Tuesday 31 May 2011

Don't take this serious!

Tôi đặt phòng tại một khu resort ở Mũi Né. Để giữ chỗ người ta yêu cầu tôi điền vào một mẫu đơn với các thông tin cá nhân và thẻ tín dụng.  Tờ đơn này hoàn toàn bằng tiếng Anh, trong đó có đoạn lưu ý như sau:


 Note: Please show the passport or ID when check in at reception. Under Vietnamese Family & Marital Law Decree number 4.8.11 all foreigners staying in the same room as Vietnamese Nationals must present a marriage certificate on check-in. Failure to do so will result in the resort being unable to register you as a guest; alternatively you may reserve a second room at the time of booking.

Nghĩa là người nước ngoài muốn ở cùng phòng với người Việt thì phải có giấy đăng ký kết hôn.  Tôi có thắc mắc:

1) Không biết resort này lấy đâu ra quy định người nước ngoài và người Việt chung phòng phải có giấy kết hôn, bằng không thì phải đặt thêm phòng nữa. Quy định này thật lạ lẫm và quái đản đối với tôi.  Tôi xem qua các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình và Luật Cư trú nhưng không thấy quy định này.  Chắc tại mắt tôi kèm nhèm.

2) Nếu hai người, một người nước ngoài một người Việt Nam, cùng giới tính với nhau muốn ở chung phòng thì họ có đòi xem giấy đăng ký kết hôn không?  Trong phần Note, họ không liệt kê bất cứ ngoại lệ nào.

3) Họ yêu cầu "a marriage certificate", điều này có nghĩa là bất cứ giấy chứng nhận kết hôn nào của bất kỳ ai cũng được chấp nhận có đúng không?  Ví dụ như anh A người Mỹ đi với cô B người Việt thì hai người có thể xuất trình giấy chứng nhận đăng ký của cô B với anh C, hoặc của anh A với cô D, hoặc của anh C với cô D?

4) Tất nhiên là tôi không thể tìm được văn bản nào tên là "Vietnamese Family & Marital Law Decree number 4.8.11" để tìm hiểu thêm về quy định nói trên, nên thắc mắc như trên.

Ngoài lề: Trong lúc xem Luật Hôn nhân và Gia đình, tôi đọc thấy điều khoản này:

"Điều 18. Tình nghĩa vợ chồng


Vợ chồng chung thủy, thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững."

Điều này có nghĩa là những ai đã có vợ có chồng, không "chung thủy" với nhau là vi phạm luât đã đành, mà nếu không "giúp đỡ" nhau, và không "xây dựng" được "gia đình no ấm" cũng vi phạm pháp luật nốt.  Cũng có nghĩa là hơn ba triệu hộ nghèo đều vi phạm Luật Hôn nhân  Gia đình tất.  Ai bảo nghèo!


Monday 23 May 2011

Đám mây từ đâu đến?



Trong rất nhiều công việc mà tôi phải làm hàng ngày, có việc đưa con đi học và đón con về, hai đứa cùng một lúc. Vừa chạy xe, vừa lắng nghe hai bạn nhỏ nói chuyện với nhau ở đằng sau và trả lời những câu hỏi của hai bạn là một việc thú vị. (Thực ra, sẽ thú vị hơn nhiều nếu chỉ được lắng nghe và trả lời mà không cần chạy xe!)  
Sáng nay, hai bạn nhỏ líu lo với nhau một hồi, tôi tập trung vào xe cộ trên đường, nên không nghe rõ hai bạn nói với nhau những gì, chỉ đến khi hai đứa đồng thanh hỏi lần thứ hai, “Ba ơi, đám mây từ đâu đến?” thì tôi mới giật mình: Chà, hóa ra dường như có một cuộc tranh luận ở đây, và ba được kéo vào làm trọng tài.  
Tôi hắng giọng, “À, con có thấy những vũng nước trên đường không, mây là do hơi nước từ những vũng nước như vậy, hoặc từ sông từ biển bốc hơi lên, gặp lạnh mà hóa thành mây”.  Trừ những lúc quá mệt mỏi, tôi thường cố gắng trả lời con một cách cặn kẽ nhất có thể được.  Tôi quan niệm có thể con không hiểu ngay lập tức, nhưng đó là khởi đầu cho những tìm tòi về sau này.
Hai bạn có vẻ tạm thỏa mãn với câu trả lời, nên ngưng cãi nhau và chuyển sang chất vấn ba:
Alpha: Tại sao con thấy đám mây cứ bay bay hoài vậy?
Ba: Tại vì mây rất nhẹ con à, nên gió thổi thì mây bay.
Alpha: Mây bay con có nắm được không?
Ba: Không, mây ở trên trời cao lắm, làm sao con nắm được.
Alpha: Con không thích trời cao đâu.  Con thích trời thấp thôi, để con sờ mây.
Tới đó, Pi đột ngột xen vào.
Pi: Mây ở cao lắm. Mình phải đi máy bay tên lửa mới sờ được hả ba.
Ba: Đi máy bay tên lửa cũng không sờ được con.
Pi: Thì mình mở cửa sổ ra.
Ba: Không mở cửa sổ được.  Nếu mình mở cửa sổ, thì máy bay tên lửa sẽ nổ tung!
Pi: Thì mình mở nhỏ một chút xíu thôi.
Tôi nghĩ bụng, lần sau cho bạn Pi đi máy bay phải cẩn thận, không thì bạn sẽ mở cửa sổ bắt mây. Mây không bắt được, mà bị hãng máy bay cho vào danh sách hành khách cấm bay thì nguy, bạn Pi sẽ khỏi được đi du lịch nữa.
Cuộc đối thoại dừng lại ở đó vì đã đến cổng trường. Tôi thả hai bạn nhỏ xuống, quay xe đi làm, vẫn tức cười về sự khác nhau rõ rệt trong tư duy của hai bạn.  Alpha là con gái, nên thích bầu trời thấp để sờ được mây. Còn Pi, con trai, để bắt được mây thì nghĩ đến chuyện đi “máy bay tên lửa.”
Chiều về, ba cha con dẫn nhau ra hồ bơi.  Tung tăng một hồi Alpha chợt hỏi, nước hồ bơi này có bay lên trời thành mây không ba?  

Friday 20 May 2011

Calvino trả lời phỏng vấn


Nhơn dịp Nhã Nam cho ra mắt cuốn Nếu một đêm đông có người lữ khách của Italo Calvino, một người Ý (nghe tên là biết) nhưng không phải là cầu thủ bóng đá, qua bản dịch của bác Trần Tiễn Cao Đăng (không phải Đằng Đẵng Quy Tiên như một số kẻ hay đùa), tôi trích dịch bài phỏng vấn Calvino trên The Paris Review.  Đây là những đoạn Calvino nói về ông viết như thế nào (khổ sở phết), về tuổi trẻ ngày nay (ngày ông trả lời phỏng vấn), về văn hóa và tất nhiên, về tiểu thuyết.


---------




NGƯỜI PHỎNG VẤN


Ông viết như thế nào? Ý tôi là, ông thực hiện hành vi viết như thế nào?


CALVINO


Tôi viết tay, sửa đi sửa lại nhiều lần.  Phải nói là tôi gạch bỏ nhiều hơn viết. Tôi phải săn tìm từ ngữ khi nói, và khi viết tôi cũng gặp những khó khăn y như vậy.  Rồi tôi viết thêm, chèn thêm vào, bằng chữ nhỏ li ti. Rồi đến một lúc tôi không đọc được chữ của chính mình nữa, nên tôi phải dùng kính lúp để luận ra mình đã viết gì. Tôi có hai kiểu viết khác nhau. Một kiểu viết chữ khá to - những chữ o và chữ a có một cái lỗ to ở tâm. Tôi viết kiểu này khi chép lại hoặc khi tôi khá chắc về những gì tôi viết. Kiểu viết kia của tôi tương ứng với một trạng thái tinh thần kém tự tin hơn và thường rất bé - chữ o hệt như dấu chấm. Đến cả tôi cũng khó luận ra nữa
.
Các trang viết của tôi đầy những dòng gạch bỏ và sửa chữa. Có một thời gian tôi viết tay một số bản . Bây giờ, sau bản thảo  đầu tiên viết bằng tay và bị gạch tứ tung, tôi bắt đầu đánh máy, vừa đánh vừa luận chữ. Cuối cùng khi đọc lại bản đánh máy, tôi phát hiện ra một văn bản hoàn toàn khác và tôi thường sửa tiếp trên văn bản này. Rồi tôi lại chỉnh sửa nữa. Trên từng trang một trước hết tôi cố gắng chỉnh sửa bằng máy đánh chữ; rồi tôi lại sửa thêm một ít bằng tay. Thường trang viết của tôi chằng chịt đến mức tôi phải đánh máy lại lần thứ hai.  Tôi ganh tị với những nhà văn có thể viết mà không cần sửa.

NGƯỜI PHỎNG VẤN


Ông có thấy rằng tuổi trẻ hôm nay có những đặc điểm khác với tuổi trẻ của ông? Khi lớn tuổi hơn ông có nhận thấy ông có khuynh hướng không thích những gì người trẻ làm hơn hay không?


CALVINO


Nhiều lúc tôi phát điên với những người trẻ; tôi nghĩ về những bài lên lớp lê thê mà hẳn tôi không bao giờ giảng, trước hết vì tôi không thích dạy dỗ người khác, và thứ đến, chẳng ai thèm lắng nghe tôi. Nên chẳng còn gì nhiều nhặn cho tôi làm ngoài việc tiếp tục ngẫm nghĩ về những khó khăn trong giao tiếp với người trẻ. Có cái gì đó diễn ra giữa thế hệ của tôi và thế hệ của họ. Một sự tiếp diễn về trải nghiệm bị đứt đoạn; có lẽ chúng tôi thiếu những điểm tham chiếu chung. Nhưng nếu tôi nghĩ lại về tuổi trẻ của tôi, sự thật của vấn đề là tôi cũng chẳng chú tâm đến những phê bình, khiển trách, khuyến nghị. Nên hôm nay tôi không có thẩm quyền để nói.


NGƯỜI PHỎNG VẤN


Tiểu thuyết gia có phải là những kẻ nói dối? Nếu không, thì họ nói loại sự thật nào?


CALVINO


Tiểu thuyết gia nói về cái khoảnh sự thật ẩn giấu dưới đáy của mỗi lời nói dối. Với một nhà phân tích tâm lý nói dối hay nói thật không quan trọng mấy bởi vì những lời nói dối cũng thú vị, hùng hồn, và khơi lộ chẳng kém bất kỳ điều được cho là sự thật nào.


Tôi cảm thấy nghi ngờ nhà văn nào xưng là kể toàn bộ sự thật về chính họ, về cuộc đời, hay về thế giới. Tôi thích sống cùng những sự thật tôi tìm thấy trong các nhà văn tự thể hiện mình như những kẻ nói dối mặt dày nhất. Mục đích của tôi khi viết Nếu  một đêm đông có người lữ khách, một tiểu thuyết hoàn toàn dựa vào huyễn tưởng, là để tìm thấy theo cách này một sự thật mà tôi sẽ không thể tìm thấy theo cách nào khác.


NGƯỜI PHỎNG VẤN


Theo ông thì nhà văn viết những điều họ có thể viết hay là viết những điều nên viết thì hơn?


CALVINO


Nhà văn viết những điều họ có thể viết. Hành vi viết là một tính năng chỉ trở nên hiệu quả nếu nó cho phép người ta bộc lộ cái tôi nội tại. Một nhà văn cảm được nhiều dạng hạn chế khác nhau - hạn chế về văn chương ví dụ như số dòng trong một bài sonnet hay những quy tắc của bi kịch cổ điển.  Những điều này là một phần của cấu trúc tác phẩm trong đó tính cách của nhà văn được tự do bộc lộ. Nhưng có một số hạn chế về tôn giáo, đạo đức, triết học, và nghĩa vụ chính trị. Những thứ này không thể được áp đặt trực tiếp lên tác phẩm mà phải được lọc qua cái tôi nội tại của nhà văn. Chỉ khi chúng là một phần tính cách sâu kín nhất của nhà văn thì chúng mới có thể tìm thấy chỗ trong tác phẩm mà không bóp nghẹt tác phẩm.


NGƯỜI PHỎNG VẤN


Ông có nghĩ là châu Âu bị văn hóa Mỹ và Anh lấn át?


CALVINO


Không. Tôi không chia sẻ những phản ứng mang tính sô vanh. Kiến thức về văn hóa nước ngoài là yếu tố sống còn của bất kỳ nền văn hóa nào; tôi tin chúng ta không bao giờ có thể có đủ kiến thức ấy. Một nền văn hóa phải biết cởi mình trước những ảnh hưởng ngoại nếu nó muốn gìn giữ cái mãnh lực sáng tạo của chính nó. Ở Ý thành tố văn hóa quan trọng nhất luôn là văn học Pháp. Cả văn học Mỹ nữa cũng chắc đã lưu lại dấu ấn trong tôi cả đời. Poe là một trong những  hứng thú đầu tiên của tôi; ông dạy tôi tiểu thuyết là gì. Rồi  sau tôi khám phá ra rằng Hawthorne đôi khi còn vĩ đại hơn Poe. Đôi khi thôi, không phải luôn luôn. Melville.  Một tiểu thuyết hoàn hảo,  Benito Cereno, thậm chí còn có giá trị hơn cả Moby-Dick. Dầu vậy, thoạt tiên tôi học nghề dưới bóng của Cesare Pavese, dịch giả tiếng Ý đầu tiên của Melville. Trong số những hình mẫu văn chương đầu tiên của tôi có những nhà văn thứ yếu cuối thế kỷ mười chín như Stephen Crane và Ambrose Bierce. Những năm tôi phát triển nghề văn, quãng những năm bốn mươi, là sự thống trị toàn diện của Hemingway, Faulkner, và Fitzgerald. Vào thời đó ở Ý chúng tôi như cuồng say với văn chương Mỹ. Cả những tác giả rất khiêm tốn như Saroyan, Caldwell và Cain cũng được coi là những hình mẫu về phong cách. Rồi còn đó Nabokov, người mà tôi trở thành fan và vẫn còn là fan của ông. Tôi phải thừa nhận rằng mối quan tâm của tôi đối với văn chương Mỹ bị lèo lái bởi khao khát theo dõi những gì xảy ra ở một xã hội mà trong chừng mực nào đó dự báo những gì sẽ xảy ra ở châu Âu một vài năm sau. Theo nghĩa này, những nhà văn như Saul Bellow, Mary McCarthy, Gore Vidal quan trọng vì mối liên hệ của họ với xã hội được biểu hiện trong việc cho ra đời những áng văn chất lượng. Cùng lúc đó tôi luôn tìm kiếm những giọng văn mới - như việc khám phá ra các tiểu thuyết của John Updike trong quãng giữa những năm năm mươi.



Sunday 15 May 2011

Mùi của tiểu thuyết

Đọc tiểu thuyết, trong chừng mực nào đó, là một công việc dũng cảm.  Thừa nhận rằng bạn mua, và tệ hơn, đọc tiểu thuyết lại cần nhiều dũng cảm hơn.

Phần lớn, không, phần rất lớn bạn bè của tôi không đọc tiểu thuyết. Họ có nhiều sở thích khác nhau: chụp ảnh, lái xe caravan, câu cá, chơi tennis, sưu tầm đồ kỹ thuật số.  Bạn chụp ảnh say sưa chụp ảnh mọi người, mọi vật, mỗi khi có dịp hội họp  lễ lạc gì lại thấy bạn với một lô ống kính, chân đế, lăng xăng chạy tới chạy lui.  Ai cũng biết bạn đam mê chụp ảnh. Bạn chơi tennis gặp ai cũng hỏi, có chơi tennis không.  Bạn thao thao bất tuyệt về Nadal, về Federer, về các giải to và nhỏ.  Bạn đi thi tennis cấp phường, cấp quận, cấp công ty mình và cấp công ty khác.  Tình yêu tennis của bạn là tình yêu công khai, ai cũng biết.  Giống như vậy là tình yêu của bạn mê câu cá, bạn lái xe caravan, bạn chơi đồ kỹ thuật số. Các bạn có thể thoải mái huyên thiên về tình yêu của mình giữa đám đông.

Giữa đám đông, chưa bao giờ tôi dám thú nhận mình mê tiểu thuyết. Ai căn vặn hỏi tôi thích gì, tôi làm gì trong thời gian rảnh, tôi cười cười, hoặc hạ giọng, à, mình đọc. Vâng, đọc nói chung nghe còn được, vì nó bao hàm đọc báo, đọc sách pháp luật, và kinh tế.  Kinh tế thì tốt, chứng khoán thậm chí còn tốt hơn, mà nếu làm cho người ta nghĩ rằng mình chỉ đọc về bí mật các quốc gia thì tốt hơn nữa. Trong trường hợp sau cùng, rất có thể bạn sẽ nhận được ánh nhìn ngưỡng mộ.  Rất có thể người ta sẽ hỏi tiếp này, nghe đồn trong lăng Lenin hình như không có xác, hoặc, có đúng là Bin Laden đang sống nhăn trong sự bảo bọc của Mỹ ngay tại DC không? Nhưng, tôi biết rất rõ  rằng chớ nên nói đam mê của tôi là đọc tiểu thuyết, vì tôi hoàn toàn không muốn được người ta nhìn thương hại, như thể tôi là kẻ lạc hậu, chậm tiến, yếu ớt, hay chán ốm. Nếu không thế thì cuộc trò chuyện cũng sẽ rơi vào khoảng lặng, gượng gạo, không lối thoát.

Khi chuyển sang căn hộ mới, tôi gọi thợ đóng một loạt kệ sách, để chất tất cả sách của tôi lên, phần lớn trong đó là tiểu thuyết.  Anh trưởng nhóm mộc, khi nhìn thấy đống sách của tôi, không ngừng bình luận, a, anh có nhiều sách quá, anh đọc hết chưa, anh có nhớ hết không. Anh chỉ ngớt hỏi khi nhìn thấy cuốn Rừng Nauy, a, anh có cuốn này nữa hả, em cũng biết cuốn này. Thật là tuyệt. Ít ra tiểu thuyết của Murakami cũng phổ biến đến tận thợ mộc ở Việt Nam.

Trước đó, tôi đã trải qua một quãng thời gian dài không gặp mặt những cuốn tiểu thuyết của tôi.  Khi chuẩn bị chuyển nhà, chúng tôi cho đi những kệ sách cũ, nên phải đóng thùng hầu hết sách.  Những trục trặc trong khi chuẩn bị cho căn hộ mới khiến đống sách ấy nằm yên trong thùng các tông gần hai tháng. Kệ sách được đóng xong, khi mở thùng ra, tôi hớn hở. Bìa những cuốn sách ấy, những tác giả này, bao lâu rồi tôi không nhìn thấy.  Và mùi của chúng. Khi sách đã sắp hết lên kệ, tôi đi lại thư thái trong phòng, cảm thấy ổn thỏa, cảm giác đây là nhà.

Khi đọc một tiểu thuyết, cùng với việc đọc tôi cũng thu vào mình thời tiết, cảnh vật xung quanh, ghi nhận lại vị trí, thời gian khi đọc. Rồi sau, khi tôi giở lại đúng cuốn tiểu thuyết đó, mùi dậy về. Chẳng hạn bây giờ, mỗi khi mở lại cuốn Hội hè miên man,(*) tôi sẽ nhớ cái ngày chủ nhật  mưa từ sáng sớm, bầu trời xám, mùi không khí ẩm, và tôi thấy tôi ngồi co ro trên sofa, trong phòng khách của căn hộ cũ, nơi giấy dán tường đã đầy những nét màu sáp nguệch ngoạc và bắt đầu bong ra. Còn khi mở cuốn Phía núi bên kia,(**) lập tức trí óc tôi trôi về căn nhà gỗ của ba mẹ tôi ở Đơn Dương, và thấy tôi ngồi vắt vẻo trên khung cửa sổ gỗ thông mục, bên ngoài có mùi hăng hắc của hoa dong riềng.

Tôi nhớ Mario Vargas Llosa có viết rằng ông không ưa sách điện tử. Tôi không nhớ rõ ông không ưa vì lý do nào, nhưng với tôi, trên máy tính hoặc các thiết bị đọc sách điện tử khác, tôi chỉ có thể đọc sách tham khảo.  Riêng với tiểu thuyết, tôi phải đọc sách in, vì tôi có nhu cầu sờ vào trang giấy, hít thở mùi của chúng, cùng mùi của khoảng không gian và thời điểm khi tôi đọc, và khi đọc xong, tôi muốn nhìn thấy cuốn sách ấy hiện diện hiện hữu trong nhà.

Làm sao trong đám đông, hoặc trong những câu chuyện xã giao, tôi có thể nói rằng, trong thời gian rảnh, tôi thích đọc tiểu thuyết, vì những lý do hết sức riêng tư ấy?

(*) Tiểu thuyết của Hemingway
(**) Tiểu thuyết của Xuân Sách


------------------


Bản trên báo bị cắt mất mấy câu ưng ý, chưa kể bị sửa vài chữ quan trọng.



Thursday 12 May 2011

Eco trả lời phỏng vấn




INTERVIEWER

Bildungsromans usually involve some degree of sentimental, and sexual, education. In all your novels you describe only two sexual acts—one in The Name of the Rose, and the other in Baudolino. Is there a reason for this?
ECO

I think I just prefer to have sex than write about it.

----------

Me too, me too:)

Tuesday 10 May 2011

Carver trả lời phỏng vấn



Tiếp tục chuyên đề Carver, dưới đây là trích đoạn Carver trả lời phỏng vấn The Paris Review:


PV:  Vậy những câu chuyện của ông xuất phát từ đâu? Tôi đặc biệt muốn hỏi tới những truyện ít nhiều có liên quan đến uống rượu?

Carver: Loại văn chương tôi quan tâm nhất có là loại có tham chiếu đến thế giới thực. Dĩ nhiên, không câu chuyện nào của tôi thực sự diễn ra. Nhưng luôn có cái gì đó, thành tố nào đó, điều gì tôi nghe được hay chứng kiến, đó có thể là chỗ khởi đầu. Đây là một ví dụ: “Đó là Giáng sinh cuối cùng mà anh còn có bao giờ phá hỏng!” Tôi nghe câu nói đó khi say, nhưng tôi nhớ. Và sau này, mãi về sau này, khi tỉnh, chỉ dùng mỗi câu nói đó và những điều khác mà tôi tưởng tượng, tưởng tượng chính xác đến nỗi chúng có lẽ đã diễn ra, tôi dựng thành một truyện - “Một cuộc nói chuyện nghiêm túc.”   Nhưng loại văn mà tôi quan tâm hơn cả, cho dù đó là văn của Tolstoy, Chekhov, Barry Hannah, Richard Ford, Hemingway, Isaac Babel, Ann Beattie, hay Anne Tyler, là loại khiến tôi có cảm tưởng trong chừng mực nào đó nó là tự truyện. Ít nhất thì nó có dẫn chiếu. Dù dài hay ngắn, truyện không sinh ra từ không khí loãng. Tôi nhớ một cuộc trò chuyện có mặt John Cheever. Chúng tôi ngồi quanh bàn cùng vài người nữa ở Iowa City và ông chợt bình luận rằng sau một trận cãi cọ tưng bừng ở nhà ông tối nọ, sáng hôm sau ông dậy vào nhà tắm để tìm gì đó thì thấy con gái ông đã viết lên gương bằng son môi “Ba ơ-ơ-i, đừng bỏ tụi con.”  Ai đó ở bàn lên tiếng nói, “Tôi nhận ra tình tiết này trong một trong những truyện của ông.” Cheever nói, “Chắc vậy. Mọi thứ tôi viết đều là tự truyện.”  Dĩ nhiên điều đó không đúng về nghĩa đen. Nhưng mọi thứ ta viết, trong chừng mực nào đó, đều có tính tự truyện. Tôi không hề phiền lòng với văn hư cấu “tự truyện.”  Ngược lại là đằng khác.  Trên đường. Celine. Roth. Lawrence Durrell trong Bộ tứ tiểu thuyết Alexandria. Rất nhiều bóng dáng Hemingway trong những truyện về Nick Adam.  Cả Updike nữa, tôi chắc thế. Jim McConkey. Clark Blaise là nhà văn đương đại mà văn hư cấu của ông là tự truyện một trăm phần trăm.  Dĩ nhiên, bạn phải biết bạn đang làm gì khi bạn biến chuyện đời bạn thành văn chương. Bạn phải cực kỳ can đảm, rất khéo, giàu óc tưởng tượng và sẵn lòng kể mọi thứ về bản thân. Bao nhiêu lần bạn đã được nghe bảo rằng khi còn trẻ bạn hãy viết về những thứ bạn biết, mà bạn biết gì rõ hơn ngoài những bí mật của chính bạn. Nhưng trừ khi bạn là một nhà văn ưu hạng, một tay rất cừ khôi, thật nguy hiểm khi cứ viết hết cuốn này đến cuốn nọ về Chuyện Đời Tôi.  Một mối nguy lớn, hay ít ra là một quyến rũ lớn, đối với nhiều nhà văn là tự truyện quá mức trong cách tiếp cận văn chương hư cấu của họ. Tốt nhất là một ít tự truyện và thật nhiều tưởng tượng.

PV: Thói quen viết của ông như thế nào? Có phải lúc nào ông cũng viết truyện?

Carver: Khi viết được, tôi viết hằng ngày. Thật dễ chịu khi điều này xảy ra. Một ngày vắt sang ngày kế. Đôi khi thậm chí tôi không biết thứ trong tuần. John Ashbery gọi đó là “những ngày guồng quay”. Khi không viết, như hiện giờ, khi tôi bận rộn với công việc giảng dạy như thời gian qua, tôi thấy cứ như thể là tôi chưa bao giờ viết ra một chữ nào hay chưa bao giờ có khát khao viết. Tôi sa vào những thói quen xấu. Tôi thức khuya và ngủ nướng thật lâu. Nhưng cũng được. Tôi học cách kiên nhẫn và đợi thời cơ.  Tôi đã phải học điều đó từ rất lâu rồi. Kiên nhẫn. Nếu tôi tin vào cung, tôi ngờ rằng cung của tôi phải là cung con rùa. Tôi viết túc tắc. Nhưng khi viết, tôi dành nhiều thời gian ở bên bàn viết, mười, mười hai, mười lăm giờ liền tù tì, ngày này sang ngày nọ. Tôi thích như vậy, khi chuyện đó diễn ra. Hầu hết thời gian làm việc này, phải hiểu là, dành cho sửa chữa và viết lại. Không nhiều thứ làm tôi khoái hơn việc cầm truyện đi lòng vòng quanh nhà một lúc rồi sửa đi sửa lại. Tôi làm thơ cũng y như vậy. Tôi chẳng vội vàng gì gửi bài đi ngay sau khi viết, và đôi khi tôi giữ nó ở nhà hàng tháng vầy vọc nó, thêm chỗ này bớt chỗ kia. Viết bản thảo đầu tiên của một truyện chẳng lâu lắm, thường chỉ ngồi một buổi là xong, nhưng sữa chữa các bản khác nhau của một truyện thì mất kha khá thời gian. Tôi sửa chữa cỡ chừng hai mươi đến ba mươi bản thảo cho một truyện. Không bao giờ ít hơn mười hay mười hai bản thảo. Ta vừa học hỏi được nhiều vừa được khích lệ tinh thần khi nhìn những bản thảo đầu tiên của các nhà văn lớn.  Tôi nghĩ tới những bức ảnh về những bản in thử của Tolstoy, ví dụ về một nhà văn thích sửa chữa bản thảo. Ý tôi là, tôi không biết ông có thích làm vậy không, nhưng ông sửa chữa rất nhiều. Ông luôn luôn sửa chữa, ngay từ lúc là bản in thử trang. Ông đọc và viết lại Chiến tranh và Hòa bình tám lần và vẫn còn tiếp tục sửa chữa ở nhà in. Những chuyện thế này hẳn khích lệ mọi nhà văn mà bản thảo đầu tiên kinh khủng, như của tôi.

Monday 9 May 2011

Trong ấy có lửa

Tôi có một trí nhớ tồi.  Nói vậy nghĩa là tôi đã quên bao chuyện xảy ra trong đời - âu cũng là diễm phúc - nhưng có những quãng thời gian dài trong đời mà tôi chẳng thể nhớ chuyện gì đã xảy ra hay hồi tưởng lại,  những thị trấn và thành phố tôi đã sống, tên người, cả chính những người ấy. Những khoảng trống mênh mông. Nhưng tôi có thể nhớ đôi điều. Những điều nho nhỏ - ai nói điều gì đó một kiểu đặc biệt; giọng cười hoang dại, hay khẽ khàng và run rẩy; một phong cảnh; nét buồn hay vẻ ngơ ngác trên gương mặt một người; và tôi có thể nhớ những thứ ác liệt - ai đó cầm dao lên hằm hằm quay sang tôi; hay không thì nghe giọng chính tôi dọa dẫm ai đó. Thấy ai đó phá vỡ một cánh cửa, không thì trượt ngã trên mấy bậc cầu thang.  Những thể loại ký ức oanh liệt đó tôi lại có thể nhớ được khi cần thiết.  Nhưng tôi không có cái thể loại trí nhớ có thể mang toàn bộ một cuộc trò chuyện về hiện tại, hoàn chỉnh cùng với mọi cử chỉ và sắc thái của câu nói thực; cũng như tôi không nhớ nội thất của bất kỳ căn phòng nào tôi từng ở, nói chi tới việc nhớ tới nội thất toàn bộ một căn nhà. Hoặc thậm chí rất nhiều điều cụ thể  về một cuộc đua ngựa - ngoại trừ, xem nào, khán đài, những cửa sổ cá cược, màn hình tivi, đám đông.  Tiếng lào xào. Tôi bịa các cuộc trò chuyện trong truyện của tôi. Tôi sắp các đồ nội thất và những món khác xung  quanh các nhân vật vào trong những câu chuyện của tôi mỗi khi cần chúng.  Có lẽ đây là lý do tại sao đôi khi người ta nói truyện của tôi đơn giản, trần trụi, thậm chí “tối giản”.  Nhưng có lẽ nó chẳng gì khác hơn là sự phối ngẫu chừng mực giữa tính cần thiết và sự thuận tiện khiến tôi viết kiểu truyện mà tôi vẫn viết theo cách của tôi.
Dĩ nhiên, không có câu chuyện nào của tôi thực sự diễn ra - tôi đâu có viết tự truyện - nhưng hầu hết đều có chút tương đồng, dù phảng phất, với những sự kiện hay tình huống trong đời nào đó. Nhưng khi tôi cố nhớ những vật hoặc cảnh trí xung quanh liên quan đến một tình huống truyện (loại hoa nào, nếu có, đã ở đó? chúng có tỏa hương gì không? v.v.) tôi thường bất lực hoàn toàn.  Nên tôi phải bịa ra khi viết - chuyện những người trong truyện nói với nhau, cũng như những việc họ làm khi đó, sau khi nói chuyện này chuyện kia, và chuyện gì diễn ra kế tiếp. Tôi bịa ra những lời họ nói với nhau, dù trong các hội thoại, có thể có vài đoạn vài câu thực tôi từng nghe trong một ngữ cảnh cụ thể vào lúc này hay lúc khác. Thậm chí câu nói đó có thể chính là điểm khởi đầu của truyện.

(Trích Fires - Raymond Carver)


Sunday 8 May 2011

Trên bàn ăn có hoa


Trên bàn ăn nhà tôi có một bình hoa cát tường một người bạn tặng hôm thứ hai. Hôm bạn mang hoa đến, tôi nghĩ, hoa đẹp đấy, nhưng chắc sẽ chóng tàn. Những ngày này, Sài Gòn lên đỉnh điểm nóng, khó mong bình hoa tươi quá ngày thứ ba, nhất là khi cánh hoa còn mong manh đến thế.


Mỗi ngày qua, tôi ngạc nhiên nhận thấy, hoa vẫn chưa tàn. Đến hôm nay đã là ngày thứ bảy, tôi nằm trên sofa phòng khách ngắm những bông cát tường cắm trong lọ thủy tinh gầy và cao.  Trưa, trời oi, đâu đấy vọng vào tiềng cưa xoen xoét.  Trên bàn ăn, bình hoa vẫn lì lợm tươi.  Những bông hoa trông giống hoa trong những bức tĩnh vật của các họa sĩ ấn tượng châu Âu.  Tự nhiên tôi thấy vui vui trong lòng.


Rồi tôi ước, giá như tôi có tài vẽ, hoặc ít ra có khả năng chụp ảnh không đến nỗi tệ, tôi sẽ vẽ hay chụp ảnh lại. Tôi nhớ truyện Ếch Xanh học bay mà tôi hay đọc cho hai bạn nhỏ nghe.  Truyện kể về một chú Ếch Xanh mặc quần đùi sọc đỏ muốn bay như bạn Vịt mà không được, muốn nấu ăn ngon như bạn Lợn cũng không xong, muốn thông thái như bạn Thỏ càng không được nốt vì Ếch Xanh có biết chữ đâu.  Buồn bã, Ếch Xanh nghĩ mình là một con ếch vô tích sự, chả làm được gì. Nhưng lúc ấy Thỏ, bạn Thỏ thông thái bảo Ếch Xanh rằng, Ếch Xanh ơi, tuy cậu không biết bay, không biết làm bánh, không biết đọc sách, nhưng tất cả bọn tớ đây có ai bơi và nhảy giỏi như cậu đâu.  Ếch Xanh ngẫm nghĩ lời Thỏ nói, rồi thấy hân hoan trong lòng, tung người nhảy vút lên cao chẳng khác gì bay.


Tôi không biết vẽ, cũng không biết chụp ảnh.  Nhưng tôi thấy hân hoan trong lòng, bèn mở máy tính lên, viết entry này.:)

Friday 6 May 2011

Linh tinh viết (không phải viết linh tinh)



Chui qua nhà NL thấy cái này, không phải bạn NL viết, mà là ông nào cũng chả biết là ông nào, bình luận tại sao Jonathan Franzen sẽ không bao giờ viết được một cuốn sách khác đáng đọc.  Franzen là tác giả hai cuốn tiểu thuyết bán chạy đồng thời được  các nhà phê bình cũng đánh giá cao Freedom The Corrections. Ông này, tên là Scott Esposito, phát biểu thế khi đọc thấy Franzen  trả lời trong một lần phỏng vấn rằng Franzen viết tiểu thuyết đặc biệt dành cho người đọc hôm nay, bởi vì ông biết ông ấy phải giành giật người đọc với đầu máy và trò chơi video.  Scott Esposito bình rằng người ta không thể nào sáng tạo ra nghệ thuật bằng cách cố qua mặt văn hóa đại chúng trên sân chơi của nó. 


***
Chủ đề nhà văn viết cho người đọc nào là một chủ đề khá thú vị.  Tôi đoán các nhà văn nghiêm túc đều có một đối tượng độc giả nhất định trong đầu khi viết, cho dù đó là độc giả có thực hay độc giả lý tưởng.  Trong bài Nhà văn viết cho ai? Pamuk trả lời ông viết cho cái thiểu số những người đọc văn chương trên toàn thế giới.   Độc giả lý tưởng của John Updike là một cậu thiếu niên ở một thị trấn nhỏ miền trung tây nước Mỹ tìm thấy sách của ông trên kệ sách thư viện.  John Cheerver viết cho tầng lớp độc giả trưởng thành và thông minh.  Còn Raymond Carver, ngoài việc mong muốn độc giả của mình là những người đọc tử tế, còn viết cho những nhà văn đã chết mà ông ngưỡng mộ và những nhà văn đang sống mà ông thích đọc, vì nếu những nhà văn đó thích tác phẩm của ông thì rất có thể những độc giả thông minh cũng thích.


***
Tôi rất tò mò muốn có lần phỏng vấn các nhà văn Việt Nam xem thử khi viết họ nghĩ rằng họ đang hướng tới đối tượng độc giả nào. Nhưng đừng nói là "viết cho chính mình" (thì giấu vào tủ ấy, phô ra làm gì)  hay "viết để giải tỏa" (khiếp nhất, cứ như không giải tỏa được thì sẽ vỡ bụng) nhé.


PSEntry này được viết cho các nhà văn có đọc blog này:)

Thursday 5 May 2011

Tuổi biết buồn:)


Một chiều đi làm về, tôi thấy Alpha đứng trước khung cửa sổ phòng mình, nhìn ra ngoài ánh mắt gợn vẻ ưu tư. Tôi hỏi, “Alpha, có chuyện gì hả con?” Alpha nói, “Dạ không có gì hết”. “Con có đau bụng không”? “Dạ không, con chỉ buồn thôi”. “Tại sao con buồn?”. Ngần ngừ một hồi, Alpha nói, “Dạ, con không biết nữa”.  Chữ “biết” được Alpha kéo dài, hơi nhấn nhá. Chao ôi, con gái của tôi, mới bốn tuổi rưỡi mà đã biết “buồn không hiểu vì sao tôi buồn rồi”. 

Nhưng tôi thì biết tỏng vì sao con gái buồn.

Alpha đã đến cái tuổi mà lúc nào cũng phải có hoạt động gì đó để làm, bằng không cô nàng sẽ than, con chán quá, hoặc lại đứng nhìn ra cửa sổ ít nhiều buồn không nói như này! 

Lịch một ngày làm việc, à quên một ngày đi học, của Alpha sẽ là: Sáng, dậy, rửa mặt, thay quần áo, tới trường.  Học và chơi ở trường từ bảy giờ rưỡi sáng đến năm giờ chiều.  Từ chiều đến tối, khi đã được ba hoặc mẹ đón về nhà, sẽ có những hoạt động sau: (i) đánh nhau với em Pi; (ii) đi bơi (tuần từ hai đến ba lần, nói là bơi nhưng Alpha chỉ  mới biết nhảy loi choi dưới nước.  Có thời gian ngày nào Alpha cũng đòi đi bơi. Về sau, ba mẹ dọa dẫm đi bơi thường xuyên quá, nước hồ bơi sẽ làm đen da, mà da đen thì không giống công chúa Bạch Tuyết nữa, Alpha mới chịu giảm xuống hai, ba lần một tuần); (iii) chọc em Pi; (iv) vẽ tranh tặng ba mẹ (thường Alpha sẽ vẽ hai bức tranh, rồi chạy đến ba mẹ hỏi, ba thích bức nào, mẹ thích bức nào.  Nếu ba mẹ cắc cớ thích cùng một bức, Alpha sẽ nài nỉ một trong hai người “thích bức kia đi”.  Alpha tỏ ra có khiếu về màu sắc, tranh của Alpha thường có rất nhiều màu, được phối với nhau khá xinh xắn); (v) bị em Pi chọc (hoạt động này thường xảy ra hơn hoạt động thứ (iii), và hay dẫn đến hoạt động thứ (i); (vi) xem hoạt hình (sau khi xin phép ba mẹ, Alpha sẽ tự bật ti vi, điều chỉnh qua lại giữa các kênh 46, 47, 48 tức là Disney Channel, Cartoon Network và Bibi.  Alpha thích nhất là xem Tom & Jerry trên Cartoon Network, nếu không thì báo hồng trên Disney Channel.  Nếu kênh nào xuất hiện siêu nhân, Alpha sẽ đổi kênh ngay, không quên bình luận, “”Phim này tầm bậy lắm!”); (vii) đùa giỡn với em Pi (ba mẹ vẫn nói với nhau rằng may có hai đứa để chơi với nhau, một đứa thế nào cũng nhèo nhẹo đòi ba mẹ chơi cùng.  Thỉnh thoảng, khi giận em Pi, Alpha lại nói: “Mẹ đẻ em bé khác đi.  Con không thích em Pi nữa đâu. Em Pi lớn lắm rồi.  Em Pi đánh con hoài hoài à.”  Nói vậy, nhưng nếu em Pi đi vắng, Alpha sẽ rất nhớ em, luôn mồm hỏi bao giờ em Pi về); (viii) tập xe đạp; (ix) lại đánh nhau với em Pi; (x) chơi lắp ráp (khi hai chị em cùng lắp chung một công trình, nghĩa là đang hòa thuận; còn khi nào lắp ráp một hồi, lại nghe tiếng cãi nhau chí chóe, chạy ra mách ba mẹ, nghĩa là hai đứa giành “vật liệu” của nhau ), (xi) nghe ba đọc truyện.  Tất nhiên, xen vào đó còn là ăn cơm, uống sữa, tắm.  Lịch làm việc của Alpha trong hơn bốn tiếng đồng hồ buổi tối dày đặc và phong phú là thế, vậy mà quay quay qua quay lại, Alpha lại chạy sang bàn ba hỏi, “Bây giờ con làm gì hả ba?”  Nếu ba chưa nghĩ ra trò gì để gợi ý cho Alpha, là cô nàng lại bảo, “Con chán quá. Con chẳng biết làm gì cả!”

Rất may, những cơn chán nản vô cớ và buồn vu vơ của Alpha không kéo dài quá ba phút.  Thoáng chốc, lại nghe Alpha cười nắc nẻ váng nhà, hoặc lại chí chóe với em Pi, cũng váng nhà nốt.

Tuesday 3 May 2011

Chủ Nhật với tờ Văn Nghệ:)



  • Tít entry này mượn  ở đây;
  • Chị Tư Sầu Riêng có có câu slogan quảng cáo cho blog của chỉ: Chữ dày như báo Nhân Dân. Hôm nay tôi mới phát hiện ra chị Tư nói chưa trúng lắm. Phải là: Chữ dày như báo Văn Nghệ.
  • Cái kết luận trên tôi rút ra sau khi lần đầu tiên trong đời đi mua báo Văn Nghệ.  Bản thân việc mua được tờ báo này đã là một kỳ công. Tôi đi gần nát quận 1 và quận 3, nơi vốn có nhiều sạp báo lớn mà vẫn không mua được.  Đến lúc chán phóng thẳng về nhà, ngang một sạp trên Điện Biên Phủ ghé hỏi thử, may lại có.  Số đặc biệt 30-4, những hai mươi sáu ngàn một tờ.
  • Mua khó như thế chứng tỏ báo Văn Nghệ ít ai đọc.  Người đọc hiếm, người mua càng hiếm.  Còn người chẳng những mua, mà còn đặt dài hạn, chẳng những đặt dài hạn, mà còn review thường xuyên như chị này thì nhất định xứng đáng được đưa vào Sách Đỏ.
  • Cầm tờ này mới biết trên trang bìa báo Văn Nghệ bao giờ cũng có câu khẩu hiệu: "Vì Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội."
  • Cũng cầm tờ này mới biết Thành Chương có vẽ tranh anh bộ đội:)
  • Hóa ra là báo đang tổ chức thi truyện ngắn.  Nhìn lướt qua các truyện dự thi, thấy có truyện dự thi của Doãn Dũng, tức bác Scrotum chủ hãng thời trang ở diễn đàn Tathy. Một truyện dự thi khác tên là "Tắm tiên" của tác giả Trần Như Đắc.  Tưởng gì, hóa ra truyện kể về một vị tướng tính tình bình dân, thích tắm chung với lính cần vụ.  Truyện kết thúc bằng câu: "Tôi cười theo. Bất chợt lại nhớ đến những lần tắm tiên cùng tướng Khờ, nhớ rõ cả cái nốt ruồi đỏ ở một chỗ kín trên người thủ trưởng."  Báo Văn Nghệ bây giờ cũng fashionable ghê!
  • Mục Bàn tròn văn học bàn về tiểu thuyết Đối chiến của Khuất Quang Thụy.  Trong số những người tham gia tọa đàm có Mr. Hoan và Mr. Dũng.  Theo Mr. Hoan, "Đối chiến có cái mới là các nhân vật phía bên kia rất sống động".  Theo Mr. Dũng, "tác giả có hiểu biết hạn chế về cuộc sống con người phía bên kia, dựng cảnh nhiều, hay sử dụng các đối thoại dài thế chỗ cho những miêu tả chi tiết."  Đúng là hai luật gia nhà phê bình, ba ý kiến.
  • Đặc biệt, và đó cũng là lý do tại sao tôi lại mua số báo Văn Nghệ này, số nàycó phụ trương truyện ngắn hậu hiện đại của các tác giả Raymond Carver, Donald Barthelme, Peter Carey, V.S. Naipaul, Samuel Beckett, J.M.G. Le Clezio.v.v.  Mấy chỗ in đậm là lý do đấy ạ.:)

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN