Saturday 8 December 2012

Tùng Dương thỏa hiệp hát tình ca


Trong đêm diễn của mình tại Nhà hát Bến Thành, Tùng Dương có kể anh nhận được thư của một “crazy fan” 65 tuổi, nói rằng đại ý rất thích Tùng Dương nhưng chỉ những khi anh hát những bản tình ca dịu ngọt, chứ những khi anh hát những bài “lên đồng” thì chịu thua. Ắt hẳn, Tùng Dương đã nghe được nhiều nhận xét tương tự như thế, nên anh quyết định làm một show diễn có tên là Tùng Dương hát tình ca; nhưng ắt hẳn, anh cũng biết đâu là thế mạnh của mình, nên rốt cuộc đêm nhạc của anh là một sự thỏa hiệp.

Anh chia đêm nhạc của mình ra thành hai phần: phần đầu tình ca với các ca khúc của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Lam Phương, Nguyễn Văn Tý.v.v; và phần hai là những ca khúc mà anh tự gọi là “lên đồng”. Ở  phần đầu, khó mà chê là Tùng Dương hát tồi, nhưng rõ ràng cảm xúc anh mang tới cho người nghe là quá ít. Những ca khúc anh trình bày, như Nhìn những mùa thu đi, Mùa thu cho em, Dư âm, Một mình .v.v đều là những ca khúc từng rất nhiều người hát, và cũng nhiều người đã để lại tên tuổi của mình với những ca khúc ấy mà Tùng Dương trong nỗ lực chiều lòng một bộ phận người nghe đã không mang lại điều gì mới mẻ hơn. Thành công nhất trong phần này có lẽ là bài Ngậm ngùi (nhạc Phạm Duy, thơ Huy Cận) cũng là bài mà Tùng Dương “để sổng” một chút chất quái lẫn vào.

Có cảm giác với những bản tình ca, đặc biệt với những sáng tác trước 75, Tùng Dương đã phải khổ sở để ghìm giọng hát luôn có khuynh hướng bất kham của mình vào khuôn khổ. Sang phần hai, được tháo tung các ràng buộc, Tùng Dương mới như cá trở về với nước, tự do tung tẩy với những bài hát đúng chất của mình. Cái cách anh tung tăng khắp sàn diễn với Chiếc khăn piêu (Doãn Nho), hay ngẫu hứng không nhạc đệm với Trên đỉnh phù vân (Phó Đức Phương), hay nhập đồng với Mưa bay tháp cổ cho thấy điều đó. Ở phần này, Tùng Dương mới lại là Tùng Dương với những bài hát làm nên tên tuổi, bản sắc của anh, một Tùng Dương từng chứng tỏ khả năng đóng đinh tên mình lên những ca khúc như Ôi quê tôi (mà đàn chị Thanh Lam hát cũng không qua nổi anh), hay Quê nhà - ca khúc mà một ca sĩ gần như lúc nào cũng tinh tế là Trần Thu Hà cũng không thể nào làm người nghe rợn da gà như Tùng Dương. Với những bài này, chẳng những Tùng Dương hát phiêu, quái, bốc hơn, mà giao lưu với khán giả cũng tốt hơn và nói năng cũng tự nhiên hơn.

Chương trình của Tùng Dương còn có sự góp mặt của Nguyên Thảo và Thanh Lam. Nguyên Thảo mang đến chút tươi tắn cho bài Mùa thu cho em (Ngô Thụy Miên - song ca với Tùng Dương), nhưng khi hát Đưa em tìm động hoa vàng (Phạm Duy) thì cô chỉ chứng tỏ mỗi một điều là cô trả bài tròn trịa (đây là lối nói giảm khinh cho “hát chán không thể tả”). Về phần Thanh Lam, tuy chưa bao giờ đẳng cấp của chị bị nghi ngờ, nhưng rõ là cần có ai đó bảo chị rằng hát to không nhất thiết đồng nghĩa với hát hay. Với Chiếc lá cuối cùng của Tuấn Khanh hay Nửa hồn thương đau của Phạm Đình Chương, quát tháo ầm ầm trên sâu khấu như thế rõ ràng không phải cách tốt nhất diễn tả tình cảm của bài hát.

4 comments:

  1. hihi... qua bài này, lại khẳng định thêm một tài năng chiên ngành phê bình của bạn Gỗ, đó là vừa đấm vừa xoa phê không chịu nổi ...kha kha...

    ReplyDelete
  2. vừa đấm vừa xoa là chuyên viên massage :p

    ReplyDelete
  3. TD bảo bạn ấy biết lỗi rồi, lần sau không hát tình ca nữa. TL hứa sẽ nhỏ nhẹ êm ái và thủ thỉ (khi mệt).
    Nói chung quanh ta toàn những người dễ bảo, chỉ có ta là mãi mãi cứng đầu.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hải Miên quyền lực nhỉ. Bảo ban được cả hai đại danh ca nước nhà:)

      Delete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN