Nếu bạn muốn tìm một cuốn sách để đọc đầu năm, tôi giới thiệu với bạn cuốn Gỗ mun của Ryszard Kapuscinski, dĩ nhiên chỉ trong trường hợp bạn chưa đọc cuốn này. Có hai điểm cần lưu ý: Thứ nhất, cuốn Gỗ mun, chứ không phải Gỗ Mun; thứ hai, tên tác giả viết đúng phải có dấu giống như dấu sắc trên chữ s và chữ n, tôi có thể thêm dấu được, nhưng như vậy hơi phiền toái, click chuột hơi nhiều, bỏ quá cho nhau vậy. Gỗ mun là cuốn thứ hai của nhà báo Ba Lan Kapuscinski được dịch và in tại Việt Nam, đều nhờ công dịch giả xinh đẹp Nguyễn Thái Linh. Cuốn trước là Du hành cùng Herodotus, một cuốn cũng rất tuyệt mà tôi từng nhắc tới trong danh sách những cuốn sách tôi thích nhất năm 2009.
Gỗ mun là một cuốn sách về châu Phi. Có lẽ chính xác hơn phải nói Gỗ mun là một cuốn sách châu Phi, bởi lẽ nó không phải là dạng sách du ký của một du khách đến nhìn, ngắm, bình luận đôi điều, rồi trèo lên xe đi. Nó là một cuốn sách của một con người ở bên trong châu Phi, sống cùng châu Phi, chứng kiến nhiều, rất nhiều cái chết châu Phi, và trong nhiều dịp khác nhau đã rất gần với cái chết châu Phi: cái chết có thể đến từ một con rắn hổ mang đại tướng nằm ngay dưới tấm phản, có thể đến từ lũ muỗi khát máu chẳng kém những tay độc tài vốn không phải là hiếm ở châu Phi, có thể đến từ các căn bệnh quái ác của xứ sở này như sốt rét não hay sốt buồn ngủ, có thể đến từ cái nóng kinh hoàng, mà cũng có thể đến từ một họng súng vu vơ nào đấy, mà súng ở châu Phi thì có nhiều và có sẵn, có khi còn dễ tìm hơn cả lương thực hay nước uống. Đọc Gỗ mun, tôi thường xuyên băn khoăn tại sao Kaspuscinski có thể “liều mạng” đến thế? Can đảm, hẳn nhiên, nhưng chỉ can đảm chưa đủ; đam mê, phải có đam mê ngút ngàn mới có thể sống, hành nghề, và viết trong muôn trùng hiểm nguy đến vậy.
Tôi cũng thường xuyên tự hỏi điều gì làm nên sự quyến rũ của cuốn sách. Trong Du hành cùng Herodotus, tôi để ý thấy Kaspucinski hay đặt ra hàng chuỗi câu hỏi liền nhau, ví dụ về Vạn lý trường thành: “Nhìn ngắm cảnh tượng này, chạm vào các khối đá được những người ngã xuống vì lao dịch gom góp về đây qua hàng thế kỷ - để làm gì? Điều đó có ý nghĩa gì không? Có ích lợi gì không?”, hay về một cuộc hành hình: “ Đó là quyết định của ai? Của Đại hội Dân chúng? Của Hội đồng Thành phố? Của Ủy ban Phòng thủ Babylon? Có cuộc tranh luận nào về vấn đề này hay không? Có ai phản đối không? Có ý kiến khác không? Ai quyết định cách giết những người phụ nữ này? Về chuyện bóp ngạt họ. Có các đề nghị khác không? Đem đâm họ bằng giáo? Chém bằng kiếm? Thiêu trên giàn lửa? Ném xuống dòng sông Euphrates chảy qua thành phố?” Còn trong Gỗ mun, là những quan sát làm người đọc giật mình. Chẳng hạn, về gió: “Không khí khi đứng yên chẳng có chút giá trị gì, nhưng chỉ cần chuyển động - nó lập tức có giá”; về con người châu Phi: “Họ, Người Da Đen, chưa bao giờ từng chinh phạt ai, không xâm lược ai, không bắt ai làm nô lệ…Họ thuộc chủng tộc da đen, nhưng trong sạch ”, và “Người châu Phi là một người từ khi chào đời cho đến lúc chết luôn luôn ở ngoài mặt trận, chiến đấu với thiên nhiên đặc biệt là thù nghịch của châu lục mình, và chỉ riêng việc sống và biết cách tồn tại đã là chiến công lớn nhất của anh ta.”
Có rất nhiều quan sát kiểu như thế trong suốt cuốn sách. Chắc chắn bạn có thể nhặt ra nhiều quan sát tinh tế hơn, thú vị hơn. Còn dưới đây, là một vài quan sát của tôi từ những câu chuyện kể của Kapuscinski:
+ Trang 332, đoạn nói về can nhựa: “Nói chung can nhựa có vô số ưu điểm. Một trong các ưu điểm quan trọng nhất là nó thay thế con người khi xếp hàng. Mà xếp hàng lấy nước (nơi có xe chở nước đến) thì phải đứng cả ngày.[…] Khi xe chạy ngang châu Phi, người ta nhìn thấy những hàng can nhựa nhiều màu dài hàng cây số đang chờ nước đến.”
+ Trang 317, đoạn mô tả giao thông trên những con đường cũ, hẹp, chật ních: “Vậy mà ở đây không ai la mắng ai, không ai tức giận ai, không ai văng tục, chửi rủa hay nạt nộ, tất cả mọi người đều kiên nhẫn và yên lặng làm cuộc vượt chướng ngại của mình, lách và né, dùng mưu mẹo, rào đón, xoay xở, chen chúc, và trước hết, quan trọng nhất, là tiến lên. Nếu có tắc nghẽn, mọi người đồng lòng và bình tĩnh cùng tham gia giải tỏa; nếu bị kẹt, tất cả sẽ cùng giải quyết tình huống này, từng mi li mét một.”
+ Trang 304, về shir, cuộc họp của tất cả đàn ông trưởng thành ở Somalia: “Người Somalia không có bất cứ quyền lực tôn ti nào trên mình. Quyền lực duy nhất chính là các cuộc họp như thế này, nơi mọi người đều có thể phát biểu.[…] Shir là một trận om sòm ầm ĩ, những cuộc cãi vã, hò hét, lộn xộn. Nhưng cuối cùng quyết định quan trọng nhất được đưa ra: đi tiếp theo hướng nào. Khi đó ta sẽ xếp hàng theo trật tự định sẵn từ hàng bao thế kỷ và lên đường.”
Bạn thấy gì chưa? Ở châu Phi, người ta xếp hàng để lấy nước, không văng tục hay chửi rủa khi tắc đường, và, có những cuộc họp quyết định hướng đi mà ở đó mọi người đều có thể phát biểu.
Tem,
ReplyDeleteHân hạnh bá cáo, khi mềnh nuốt gần xong cuốn này thì mơ mộng trở thành nhà du ký quá :-D …Cơ mờ may hơn, cũng từ từ hạ chân xuống đất được ròi :-P
VT oi, dung ly tuong hoa cuoc doi, nhan xet mot chieu bao gio cung khong chinh xac. VT hay doc cuon hoi ky cua B.O.(tong thong My day!).Nguoi Phi Chau khong ton trong nguoi da den nhu ho ma chi ton trong nguoi da trang thoi!!! va chuyen ay xay ra tren chinh que huong cua ho. Va ho khong chiu ke hoach hoa gia dinh, cu sinh
ReplyDeletetha cua.Tui hong co thanh kien voi dan Phi Chau dau nhe!
he he cố tình lội vào đọc để kiếm cho được chỗ dịch giả xinh đẹp :))
ReplyDelete:)thực ra là vì cái bài của anh, mà em đã đọc thêm vài quyển nữa của ông. Ông viết hay lắm ạ :)
ReplyDelete