Tuesday 30 October 2012

Một đá hai chim

Chuyến đi Hà Nội chớp nhoáng này không đủ thời gian để ghé Đinh Lễ Nguyễn Xí. Tuy vậy, vẫn tha được một số cuốn về, nhờ lòng hảo tâm của một số nhân sĩ Hà Nội. Một trong số đó là cuốn  Bách khoa thư những người cứng đầu, kẻ phản kháng, nhà cách mạng do một người rất quen tên dịch. Sách bìa cứng, trình bày đẹp, do Kim Đồng ấn hành.




Lật vài trang, thấy có bài về thánh François xứ Assise. Thánh François đi từ Pháp sang Anh sẽ trở thành thánh Francis, sang tới Tây Ban Nha sẽ trở thành thánh Francisco (San Francisco), trở về bản quán Ý Đại Lợi sẽ thành gì chưa tra ra:). Trong bài về thánh François/Francis/Francisco trong cuốn này, có nhắc đến chi tiết khi còn trẻ François đã đọc "các tiểu thuyết về Arthur, hiệp sĩ Bàn Tròn" và có "ấn tượng mạnh với những phẩm chất của các chiến binh trong truyện ấy".

Ắt đây là lý do mà thánh Francis xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết Thị trấn Tortilla Flat của John  Steinbeck, bản dịch tiếng Việt sắp được [  ] phát hành, do một người hơi hơi quen tên khác dịch. Steinbeck lấy cảm hứng và sử dụng motif vua Arthur và các hiệp sĩ bàn tròn để viết Thị trấn Tortilla Flat, cuốn tiểu thuyết viết về các chàng paisano nát rượu (paisano: người mang dòng máu lai giữa Tây Ban Nha, Mexico, người da đỏ và dòng máu da trắng) - các chàng paisano này uống rượu đến mức bác Đàm Hà Phú chắc phải kêu bằng sư phụ:). Cuốn Bách khoa thư... còn nhắc tới chuyện thánh François nói chuyện với chim và khuyên răn chó sói. Chi tiết này cũng được nhắc tới trong Thị trấn Tortilla Flat  - một cuốn tiểu thuyết hết sức hài hước mà chẳng bao lâu nữa bản dịch tiếng Việt sẽ ra mắt:)) Nghe đâu là trong tháng 11.

Chiêu thức này chính là chiêu Nhất tiễn hạ song điêu:)

Friday 26 October 2012

Vài cuốn mới

1. Dịch thuật và tự do của Hồ Đắc Túc - mới tóm được hôm qua ở Fahasa Sài Gòn. Tác giả là tiến sĩ ngôn ngữ học đại học Monash, giảng dạy về dịch thuật ở Đại học Deakin. Cuốn này điểm qua các lý thuyết dịch thuật từ Tây sang Đông và bàn về phương pháp dịch văn chương, báo chí, thính thị và chuyên ngành. Sách trình bày đẹp, rõ ràng, mạch lạc dễ hiểu, gần giống như một tập bài giảng cho sinh viên ngành dịch thuật. Cá nhân tôi thấy rất bổ ích. Sách do Đại học Hoa Sen phối hợp với Phương Nam và NXB Hồng Đức phát hành.



2. Gái quê của Hàn Mặc Tử do Phương Nam ấn hành. Đây là văn bản in theo tư liệu của Hoàng Thị Kim Cúc, đánh máy lại từ bản đánh máy của nhà thơ Phan Văn Dật; ngoài phần thơ còn có các bài tưởng niệm của Đặng Tiến và một số tư liệu khác. Sách in đẹp và đó là lý do tôi mua cuốn này.


3. Sự nghèo nàn của thuyết sử luận của Karl Popper, Chu Lan Đình dịch, cuối cùng cũng vào được Sài Gòn. Sách thuộc loại phải mua nhưng từ từ đọc:)


4. Và cuối cùng là một cuốn sách cũ nhưng mới có được, đó là tập truyện ngắn của When I Was Mortal của Javier Marias, nhà văn Tây Ban Nha đã có vài cuốn in ở Việt Nam.  Tập này nhiều truyện rất thú vị, lại tương đối ngắn, khi nào quỡn sẽ dịch vài đường hầu các bạn:)




Thursday 18 October 2012

Họ đã nói về tiểu thuyết

"Họ" ở đây không phải là các nhà văn, mà là nhân vật của các nhà văn. Chẳng hạn, hãy đọc đoạn sau đây do nhân vật biên tập viên Komatsu trong 1Q84 nói, để biết trong 1Q84 không phải chỉ có tinh hoàn như có kẻ độc mồm nào từng bảo 1Q84 là "Tinh hoàn truyện":)

"Người đời đa phần không hiểu được giá trị thực sự của tiểu thuyết, nhưng lại không chịu lạc hậu với trào lưu. Hễ thấy có sách được giải trở thành tiêu điểm bàn tán là họ sẽ mua về đọc."

"Tengo à, cậu thử nghĩ xem: bầu trời chỉ có một mặt trăng, độc giả đã thấy không biết  bao nhiêu lần rồi. Phải vậy không? Nhưng trên trời cùng lúc hiện ra hai mặt trăng, cảnh tượng ấy chắc chắn họ chưa tận mắt nhìn thấy bao giờ. Khi cậu miêu tả một thứ gần như tất cả độc giả  đều chưa từng thấy bao giờ trong tiểu thuyết, thì không thể không cố gắng miêu tả cho kỹ lưỡng và chuẩn xác. Chỉ những thứ gần như tất cả độc giả đều từng tận mắt trông thấy mới có thể tỉnh lược, hoặc có thể nói là cần phải tỉnh lược."

Còn đây là lời của nữ tu trong Hiệp sĩ không hiện hữu:

"Nghệ thuật viết truyện là ở chỗ biết rút ra toàn thể phần còn lại của cuộc sống từ cái sự-không-là-gì-cả lĩnh hội được từ nó; nhưng khi trang viết kết thúc, thì cuộc sống lại lên đường, và ta nhận ra rằng những gì mình biết quả là một sự-không-là-gì-cả."

Thursday 11 October 2012

Văn như Vũ Bão


Nhà văn Vũ Bão khéo chọn bút danh. Tên sao văn vậy, ào ào như bão. Mở ra cuốn sách - tôi đang nói tới cuốn  hồi ký Rễ bèo chân sóng - ngay dòng  đầu tiên đã thấy ông tuệch toạc “Tôi là dân Thái Bình”, rồi đi luôn một đường nhạo chính dân Thái Bình nhà ông, từ chuyện dân Thái Bình cắm cờ trên nóc hầm De Castries (thực ra là “tác phẩm điện ảnh”), tới chuyện dân Thái Bình đi quá giang vào vũ trụ, sang chuyện Thái Bình, Thái trắng, Thái đen, trong ba Thái ấy Thái Bình phá rừng khỏe nhất. Ào ào như thế, ông cuốn ta đi cùng các câu chuyện của mình,  sôi nổi, rất nhiều hài hước, giàu tình cảm, và không ngại ngùng.

Tất nhiên, như  thường lệ, mỗi khi đọc hồi ký, ngoài cái thú vị do bản thân cuốn sách mang lại, còn có sự thú vị đọc nó trong mối liên hệ với với các hồi ký, tư liệu khác về cùng thời kỳ. Một ví dụ nho nhỏ, chẳng hạn nếu liên hệ với Hồi ký Phạm Cao Củng cũng mới được ấn hành trong thời gian gần đây, ta có thể có thêm một chút thông tin về nguồn gốc của chữ “truyện ba xu”.  Theo Phạm Cao Củng, quãng những năm ba mươi ông hay viết các loại truyện chưởng, kiếm hiệp được in thành từng tập nhỏ mười sáu trang, bán với giá ba xu ở các mẹt hàng xén cho dễ bán, và thực tế bán rất chạy; người ta thấy bán chạy nên mới dè bỉu gọi ấy là loại truyện ba xu. Trong Rễ bèo chân sóng, Vũ Bão nhắc lại đúng chi tiết ấy: “Mỗi tuần nhà sách bán một tập giá có ba xu nên loại sách đó được gọi là sách ba xu, các nhà văn viết những loại  sách đó được gọi là văn sĩ ba xu…”. Là người tếu táo, nên Vũ Bão không quên thêm rằng thời bây giờ “các nhà thơ bóp mồm bóp miệng chỉ ra ba triệu đi in thơ rồi đem thơ đi biếu được gọi là nhà thơ ba triệu.” Theo logic này, nhà thơ bỏ năm tỉ để vận động giải Nobel hẳn được gọi là nhà thơ năm tỉ.

Những người có mối quan tâm khác nhau sẽ tìm thấy trong cuốn hồi ký của Vũ Bão những chi tiết thú vị khác nhau - điều đáng nói là số chi tiết ấy khá nhiều, nếu thuật lại cả thì không bàn phím nào chịu xiết, chưa kể sẽ bị nhà sách Phương Nam tố cáo vì tội vi phạm bản quyền còn người đọc blog mà chưa đọc sách sẽ rủa xả bổn blog tội xì poi lờ. Ở đây, chỉ tóm tắt vài ví dụ, cho tròn một entry. Chẳng hạn, một người ưa sưu tầm sách tiền chiến như vua sách VHT hay bí thư đảng ve chai GGX sẽ rất quan tâm đến chi tiết một trong những cuốn sách của Lê Văn Trương in tại Nhà xuất bản Tân Dân trước 1945 thật ra là do con ông, Mạc Lân, viết. Lý do Lê Văn Trương ký tên là để nhận nhuận bút gấp đôi.  Người nào quan tâm đến ruộng ruộng đất đất sẽ thích thú với những trang viết về vai trò của các “đồng chí bạn” trong cải cách ruộng đất ở nước ta, một vấn đề mà Vũ Bão cho là rất tế nhị, liên quan đến quan hệ môi hở răng lạnh, mà ngay cả khi “răng cắn cả vào môi, chúng ta cũng không nhắc đến, lặng lẽ cho qua, coi như không có trong đời.” Còn người nào mê thơ, sẽ  có dịp đọc những câu thơ như thế này “ Đấu thằng đầu sỏ vừa xong/ Gặp kỳ giáp hạt làng Còng gieo neo/ Trong thôn đa số dân nghèo/ Sắn ăn thay bữa, ngô nhiều hơn cơm.” Cho dù đã biết Xuân Diệu có khả năng viết những bài thơ dở đến như Ngói mới, cũng vẫn rất khó tiêu hóa nổi sự thật đây là thơ của ông. Vũ Bão bình luận, đại ý, bài ấy mà ký tên Phạm Thế Hệ (tên thật Vũ Bão) thì đố nhà xuất bản nào dám in!

Vài đường thế thôi, cho quên nỗi thất vọng giải Nobel Văn chương năm nay, còn thì để các bạn đọc. Mua vui cũng được vài canh gà Thọ Xương!




Rễ bèo chân sóng, khuyến mãi đùi
  

Wednesday 10 October 2012

Trí nhớ suy tàn


Ngày xửa ngày xưa tôi có một trí nhớ cực oách. Đại để, tôi có thể thuộc hàng ngàn bài thơ của nhà thơ thời Thơ Mới, nhớ vanh vách kết quả các trận đấu của một vòng World Cup, thậm chí nhớ ai ghi bàn, và ghi bàn như thế nào v.v. Nhờ trí nhớ này mà tôi làm toán, kể cả đến năm 12, gần như bao giờ cũng 10 điểm, vì bài nào đã giải qua một lần là luôn nhớ cách giải:). Ngày nay,  khi bớt trẻ hơn ngày xưa, trí nhớ tôi suy tàn ít nhiều, thơ thẩn gần như quên hết sạch,  không nhớ năm rồi đội nào vô địch Serie A; tuy nhiên, trong tôi có những thứ không suy tàn lắm. Để cho rõ nghĩa, tránh mọi liên tưởng có tính thời sự, tôi xin nói là có những góc của trí nhớ không suy tàn lắm. Cụ thể, tôi nhớ rõ ai mượn mình cái gì mà không trả, đặc biệt mượn sách.

Ở đây, tôi sẽ không nhắc lại những chuyện như Bố Cu Hưng mượn mình bao nhiêu tiền không trả. Vâng, tôi không xấu xa đến nỗi nhắc lại chuyện Bố Cu Hưng mượn tôi ba mươi ngàn không trả. Vâng, phải biết giữ thể diện cho bạn, nên những chuyện như chuyện Bố Cu Hưng mượn tôi ba mươi ngàn đồng vào năm thứ tư đại học đến giờ vẫn chưa trả, tuyệt đối tôi sẽ không nhắc lại. Ấy nhưng, những chuyện như bạn Minh Trường, vừa mới gặp lại nhau trên FB sau nhiều năm không gặp, mượn tôi cuốn Mưa nguồn của Bùi Giáng, rồi cuốn sách ấy mãi mãi ra đi không bao giờ trở lại, thì tôi nhớ, nhớ lắm, nhớ mãi khôn nguôi. Nỗi nhớ ấy cắt sâu vào da thịt tôi, không biết phải bao nhiêu bia hòa mực nướng mới xóa nhòa. Thực ra, tôi cũng có thể đã quên, nhưng bạn ấy lại thò vào FB, kết bạn với tôi, nên bao nhiêu kỷ niệm lại ùa về, bò ra ngoài khung nhớ, chật chội cả màn hình máy tính. Bài học rút ra cho những ai từng mượn sách của tôi mà không trả, là đừng có kết bạn với tôi trên FB. Vả lại, chỉ tiêu bạn của FB của tôi là 500. Tới mức đó, thì cứ thêm một người là phải bớt một người; thực tế đã là như vậy.

Còn một bạn khác, không tiện nhắc tên, bây giờ phải là tiến sĩ rồi, cũng nhiều năm không gặp, từng mượn tôi cuốn Di cảo thơ Chế Lan Viên để làm luận văn. Ngờ đâu từ ấy bặt tin nhau, bặt luôn tin sách. Hic, hic, để giờ đây lao đao giữa muôn trùng nỗi nhớ tôi mong xiết bao một lần gặp lại để nhìn thật sâu vào mắt người, cầm tay người nếu có thể, và thân ái hỏi: Ê, sao bà không trả sách cho tui?


Tuesday 9 October 2012

Nobel Văn chương 2012

Sẽ được công bố vào thứ năm tuần này.


Ladbrokes continues to show Haruki Murakami as frontrunner, now at 2:1, trailed by Mo Yan, Alice Munro, and Péter Nádas at 8:1. William Trevor surged this week to 10:1.  Unibet shows Mo Yan in front at 5.3:1, with Murakami in second place at 8:1.  (Theo WWB)

Theo nhà cái Ladbrokes, Haruki Murakami  dẫn đầu bảng cá cược, theo sau là Mạc Ngôn, Alice Munro, Peter Nadas, Willliam Trevor.


Murakami và Mạc Ngôn đã được dịch rất nhiều ở Việt Nam. Tôi vẫn không nghĩ hai vị nảy có thể đoạt giải, nhất là Mạc Ngôn.


Alice Munro - đã có tập truyện Trốn chạy được dịch. Nếu bà đoạt giải, hy vọng tập Trốn chạy sẽ được chú ý hơn. Tới bây giờ hình như chỉ có mỗi một bài review Trốn chạy của Trần Quốc Tân trên một tạp chí xinh xắn ít người biết. Tuy nhiên, nếu Alice Munro đoạt giải, thì có nghĩa là ủy ban chấm giải đã đi ngược lại với ý chí của blogger 5xu.


Peter Nadas - hình như chưa dịch.


William Trevor - hình như cũng chưa dịch cuốn nào nốt.


Trang này  các mọt sách khắp thế giới đang sôi nổi dự đoán. Kadare (tác giả Viên tướng của đạo quân chết), Philip Roth (Người phàm), Kundera, và Ngugi wa Thiong'o  (the River in Between) là những cái tên hay được nhắc tới.



Saturday 6 October 2012

Thóc mách quần hồng





Sáng  ra khỏi nhà, xin phép vợ cho  đi thóc mách quần hồng. (Bác nào chưa biết thóc mách quần hồng là chi, có thể mở trang 12 cuốn Hiệp sĩ không hiện hữu ra tham khảo.) Kết quả không thóc mách được quần hồng nào, chỉ toàn thóc mách chuyện /sách/, bán được mấy cuốn sách, mua được mấy cuốn sách. Toàn sách với sách.  Trong số mấy cuốn mới rinh về có Lời bộc bạch của một thị dân. Tên tuổi của Marai Sandor là một bảo chứng  cho cuốn sách, nhưng kể cả không thích hay không đọc được Marai Sandor đi chăng nữa, không thể không phải lòng cái bìa - một trong những bìa sách đẹp nhất Nhã Nam từng có. Đây là loại sách vì một cái bìa mà  ta có thể mua nguyên cả một cuốn sách. Tại sao không chứ, khi người ta có thể vì  một lúm đồng tiền mà cưới nguyên một cô vợ. Tuy vậy, mọi so sánh chỉ  có tính chất tương đối, vì có thể mua rất nhiều sách về chất quanh nhà, chứ không thể làm như thế với vợ.

Nói về mua sách, sáng nay có một bạn tỏ ra ngại ngần khi chưa thể thanh toán hết số sách mình đang có. Tất nhiên ấy là một ngại ngần chính đáng. Cách đây năm năm, tôi cũng mang một tâm thế y như vậy, và, để cho sang trọng, có thể nói, y như Walter Benjamin. Trong bài “Unpacking My Library”, Benjamin kể chuyện nhiều năm trời, kệ sách của ông mỗi năm chỉ dày thêm độ vài inch, vì  ông không cho phép thêm vào đó bất cứ một cuốn sách nào chưa được  ông xác nhận “Đã đọc.”  Kệ sách khi đó, với ông, chỉ là kho chứa những cuốn sách đã đọc rồi. Nhưng một ngày đẹp trời, sau khi đi uống cà phê ở Nhã Nam Thư hùng quán về, ông/bà bỗng nhận ra mua sách và đọc sách  không nhất thiết là hai việc liên quan khăng khít với nhau.  Người ta có thể mua một cuốn sách chỉ vì cái bìa, vì muốn trọn bộ tác giả, vì nếu không mua bây giờ có thể ngày mai không còn để mua (trường hợp cuốn Em làm ơn mua đi được không là một ví dụ điển hình), vì một chữ ký thiếu nét, hay cũng có thể, chỉ vì cuốn sách xếp nhầm trang.  Đến lúc đó, như Benjamin đã nói, người ta đã từ chỗ vẩn vơ trên những ngõ hẽm tiến ra đại lộ tích lũy sách.

Và, trong một thời đại khi cơn mưa cũng khước từ sự độc tài, đọc sách không nhất thiết là việc chăm chú đọc từ bìa một đến bìa bốn cuốn sách, không bỏ qua cả một dấu chấm phẩy.  Trong một số trường hợp,  đọc một cuốn sách có thể, và chỉ nên là, đọc tất cả các dấu chấm phẩy trong cuốn sách ấy.  Đọc theo chiều dọc, đã đành, nhưng hãy thử các phương cách khác: Đọc từ sau ra trước, chỉ đọc các chương lẻ, chỉ đọc các cụm từ viết hoa hoặc in nghiêng, đọc năm cuốn sách cùng một lúc, đọc như tra từ điển, đọc như nghịch mạng internet, chỉ đọc những chương viết về các hòn đảo của nước Lào, chỉ đọc nửa trên của các trang, chỉ đọc nửa dưới của các trang, chỉ đọc phần chú thích, chỉ đọc những chỗ tác giả trích dẫn người khác, không đọc gì  khác ngoại trừ gáy sách… Chớ nên giới hạn mình ở bất cứ một khả năng nào. 

Tuesday 2 October 2012

Trời hết mưa, và cơ hội của đọc


Hôm nay trời đã hết mưa, may quá. Trời mưa, ngồi nhà sến, trong khi bao người lặn lội đúng nghĩa lặn và lội trong mưa, dưới mưa, thực là không phải lắm. Hôm qua làm về, ngang cầu Rạch Chiếc - cầu mới khai trương cách đây hai, ba tháng - thấy  hàng trăm xe dồn dưới chân cầu. Tưởng tai nạn, hóa không phải, mà vì ngập nước, xe chết máy hàng loạt. Mưa tầm tã, mà xe chết máy, thật không vui sướng gì. Làm dân khổ lắm, phải đâu chuyện đùa. Chẳng những khổ, mà còn khó nữa. Hở tí bị mắng.

Trời hết mưa, tôi cũng vừa xong một dự án nho nhỏ. Thật ra chưa xong hẳn, nhưng có thể thong thả đôi chút, có nhiều thời gian đọc hơn.  Đã kịp đọc khoảng một phần ba số chương của cuốn du ký Phương Đông lướt ngoài cửa sổ. Du ký hẳn là thể loại dễ viết nhưng khó hay. Cứ đi, thể gì cũng có chuyện để kể. Nhưng chỉ đơn thuần kể đôi ba câu chuyện cho dù duyên dáng một tí, hóm hỉnh một tí, exotic một tí, thì cũng chỉ mới là đọc được.  Nói chung trong thể loại này tới giờ tôi vẫn chịu nhất là Kaspucinski - các du ký của ông đầy tính chất khơi gợi.

Đang có rất nhiều thứ để đọc, nhưng cuốn hiểm nhất, mà cũng thuộc loại thú vị nhất là cuốn Tuyển dịch  tập hợp các bài dịch rải rác của Nguyễn Khánh Long.  Đối chiếu tiểu sử, một số chi tiết cá nhân, thời điểm mất, thì tôi có nhiều cơ sở để đoán rằng Nguyễn Khánh Long rất có thể là người từng thường xuyên để lại các comment duyên dáng, uyên bác trên blog này và blog NL.

Trích một đoạn trong bài “Ca ngợi tiểu thuyết” của Carlos Fuentes trong cuốn này:

“… Tôn giáo thì độc đoán. Chính trị thì nặng ý hệ. Lý trí thì phải lô-gich. Nhưng văn chương có quyền mập mờ.

Sự mập mờ trong một tiểu thuyết có lẽ là một cách để nói với ta rằng, bởi lẽ các tác giả (và do đó chính quyền uy) không tin cậy được và có thể cắt nghĩa bằng nhiều cách, thế giới cũng thế mà thôi. Vì thực tại không cố định, mà luôn thay đổi. Ta chỉ có thể tiếp cận thực tại nếu ta thôi cho rằng đã dứt khoát định nghĩa nó rồi. Nhưng sự thực một phần một tiểu thuyết  đưa ra là một tường thành ngăn chặn những lạm dụng giáo điều. Chứ tại sao các nhà văn, bị coi là yếu đuối và vô nghĩa trên bình diện chính trị, lại bị các chế độ toàn trị truy hại, như thể họ thực sự quan trọng?”

Câu cuối làm nhớ tới Salman Rushdie.  Sắp tới nhất định phải rước cuốn Joseph Anton của ông. À, mà tại sao Nobel Văn học năm nay không về tay Rushdie nhỉ?  Xét cả về thể loại ( tiểu thuyết vs. thơ), châu lục (Á vs. Âu/Mỹ), và cả chính trị, rất có thể năm nay là năm của Rushdie.



Hình bác Nguyễn Khánh Long trên bìa, trông thật hiền

Monday 1 October 2012

Trời mưa, hay cơ hội của sến


Trời mưa, nếu không phải đang lặn ngụp ngoài đường, người ta rất dễ sến. Mười chín, hai mươi tuổi, người ta có thể sến như thế này:

Trời mưa đến nỗi làm thơ được
Trái đất rong rêu ngàn sợ buồn

Hai câu kế là gì, thằng Bố Cu Hưng chắc còn nhớ. Thằng này trí nhớ cực tốt, nhớ thơ của khắp bạn bè, thơ càng sến, càng nhớ dai. Thỉnh thoảng, nó nhắn vào điện thoại mấy câu thơ của một thời ốm đói, hay gặp nhau nó lôi thơ ra đọc, đứa nào cũng tưởng nó chỉ thuộc thơ mình. Dè đâu là tạng nó sến nên thơ hễ sến là nó nhớ.

Thời không phải mười chín, hai mươi nữa, trời mưa vẫn làm người ta chùng lòng, lôi đĩa Tuấn Ngọc hát Vũ Thành An ra nghe cho lòng chùng thêm chút nữa. Nhớ. Nhớ những ngày mới vào đại học, với mấy thằng bạn ốm, hay ngồi co ro trên những chiếc ghế xếp trong mấy quán cà phê cạnh trường, mưa lướt thướt và khói thuốc hình như cũng ướt (khói thuốc từ mồm mấy thằng bạn, chứ mình tập tọng rồi ho sặc gạch nên chẳng đua đòi).  Đứa nào thời ấy cũng có vài cuộc tình u uất, hoặc cố làm cho u uất. Chẳng bao giờ hiểu nổi câu “ Đời con gái cũng cần dĩ vãng/ mà em tôi chỉ còn tương lai”,  “còn tương lai” mà sao thê thảm thế, huống gì mấy thằng sinh viên kiết xác, tiền cà phê có khi không có trả, nghĩ gì tới tương lai.

Trời mưa, lôi Sông ra đọc lại. Sông thì không sến, nhưng mưa nhiều quá, nước chảy nhiều quá, đường sá thành sông cả, đọc lại Sông không phải hợp lắm ru. Đọc Sông lần thứ nhất, thấy văn đúng là văn Tư, gọn ghẽ, chỉn chu vào hàng bậc nhất trong các nhà văn Việt Nam đương đại, nhưng sao không thấy đã, mà thấy thiếu thiếu cái gì. Đọc Sông lần thứ hai, thì biết, hóa ra không thiếu, mà thừa. Không phải thừa câu, thừa từ, hay thừa chuyện, mà thừa mồi. Đây là mồi, ví dụ: “Cậu nhớ mình cũng đọc đâu đó chuyện đàn chim sẻ  bay về dùng mỏ nhổ cỏ trên mộ ông vua hiền lương thương dân như chưa con. Giờ chim sẻ thà đi nhặt cơm thừa ở sàn nước còn hơn, vì kiếm đâu ra những ông vua kiểu vậy.” Ví dụ nữa: “Em bé gằn giọng chữ giặc, mắt vằn những tia máu.  Con nít con nôi hỉ mũi chưa sạch mà ai bày đặt cho nuôi oán thù chi.” Mồi như vậy trong Sông nhiều lắm, toàn mồi ngon, làm status Facebook rất sướng. Nhưng mồi ấy hợp với món tản văn hơn. Mặc dù vậy, vẫn thích Sông, và khoái cú biên tập (của ai?) từ cái tựa ban đầu Đầu sông cuối bãi thành nhõn Sông, đưa Sông ra khỏi quỹ đạo êm đềm bốn chữ của những Ngọn đèn không tắt, Khói trời lộng lẫy, Yêu người ngóng núi, Cánh đồng bất tận, Gáy người thì lạnh

Trời hết mưa. Chuyển sang đọc Phương Đông lướt ngoài cửa sổ, à, hay đọc cho xong Ba phụ nữ can đảm đã?

Post cuốn này cạnh tranh với Mr. TV:) Cũng sách second-hand nhưng như mới.



BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN