Saturday 19 June 2010

Vừa đi đường, vừa kể chuyện (VI)

***
Buổi tối cuối cùng ở Chicago, nhà văn không biết uống cà phê và nhà thơ biết uống cà phê đồng lòng dẫn tôi đến một quán có tên Green Mill, âm mưu nghe jazz, nhưng như sẽ kể sau, đó sẽ là một âm mưu bất thành. Sau khi kiểm tra giấy tờ tùy thân chứng minh chúng tôi đều trên 18 tuổi, anh gác cửa cho chúng tôi vào. Nhà thơ và tôi gọi bia, còn nhà văn nằn nì một cốc sữa tươi mà không được bèn uống nước cam.

Quán này, nghe đâu dưới thời cấm bán rượu, là nơi bán rượu lậu và hang ổ gangster. Người ta còn bảo cột kèo bàn ghế trong đây hãy còn vết đạn bắn. Tuy nhiên, quán đông người, đèn thì nhập nhoạng nên tôi không có điều kiện kiểm tra thực chứng lời đồn đại này.

Jazz chỉ được chơi từ 11 giờ đêm trở đi. (Điều này chứng tỏ không có quy định yêu cầu các quán bar phải đóng cửa lúc 12 giờ, vì không ai chơi jazz một tiếng rồi đuổi khách về cả.) Chúng tôi đến sớm, tầm 8 giờ tối. Đêm nay, trước phần chơi nhạc sẽ là phần biểu diễn của một nhóm nhảy thiết hài, sau đó, tiết mục đọc thơ của một nhà thơ trẻ và một cuộc thi đọc thơ trong số khách ở quán.

Xưa nay, tôi chỉ được xem thiết hài trên tivi. Đây là lần đầu tôi xem trực tiếp. Cảm giác rất khác, rất đã, cứ như đi mưa mà không phải mặc áo mưa vậy. Đứng cách các nghệ sĩ chỉ vài bước chân, tôi có thể nhìn thấy từng nét mặt của họ, từng uốn éo hình thể, từng cú nhắm mắt, từng giọt mồ hôi rịn ra. Họ chỉ biểu diễn hai bài. Bài đầu, bốn nghệ sĩ mỗi người trình diễn một kỹ thuật khác nhau, người nhảy trên đầu ngón chân, người tung người lên không. Âm thanh phát ra từ gầm giày họ lúc rào rạt, lúc khoan thai, lúc trong như tiếng hạc bay qua, lúc đục như tiếng suối mới sa nửa vời. Bài thứ hai, sáu nữ nghệ sĩ nhảy trên nền nhạc Queen – vâng, Queen, ban nhạc yêu thích nhất của tôi mới chết chứ - bài Somebody to love. Trong khúc dạo đầu, điệu nhảy họ dịu dàng mơn trớn. Rồi nhạc nhanh dần lên, tiếng chân cũng thúc giục nôn nao, người xem bắt đầu lắc lư trong ngất ngây; một vài khoảng lặng lim dim rã rời, rồi lại bùng lên hối hả đẩy người xem lên đỉnh thống khoái. Và khi cả nhạc và âm thanh thiết hài đột ngột ngừng lại, tất cả người xem đều chính thức ngã lăn ra, bất tỉnh.

Tôi định viết thêm rằng xe cứu hỏa hụ còi từng đợt, cảnh sát rầm rập chạy vào khênh những người bất tỉnh ra xe, nhưng nghĩ bịa thế cũng đủ rồi. Dĩ nhiên, không ai bất tỉnh, không ai ngã lăn ra, nhưng khi viết những dòng này, trong đầu tôi vẫn còn âm vang tiếng thiết hài rạo rực hôm ấy.

Sau thiết hài là đọc thơ. Một nhà thơ Mỹ trẻ tuổi, quần jean áo sơ mi bỏ ngoài, một tay cầm chai bia, một tay cầm xấp giấy lên sân khấu. Anh gác chai bia xuống, gãi đầu gãi tai, rồi tự giới thiệu và đọc thơ. Anh đọc một số bài mới làm và một số bài trong tập thơ đã in của anh, có bài thuộc lòng, có bài nhìn giấy; khoảng giữa các bài, anh làm một ngụm bia và gãi đầu. Có một bài tên là Skin (Da), có những câu tôi nhớ lõm bõm thế này: Da/ bao bọc cơ thể ta/ Da/ trải ra ta sẽ có một tấm bản đồ/ Da/ mẹ ta cho ta/ nhưng khi ta lớn lên tế bào chết đi và sinh mới nên nó trỏ thành của riêng ta/ Da/ khi làm tình ta không nhớ là có nó. Một bài khác, dài, và khá ấn tượng anh bày tỏ sự bực tức khi các cô gái nói “Em yêu anh” dễ dàng như nói Hello hay How are you. Một bài có tên là The sex that could have been, và một bài khác, nói về sex giữa cây cối. Tôi có tập thơ của anh (cảm ơn nhà tài trợ!) nên để hôm nào tôi thử dịch một hai bài cho các bạn tham khảo.

Sau phần đọc thơ của nhà thơ này là phần đọc thơ của các khách ở quán. Có sáu người tham gia cuộc thi. Vòng một, mỗi người đọc một bài thơ của mình, được một ban giám khảo chấm điểm trực tiếp như cách ở ta chấm điểm Tiếng hát truyền hình, điểm được ghi vào khăn ăn và giơ lên, hai người điểm cao nhất vào vòng hai. Vòng hai, mỗi người đọc một bài nữa, và phần thưởng cho người chiến thắng là 10 đô. Những người lên đọc thơ đều tự tin, thoải mái, vung tay múa chân, gào thét thật là diễn cảm. Một số bài tôi hiểu, một số bài không. Bài đọat giải nhất thì tôi chả hiểu gì. Dù sao, với tôi, đó là một kinh nghiệm thú vị.
***

15 comments:

  1. Thế có ai đọc bài " Emyly ..." ko ???

    ReplyDelete
  2. mình cũng thích Queen bác Gỗ à, :)

    ReplyDelete
  3. Được nghe chuyện thiết hài thú vị thật! Phải cố tìm cơ hội xem một lần.

    ReplyDelete
  4. Uầy, nghe màn đọc thơ thi hay thế. Bên mình cũng có những bài thơ mà người nghe hong hiểu gì đấy. Có bạn nào gào thét xin chữ ký của người đạt giải nhất hong vậy :-D

    ReplyDelete
  5. Đoạn tả ở quán Green Mill này hay quá.

    Cảm ơn bác :)

    ReplyDelete
  6. hay thế nào bác, phiền bác nói rõ hơn được không để em còn phát huy?:))

    ReplyDelete
  7. hihi, đọc vụ thiết hài và đọc thơ buồn cười quá. Em thấy bảo ở Barcelona có một cái quán cũng như vậy, nhưng thay vì nhà thơ đọc thơ và ngâm thơ cho ta nghe, thì lại là những vũ nữ bốc lửa... trình diễn thơ :-))) Đó chính là đích đến của em sắp tới đây, hihi.
    Khoe các bạn trẻ trung khéo quá đi! :P (Z)

    ReplyDelete
  8. Hay vì đọc nghe rất sống động, nhiều cảm xúc...
    và có lẽ vì không có gì mỉa mai ngoại trừ tí ti vụ "12h".

    :) Viết tiếp nhé

    ReplyDelete
  9. Em thích cái bài thơ Skin, thật đấy :D

    ReplyDelete
  10. Huy Thanh thích vì nó gần gũi với kinh nghiệm của mình chứ gì!:)

    ReplyDelete
  11. Em hơi thắc mắc tí. Ở đây hình như chỉ có 2 nhân vật là nhà văn và nhà thơ thôi. Còn nhân vật "tôi" thì là nhà thơ, đúng không bác nhỉ?

    ReplyDelete
  12. viết hay quá đi!
    một lần xem HBO thấy tụi mỹ nhảy clacket hay quá.Mund được xem tận mắt đã thiệt.Kết câu "Cảm giác rất khác, rất đã, cứ như đi mưa mà không phải mặc áo mưa vậy."
    Nhà thơ mặc jean áo bỏ ngoài vừa cầm chai bia vừa gãi đầu vừa cầm giấy đọc thơ sao mà dễ thương quá!
    Bài skin hay lạ!
    Một ngày nào đó Mund viết văn chắc nhiều fan lắm đây.

    lh2501

    ReplyDelete
  13. ồ, không nhà thơ là nhà thơ, còn tôi là tôi đấy

    nhưng trong đọan trên có cả thảy ba nhà thơ (và một nhà văn):)

    ReplyDelete
  14. Bài viết nghe cũng có " mùi " Kiều " đấy nhỉ!

    ReplyDelete
  15. Dạ sao chữ Kiều lại trong ngoặc kép ạ?:) Trong như tiếng hạc bay qua/ Đục như tiếng suối mới sa nửa vời!

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN