Wednesday, 9 February 2011

Thời gian của đọc


Trước Tết khoảng mười ngày, tôi đột nhiên thấy người ớn lạnh, uể oải, cứ tưởng là mình có bầu tới nơi rồi. (Con gái Alpha thỉnh thoảng sờ bụng ba, hỏi, ba sắp có em bé hả?).  Hai ba hôm liền như thế, cộng thêm một vài triệu chứng khác, đi khám, thì may không phải bầu, mà là bệnh.  Bệnh  không nặng lắm, nhưng khó chịu, và buộc phải ở nhà một tuần.  Nghe bác sĩ báo tin xong, tôi vừa bực mình, vì những ngày đó mà buộc phải ở nhà chẳng khác bị chặt chân, nhưng cũng vừa hơi thinh thích vì sẽ có nguyên một tuần để đọc sách!  Trong tuần đó, trừ những lúc sốt, chóng mặt, hay đau đầu quá sức, thì tôi đọc liên tục được bốn cuốn:  Những ngã tư và những cột đèn của Trần Dần, Henderson - Ông hoàng mưa của Saul Bellow và hai cuốn của Vargas Llosa là In Praise of the Stepmother (tạm dịch Ngợi ca kế mẫu), và Death in the Andes (tạm dịch Cái chết trên dãy Andes).

Tôi chia sẻ nhận xét của bạn Nhã Thuyên về Những ngã tư và những cột đèn: cuốn tiểu thuyết này là một bài thơ dài.  Tôi thậm chí còn muốn thêm: một bài thơ bậc thang dài.  Tôi có ấn tượng đó vì cách ngắt nhịp trong văn Trần Dần: ông sử dụng dấu phẩy dày đặc để ngắt những câu dài thành ba, bốn, năm đoạn. Về mặt ngữ pháp, có thể những dấu phẩy đó không thực sự cần thiết; tuy nhiên, về mặt ngữ điệu, nó cho ta cảm giác khi đọc những bài thơ bậc thang, nơi một câu thơ luôn được ngắt ra thành ba bốn bậc.   Với tôi, điều thú vị nhất khi đọc tiểu thuyết của Trần Dần là lại được nhìn thấy một Trần Dần - nhà thơ.

Về cuốn Ông hoàng mưa, sau chừng 100 trang đầu, tôi tự hỏi mình có nên đọc tiếp.  Nhưng cũng vào lúc tôi đang băn khoăn thì nhân vật chính, Henderson - một triệu phú người Mỹ, đột nhiên quyết định đi sang châu Phi.  Những chuyến đi châu Phi luôn hứa hẹn những điều kỳ thú, nhất là khi Henderson quyết định tránh xa những dấu vết văn minh để đi off the beaten track vào những nơi xa xôi, hẻo lánh, lạ lùng nhất.  Trước chuyến đi châu Phi, thành tích đáng kể nhất của Henderson là bắn hụt một con mèo (tất nhiên phải trừ quả huân chương trong chiến tranh thế giới thứ hai).  Chuyến đi châu Phi của Henderson đầy ắp những sự kiện đáng ghen tỵ cho bất cứ tiểu thuyết phiêu lưu nào: làm nổ tung một bồn nước đầy ếch nhái bằng một quả bom làm từ đèn pin và dây giày, ngủ cùng với xác chết, đột nhiên bị lột quần áo và tung hô hay gầm gào cùng với sư tử.  Thế nhưng, lẽ dĩ nhiên Ông hoàng mưa không chỉ là một tiểu thuyết phiêu lưu. Cái tiếng nói trong đầu Henderson thôi thúc ông rời khỏi cuộc sống vô vị dấn thân vào cuộc phiêu lưu để tìm hiểu bản thân mình muốn gì hẳn là tiếng nói mà đôi khi mỗi chúng ta cũng nghe thấy nhưng thường bị lờ đi. Và những đoạn đối thoại giữa Henderson và vị vua sư tử minh triết Dahfu thực sự là thức ăn thượng hạng cho tâm hồn, tha hồ cho ta vừa ăn vừa chiêm nghiệm cuộc sống.
 
In Praise of the Stepmother là một cuốn tiểu thuyết tương đối mỏng, chưa tới hai trăm trang, chưa kể bản tôi có là bản bìa cứng, chữ to, lại là tiểu thuyết erotic nên có thể đọc rất nhanh mà không cần đứng dậy đi uống sữa:) Đây là cuốn đầu tiên của Vargas Llosa mà tôi đọc.  Trước đó nhà có sẵn cuốn The Bad Girl  - một phiên bản của bà Bovary (Vargas Llosa rất hâm mộ Flaubert)  nhưng mãi mà tôi vẫn để đấy, chưa sờ tới, vì không khoái gái hư lắm.:)  In Praise of the Stepmother là tên bài luận văn mà cậu con trai riêng của chồng tuổi vị teen (chắc dưới 13 tuổi) Fonchito viết để thuật lại những gì diễn ra giữa cậu và bà mẹ kế Lucrecia.  Chỉ đến trang cuối tiểu thuyết, ta mới có thể biết những âm mưu đen tối nhất có thể khoác bộ mặt thánh thiện nhất.  Điều này khẳng định rằng một sự thật rằng, làm gì có chuyện mẹ kế mà được ngợi ca!  Điểm đáng chú ý của cuốn này là xen giữa những chương sách thuật lại câu chuyện giữa Lucrecia, ông chồng Don Rigoberto và cậu con trai riêng Fonchito, là những chương tả lại những bức tranh thời phục hưng có đề tài liên quan đến câu chuyện.  Những bức tranh đó được in lại trong sách. 
  
Tôi chỉ hơi thích In Praise of the Stepmother, nhưng tôi hoàn toàn bị chinh phục bởi Death in the Andes.  Tôi biết đến cuốn này từ bài luận văn của Pamuk về Vargas Llosa mà tôi có đăng một phần bản dịch trên blog này.  Pamuk nhận xét Death in the Andes là một tiểu thuyết tiêu biểu của Vargas Llosa. 

Trích Pamuk: “Tiểu thuyết này lấy bối cảnh những thị trấn nhỏ nằm rải rác và bị lãng quên trong dãy Andes xa xôi - trong những thung lũng đìu hiu, những mỏ khoáng sản, những con đường núi, và một cánh đồng chẳng có gì ngoài sự hoang vắng - và theo chân một cuộc điều tra chuỗi những vụ mất tích  nhiều khả năng là giết người.  Cả điều tra viên, hạ sĩ Lituma, và đối tác của anh trong lực lượng dân vệ, Thomas Correno sẽ quen thuộc với độc giả những tiểu thuyết khác của Vargas Llosa.  Trong khi hai người lang thang trong núi thẩm vấn những đối tượng tình  nghi, họ kể cho nhau nghe những chuyện tình trong quá khứ, luôn phải trông chừng mai phục của Con Đường Sáng - nhóm du kích theo chủ nghĩa Mao.  Những người họ gặp dọc đường và những chuyện họ kể trộn lẫn với lịch sử cá nhân họ tạo nên một hoạt cảnh rộng lớn của Peru đương đại với tất cả khổ đau của nó.”

Cách kể chuyện của Vargas Llosa trong Death in the Andes thú vị nhưng cực kỳ phức tạp.  Chuyện kể quá khứ và hiện tại đan xen với nhau không phải theo từng chương hay từng đoạn mà từng câu. Nhưng cũng nhờ đó, nó tạo hiệu ứng như khi xem một cuốn phim mà những xen quá khứ liên tục được chèn vào xen hiện tại.  Khi xem phim, ta phân biệt được quá khứ - hiện tại nhờ vào bối cảnh, trang phục, ánh sáng .v.v, còn khi đọc cuốn này đôi khi ta chỉ phân biệt được quá khứ và hiện tại nhờ vào cách sử dụng đại từ nhân xưng.

Bây giờ thì chờ có Trò chuyện trong quán La Catedral để đọc. Ghét thế, Sài Gòn luôn có sách mới muộn hơn Hà Nội.  Sáng lên mạng đã thấy hoa hậu khoe toáng đang đọc rồi.  Kinh thật!

9 comments:

  1. kinh thật, hay cố ốm thường xuyên đê ;d

    chắc bị khó tiêu ha?

    ReplyDelete
  2. nghe như "thời gian để yêu" nhỉ

    ReplyDelete
  3. đọc xong hết bốn cuốn thì bị khó tiêu, à nhầm, hết bệnh:)

    ĐHP: Gần với Thời gian của người hơn, bác.

    ReplyDelete
  4. Mai phải tìm Trò chuyện trong quán La Catedral, để còn được khoe mình đọc trước cả Gỗ hé hé...

    ReplyDelete
  5. tìm ra thì gửi mình cuốn luôn cho tiện nhé:)

    ReplyDelete
  6. Em khoái cái đoạn bác mô tả "những chương tả lại những bức tranh thời phục hưng có đề tài liên quan đến câu chuyện" trong "In Praise of the Stepmother". Cuốn này bản tiếng Anh hả bác?

    ReplyDelete
  7. Tiếng Anh. Chứ nguyên bản tiếng Tây Ban Nha thì ba anh Goldmund chụm lại cũng khóc tiếng Mán:)

    ReplyDelete
  8. Dạ, cảm ơn bác về thông tin ạ!

    ReplyDelete
  9. Xin hân hoan thông báo đã nhận được Trò chuyện trong quán La Catedra từ người tặng. Cảm ơn người tặng nhiều!

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN