Friday, 26 March 2010

Bên dòng Mai Nương (I)

Bên dòng Mai Nương là loạt bài thứ hai của tác giả Lamnguyen post trên một diễn đàn địa phương dưới tên Dran xưa, hết chuyện rồi thì mình kể chuyện tình. Phần một của loạt bài này có tên Dran xưa, chuyện nhớ đâu kể đó. Do có chút quen biết với tác giả, nên tôi đường đột post lại loạt bài này ở đây mà không xin phép. Quan hệ quen biết như thế này: Lamnguyen là ông nội của bạn Pi, mà bạn Pi thì gọi bạn Goldmund bằng ba! Tác giả Lamnguyen năm nay đã được bảy mươi ba cái xuân xanh, vẫn phóng xe máy vi vu và lướt nét ầm ầm.

Bên dòng Mai Nương kể về những sự việc diễn ra trên đường tản cư năm 1945 - hồi đó gọi là chạy giặc - khi tác giả Lamnguyen còn là một chú bé tám tuổi. Xuất phát từ Dran (thuộc huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng), những người tản cư chạy bộ về phía Phan Rang băng qua dòng sông Mai Nương. Tác giả khởi đầu cuộc tản cư cùng mẹ và em, để rồi khi kết thúc tản cư thì trở lại Dran một mình.

Trân trọng giới thiệu cùng các bạn.

***

BÊN DÒNG MAI NƯƠNG
Lamnguyen

Tôi sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu. Mới lên tám tôi đã chịu cảnh mồ côi. Nhớ lại một sáng mùa thu năm ấy…


Mỗi khi nhắc đến mùa thu ta thường nghĩ về nắng vàng gió nhẹ. Bầy trẻ tung tăng cắp sách theo mẹ đến trường. Đêm về, trăng thu vằng vặc, có chú cuội cây đa. Có tiếng trống rộn ràng theo nhịp lân múa và bầy trẻ rước đèn chờ giờ phá cỗ. Không hề có an bình như thế. Đây, một mùa thu xám xịt. Thu khói lửa…


Mấy hôm nay súng nổ nhiều quá. Tiếng nổ đì đùng lúc nhặt lúc thưa, có lúc làm một tràng dài khiến ai nấy đều hoang mang lo lắng. Người ta truyền tai nhau: “Chạy giặc” . Chạy giặc? Hai từ thật lạ lẫm. Tôi chưa thể hình dung ra chạy giặc là như thế nào. Mẹ thu vén cả giang san vào một đầu thúng. Còn đầu thúng kia mẹ lót chiếc mền rồi đặt em tôi vào đó. Mẹ quảy gánh lên cùng lúc nắm lấy tay tôi rồi bắt đầu…chạy giặc. Tôi, một thằng bé suốt ngày tha thẩn quanh nhà xó bếp bỗng nhiên được chạy nghênh ngang ngoài đường. Tôi thích chí lắm. Nhìn ngang nhìn dọc, bọn trẻ cùng lứa cũng như tôi, vừa chạy lon ton vừa cười. Em tôi ngồi trong chiếc thúng vừa gục gặc đầu vừa cười như nắc nẻ. Đông. Vui. Chạy giặc thế này thì thích thật. Mà sao chạy lâu thế nhỉ? Tôi đã thấm mệt, đôi chân nặng dần mà chẳng thấy đoàn người dừng lại.


Hôm sau, chúng tôi dừng chân lại ở một làng quê hẻo lánh. Dran đây ư? Sao Dran hoang sơ vắng vẻ thế. Rải rác vài mươi liếp nhà tranh, thi thoảng mới thấy một ngôi nhà ngói. Đường sá vắng tanh. Chúng tôi tá túc tại nhà bà Bếp Ba, một bà cụ tốt bụng ở Xóm Làng. Bà có một đàn bò thường ngày thả rong ở triền núi, tối mới lùa về. Mấy hôm nay chộn rộn nên đàn bò bị nhốt trong chuồng. Suốt ngày hết long rong trong vườn tôi lại quanh quẩn bên chuồng bò. Tôi nghịch ngợm với mấy chú bê. Thấy vậy, bà bảo: “Hôm nào về bà cho một con đem về mà nuôi”. Bà nói đùa mà tôi tưởng thật, lại càng quấn quýt với đàn bò hơn. Cái xứ Dran khí hậu sao mà khắc nghiệt, gần nửa buổi sáng chưa thấy mặt trời, chiều chưa tắt nắng sương mù đã giăng phủ kín. Tiếng chim kêu vượn hú mới não nùng làm sao. Những tưởng tạm lánh đôi ngày rồi trở về phố thị. Ai dè…


Buổi trưa im ắng lạ thường. Tiếng gà gáy lạc điệu từ xa nghe rõ mồn một. Bỗng có tiếng loa vang. Mọi người đổ dồn ra đường. Trên bậc cấp cao nhất của ngôi chùa làng, một anh thanh niên vác chiếc loa thiếc dài ngoằng đang cố hết sức gào to: “Mặt trận Phi-Nôm (Fimnom) vỡ rồi, bà con mau tản cư”. Lặp đi lặp lại đôi ba lần rồi cả người và loa đều biến mất. Thế là, không ai bảo ai, kẻ gồng người gánh, đùm túm dắt díu nhau đổ dồn về miệt đồng bằng.

***

Lúc này đoàn người tản cư không còn chạy theo quốc lộ mà dạt lên rừng. Tôi vẫn chạy lúp xúp bên cạnh mẹ. Em tôi hai tay tì mép thúng, mở to đôi mắt tròn xoe, đen lay láy nhìn tôi, nó nghiêng bên này, ngoẹo bên kia, nheo nheo mắt như muốn trêu tôi. Em tôi dễ thương quá. Tiếng chân dẫm lên lớp lá thông khô nghe xào xạc. Đoàn người vẫn lầm lũi nối đuôi nhau như đoàn dân Do Thái đang tìm về miền đất hứa.


Tiếng súng nổ nghe giòn hơn, như gần hơn. Trên bầu trời nhá nhem, xám xịt, những tia lửa đạn đan chéo nhau như những dải pháo hoa. Đạn bay vèo vẻo, tiếng cành cây gãy đỗ phá vỡ sự im lặng của đoàn người đang câm lặng. Có tiếng ai gọi… chị ơi, chị ơi! Nhìn em bé thử… Mẹ tôi dừng lại, đặt gánh xuống, ngoái đầu rồi đổ sụm người ôm lấy chiếc thúng. Em tôi nằm ngoẹo cổ sang một bên, hai tay vẫn còn bám chặt mép thúng. Bất động. Máu đã thấm đẫm áo em. Còn mẹ tôi trong tích tắcnhư trở thành một con người khác. Mẹ già hẳn đi. Tóc tai rũ rượi, mặt mũi bơ phờ, gương mặt không còn thần sắc. Vài người dừng chân giúp mẹ đào một cái hố nông choẹt chỉ vừa chỗ đặt chiếc thúng rồi vội vội vàng vàng lấp lại qua loa, phủ thêm một lớp lá khô lên mặt. Tên bay đạn lạc đã cướp mất em tôi. Người ta lôi mẹ dậy. Bây giờ mẹ đội cả gia tài lên đầu, một tay nắm chặt tay tôi rảo bước. Tôi lê chân đi mà mắt cứ ngoảnh lại nhìn, tôi muốn xem thử em tôi có chạy theo không. Lòng tôi nặng trĩu. Em tôi mãi mãi nằm lại nơi này. Em tôi đã chết như thế đó, nó nằm khoanh tròn trong chiếc thúng như con chó đói.

***


Qua khỏi vùng rừng núi, đoàn người tản cư giờ lại chạy theo quốc lộ. Họ đã chia năm xẻ bảy thành nhiều nhóm, mỗi nhóm tùy chọn một nơi đến. Họ đi như bầy thú hoang cứ nhắm mắt theo con đầu đàn. Nhóm chúng tôi lớn nhỏ hơn hai chục người chuẩn bị vượt sông. Vượt sông. Dòng sông Mai Nương mùa này cạn ngắt. Người lớn lội qua chỉ quá gối còn lũ trẻ phải đến ngực. Mọi người giúp nhau qua dễ dàng. Trời tối dần, tối dần…Xuyên qua xóm dân cư thưa thớt, đoàn người cứ lầm lũi đi trên bờ ruộng. Cuối cùng rồi tất cả cũng dừng lại trong một khu rừng chuối. Tôi không thấy mẹ đâu nữa. Qua mấy ngày cùng chung hoạn nạn, ai nấy đều coi nhau như trong một đại gia đình. Mọi người trấn an, dỗ dành tôi. Không sao đâu, mẹ sẽ trở lại mà. Tôi ngồi thu lu suốt đêm bên gốc chuối. Chiều hôm sau, quả thật mẹ tôi đã trở lại. Vừa trông thấy, mẹ đã ôm chầm lấy tôi rồi khóc tức tưởi. Mẹ ôm chặt quá khiến tôi đau điếng, tôi cố vùng ra mẹ lại càng ôm chặt hơn cứ như mẹ sợ tôi trôi tuột đi mất.


Khu vườn chuối rộng thênh thang giờ đã thành một xóm ngụ cư. Mỗi gia đình chọn một góc,sắp xếp dọn dẹp để làm chỗ ở. Mẹ kéo lê những thân chuối ghép lại, trải lên thật nhiều lá khô, trên cùng là manh chiếu. Đó là tổ ấm của gia đình tôi. Hai mẹ con nằm dài lên đó, dang thẳng tay chân. Bao nhiêu mỏi mệt của mấy ngày qua rơi rụng dần dần. Tôi thiêm thiếp rồi chìm sâu vào giấc ngủ.


Từ trong khu vườn nhìn ra là cánh đồng bát ngát. Lúc này lúa đã chín vàng trĩu hạt. Mỗi khi làn gió nhẹ thổi qua sóng lúa lại dập dềnh, vài cánh cò trắng bay la đà khiến cho ta có cái cảm giác bình an. Dân địa phương đã vào mùa gặt. Ở những thửa ruộng đã gặt xong, nhóm người ngụ cư lại dàn hàng ra đi mót. Mỗi người một cái bị, họ nhặt nhạnh những hạt lúa rơi vãi, những tép lúa còn sót cho vào bị. Chính những hạt lúa mót này đã cho những con người khốn khổ đủ sống lây lất qua ngày.

***

Hôm nay có tát đìa. Đìa nằm ở rìa cánh đồng sát với xóm ngụ cư. Từ sáng sớm, một nhóm có hơn mười người kéo đến. Họ mang theo nào gầu, nào thùng, rổ rá… Theo lệnh của một người, chắc là chủ đìa, họ be bờ, tát nước. Gần đứng bóng nước đã cạn kiệt. Xem kìa, cá ơi là cá. Những con lóc, con trê, con rô thi nhau uốn mình nhảy đành đạch. Người ta xúc cá cho vào giỏ, vào thùng. Rõ ràng chủ đìa đã được một mùa bội thu. Khi bọn người tát đìa rút đi thì cũng là lúc gần như cả cái xóm ngụ cư đều nhảy ùm xuống nước. Người nào người nấy lấm lem từ đầu đến chân. Mẹ chộp được một con lóc bằng nắm tay chưa kịp vứt lên bờ thì chú cá đã vọt lại xuống sình. Một anh thanh niên gần đó vội tóm lấy. Mẹ tôi giành lại. Thế là “chiến tranh” xảy ra. Cãi cọ. La lối. Mẹ phùng mang trợn mắt như muốn ăn tươi nuốt sống đối phương. Trông mẹ thật dữ tợn. Cuối cùng rồi mẹ cũng lấy được con cá. Gương mặt mẹ tôi giãn nở, trở lại trạng thái bình thường. Mẹ nhìn tôi rồi nhoẻn miệng cười. Nụ cười mới ấm áp làm sao. Mãi sau này lớn lên tôi mới hiểu. Người mẹ nào cũng vậy, vì con, vì miếng ăn cho con, mẹ có thể làm bất cứ điều gì. Tôi được một bữa ăn đặc biệt. Mẹ nướng cá. Mùi cá thơm lừng lựng. Mẹ nói: “Giống cá đồng này xương dữ lắm!” Vừa nói mẹ vừa tỉ mẩn rút từng cái xương nhỏ, phần thịt cá mẹ dành cho con trai, còn mẹ nhai, mút những chỗ còn lại. Tôi đã từng ăn uống ở nhiều nhà hàng sang trọng, đã từng thưởng thức biết bao món ngon vật lạ nhưng chưa bao giờ tôi có lại cái cảm giác ngon miệng như bữa ăn trưa hôm ấy.

***

(còn nữa)



14 comments:

  1. Ong noi cua GM o dau?Doc xong minh thay thuong cho dan toc VN (qua nhieu noi dau chang ai giong ai do chien tranh).Moi than phan gan lien voi lich su dat nuoc la mot ban truong ca bi trang ma nhung ai song trong thoi ky do khong the nao quen phai khong GM?

    ReplyDelete
  2. Dạ ông nội Pi chứ không phải ông nội GM và ở ngay Dran.

    ReplyDelete
  3. "Tôi sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu. Mới lên tám tôi đã chịu cảnh mồ côi. Nhớ lại một sáng mùa thu năm ấy…"
    Y cua minh hoi la ong cua Pi mat cha (ong cua GM)sau khi cau chuyen xay ra hay la khi chay giac ong cua GM da mat roi?Vi chuyen ke khi chay giac chi co ba me con ganh gong nghe thuong cam qua!

    ReplyDelete
  4. Em tôi ngồi trong chiếc thúng vừa gục gặc đầu vừa cười như nắc nẻ. Đông. Vui. Chạy giặc thế này thì thích thật.
    Em tôi hai tay tì mép thúng, mở to đôi mắt tròn xoe, đen lay láy nhìn tôi, nó nghiêng bên này, ngoẹo bên kia, nheo nheo mắt như muốn trêu tôi. Em tôi dễ thương quá.

    Hai đoạn trên ngộ quá. Cái gì qua con mắt của trẻ thơ cũng đẹp. Hoặc cái xấu trở nên tốt đẹp hơn qua con mắt trẻ thơ :-)

    ReplyDelete
  5. Dân lành trong chiến tranh thật tội anh Goldmund nhỉ?

    Tên sông Mai Nương thật hay, mà sao em từng đi qua Dran rồi mà không để ý một cái tên đẹp vậy chứ :)

    ReplyDelete
  6. Bạn làm thế nào mình đọc hết được một lúc nhỉ? Đọc truyện mà tí một, khổ lắm! Hu hu!

    ReplyDelete
  7. Bác không để lại tên: Xin lỗi đã hiểu nhầm ý bác. Ông nội của GM kể ra thì chuyện dài lắm nhưng đại khái là lúc đó không có ở đó ạ:(

    Đại Phu: Mai Nương là tên con sông ở gần Phan Rang, không phải ở Dran.

    Bác Thụy: Phơi-dơ-tông ai lại đăng liền một lúc bác:)

    ReplyDelete
  8. Cám ơn bạn Gỗ, đọc bài này mà nhớ mẹ ở nhà quá chừng. Cậu và dì mình nằm trong 2 đầu thúng bà ngoại gánh, mẹ mình và bác mình lớn hơn chút đỉnh nên được phân công chạy bộ. Từ Đà Nẵng chạy dần vào Tam Kỳ rồi dạt lên Tiên Phước-Quảng Nam. Cậu với dì mình cũng mất trong cuộc tản cư đó, lạc luôn xương cốt, và thành nỗi đau suốt đời của bà ngoại.

    ReplyDelete
  9. Bố bạn Goldmund viết hay hơn bố bạn Pi nhỉ. :)

    Chị cũng chỉ mong bố mẹ chị dùng được máy tính thôi mà khó quá. Các cụ lại còn tiếc tiền, không đăng ký Internet nữa chứ. Chị nghĩ nếu bố chị viết văn cũng khá hay đấy.

    Kd

    ReplyDelete
  10. Hi anh ! Biết em là ai không ? Em mới tập tành dùng blog bên này hì hì. Lên đây lòng vòng không ngờ biết được blog của anh. Những bài viết của anh hay quá. Ah, bài này của bác viết cũng thật là hay, hôm nào anh rãnh thì post thêm phần còn lại cho mọi người cũng đọc nha anh. Chào anh, chúc anh chủ nhật vui vẻ.

    ReplyDelete
  11. Co phai chi gai cua ban GM la chi LAM NGUYEN YEN THAO khong?

    ReplyDelete
  12. Dạ anh/chị chuyển câu hỏi này vào hộp thư goldmundthanglong@gmail.com được không?

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN