Thursday 20 December 2012

Mỗi độc giả là một dịch giả

Dưới đây là trích dịch từ lời giới thiệu trong tập  The Craft of Translation do John Biguenet và Rainer Schute biên tập. Tiêu đề entry do bổn blog tự bịa.

"“Đọc, đã là dịch.” Trong quá trình đọc, người đọc được cấy vào khí quyển của một tình huống mới mà tình huống ấy không dựng nên chỉ một thực tại xác định rõ ràng, mà đúng hơn là dựng nên các khả năng về nhiều thực tại khác nhau. Đọc, là tái lập sự bất định của chữ, cả như một hiện tượng tách biệt, lẫn như một khả năng ngữ nghĩa của một câu, đoạn, hay ngữ cảnh của toàn bộ tác phẩm.  Việc tái phát hiện ra sự bất định đó trong mỗi chữ tạo nên thái độ ban đầu của người dịch.  Đọc, trở thành việc tạo ra nghĩa mà không phải là mô tả của những nghĩa đã được cố định. Văn bản văn chương giàu tính tưởng tượng đặt người đọc giữa nhiều thực tại cần được giải mã và điều chỉnh đến những góc nhìn cụ thể mà người đọc mang đến cho văn bản. Hành vi đọc nên được xem là sự tạo ra các bất định, như là động lực hướng đến quá trình ra quyết định, như là sự khám phá ra những mối tương giao có thể nghiệm thấy được nhưng không thể mô tả được bằng một thứ ngôn ngữ hướng-nội-dung.  Trong quá trình dịch không có các câu trả lời xác định, mà chỉ có những cố gắng chạm đến các giải pháp để phản hồi cho các trạng thái bất định tạo ra do sự tương tác giữa trường ngữ nghĩa và âm thanh của chữ.  Đọc, là cổ xúy cho việc tạo ra nghĩa thông qua những câu hỏi trong đó khả năng của một câu trả lời  lại dẫn đến một câu hỏi khác: Còn nếu.. thì sao?

Đọc, là chuyển hóa văn bản, và trong khi cấy văn bản vào môi trường của một ngôn ngữ mới, dịch giả tiếp tục quá trình chuyển hóa đó. Không có chuyển hóa thì không có dịch; có lẽ đó là lý do tại sao trong việc chuyển dịch các tác phẩm văn chương, dịch từng chữ một chưa bao giờ thành công. William Weaver tán đồng sự bất định này khi viết: “Sai lầm tệ hại nhất của dịch giả là cứ tự trấn an mình bằng cách nói “bản gốc nói đúng như thế”, và không chịu vật vã để làm hết mình. Chữ trong bản gốc là chỉ là điểm xuất phát; dịch giả phải làm nhiều hơn việc chỉ chuyển tải thông tin (ý nói dịch giả văn chương).”  [William Weaver là người dịch nhiều tác phẩm của Italo Calvino và Umberto Eco từ tiếng Ý sang tiếng Anh.]

Tuy nhiên, chữ đóng vai trò khởi phát việc đọc và quá trình diễn dịch mà rốt cuộc sẽ dẫn đến hành vi dịch. Dịch giả, trong hành vi đọc, tương tác với chữ theo một cách nhất định. Họ tái khảo sát chữ về phương diện chức năng ngữ nghĩa và văn hóa của chúng. Gregory Rabasa mô tả cường độ mà một dịch giả tiếp cận văn bản: “Tôi luôn cho rằng dịch, về cốt lõi, là cách đọc sát nhất mà người ta có thể tiến hành đối với một văn bản. Dịch giả không thể phớt lờ những từ “kém quan trọng”, mà phải cân nhắc từng ly từng tí một.”

Friday 14 December 2012

Tản văn của một người đọc sách


Chúc mừng Nguyễn Vĩnh Nguyên ra sách mới với cái tựa không thể dài hơn: Tản văn Nguyễn Vĩnh Nguyên - Tivi, xe máy, nhạc chế, chày cối, karaoke, tăm xỉa răng và những thứ khác.  Bổn blog có duyên đọc được tập tản văn trước khi nó ra lò, và vì cả nể [cho nên sự dở dang*] nhà sản xuất nên liều mình như chẳng có múa đôi lời giới thiệu sách của bạn. Chẳng may tác giả có không hài lòng chỗ nào cũng xin lượng thứ:)

Tản văn của một người đọc sách

Trong một thế giới ngày càng bị xô lệch bởi internet và các phương tiện nghe nhìn, sự thất thế của sách thể hiện rõ ngay trên… các trang báo! Trong số hàng trăm đầu báo ngày, tuần, tháng trên cả nước, không quá nhiều tờ dành đất và dành sự chăm chút cho sách như Sài Gòn Tiếp Thị - một trong hiếm hoi báo có mục điểm sách nghiêm túc và đầy đặn. Người chủ lực đằng sau nỗ lực đáng quý ấy là tác giả của tập tản văn ta đang cầm trên tay - Nguyễn Vĩnh Nguyên.

Gần như đều đặn hàng tuần, ta đều thấy Nguyễn Vĩnh Nguyên xông pha giữa thế giới sách: khi là vài mẩu tin sách, khi là bài phỏng vấn một tác giả hay dịch giả của một cuốn sách mới ra lò. Nhưng thường hơn cả là các bài điểm sách - rất nhiều trong số đó là bài viết về các cuốn sách nặng ký cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, như Vũ trụ của Carl Sagan, Đường sống của Lev Tolstoy hay Adolf Hitler - Chân dung một trùm phát xít của John Toland.  Để viết từng ấy bài điểm sách, hẳn nhiên Nguyễn Vĩnh Nguyên đã đọc rất nhiều, trải rộng qua nhiều lĩnh vực văn học, văn hóa, lịch sử, địa lý .v.v.

Vì sao lại nói tới một vai trò khác của Nguyên trong lời giới thiệu tập tản văn này? Là vì, cầm tập sách này trên tay - nói chính xác là tiếp xúc với bản thảo của tập sách này trên máy tính - và đọc qua, ấn tượng đầu tiên của người viết bài này là, đây là văn của một người đọc sách rất nhiều - và là dạng đọc có gạch chân, bôi vàng, ghi chú, chứ không phải đọc qua loa. Trong hai mươi lăm bài tản văn trong tập, gần như bài nào Nguyên cũng trích dẫn một cuốn sách nào đó - cho dù đó là khi Nguyên khảo sát cái “tư duy mặt bằng” của người Việt, hay khi anh bình luận truyền thống cà phê quán cóc của dân Sài thành, hay làm một cuộc trò chuyện trên yên xe máy. Các trích dẫn ấy, với một liều lượng vừa phải: không quá nhiều đến nỗi làm bạn đọc hoa mắt, không quá ít để có thể bị rơi vào cảnh vô tình mượn ý người khác, đã mang đến cho tản văn của Nguyễn Vĩnh Nguyên một chút riêng. Chút riêng ấy, thiết nghĩ, là điều quan trọng, nhất là trong thời đại mà hầu như ai cũng có thể viết “tản văn” dưới dạng note trên Facebook hoặc entry trên blog.

Với cái nền đọc vững vàng đó, Nguyễn Vĩnh Nguyên, qua các bài viết trong tập này, đã làm một cuộc khảo sát đời sống văn hóa Việt hiện đại với nhiều phát hiện khá thú vị. Ở quán karaoke, Nguyên nhìn thấy người ta ghé sát vào tai nhau để nói chuyện vì âm lượng quá to cũng là một cách để hóa giải mâu thuẫn (bài “Karaoke, văn và cảnh”).  Lý giải cho “nhạc chế”, Nguyên lần ngược về những ngày đầu tân nhạc và trích dẫn bài “Bài ta theo điệu Tây” của Phạm Duy để chứng minh rằng “nhạc chế” ngày nay, ví dụ bài rất nổi tiếng “ Hà Nội mùa này phố cũng như sông” nhại theo “ Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa” là có truyền thống!  Hay ở một bài khác, “Người Việt ngậm tăm”, Nguyên dẫn cả Xa lộ từ điển trên mạng lẫn Freud để truy tận gốc thói quen ngậm tăm của người Việt. 

Chỗ này chỗ khác, người đọc có thể đồng ý hay không đồng ý với Nguyễn Vĩnh Nguyên trong cách anh lý giải, luận bàn văn hóa Việt của thời hiện đại. Tuy nhiên, một điều có thể chắc chắn rằng, những bài viết trong tập sách này sẽ mang lại cho người đọc những giây phút thú vị.

Sài Gòn 24/11/2012
LVT

(LVT tức Lâm Vũ Thao chứ không phải Lâm Văn Thao. Đã viết tắt tên rồi mà bị một số người đổi tên cho nên phải đành "nói lại cho rõ":)


* Thơ Hồ Xuân Hương:
Cả nể cho nên sự dở dang
Nỗi niềm chàng có biết chăng chàng
Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc
Phận liễu sao đà nẩy nét ngang



Wednesday 12 December 2012

Trái tim bạc nhược - bức tranh ghép về cuộc đời


Bạn có một bí mật? Tốt. Lời khuyên dành cho bạn là đừng chia sẻ điều đó với bất kỳ ai, kể cả, và nhất là, cho những người bạn yêu thương nhất. Hãy giữ nó lại cho riêng mình, vì chẳng thể lường trước được hiểm nguy nào có thể xảy ra khi bí mật đó được tiết lộ. Thật ra, đây là lời khuyên của một ông bố dành cho cậu con trai mới lấy vợ. Ông bố là Ranz, và cậu con trai là Juan, hai nhân vật trong cuốn tiểu thuyết Trái tim bạc nhược của nhà văn Tây Ban Nha Javier Marías (Lê Xuân Quỳnh dịch, Bách Việt và NXB Phụ Nữ 2010).

Trái tim bạc nhược mở đầu bằng một vụ tự sát trong phòng tắm của một cô gái vừa mới đi hưởng tuần trăng mật trở về - cô gái ấy là vợ thứ hai của Ranz và là bác gái của Juan. Ngay kế đó, thời gian của chuyện kể nhảy hơn bốn mươi năm, đến cuộc đàm thoại giữa hai vị lãnh đạo cấp cao của Tây Ban Nha và Anh - cuộc đàm thoại mà nhờ đó Juan, với tư cách người phiên dịch, quen với Louisa, người sau này trở thành vợ anh. Từ thời điểm đó, thời gian của câu chuyện, qua lời kể của Juan, liên tục xáo trộn, xen kẽ giữa những chuyến đi của Juan. Đến gần cuối sách, Juan mới tìm hiểu được bí mật về cái chết bác gái - và từ đó soi rọi vào đời sống hôn nhân của chính mình.

Với cấu trúc như thế, Trái tim bạc nhược có dáng vẻ của một bức collage - một bức tranh ghép thành từ nhiều bức tranh nhỏ hơn, đính lại với nhau bằng một số chi tiết. Một trong những chi tiết đó là hình ảnh Juan gẩy tàn thuốc lên tấm khăn trải giường mà vợ anh đang nằm. Bố Juan, tức Ranz, cũng đã làm tương tự như thế với người vợ đầu tiên của mình mà hậu quả của hành vi đó cực cùng khốc liệt, không chỉ ở thời điểm hành vi đó diễn ra. Một hình ảnh trở đi trở lại khác ở nhiều chỗ khác nhau trong tác phẩm đó là hình ảnh chỗ dựa: “chúng ta chỉ thật sự cảm thấy có chỗ dựa lưng khi có người khác ở phía sau mình.” Những đoạn viết về chiếc gối trong đời sống vợ chồng cũng có tác dụng đính kết tương tự.

 Trái tim bạc nhược đầy ắp những quan sát tinh tế đến nỗi ta có cảm giác tác giả chẳng bao giờ bị cuộc sống cuốn trôi, rằng cuộc đời tuy có xôn xao đến thế nào chăng nữa thì tác giả vẫn giữ một sự tỉnh táo, một khoảng cách cần thiết để rút ra những đánh giá, nhận xét lạnh lùng và đau đớn nhất. Ở một chương gần đầu cuốn sách, khi nhắc đến những người đến chật quảng trường lớn để tung hô Franco, nhà độc tài đã có công làm cho Tây Ban Nha trở thành một trong những quốc gia lạc hậu nhất châu Âu, Javier Marías cho nhân vật của mình nhận xét rằng những người ấy thực sự yêu mến Franco. Tại sao? “Bởi vì trước đây, suốt mấy chục năm họ đã bị bắt buộc làm việc đó. Yêu mến cũng là một thói quen mà.” Ở một đoạn khác, Javier Marías bình luận về trí tưởng tượng: “Có trí tưởng tượng sẽ tránh được nhiều tai ương, ai tự tưởng tượng ra cái chết của bản thân thì sẽ ít khi tự sát, ai hình dung ra cái chết của người khác thì hiếm khi trở thành kẻ giết người...” Quả đúng như thế.

Có thể nói, Trái tim bạc nhược là một tiểu thuyết về những điều bí mật, nhưng cũng có thể nói đây là một tiểu thuyết về đời sống hôn nhân, là một truyện vụ án, là một cuốn sách mang những ẩn ý về chính trị. Trên hết, đây là một tiểu thuyết về cuộc đời. Dĩ nhiên, đây là một mệnh đề mơ hồ, mang tính “ba phải”, vì bất cứ tiểu thuyết nào, nếu thực sự là tiểu thuyết, cũng đều là cuốn sách về cuộc đời. Sự khác biệt chỉ nằm ở chỗ hời hợt hay sâu sắc, nhàm chán hay giàu tính khám phá - tương tự như danh xưng “người đàn bà hát” vốn chỉ dành cho một số rất hiếm hoi phụ nữ lấy hát làm lẽ sống.

Trái tim bạc nhược đã đoạt nhiều giải thưởng quốc tế, trong đó có giải thưởng rất uy tín IMPAC Dublin - giải thưởng từng được trao cho các tác phẩm như Tên tôi là đỏ của Orhan Pamuk hay Hạt cơ bản của Houellebecq  - vào năm 1997. Trái tim bạc nhược nói riêng cũng như Javier Marías nói chung xứng đáng được độc giả  Việt Nam tìm đọc nhiều hơn.

                                                                                           

Saturday 8 December 2012

Tùng Dương thỏa hiệp hát tình ca


Trong đêm diễn của mình tại Nhà hát Bến Thành, Tùng Dương có kể anh nhận được thư của một “crazy fan” 65 tuổi, nói rằng đại ý rất thích Tùng Dương nhưng chỉ những khi anh hát những bản tình ca dịu ngọt, chứ những khi anh hát những bài “lên đồng” thì chịu thua. Ắt hẳn, Tùng Dương đã nghe được nhiều nhận xét tương tự như thế, nên anh quyết định làm một show diễn có tên là Tùng Dương hát tình ca; nhưng ắt hẳn, anh cũng biết đâu là thế mạnh của mình, nên rốt cuộc đêm nhạc của anh là một sự thỏa hiệp.

Anh chia đêm nhạc của mình ra thành hai phần: phần đầu tình ca với các ca khúc của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Lam Phương, Nguyễn Văn Tý.v.v; và phần hai là những ca khúc mà anh tự gọi là “lên đồng”. Ở  phần đầu, khó mà chê là Tùng Dương hát tồi, nhưng rõ ràng cảm xúc anh mang tới cho người nghe là quá ít. Những ca khúc anh trình bày, như Nhìn những mùa thu đi, Mùa thu cho em, Dư âm, Một mình .v.v đều là những ca khúc từng rất nhiều người hát, và cũng nhiều người đã để lại tên tuổi của mình với những ca khúc ấy mà Tùng Dương trong nỗ lực chiều lòng một bộ phận người nghe đã không mang lại điều gì mới mẻ hơn. Thành công nhất trong phần này có lẽ là bài Ngậm ngùi (nhạc Phạm Duy, thơ Huy Cận) cũng là bài mà Tùng Dương “để sổng” một chút chất quái lẫn vào.

Có cảm giác với những bản tình ca, đặc biệt với những sáng tác trước 75, Tùng Dương đã phải khổ sở để ghìm giọng hát luôn có khuynh hướng bất kham của mình vào khuôn khổ. Sang phần hai, được tháo tung các ràng buộc, Tùng Dương mới như cá trở về với nước, tự do tung tẩy với những bài hát đúng chất của mình. Cái cách anh tung tăng khắp sàn diễn với Chiếc khăn piêu (Doãn Nho), hay ngẫu hứng không nhạc đệm với Trên đỉnh phù vân (Phó Đức Phương), hay nhập đồng với Mưa bay tháp cổ cho thấy điều đó. Ở phần này, Tùng Dương mới lại là Tùng Dương với những bài hát làm nên tên tuổi, bản sắc của anh, một Tùng Dương từng chứng tỏ khả năng đóng đinh tên mình lên những ca khúc như Ôi quê tôi (mà đàn chị Thanh Lam hát cũng không qua nổi anh), hay Quê nhà - ca khúc mà một ca sĩ gần như lúc nào cũng tinh tế là Trần Thu Hà cũng không thể nào làm người nghe rợn da gà như Tùng Dương. Với những bài này, chẳng những Tùng Dương hát phiêu, quái, bốc hơn, mà giao lưu với khán giả cũng tốt hơn và nói năng cũng tự nhiên hơn.

Chương trình của Tùng Dương còn có sự góp mặt của Nguyên Thảo và Thanh Lam. Nguyên Thảo mang đến chút tươi tắn cho bài Mùa thu cho em (Ngô Thụy Miên - song ca với Tùng Dương), nhưng khi hát Đưa em tìm động hoa vàng (Phạm Duy) thì cô chỉ chứng tỏ mỗi một điều là cô trả bài tròn trịa (đây là lối nói giảm khinh cho “hát chán không thể tả”). Về phần Thanh Lam, tuy chưa bao giờ đẳng cấp của chị bị nghi ngờ, nhưng rõ là cần có ai đó bảo chị rằng hát to không nhất thiết đồng nghĩa với hát hay. Với Chiếc lá cuối cùng của Tuấn Khanh hay Nửa hồn thương đau của Phạm Đình Chương, quát tháo ầm ầm trên sâu khấu như thế rõ ràng không phải cách tốt nhất diễn tả tình cảm của bài hát.

Saturday 1 December 2012

Về bản dịch Tortilla Flat


Đến giờ này thì Thị trấn Tortilla Flat đã đến tay người đọc (tất nhiên, nếu và chỉ nếu người đọc đã mua, hay bằng cách khác có được, cuốn sách).  Đây là cuốn sách thứ hai, hoặc có thể là thứ ba:), mà tôi tham gia làm trong năm. Một số bạn thắc mắc làm thế nào tôi có thể dịch được hai (hoặc ba) cuốn trong một năm. Thật ra, Em làm ơn làm ơn im đi, được không? dịch xong năm kia, còn Thị trấn Tortilla Flat đúng là hoàn thành trong năm nay, từ khi Phan Việt liên hệ với tôi đề nghị dịch cuốn này cho đến lúc ra sách là sáu tháng, một quãng thời gian kỷ lục nếu biết hiện tại nhiều dịch giả kêu trời vì sách dịch xong hai, ba năm rồi mà chưa được in.

Nếu có gì tôi có thể tự hào thì đó là khả năng làm việc theo đúng kế hoạch. Khác với Raymond Carver, một tác giả tôi theo dõi từ lâu, tôi chưa thực sự biết nhiều về John Steinbeck, ngoại trừ Đồng cỏ nhà trờiChùm nho phẫn nộ đọc từ xa xưa. Vì vậy, trước khi nhận dịch Tortilla Flat, việc đầu tiên là tôi phải đọc một số tác phẩm của Steinbeck cả trong nguyên bản lẫn bản dịch tiếng Việt. Sau khi đã đọc, thích và đồng ý dịch Tortilla Flat, tôi có bốn tháng để hoàn thành bản dịch. Nguyên bản cuốn này có 180 trang. Tôi nhẩm tính nếu tôi dịch mỗi ngày hai trang, thì trong ba tháng tôi sẽ xong bản dịch thô, trong một tháng còn lại tôi sẽ dành hai mươi ngày cho việc chỉnh sửa, đối chiếu bản tiếng Anh từng dòng một, và mười ngày cuối cùng để hoàn thiện bản dịch. Do có những ngày không làm được trang nào, hoặc có ngày chỉ làm được nửa trang, tôi tăng tốc vào những ngày cuối tuần. Rốt cuộc tôi hoàn thành bản dịch thô trong vòng hai tháng hai mươi ngày. Nhờ vậy, tôi có thêm mười ngày cho vòng hai, tức vòng đối chiếu, sửa chữa từng dòng một.  Xong vòng hai, bản dịch có thể nói xong được 90%. Khi đó, tôi đã phải gửi bản này cho NXB để vẽ bìa, đồng thời, tôi gửi một số chương cho một số bạn bè đọc góp ý.  Mười ngày cuối cùng, tôi chỉ sửa sang bản dịch tiếng Việt, và chỉ tham chiếu lại bản tiếng Anh khi có nghi ngờ. Tôi học cách làm việc này từ Jay Rubin, dịch giả tiếng Anh của Murakami. Tôi gửi bản thảo cho Tịnh Thủy của NXB Trẻ vào 11 h đêm ngày cuối cùng trong thời hạn.

Tôi may mắn đã có những người bạn trả lời câu hỏi và góp ý cho tôi. Một trong những người đọc và góp ý bản dịch là NNT. Chị đã có những nhận xét thẳng thừng về tiếng Việt của tôi, nhất là những chỗ dùng “cái”, “và”,  “mà”, .v.v.., thỉnh thoảng kêu lên "chỗ này đọc hiểu chết liền!" Khi sửa lần chót, tôi đã dùng chức năng tìm kiếm của Word để đặc biệt tầm soát những từ này, cân nhắc xem chỗ nào thực sự cần, chỗ nào có thể bỏ hoặc thay bằng từ khác.  Bên cạnh biên tập viên Tịnh Thủy của NXB Trẻ, chính Phan Việt là người biên tập thứ hai và thực hiện một số chỉnh sửa quan trọng cho bản cuối cùng, nhưng Phan Việt không đứng tên biên tập. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn đến một số bạn bè khác đã góp ý về tiếng Việt cũng như giải bí cho tôi về tiếng Anh và tiếng… Tây Ban Nha: đó là chị S., bạn Q., bạn BA., anh CĐ. Dịch thuật với tôi là một cuộc chơi và các bạn đã giúp cuộc chơi của tôi được trọn vẹn nhất trong khả năng của tôi.

Với cuốn sách này, tôi đặc biệt thích bìa - tôi nghĩ bìa sách làm rất có chất. Còn có chút gì lo ngại, đó là giá bìa. Tôi nghĩ 95.000 đồng là một giá hơi cao. Tuy nhiên, nếu bạn ở Sài Gòn, bạn có thể đến thẳng NXB Trẻ vào mỗi cuối tuần (chính xác là mỗi thứ bảy) để mua với giá giảm 20%.

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN