm thơ có vần - những bài ấy thì dở tệ.

- Dự báo thời tiết -

Dự báo nói hôm nay trời rất đẹp
để ra bãi cỏ
nhắm mắt
một cơn ác mộng
sau buổi chiều ấy anh đã học
mỗi ngày một kiểu gấp áo khoác khác
mỗi ngày một kiểu viết thư tay
mỗi ngày một kiểu châm thuốc lá
đến nhà thờ bằng lối đi bí mật
và thì thầm không gì vào cái giếng
hôm qua họ rào công viên lại
vậy anh còn biết phải đi đâu giữa lộn xộn tháng mười
yêu một bài thơ khác một con đường
một người đàn bà không mang khuôn mặt
một cơn mưa lạ một tên du đãng
một gã tử tù bị hành quyết trong đêm
một bưu kiện trước nhà một lời ca dở tệ
một gánh hát rong một bảng tên đường
dự báo nói hôm nay trời đẹp
để bung dù khi nhảy khỏi ban công
để nói hẹn gặp lại trước sân ga
trong men rượu
giữa ngã tư
hay bắt đầu cuộc bạo loạn dài ngày nơi trí óc
Cha xứ sắp nói một điều ai cũng biết
rằng Chúa sẽ yêu tất thảy các con
hôm qua anh là cái chong chóng ở quảng trường
ngày mai anh là ngọn đèn là bê tông là dây cáp
là khói từ đoàn tàu là dấu chân kẻ trộm
là bọt dưới đáy ly là vết sẹo tình cờ
ngày mai anh nhảy như chưa bao giờ nhảy
rơi khỏi thành phố này như chưa bao giờ rơi
hôm qua họ rào công viên lại
vậy anh còn biết đi đâu giữa lộn xộn tháng mười
khi em đã về đến nhà và thay một đôi giày khác
sau buổi chiều buồn trên bãi cỏ của chúng ta.

Khổ đầu tiên tuyệt đẹp chẳng khác một cú nhảy xan-tô gần hoàn hảo, tức một cú xan-tô sém gãy cổ, nhưng không gãy cổ, một cú nhảy vẫn thành công, nhưng là một cú nhảy chênh vênh giữa điểm 10 và điểm liệt; chính vì thế mà nó đẹp. Tất nhiên, sau những trời đẹp, bãi cỏ, nhắm mắt, thì mơ một cơn ác mộng là một bất ngờ, nhưng bất ngờ hợp lý, bởi mơ bất cứ thứ gì khác đều có thể rơi ngay vào địa hạt của sáo hoặc sến.

Hoặc hai đoạn này:

một người đàn bà không mang khuôn mặt
một cơn mưa lạ một tên du đãng
một gã tử tù bị hành quyết trong đêm
một bưu kiện trước nhà một lời ca dở tệ
một gánh hát rong một bảng tên đường

ngày mai anh là ngọn đèn là bê tông là dây cáp
là khói từ đoàn tàu là dấu chân kẻ trộm
là bọt dưới đáy ly là vết sẹo tình cờ

Hãy chú ý cách Bảo liệt kê các sự vật liền kề nhau nhưng rất ít mối liên hệ với nhau. Vì sao cơn mưa lạ lại cạnh tên du đãng? Vì sao khói từ đoàn tàu kế bên dấu chân kẻ trộm? Và trên hết, vì sao anh lại là những thứ ấy? Bảo không tìm cách hợp lý hóa các câu thơ của mình. Bảo rất nhà thơ ở chỗ không duy lý. Tuy vậy, mọi thứ đặt trong tổng thể vẫn rất mực hài hòa.

Tôi sống thường trực bằng hình ảnh là một câu thơ của Thanh Tâm Tuyền. Khác với nhiều cây bút trẻ khác, gần như không thấy dấu vết của Thanh Tâm Tuyền, Trần Dần hay các nhà thơ tiền bối cây đa cây đề khác trong thơ Bảo. Tuy vậy, rõ ràng Bảo cũng là một người sống thường trực bằng hình ảnh.

Bài viết ngắn này chẳng phải để phân tích hay phê bình thơ Huy Bảo. Rảnh thì tôi viết một chút để nói rằng tôi tìm đã tìm được thêm một nhà thơ yêu thích của mình. Quan trọng là nhà thơ còn rất trẻ và vẫn đều đều viết thơ mới gần như hằng tuần.

chuyện của mùa hè thường là
khi đóng cửa lại và nhìn lên trời
họ mãi mãi tự hỏi
tại sao lũ mèo không sống ở đó
để quên đi anh
em nói thiên đường còn xa hơn như thế nữa
anh nói
sống như một sợi dây giày là quá đỗi gian nan

(Bí mật của mấy tờ lịch)

Nhìn lên trời và thắc mắc vì sao mèo không sống trên đó thì chỉ có thể là nhà thơ hoặc kẻ điên. Hoặc cả hai.


Monday, 3 March 2025

Cuối tuần

 + Miền Nam năm nay đợt mát kéo dài, sau Tết mấy tuần vẫn có những buổi sáng chỉ hai mốt, hai hai độ. Nhưng dài mấy rồi thì cũng phải hết, cuộc vui nào cũng tàn, đầu tháng ba đã chính thức chuyển sang mùa nóng. Cái nóng khiến việc tập luyện cuối tuần mất sức hơn. Những tháng mát, sau 6 tiếng chạy núi Dinh và 2 tiếng lái xe về Sài Gòn, tôi vẫn có thể tỉnh táo xem phim, đọc sách, nhưng thứ bảy vừa rồi, về tới nhà tôi chỉ kịp leo lên giường, bật máy lạnh ngủ tới 7 giờ tối. Chưa hẳn đã tỉnh ngủ nhưng nghe tiếng hai bạn nhỏ léo nhéo bên ngoài bàn nhau đặt đồ ăn qua Grab, tôi và roommate mới bò dậy, kéo hai bạn nhỏ ra quán làm vài ly bia craft. Trời nóng chỉ có bia lạnh mới làm tỉnh người. 

+ Sáng chủ nhật, tôi phóng xe tới Nam Thi House dự buổi trò chuyện của anh Cao Đăng về tiểu thuyết Thám tử hoang dã của Roberto Bolano. Anh Cao Đăng vẫn giữ được sự đam mê đáng kinh ngạc với văn chương, sách vở. Bạn MC yêu cầu những người tham dự bằng một từ mô tả mình nghĩ gì hoặc mong đợi gì khi tới dự buổi trò chuyện này. Trong đầu tôi bật ra từ "tỉnh táo". Thật ra từ này có thể hoàn toàn không liên quan gì tới buổi trò chuyện. Chẳng qua trên đường đi, tôi nghĩ rằng thế giới quá insane, người ta mất quá nhiều thời gian vào những tranh cãi không đâu, để giữ cho mình sane/tỉnh táo, cần phải tránh xa những đám đông điên loạn. Làm điều mình thích: đọc sách, xem phim, uống bia, tham gia những buổi trò chuyện khép kín nho nhỏ về những đề tài mình quan tâm chẳng hạn buổi trò chuyện này. Số người tham gia không quá hai mươi. Hầu hết các bạn đều đặt câu hỏi hoặc chia sẻ ý kiến. Có những bạn thật trẻ, chỉ ngoài đôi mươi, nhưng kiến thức thật vững vàng. Nhìn thấy sự đam mê, ham hiểu biết của các bạn, thật vui. 

+ Chiều chủ nhật, đi xem lại Interstellar trên màn ảnh Imax. Lần xem này tôi mới thực sự xem và hiểu bộ phim. Lần xem trước, cách hơn chục năm, trên tivi của một resort, tôi vừa xem vừa ngủ nên chẳng hiểu và chẳng nhớ gì. Chủ đề chính của bộ phim là tình cha con đấy chứ, cứu trái đất, lỗ sâu, không gian bốn năm, chiều .v.v. chỉ là chuyện phụ, tôi nghĩ vậy.

+ Cuối tuần này chẳng kịp đọc xong một cuốn sách nào, chỉ thêm được vài trang của The Possibility of an Island và vài trang đầu của We Do Not Part, cuốn mới nhất được dịch sang tiếng Anh của Han Kang vừa nhận được. Sách muốn đọc nhiều quá, chẳng biết đọc khi nào. 


Friday, 28 February 2025

The Possibility of an Island, reading notes

Dạo này tôi đọc sách chậm kinh khủng. Tôi đọc nhiều cuốn cùng một lúc, nhưng không hoàn thành được cuốn nào. Trong số những cuốn đang đọc, có The Possibility of an Island của Michel Houellebecq, dĩ nhiên tôi đọc bản dịch tiếng Anh. Đây là cuốn mà tôi thấy mình có triển vọng hoàn thành nhất. Tôi ghi và chép một số thứ trong khi đọc cuốn này ở đây.

+ "There are times when I unlock the fence to rescue a rabbit, or a stray dog; but never to bring help to a human." - Đoạn này là tự sự của Daniel 24, tức Daniel phiên bản thứ 24.

+ "Pierce's first law identifies personality with memory. Nothing exists, in the personality, outside what is memorizable (be this memory cognitive, procedural, or emotional); it is thanks to memory, for example, that the sense of identity does not dissolve during sleep." - Đây là quy luật đầu tiên trong 3 quy luật của Pierce - chưa rõ là ai, có vẻ là một nhà khoa học.

+ Có lẽ thứ tôi thích trong tác phẩm của MH là sự frankness của ông, thẳng tuột, đập vào mặt. Mối quan hệ của nhân vật Daniel 1 với Isabelle trong cuốn này cũng được tả là incredible frankness. 

+ Một cú châm chích châu Âu: "The existence of pets is relatively recent in Spain. A country with traditionally Catholic, macho, and violent culture, until only a little while ago, treated animals with indifference, and occasionally with a dark cruelty. But standardization was doing its work, on this level as on others, and Spain was approaching European, and especially English, norms.  Homosexuality was more and more widespread and accepted; vegetarian food was becoming increasingly available, as were New Age baubles; and pets...were gradually replacing children in the family." - Tự nhiên tôi nghĩ VN cũng đang thay đổi theo hướng này.

+ Tự sư của Daniel 1: "I stopped and considered the ocean and the stars.... The music of the spheres, the starry sky; the moral law in my heart." - À ha, Kant đây rồi: Bầu trời đầy sao trên đầu tôi và quy luật đạo đức trong tôi.

+



NBP, PTVA

+  Đôi khi có những câu thơ cứ vang lên trong trí mà không rõ nguyên nhân vì sao. Có thể đây là hệ quả của việc từng đọc quá nhiều thơ, ngộ độc thơ, ha ha. Mấy hôm nay câu này vang vang trong đầu: “Theo ca dao thì họ phải quay về/ Nhưng như thế thì trời không kịp sáng.” Theo trí nhớ suy tàn của tôi có lẽ đây là một câu của Nguyễn Bình Phương, Google hoặc hỏi ChatGPT có thể ra, nhưng không cần thiết. Dường như câu này được ghi làm đề từ của tiểu thuyết Người đi vắng. Người đi vắng là một trong hai cuốn hay nhất của Nguyễn Bình Phương (cuốn kia là Xe lên xe xuống tức Mình và họ). Người đi vắng cũng là một trong những tiểu thuyết hay nhất của văn học Việt Nam sau 75. Thật ra trước 75 thì cả hai miền cũng chả có mấy tiểu thuyết hay. Thơ có, truyện ngắn có, tản văn tùy bút có, nhưng tiểu thuyết hay quả là của hiếm, suốt cả chiều dài văn học Việt Nam. Chính ra xét cả lịch sử văn học VN, NBP có lẽ là tiểu thuyết gia chuyên nghiệp vào bậc nhất. Tất nhiên chuyên nghiệp theo nghĩa chuyên chú với tiểu thuyết chứ không phải sống bằng tiểu thuyết. Mấy cuốn gần đây của NBP hơi nhạt nhòa, dẫu vậy, đây vẫn là tác giả tôi chờ đợi và không bỏ qua cuốn nào.

Khi người ta trẻ, ý là khi tôi còn trẻ, tôi thấy bạn bè mình ai cũng đọc truyện ngắn Phan Thị Vàng Anh. Vàng Anh là tác giả ngôi sao đối với giới trẻ đầu những năm 90. Bọn sinh viên chúng tôi hồi ấy thấy mình đâu đó trong những truyện của chị, mê cái không khí lành lạnh, kiểu nói năng của các nhân vật trong truyện chị, thậm chí có những kẻ còn quy ước khi viết thiệp không viết những lời chúc bởi “chúng chẳng bao giờ trở thành sự thật” như quan niệm một nhân vật của chị. Rồi chị lảng đi đâu đó, đám độc giả của chị ra trường đi làm, chẳng mấy khi sờ tới sách vở. Rồi một ngày tự nhiên thấy Phan Thị Vàng Anh xuất hiện với tư cách nhà thơ. Thơ chị cũng không giống thơ ai, mà đám độc giả ngày xưa sau những vấp ngã đầu đời lại một lần nữa thấy chị như viết cho mình, những là “Quờ tay tìm viên thuốc/ Ba năm rồi không sợ đụng nhầm tay ai” và “Chúng ta là bánh mì và chả lụa/ bán riêng và ăn chung”, và nhất là “giờ nằm yên và ngửa cổ/ cho đầu thõng xuống cạnh giường/ đề phòng nước mắt có chảy/ chầm chậm ngược dòng mà tuôn.” Rồi chị cũng chẳng làm thơ nữa. Nhưng cũng như NBP, chị là tác giả tôi không bỏ qua cuốn nào. Nhắc mới nhớ, cần phải mua cuốn mới nhất của chị: Chuyện nhà Tí.

Thursday, 27 February 2025

Điều gì làm ta mỉm cười?

 + Cách đây vài hôm, một bạn làm thơ quen tôi qua FB gửi tặng tôi tập thơ của bạn. Lời đề tặng: Quý mến tặng nhà thơ, dịch giả xxx. Chắc triệu năm rồi mới có người gọi tôi là nhà thơ. Danh xưng này chỉ có lũ bạn đại học của tôi, đám đã từng bị tra tấn bởi thơ tôi, mới dùng mà thôi. Người bạn trẻ này, chắc đã lục lọi gì đó trên internet. Tất nhiên nhiều năm rồi tôi không làm thơ, không làm thơ được nữa, và cũng chưa bao giờ nhận là nhà thơ. Tôi vẫn đứng bên lề quan sát các giọng thơ mới, có một vài giọng thơ rất đáng theo dõi. Sẽ quay lại chủ đề nay một hôm khác. Chủ đề hôm nay là mỉm cười.

+ Tôi có tham gia vài book club quốc tế trên mạng, chủ yếu để theo dõi tin tức. Người tham gia các book club này ở khắp nơi trên thế giới, đa phần lớn tuổi, nhiều người đã về hưu. Rất khác với các book club Việt Nam, nơi đa phần người tham gia rất trẻ, thường ở độ tuổi sinh viên học sinh. Hôm nay, thấy một bạn post nguyên collection của J.M Coetzee, nói đây là tác giả yêu thích nhất của bạn trong số các tác giả đoạt giải Booker. Tôi nhảy vào nói, ơ, tao cũng có collection tương tự, chắc chỉ thiếu một, hai cuốn. Vài phút sau, bạn trả lời, hỏi tôi có phải là người Việt Nam không, bạn đã từng đến Việt Nam hai lần, và từng làm việc với ca sĩ Thanh Lam! Comment qua lại một hồi, hóa ra bạn là người Đan Mạch, đang sống ở Mỹ, từng là người quản lý của Niels Lan Doky  - người từng cộng tác với Thanh Lam trong một vài dự án. Bạn còn chỉ cho tôi nghe Một thoáng Tây Hồ, ha ha. Kết cục là trên đường đi làm, tôi mở album Asian Sessions của Niels Lan Doky ra nghe. Trong album này, Một thoáng Tây Hồ là track thứ hai. Tôi hẹn bạn khi nào tới Việt Nam lần nữa thì có thể gặp và đàm đạo về Coetzee và Thanh Lam.

+ Những chuyện nho nhỏ như vậy làm tôi mỉm cười. Cũng có vài chuyện khác làm tôi mỉm cười nhiều hơn nữa, nhưng chỉ có thể giữ trong lòng hoặc chia sẻ với đôi người bạn thiết.


Tuesday, 25 February 2025

Trở về... hoặc không

 Tôi đã bỏ hoang blog này hơn 8 năm trời. Trong 8 năm đó, tôi vẫn giữ blog này như một chốn để ghé nhà của các bạn không chơi FB, hoặc có chơi FB nhưng không dẫn link blog mình lên đó chẳng hạn như blog của ông Teq bạn tôi. Rồi một hôm rảnh rỗi, tôi chép các note hay status dài dài từ FB sang và lẩn thẩn xem lại các entry cũ. Bẵng đi một hai tháng, quay lại blog, thấy các entry rất cũ trồi lên nhiều, tuồng như là có ai đó đang lục lọi blog này. Rất nhiều ký ức ùa về. Nơi đây, đã từng có rất nhiều trao đổi thân tình và dí dỏm. Đã có nhiều mối quan hệ sơ trở thành thân và ngược lại. Ngày xưa, blog lắm người lui tới. Giờ đây trở lại, độc thoại cũng hay hay. 

Thử lại tính năng up ảnh. Chả tìm được ảnh gì trong máy tính ngoài cái ảnh này mà bên bán ghế gửi tôi xem mẫu hồi năm ngoái. Đây ắt là món đồ đắc ý nhất mà tôi sắm được vào năm ngoái. Nhờ cái ghế này mà 6 tháng liên tục tôi không vào Netflix, một kỷ lục cá nhân, và ngốn được chừng 30-40 cuốn sách gì đó. Cái ghế này rất dễ chịu, tôi thường nằm đây đọc sách, vài trang lăn ra ngủ, sách rơi trên ngực, một lúc thức dậy đọc tiếp, rồi lại ngủ. Vợ con quen rồi, tôi ngủ cứ mặc tôi ngủ, chẳng ai nói năng gì. Có hôm, tôi đọc sách rồi lăn ra ngủ ở đây, đèn đọc sách trên đầu, đèn phòng khách nhà bếp đều sáng trưng. Nửa đêm tôi tỉnh dậy, tắt đèn rồi bò vào phòng ngủ ngủ tiếp. 



Monday, 10 February 2025

Wide Sargasso Sea - Jean Rhys

Đọc Wide Sargasso Sea của Jean Rhys xong, tôi phải lần mò đi tra xem Sargasso là cái biển nào. Hóa ra đây là cái biển độc đáo nhất thế giới: nó không bờ, không tiếp giáp bất kỳ một vùng đất nào. Biển Sargasso nằm giữa Bắc Đại Tây Dương và bao quanh nó là các dòng hải lưu. Đây là một vùng biển lặng, không có gió nên cũng không có sóng. Thời chưa có máy hơi nước, tàu thuyền lọt vào vùng biển này khó thoát ra được vì không có gió căng buồm nên tàu đứng yên. Ở biển này có rất nhiều một loại tảo tên là tảo sargassum hay còn gọi là tảo đuôi ngựa. Chính loài tảo màu nâu này là dấu hiệu để phân biệt biển Sargasso với các phần khác của Bắc Đại Tây Dương. Biển Sargasso cũng gắn với những câu chuyện bí ẩn về những thủy thủ đoàn biến mất không dấu vết.

Tuy vậy, câu chuyện trong tiểu thuyết Wide Sargasso Sea của Jean Rhys hoàn toàn không liên quan gì tới biển.  Theo Wiki, Gemini, Chat GPT và đồng bọn, biển Sargasso là ẩn dụ cho một số thứ,  bao gồm mắc kẹt giữa hai nền văn hóa mà không thuộc về bên nào (tảo biển = mắc kẹt) – nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết không thuộc về Jamaica cũng không thuộc về Anh (dân da đen thì gọi cô là white cockroach, dân da trắng thì gọi là white nigger), ấy là chưa kể cái biển rộng kinh khiếp chính là khoảng cách mênh mông giữa hai nền văn hóa luôn; cuộc đời của nhân vật chính, Antoinette, cũng bồng bềnh trôi dạt như đám tảo đuôi ngựa; biển Sargasso nhiều bất ổn, đầy bí ẩn là biểu tượng cho việc Antoinette hóa điên, cũng như sự mập mờ về sự thật và căn tính. Tại sao Jean Rhys đặt tên cho cuốn sách bằng biển Sargasso mà không phải biển nào khác, nết xét rằng có nhiều cái biển khác cũng rộng và hung hiểm không kém? Ấy là vì, nhân vật chính của chúng ta, nàng Antoinette, người da trắng, sinh ra và lớn lên ở Jamaica, sau khi lấy chồng và hóa điên thì bị nhốt trên tầng áp mái một ngôi nhà ở Anh. Biển Sargasso là biển nằm giữa Jamaica và Anh.

Nhắc đến người điên bị nhốt trên tầng áp mái, ắt ta nhớ ngay đến Jane Eyre. Đúng thế, Antoinette chính là Bertha Mason, là người vợ đầu của chồng của Jane Eyre. Jean Rhys đã viết cuốn sách này để kể câu chuyện cuộc đời của Bertha, lý giải vì sao Antoinette trở thành Bertha hay vì sao cô hóa điên. Văn của Jean Rhys mơ màng, hơi khó nắm bắt, nhưng rất đẹp. Tôi nghĩ Jean Rhys đã viết những câu hay bậc nhất về sự thù ghét:

“I hated the mountains and the hills, the rivers and the rain. I hated the sunsets of whatever colour, I hated its beauty and its magic and the secret I would never know. I hated its indifference and the cruelty which was part of its loveliness. Above all I hated her. For she belonged to the magic and the loveliness. She had left me thirsty and all my life would be thirst and longing for what I had lost before I found it.”

Trong cuộc thăm dò các nữ nhà văn Anh lần này, sau khi hơi thất vọng với The Bookshop của Penelope Fitzgerald, Wide Sargasso Sea của Jean Rhys vừa bổ sung kiến thức địa lý cho tôi, vừa khiến tôi lảm nhảm viết gì mà đẹp quá. Các nữ nhà văn Anh: hãy xếp hàng!

Hunchback - Saou Ichikawa