Showing posts with label fiction. Show all posts
Showing posts with label fiction. Show all posts

Wednesday, 14 December 2011

Có bạn

(Những chuyện kể dưới đây có thể hoàn toàn là hư cấu. Mà cũng có thể không.)

Tôi có một thằng bạn.  Tên nó là Lộc. (Đây là lần đầu tiên tôi tương tên người thật lên blog, vì không thể kể câu chuyện này mà không nhắc đến tên nó, mà viết tắt thì sợ tạo nhiều liên tưởng không tốt. Vả lại, đằng nào nó cũng không đọc blog này.)

Sáng, tôi rút điện thoại ra tính gọi nó. Cũng lâu tôi không gọi nó, chắc hai ba tuần gì rồi.  Trong danh bạ điện thoại có ba tên: Lộc, Lộc Chó, Lộc Con Lừa. Thằng này thỉnh thoảng lại đổi số, đó là lý do tại sao điện thoại tôi có đến ba số của nó. Tôi nhìn ba số, không nhớ ra nó đang xài số nào, đành lần lượt gọi cả ba. Một số không bắt máy, hai số ò í e. Chừng phút sau, điện thoại tôi bắt đầu hát, “One day you'll look to see I've gone. For tomorrow may rain”.  Người gọi là Lộc Chó. Tôi nhấc điện thoại, hoan hỉ, a, như vậy mày là chó, không phải là lừa. Nó nói, thằng chó.

Trưa, tôi đi ăn với nó. Hai thằng chửi nhau như chó.

***

Tôi có một thằng bạn, kém tôi vài tuổi. Tên nó là D., mà cũng có thể là K. D.K là Đếch Kare.

Đêm ở Hà Nội, nó chở tôi sang căn gác trọ của nó, quảng cáo Bảo Ninh từng ngồi đây viết Nỗi buồn chiến tranh. Căn gác nhìn xuống đường. Đường rộng và nhiều cây. Đêm, ít người qua lại.

Căn gác của nó có nhiều vỏ chai. Lúc tôi đến còn có một cô bé tôi gặp hai lần mà chả nhớ tên, và một cậu người Anh mới sang Việt Nam chín tháng nhưng đã nói tiếng Việt tương đối khá. Nó tắt đèn, bật nhạc. Chúng tôi ngồi bên khung cửa sổ, uống rượu và nhìn xuống đường. Con đường rộng, nhiều cây, ít người qua. Mùa đông luồn qua song cửa. Tôi nhìn cái giường đơn, nghĩ, không biết nó đã ngủ với bao nhiêu em ở đây?

Nó giơ ra hai cuốn sách, một to một nhỏ, nói, em tặng anh một cuốn, anh lấy cuốn nào. Tôi lấy cuốn to, tất nhiên. Nó ký tặng, bảo, anh chả bao giờ tặng em cuốn nào. Rồi nói, mai sáng em chở anh đi uống cà phê, hay anh muốn tối mai sau cái độ của anh đi nhậu tiếp? Tôi bảo, anh chả có nhu cầu gặp mày hai ngày liên tiếp.

Chúng tôi uống đến mười hai giờ đêm, tiếng Anh xen lẫn tiếng Việt. Dần về khuya, đường vắng hơn, trong phòng cũng lạnh hơn. Tôi nghĩ thầm, bỏ cha, sao mình thích mùa đông Hà Nội.

***

Tôi có một anh bạn, hơn tôi nhiều tuổi. Các bạn kém tôi chỉ vài tuổi gọi anh là bác. Tôi gọi anh là anh, liều quen miệng rồi. Anh có rất nhiều sách nhưng chưa cho tôi cuốn nào.

Lần đầu gặp anh ở Sài Gòn, anh bảo, mai mốt ra Hà Nội nhớ gọi anh.

Tối ở Hà Nội, tôi ngồi với anh và một số bạn khác ở một quán trên Nghi Tàm. Trời lạnh, uống tí rượu là ấm. Anh nói, sáng mai anh chở mày đi ăn phở Hà Nội.

Sáng, tôi dậy sớm, đánh răng, đọc tin nhắn của anh. Anh xin lỗi vì phải đi sớm nên không ăn sáng được. Tôi xuống nhà hàng của khách sạn, ăn sáng. Cái khách sạn này, lần trước tôi cũng ở đây, đã chẳng bảo với tôi rằng bữa sáng bao gồm trong giá phòng. Ăn xong, tôi về phòng, đánh răng, vào Facebook treo status, Răng đánh hai lần, thịt xương nát tan.

Trưa, có tin nhắn của anh trên Facebook. Anh bảo chiều qua anh ở Hải Phòng, về Hà Nội để gặp tôi, định sáng ăn sáng cùng tôi rồi mới quay lại Hải Phòng, nhưng có việc nên phải đi sớm hơn. Anh xin lỗi lần nữa. Tôi trả lời, không sao anh ơi, lần sau em ăn phở bù. Cả sách nữa nhé.

***

Khi có thể chửi nhau là chó, người ta là bạn.

Khi có thể nói năng phũ phàng với nhau, người ta là bạn.

Khi có thể bỏ công việc gặp nhau uống rượu một bữa, người ta là bạn.

Tôi có bạn.

Thursday, 26 August 2010

A tale of two cities

Anh đã rửa xe cho em chưa?


(Chuyện kể dưới đây hoàn toàn hư cấu. Nếu có trùng hợp chỉ là ngẫu nhiên.)

Vợ đi xa. Niêu tôm chưa kịp vọc thì điện thoại đã reo. Lẩm bẩm trong mồm, sao không đăng ký luôn cái dịch vụ xác định vị trí của Vinaphone cho tiện. Nhấc điện thoại, miệng cười tươi như hoa, cho dù đầu bên kia không thấy mình. Hóa ra vợ chỉ kể chuyện đi thang máy. Vợ bảo, thang máy từ tầng 3 đi xuống, mở ở tầng 1. Thấy đầy người, em đứng chờ mọi người ra rồi mình mới vào. Đang xớ rớ chưa thấy ai ra thì bên trong có người quát, vào thì vào, không vào thì thôi, đứng đấy làm gì. Vẫn không ai ra nên em vào, mặt đỏ lựng. Em bấm tầng 3, rồi ra ở tầng 3. Mọi người đi tiếp lên tầng 5. À, anh đi rửa xe cho em nhé.


Gác điện thoại, tôi đi rửa xe luôn kẻo quên. Ghé chỗ quen, thấy bốn năm người chờ mà chỉ có một thợ. Cậu thợ rửa xe nói giọng miền Trung cười nói, chiều chủ nhật, mấy đứa kia đi chơi hết rồi anh, anh chờ khoảng nửa tiếng. Ngại chờ, tôi đành chạy qua chỗ khác. Thấy một nhà có trưng bảng rửa xe bọt tuyết, tôi ghé vào. Một thanh niên mặc áo thun đen, quần kaki ngang gối, đang rửa một chiếc xe khác trước sân, khẽ gật đầu chào tôi, bảo anh để xe đấy cho em. Một cô gái, nước da bánh mật, tóc cột bằng một sợi dây thun, mặc một bộ đồ thun kiểu ở nhà - tôi đoán là vợ anh rửa xe - từ trong nhà đi ra mời tôi ngồi. Có một người đàn ông và một cậu bé khác - hẳn là hai bố con - cũng đang ngồi chờ. Thấy tôi, người đàn ông nhấc chiếc mũ bảo hiểm đang để trên ghế lên. Tôi kéo chiếc ghế đó ra ngồi cách một tí. Người đàn ông để tờ báo đang cầm trên tay xuống bàn, hơi chếch về phía tôi ngồi. Tôi cười, gật đầu, rồi rút cuốn sách cầm theo ra đọc. Được vài trang, tôi ngẩng lên, nhìn anh thợ rửa xe đang xịt nước. Bọt xà bông trôi xuống, dạt vào một góc sân. Anh đẩy xe ra phía trước, dựng ở đó. Cô gái cầm một mớ khăn khô ra lau. Còn anh đẩy xe của tôi vào bệ rửa.

Trời nhá nhem tối. Xe tôi đã được rửa xong. Tôi trả tiền, cảm ơn cô gái. Cô nói, cảm ơn anh. Tôi phóng xe về. Ngang ngã tư, thấy ô tô xếp một hàng dài, nhưng phía làn xe máy vẫn có thể đi thoải mái.


Vừa về tới nhà, điện thoại lại reo. Vợ bảo, em mới đi mua ô mai về để làm quà. Tôi bảo, anh không ăn ô mai. Vợ nói tiếp, em bảo cô bé bán hàng cho ô mai vào năm túi để tiện chia cho mọi người. Cô bé bán hàng bảo, yêu cầu gì mà yêu cầu lắm thế. Tôi bảo, kệ nó, chắc nó sẽ bị đuổi. Vợ bảo, em thấy bà chủ cửa hàng đứng ngay đấy, mà chẳng nói gì. À, anh đã rửa xe cho em chưa?



Saturday, 19 June 2010

Vừa đi đường, vừa kể chuyện (VI)

***
Buổi tối cuối cùng ở Chicago, nhà văn không biết uống cà phê và nhà thơ biết uống cà phê đồng lòng dẫn tôi đến một quán có tên Green Mill, âm mưu nghe jazz, nhưng như sẽ kể sau, đó sẽ là một âm mưu bất thành. Sau khi kiểm tra giấy tờ tùy thân chứng minh chúng tôi đều trên 18 tuổi, anh gác cửa cho chúng tôi vào. Nhà thơ và tôi gọi bia, còn nhà văn nằn nì một cốc sữa tươi mà không được bèn uống nước cam.

Quán này, nghe đâu dưới thời cấm bán rượu, là nơi bán rượu lậu và hang ổ gangster. Người ta còn bảo cột kèo bàn ghế trong đây hãy còn vết đạn bắn. Tuy nhiên, quán đông người, đèn thì nhập nhoạng nên tôi không có điều kiện kiểm tra thực chứng lời đồn đại này.

Jazz chỉ được chơi từ 11 giờ đêm trở đi. (Điều này chứng tỏ không có quy định yêu cầu các quán bar phải đóng cửa lúc 12 giờ, vì không ai chơi jazz một tiếng rồi đuổi khách về cả.) Chúng tôi đến sớm, tầm 8 giờ tối. Đêm nay, trước phần chơi nhạc sẽ là phần biểu diễn của một nhóm nhảy thiết hài, sau đó, tiết mục đọc thơ của một nhà thơ trẻ và một cuộc thi đọc thơ trong số khách ở quán.

Xưa nay, tôi chỉ được xem thiết hài trên tivi. Đây là lần đầu tôi xem trực tiếp. Cảm giác rất khác, rất đã, cứ như đi mưa mà không phải mặc áo mưa vậy. Đứng cách các nghệ sĩ chỉ vài bước chân, tôi có thể nhìn thấy từng nét mặt của họ, từng uốn éo hình thể, từng cú nhắm mắt, từng giọt mồ hôi rịn ra. Họ chỉ biểu diễn hai bài. Bài đầu, bốn nghệ sĩ mỗi người trình diễn một kỹ thuật khác nhau, người nhảy trên đầu ngón chân, người tung người lên không. Âm thanh phát ra từ gầm giày họ lúc rào rạt, lúc khoan thai, lúc trong như tiếng hạc bay qua, lúc đục như tiếng suối mới sa nửa vời. Bài thứ hai, sáu nữ nghệ sĩ nhảy trên nền nhạc Queen – vâng, Queen, ban nhạc yêu thích nhất của tôi mới chết chứ - bài Somebody to love. Trong khúc dạo đầu, điệu nhảy họ dịu dàng mơn trớn. Rồi nhạc nhanh dần lên, tiếng chân cũng thúc giục nôn nao, người xem bắt đầu lắc lư trong ngất ngây; một vài khoảng lặng lim dim rã rời, rồi lại bùng lên hối hả đẩy người xem lên đỉnh thống khoái. Và khi cả nhạc và âm thanh thiết hài đột ngột ngừng lại, tất cả người xem đều chính thức ngã lăn ra, bất tỉnh.

Tôi định viết thêm rằng xe cứu hỏa hụ còi từng đợt, cảnh sát rầm rập chạy vào khênh những người bất tỉnh ra xe, nhưng nghĩ bịa thế cũng đủ rồi. Dĩ nhiên, không ai bất tỉnh, không ai ngã lăn ra, nhưng khi viết những dòng này, trong đầu tôi vẫn còn âm vang tiếng thiết hài rạo rực hôm ấy.

Sau thiết hài là đọc thơ. Một nhà thơ Mỹ trẻ tuổi, quần jean áo sơ mi bỏ ngoài, một tay cầm chai bia, một tay cầm xấp giấy lên sân khấu. Anh gác chai bia xuống, gãi đầu gãi tai, rồi tự giới thiệu và đọc thơ. Anh đọc một số bài mới làm và một số bài trong tập thơ đã in của anh, có bài thuộc lòng, có bài nhìn giấy; khoảng giữa các bài, anh làm một ngụm bia và gãi đầu. Có một bài tên là Skin (Da), có những câu tôi nhớ lõm bõm thế này: Da/ bao bọc cơ thể ta/ Da/ trải ra ta sẽ có một tấm bản đồ/ Da/ mẹ ta cho ta/ nhưng khi ta lớn lên tế bào chết đi và sinh mới nên nó trỏ thành của riêng ta/ Da/ khi làm tình ta không nhớ là có nó. Một bài khác, dài, và khá ấn tượng anh bày tỏ sự bực tức khi các cô gái nói “Em yêu anh” dễ dàng như nói Hello hay How are you. Một bài có tên là The sex that could have been, và một bài khác, nói về sex giữa cây cối. Tôi có tập thơ của anh (cảm ơn nhà tài trợ!) nên để hôm nào tôi thử dịch một hai bài cho các bạn tham khảo.

Sau phần đọc thơ của nhà thơ này là phần đọc thơ của các khách ở quán. Có sáu người tham gia cuộc thi. Vòng một, mỗi người đọc một bài thơ của mình, được một ban giám khảo chấm điểm trực tiếp như cách ở ta chấm điểm Tiếng hát truyền hình, điểm được ghi vào khăn ăn và giơ lên, hai người điểm cao nhất vào vòng hai. Vòng hai, mỗi người đọc một bài nữa, và phần thưởng cho người chiến thắng là 10 đô. Những người lên đọc thơ đều tự tin, thoải mái, vung tay múa chân, gào thét thật là diễn cảm. Một số bài tôi hiểu, một số bài không. Bài đọat giải nhất thì tôi chả hiểu gì. Dù sao, với tôi, đó là một kinh nghiệm thú vị.
***

Tuesday, 15 June 2010

Vừa đi đường, vừa kể chuyện (III)

***

Nhiều lúc tôi nghĩ, số phận của thơ thật hẩm hiu, nhất là khi so với văn xuôi. Khi đọc một tản văn, một truyện ngắn, hay một tiểu thuyết, người ta có thể nói văn hay văn dở, nhưng tuyệt nhiên không ai bảo đấy không phải là văn, mà là thơ! Ngược lại, khi đọc một bài thơ, thậm chí chưa đọc xong một bài thơ, bất kỳ ai cũng có thể hùng hồn tuyên bố đấy không phải là thơ, mà là văn xuôi. Thấy chưa, người ta còn không buồn gọi đấy là thơ dở. Người ta từ chối gọi sản phẩm của nhà thơ là thơ, mặc dù khi bị hỏi ngược lại thế nào mới là thơ, thường sẽ không có câu trả lời rành mạch.

Thơ phải có vần ư? Một vạn lần không phải thế, mặc dù thơ từng có vần và không ai cấm các nhà thơ tiếp tục làm thơ có vần. Nhưng nếu chỉ vần mà thành thơ thì đây hẳn là tuyệt cú: “Trên đường Nguyễn Thị Minh Khai/ Thế nào cũng có một vài ô tô.”

Có người nhao nhao: Thơ phải có hình ảnh, phải có nhạc điệu. Nhưng than ôi, có thể dẫn ra vô vàn ví dụ tản văn, truyện ngắn hay tiểu thuyết đầy ắp hình ảnh và nhạc điệu mà chẳng ai nhầm với thơ cả.

Thế thì thơ phải hàm súc! Nghe có vẻ thuyết phục, nhưng rất khó coi những bài thơ của nhà thơ rất được nhiều người, đặc biệt thanh niên miền Bắc, yêu mến - Lưu Quang Vũ - là những bài thơ hàm súc. Ngược lại, Lưu Quang Vũ luôn nhiều lời, quá nhiều lời là đằng khác. Khi làm thơ, Lưu Quang Vũ nói nhiều như một… nhà viết kịch! Đấy là chúng ta còn chưa nói đến thơ văn xuôi hay tân hình thức.

Vậy thì thế nào là thơ? Sao phải nhọc công đi tìm định nghĩa mà không chịu tin nhà thơ lấy một lần: Thơ là cái nó là khi nhà thơ gọi nó là thơ. Tước mất quyền của nhà thơ gọi tác phẩm của họ là thơ, chẳng khác gì tước quyền đặt tên con của những ông bố bà mẹ. Tương tự như những đứa trẻ, bài thơ ra đời khi nhà thơ đẻ ra nó. Giây phút nào nhà thơ hoàn tất bài thơ chúng ta có thơ. Nhà thơ phải có toàn quyền đối với tác phẩm của mình mà quyền lớn nhất và cần được tôn trọng nhất là quyền khai sinh.

***

Tôi trao đổi một phần những suy nghĩ trên với một nhà thơ. Nhà thơ này biết uống cà phê (và nhiều thứ khác). Bằng vào số vết trầy trên đuôi xe, có thể đoán nhà thơ có khá nhiều người hâm mộ.

****

Nhà thơ dẫn tôi vào một quán cà phê trước cổng có treo hình con heo toòng teng. Nói ngắn gọn, đấy là quán cà phê con heo. Nói đầy đủ, quán cà phê có tên Con Heo Tiểu Tư Sản (Bourgeoisie Pig). Thực đơn ở đây chỉ có sandwich và salad, ừm, thật ra còn có cả soup. Tuy nhiên, các loại sandwich được gắn những cái tên hết sức mỹ miều sặc mùi tiểu tư sản, chẳng hạn Mặt Trời Vẫn Mọc, Gatsby Vĩ Đại hay Bắt Trẻ Đồng Xanh. Vừa được nhà văn không biết uống cà phê tuyên truyền cách đó không lâu The Sun Also Rises là cuốn hay nhất của Hemingway, nên tôi gọi ngay một cái sandwich Mặt Trời Vẫn Mọc, vừa gặm vừa loay hoay xem mặt trời mọc hướng nào. Nhà thơ gọi một món không tiểu tư sản lắm là salad Ceasar. Ceasar, Ceasar, salad toàn thịt gà, vừa khô vừa cứng. Bữa trưa lúc 4 giờ chiều làm dịu cơn đói của giai cấp tiểu tư sản, sau một ngày vất vã đi lùng sách cũ.

Có một tiệm sách cũ tên là Open Books. Tiệm này nằm ở một vùng nào đó của Chicago. Xuất phát từ đại lộ Michigan chúng tôi cuốc bộ về hướng Nam độ hai chục block nhà thì rẽ sang hướng Tây cuốc chừng mười block rồi đi mười hai block về hướng Bắc rồi thêm chin block rưỡi về hướng Đông thì tới. Đại khái với sự trợ giúp của mobile internet và sau khi hỏi đường chừng hai chục người chúng tôi tới đích.

Open Books là tiệm sách cũ phi lợi nhuận. Nguồn sách ở đây hoàn toàn do mọi người hiến tặng. Nhân viên làm việc không lương. Toàn bộ lợi nhuận của tiệm sách được dành vào việc gây quỹ cho trẻ em nghèo (chú ý: mục đích thiện nguyện có thể khác, nhưng khi bước chân vào tiệm sách tôi chỉ nhìn sách chứ không để ý những thông tin khác nên những gì tôi viết ở đây có thể hoàn toàn sai.)

Cũng như mọi tiệm sách cũ và mới khác ở Chicago, sách ở đây được sắp xếp theo từng thể loại, và trong từng thể loại, theo thứ tự tên tác giả. Riêng phần tiểu thuyết chiếm năm dãy kệ, có mặt hầu hết các tác giả tên tuổi từ Auster, Bolano, Calvino ở đầu bảng chữ cái đến Roth, Updike, Vonnegut phần cuối bảng. Giá trung bình một cuốn khoảng 5-6 đô. Nếu may mắn, bạn có thể tìm thấy những cuốn rất ra trò, dày, bìa cứng, và khá mới trong đống sách đổ lộn xộn trong hai thùng các-tông to với giá chỉ một đô một cuốn. Rabbit at rest của John Updike nằm trong số này.

Hôm trước đó, tôi còn có dịp (hai dịp) vào lục lọi tiệm sách cũ Powell’s ngay gần khuôn viên trường đại học Chicago. Nói là sách cũ – thường do sinh viên trường bán lại – nhưng nhiều cuốn còn gần như mới nguyên. Có cả những cuốn tinh tươm hẳn là sách tồn kho của các nhà xuất bản bán với giá chỉ một phần tư giá gốc, điển hình là tập Other Colors của Orhan Pamuk, bìa cứng, mới cứng, giá 6.95 đô, trong khi giá gốc là 28 đô. Diện tích của tiệm Powell’s không quá lớn, nhưng sách chất trùng trùng điệp điệp, từ sàn đến trần nhà. Theo ước lượng của tôi, chỉ riêng phần sách lịch sử Trung Quốc đã chừng trăm cuốn, tổng số đầu sách lịch sử các nước trừ Mỹ khoảng ba, bốn nghìn. Tôi áng chừng gom tất cả đầu sách của tất cả các nhà sách của Fahasa và Phương Nam ở Sài Gòn lại cũng không bằng số đầu sách của tiệm sách cũ Powell’s này, chưa nói tới sự phong phú về thể loại.

Với ba lần ghé thăm hai tiệm sách cũ, tôi đã có dịp gần như hoàn thiện bộ sưu tập Paul Auster của mình, bổ sung kha khá vào hai bộ Hemingway và Roth, và hẳn là đang bắt đầu hai bộ Coetzee và Pamuk. Ngoài ra, tôi còn tóm được những cuốn tôi đang tìm kiếm lâu nay như Franny and Zooey của Salinger hay Ho Chi Minh – The Missing Years của Sophie Quinn-Judge. Nhà thơ biết uống cà phê còn nhiệt tình giới thiệu, tặng và chuyển giao cho tôi khá nhiều cuốn của các tác giả các nước nhỏ như Pakistan, Hong Kong, Nigeria, Haiti, kèm theo lời trách cứ Giò Trắng sao trên blog chỉ giới thiệu các nhà văn nước lớn.

Trong mọi tình yêu luôn có mầm mống khổ đau, không loại trừ tình yêu sách. Hành lý từ Việt Nam sang của tôi chỉ có 15kg. Khi bay từ Chicago sang San Jose, vali của tôi cân nặng 70 pounds (khoảng 32kg). Southwest cho phép hành khách gửi hai kiện hành lý, mỗi kiện 50 pounds (23kg). Tôi chỉ có một vali, nhưng Southwest không cho tôi nhét cả vào một vali, mà phải lấy bớt sách ra, cho đến khi vali nặng đúng 50 pounds mới thôi. Số sách dôi ra tôi phải xách tay. Thế là với đôi vai gầy guộc nhỏ và đôi cánh tay khẳng khiu, tôi mòn mõi lê bước từ quầy check in qua cổng kiểm tra an ninh đến cổng ra máy bay dưới sức nặng của…sách.

Sunday, 13 June 2010

Vừa đi đường, vừa kể chuyện (II)

***
Philip Roth là một trong những nhà văn đương đại hàng đầu Mỹ. Ông từng đọat giải Pulitzer với cuốn American Pastoral, nhiều giải thưởng văn học khác của Mỹ, và hình như ngấp nghé Nobel. Everyman là tiểu thuyết tương đối mới của ông, viết 2006.

Tôi có cảm giác đây không phải là cuốn xuất sắc của ông, mặc dầu vậy, vẫn nhận thấy cách viết của ông đáng nể. Ông thường viết những câu ngắn, cô đọng, chính xác. Trong một lần trả lời phỏng vấn, ông nói hình như ông đánh mất tinh thần hài hước. Hẳn đó chỉ là một cách nói, vì trong cuốn này, tuy hài hước không phải tinh thần chính, nhưng vẫn thấy đây đó Philip Roth đang nhếch mép.

Everyman mở đầu bằng đám tang của một người mà ta sẽ nhanh chóng nhận ra đó là nhân vật chính – một người đàn ông thành đạt trong nghề quảng cáo, có ba đời vợ, có hai con trai ghét ông như đào đất đổ đi - ghét đến nỗi khi ném nắm đất xuống huyệt mộ ông và chúc ông yên nghỉ cũng không thể hiện chút tình cảm nào trong giọng nói, một đứa con gái yêu ông và ông yêu hơn mọi thứ trên đời, và một số người tình. Everyman kết thúc bằng đoạn đối thoại giữa ông này và người đào huyệt trong nghĩa trang - người từng đào huyệt cho cha mẹ ông, và có thể sắp đào huyệt cho chính ông – và là một con người làm việc cần mẫn, chính xác, luôn đào những huyệt mộ “sâu sáu foot và đáy thật phẳng đến nỗi người ta có thể kê giường lên” một cách chuyên nghiệp và đầy tinh thần trách nhiệm, hệt như cách Roth viết một câu văn vậy.

Tôi đọc hết cuốn này khi bay từ Sài Gòn sang Tokyo. Hết truyện, tôi chợt nhận ra hình như Roth không đặt cho nhân vật chính của mình một cái tên, trong khi tất cả nhân vật phụ bao gồm ba bà vợ, hai anh con trai, một cô con gái, một ông anh ruột và một cô y tá kiêm tình nhân, tất cả đều có tên. Tôi chưa nhớ ra một cuốn tiểu thuyết nào khác trong đó nhân vật chính không có tên. Có lẽ đó là lý do tại sao Roth gọi tiểu thuyết này là: Everyman. Người đàn ông này có thể là bất kỳ người đàn ông nào khác: ích kỷ, nhiều đam mê, lắm lỗi lầm nhưng cũng thật sự chân thành. 

Văn của Roth chân phương, giản dị. Câu chuyện không nhiều tình tiết, không màu mè. It doesn’t really have a plot, although there is a plot against America! Tôi nghĩ tôi sẽ có thể tiếp tục đọc Roth.

***
Không có gì nhiều để nói về sân bay Narita, Tokyo, nơi tôi trải qua ba tiếng đồng hồ quá cảnh, một tiếng rưỡi trong đó dành cho việc làm các thể loại thủ tục giấy tờ và an ninh buồn chán.
Không nhộn nhịp như khu vực quá cảnh của sân bay Singapore hay Hong Kong, hoặc cũng có thể vì người ta đẩy tôi đến chỉ một góc nhỏ, phần của sân bay Narita tôi nhìn thấy khá lặng lẽ. Phải nỗ lực khá nhiều tôi mới tìm được một quầy nho nhỏ bán đồ lưu niệm, nước giải khát và thức ăn nhẹ. Tôi gọi một món ăn có hình chụp giống một tô mì gói, tên là miso ramen. Hóa ra đó là một tô bao gồm mì, măng, bắp hạt, một loại rau không rõ tên có vị là lạ, và một loại thịt không xác định. Hy vọng không phải thịt người. Không có bàn để ngồi ăn, chỉ có một quầy dài đủ cho bốn người gác khay đồ ăn lên và đứng đối diện nhau ăn cùng một lúc. Món mì ăn tạm được, hơi dư muối, chắc vì cả nước Nhật bao quanh bởi đại dương. Ngoài tôi mì này, tôi còn mua một cái bánh ngọt nhỏ. Có khá nhiều loại bánh ngọt ở đây và phải rất kiềm chế mới không mua hơn một cái. Các loại bánh của Nhật, ngon hay không chưa biết, nhưng đều được đóng trong bao bì xinh xắn, trông hết sức ngon mắt.
***
Từ Tokyo sang Chicago, tôi bay American Airlines. Cũng là hàng không Mỹ, nhưng American Airlines tốt hơn nhiều so với United Airlines, tuy nhiên tuổi tác và nhan sắc các tiếp viên hai hãng này thì tương đương: đại khái không dùng để ngắm, trừ khi bạn nhớ mẹ. United Airlines là cơn ác mộng cho những chuyến bay đường dài: ghế ngồi bé tẹo, không có chương trình giải trí cá nhân, và thức ăn thì ôi thôi tệ. Làm sao họ có thể nghĩ ra được việc cho hành khách trên chuyến bay xuyên đại dương ăn tối bằng một cái bánh quy và một ly mì bé bằng một phần ba ly mì ta vẫn thường thấy trên kệ các siêu thị? Bữa tối của American Airlines thịnh soạn hơn nhiều. Thường khi bay đường dài, tôi vẫn cố chén sạch những gì người ta dọn ra, phòng khi bao tử cồn cào bất chợt. Vậy mà, lần này, tôi chừa lại những nửa cái bánh mì tròn cộng với 1/3 miếng phô-mai hiệu Kiri! Riêng về món cà phê thì tôi vẫn nghĩ đã đến lúc cần truy tố các hãng hàng không – không chừa hãng nào – về tội dám gọi cái món nước nhờ nhờ nhạt nhẽo mà họ vẫn thường cho khách uống trên máy bay bằng hai từ cao quý: cà phê.

Nhân nói đến cà phê, tôi biết có một nhà văn nọ không uống cà phê. Thậm chí, nhà văn nọ không uống cả trà, không uống bia, không uống rượu, đến cả heroin cũng không dùng. Thế làm quái nào viết văn được, tôi bảo. Thay vì trả lời, nhà văn đi…đánh răng!

***
So với việc làm thủ tục nhập cảnh ở sân bay Los Angeles hay San Francisco, nơi luôn có những dòng người xếp hàng dài ngoằn ngoèo tưởng chừng bất tận, thì làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay O’Hare là một niềm vui – tất nhiên chỉ trong trường hợp mỗi ngày bạn cần chọn một và chỉ một niềm vui. Chỉ mất ba mươi phút, tôi đã xong thủ tục nhập cảnh, hải quan và lấy được hành lý. Nhưng mất một tiếng, tôi mới được đón. Mất hai tiếng nữa, tôi mới về được nhà của một bác (bác này tuy cho ở nhờ nhưng keo kiệt không cung cấp internet!:)). Trốn Sài Gòn sang tận Chicago mà vẫn không tránh khỏi kiếp kẹt xe. Điểm khác biệt so với kẹt xe ở Sài Gòn là ở đây xe nào vẫn giữ làn xe đấy, nên đường vốn có ba làn xe, khi kẹt xe vẫn chỉ có ba làn, không thành năm hay sáu làn hỗn hợp như ở Sài Gòn.

Chicago mùa hè, cây lá xanh mướt, không khí trong lành. Nhìn những công viên trải dài trong nắng, người ta chỉ muốn xỏ giày và ra đường chạy bộ. Rải rác đây đó là những khu trò chơi trẻ con với cầu tuột, xích đu, vòng thang xoáy leo trèo đầy ắp tiếng cười con trẻ. Nhớ hai bạn Alpha và Pi ở nhà. Đi chỉ mới ngày, mẹ hai bạn đã nhắn tin bảo con gái nói: “Con đã bắt đầu nhớ ba rồi đấy!”

Saturday, 12 June 2010

Vừa đi đường, vừa kể chuyện (I)

5.23 sáng 10/6/2010

Tom Hanks là diễn viên yêu thích của vợ tôi. Hình như tất cả phụ nữ Việt Nam chân chính và có xem phim Mỹ đều thích Tom Hanks. Họ nói anh ấy tuy không đẹp trai lắm, nhưng đóng hay và đặc biệt, không lăng nhăng. Hậu quả của việc vợ tôi, một trong số những phụ nữ Việt Nam chân chính, yêu thích Tom Hanks là thỉnh thoảng tôi xem phim có anh. Vì đang ngồi ở sân bay nên tôi nhớ đến phim The Terminal.

Trong The Terminal, Tom Hanks đóng vai một hành khách có quốc tịch một quốc gia X. Khi Tom Hanks vừa đến Mỹ, thì ở quê nhà của anh xảy ra đảo chính, chính phủ cũ bị lật đổ, chính phủ mới lên thay. Chính phủ này không được sự công nhận của quốc tế (i.e. Mỹ), nên hộ chiếu anh cầm không được công nhận. Thế là anh không được vào Mỹ, mà cũng không ra được Mỹ. Ngày này qua ngày khác anh sống tại sân bay, ăn uống, yêu đương, làm việc kiếm tiền ở đấy. Kết thúc phim thế nào tôi không nhớ. Đối với một trí nhớ suy tàn như trí nhớ của tôi nhớ đến đây đã khá lắm rồi. Đại khái anh ta sống ở sân bay khá lâu, lâu lắm, không chết, đến cuối phim vẫn không chết.

Nhưng tôi cá rằng nếu anh ta mắc kẹt ở một sân bay giống cái sân bay mà tôi đang ngồi chờ giờ khởi hành, chắc anh ta sẽ không tồn tại được ba ngày, không, ý tôi nói ba giờ. Anh ta sẽ chán đến chết, chết trước khi thưởng thức những rắc rối và sinh động của một cuộc đời không tổ quốc.

***

Tôi đến sân bay sớm. Hiển nhiên là vì tôi phải bay sớm. 3 giờ sáng, tôi đã phải dậy, sau chỉ 3 tiếng ngủ, vì tối hôm trước phải sửa soạn hành lý và soạn nốt cái hợp đồng dang dở. Phải gửi hợp đồng cho khách trước khi đi, nếu không sếp có thể gõ đầu tôi. Hôn từ biệt hai con chó con đang ngủ say và người phụ nữ Việt Nam chân chính yêu thích Tom Hanks, tôi kéo vali xuống nhà gọi taxi. Đường vắng, chốc lát tôi đã đến sân bay.

Làm thủ tục xong, vẫn còn gần tiếng mới tới giờ bay. Tôi leo lên tầng lầu, định vào một trong những quán cà phê trên đó để uống một chút gì và vào internet. Thế nhưng, tất cả quán hãy còn đóng cửa im ỉm. Lúc đó khoảng 4 giờ rưỡi sáng.

Gần cổng lên máy bay, tôi tìm thấy một quán mở cửa. Lúc tôi phát hiện ra quán, chị bán hàng – khoảng ngoài năm mươi tuổi, mặc đồng phục SASCO – đang đôi co với hai cô khách nước ngoài. Hai cô khách kia có vẻ muốn mua mấy chai nước suối, đang xòe ra mấy tờ tiền Việt Nam. Tôi nghe lóm nội dung là bọn tao còn ngần này tiền Việt Nam. Chị bạn hàng thì cứ lắp đi lặp lại nhõn “one more, one more” – ý là chưa đủ tiền. Hai cô khách bỏ đi. Chị bán hàng cất lại 4 chai nước suối vào tủ.

Tôi gọi một tách cà phê sữa nóng, chị bảo 3 đô. Tôi đưa chị 60.000 đồng, chị cất tất vào ngăn kéo và đưa tôi tách cà phê. Và chỉ thế. Cứ như cà phê vỉa hè, dù giá gấp 10. Không biết làm thế nào để SASCO biết được chị đã bán cho tôi một tách cà phê và đã thu 60.000 đồng

Không có tín hiệu wifi chùa, tôi giở sách ra đọc. Everyman của Philip Roth. Đây là cuốn đầu tiên của Roth tôi đọc. Nhưng, thật khó tập trung khi thỉnh thoảng thông báo của sân bay lại vang lên, ong óng vào tai. Dù sao cũng nghe được một thông tin mới là không được mang cà phê trong hành lý xách tay vì lý do an ninh. Chắc người ta sợ bom làm bằng bột cà phê. Cũng may, nếu cái vali cỡ nhỏ của tôi không bị chuột gặm thì tôi đã dùng nó cho hành lý xách tay và sẽ nhét cà phê trong đó. Chẳng những bị chuột gặm, nó còn gãy càng, thế là tôi chỉ mang một cái ba lô nho nhỏ theo người, còn cà phê và sách cho những người ở bển tôi cho vào hành lý kỷ gửi cả.

Không internet, đọc sách không xong, không muốn dùng iPod, tôi gõ những dòng này giết thời giờ.

Thursday, 28 January 2010

Tuổi trẻ băn khoăn (III)

***

“Analysis destroys wholes. Some things, magic things, are meant to stay whole. If you look at their pieces, they go away”.

Robert James Waller

(The bridges of Madison County)

Nhiều năm trước đây, tôi cũng từng đọc Những cây cầu ở quận Madison, bản tiếng Việt. Tôi cũng từng xem phim này. Tôi biết nhiều người thích cả truyện và phim, nhưng tôi không nằm trong số nhiều người đó. Phim, tôi không nhớ gì, chắc là không ấn tượng. Truyện, tôi thấy khô không khốc, văn như văn của học trò, không rõ do người dịch hay do tác giả. Tôi không mang theo cuốn này, nên tôi không thể mở ra và đọc lại xem ấn tượng của tôi có gì thay đổi không. Biết đâu, bây giờ, khi đã già hơn một chút, tôi sẽ thấy chuyện tình già ở quận Madison kia rung động hơn, lãng mạn hơn, sâu sắc hơn. Biết đâu, có khi tôi còn thấy lòng xôn xao, còn chớp chớp mi, còn nhỏ một giọt nước mắt. Hoặc hai. Dù thế nào đi nữa, tôi cũng cảm thấy khó nghĩ khi Demian có thể tìm thấy được điều gì tâm đắc trong cuốn sách và chép lại. Mà cái câu kia, đứng một mình nó, có vẻ cũng thấm thía ra phết đấy chứ. “Phân tích làm hỏng tổng thể. Có những thứ, những thứ huyền diệu, phải được nhìn trong tổng thể. Nếu bạn cứ săm soi từng phần của nó, nó chả còn gì.”

Không nhớ trong truyện, câu này đứng ở chỗ nào, và có ví dụ nào minh họa. Thường trước hay sau một câu tổng quát thế này, thế nào cũng có ví dụ. Ví dụ có thể như thế này: Có những gương mặt, nếu nhìn từng phần ta chỉ thấy tóc hơi cháy nắng, tai hơi vểnh, mũi hơi khoằm, mắt hơi gian, răng hơi đen, nhưng cứ tích phân như thế ta sẽ làm hỏng tổng thể khuôn mặt. Nếu lùi lại một bước, hai hoặc ba bước càng tốt, và ngắm lại khuôn mặt ấy từ xa, có khi ta lại thấy khuôn mặt ấy trông… cũng được.

***

Mỗi lần tôi sắp xếp lại một kệ sách hay một hộc tủ trong nhà, việc lẽ ra chỉ cần khoảng nửa giờ thì tôi mất đứt nguyên buổi sáng hoặc có khi trọn ngày. Tôi không kiềm chế được việc ngắm nghía những đồ vật trong hộc tủ, nghĩ đến việc từng có nó như thế nào, nó làm tôi vui hay buồn, hả hê hay giận dữ, bây giờ nên giữ lại hay vứt đi, hay xếp vào một chỗ nào khác.

Làm phiền tôi hơn cả là những tấm thiệp. Tôi đọc lại những lời chúc trên đó – bản thân việc này mất kha khá thời gian – và sau khi đọc xong thì lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan: tôi không nỡ vứt chúng đi, mà giữ lại – làm sao có thế giữ lại được tất cả những tấm thiệp đã nhận được trong đời. Tương tự, là những bức thư tay. Tôi từng có khá nhiều thư tay, chủ yếu là thư của bạn bè cả thân lẫn chưa biết mặt - tất nhiên đấy là thư từ cái thời chưa có email và internet, và điện thoại chưa phổ biến như bây giờ. Thư tình cũng có vài cái; nhưng thư tình thì tôi không đọc lại, nhất là những thể loại thư sướt mướt.

Mất thời gian hơn cả là việc xếp sách. Khi sắp sách lên kệ lần đầu, tôi thường cố ghép chúng vào một trật tự nào đó: văn học Việt Nan, văn học nước ngoài, trinh thám, ngôn ngữ, lịch sử, kinh tế, chính trị, luật v.v. Nhưng sau một thời gian, cái trật tự kia bị phá vỡ, nên thỉnh thoảng tôi phải xếp lại. Phải đưa tất cả các Hemingway lại gần nhau và đảm bảo đứng gần ông là Steinbeck, đưa Dos lại gần Lev Tolstoi và Ivan Bunin, đẩy Tạ Duy Anh ra phía Nguyễn Huy Thiệp, và sách nấu ăn thì không thể chung hàng với sách kinh tế, đại để như thế. Nhưng nếu chỉ xếp thôi, thì cũng không mất quá nhiều thời gian. Lẽ nào cầm sách lên mà không lật vài trang, và nhỡ gặp chuyện gì thú vị, thì làm sao có thể dừng lại sau vài trang.

Riêng đám sách của Demian là một ngoại lệ: chúng chỉ tạm trú trên kệ sách nhà tôi, nên tôi cho phép chúng đứng gần nhau, lộn xộn trong phạm vi cho phép. Kể ra, đám sách ấy cũng làm xấu kệ sách tôi một chút: phần lớn trong đó là sách cũ, giấy đen, có cuốn long cả bìa.

Demian, cái cuốn sổ của cậu ta, tôi vẫn đang chép lại đây, nhưng tôi quyết định không chép từ đầu đến cuối nữa. Bất kỳ lúc nào tôi rảnh, tôi sẽ mở một trang bất chợt. Tôi đang thử xem mình sẽ mở trúng trang nào.

Cũng nói thêm, khi viết những dòng này, tôi không còn ở nới cái resort biển ấy nữa. Tôi chỉ ở đấy có hai ngày, mà từ hôm đấy đến nay đã hơn hai tuần còn gì. Đúng như dự đoán, chuyến đi đó, tôi không thể nào nhúng chân được xuống biển. Ôi biển, hẹn sẽ quay trở lại để tắm táp phơi nắng thỏa thuê, chứ không phải để chui vào những phòng họp lạnh ngắt đầy mùi nấm mốc.

***

“Cậu bé bẽn lẽn, nhút nhát như con gái, nghịch ngầm và ưa sạch sẽ ngày xưa đã biến thành một người lầm lì, khinh đời, biết đủ thứ trên đời và dễ nổi quạu. Một người rất thông minh, can đảm, trầm lặng và ưa giễu cợt”.

(Bác sĩ Zhivago)

Bác sĩ Zhivago (tiếng Nga: Доктор Живаго, từ Живаго có nghĩa đen là "cuộc sống") là tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn NgaXô viết Boris Leonidovich Pasternak (18901960).

Nhân vật chính của truyện là Yuri Zhivago, một bác sĩ y học và nhà thơ. Truyện kể cuộc đời của bác sĩ Zhivago qua những éo le tình ái của ông cùng hai phụ nữ trong bối cảnh chung quanh cuộc cách mạng Nganăm 1917.

Truyện này được dựng thành phim năm 1965, do David Lean đạo diễn, tài tử chính là Omar Sharif Julie Christie.

Bối cảnh truyện Bác sĩ Zhivago nằm vào khoảng 1910 - 1920, nhưng Pasternak hoàn tất vào khoảng 1956. Vì ông có vấn đề với chính phủ Xô viết lúc bấy giờ nên truyện này không được xuất bản. Năm 1957 bản thảo của truyện được tuồn ra ngoài Liên Xô và in ra sách tiếng Nga tại Ý (nhà xuất bàn Feltrinelli). Năm sau có ấn bản tiếng Ý tiếng Anh. Pasternak nhờ đó mà được đề nghị nhận giải Nobel văn chương năm1958, nhưng chính quyền Xô viết bấy giờ ép ông phải từ chối nhận giải thưởng này. Mãi đến 1988, sách truyện Bác sĩ Zhivago mới được cho in và xuất bản tại Nga.

Khởi đầu truyện là phần giới thiệu Yuri Andreievich Zhivago lúc 10 tuổi đi đám tang của mẹ. Sau đó Yuri học y khoa, bắt đầu làm thơ, rồi cưới vợ tên là Tonya. Truyện sau đó giới thiệu Larisa Fyodorovna (Lara) ởtuổi dậy thì, sống với bà mẹ góa phụ khi bà này làm công cho chủ hãng may tên Komarovsky. Komarovsky dụ dỗ và hiếp dâm Lara. Trong cơn tủi nhục cuồng nộ, nàng lấy súng bắn Komarovsky tại một buổi tiệcgiáng sinh nhưng không may lại bắn trúng một người khác. Nàng sau đó kết hôn người tình đầu của mình là Pavel Pavlovich (Pasha).

Kế đến truyện dẫn vào thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Yuri tòng quân với tư cách bác sĩ quân y. Pasha rời vợ và con gái (Tanya) theo quân đội và bị mất tích. Lara tình nguyện làm y tá với hy vọng tìm kiếm tông tích chồng. Khi Yuri vào thăm vợ khi nàng sanh đứa con trai đầu lòng thì gặp cô y tá Lara. Hai người có ý thầm yêu nhau nhưng không dám tỏ lời. Vào lúc này phong trào cách mạng bắt đầu nổi dậy tại Petersburg.

Chiến tranh bùng nổ khắp nơi, Yuri và Lara được bổ nhiệm công tác chung tại một nhà thương ở tỉnh nhỏ xa xôi. Yuri bị thôi thúc bởi những cảm tình cho Lara. Chàng tâm sự với Tonya và Tonya nghi ngờ rằng Yuri cùng Lara đã ngoại tình. Mùa đông đến, đời sống trở nên chật vật vì thiếu thức ăn và dịch lỵ lan tràn. Sau cuộc chiến, Yuri trở về chức vị bác sĩ cũ tại nhà thương ở Moskva. Vì cá tính lãng mạng chàng thường bị các đồng nghiệp bolshevik bài bác là thiếu logic và tinh thần cách mạng. Giữa các cuộc xung đột chống chủ nghĩa Marx nổ ra, Yuri cùng gia đình dời về Urals. Trên xe lửa của chuyến đi này, Yuri nhận thức được nỗi khổ của nông dân và tù binh, những nạn nhân của cuộc chiến cách mạng. Chàng yêu chuộng tự do và bình quyền, nhưng bất mãn với những hành động hay ý kiến quá cứng rắn và thiếu tình người của những người theo cách mạng.

Tại Urals, Yuri cùng gia đình khai đất làm ruộng. Chàng trở lại sở nguyện làm thơ. Tại thư viện làng, chàng gặp lại Lara. Hai người ngoại tình và cùng sống cuộc đời vụng trộm yêu đương tột đỉnh. Lara lúc bấy giờ biết Pasha còn sống và hiện là một tay trùm Đỏ khét tiếng với tên mới Strelnikov. Yuri muốn trở vế với vợ để thú tội ngoại tình nhưng không may bị một nhóm quân cách mạng bắt cóc và phải phục vụ như bác sĩ của nhóm này. Sau vài năm, Yuri trốn thoát và trở lại với Lara. Để tránh không bị điềm chỉ, cặp tình nhân bỏ trốn sang một nông trại khi xưa gia đình Yuri từng canh tác. Yuri tiếp tục làm thơ - bày tỏ tâm sự của chàng về những thăng trầm của đời sống, những lo sợ và lòng can đảm trong chiến tranh và hơn hết là tình yêu dành cho Lara. Trong khi đó có tin vợ Yuri là Tonya và con gái chàng bị bắt đuổi ra khỏi Nga. Chẳng bao lâu sau đó, Komarovsky, kẻ đã từng hãm hiếp Lara khi xưa, xuất hiện. Hắn hăm dọa rằng quân cách mạng đang truy lùng Yuri và Lara và sẽ giết cả hai nếu bắt dược. Hắn hứa giúp đưa Yuri và Lara trốn ra nước ngoài. Yuri đắn đo một hồi lâu và kết cuộc vì vấn đề an toàn cho Lara, chàng quyết định để Lara ra đi một mình. Yuri ở lại Nga và bắt đầu say sưa uống rượu giải sầu.

Strelnikov, chồng của Lara lúc bấy giờ đang chạy trốn vì bị chính phủ cách mạng truy lùng. Y tìm ra Yuri và sau khi biết chuyện Lara ngoại tình, bèn tự sát.

Yuri trở lại Moskva và sinh sống cùng một phụ nữ tên Marina và kiếm sống bằng cách viết sách. Em của chàng tìm cho chàng một chức vụ bác sĩ nhưng trên đường đi làm, chàng bị đứng tim mà chết. Lara, từ Irkutsk lên Moskva và tình cờ đi tới nhà liệm thấy xác Yuri còn nằm đó. Sau đó vài ngày, nàng mất tích, có người cho rằng nàng bị bắt đi trại tập trung cải tạo.

Đoạn trong ngoặc kép phía trên là đoạn tôi chép lại từ sổ tay của Demian, người đã chép đoạn đó tất nhiên từ cuốn Bác sĩ Zhivago; còn đoạn chữ màu xanh tôi chép từ Wiki. Nếu bạn đã đọc Bác sĩ Zhivago rồi, bạn có thế bỏ qua đoạn đó, còn nếu chưa, hoặc đọc rồi nhưng đã quên sạch như tôi, thì đoạn tư liệu từ Wiki có thể giúp bạn hình dung hoặc nhớ lại đôi nét về cuốn sách.

Cuốn này, tôi đọc trên một chuyến tàu Bắc Nam cách đây mười năm. Đi tàu là thời gian thích hợp để đọc những cuốn nhiều chữ như cuốn này. Thú thật, tôi đã quên hoàn toàn nội dung cuốn sách, đó là lý do tôi phải nhờ đến Wiki. Điều tôi chắc chắn là, với một câu chuyện như thế, nếu muốn chép lại đôi đoạn trong cuốn sách, hẳn phải có nhiều đoạn hay để chép, mà cái câu trên kia chẳng có vẻ gì hay lắm. Nó không có dáng vẻ triết lý như nhiều đoạn khác mà Demian chép trong sổ, cũng không phải là những đoạn văn bay bổng hoặc đau thắt, chi tiết hay hài hước, thông thái hay gợi dục, gợi mở hay dâng trào. Bằng cái trí nhớ suy tàn của tôi, tôi không nhớ cậu bé được nhắc đến trong đoạn văn kia là cậu bé nào, tôi chỉ đoán, và khá tin vào cái sự đoán của mình, cậu bé ấy chính là Demian, hay nói cách khác, Demian thấy mình được miêu tả bằng câu văn ấy. Đấy, những ghi chép trong một cuốn số tay mà chép nhiều hơn ghi cũng có thể cho ta biết về tính cách của một con người. Tôi biết Demian hiện giờ cũng gần giống những gì được tả trong đoạn văn kia: thông minh, trầm lặng, và ưa giễu cợt. Can đảm thì không chắc lắm, vì tôi biết cậu ta sợ ngỗng. Tôi đang hình dung ra một câu bé Demian lúc chín mười tuổi: bẽn lẽn, nhút nhát như con gái, sạch sẽ và nghịch ngầm. Lúc đó chắc mặt Demian chưa nhiều tàn nhang như bây giờ.

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN