Cách đây hơn hai tuần, tôi có đi xem vở kịch Ngàn năm tình sử (đạo diễn Thành Lộc, tác giả kịch bản Nguyễn Quang Lập) của IDECAF tại Nhà hát Bến Thành. Đây là một vở kịch về mối tình giữa Lý Thường Kiệt và người yêu tên là Thuận Khanh. Đại khái, thời trẻ hai người yêu nhau, rồi Lý Thường Kiệt vào quân ngũ, định vài năm công thành rồi về lấy Thuận Khanh làm vợ. Ngờ đâu, Thuận Khanh bị kẻ gian ton hót nên bị đưa vào triều làm cung nữ. Lý Thường Kiệt nghe tin, quyết định tự hoạn để trở thành thái giám hòng có cơ hội gần gũi người yêu. Bốn mươi năm sau, vua băng hà, các cung nữ được trả về quê. Lý Thường Kiệt gặp lại Thuận Khanh trong đau đớn. Chuyện Lý Thường Kiệt tự hoạn có ghi trong chính sử, còn lại tất nhiên là hư cấu. Bên cạnh tuyến kịch chính này, còn có tuyến kịch phụ khắc họa sự ghen tuông và đau khổ khi bị nhà vua bỏ rơi của hoàng hậu Thượng Dương, người sau đó uống thuốc độc tự vận vì quá tin kẻ gian mà mang tiếng phản bội đất nước.
Vai Lý Thường Kiệt do Thành Lộc đảm nhiệm. Mặc dù vẫn rất tài năng nhưng có lẽ Thành Lộc chỉ diễn tốt vai Lý Thường Kiệt lúc đã là hoạn quan. Còn trước đó, sự hạn chế về hình thể, tuổi tác và chất giọng khiến anh không thể nào diễn ra được một thanh niên Lý Thường Kiệt trẻ trung, nghịch ngợm, đắm say trong tình yêu và khỏe khoắn, uy dũng trong những pha múa võ. Nếu như diễn ra được những phẩm chất đó của Lý Thường Kiệt khi trẻ, người xem hẳn sẽ đồng cảm hơn với nỗi đau tinh thần và thể xác khi nhân vật Lý Thường Kiệt mất người yêu và một phần thân thể. Tương tự, Thanh Thủy có lẽ chỉ nhập vai khi Thuận Khanh đã tiến cung, khắc khoải nhớ người yêu và mòn mõi đợi chờ ân sủng nhà vua; còn thì chị cũng không diễn ra được cô thôn nữ Thuận Khanh trẻ trung, xinh đẹp và trong sáng.
Ngay cả khi hai diễn viên chính diễn nhập vai hơn ở phần sau vở kịch, nghĩa là khi các nhân vật đã trải qua những biến cố đau thương và đã thêm nhiều tuổi, Ngàn năm tình sử cũng không lúc nào cho người xem cảm giác thỏa mãn: nó thiếu cao trào, thiếu kịch tính. Cao trào được dự định có lẽ là trường đoạn Thuận Khanh và Lý Thường Kiệt gặp lại nhau sau bốn mươi năm, Thuận Khanh muốn mà Lý Thường Kiệt không thể. Tuy nhiên, người xem (ở đây là tôi) vẫn không thể nào có được cảm giác quặn thắt, xót xa mà hẳn là các tác giả vở kịch mong muốn. Có một cái gì đó thiếu thiếu: có thể là đài từ của diễn viên quá điệu đà (lúc này chỉ nghe chứ không nhìn thấy nét mặt, vì hai người diễn xuất sau một tấm màn), có thể là lời thoại chưa đích đáng. Mà nói chung, cả vở kịch không có câu thoại nào đích đáng – cái này rõ do kịch bản. Kể cả nhân vật Lý Đại Gia, kẻ đã đưa Thuận Khanh vào cung và lừa hoàng hậu Thượng Dương – một nhân vật hoàn toàn có đất để nói những lời độc địa lại chỉ nói những câu tương đối hiền lành. Trong khi đó, ở tuyến kịch phụ và hầu như không có liên kết với tuyến kịch chính, hoàng hậu Thượng Dương lại được dành cho quá nhiều thời gian, riêng đoạn Thượng Dương chuốc thuốc độc các cung nữ và tự vận phải gần mười lăm phút, làm người xem hết sức sốt ruột.
Bắt mắt và bắt tai hơn cả là những màn múa hát với sự tham gia của đông diễn viên - phải ghi nhận rằng các diễn viên đều múa và hát khá tốt và đạo diễn Thành Lộc đã sử dụng âm nhạc và vũ đạo để thể hiện nhiều không khí khác nhau từ mùa xuân tình yêu ở đầu vở kịch đến không khí chiến trường ở phần sau. Phần nhạc do Đức Trí soạn mượt mà, với những tiết tấu rất đặc trưng Đức Trí. Tuy nhiên, chính trong cách sử dụng nhạc để diễn cũng có vấn đề: thứ nhất là lời bài hát quá trẻ trung, không hợp với thời gian câu chuyện, khiến cho nỗi đau trong chuyện tình Lý Thường Kiệt - Thuận Khanh mang dáng dấp nỗi đau của một chàng trai 8x bị người yêu đá; và thứ hai, Thành Lộc và Thanh Thủy hát không tồi, nhưng không đủ tốt để đơn ca những đoạn “cao trào”.
Dựng lại nhân vật Lý Thường Kiệt không phải từ góc độ một vị tướng lừng lẫy mà từ góc độ một con người với những tình cảm riêng tư và có phần nhạy cảm, lẽ ra Ngàn năm tình sử phải là một vở kịch rất đáng xem. Tuy nhiên, một kịch bản nhạt nhòa, tản mác cộng với việc chọn diễn viên chưa thật sự hợp lý khiến cho Ngàn năm tình sử chỉ có thể là những mảnh vụn tình sử.
Dù chưa đi xem nhưng mình cũng hình dung ra sự thể như thế với các bác Thành Lộc và Thanh Thủy.
ReplyDeleteCái này làm em nhớ tới vở “ Romeo và Juliet không trẻ mãi” hình như của Lưu Quang Vũ. ..
ReplyDeleteThành Lộc làm đạo diễn tranh thủ vai chính luôn, ^^ em mong ngày anh này về hưu để các em trẻ tuổi hơn có đất diễn. Có những vai diễn mà hình thể và tuổi tác đóng phần quan trọng mà tài năng khó lấp liếm được. Tiếc cho Thành Lộc và Thanh Thủy.
Nói một sự thực không đẹp lòng là hai anh chị ấy không... đẹp, lại còn thấy mặt đã hài.
ReplyDeleteĐọc là tưởng tượng được và đồng cảm được.
ReplyDeleteMình chưa bao giờ đi xem kịch và cũng sẽ không bao giờ. Vì mình ghét kịch.
Tôi nghe hình như người ta lại khen vở này, và khen Thành Lộc. Tuy nhiên, các bạn cũng nên thông cảm, dựng kịch lịch sử khó lém! Hu hu!
ReplyDeleteQuý: Thế anh TL hay cười với Quý à?:)
ReplyDeleteBác Phú ghét nhiều thứ nhỉ:)
Bác Thụy: Chắc chắn là trong người ta không có em.
@Phú:
ReplyDeletePhú ghét kịch là do chưa được xem vở hay, đạo diễn giỏi + diễn viên giỏi thôi.
Thử xem Lôi vũ của Nhà hát tuổi trẻ do Lê Hùng đạo diễn và Lê Khanh đóng chính xem, sẽ thay đổi quan điểm ngay.
em cũng có đi xem, và em cũng không thích kịch.
ReplyDeleteem cũng thấy nhạt, và em cũng không thích cặp đôi già chát kia hóa teen.
em cũng thích những màn múa, và cái mà em nghĩ được, lúc đó, chính là sự đầu tư công phu và làm việc chuyên nghiệp, bài bản của cả một ê-kíp.
mong là người ta tiếp tục có những tác phẩm còn tạo được khen chê, đến từ sự nghiêm túc của một tập thể, hơn là những đòn phép láu cá để hòng vơ vét được một hai suất diễn kín rạp.
:D
ối cafe sữa lớn quá không còn teen teen nữa rồi:)
ReplyDeleteEm cũng đồng ý với anh GM là bạn Cafe sữa " già" quá rồi...Hehehe
ReplyDeleteơ, em cạo râu rồi mà.
ReplyDeleteEm chưa xem vở này nhưng chi tiết về Thượng Dương có vẻ hơi giống như trong chèo Đất nước đứng lên của Tào Mạt. Lại có đoạn Thượng Dương chuốc thuốc độc các cung nữ và tự vẫn nữa chứ!
ReplyDeleteThật là oan cho Thượng Dương cùng hơn 70 cung nữ. Bị Ý Lan và Lý Nhân Tông bỏ đói tới chết mà tới 1000 năm sau vẫn bị mắc oan, mang tiếng là phản bội trong các vở chính kịch. Trong khi kẻ giết người vẫn nhởn nhơ được ca ngợi.
Một điều khiến em khá ngạc nhiên khi đọc sử là lời phê của Ngô Sĩ Liên với Lý Nhân Tông khá nhẹ. Thượng Dương là mẹ cả của Nhân Tông, theo đạo lý Nho Giáo thì việc Nhân Tông nghe lời mẹ đẻ là Ỷ Lan bỏ đói Thượng Dương cùng 70 cung nữ tới chết là tội giết mẹ, một tội cực nặng theo đạo đức Nho giáo ngay cả với người dân thường. Vậy mà lời phê của một sử gia đặc sệt phong kiến là Ngô Sĩ Liên lại nhẹ hều.
Ngay cả việc đặt tên thụy (?) là Lý Nhân Tông cũng là cả một trò đùa khó tin. Một ông vua giết mẹ thì sau khi chết, được triều thần ca tụng là nhân đức nên đặt tên là Nhân Tông. Chẳng trách nhà Lý suy vi bắt đầu từ Nhân Tông trở đi và Tô Hiến Thành trở thành biểu tượng Nho giáo cuối cùng trong cái thời đạo đức xã hội đảo điên đó.
Còn tên thụy của Ỷ Lan cũng có chữ nhân, Phù Thánh Linh Nhân Hoàng Thái Hậu.
ReplyDeleteNhưng nếu gọi thời đấy là đạo đức xã hội đảo điên thì biết gọi thời nay là cái gì hả bạn Linh?:)
Ừm mà nói thêm, vở này chán từ kịch bản chán đi, chứ công lao của Thành Lộc và Thanh Thủy chỉ một phần thôi, các bạn đừng công kích hai anh chị này quá:)
ReplyDelete^-^
ReplyDelete1. "Nhưng nếu gọi thời đấy là đạo đức xã hội đảo điên thì biết gọi thời nay là cái gì hả bạn Linh?" <<< Em đặc biệt nghĩ nhiều về cái reply này của anh. :D
2. Em cũng đồng quan điểm khi anh cho rằng Thành Lộc và Thanh Thủy không còn đủ THANH và SẮC để diễn cho ra những phân đoạn trẻ trung của hai nhân vật. Nhưng về phân đoạn GIÀ, em nghĩ các diễn viên trẻ không thể qua họ được. Giải pháp có thể nào là cho hai diễn viên trẻ đảm nhiệm phân đoạn trước của các nhân vật chăng? :)
3. Kịch bản này hình như của nhà văn Nguyễn Quang Lập thì phải? Em không cho rằng Bọ Lập để nhiều sai sót trong vấn đề đối thoại của các nhân vật, nhưng có lẽ đây là đề tài lịch sử - khá nhạy cảm - nên phần nào đã gây ra hạn chế trong các mẫu đối thoại khi ông viết kịch bản chăng?
Tổng kết lại mà nói, vở kịch này không tồi. Em có thể nhìn thấy sự cố gắng của cả một tập thể, của từng cá nhân trong vấn đề lao động nghệ thuật nghiêm túc. Rất đáng hoan nghênh anh ạ. :)
Vân Lam: Lao động nghiêm túc thì đáng hoan nghênh nhưng dở thì vẫn bị chê như thường. Anh nghĩ các nhà làm phim Đừng đốt cũng lao động nghiêm túc lắm đấy chứ:)
ReplyDeleteChị tưởng ngày xưa bọn nó hay gọi Mund là Công Công mà. Không thông cảm được là sao?? :)
ReplyDeleteKd
Xin lỗi bác Gỗ mun vì em còm men lộn chuồng, vừa thấy bác nói cuối tháng 4 bác đến phố biển Quy Nhơn chơi em mừng lắm nhưng khoảng 20 tháng 4 em vào Sài gòn làm mất rồi, có lẽ chưa đủ duyên hội ngộ giữa phố biển, em hi vọng chuyến đi sẽ để lại nhiều kỉ niệm trong bác, cảm ơn bác vì đã ghé thăm "nhà" sau một thời gian dài em k viết lách gì cả.
ReplyDeleteAnh Goldmund đã xem "Nỏ Thần" của sân khấu kịch Phú Nhuận chưa? Không biết giữa "Nỏ Thần" và "Ngàn năm tình sử" vở nào hay hơn. Vụ lùm xùm sau Liên hoan sân khấu kịch toàn quốc năm ngoái làm em cứ tò mò. Em không tin mấy bài bình luận khen chê trên các báo.
ReplyDeleteTôi chưa xem Nỏ thần bạn ạ.
ReplyDeletekhông biết nỏ thần hay không mà nghe dâu xếp vào kho rồi vì bán không được vé
ReplyDelete