***
Philip Roth là một trong những nhà văn đương đại hàng đầu Mỹ. Ông từng đọat giải Pulitzer với cuốn American Pastoral, nhiều giải thưởng văn học khác của Mỹ, và hình như ngấp nghé Nobel. Everyman là tiểu thuyết tương đối mới của ông, viết 2006.
Tôi có cảm giác đây không phải là cuốn xuất sắc của ông, mặc dầu vậy, vẫn nhận thấy cách viết của ông đáng nể. Ông thường viết những câu ngắn, cô đọng, chính xác. Trong một lần trả lời phỏng vấn, ông nói hình như ông đánh mất tinh thần hài hước. Hẳn đó chỉ là một cách nói, vì trong cuốn này, tuy hài hước không phải tinh thần chính, nhưng vẫn thấy đây đó Philip Roth đang nhếch mép.
Everyman mở đầu bằng đám tang của một người mà ta sẽ nhanh chóng nhận ra đó là nhân vật chính – một người đàn ông thành đạt trong nghề quảng cáo, có ba đời vợ, có hai con trai ghét ông như đào đất đổ đi - ghét đến nỗi khi ném nắm đất xuống huyệt mộ ông và chúc ông yên nghỉ cũng không thể hiện chút tình cảm nào trong giọng nói, một đứa con gái yêu ông và ông yêu hơn mọi thứ trên đời, và một số người tình. Everyman kết thúc bằng đoạn đối thoại giữa ông này và người đào huyệt trong nghĩa trang - người từng đào huyệt cho cha mẹ ông, và có thể sắp đào huyệt cho chính ông – và là một con người làm việc cần mẫn, chính xác, luôn đào những huyệt mộ “sâu sáu foot và đáy thật phẳng đến nỗi người ta có thể kê giường lên” một cách chuyên nghiệp và đầy tinh thần trách nhiệm, hệt như cách Roth viết một câu văn vậy.
Tôi đọc hết cuốn này khi bay từ Sài Gòn sang Tokyo. Hết truyện, tôi chợt nhận ra hình như Roth không đặt cho nhân vật chính của mình một cái tên, trong khi tất cả nhân vật phụ bao gồm ba bà vợ, hai anh con trai, một cô con gái, một ông anh ruột và một cô y tá kiêm tình nhân, tất cả đều có tên. Tôi chưa nhớ ra một cuốn tiểu thuyết nào khác trong đó nhân vật chính không có tên. Có lẽ đó là lý do tại sao Roth gọi tiểu thuyết này là: Everyman. Người đàn ông này có thể là bất kỳ người đàn ông nào khác: ích kỷ, nhiều đam mê, lắm lỗi lầm nhưng cũng thật sự chân thành.
***
Không có gì nhiều để nói về sân bay Narita, Tokyo, nơi tôi trải qua ba tiếng đồng hồ quá cảnh, một tiếng rưỡi trong đó dành cho việc làm các thể loại thủ tục giấy tờ và an ninh buồn chán.
Không nhộn nhịp như khu vực quá cảnh của sân bay Singapore hay Hong Kong, hoặc cũng có thể vì người ta đẩy tôi đến chỉ một góc nhỏ, phần của sân bay Narita tôi nhìn thấy khá lặng lẽ. Phải nỗ lực khá nhiều tôi mới tìm được một quầy nho nhỏ bán đồ lưu niệm, nước giải khát và thức ăn nhẹ. Tôi gọi một món ăn có hình chụp giống một tô mì gói, tên là miso ramen. Hóa ra đó là một tô bao gồm mì, măng, bắp hạt, một loại rau không rõ tên có vị là lạ, và một loại thịt không xác định. Hy vọng không phải thịt người. Không có bàn để ngồi ăn, chỉ có một quầy dài đủ cho bốn người gác khay đồ ăn lên và đứng đối diện nhau ăn cùng một lúc. Món mì ăn tạm được, hơi dư muối, chắc vì cả nước Nhật bao quanh bởi đại dương. Ngoài tôi mì này, tôi còn mua một cái bánh ngọt nhỏ. Có khá nhiều loại bánh ngọt ở đây và phải rất kiềm chế mới không mua hơn một cái. Các loại bánh của Nhật, ngon hay không chưa biết, nhưng đều được đóng trong bao bì xinh xắn, trông hết sức ngon mắt.
***
Từ Tokyo sang Chicago, tôi bay American Airlines. Cũng là hàng không Mỹ, nhưng American Airlines tốt hơn nhiều so với United Airlines, tuy nhiên tuổi tác và nhan sắc các tiếp viên hai hãng này thì tương đương: đại khái không dùng để ngắm, trừ khi bạn nhớ mẹ. United Airlines là cơn ác mộng cho những chuyến bay đường dài: ghế ngồi bé tẹo, không có chương trình giải trí cá nhân, và thức ăn thì ôi thôi tệ. Làm sao họ có thể nghĩ ra được việc cho hành khách trên chuyến bay xuyên đại dương ăn tối bằng một cái bánh quy và một ly mì bé bằng một phần ba ly mì ta vẫn thường thấy trên kệ các siêu thị? Bữa tối của American Airlines thịnh soạn hơn nhiều. Thường khi bay đường dài, tôi vẫn cố chén sạch những gì người ta dọn ra, phòng khi bao tử cồn cào bất chợt. Vậy mà, lần này, tôi chừa lại những nửa cái bánh mì tròn cộng với 1/3 miếng phô-mai hiệu Kiri! Riêng về món cà phê thì tôi vẫn nghĩ đã đến lúc cần truy tố các hãng hàng không – không chừa hãng nào – về tội dám gọi cái món nước nhờ nhờ nhạt nhẽo mà họ vẫn thường cho khách uống trên máy bay bằng hai từ cao quý: cà phê.
Nhân nói đến cà phê, tôi biết có một nhà văn nọ không uống cà phê. Thậm chí, nhà văn nọ không uống cả trà, không uống bia, không uống rượu, đến cả heroin cũng không dùng. Thế làm quái nào viết văn được, tôi bảo. Thay vì trả lời, nhà văn đi…đánh răng!
***
So với việc làm thủ tục nhập cảnh ở sân bay Los Angeles hay San Francisco, nơi luôn có những dòng người xếp hàng dài ngoằn ngoèo tưởng chừng bất tận, thì làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay O’Hare là một niềm vui – tất nhiên chỉ trong trường hợp mỗi ngày bạn cần chọn một và chỉ một niềm vui. Chỉ mất ba mươi phút, tôi đã xong thủ tục nhập cảnh, hải quan và lấy được hành lý. Nhưng mất một tiếng, tôi mới được đón. Mất hai tiếng nữa, tôi mới về được nhà của một bác (bác này tuy cho ở nhờ nhưng keo kiệt không cung cấp internet!:)). Trốn Sài Gòn sang tận Chicago mà vẫn không tránh khỏi kiếp kẹt xe. Điểm khác biệt so với kẹt xe ở Sài Gòn là ở đây xe nào vẫn giữ làn xe đấy, nên đường vốn có ba làn xe, khi kẹt xe vẫn chỉ có ba làn, không thành năm hay sáu làn hỗn hợp như ở Sài Gòn.
Chicago mùa hè, cây lá xanh mướt, không khí trong lành. Nhìn những công viên trải dài trong nắng, người ta chỉ muốn xỏ giày và ra đường chạy bộ. Rải rác đây đó là những khu trò chơi trẻ con với cầu tuột, xích đu, vòng thang xoáy leo trèo đầy ắp tiếng cười con trẻ. Nhớ hai bạn Alpha và Pi ở nhà. Đi chỉ mới ngày, mẹ hai bạn đã nhắn tin bảo con gái nói: “Con đã bắt đầu nhớ ba rồi đấy!”
Ramen girl c:
ReplyDeleteanh đi mạnh giỏi, thành công :)
xem sướng hơn cả xem WC!
ReplyDeletesang tư bản cái, font chữ, size chữ khác hẳn ra nhé :D (Z)
ReplyDeleteà, cái đoạn này tràn đầy tinh thần hài hước, đọc rất thích. Btw, nếu em ko nhầm thì có một số tiểu thuyết nhân vật chính cũng không có tên, hoặc tên chỉ được thể hiện bằng một ký hiệu, một chữ. Không nên truy tố em là tiểu thuyết nào vì chắc chắn bác đọc nhiều hơn. Nhưng lý giải của bác cho quyển Everyman mà bác kể trên chắc là có lý! (Z)
ReplyDeleteTên chỉ là 1 chữ thì thiếu gì. Ví dụ như các nhân vật K. của Kafka. Hoặc nhân vật T. của chị Thuận.
ReplyDeleteNhân vật không tên cũng không ít. Cuốn Blindness của Saramago (vừa được dịch ra tiếng Việt, vừa thấy sáng nay ở Đinh Lễ) tất cả các nhân vật đều không có tên. Trong cuốn Blood Meridian của Cormac McCarthy, nhân vật chính cũng không có tên.
Mình thì lại thấy cả đoạn đường từ sân bay TSN, sang đến chỗ quá cảnh và thậm chí là đến đích cũng không có gì là hay ho và thú vị cho lắm. Có chăng là do bạn GM biết cách kể chuyện / người đọc lỡ mết bạn GM. Mình chỉ quá sức...thích cái câu kết rằng là bạn con gái(hoặc có thể mẹ bạn) dù mới xa ba có 1 ngày mà đã bắt đầu nhớ. Đó mới là điều chính yếu.
ReplyDeleteĐọc thú vị thật. Mình chắc sẽ muốn đi mua ngay Everyman (mua ngay vì nếu để qua vài ngày sau thì ý thích trôi qua) :)
ReplyDeleteNghe kể các hãng HK thế thì có lẽ đồ ăn trên máy bay của Emirates của Tiểu VQARTN là đỉnh. Bữa chính là một khay đồ sộ, riêng salat cũng hai ba món (đồng thời chứ ko phải lựa chọn à nha). Món nào cũng tuyệt ngon không chê vào đâu được. Lana là kẻ biếng ăn mà còn phải choáng ngợp rồi chén sạch bách. Bên cạnh thấy ai cũng vậy luôn.
Sang đến nơi rồi à. Đi chơi vui vẻ nhé.
ReplyDeleteTrong quyển Xứ sở diệu kì tàn bạo ... của Murakami chẳng nhân vật nào có tên riêng hết, cả nhân vật chính. À, truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng cũng vậy, :D
ReplyDeleteMichael K. của Coetzee :)
ReplyDeleteSang Mẽo thì tranh thủ mua Indignation của Roth mà đọc, mới, gọn, sắc.
Mình tiên đoán các bạn Tuổi Trẻ sẽ lấy loạt bài này đăng lên báo haha.
Miso ramen ở sân bay tệ thế hả anh? Bên em, món đó ngon lắm. :D
ReplyDeleteCơ mà Everyman anh đọc bản tiếng Anh? Bản tiếng Việt "ngon" không anh? Cho em chút thông tin để em "bỏ ống heo" dần lần sau về vác bao tải đi mua sách. :D
Gái thích nhà văn "đánh răng" đó.
ReplyDeleteEveryman chưa có bản tiếng Việt, mà chỉ sắp có thôi :d
ReplyDeleteSao Nhã Nam không dịch cuốn nào nổi hơn của Roth như American Pastoral hay Human Stain?
ReplyDeleteÀ mà hôm nọ nghe bác Nguyên Ngọc bảo Philip Roth giống với Kundera. Mình thì thấy không giống lắm vì Kundera là 1 nhà văn đặc sệt châu Âu còn Philip Roth thì đặc sệt Mỹ Do Thái. Có giống nhau chắc là ở hai chỗ cả hai bác đều có vẻ ghét đàn bà và hay cho các nhân vật chính quan hệ tình dục rất thoáng với một cơ số phụ nữ. Đọc Philp Roth giai đoạn sau còn thấy ám ảnh về sự bất lực rất lớn, cái này xem ra lại có phần giống anh giai người Pháp có cái tên khó nhớ viết Hạt cơ bản và Mở rộng phạm vi đấu tranh.
ReplyDeletegiống làm sao được :)
ReplyDeletecó Humain Stain mà bác
Chờ mong những chuyện tiếp theo của lãnh tụ hị hị
ReplyDeleteChắc mẹ Alpha thay lời con gái muốn nói
ReplyDeleteOài, thế em mong anh Cao Việt Dũng sẽ dịch Everyman sang bản tiếng Việt. Mến mộ tài năng anh ấy đã lâu. :D
ReplyDelete@NhịLinh: Em đã nghĩ ngay tới Micheal K đấy, nhưng rồi thấy nó đã có chữ Micheal, hihi, hoặc là K hay W hay X gì đó thì vẫn có một cái ký hiệu để gọi nhân vật chính, chứ không phải kiểu chỉ gọi được là "nhân vật chính" đã thế này thế kia. Nhưng như chị Mỵ, anh Linh dẫn thì nhiều quá rồi. (Z)
ReplyDeleteLana: Mình không biết Nhã Nam có kế họach dịch Everyman hay không. Phải hỏi lại bạn NL. Hình như NN đang dịch mấy cuốn của Roth, không rõ cuốn nào.
ReplyDeleteVân Lam: Mượn blog GM bày tỏ tình cảm với CVD hả?:))
@GM: Bản tiếng Anh có dễ đọc không bác? nếu muốn thì ở VN có mua được không nhỉ?
ReplyDelete(Hỏi có dễ đọc không là vì hồi Lana đọc xong Summer's End của Danielle Steel mới À, hiểu rồi, nó là best seller đơn giản là vì dễ đọc, ai cũng đọc được :))
hic thiện tai thiện tai :d
ReplyDeleteWiFi ở McDonald's, nhiều, vài nơi có gác, yên tĩnh; cà phê uống được, rẻ hơn Starbucks
ReplyDeletehttp://www.mcdonalds.com/us/en/services/free_wifi.html
Bác Roth này có phải là bác mà cụ Nguyên Ngọc đã tuyên dương ác liệt trong hội thảo sách giới thiệu Vô tri thì phải? Như vậy sau chiến dịch Murakami, chiến dịch Kundera, những đứa kém tiếng Anh như em đang chờ chiến dịch Roth của các bạn =))
ReplyDeletegt
nhà văn đánh răng là nhà văn ở Chicago phải ko bác :P
ReplyDelete@GT: đúng bác Roth đó. Nhưng đọc Roth khó hơn đọc Kundera. Anh có vài quyển bằng tiếng Anh còn nếu em muốn đọc sách tiếng Việt thì chắc chờ một thời gian không lâu nữa (theo bạn Nhị Linh).
ReplyDeleteAlpha xếp 2 bức hình của mình và ba Vũ trên kệ ngay ngắn và cạnh nhau,còn tay ôm bức hình khác của ba. Nhìn yêu lắm. :x
ReplyDeleteCảm ơn bạn wifi có chỉ dẫn về wifi, bây giờ tôi đã sang Silicon Valley và ở khách sạn rồi nên kg phải lo lắng về vụ internet nữa.
ReplyDeleteLinh: Ở Chicago không nhiều nhà văn đánh răng lắm đâu:)
ReplyDeleteLana: Cuốn Everyman tôi mua ở Vn đấy chứ, tôi thấy không khó đọc lắm, nhưng chắc chắn khó hơn Danielle Steel
ReplyDelete@Goldmund: Nhà văn đó có biết uống rượu mà :D.
ReplyDelete