Monday 30 January 2012

Về Gỗ mun (chứ không phải Gỗ Mun)

Nếu bạn muốn tìm một cuốn sách để đọc đầu năm, tôi giới thiệu với bạn cuốn Gỗ mun của Ryszard Kapuscinski, dĩ nhiên chỉ trong trường hợp bạn chưa đọc cuốn này.  Có hai điểm cần lưu ý:  Thứ nhất, cuốn Gỗ mun, chứ không phải Gỗ Mun; thứ hai, tên tác giả viết đúng phải có dấu giống như dấu sắc trên chữ s và chữ n, tôi có thể thêm dấu được, nhưng như vậy hơi phiền toái, click chuột hơi nhiều, bỏ quá cho nhau vậy. Gỗ mun là cuốn thứ hai của nhà báo Ba Lan Kapuscinski được dịch và in tại Việt Nam, đều nhờ công dịch giả xinh đẹp Nguyễn Thái Linh. Cuốn trước là Du hành cùng Herodotus, một cuốn cũng rất tuyệt mà tôi từng nhắc tới trong danh sách những cuốn sách tôi thích nhất năm 2009.

Gỗ mun là một cuốn sách về châu Phi. Có lẽ chính xác hơn phải nói Gỗ mun là một cuốn sách châu Phi, bởi lẽ nó không phải là dạng sách du ký của một du khách đến nhìn, ngắm, bình luận đôi điều, rồi trèo lên xe đi. Nó là một cuốn sách của một con người ở bên trong châu Phi, sống cùng châu Phi, chứng kiến nhiều, rất nhiều cái chết châu Phi, và trong nhiều dịp khác nhau đã rất gần với cái chết châu Phi: cái chết có thể đến từ một con rắn hổ mang đại tướng nằm ngay dưới tấm phản, có thể đến từ lũ muỗi khát máu chẳng kém những  tay độc tài vốn không phải là hiếm ở châu Phi, có thể đến từ các căn bệnh quái ác của xứ sở này như sốt rét não hay sốt buồn ngủ, có thể đến từ cái nóng kinh hoàng, mà cũng có thể đến từ một họng súng vu vơ nào đấy, mà súng ở châu Phi thì có nhiều và có sẵn, có khi còn dễ tìm hơn cả lương thực hay nước uống.  Đọc Gỗ mun, tôi thường xuyên băn khoăn tại sao Kaspuscinski  có thể “liều mạng” đến thế?  Can đảm, hẳn nhiên, nhưng chỉ can đảm chưa đủ; đam mê, phải có đam mê ngút ngàn mới có thể sống, hành nghề, và viết trong muôn trùng hiểm nguy đến vậy.

Tôi cũng thường xuyên tự hỏi điều gì làm nên sự quyến rũ của cuốn sách. Trong Du hành cùng Herodotus, tôi để ý thấy Kaspucinski hay đặt ra hàng chuỗi câu hỏi liền nhau, ví dụ về Vạn lý trường thành: “Nhìn ngắm cảnh tượng này, chạm vào các  khối đá được những người ngã xuống vì lao dịch gom góp về đây qua hàng thế kỷ - để làm gì? Điều đó có ý nghĩa gì không? Có ích lợi gì không?”, hay về một cuộc hành hình: “ Đó là quyết định của ai? Của Đại hội Dân chúng? Của Hội đồng Thành phố? Của Ủy ban Phòng thủ Babylon?  Có cuộc tranh luận nào về vấn đề này hay không? Có ai phản đối không? Có ý kiến khác không? Ai quyết định cách giết những người phụ nữ này? Về chuyện bóp ngạt họ. Có các đề nghị khác không? Đem đâm họ bằng giáo? Chém bằng kiếm? Thiêu trên giàn lửa? Ném xuống dòng sông Euphrates chảy qua thành phố?” Còn trong Gỗ mun, là những quan sát làm người đọc giật mình. Chẳng hạn,  về gió: “Không khí khi đứng yên chẳng có chút giá trị gì, nhưng chỉ cần chuyển động - nó lập tức có giá”; về con người châu Phi: “Họ, Người Da Đen, chưa bao giờ từng chinh phạt ai, không xâm lược ai, không bắt ai làm nô lệ…Họ thuộc chủng tộc da đen, nhưng trong sạch ”, và “Người châu Phi là một người từ khi chào đời cho đến lúc chết luôn luôn ở ngoài mặt trận, chiến đấu với thiên nhiên đặc biệt là thù nghịch của châu lục mình, và chỉ riêng việc sống và biết cách tồn tại đã là chiến công lớn nhất của anh ta.”


Có rất nhiều quan sát kiểu như thế trong suốt cuốn sách. Chắc chắn bạn có thể nhặt ra nhiều quan sát tinh tế hơn, thú vị hơn. Còn dưới đây, là một vài quan sát của tôi từ những câu chuyện kể của Kapuscinski:

+             Trang 332, đoạn nói về can nhựa: “Nói chung can nhựa có vô số ưu điểm. Một trong các ưu điểm quan trọng nhất là nó thay thế con người khi xếp hàng. Mà xếp hàng lấy nước (nơi có xe chở nước đến) thì phải đứng cả ngày.[…] Khi xe chạy ngang châu Phi, người ta nhìn thấy những hàng can nhựa nhiều màu dài hàng cây số đang chờ nước đến.”

+             Trang 317, đoạn mô tả giao thông trên những con đường cũ, hẹp, chật ních: “Vậy mà ở đây không ai la mắng ai, không ai tức giận ai, không ai văng tục, chửi rủa hay nạt nộ, tất cả mọi người đều kiên nhẫn và yên lặng làm cuộc vượt chướng ngại của mình, lách và né, dùng mưu mẹo, rào đón, xoay xở, chen chúc, và trước hết, quan trọng nhất, là tiến lên. Nếu có tắc nghẽn, mọi người đồng lòng và bình tĩnh cùng  tham gia giải tỏa; nếu bị kẹt, tất cả sẽ cùng giải quyết tình huống này, từng mi li mét một.”

+             Trang 304, về shir, cuộc họp của tất cả đàn ông trưởng thành ở Somalia: “Người Somalia không có bất cứ quyền lực tôn ti nào trên mình. Quyền lực duy nhất chính là các cuộc họp như thế này, nơi mọi người đều có thể phát biểu.[…] Shir là một trận om sòm ầm ĩ, những cuộc cãi vã, hò hét, lộn xộn. Nhưng cuối cùng quyết định quan trọng nhất được đưa ra: đi tiếp theo hướng nào. Khi đó ta sẽ xếp hàng theo trật tự định sẵn từ hàng bao thế kỷ và lên đường.”

Bạn thấy gì chưa? Ở châu Phi, người ta xếp hàng để lấy nước, không văng tục hay chửi rủa khi tắc đường, và, có những cuộc họp quyết định hướng đi mà ở đó mọi người đều có thể phát biểu.

Tuesday 17 January 2012

Buồn chất ngất lên cao lâu thị thành



Hôm tất niên, định search bài này đọc cho mọi người nghe mà search không ra, chắc tại hơi tây tây. Hôm nay không tây tây search phát ra ngay.  Hóa ra nằm ngay trên blog mình.  Dù vậy, vẫn post lại dưới đây: 


Hoài tưởng

tặng Hoài tưởng của Hoelderlin

Nhớ về Berlin, là một dòng sông
Và cái chết có trong tưởng tượng
Tôi đi, lên đỉnh một triền thung lũng
Hoa táo bay với sắc màu và nhạc
Tiếng chim kêu trên mặt đất bằng

Tháng tư, Berlin, mùa lá xanh
Buồn chất ngất lên cao lâu thị thành
Ôi, sự vô nghĩa của bản Ballade này
Nó trống rỗng, phập phù, đơn điệu...

Tháng tư, mùa lá xanh
Trở về ga Frankfurt
Đông người, rất đông người
Tôi kéo áo choàng tránh cơn gió
Sờ lên ngực chỉ thấy nỗi buồn

Tôi đi, cây Kastalien úa vàng
Quán rượu bờ sông Spree
Đàn quạ đậu kín nóc nhà thờ
Berlin, một ngày cuối thu...

Tôi đi lên cột tháp truyền hình
Giết chết nỗi buồn ở độ cao 200 mét
Tôi gọi 10 chai Whisky
Đốt hết 100 điếu Marlboro
Một buổi chiều
Không chết

Tôi về khu đổ nát Friedrichhain
Nơi cư ngụ của những tên vô chính phủ
Ăn sáng vào lúc 5 giờ chiều
Quán Xanh, Blues, Jazz...
Em ơi, hát đi, và take it easy!
Hát đi, "em sinh ra từ đâủ"
"Và đừng hỏi tôi là Phi hay Á
"Em thấy không, hồ nước mắt đã cạn khô
"Em thấy không, chúng ta đều đi về hướng đó
"Buồn làm chi. Chỉ có đêm thôị Đêm vui..."

Berlin, mười năm
Dòng Spree xanh, vẫn xanh
Chỉ có lá cây Kastalien nhuộm đỏ
Hoài tưởng không ngày tháng
Tìm kiếm toàn hư ảo
Ngày cuối ra hồ Wannsee
Chỉ có chiếc thuyền nhỏ bồng bềnh
Đi thôi, những linh hồn cô độc
Ta ở đây quá lâu rồi
(Sao bây giờ ta mới chợt nhận ra điều đó?)
Ta đi thôi! đi thôi!
Có sự ồn ào nào níu giữ?
Berlin, Berlin, Berlin...
Adieu!

11/00

Đinh Tuấn Anh

Saturday 14 January 2012

Long lanh


Tôi biết có một bác đại gia mua cuốn này, bản rất xấu, với giá 350.000 đồng. Tôi ở hiền gặp lành, nên kiếm được một bản đẹp long lanh, giá chỉ bằng một phần mấy chỗ kia. Tự nhiên khoái chí quá không thể không khoe được. Cuốn này in năm 1974, nên tôi phải gọi nó bằng anh: "Anh" Sau bữa tiệc!:)



Bìa 4 giới thiệu những cuốn trong Tủ sách văn học thế giới của nhà Trẻ  do Lê Thanh Hoàng Dân chủ trương.  Có thể thấy cả Thần tượng lạ (tức Chết ở Venice) của Thomas Mann và Nhà tài phiệt cuối cùng (The Last Tycoon) của Scott Fitzgerald.




Trang lót trong cho thấy dân miền Nam ưa sai hỏi ngã. Và, After The Banquet là tên bản dịch tiếng Anh chứ đương nhiên không thể là nguyên tác được.
---
Thêm hình Thần tượng lạ phục vụ đạo diễn, nhà thơ kiêm diễn viên Tôm:). Cuốn này thì không được long lanh lắm.





Friday 13 January 2012

Những hình hài của trẻ con bị bỏng

Dịch truyện này là một thách thức nho nhỏ đối với tôi, vì văn bản của David Foster Wallace chưa bao giờ dễ tiếp cận. Để dịch truyện ngắn chỉ hơn 1.000 chữ một chút này, tôi đã phải đọc đi đọc lại rất nhiều lần. Cảm ơn các bạn QT, PV, NVN đã góp ý cho bản dịch. Mọi sai sót còn lại, nếu có, đương nhiên thuộc về tôi. Mong được sự góp ý của các bạn, cả vể cách hiểu bản tiếng Anh và cách chuyển ngữ.  
----------
David Foster Wallace, sinh năm 1962, được giới phê bình Mỹ xem là một trong những nhà văn Mỹ sáng tạo nhất và giàu ảnh hưởng nhất trong thế hệ của ông. Ông là tác giả ba tiểu thuyết, ba tập truyện ngắn và một số tập tiểu luận. Tiểu thuyết thứ hai của ông, Infinite Jest, dài 1.079 trang, từng được tuần báo Time chọn vào danh sách 100 tiểu thuyết xuất sắc nhất giai đoạn 1923 - 2006. Là nạn nhân của chứng trầm cảm, ông rốt cuộc treo cổ tự tử ngày 12/9/2008.

Truyện “Những hình hài của trẻ con bị bỏng” (“Incarnations of Burned Children”) đăng lần đầu trên tạp chí Esquire, sau được đưa vào tập Obvilion: Stories, là truyện tương đối ngắn, được viết  không xuống dòng với những câu dài nhiều mệnh đề liên tiếp quyện vào nhau - một cú pháp đặc trưng của Wallace. Truyện viết về một tai nạn xảy ra trong một gia đình mà cả ba nhân vật đều không có tên, chỉ được gọi là người bố, người mẹ và đứa bé. Cũng có thể coi đây là truyện về nỗi đau: nỗi đau thân thể (của đứa bé bị bỏng nước sôi) cũng như nỗi đau tinh thần (của người bố và người mẹ), và cách người ta phản ứng trước nỗi đau. Một câu chuyện ám ảnh, khó quên.


Những hình hài của trẻ con bị bỏng
David Foster Wallace

Ngươi bố đang ở bên hông nhà lắp cánh cửa cho người thuê nhà thì nghe tiếng đứa bé thét lên và giọng người mẹ thất thanh giữa những tiếng gào. Rất nhanh, anh lao từ cổng sau vào bếp, và trước khi cánh cửa chớp đóng sầm sau lưng, anh đã nhìn thấy toàn cảnh, cái nồi lật úp trên nền gạch ở trước lò và tia lửa xanh của bếp và vũng nước trên sàn hãy còn bốc hơi nghi ngút lênh ra tứ phía, còn đứa bé đang mặc tã lụng thụng đứng cứng người trong khi hơi nước bốc ra từ tóc còn ngực và vai thì đỏ lựng hai mắt trợn ngược mồm ngoác ra và không hiểu sao dường như tách biệt với âm thanh đang phát ra từ đó, người mẹ quỳ trên một bên gối cầm giẻ lau bát chấm chấm loạn xạ trên người thằng bé hòa cùng tiếng gào của đứa bé bằng tiếng kêu của mình, quá hoảng loạn nên gần như đông cứng. Một đầu gối của chị và đôi chân trần bé bỏng vẫn còn trong vũng nước bốc hơi, và động tác đầu tiên của người bố là nhấc bổng đứa trẻ ra khỏi vũng nước đem lại bồn rửa bát, vất đống đĩa ra ngoài và đập vào vòi để nước giếng lạnh chảy qua đôi bàn chân đứa bé trong khi bàn tay anh bụm  lại đổ, hắt thêm nước lạnh lên đầu, vai và ngực, trước hết muốn hơi nước ngừng bốc ra từ đứa bé, người mẹ nhìn qua vai anh cầu Chúa cho đến khi anh bảo chị đi lấy khăn và gạc nếu có, người bố cử động nhanh gọn trong khi đầu óc anh hoàn toàn trống rỗng chẳng biết tới gì khác, chưa nhận ra anh di chuyển êm ái như thế nào cũng chưa nhận ra anh đã không còn nghe thấy tiếng gào chói lói bởi vì nghe tiếng gào ấy sẽ khiến anh đông cứng và không thể làm điều phải làm để cứu đứa con anh, tiếng gào của nó đều đặn như hơi thở và tiếp tục thật dai dẳng cơ hồ đã trở thành một đồ vật trong nhà bếp, một cái gì đó  khiến anh phải di chuyển nhanh xung quanh. Cánh cửa bên hông của người thuê nhà bên ngoài lửng lơ bám vào bản lề trên khẽ đong đưa trong gió, và con chim trên cây sồi bên kia lối vào dường như quan sát cánh cửa với cái đầu nghếch lên trong khi tiếng khóc vẫn vọng ra từ trong nhà. Những chỗ bỏng nặng nhất hình như là cánh tay phải và vai, chỗ đỏ trên ngực và bụng nhạt dần thành màu hồng dưới làn nước lạnh và đôi gót chân mềm của nó người bố thấy không phồng lên, nhưng đứa bé vẫn huơ nắm tay nhỏ xíu và gào có điều tiếng gào chỉ còn là phản xạ trước nỗi sợ mà sau này người bố mới biết là mình đã thoáng nghĩ đến, gương mặt bé nhỏ sưng lên, những đường gân ngoằn ngoèo lộ ra hai bên màng tang và người bố luôn miệng nói bố ở đây bố ở đây, adrenalin dồn lên, và cơn giận dữ đối với người mẹ vì đã để cho chuyện này xảy ra chỉ vừa bắt đầu mới chớm ở tận cùng tâm trí người bố phải nhiều giờ nữa mới được thể hiện ra. Khi người mẹ quay lại anh không biết chắc có nên bọc đứa bé bằng khăn hay không nhưng anh nhúng khăn cho ướt rồi bọc lại, quấn chặt con mình nhấc nó ra khỏi bồn rửa rồi đặt lên mép bàn bếp để dỗ nó trong khi người mẹ cố kiểm tra đôi gót chân với một tay lẩy bẩy quanh miệng mình phát ra những từ vô nghĩa trong khi người bố cúi xuống nhìn cận mặt đứa bé trên mép ca rô của cái bàn lặp đi lặp lại rằng anh đang ở mặt đây và cố làm cho đứa trẻ nín khóc nhưng đứa trẻ vẫn gào ngằn ngặt, một âm thanh nhói cao tinh khiết có thể làm tim nó ngưng đập và người bố nghĩ  đôi môi nhỏ bé cũng như lợi của nó bây giờ ánh lên màu xanh nhạt của một ngọn lửa yếu, đang gào như thể vẫn còn đau đớn dưới cái nồi bị trượt. Một phút, hai phút như thế dường như lâu hơn nhiều, người mẹ đứng bên người bố hát ru kề mặt đứa bé trong khi con chim chiền chiện đậu trên cành đầu ngoảnh về một bên và cái bản lề biến thành một vệt trắng từ sức nặng của cánh cửa toòng teng cho đến khi giọt hơi đầu tiên trễ nải tỏa ra từ dưới mép khăn và hai người bố mẹ nhìn nhau mắt giãn rộng - cái tã, khi họ mở cái khăn và đặt đứa con trai bé nhỏ của mình tựa vào tấm vải ca rô, tháo mấy chéo vải đã mềm đi, cố gỡ ra nó khẽ kháng cự thêm những tiếng khóc cao vút và nóng dẫy, cái tã của đứa bé làm bỏng tay họ và họ thấy chỗ nước thực sự đổ vào đọng lại làm bỏng đứa bé của họ từ nãy đến giờ trong khi nó gào để họ cứu nó mà họ  đã không, đã không nghĩ  ra và khi họ gỡ nó ra thấy tình trạng của chỗ đó người mẹ gọi tên Chúa và vịn lấy bàn cho khỏi ngã quỵ trong khi người bố quay đi đấm tay vào không trung trong gian bếp nguyền rủa chính mình và thế giới không phải là lần chót trong khi đứa con anh có thể là đang ngủ nếu không vì tiếng thở dồn và những cử động yếu ớt của đôi tay huơ huơ trong không khí trên chỗ nó nằm, đôi bàn tay cỡ bằng ngón cái của một người trưởng thành đã từng bám lấy ngón tay cái của người bố trong nôi lúc nó nhìn người bố mấp máy môi theo bài hát, đầu nó ngóc và dường như nhìn vượt qua bố vào cái gì đó một cách mơ hồ kỳ lạ đôi mắt nó khiến người bố cô độc. Nếu bạn chưa bao giờ khóc và muốn khóc, hãy có một đứa con. Nó sẽ làm tan vỡ trái tim bạn một đứa bé là một bài hát cao vút mà người bố nghe lại như thể quý bà ấy gần như ở đó cùng anh nhìn xuống những gì họ đã làm, dù nhiều giờ sau đó điều người bố sẽ không tha thứ nhất là anh thèm một điếu thuốc kinh khủng ngay lúc họ bọc đứa trẻ lại khéo léo hết mức có thể bằng gạc và hai cái khăn tay buộc chéo và người bố nhấc nó lên như một đứa bé sơ sinh cái sọ trên một lòng bàn tay ôm nó chạy ra chiếc xe tải đã nóng máy và rít cháy lốp xe suốt dọc đường đến trạm cấp cứu trong thị trấn trong khi cánh cửa của người thuê nhà đong đưa như thế cả ngày cho đến khi bản lề không chịu nổi nữa nhưng tới lúc đó đã quá muộn, khi nó không thôi và họ không thể đến nơi kịp lúc đứa bé đã học cách rời bỏ thân thể mình và theo dõi toàn bộ phần còn lại câu chuyện mở ra từ một điểm ở trên cao, cái gì đã mất từ đó không bao giờ còn quan trọng nữa, thân thể đứa bé khuếch đại và lang thang kiếm sống và sống cuộc đời không chốn trọ, một sự vật trong nhiều sự vật, linh hồn của bản ngã nó bồng bềnh như hơi nước, rơi xuống như mưa và rồi bốc lên, mặt trời mọc và lặn như một cái yoyo.

Lâm Vũ Thao dịch từ truyện “Incarnations of Burned Children” của David Foster Wallace


(Truyện đã đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị số ra ngày hôm nay.)

Tuesday 10 January 2012

"Rằng ngày xưa ấy Ngân Giang"

Tôi biết tới thơ Ngân Giang lần đầu khi học lớp 8, lớp 9 gì đó. Hồi ấy tôi vớ được một tờ báo nào có bài giới thiệu Ngân Giang, người được cho là đã viết hàng nghìn bài thơ, hầu hết đã thất lạc. Tờ báo ấy đăng hai bài của Ngân Giang, một là Mấy nét đơn sơ (có câu Đừng rơi, đừng rơi, lá ơi mà tôi rất nhớ), hai là bài gì tôi không nhớ. Sau lần đó thì còn vớ được hai trong ba tập bộ Việt Nam Thi nhân tiền chiến của Nguyễn Tấn Long - Nguyễn Hữu Trọng ở nhà hàng xóm thì phải. Bộ này rất dày, bình thơ rất dở, được cái gom rất nhiều thơ (tôi đọc được gần như toàn bộ Điêu tàn, Lửa thiêng .v.v. ở đây) nên biết thêm một số bài của Ngân Giang. Thơ Ngân Giang hay nhất trong số các nữ thi sĩ tiền chiến* (nhiều người trách Hoài Thanh bỏ sót bà, tuy nhiên có lẽ vào lúc Hoài Thanh soạn Thi nhân Việt Nam Ngân Giang chưa đăng thơ nhiều?).  Cái lạ là bà vẫn giữ  được nguồn thơ dào dạt ấy mãi về sau này, đến những năm gần cuối đời, dù thơ ít đăng và cuộc đời không kém phần khắc nghiệt với nữ sĩ có bút hiệu rất đẹp hai lần tự tử này (lần đầu khi 9 tuổi). Mới gần đây tôi kiếm được cuốn Thơ Ngân Giang xuất bản năm 1997 của NXB Trẻ, giở ra lại trúng ngay bài Mấy nét đơn sơ. Tuy nhiên bài tôi chép lại ở đây là theo trí nhớ của tôi, có đôi điểm khác biệt so với bản in trong cuốn này mà tôi cho là không hay bằng.

* tiền chiến: dùng theo cách nói quen, nghĩa là trước 45.

Mấy nét đơn sơ

Đêm qua mộng chắp không thành
Thẩn thơ ra đứng một mình trước sân
(Sao Mai rụng vướng dòng Ngân)
Hoa vườn xưa nở, cố nhân xa rồi

Chiều nay gió lạnh nổi xao
Tiếng thu nghe đã xạc xào khắp nơi
Đừng rơi, đừng rơi, lá ơi!
Có ai góc bể chân trời nhớ nhau

Kể từ Lưu Nguyễn về trần
Lối đào thăm thẳm mấy lần suối hoa
Tay tiên để lạnh thoi ngà
Có con chim thước qua nhà không kêu

Thế ra thu đã đến rồi
Thảo nào mưa gió tơi bời mấy hôm
Xa xôi ai đấy có buồn
Thôn Dương cành liễu võ vàng tương tư

1944



Trưng Nữ Vương

Thù hận bao lần chau khóe hạnh;
Một trời loáng thoáng bóng sao rơi.
Dồn sương, vó ngựa xa non thẳm,
Bạt gió, chim bằng vượt dặm khơi.

Ngang dọc non sông đường kiếm mã,
Huy hoàng cung điện nếp cân đai.
Bốn phương gió bãi lùa chân ngựa,
Tám nẻo mưa ngàn táp đóa mai

Máu đỏ cốt xong thù vạn cổ
Ngai vàng đâu tính chuyện tương lai
Hồn người chín suối cười an ủi,
Lệ nến năm canh rỏ ngậm ngùi.

Lạc tướng quên đâu lời tuyết hận,
Non Hồng quét sạch bụi trần ai.
Cờ tang điểm tướng nghiêm hàng trận,
Gót ngọc gieo hoa ngát mấy trời...

Ải bắc quân thù kinh vó ngựa,
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi.
Chàng ơi ! điện ngọc bơ vơ quá,

Trăng chếch lưng trời, bóng lẻ soi...

1939

---------
Bonus link này để giải trí: http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/2012/1/278453/

Sunday 8 January 2012

Chân dung một chàng trai trẻ tên Pi

Chàng trẻ, trẻ thật, chỉ mới qua bốn tuổi được vài tháng. Ở cái tuổi quá trẻ như thế, chân dung người ta thường chưa định hình. Tuy nhiên, ta cứ thử thuật lại vài mẩu chuyện về chàng xem phác họa được nét nào về chàng chăng. Rồi khi chàng mười bốn hay hai mươi bốn tuổi, lúc đó ta sẽ vẽ chàng lại sau.

1.       Chàng không bao giờ vứt rác lung tung. Thế nên khi có rác trong tay, chàng sẽ đưa cho ba mẹ hoặc tự đi tìm thùng rác. Một hôm sau khi lấy khăn giấy lau miệng xong (tính chàng ưa sạch sẽ nên nuôi chàng tốn kha khá giấy, một hộp Pulpy có khi qua tuần là nhẵn), chàng lon ton chạy ra sau nhà định vứt vào thùng rác.  Khi ấy, cả nhà đang tán chuyện ở phòng khách, thoáng nghe chàng kêu con giẫm phải cái gì đau quá, nhưng thấy chàng chỉ kêu có thế rồi quay vào nhà chơi tiếp, mọi người mải tán chuyện nên cũng không để ý. Một lát sau, chợt thấy chân chàng nhỏ máu tong tong, mọi người mới hốt hoảng. Mẹ chàng mới nhớ tối hôm trước có làm vỡ một cái chai, có lẽ đã quét không sạch nên còn sót mảnh. Bà nội và ba chàng vội vàng đi tìm bông và oxy già rửa vết thương và băng bó cho chàng. Chàng thản nhiên nhìn vết thương, mặt lạnh như tiền, hệt như một kiếm khách lão luyện chốn giang hồ mặt không đổi sắc khi lỡ bị kiến cắn. (Một so sánh nhỏ, công chúa chị của chàng chạy chơi trong công viên ngã trầy đau gối thì thút thít suốt một buổi. Nói như thế, không có nghĩa là công chúa kém dũng cảm, mà chỉ là công chúa thì được quyền cư xử một cách công chúa. Có công chúa nằm trên bảy lớp đệm mà còn trằn trọc vì một hạt đậu kia mà!)

2.       Đầu năm, hai chị em cùng đi thăm bác sĩ tai mũi họng cùng lúc. Bác sĩ chê tai hai chị em dơ, nên đè ra để lấy ráy tai. Pi làm trước, một mình ngồi trên ghế. Y tá ghì chặt đầu Pi cho chàng khỏi ngọ nguậy, còn bác sĩ rọi đèn, xịt thuốc vào tai rồi lấy ráy. Cảnh tượng khá rùng rợn nhưng chàng không mảy may kêu la. Bác sĩ khen giỏi, và bảo Alpha đứng xem để học tập. Tới lượt Alpha, bác sĩ vừa kêu tên thì Alpha đã sụt sùi.  Mẹ phải lên ghế ngồi cùng ôm Alpha, mặc dù tai mẹ về cơ bản sạch. Ấy thế mà Alpha vẫn rền rĩ, phát ra những tiếng kêu dài, chói lói, như tiếng kêu thường được phát ra bởi các cô công chúa.

3.       Hiện giờ, hai chị em chàng còn ngủ chung một phòng, mỗi đứa một tấm đệm một góc, một tấm xanh, một tấm hồng. Trừ những hôm nửa đêm chí chóe gọi ba mẹ, còn thì hai đứa thường ngủ ngoan. Nhưng dạo gần đây, Alpha khó ngủ. Gần như đêm nào cũng gọi ba mẹ, khi thì vì nóng, khi thì vì khát, khi thì vì mắc tè, mà nhiều khi vì chẳng có lý do gì. Có một đêm, nghe tiếng gọi, ba chàng từ phòng bên chạy sang, thấy cả Alpha cả Pi ngồi chóc ngóc. Ba làu bàu bảo hai đứa chẳng ngoan. Chàng phân bua, Alpha sợ nên con kêu giùm Alpha thôi chứ con đâu có sợ gì đâu.

4.       Một chiều đi học về, chàng xăm xăm chạy vào bàn của ba, trèo lên ghế lấy ống keo vốn vẫn được dùng để dán sách cũ của ba chàng. Hỏi chàng làm gì, chàng nói con lấy keo để sửa nhẫn cho Alpha. Hóa ra Alpha được bạn cho một cái nhẫn cũ, mặt nhẫn đã bong ra khỏi nhẫn. Ba chàng nói keo đó không dán được đâu. Chàng nói nhưng con phải sửa nhẫn cho Alpha.  Đây không phải là lần đầu tiên chàng sửa đồ cho Alpha.  Nói chung Alpha có đồ chơi gì hư đều nhờ chàng sửa, dù thường là trâu lành trở thành trâu, ừm, què.

5.       Trừ những lúc nước mắt rơi lả tả vì bị ba mẹ la, còn thì có thể coi chàng là một chàng trai dũng cảm.  Ba mẹ hay bảo chàng là “chàng trai đích thực”, tuy bà nội hay gọi trại “đích thực” thành từ khác, không tiện nói ra đây.

Thursday 5 January 2012

Sảng khoái

Đầu năm đọc được một truyện ngắn hay của Nguyễn Ngọc Tư, cảm thấy rất sảng khoái. Xin chúc mừng chị.

Chỉ "nhiều chuyện" hai chỗ:

Một là tại sao chị viết "tôi tới muộn" thay vì "tôi tới trễ". Phải chăng vì chị lỡ coi VTV quá nhiều?:)

Hai là, câu cuối, tôi sẽ thích hơn nếu chị cắt đi  mấy chữ  "với ý nghĩ chỉ khi biến mất mình mới được tìm." Theo tôi như thế truyện sẽ tạo nhiều dư âm hơn.

---------------



Biến mất ở Thư Viên
Truyện ngắn
Nguyễn Ngọc Tư

Lúc đó Sinh đứng chỗ kệ sách văn học, người Sinh cao nên Hảo vẫn nhìn rất rõ mấy cục xương bén ngót của vai anh đội lên khỏi áo. Từ kệ sách nấu ăn chị nói vóng qua người ta bày cách làm món cá trứng về kho gừng coi bộ ngon quá chừng nè, Sinh ừ nhưng không ngước lên, chị không biết anh mải mê coi sách hay nhìn điện thoại. Khi Hảo rướn cổ ngó qua lần nữa thì Sinh đã biến mất.
“Bữa đó có mưa không?”, tôi hỏi, như đang rất quan tâm câu chuyện được nghe kể hàng trăm lần, trong lúc ngoáy một lọn tóc nhỏ của Hảo, nghe đầu ngón tay mát lành như chạm vào mảnh lụa đen nhức, nuột nà. Hỏi, để nhìn nét mặt chị lung linh, “có, mưa lớn, nên tụi Hảo mới tạt vô nhà sách để trốn mưa. Chớ tụi này ít học, nuốt chữ đâu có nổi…”.
- Bữa đó mà nắng thì tụi này về nhà luôn, biết đâu Sinh không đi mất…
Tôi cũng thuộc lòng cái ngữ điệu của câu nói đó, thuộc vẻ ngơ ngác thường ngày bắt đầu tuôn từ trên tóc xuống, lan nhanh cả khuôn mặt xương xương, vẻ ngơ ngác mà khi nhìn thấy lần đầu ở Thư Viên, tôi đã yêu liền, bất chấp Hảo lạ huơ lạ hoắc, bất chấp chị đang lơ ngơ cầm trên tay loại sách mà tôi cực ghét “cẩm nang chăm sóc gia đình”.
Sau này mới biết lúc ấy Hảo cứ cầm sách trên tay cho vui, cho hết những buổi tối Thư Viên dài dằng dặc. Chị không có gia đình, không có riêng một người đàn ông nào để thực hành những thứ ngớ ngẩn kiểu như “đừng quên nhìn sâu vào mắt chàng”, hoặc “hãy đánh thức tình yêu của chàng bằng một món ăn ngon” mà sách dạy. Thứ Tư tuần nào Hảo cũng tới Thư Viên, rảo một vòng, nấn ná giữa hai kệ sách văn học một lúc, thử hình dung từ chỗ này Sinh đi đâu mất biệt. Sinh vòng qua chỗ sách từ điển hay rẽ sang khu sách kỹ năng sống để bước về phía cửa, gần chỗ chị đứng. Nếu vậy sao chị không có một cảm giác gờn gợn nào, không nghe thoáng mùi mồ hôi quen thuộc lúc người đó lướt qua? Hay Sinh đi thẳng vào vách tường vôi trắng như người ta vạch một cái rèm, bóng khuất sau tiếng lao xao.
- Có khi nào Sinh đi vô trong mấy cuốn sách kia không ta?
Một bữa Hảo chợt hỏi tôi, mắt lấp lánh bởi ý nghĩ mới mẻ vừa nảy ra trong đầu. Nó khiến chị bắt đầu cầm những cuốn sách lên ngấu nghiến, dù trước đó chị hay trề môi bảo nuốt chữ mắc nghẹn chết, bảo cứ cầm lên buồn ngủ, cho cuốn sách thà cho củ khoai thích hơn.
Đó là năm thứ bảy Sinh đi và là năm thứ ba tôi đưa đón Hảo tới nhà sách Thư Viên vào mỗi tối. Từ trường về, không kịp thở hơi nào dài được một lóng tay, tôi xấp xãi tắm táp để kịp chạy đi đón chị. Tôi tới muộn Hảo sẽ tới nhà sách bằng xe bus, những chuyến xe chiều luôn đông nghẹt người, chị phải đứng suốt mười một cây số đến trung tâm thành phố, đôi khi xuống xe thì bị móc túi lấy sạch tiền, chân sưng. Tôi xót lắm, nên thường để cái đầu tóc còn nhỏ nước ròng ròng hớt hãi chạy tới chị. Và má tôi chỉ biết ngó theo, thở dài.
Những hậm hực, cằn nhằn, sự thất vọng của má, sau ba năm tôi yêu Hảo, giờ teo quắt lại thành những tiếng thở dài. “Đời mày rồi không biết tới đâu…”, má tôi thường nói vậy. Chắc là không người mẹ nào hân hoan khi thấy thằng con trai nheo nhẻo của mình yêu con đàn bà lớn hơn nó tám tuổi, con nhỏ từng sống thử với người khác như vợ chồng, từng có bầu, từng đẻ non.
Rả rích thu lượm, má tôi lần dò được khá nhiều chi tiết cuộc đời Hảo, cả chuyện chị từng được nuôi dạy trong nhà mở. Hồi đầu bà đấm ngực kêu trời trong lúc tôi tỉnh bơ nói, “Có sao đâu. Nhằm nhò gì.”. Tức mình bà tới tận nhà trọ của Hảo để xin người ta tha cho thằng nhỏ con bà, nhưng nhìn thấy chị thì bà lẳng lặng về.  Gương mặt và cặp mắt lơ ngơ cứu Hảo khỏi những lời nặng nhẹ. Vừa có vẻ đói khát vừa mệt mỏi, vừa tìm kiếm vừa hẫng hụt, vừa hy vọng vừa vô vọng, như má tôi miêu tả, mặt con nhỏ đó như chó con đi lạc.
Ý nghĩ  Sinh biến mất vào trang sách phả một sức sống lạ lùng vào Hảo, làm chị tươi tắn, rạo rực hơn. Như đang đói gặp được củ khoai lùi. Chị nói có thể Sinh đã đổi tên là Long trong cuốn “Ruồng rẫy”, hoặc là Trọng hóa sói trong “Lốt thú”, là Vũ trong “Đánh mất mặt người” hay vẫn chính là Sinh họ Phúc trong Vân Kiều truyện. Cuộc tìm kiếm ngày càng mênh mông vô tận, và đôi lúc đang hôn nhau Hảo nhắc tới một cuốn sách nào đó mà con mọt sách như tôi còn nghe xa lạ.
- “Đòn kết liễu”  của Marguerite Yourcenar có thằng đại úy nhẫn tâm kinh khủng.
Tôi thấy hơi khó chịu, không phải vì cách phát âm ma ri rít sai bét của cô công nhân may giày, cũng không phải vì con muỗi đang bay vo ve từ nãy giờ. Đập rát cả tay mà nó không chết, tôi hậm hực “người không ra gì mà nhớ hoài…”.
Hảo nói đâu có nhớ. Chỉ tìm Sinh để hỏi cho rõ sao biến mất kỳ vậy, nếu chán nhau rồi thì nói thẳng, từ giã rồi đường ai nấy đi, sao lại phải âm thầm chạy trốn. Không nhớ đâu, tìm Sinh chỉ để cho hay Hảo đã chuyển thuê nhà khác rồi, không nấn ná được vì chỗ cũ bị giải tỏa, Sinh khỏi về lấy quần áo mắc công. Mắc gì mà nhớ, tìm Sinh để báo tin đứa con tên Nguyện mà Sinh đã đặt tên hồi còn chưa biết là trai hay gái, em bé đó đã hóa thành chất lỏng trôi tuột khỏi người chị sau một cú trợt chân ngoài thềm ướt. Hơi đâu mà nhớ, tìm Sinh để nói cho hay là có thằng con trai mới lớn thua Hảo tám tuổi, tức là tôi, đang mê chị. “Đeo dai như đỉa vậy”, chị véo mũi tôi, cười.
Tôi sướng lắm, cứ nhìn thấy Hảo cười là tôi sướng. Nằm gối đầu lên bắp đùi chắc lẳn của Hảo và tưởng tượng ra nét mặt ngượng ngập của gã đàn ông kia, khi Hảo vênh mặt kể với hắn rằng tôi thường cắt giũa móng chân cho chị. Tối nào tôi cũng xoa bóp đôi vai mỏi nhừ của chị đến khi tay tôi mỏi nhừ. Áo mưa che chung tôi luôn giành Hảo phần ướt. Tôi còn đọc sách nữ công gia chánh, gạn hỏi má tôi cách nào thịt bò không dai để nấu vài món cho chị bồi bổ những hôm tăng ca. Tôi còn rủ Hảo bao giờ tôi ra trường, xin được việc sẽ làm đám cưới. Tôi không muốn Hảo chờ tôi lớn thêm nữa, vì muộn quá chị sẽ khó sinh con.
Trong lúc tôi phổng mũi la đà thêu dệt thì Hảo di di ngón tay lên vành tai tôi, nói nhân vật Barrow bảnh trai trong “Những mối tình câm lặng” cũng biến mất khi ngồi thổi bong bóng, như thể bong bóng đem anh ta bay lên trời vậy. Tôi day qua úp mặt vào vào bụng Hảo, nghe ruột chị cồn lên trong đó, để giấu mấy giọt nước mắt ủy mị của thằng con trai mới lớn, vì ý nghĩ Hảo không thèm dòm ngó, đếm xỉa gì tôi.
Cuối năm tôi hai mươi bốn tuổi, cái đám cưới mà tôi vẽ ra trong tưởng tượng đã đầy đủ những chi tiết cần thiết, tự dưng tôi thấy bồn chồn. Những tối ở nhà sách Thư Viên, tôi đứng ở một kệ sách nào đó và ngó về phía Hảo trong lúc chị nép giữa những kệ sách văn học, say sưa đọc. Sức sống rực lên ở Hảo khi chị cắm cúi vào rừng chữ, như chưa từng mệt mỏi sau một ngày làm việc với những cái máy may đầy kim nhọn. Đứng lâu mỏi chân chị la cà ở gian sách khác nhưng mắt luôn ngó về nơi gã đàn ông xưa từng đứng. Tôi kêu trong câm lặng, Hảo ơi nhìn tôi đi, tìm kiếm tôi đi. Không âm thanh, nhưng cổ họng thì như bể nát. Nhưng buổi tối ở Thư Viên, từ lúc đặt chân vào đó cho đến khi nhà sách rung chuông đóng cửa, Hảo không một lần đưa mắt tìm tôi.
Một bữa đứng ở kệ sách tôn giáo, tôi giơ một cuốn lên vẫy vẫy gọi Hảo, cuốn này có nói về nghệ thuật buông bỏ nè. Hảo ngẫng lên, hơi ngạc nhiên rồi quay lại với cuốn sách đọc dở trên tay, tìm kiếm trong đó một gã xấu xa nào hao hao một người đàn ông biền biệt từ lâu lắm. Hảo không biết đó là lần cuối cùng chị nhìn thấy tôi. Hôm ấy tôi mặc áo kẻ màu xanh xám, tóc tôi cắt cao. Biến mất như một phụ diễn trong màn ảo thuật, tôi đi vào khe của những cuốn sách, náu trong thứ bóng tối trong suốt, với ý nghĩ chỉ khi biến mất mình mới được tìm.


(Dùng bản Tư gởi cho Viet-studies:))

Wednesday 4 January 2012

Hai trăm năm nữa ta đâu biết...

NGƯỜI PHỎNG VẤN
Vậy, ông viết văn cho ai?
PAMUK

Càng sống, bạn càng thường xuyên tự vấn mình như thế. Tôi đã viết bảy tiểu thuyết. Tôi mong sẽ viết được bảy tiểu thuyết nữa trước khi chết. Nhưng này, đời ngắn tày gang. Sao không hưởng thụ cuộc sống thêm một chút? Đôi khi tôi thực sự phải tự ép mình. Tại sao tôi làm việc này? Ý nghĩa của tất cả việc này là gì? Đầu tiên, như đã nói, ngồi một mình trong phòng là một bản năng. Thứ đến, trong tôi hầu như có một khía cạnh ganh đua trẻ con muốn thử viết một cuốn sách hay ho nữa. Ngày tôi càng bớt tin vào sự vĩnh hằng của các tác giả. Chúng ta rất ít đọc những cuốn sách viết cách đây hai trăm năm. Mọi thứ thay đổi quá nhanh nên những cuốn sách hôm nay có thể một trăm năm sau sẽ chìm vào quên lãng. Rất ít cuốn sẽ còn được đọc. Hai trăm năm nữa, có lẽ chỉ năm cuốn sách viết hôm nay là còn sống. Liệu tôi có chắc rằng tôi viết một trong năm cuốn ấy không? Nhưng liệu đó có phải là ý nghĩa của viết? Tại sao tôi phải lo lắng về việc được đọc hai trăm năm sau? Sao tôi không lo về việc sống nhiều hơn? Tôi có cần niềm an ủi rằng tôi sẽ được đọc trong tương lai? Tôi nghĩ về tất cả những điều này và tiếp tục viết. Tôi không biết tại sao. Nhưng tôi không bỏ cuộc. Niềm tin rằng sách của bạn sẽ có tác dụng trong tương lại là niềm an ủi duy nhất mà bạn có để vui sống cuộc đời này.

(Orhan Pamuk trả lời phỏng vấn The Paris Review.)

Sunday 1 January 2012

Đầu năm đọc truyện

Ann Beattie, sinh năm 1947, nổi lên trên văn đàn Mỹ vào giữa những năm bảy mươi với nhiều truyện ngắn được đăng tải trên tuần báo The New Yorker. Bà nhanh chóng được coi là người phát ngôn của thế hệ của mình - thế hệ những người sinh sau thế chiến thứ hai. Các truyện ngắn của bà tập trung viết về những người trẻ, có trình độ, thuộc tầng lớp trung lưu, nhưng đầy hoang mang, bất đắc chí trước cuộc đời. Phong cách viết của bà có nhiều nét gần gũi với nhà văn chuyên viết truyện ngắn lẫy lừng Raymond Carver, cũng là bạn của bà: tinh gọn, kiệm lời, không phán xét, đứng tách biệt hoàn toàn khỏi nhân vật và hành động của họ. Truyện ngắn Thần Janus của Ann Beattie đăng lần đầu trên The New Yorker năm 1986, sau đó được tuyển chọn vào tập The Best American Short Stories of the Century.


-------------


Thần Janus[1]

Truyện ngắn của Ann Beattie

Cái bát ấy hoàn hảo. Có lẽ nó không phải là thứ bạn chọn nếu đứng trước một kệ bát, và cũng không phải loại chắc chắn thu hút nhiều chú ý trong một hội chợ hàng thủ công, tuy nhiên nó thực sự gây ấn tượng. Dễ dàng đoán ra nó được ngưỡng mộ, kiểu như một con chó lai không có lý do gì để ngờ vực rằng mình có thể buồn cười. Thực tế, đúng là có một con chó như thế thường được mang ra (và vào) cùng với cái bát.
Andrea là một nhà môi giới bất động sản, và những khi cô nghĩ rằng khách hàng triển vọng nào đó của mình có thể là người yêu chó, cô sẽ thả con chó xuống cùng lúc cô đặt cái bát trong căn nhà đang rao bán. Cô thường đặt một đĩa nước trong bếp cho Mondo, lấy con ếch nhựa chút chít trong xắc tay ra thả trên sàn. Nó sẽ chồm lên sung sướng, như hằng ngày nó vẫn làm vậy ở nhà, vờn món đồ chơi yêu thích nhất của mình. Cái bát thường được đặt trên bàn phòng khách, tuy nhiên gần đây cô chưng nó trên một cái hòm bằng gỗ thông hay trên một cái bàn sơn mài. Có lần nó được đặt trên cái bàn gỗ anh đào bên dưới bức tĩnh vật của Bonnard[2], trông thật nổi bật.
Những ai từng mua nhà hay từng muốn bán một căn nhà ắt hẳn quen thuộc với một vài tiểu xảo được sử dụng để thuyết phục người mua rằng căn nhà khá là đặc biệt: lửa trong lò sưởi vào đầu buổi tối; bình hoa trường thọ trên quầy bếp, nơi bình thường không ai có đủ chỗ để cắm hoa; hay có lẽ mùi thơm mùa xuân dìu dịu, tỏa ra từ một giọt tinh dầu bay hơi nơi bóng đèn.
Điều tuyệt vời về cái bát, Andrea nghĩ, là nó vừa tinh tế vừa gây chú ý - một cái bát ngược đời. Nước men nó màu kem và bất kể được đặt dưới ánh sáng nào cũng dường như lấp lánh. Có vài mảnh màu trong nó - những vệt sáng hài hòa bé nhỏ - và một vài đốm màu này ánh bạc. Chúng huyền bí như những tế bào nhìn dưới kính hiển vi; thật khó mà không săm soi chúng, bởi vì chúng lung linh, chớp sáng trong tích tắc, rồi quay trở về hình dáng của chúng. Có điều gì đó về các màu sắc và vị trí ngẫu nhiên của chúng gợi lên sự chuyển động. Những người thích đồ gỗ kiểu dân dã luôn bình luận về cái bát, nhưng rồi hóa ra là những người thoải mái với phong cách nội thất Biedermeier cũng thích nó như thế. Nhưng cái bát không hề có vẻ giả tạo hay thậm chí quá nổi bật khiến người ta nghi ngờ rằng nó được cố ý đặt ở đó. Họ có thể chú ý đến chiều cao của trần nhà khi vừa bước vào phòng, và chỉ khi ánh mắt họ rời khỏi trần nhà, hoặc khi rời khỏi ánh nắng khúc xạ trên bức vách sáng nhạt, thì họ mới thấy cái bát. Ngay lập tức họ sẽ bước về phía nó và bình luận. Tuy nhiên họ luôn luôn lúng túng khi cố nói điều gì đó. Có lẽ bởi họ bước vào ngôi nhà vì một lý do nghiêm chỉnh, chứ không phải để để ý đến một đồ vật nào đó.
Có lần, Andrea nhận một cú điện thoại của một phụ nữ đã xem nhà nhưng chưa đặt giá. Cái bát ấy, bà ta nói - liệu có thể biết được chủ nhà đã mua cái bát xinh xắn ấy ở đâu? Andrea vờ như cô không biết người phụ nữ muốn nói tới cái gì. Cái bát, đâu đó trong nhà ư? Ồ, ở trên cái bàn ngay dưới cửa sổ ấy. Đúng vậy, cô sẽ hỏi, dĩ nhiên. Cô để mặc cho vài ngày trôi qua, rồi gọi lại nói rằng cái bát là một món quà nên chủ nhà không biết nó mua ở đâu.
Khi cái bát không được tha từ nhà này sang nhà khác, nó được đặt trên bàn phòng khách nhà Andrea. Cô không gói nó lại (dù khi mang đi đâu thì cô gói cẩn thận, trong một cái hộp); cô để nó trên bàn, vì cô thích nhìn thấy nó. Nó khá lớn nên trông không có vẻ mong manh, hay đặc biệt dễ vỡ nếu có ai lỡ quệt phải bàn hay con Mondo húc phải nó trong lúc đùa giỡn. Cô đã yêu cầu chồng xin đừng bỏ chìa khóa nhà của anh vào trong bát. Nó cần phải được trống rỗng.
Khi chồng cô lần đầu để ý thấy cái bát, anh ghé mắt vào rồi khẽ mỉm cười. Anh luôn luôn giục cô mua những thứ đồ cô thích. Trong những năm gần đây, hai người đã mua sắm khá nhiều thứ để bù những năm tằn tiện khi họ còn là sinh viên sau đại học, nhưng lâu nay họ đã khá thoải mái, cái niềm vui thú có đồ đạc mới nhạt dần. Chồng cô tuyên bố cái bát “xinh xắn”, và anh quay đi mà không cầm lên săm soi. Anh quan tâm đến cái bát không nhiều hơn mức quan tâm cô dành cho cái máy ảnh Leica mới của anh.
Cô đoan chắc cái bát mang may mắn đến cho cô. Những ngôi nhà mà cô có trưng bày cái bát thường được dạm mua. Đôi khi chủ nhà, luôn được yêu cầu đi vắng hay ra ngoài trong khi nhà được cho khách xem, thậm chí còn không biết cái bát từng ở trong nhà của mình. Có lần, cô không tưởng tượng ra làm thế nào mà cô để quên nó, và rồi cô quá lo sợ cái bát có thể bị làm sao đến nỗi cô hớt hải quay lại căn nhà và thở phào nhẹ nhõm khi nữ chủ nhân ngôi nhà mở cửa. Cái bát, Andrea giải thích - cô đã mua một cái bát và đặt nó trên cái hòm gỗ cho an toàn trong khi dẫn khách đi xem nhà, và cô… Cô thấy muốn phóng qua khỏi người phụ nữ đang cau mày và chộp lấy cái bát của mình. Người chủ tránh sang bên, và chỉ khi Andrea chạy về phía cái hòm bà mới nhìn cô một cách hơi kỳ quặc. Trong vài giây ngắn ngủi trước khi Andrea nhấc cái bát lên, cô thấy người chủ hẳn là mới nhận ra rằng cái bát đã được sắp đặt một cách lý tưởng, rằng ánh sáng mặt trời rọi vào phần xanh biếc của nó. Cái bình của bà đã được dịch tới cạnh xa của cái hòm gỗ, và cái bát trông nổi trội. Suốt đường về nhà, Andrea băn khoăn làm thế nào mà cô có thể bỏ quên cái bát lại. Cứ giống như là bỏ rơi một người bạn trong một chuyến dã ngoại - cứ bỏ mà đi mất. Đôi khi trên báo có những câu chuyện về những gia đình bỏ quên một đứa trẻ ở đâu đó và lái xe tới thành phố kế tiếp. Andrea chỉ mới lên đường được một dặm thì đã nhớ ra.
Rốt cuộc, cô còn mơ thấy cái bát. Hai lần, khi bị bóng đè - vào sáng sớm, khi đang lơ mơ trước khi dậy - cô nhìn thấy nó rõ ràng. Nó nổi bật lên sắc nét khiến cô ngạc nhiên một lúc - vẫn là cái bát mà cô nhìn hằng ngày.

Năm ấy cô buôn bán bất động sản rất lãi. Người ta cứ kháo nhau, nên cô có nhiều khách hàng hơn mức mà cô cảm thấy dễ thở. Cô có ý nghĩ ngốc ngếch rằng phải chi cái bát là một vật sống để cô có thể cảm ơn nó. Có những lúc cô muốn nói với chồng mình về cái bát. Anh là người môi giới chứng khoán, đôi khi anh bảo mọi người rằng anh may mắn lấy được một phụ nữ vừa có khiếu thấm mỹ tinh tế lại vừa có thể hoạt động trong thế giới thực. Họ khá giống nhau, thực sự là như vậy - họ đồng ý điều này. Cả hai đều ít nói - ưa suy nghĩ kỹ càng, chậm chạp khi đưa ra đánh giá, nhưng một khi đã kết luận thì chắc nịch. Cả hai đều thích chi tiết, nhưng trong khi cô ưa sự châm biếm, anh lại thiếu kiên nhẫn và chóng chán hơn khi vấn đề trở nên đa chiều hoặc không rõ ràng. Nhưng cả hai người biết điều này; đây là thứ đề tài mà họ có thể bàn luận khi chỉ họ ngồi trong xe với nhau, trên đường về nhà sau một bữa tiệc hay bữa cuối tuần với bạn bè. Nhưng cô không bao giờ nói với anh về cái bát. Khi họ ăn tối, trao đổi tin tức về nhau trong ngày, hay đêm nằm trong giường nghe nhạc lúng búng mấy lời rời rạc ngái ngủ, cô thường toan nói thẳng ra cô nghĩ cái bát trong phòng khách, cái bát màu kem ấy, giúp cô thành công. Nhưng cô không nói điều đó. Cô không thể bắt đầu giải thích điều đó. Đôi khi vào buổi sáng, cô nhìn anh và cảm thấy có lỗi vì cô đã giữ một bí mật như thế.
Liệu có thể nào cô có một mối liên hệ sâu sắc hơn với cái bát - một kiểu quan hệ nào đó? Cô chỉnh sửa suy nghĩ của mình: làm thế nào mà cô có thể tưởng tượng ra một điều như thế, trong khi cô là một con người bằng xương bằng thịt còn nó chỉ là một cái bát. Thật nực cười. Cứ nghĩ tới việc người ta sống với nhau và yêu nhau như thế nào…Nhưng chuyện đó có phải bao giờ cũng rành mạch, luôn luôn là một mối quan hệ? Những suy nghĩ này làm cô bối rối, nhưng chúng cứ đọng mãi trong tâm trí cô. Giờ đây có một cái gì đó bên trong cô, một cái gì đó có thực, mà cô chưa bao giờ nói tới.
Cái bát là một niềm bí ẩn, kể cả đối với cô. Thật khó chịu, bởi sự dính líu của cô đến cái bát lúc nào cũng chứa đựng cảm giác về một vận may không được đền đáp; hẳn sẽ dễ dàng hơn nếu được đáp trả đòi hỏi nào đó ở chiều ngược lại. Nhưng điều ấy chỉ xảy ra trong chuyện cổ tích. Cái bát chỉ là một cái bát. Cô chẳng tin điều ấy lấy một giây. Điều cô tin cái bát này chính là thứ mà cô yêu quý.
Trước đây, đôi khi cô nói chuyện với chồng về một bất động sản mới mà mà cô sắp mua hay bán - chia sẻ một chiến lược khôn khéo nào đó mà cô vạch ra để thuyết phục những người chủ nhà có vẻ như đã sẵn sàng bán. Bây giờ cô thôi làm chuyện đó, vì mọi chiến lược của cô đều liên quan đến cái bát. Cô trở nên toan tính hơn với cái bát, và cũng khư khư với nó hơn. Cô đặt nó vào các căn nhà chỉ khi không ai ở đó, và khi ra khỏi căn nhà đó cô mang nó theo. Thay vì chỉ di chuyển một cái bình hay một cái đĩa, cô sẽ dọn sạch mọi đồ đạc khác trên bàn. Cô phải buộc mình cẩn thận với chúng, bởi vì cô không thực sự quan tâm tới chúng. Cô chỉ muốn chúng khuất mắt.
Cô tự hỏi tình hình này kết cuộc sẽ thế nào. Cũng như với một người tình, không có một phương án chính xác về việc chuyện sẽ đi đến kết thúc như thế nào. Lo lắng trở thành yếu tố quan trọng nhất. Nếu người tình lao vào vòng tay ai khác, hay viết cho cô một mẩu giấy và bỏ đi đến một thành phố khác cũng sẽ chẳng can hệ. Điều kinh khủng là tính khả thi của sự biến mất. Đó mới là điều quan trọng.
Đêm cô thường thức dậy ngắm cái bát. Cô chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện cô có thể làm vỡ nó. Cô rửa rồi lau khô nó mà không lo lắng gì, cô cũng thường xuyên dịch chuyển nó, từ cái bàn phòng khách đến bàn góc bằng gỗ hồng đào hay chỗ nào đó, mà không sợ có rủi ro gì. Rõ ràng cô sẽ không phải là người làm cái gì đó hại tới cái bát. Chỉ cô mới cầm nắm nó, an toàn đặt nó trên một bề mặt này hay bề mặt khác; không có vẻ gì ai đó sẽ làm nó vỡ. Một cái bát là một vật dẫn điện tồi: nó sẽ không bị sét đánh. Tuy nhiên nỗi lo nó bị sứt vỡ vẫn lẩn quẩn. Cô không nghĩ xa hơn thế - tới việc cuộc đời cô sẽ ra sao nếu không có cái bát. Cô chỉ tiếp tục lo sợ rằng rủi ro nào đó sẽ xảy ra. Sao lại không cơ chứ, trong một thế giới mà người ta trồng cây ở những nơi không dành cho chúng, để lừa khách tham quan nhà nghĩ rằng những góc tối cũng có ánh nắng mặt trời - một thế giới đầy những tiểu xảo?
Lần đầu tiên cô nhìn thấy cái bát là trước đây nhiều năm, tại một hội chợ hàng thủ công mà cô ghé thăm có phần lén lút, cùng với người tình của cô. Anh ta đã giục cô mua cái bát. Cô không cần thêm thứ gì hết, cô bảo anh ta. Nhưng cô bị thu hút bởi cái bát, và họ lẩn quẩn gần nó. Rồi cô đi sang gian hàng kế tiếp, và anh ta đến sau lưng cô, gõ vành bát vào vai cô trong lúc cô đang sờ một cái khuôn bằng gỗ. “Anh vẫn nài nỉ em mua cái đó à?” cô hỏi. “Không,” anh ta nói. “Anh mua cho em rồi.” Trước cái này, anh ta đã mua cho cô những thứ khác - những thứ thoạt tiên cô thích hơn - cái nhẫn ngà và ngọc lam của trẻ con vừa vặn ngón tay út cô; cái hộp gỗ, dài và ốm, được lắp mộng rất đẹp, cô dùng đựng kẹp giấy; cái áo thun xám mềm có túi ở bụng. Ý của anh là khi anh không có ở đó để nắm tay cô thì cô có thể tự nắm tay mình, siết hai tay trong cái túi ngang đằng trước bụng. Nhưng dần dần cô trở nên gắn bó với cái bát hơn những món quà khác của anh. Cô cố tự thuyết phục mình không phải vậy. Cô sở hữu những vật khác ấn tượng hơn hoặc đáng giá hơn. Đó không phải là một vật có vẻ đẹp đập vào mắt bạn; hẳn đã có nhiều người đi ngang qua nó trước khi hai người bọn họ nhìn thấy nó hôm đó.
Người tình của cô đã nói rằng cô luôn luôn quá chậm chạp nên không biết được cô thực sự yêu cái gì. Tại sao cứ tiếp tục cuộc đời cô cái kiểu như vậy? Tại sao phải hai mặt, anh hỏi cô? Anh là người chủ động nêu vấn đề với cô. Khi cô quyết định không như anh muốn, không chịu thay đổi đời cô để đến với anh, anh hỏi cô điều gì khiến cô nghĩ cô có thể có cả hai. Rồi anh chủ động ra đi. Đó là một quyết định nhằm đánh gục ý chí của cô, làm tan nát những ý tưởng không khoan nhượng của cô về việc tôn trọng những cam kết trước đây.
Thời gian trôi qua. Ban đêm một mình trong phòng khách, cô thường nhìn cái bát để trên bàn, tĩnh tại và an toàn, không phát sáng. Theo cách của nó, nó hoàn hảo: thế giới cắt thành hai nửa, sâu sắc và trống rỗng êm ái. Kể cả dưới ánh sáng lờ mờ, mắt cô cũng hướng tới một điểm sáng nhỏ màu lam nhấp nháy gần vành bát, một điểm mất hút trên đường chân trời.


Lâm Vũ Thao dịch từ truyện ngắn “Janus” của Ann Beattie, trích trong tập The Best American Short Stories of the Century (Những truyện ngắn Mỹ hay nhất thế kỷ) do John Updike và Katrina Kenison biên tập.



[1] Trong thần thoại La Mã, Janus là vị thần gác cổng, được thể  hiện bằng một cái đầu có hai  mặt nhìn về hai hướng ngược nhau.
[2] Pierre Bonnard, họa sĩ người Pháp. 


(Đã đăng Văn nghệ trẻ số Tết)

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN