Friday 30 March 2012

Tủ sách của ba tôi

Thêm một bài nữa trên Tuổi Trẻ Cuối  Tuần.  Phải bao nhiêu bài thì mới gỡ được cái điện thoại mất ở hội sách?:)




Mãi đến bây giờ, mỗi khi nhắm mắt lại, tôi vẫn có thể hình dung mồn một cái tủ sách của ba tôi. Như thể nó ở ngay trước mắt. Như thể lúc nào nó cũng ở cạnh tôi, trong nhà tôi.

Cái tủ sách ấy, lớn tuổi hơn tôi nhiều. Thậm chí, có thể nó lớn tuổi còn hơn cả anh chị tôi. Nếu tôi nhớ đúng, ba má tôi sắm cái tủ ấy từ khi mới lấy nhau.

Đó là một cái tủ phooc mi ca màu xám hồng vân gỗ cao ngang đầu một người lớn có chiều cao trung bình kê ngay phòng khách, bước vào là đập ngay vào mắt. Trên cùng, ngăn lớn nhất, có hai tấm kiếng lớn. Để lấy sách, ta chỉ có thể đẩy tấm kiếng về một bên. Nếu cuốn sách định lấy nằm hơi lệch về phía bên kia, thò tay không tới, thì ta buộc phải đẩy cả hai tấm kiếng về phía ngược lại. Ở ngăn này, ba tôi chỉ để sách khảo cứu, gồm những cuốn như Nho giáoViệt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, Cao nguyên miền thượng của Toan Ánh và Cửu Long Giang, Bảng lược đồ văn học Việt Nam của Thanh Lãng, Cười của Dương Tấn Tươi… Ngăn giữa, là những cuốn sách khổ nhỏ hơn, nhiều thể loại. Lẫn trong đó là một tập thơ của ba tôi, viết bằng bút lông trên giấy pơ-luya màu, gồm những bài thơ ba tôi viết tặng bạn bè, nhưng nhiều nhất là viết cho má tôi. Cánh cửa của ngăn này là một tấm ván lớn bằng một cái mặt bàn học; khi ập lên, nó là cánh cửa đóng lại, có thể khóa được, còn khi hạ xuống, nó trở thành đích thị là một mặt bàn viết. Ngăn dưới cùng, ba tôi cất các giấy tờ quan trọng của gia đình.

Hồi tôi còn nhỏ, những cuốn sách ở ngăn trên cùng, sau lớp kiếng, có một sức hấp dẫn lớn lao. Có thể vì nó đẹp: cuốn nào gáy cũng dày, được bọc bằng giấy bóng kính, in trên giấy tốt, chữ rõ, thật khác biệt so với đám sách giấy đen của tôi. Cũng có thể vì, về nguyên tắc, tôi không được phép đọc chúng.

Tài sản của tôi, nói đúng hơn của ba anh chị em chúng tôi, nhưng tôi là người quản lý, là mấy trăm cuốn sách Kim Đồng và văn học lớn hơn tuổi Kim Đồng. Tuy nhiên, sau khi đọc mỗi cuốn trong kệ sách của mình đến bốn hay năm lần, cũng như đã chén sạch toàn bộ sách trong cái thư viện trường cấp I-II trước nhà, thì tôi rón rén tấn công sang tủ sách của ba. Nhưng hồi ấy, với tôi, đẩy tấm kiếng sang một bên để lấy được sách ra không phải là một việc đơn giản. Khe trượt thì sít, tấm kính dù có lõm nhỏ để víu nhưng vẫn trơn, chưa kể, muốn đẩy tấm kiếng ấy, tôi phải trèo lên ghế. Ngoài ra cũng phải nói, những cuốn sách ấy tôi đọc trong tư thế đứng trên ghế, hễ thoáng thấy bóng ba về thì lật đật nhét sách lại vào tủ. Và tẩu.

Tất nhiên, việc đọc lén lút như thế không qua được mắt ba tôi, vì ngoài cái bộ dạng lấm la lấm lét, thì tôi tự làm mình lộ tẩy bằng việc ưa lảm nhảm những gì đọc được. Một hôm, nghe tôi cứ lẩm bẩm Thủy Xá, Hỏa Xá, ba tôi bảo, “Lại lấy sách của ba đọc rồi phải không?”.  Ba tôi thừa biết, tôi chẳng thể nào biết được chuyện Thủy Xá, Hỏa Xá nếu không táy máy tới cuốn Cao nguyên miền thượng! Năm tôi học lớp bốn hay lớp năm gì đó, để quản lý cái sự đọc lộn xộn của tôi, ba tôi ra sắc lệnh, từ giờ trở đi, muốn đọc cuốn nào thì phải xin phép ba trước. Được lời như cởi tấc lòng, cuốn đầu tiên tôi xin phép được đọc là cuốn Tín ngưỡng Việt Nam của Toan Ánh! Ba tôi cười ngất, nói, “Cuốn đó ba đọc còn chưa hiểu hết, nói gì đến con.”

Những năm tám mươi khó khăn, nhà tôi bán lần bán hồi tài sản. Sau một thời gian, nhà hầu như chẳng còn thứ gì có giá trị, trừ cái tủ sách của ba. Một hôm đi học về, tôi thấy chị tôi đứng tựa cửa, nước mắt lặng lẽ rơi. Hỏi, tôi mới hay ba định bán cái tủ sách ấy. Bán cái tủ thôi, chứ sách thì chẳng ai mua, mà có mua cũng chẳng được bao. Tôi thẫn thờ. Có lẽ thấy mặt mày mấy chị em tôi ủ dột quá, nên ba thôi. Ăn uống có khổ cực một chút nhưng cả tủ lẫn sách đều còn. Còn cho tới giờ.

Tôi lớn lên, đi xa, có gia đình riêng, rồi lập tủ sách riêng. Ở nhà tôi bây giờ, kệ sách xếp từ trước ra sau. Số sách tôi có phải gấp mấy chục lần số sách của ba tôi. Tôi thường đi lại trong nhà, ngắm nghía sách của mình. Thế nhưng, mỗi lần ngắm như thế, tôi vẫn nhớ về cái tủ sách cũ kỹ của ba. Tôi nhắm mắt lại, mồn một hình dung ra cái tủ sách chất chồng năm tháng ấy và tự hỏi, nếu hồi bé tôi không được ngắm cái tủ sách với những hàng sách uy nghi đằng sau hai tấm kiếng ấy, liệu tôi có yêu sách như bây giờ không?

Thursday 29 March 2012

Xong



Nàng tuy bé, nhưng mà dai
Xơi nàng mất đến ba ngài ba đêm

Cái bìa trắng sang trọng đương nhiên là bìa bản tiếng Việt của Nhã Nam. Còn cái bìa trông cheap cheap là bản tiếng Anh của  Penguin:)


Một bài review Lolita:)

Friday 23 March 2012

Giữa hai hội sách là...đọc sách

Bài viết cho Tuổi Trẻ Cuối Tuần, trong chiến dịch viết báo kiếm tiền đi mua sách:)  Bản đăng trên báo có thể khác đôi chút, nhưng hông biết khác chỗ nào, tại chưa đọc!


TỪ HỘI SÁCH NHÌN VỀ VĂN HÓA ĐỌC

Một sự kiện văn hóa được mong đợi

Trong những ngày trước khi diễn ra hội sách, trên diễn đàn sachxua.net - một diễn đàn quy tụ các cao thủ sưu tầm sách trên cả nước  - xuất hiện một thành viên mới. Cô gây chú ý không bằng việc trưng bày những cuốn sách quý hiếm hay thực hiện những vụ mua bán hàng khủng mà bằng việc cặm cụi bán từng quyển sách cũ không còn dùng tới của gia đình với giá rất mềm, kèm theo cam kết giao hàng tận nơi. Tất cả nỗ lực này, cô nói,  nhằm gây quỹ đi dự hội sách!  Cũng trên diễn đàn này, các thành viên từ các miền đất nước náo nức hẹn nhau cùng về hội sách để lùng sách kết hợp “đại hội quần hùng”.  Còn trên các mạng truyền thông xã hội,  khá nhiều người í ới nhắn tin cho nhau, hẹn gặp nhau tại hội sách. Những người không đi được thì bày tỏ sự ghen tị, ấm ức, nuối tiếc. Thật là một không khí hội hè!

Rõ ràng, bất chấp tình trạng không mấy lạc quan của ngành xuất bản, và bất chấp Sài Gòn đang vào mùa nắng nóng gay gắt, hội sách TP.HCM đến lần thứ bảy này đã thực sự tạo ra được một không khí của những ngày hội: không khí nôn nao chờ đợi.  Các nhà làm sách cũng khéo léo tung ra các thông tin khiến người đọc tò mò: người ta chờ xem mặt mũi cuốn tiểu thuyết toán hiệp của nhà toán học Ngô Bảo Châu viết chung với Nguyễn Phương Văn, ngóng trông bản Việt ngữ tác phẩm lừng danh Lolita qua bàn tay dịch thuật tài hoa của Dương Tường - ấn phẩm mà có người đã nhận định nếu không tạo ra được cuồng phong thì chỉ có thể trách độc giả Việt, mong được tiếp xúc thêm một di cảo nữa của học giả Vương Hồng Sển Ăn cơm mới nói chuyện cũ: Hậu Giang Ba Thắc hay các dịch phẩm mới trong Tủ sách Tinh hoa Văn học của Phương Nam.

Có thể lạc quan hơn về văn hóa đọc?

Năm 2010, kết thúc hội sách lần VI, các nhà tổ chức công bố con số ấn tượng: 700.000 lượt khách, bốn triệu bản sách bán ra, doanh thu 20 tỷ đồng. Hội sách lần này, với 200.00 tựa sách và 20 triệu bản sách,  và bằng vào những bãi giữ xe đặc kín trong đêm khai mạc, ắt hẳn con số sách bán ra cũng sẽ rất ấn tượng. Nhưng liệu có vì thế mà có thể lạc quan hơn về văn hóa đọc?

Năm 1970, trong cuốn Văn thi sĩ tiền chiến, nhà văn Nguyễn Vỹ than rằng một cuốn sách của một tác giả thuộc loại tên tuổi mà in chỉ được khoảng 3.000 bản. Hơn bốn mươi năm sau, dù dân số cả nước đã gấp năm lần miền Nam ngày xưa, số bản in các đầu sách văn học và khảo cứu nghiêm túc chỉ quanh quẩn ở mức hai phần ba con số kia. Kể cả một tác phẩm được nói đến nhiều như Lolita, đơn vị làm sách cũng chỉ rón rén in 2.000 bản. Cuốn nào bán được tới 5.000 bản thì đã có thể coi là sách bán chạy rồi.

Thực ra, nói đến văn hóa đọc mà chỉ nhìn vào lượng sách bán ra thì cũng chỉ mới nhìn vào phần nổi của tảng băng. “Phần chìm”, có lẽ phải nói đến ba yếu tố: nhà trường, hệ thống thư viện, và các nhà điểm sách chuyên nghiệp.

Nhà trường của chúng ta đóng vai trò rất mờ nhạt trong việc phát triển thói quen đọc sách của học sinh. Gợi ý cho học sinh những cuốn sách cần đọc, sau đó yêu cầu học sinh viết tóm tắt hoặc cùng nhau thảo luận, như thường thấy ở các nước Âu, Mỹ hay gần hơn là các trường quốc tế ở Việt Nam, không phải là một thao tác hay gặp ở giáo viên chúng ta. Trong khi đó, không phải ông bố bà mẹ nào cũng quan tâm đến việc tạo cho con thói quen đọc sách. Huống hồ ngày nay, sự đọc không chỉ phải cạnh tranh với mỗi tivi như trước đây, mà còn phải cạnh tranh với internet và bao nhiêu trò chơi hấp dẫn trên máy tính, điện thoại.v.v. Thói quen đọc không được chăm chút từ nhỏ, thế nên lớn lên việc xa lạ với sách vở là điều không khó đoán. Trong một khảo sát nho nhỏ, tác giả bài viết được dịp bất ngờ khi phát hiện toàn bộ giảng viên đại học của một khoa một trường đại học tương đối có tiếng của Thành phố Hồ Chí Minh không hề biết đến Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, trong khi đây là một trong ít ỏi tiểu thuyết quan trọng của Việt Nam.

Số người thực sự có đọc sách đã không nhiều, giá sách còn làm chùn tay không ít người trong số đó. Giá bìa một cuốn sách văn học khoảng 400 trăm trang giờ đây bình quân ở mức 90.000 - 100.000 đồng. Giá bìa cuốn Khải hoàn môn của Remarque trong Tủ sách Tinh hoa Văn học của Phương Nam lên tới 140.000.  Giá sách khảo cứu còn cao hơn nhiều. Trong hoàn cảnh đó, người muốn đọc sách lại hầu như không được sự giúp sức của hệ thống thư viện, vốn gần như đã “tàng hình”. Một hai thư viện lớn ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh khách lui tới chủ yếu là sinh viên và một số ít người làm công tác nghiên cứu. Không tồn tại các thư viện cộng đồng ở các khu dân cư để phục vụ rộng rãi cho người dân nói chung. Trong suốt nhiều năm qua, có rất nhiều tin tức về các khách sạn, resort, sân golf được khai trương, nhưng tuyệt nhiên không nghe nói về một thư viện mới xây nào. Nhiều lúc, tác giả bài viết rất ganh tị với bạn bè ở Mỹ, Úc, Đức.v.v. vì mỗi khi nghe nói về một cuốn sách nào mới họ cứ lên thư viện mượn về đọc. Chỉ những cuốn cần lắm hoặc thích lắm mới phải bỏ tiền ra mua.

Sự thiếu vắng các cây bút điểm sách chuyên nghiệp cũng là một điều thiệt thòi cho người đọc Việt Nam.  Không phải độc giả nào cũng rành rẽ thông tin về Mario Vargas Llosa hay Philip Roth, biết vị trí của các nhà văn ấy trong nền văn học nước họ và thế giới, phong cách và đề tài của họ như thế nào. Phần lớn bài điểm sách trên các báo chỉ mang tính chất giới thiệu sơ sài, nếu không nói là tóm tắt cốt truyện kết hợp phát biểu cảm tưởng. Nhiều cuốn sách quan trọng ra đời bị bỏ qua, hoặc chỉ được nhắc đến qua loa trên mặt báo. Tìm trên Google tập sách  nặng ký cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng Đường sống  - Văn thư nghị luận chọn lọc của Lev Tolstoy do NXB Tri Thức xuất bản năm 2010, kết quả cho ra chỉ một bài điểm sách đúng nghĩa và một bài trả lời phỏng vấn của nhà văn Nguyên Ngọc về tác phẩm này, còn lại chỉ là những mẩu tin ngắn. Nhiều tác phẩm văn học có giá trị của các nhà văn hàng đầu thế giới chia sẻ số phận hẩm hiu không kém: báo chí thờ ơ, độc giả không biết tới, nằm hứng bụi trên kệ sách chờ ngày bán giảm giá!

Giữa hai hội sách là…đọc sách

Hội sách thì hai năm một lần. Không khí náo nức tưng bừng của một tuần hội ấy hiển nhiên là có lợi cho văn hóa đọc. Nhưng, để có một văn hóa đọc mang màu sắc tươi tắn hơn thì một sự kiện như hội sách chỉ đóng vai trò chất xúc tác, ấy là chưa kể chất xúc tác bớt nhạy ít nhiều do việc đột ngột cắt giảm một số chương trình giao lưu, hội thảo ngay trước ngày khai mạc. Chính những chương trình ấy, cùng những hoạt động như trưng bày sách quý hiếm, thi tủ sách gia đình… là yếu tố khiến hội sách khác chợ sách (tuy rằng, trong hội đúng là có chợ, và rất nên có chợ.)

Giữa hai lần hội, khi sự tưng bừng đã qua và chờ đến sự tưng bừng lần sau, người ta nên làm gì? Một gợi ý là nghe theo lời Flaubert: Đọc. Đọc để mà sống!

Lâm Vũ Thao


---------


Một góc nhìn khác của bác 5xu về văn hóa đọc. Bác 5xu là một trong những người chủ trương một dự án rất thú vị với mục đích đưa các bản dịch dưới dạng sách điện tử miễn phí đến cho người đọc.


Link trên Tuổi Trẻ

Tuesday 20 March 2012

Không đầu không đuôi 40 - 45

40.  Cuộc đời có nhiều điều đáng yêu mà cũng lắm điều đáng sợ. Mỗi giai đoạn, tùy vào thời tiết, tình hình kinh tế, tâm trạng của mình và của… vợ, người ta sẽ nhận ra một điều đáng sợ khác nhau. Trong mấy tuần qua, quanh một vụ lùm xùm về chữ nghĩa, tôi thấy điều đáng sợ nhất là sự hả hê. Của một số người. Đằng sau sự hả hê ấy, tôi nhìn thấy một sự bần tiện về nhân cách. Người ta có thể rất giỏi, nhưng vẫn bần tiện. Dở có thể học để thành giỏi chứ bần tiện thì không cứu vãn được. Không cứu vãn được.

41.  Về sống: Bắt chước lang Bọ Ngựa trong truyện Bu-ra-ti-nô, ta có thể nói: Sống, có hai cách, một là dễ, hai là khó. Nếu dễ, thì hoặc là dễ ít, hoặc là dễ nhiều. Nếu khó… mà thôi, chuyển sang Nguyễn Huy Thiệp đi. Nguyễn Huy Thiệp bảo, Sống dễ lắm! Cứ nhìn vào mắt bọn trẻ con mà sống. Mắt trẻ con bao giờ cũng trong veo. Bao giờ có chuyện khó ở trong người, tôi lại về nhà nhìn vào mắt Pi và Alpha. Cả mắt Pi và Alpha đều trong như bầu trời chiều một thành phố [không ô nhiễm]. Mai mốt hai đứa lớn lên rồi thì tôi nhìn vào mắt ai? Hỏi để tự trả lời: Vẫn nhìn vào mắt hai đứa thôi.

42.  Status trên Facebook cách đây mấy ngày: “Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ở nông thôn. Sáng nay tôi ăn mì gói trộn cơm nguội. Ăn xong, cái bụng rất đằm.” Status trên Facebook cách đây vài giờ: “"Hai năm một lần, Hội sách TP.HCM là một hoạt động sinh hoạt xuất bản lớn nhất nước, thể hiện khá đầy đủ bộ mặt thị trường và phương thức quản lý xuất bản trên địa bàn TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.

NGUYỄN VINH"

Tiên sư anh Nguyễn Vinh!
Comment trên Facebook cách đây cũng vài giờ: “Tôi đứng về phe H.B”.
Ba câu trên lần lượt tham chiếu Nguyễn Huy Thiệp, Nam Cao, Dương Tường.

43.  Người đọc sách, ngoài những quyền được nhắc tới ở đây, còn có các quyền sau: Quyền được hiểu, quyền được không hiểu, và quyền hiểu theo nhiều cách khác nhau.  Nhà văn vì thế chớ nên cướp đi các quyền đó của người đọc. Nếu George Orwell viết thêm một cái Animal-farm-kipedia để giải thích từng nhân vật trong Trại súc vật ám chỉ ai, tôi sẽ bớt yêu Trại súc vật đi rất nhiều (ví dụ thế thôi, chứ tôi chưa bao giờ yêu Trại súc vật - tôi thấy về mặt văn chương đây là một tác phẩm chán òm).

44.  Hồi lẩu lầu lầu lâu, NL viết trên blog mình: “Chỉ cần thích Võ Phiến hơn, hay thích Mai Thảo hơn, có lẽ coi như là bạn đã thể hiện xong một thái độ đối với văn học miền Nam:)” Hồi đấy, tôi chỉ mới đọc một ít Võ Phiến và một rất ít Mai Thảo. Bây giờ, khi có điều kiện [nhà có điều kiện:)]đọc một cách tương đối có hệ thống cả hai người, tôi có thể nói là là tôi thích Võ Phiến hơn. Nhưng với cả hai người, tôi chỉ thích đọc mảng tùy bút  - tạp bút. Với Võ Phiến thì thêm tiểu luận. Miễn không phải là truyện, ngắn hay dài.

45.  Chương trình Mỗi ngày một cuốn sách hôm nay sẽ khoe cuốn này. Mặc dù không thích lắm nhưng tôi không có ý định cho ai:)

----------


PS. Đây là blog của tôi, không phải diễn đàn, nên tôi có thể xóa comment không cần bất kỳ lý do nào.

Sunday 18 March 2012

Chiều chủ nhật, đối thoại về vũ trụ và địa lý thế giới

Chiều chủ nhật, ba đang nằm vắt vẻo trên ghế đọc sách (chú luôn để đỡ bị hỏi: đó là cuốn Việt Nam hành trình một dân tộc của Papin  - trung phong lừng lẫy của đội tuyển Pháp, từng đoạt quả bóng vàng châu Âu 1991, gần đây gây xôn xao vì chở người yêu bằng xe máy về quê làm từ thiện), còn Alpha và Pi đang xem tivi. Ba mới đọc được vài trang thì Alpha và Pi được lệnh (từ kẻ- mà- ai- cũng- biết- là- ai- đó, i.e. Voldemort) tắt tivi, vì đã hết quota xem tivi trong ngày. Ba biết là mình không còn cơ hội để tiếp tục đọc. Quả đúng thế, chỉ một phút sau, Alpha nhìn lên trời và bắt đầu:

Alpha: Ba ơi, ông bà ngoại ở Hà Nội có nhìn thấy mặt trăng ở Sài Gòn không?
Ba: Có con.
Alpha: Nhưng mà ông bà ngoại sẽ nhìn thấy mặt trăng ở xa hơn đúng không?
Ba (gấp sách lại): Cũng bằng như mình nhìn thấy thôi con.
Alpha: Có bao nhiêu mặt trăng hả ba?
Ba: Chỉ có một
Pi (xen vào): Còn mặt trời? Có mấy mặt trời.
Ba: Cũng có một.
Pi: Ông mặt trời có to không ba?
Ba: Rất to.
Pi: Tại sao ông mặt trời lại to?
Ba: Tại vì ông mặt trời sinh ra đã to. :)
Alpha: Nhà ông mặt trời ở đâu?
Ba: Ở trong vũ trụ.
Alpha: Còn nhà ông mặt trăng ?
Ba: Cũng ở trong vũ trụ.
Alpha: Như vậy mặt trăng và mặt trời ở chung nhà?
Ba: Ừ vũ trụ là một cái nhà rất to.
Alpha: Trong đó có đồ đạc giường tủ bàn ghế không ba?
Ba: À, trong vũ trụ còn có… trái đất. Nhà mình ở trên trái đất. Và trong nhà mình thì có đồ đạc bàn ghế giường tủ.
Pi (chuyển đề tài đột ngột): Ba cho con coi sách bản đồ đi (tức cuốn Atlas - bản đồ là một niềm đam mê của Pi, từ khi Pi lượm được cái bản đồ có hầm Thủ Thiêm. Nhờ có Pi xem bản đồ chỉ mà ba mới biết đường đi qua hầm.  Khi bản đồ mất, Pi băn khoăn mãi ba có biết đường đi nữa không.)
Ba: Được rồi con coi đi nhưng không được làm quăn nhé.
Alpha & Pi: Ya wi! (Đây là ký âm một tiếng kêu đặc biệt của Alpha và Pi, dùng để thể hiện sự vui sướng khi được một thứ gì đó.)
Hai đứa phóng đi lấy cuốn Atlas. Một lúc sau…
Alpha: Ba ơi nước Sài Gòn ở đâu?
Ba: À, chỉ có nước Việt Nam. Đây nè, còn Sài Gòn là thành phố, chỉ là một chấm nhỏ xíu.

Và sau đó là liên tục các câu hỏi Hà Nội ở đâu, Malaysia ở đâu, Hàn Quốc ở đâu, Mỹ ở đâu và “nước ngoài” ở đâu trên bản đồ. Khi hỏi hết tên các nước mình biết rồi, hai đứa chuyển sang chỉ vào vị trí trên bản đồ và hỏi ba đó là nước nào. Trả lời được chừng hai chục nước nữa thì may quá, tới giờ cơm. Ba thoát!

Friday 16 March 2012

Bọ Ngựa chẩn bệnh

Sau Kafka, Stendhal, giờ tới phiên Bọ Ngựa.:)

Số là đang đọc Bu-ra-ti-nô cho hai bạn Alpha và Pi nghe, tới đoạn này vẫn thấy buồn cười. Mà cái truyện Bu-ra-ti-nô này, hồi bé đọc cũng dăm chục lần chứ có ít đâu.

Đoạn này là đoạn sau khi Man-vi-na và chó xù Ác-ti-môn cứu Bu-ra-ti-nô đang bị treo ngược trên cây xuống, Ác-ti-môn mời Cú, Cóc và Bọ Ngựa về chữa bệnh cho Bu-ra-ti-nô. Tất nhiên, mỗi lang sẽ chẩn bệnh một phách, không lang nào chịu lang nào: một pha hội chẩn rất điển hình!

Đỉnh nhất là lang Bọ Ngựa: "Cô lang Bọ Ngựa giơ bàn tay như là cỏ khô sờ vào Bu-ra-ti-nô. Cô thở dài:
- Chỉ có hai điều: một là còn sống, hai là đã chết rồi. Nếu còn sống thì một là còn sống được lâu, hai là không sống được mấy nữa. Nếu đã chết thì một là có thể cứu sống được, hai là chịu bó tay."




Hai bản sách. Một là kỷ niệm tuổi thơ của bố và một là sách mới của con. 





Thursday 15 March 2012

Cánh cụt, có một con chim cánh cụt

Dưới đây là chương 6 của cuốn sách Bầy cánh cụt nhà Popper của  Richard và Florence Atwater, Quân Khuê dịch, Kim Đồng xuất bản.



Rắc rối nối tiếp rắc rối

Bọn trẻ nhìn thấy viên cảnh sát trước tiên.
“Bố nhìn kìa,” - Bill nói.  “Có một chú cảnh sát ở cửa sau. Chú ấy sắp bắt bố phải không?”
Gúc,” - Thuyền trưởng Cook kêu lên, bước đi với dáng điệu đường hoàng tới cửa, cố gắng chọc mỏ qua cửa lưới.
“Đây là số 432 đường Proudfoot phải không?”
“Đúng rồi,” - chú Popper trả lời.
“Ừ, tôi cũng nghĩ đây là địa chỉ tôi cần tìm,” - viên cảnh sát nói và chỉ vào Thuyền trưởng Cook. “Con vật kia là của anh phải không?”
“Quả đúng vậy,” - chú Popper nói đầy tự hào.
“ Anh  làm nghề gì?” - viên cảnh sát nghiêm khắc hỏi.
“Bố cháu là họa sĩ,” - Janie nói.
“Bố cháu suốt ngày làm vấy bẩn sơn trên quần áo,” - Bill nói.
“Tôi là thợ sơn nhà, thợ trang trí,” - chú Popper nói. “Anh không vào nhà à?”
“Không,” - anh cảnh sát nói, “trừ khi tôi bị buộc phải vào.”
“Ha, ha!” - Bill bật cười. “Chú cảnh sát sợ Thuyền trưởng Cook.”
Gô!” - chú chim cánh cụt kêu lên, cái mỏ ngoác rộng, như thể muốn cười viên cảnh sát.
“Nó nói được không?” - viên cảnh sát hỏi. “Nó là con gì vậy– một con vẹt khổng lồ à?”
“Nó là một con chim cánh cụt,” - Janie nói. “Chúng cháu nuôi nó làm thú cưng.”
“Ồ, nếu nó chỉ là một con chim…” - viên cảnh sát nói, nhấc mũ lên gãi đầu với điệu bộ khá bối rối. “Cứ trông cái cảnh anh chàng có túi đồ nghề rú lên với chú ở ngoài đường, chú cứ tưởng  có một con sư tử sổng chuồng ở đây.”
“Mẹ cháu hay nói tóc bố đôi khi xù lên như sư tử ấy,” - Bill nói.
“Thôi đi, Bill,” - Janie nói. “Chú cảnh sát chả quan tâm đến việc tóc bố trông như thế nào đâu.”
Viên cảnh sát lúc này chuyển sang gãi cằm. “Nếu nó chỉ là một con chim, chú nghĩ sẽ ổn thôi nếu các cháu nuôi nó trong một cái lồng.”
“Chúng cháu nuôi nó trong tủ lạnh.” - Bill nói.
“Các cháu có thể nuôi nó trong tủ lạnh, chú không quan tâm,” - viên cảnh sát nói. “Anh nói nó là giống chim gì vậy?”
“Chim cánh cụt,” - chú Popper trả lời. “Và tiện đây, tôi muốn dắt nó đi dạo. Nếu tôi dắt nó bằng dây buộc cổ thì có được không?”
“Tôi bảo này,” - viên cảnh sát nói, “thực lòng mà nói tôi không biết quy định của thành phố về chim ra sao, có phải buộc cổ không khi ra đường. Tôi sẽ hỏi ngài trung úy.”
“Có khi tôi cần xin giấy phép,” - chú Popper gợi ý.
“Nó lớn như thế thì chắc chắn phải xin giấy phép rồi,” - viên cảnh sát nói. “Tôi nghĩ anh nên làm thế này. Anh  gọi điện cho Tòa thị chính hỏi họ quy định về  chim cánh cụt. Và chúc anh may mắn, anh Popper. Xin nói thêm, nó là một anh chàng dễ thương đấy. Trông giống người ra phết. Tạm biệt anh, anh Popper, và tạm biệt chú mày, ngài cánh cụt.”
Khi chú Popper gọi điện cho Tòa thị chính để hỏi chuyện giấy phép, Thuyền trưởng Cook cố hết sức ngắt điện thoại bằng cách cắn vào dây nối màu xanh lá cây. Có lẽ nó cho rằng đó là một loài lươn mới nào đấy. Nhưng ngay lúc đó cô Popper đi chợ về và mở một hộp tôm, vì vậy chú Popper nhanh chóng được yên thân với cái điện thoại.
Dù vậy, chú nhận thấy chẳng dễ dàng gì để biết được liệu chú có phải xin giấy phép cho con vật nuôi kỳ lạ của mình hay không. Cứ mỗi lần chú định giải thích chú muốn gì, người ta lại bảo chú đợi một lát, và rất lâu sau một giọng mới hỏi chú rằng chú muốn gì. Chuyện này diễn ra một lúc khá lâu. Cuối cùng một giọng nói mới có vẻ hơi quan tâm tới vụ việc này. Hài lòng với giọng nói thân thiện ấy, chú Popper lại bắt đầu trình bày về Thuyền trưởng Cook.
“Anh ấy là đại úy quân đội, đại úy cảnh sát, hay đại úy hải quân?[1]
“Không phải,” - chú Popper nói. “Nó là một con chim cánh cụt.”
“Xin anh vui lòng nhắc lại?” - giọng nói yêu cầu.
Chú Popper nhắc lại. Giọng nói gợi ý rằng có lẽ chú nên đánh vần từ đó.
“Ch-i-m c-á-n-h c-ụ-t,” - chú Popper nói. “Tiếng Anh là Penguin. “Ồ!” - giọng nói thốt lên. “Anh định nói là tên của Thuyền trưởng Cook là Benjamin[2] phải không?”
“Không phải Benjamin. Chim cánh cụt. Đó là một con chim.” - chú Popper nói.
“Anh định nói là,” - giọng nói trong ống nghe tiếp tục, “Thuyền trưởng Cook muốn xin giấy phép săn bắn chim? Tôi xin lỗi. Mùa săn bắn chim phải đến tháng mười mới bắt đầu. Và xin anh vui lòng nói rõ ràng hơn một chút, anh Topper, anh nói tên anh là cái  gì Topper?”
“Tôi tên là Popper, không phải Topper,” - chú Popper gào lên.
“Vâng, anh Potter. Giờ tôi có thể nghe anh khá rõ.”
“Vậy thì nghe này,” - chú Popper gào, giờ thì  vô cùng giận dữ. “Nếu đám viên chức các anh ở Tòa thị chính thậm chí không biết chim cánh cụt là cái giống gì, tôi đồ chừng các anh chả có cái quy định nào nói rằng chúng phải được cấp phép. Tôi sẽ chả cần đến cái giấy phép nào cho Thuyền trưởng Cook cả.”
“Xin đợi một lát, anh Popwell. Chuyên viên Treadbottom của chúng tôi thuộc Phòng Hàng Hải quản lý Hồ, Sông, Ao, và Suối vừa mới bước vào đây. Tôi sẽ để anh nói chuyện trực tiếp với anh ấy. Có lẽ anh ấy giải quyết được chuyện Benjamin Cook của anh.”
Một lát sau một giọng nói mới cất tiếng: “Xin chào. Đây là Phòng Cấp Phép Xe Hơi. Anh đã sở hữu chiếc xe này từ năm ngoái phải không, và nếu vậy, xin cho biết số xe?”
Chú Popper đã được chuyển điện thoại sang Tòa nhà Hành chính Quận.
Chú quyết định gác máy.




[1] Nguyên văn: Captain (trong tên của chú chim cánh cụt “Captain Cook”) có nghĩa là “thuyền trưởng” mà cũng có nghĩa là “Đại úy”.
[2] Trong tiếng Anh “penguin” (chim cánh cụt) được phát âm gần giống với “Benjamin”.

Tuesday 13 March 2012

Stendhal chế chuyên chế

Trong cuốn tiểu thuyết vĩ đại Tu viện thành Parma, Stendhal đã hơn một lần nhạo chế độ chuyên chế. Hơn một lần, vì tôi thấy ít nhất có hai lần:

Lần thứ nhất, khi ông bá tước Mosca bàn với tình nhân của mình là  Gina kế hoạch cho Gina lấy Công tước tên dài ngoằng để sau khi Công tước tên dài ngoằng đi sứ thì hai người thoải mái tình tự với nhau, Gina nói: "Nhưng anh có biết cái điều anh đề nghị với em là quá vô đạo không?" Bá tước Mosca trả lời: "Cũng chẳng vô đạo hơn những việc người ta làm ở triều đình chúng tôi và hai mươi triều đình khác. Chính quyền chuyên chế có cái tiện là làm cho cái gì cũng trở nên thiêng liêng đối với nhân dân; mà một sự lố bịch người ta không nhận thấy thì còn lố bịch vào đâu được?"


Lần thứ hai, khi Fabrice bị giam trong ngục thành, Gina khi đó đã là nữ công tước, cố làm mọi cách để cứu Fabrice. Bà tiêu rất nhiều vàng, nhưng việc vẫn chưa thành. Tác giả bình luận: "Tuy nhiên chỉ có một loại công việc mà người ta thực hiện hoàn hảo trong các triều đình chuyên chế nhỏ, đó là việc giam giữ những người tù chính trị."


Sunday 11 March 2012

Kafka chọn sách để đọc

Rất nhiều lúc ta băn khoăn không biết cuốn sách tiếp theo nên đọc là cuốn nào. Những lúc đó, có thể tham khảo Kafka. (Nhân đây cảm ơn bạn D. đã lùng cho tôi được Tuyển tập Kafka còn mới cáu từ một nhà sách chuyên bán nước tương và nồi cơm điện:)

Trong thư gửi cho bạn mình Oskar Polak năm 1904, Kafka viết: “Nhìn chung, tôi nghĩ chúng ta chỉ nên đọc những cuốn sách nào làm ta đau nhói. Nếu cuốn sách chúng ta đang đọc không làm ta rúng động như bị giáng một cú vào sọ, thì  đọc nó làm qué gì? Để nó làm ta vui ư, như cách anh nói. Chúa ơi, nếu không có cuốn sách nào hết thì ta cũng vui từng ấy thôi; những cuốn sách làm ta vui ấy thì, cùng lắm, tự ta ta cũng có thể viết được. Cái ta cần là những cuốn sách làm ta chấn động như một sự rủi đau thương nhất, như cái chết của một người mà ta yêu thương hơn bản thân mình, những cuốn khiến ta cảm thấy như thể  ta bị đày vào rừng sâu, xa cách mọi hiện diện của con người, như tự tử. Một cuốn sách phải là nhát rìu bổ xuống cái biển đông cứng bên trong ta. Đó là điều mà tôi tin. ”

Đoạn trên đây trích từ cuốn A History of Reading của Alberto Manguel, là cuốn nằm dưới cuốn Bảo Ninh hôm nọ. Chân dung em nó đây:


Thursday 8 March 2012

ESP4U




Cuốn này xuất bản năm 1996, dày 77 trang, giá bìa 6.000 đồng, vừa mới được giao dịch trên thị trường Luân Đôn  tối nay với giá 70.000 đồng. Thảo nào giá xăng chả tăng:)


Nhưng, cuốn ở dưới mới là đáng nói hơn. Đố ai biết là cuốn gì?:)

Wednesday 7 March 2012

Ghi về Pi

1.  Pi đang làm quen với chữ cái. Đến hôm nay Pi đã nhớ trọn vẹn bảng chữ cái rồi, chứ mấy hôm đầu thì Pi học đâu quên đấy, vì nói gì thì nói, Pi vẫn quan tâm đến chim xanh, chim đỏ, chim vàng (tức trò Angry Birds) hơn là ABC. Để giúp Pi nhớ chữ, nhất là những chữ khó, ba bảo Pi tự nghĩ xem chữ này chữ kia giống như cái gì. Đến chữ U, ba hỏi, con thấy chữ này giống cái gì. Pi nói, chữ này giống tóc con gái. Ba ngơ ngác. Pi nói, dạ xoay ngược lại thì giống tóc con gái. Pi cầm cuốn tập xoay ngược lại. Ba thấy Pi có khiếu, sau này học hình học chắc khá hơn ba ngày xưa.

2.  Buổi tối, trước giờ đi ngủ, ba mẹ hay thay phiên đọc truyện cho hai đứa nghe. Thường ba hay mẹ ngồi giữa, hai đứa ngồi hai bên. Hôm nay đến lượt ba đọc. Chả hiểu vì sao hôm nay Alpha nấc cụt liên tục, làm ảnh hưởng đến giọng đọc rất chi truyền cảm của ba. Ba bèn bảo Alpha đi uống nước. Pi hỏi, sao ba nói Alpha đi uống nước. Ba trả lời (và chợt nhận ra câu trả lời của mình rất trớt quớt), uống nước cho hết nấc cụt con. Pi hỏi tiếp, tại sao uống nước thì hết nấc cụt. Ba ớ người ra, thực tình thì ba cũng không biết tại sao. Sau đó ba lên Google tra một lúc mà vẫn chưa ra. Cô chú bác nào biết thì tư vấn giúp.

3.  Ở lớp, hẳn các cô giáo tuyên truyền rất nồng nhiệt về ngày 8/3, nên về nhà Pi cũng tuyên truyền lại, rằng ngày 8/3 thì con trai phải giúp đỡ con gái, làm việc thay con gái, tặng hoa cho con gái. Ba hỏi Pi, vậy ngày 8/3 thì con định làm gì cho mẹ. Pi nói, nhưng mà con có biết nấu ăn đâu. Con cũng không có tiền mua hoa tặng mẹ. Ba nói, chỉ cần con ngoan là mẹ vui rồi, con không cần phải nấu ăn hay tặng hoa cho mẹ, còn giúp đỡ các bạn gái thì ngày nào cũng làm được, không phải chỉ giúp trong ngày 8/3. Không hiểu Pi tiếp thu lời ba như thế nào, nhưng Pi đột nhiên cam kết: Ngày 8/3 con sẽ không đánh các bạn gái!

Monday 5 March 2012

Không đầu không đuôi 34-39

34.  Tiểu thuyết, về bản chất, là đa nguyên.

35.  Tại sao tôi lại đọc tiểu thuyết? Một câu hỏi ngớ ngẩn. Chẳng ai hỏi tại sao bạn xem tranh hay nghe nhạc.

36.  [Tự kiểm duyệt. Khoe khoang quá đáng có thể dẫn đến rủi ro.]

37.  Pamuk lèm bèm về tiểu thuyết (chữ lèm bèm mượn của Mr. Tin Văn): “Tiểu thuyết, cũng như nhạc giao hưởng và hội họa hậu Phục hưng, theo tôi là một trong những cột trụ của văn minh châu Âu; đó chính là những  thứ tạo nên một châu Âu như nó bây giờ. Tôi không thể nghĩ ra một châu Âu không có tiểu thuyết.”

38.  Một tạp chí rất chi phù phiếm truyện phỏng vấn tôi về việc viết blog, hỏi tôi hay viết cái gì và thích gì nhất trong việc viết lách. Sau đây là trả lời ngắn của tôi: “Tôi  thường viết về sách và các nhà văn mình thích. Nếu như trước đây đọc sách xong tôi không biết chia sẻ cùng ai, hoặc nếu có, đối tượng chia sẻ cũng khá hẹp vì bạn bè tôi không đọc sách mấy, thì bây giờ tôi chia sẻ về những gì mình đọc trên blog. Nhờ blog tôi có thêm nhiều bạn bè quan tâm đến sách như tôi. Ngoài ra, hai con tôi, Alpha năm tuổi và Pi bốn tuổi, là nguồn cảm hứng bất tận. Tôi thích được loay hoay với chữ. Tôi thích cái cảm giác diễn đạt thành công một điều gì đó bằng ngôn ngữ. Quan trọng hơn, viết thường xuyên là một cách tập thể dục cho trí óc và tâm hồn. Để viết, bạn buộc phải đọc, quan sát, suy nghĩ, cảm nhận, không thì khó mà viết thường xuyên được.”

39.  Chương trình mỗi ngày một cuốn sách hôm nay xin khoe cuốn sách mà rồi người ta sẽ còn nói nhiều về nó, đó là tiểu thuyết mới nhất của Nguyễn Bình Phương, Xe lên xe xuống. Cuốn sách được in ở Mỹ. Tôi không biết tại sao cuốn sách không được in trong nước. Cũng có thể đoán nhưng tôi không thích. Bất kể lý do nào, việc cuốn sách không đến được với đông đảo người đọc trong nước là một điều đáng tiếc. Rất đáng tiếc.


PS. Trong bộ sách Nguyễn Bình Phương tôi còn thiếu cuốn Ngồi. Bạn nào có thể nhường lại hoặc, cho, tặng tôi xin cảm ơn trước nhưng không dám hứa hậu tạ. (Tôi sợ bị gạ tình lấy sách!:))

Friday 2 March 2012

Vài dòng ngắn về Ai và Ky

Nhắc đến thể loại tiểu thuyết toán học, hay toán hiệp theo cách nói của 5xu, người đọc ở Việt Nam hẳn sẽ nhớ ngay đến những cuốn như Người mặt nạ đen ở nước An-giép hay Ba ngày ở nước tí hon. Mấy cuốn này, nếu tôi nhớ không nhầm, đều là truyện Liên Xô. Tôi không nhớ Việt Nam đã có cuốn nào theo thể loại này. Nếu đúng vậy, cuốn sách sắp xuất bản Ai và Ky ở xứ sở của những con số tàng hình của Giáo sư Ngô Bảo Châu viết chung với Nguyễn Phương Văn, thường được biết đến hơn dưới tên 5xu, hay Xu béo, sẽ là cuốn đầu tiên ở Việt Nam lồng toán học vào một câu chuyện, hoặc nói ngược lại, lồng một câu chuyện vào toán học. Những kiến thức toán học được dùng để đưa vào một cuốn sách cho độc giả phổ thông chắc chắn chỉ có thể là những kiến thức tương đối căn bản, vì thế ta có thể yên tâm những bài toán cỡ như Bổ đề cơ bản sẽ không xuất hiện trong cuốn sách này. Và vì đây là một tiểu thuyết toán học, ta có thể dễ chấp nhận hơn khi các nhân vật từ cậu bé Ai đến người bạn hơn tuổi Ky (có ngoại hình được tả khá giống một trong hai đồng tác giả), đến Thales, rồi cả các cụ Euclid, Pythagoras, Cartesius đều có lối đi đứng, nói năng na ná nhau.

Sau nửa đầu cuốn sách, khi mà người đọc tưởng các nhân vật chỉ biết làm toán, ngủ, và ăn, thì nửa sau cuốn sách trở nên sống động hơn rất nhiều với sự xuất hiện của một vị vua thường xuyên thay đổi quyết định, một vị quan đại thần kiêm nhà toán học có thể đóng một lúc hai vai công tố viên và luật sư, Alice - chính là Alice ở xứ sở kỳ diệu của Lewis Carroll, và hoán vị của cô, Elaci, và cả một con rồng. Cũng trong nửa sau này,  sẽ có một cuộc chạy đua (giữa Alice và Cụ Rùa - không phải Cụ Rùa làm xôn xao giấy mực hồi năm ngoái năm kia đâu, mà là một cụ rùa bằng giấy), một phiên tòa mà bồi thẩm đoàn suýt bị bỏ quên, và một cuộc song đấu giữa một nhà toán học trẻ tuổi và một con rồng (gợi nhớ Harry Potter?). Nổi lên từ những sự vụ đó là tiếng cười của Alice -tiếng cười trong trẻo phá tan giới hạn, vượt qua nghịch lý (nghịch lý Zena, sao Google bảo là nghịch lý Zeno, hic hic), mặc dù ngay sau đó là lời khuyên (của quan đại thần Chico dành cho Ai) rằng: “Ta khuyên cậu không nên vượt qua giới hạn. Con người không nên cười, không nên khóc mà chỉ nên ăn đậu.” Làm theo lời khuyên này, tôi không cười, không khóc, không vượt qua giới hạn, mà chỉ đi ăn …táo. Trong thời đại ngày nay, ăn táo thì hãy nhớ đến... Steve (Jobs), người được hai tác giả khéo léo dành cho một vai ở cuối sách.

* Ảnh chụp màn hình các từ khóa tìm kiếm dẫn đến blog này 20 giờ sau khi post entry này:)



BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN