Thursday 29 April 2010

Chiều vô lễ


Một số bài thơ trong tập Chiều vô lễ của Trần Dần, chép từ Trần Dần - Thơ (Nhã Nam và NXB Đà Nẵng 2008)


Yêu

Em đã quên ư?
lòng ngã tư mưa lằng nhằng cột điện
Tình yêu của anh như câu cổ tích
kể trong một tối mưa dầm




Đừng yêu

Gạch ngói ruổi rong
những mơ mộng nhớ thương
Các vì sao, ai bắt vít trên trời?
những đinh vít long lanh bằng bạc
Em nhé! Đừng yêu!
đừng yêu những đại lộ gió!
Phố này. Hàng cây này. Cột điện.
Căn nhà thi sĩ đổ. Mùa mưa.



Ngã tư xưa


Anh muốn rao lên cho làng nước biết
hôm nay em bạc đãi một người
Nhưng em ơi! anh chỉ đến ngã tư xưa
anh đứng dưới một ngôi đèn bỏ




Đại lộ khói


Tôi biết nhược điểm của đêm đông
Nó dài vơ dài vẩn
Gió thổi tợ thằng rồ
Vặt trụi hàng cây...
Lá ngã - giệ đường đôi
Sương bay lèm nhèm đại lộ
Ngang phố - tôi châm điếu thuốc
cuối cùng
Ngực thở khói diêm sinh




Phố vô lý



Hai chân chọ chẹ
Vườn hoa vô lý
Cặp đùi vô ý
Ngôi sao vô vị
Phố dài vô lẽ
Chiều xanh vô nghĩa...
Ôi chao! Thu rồi!... Bất tử
Đại-lộ-thi-sĩ
Sương sa lia lịa
Hành trình...




Ngã tư


Hãy nghe im lặng thổi
Gió ngã tư to
Hai cột đèn gù
Mẹ hĩm! Bố cu! Kìa nhìn đại lộ
Điện khạc ò ò...
Cà cộ đèn thu!






Không đề số 1


Em đẹp như em vừa mới nở
Rét dài nưn nứt lụa
Đùi hoa cau ướt sữa
Ô hay! Tay non che bẹ nhỏ
Không lẽ sương tươi vừa nhú nụ
Tụ ra em...





Không đề số 4


Mưa rơi phay phay
Ngã tư năm ngoái
Biết tôi khờ dại
Em đi không sao chống cự nổi
Đại lộ tai hại
Em dài man dại
Em dài quên che đậy
Em dài tê tái
Em dài quên cân đối
Em dài bối rối
Em dài vô tội
Em dài - khổ tâm...






Wednesday 28 April 2010

Ghi chép chớp nhoáng về thực tại số 7

(Nhớ Trần Dần)


bất cứ ngã tư nào

cột đèn nào

đại lộ nào

hàng cây nào

cũng làm tôi nhớ Người


cười như thóc vàng sân hợp tác


mắt phố lệ non đùi hoang hoác

lòm đỏ son chiều mưa bạc mẹ môi

Tuesday 27 April 2010

Ghi chép chớp nhoáng về thực tại số 6


đêm qua lúc 3 giờ sáng

tôi cong mình tránh một giọt nước rơi

cái giọt nước bé tí

cũng biết cách làm phiền tôi

ôi thôi chân trời đầy vết phanh gấp




Monday 26 April 2010

Đường cho hươu chạy

Năm 1999, lần đầu tiên tôi sử dụng điện thoại di động. Khi đó, Việt Nam có hai nhà cung cấp mạng di động là Vinaphone và Mobifone. Theo tôi nhớ, không có sự khác biệt gì về giá giữa hai nhà cung cấp này. Hồi đó, tôi sử dụng dịch vụ trả trước. Một thẻ cào trị giá 300.000 đồng được Mobifone cho phép sử dụng trong vòng 45 ngày và nhận cuộc gọi thêm 15 ngày nữa. Một cuộc gọi hồi đó được tính trọn 2 phút và có giá là 7.000 đồng. Nếu gọi sang vùng khác, chẳng hạn gọi từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội, giá còn đắt nữa, hình như là 7.000 đồng một phút. Nhín lắm, một tháng tôi vẫn phải trả ít nhất 200.000 đồng trong tình trạng hầu như không dám gọi gì. Giá của Mobifone và Vinaphone cứ như thế kéo dài nhiều năm liền, những năm sau có giảm chút ít nhưng không đáng kể, cho đến khoảng năm 2004.

Tôi không nhớ chính xác thời điểm, nhưng hình như Sphone và Viettel cùng ra đời năm 2004. Sự có mặt của Sphone và đặc biệt là Viettel trong thị trường viễn thông di động tạo điều kiện cho một cuộc chạy đua về giá ngoạn mục mà người có lợi là người tiêu dùng. Lấy tôi ra làm ví dụ, thời điểm hiện tại tôi sử dụng dịch vụ trả sau của Mobifone. Hàng tháng, tôi gọi không tính toán và gần như dùng đi dộng thay cho cho điện thoại cố định, thì cước trung bình hàng tháng độ 400.000 đồng, trừ tháng nào đi nước ngoài thì cước đội lên do dịch vụ roaming nhưng đó là trường hợp ngoại lệ.

Cuộc chạy đua giữa các nhà mạng hiện giờ đã đến một giai đoạn, mà Sài Gòn Tiếp Thị gọi một cách rất ý nhị là cuộc đua bỏ mạng. Bỏ mạng có thể có nghĩa bỏ mạng này sang mạng khác, mà cũng có thể là có nhà mạng phải trút hơi thở cuối cùng. Trước sự cạnh tranh khốc liệt đặc biệt từ phía các đại gia, liệu các mạng di động nhỏ hơn, ra đời sau có thể sống được bao lâu? Sẽ không có gì để nói, nếu sự cạnh tranh đó diễn ra một cách hoàn toàn lành mạnh và không có đòn dưới thắt lưng nào được sử dụng.

Theo quan sát của tôi, sự cạnh tranh giữa các công ty viễn thông di động ở Việt Nam buổi đầu có vẻ là cạnh tranh lành mạnh. Đến thời gian gần đây, dường như đã có những dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh.

Nói nôm na, cạnh tranh lành mạnh là cạnh tranh để tạo ra cạnh tranh, còn cạnh tranh không lành mạnh là cạnh tranh để giết chết cạnh tranh. Cạnh tranh lành mạnh thì có lợi cho người tiêu dùng, còn cạnh tranh không lành mạnh thì đến một lúc nào đó sẽ có hại cho người tiêu dùng.

Để đảm bảo sự cạnh tranh diễn ra lành mạnh, bất cứ quốc gia nào theo đuổi kinh tế thị trường đều ban hành luật lệ về cạnh tranh. Tên gọi có thể khác nhau theo từng quốc gia/vùng lãnh thổ: ví dụ, có nơi gọi là Luật chống đôc quyền (Mỹ), có nơi gọi là Luật cạnh tranh (EU, Việt Nam), có nơi gọi là Luật thương mại công bằng (Úc), nhưng mục đích đều giống nhau.

Tựu trung, pháp luật về cạnh tranh điều chỉnh ba nhóm hành vi chính: (i) các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; (ii) các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường; và (iii) tập trung kinh tế. Trong nhóm các hành vi về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, một số ví dụ bao gồm thỏa thuận về ấn định giá, thỏa thuận phân chia thị trường, thỏa thuận về hạn chế sản lượng, hoặc thỏa thuận về hạn chế không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh. Theo luật Việt Nam, các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh sẽ bị cấm nếu các bên tham gia thỏa thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan trên 30%.

Trong link đã dẫn trên, thỏa thuận giữa Vinaphone và Mobifone cùng nhau thực hiện khuyến mãi khiến người ta không thể không đặt câu hỏi liệu đó có phải là một thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hay không khi hai nhà mạng này có tới tổng cộng 80 triệu thuê bao? Tôi dĩ nhiên có ý kiến riêng của mình, nhưng trả lời có hay không thì phải chờ Cục Quản lý Cạnh tranh vào cuộc, tất nhiên là chỉ khi Cục có ý định vào cuộc!

Thắc mắc biết hỏi ai


Giới thiệu entry của một bạn trẻ 18 tuổi, không lo học bài thi đại học mà lo thắc mắc những chuyện đâu đâu:)


Thursday 22 April 2010

Mình nói chuyện gì khi mình không nói chuyện gì



Nếu bạn kể cho tôi một câu chuyện dài, buồn, và u tối
Tất cả những gì tôi có thể làm là im lặng.

Nếu bạn im lặng
Tất cả những gì tôi có thể làm là im lặng.

Im lặng là thứ duy nhất tôi có thể sẻ chia cùng bạn.




Monday 19 April 2010

Trước mặt có cháo giò

Ngày xửa, ngày xưa, có một chàng hoàng tử chuyên bán cháo giò.

Thật ra, chỉ có cháo giò, chứ không có ngày xửa ngày xưa, mà cũng không có chàng hoàng tử nào hết; nhưng nói chuyện không có đầu có đũa coi sao đặng, thế cho nên mới cậy sự tích.

Cháo nói chung là món ăn dễ tiêu, thường dành cho trẻ con và người bệnh. Tuy nhiên, cũng có những món cháo khó tiêu, nếu như món cháo đó dùng phẩm màu hoặc những phụ gia thực phẩm khác không nằm trong danh mục cho phép của Bộ Y tế. Trong những trường hợp đó, cháo không những trở nên khó tiêu mà còn có thể gây ngộ độc.

Chính vì thế, trên một số nẻo đường thành phố, xuất hiện một số băng – rôn căng ngang đường, nội dung đại ý kêu gọi không dùng phẩm màu và phụ gia không được phép rồi gì gì nữa đó. Khẩu hiệu trên băng-rôn khá dài, nếu đọc hết, có nguy cơ bị xe sau đít bóp còi hoặc tệ hơn tung cho gãy cổ trước khi ngộ độc thực phẩm. Lẽ ra, khẩu hiệu có thể rút ngắn thành: “Không khuyến khích đầu độc người khác”:)

Chưa thấy cơ quan nào đánh giá hiệu quả tác động của những khẩu hiệu như vậy đến hành vi của những người đọc hết băng-rôn mà chưa gãy cổ. Cũng chưa thấy cơ quan nào thống kê số tai nạn giao thông xảy ra do những công dân kiểu mẫu sống làm việc theo pháp luật [và khẩu hiệu] cố gắng đọc bằng hết băng-rôn.

Tuy nhiên, dù băng-rôn có đề cập thực phẩm nói chung, thì món cháo giò nói riêng không nằm trên băng rôn mà nằm [trong cuộc sống] ở trước mặt.

Cuộc sống ở trước mặt của Romain Gary là một tiểu thuyết tuyệt vời về tình yêu của một cậu bé Ả-rập và người yêu 65 tuổi nặng 95 cân người Do Thái.

Trước khi ăn cháo: Mối tình đẹp không phải là mối tình mà tình nhân mong bên nhau mãi mãi. Khi thời gian trôi đi theo chiều tự nhiên thì mọi mối tình đều phải đến hồi kết. Mối tình đẹp là mối tình mà tình nhân mong muốn thời gian trôi ngược chiều để thấy quả táo rụng từ từ lăn về gốc rồi nhảy lại lên cành, đế thấy người yêu già nua trẻ lại, để mọi kết thúc quay về chốn khởi đầu. Cậu bé Momo mười tuổi đã nghĩ như thế (hoặc tôi nghĩ rằng Momo nghĩ như thế) trong lúc xem người ta lồng tiếng dựng phim cho phim giật lùi.

Allah là tên của Chúa trời/ Thượng đế theo Hồi giáo, nên “thánh Allah” tuy là một cách viết phổ biến nhưng có lẽ là không đúng (ref tr.128).

Cháo lua quanh, nợ trả dần. Ăn cháo chớ nên vội vàng, vì thế nấu cháo cũng quanh co một tí!

Friday 16 April 2010

Để thi sử tốt hơn

Để thi sử tốt hơn là phần II của Để học sử tốt hơn!

***

Một hôm lang thang trên Internet, tôi tình cờ lạc vào một trang web ắt hẳn là của một nhóm chuyên gia phụ trách ra đề thi tốt nghiệp phổ thông trung học. Đấy chắc là trang web nội bộ vì tôi đọc được rất nhiều thảo luận về hướng ra đề thi của các chuyên gia. Việc tôi lọt vào được trang web đấy không mất nhiều công sức chứng tỏ độ bảo mật của trang web có vấn đề. Nhưng có vẻ vấn đề đấy đã được phát hiện và khắc phục vì nửa giờ sau tôi cố quay lại trang web đấy nhưng không được. Tôi chưa kịp sao chép các đề thi dự kiến, và vì mới nhìn lướt qua tôi chỉ nhớ rằng trong môn lịch sử có một số đề như sau (tôi nhớ được vì đề khá ngắn):

Đề 1: Nếu anh /chị là lãnh đạo nước Việt Nam vào thời điểm 1945 – 1946, anh/chị sẽ có những chủ trương chiến lược nào để đối phó những mối nguy từ giặc ngoại xâm, giặc đói và giặc dốt?. Trình bày vắn tắt lý do cho những chủ trương đó. (Thời gian làm bài: 90 phút. Thí sinh được tự do sử dụng tài liệu.).

Đề 2: Nếu anh/chị là người có quyền quyết định, anh/chị có chọn Điện Biên Phủ làm chiến trường quyết định kết thúc kháng chiến chống Pháp hay không? Tại sao? ( Thời gian làm bài: 90 phút. Thí sinh được tự do sử dụng tài liệu.)

***

Dĩ nhiên, chuyện ở trên là bịa, vì ngoài tài mở hộp thư Yahoo hay Gmail:), tôi không có trình độ đột nhập bất kỳ trang web nào!

Ngoài ra, loại đề như trên, cũng như việc cho phép thí sinh mang tài liệu vào phòng thi trong một môn như môn Lịch sử chắc còn lâu mới diễn ra.

***

Quyết định của Bộ Giáo dục đào tạo năm nay về các môn thi tốt nghiệp phổ thông trung học, trong đó có cả Lịch sử lẫn Địa lý có vẻ như là một cú sốc đối với khá nhiều giáo viên và học sinh. Dạo quanh trên mạng có thể nghe khá nhiều lời kêu ca oán thán! Gì mà những hai môn “học bài”!

Có thể thấy qua những lời kêu ca đó là một phong cách dạy học rất là nghe ngóng: Từ đầu năm đến giờ, dường như các trường vừa dạy vừa đoán môn thi, kiểu như đoán số đề. Nay số đề ra trật, thì than.

Tại sao Lịch sử (và Địa lý) luôn được mặc định là môn “học bài”? Tại sao học sinh phải tụng như vẹt, cố nhớ và cố chép những gì mình nhớ ra khi làm bài thi? Một số trường còn tổ chức “dò bài” học sinh. Với kiểu dạy, học và thi như thế, đảm bảo đối phó xong kỳ thi là kiến thức sẽ theo gió cuốn đi.

Thế nhưng, có người đặt câu hỏi là có cần phải nhớ những kiến thức lịch sử không, khi bây giờ muốn biết gì chỉ cần search Google là ra. Thật ra, tôi cho rằng nhớ thì không cần nhớ, mà phải hiểu, mà hiểu thì tự nó nhớ. Nhớ phải đi từ sự hiểu mà ra, chứ không phải do tụng kinh. Có nhớ sử thì mới biết nước Lào không có đảo. Có nhớ sử thì không đập Givral. Đại để thế.

***

Với kiểu đề thi giả định trên kia, học sinh sẽ không phải tụng bài như vẹt, nhất là khi họ được mang tài liệu vào phòng thi. Nhưng tài liệu sẽ chẳng giúp ích gì nếu như họ không hiểu hoàn cảnh và ý nghĩa lịch sử của những giai đoạn, sự kiện lịch sử đó. Và nếu đề thi thật sự được ra theo kiểu như thế, có lẽ nhà trường không cần tổ chức dò bài cho học sinh!

Dĩ nhiên, đây chỉ là giả định!


Wednesday 14 April 2010

Vietnam Airlines - Cùng non sông cất cánh

Bài viết của chị Bùi Thị Bích Liên trên Facebook. Post lại với sự đồng ý của tác giả. Chuyện Vietnam Airlines đối xử với khách hàng thế nào thì chẳng ai lạ lùng gì, nhưng với tư cách một người nghiên cứu pháp luật tác giả cung cấp thêm những phân tích thú vị từ góc độ pháp lý. Xin giới thiệu cùng các bạn.

--------

Bạn đã bao giờ tới sân bay đúng giờ làm thủ tục theo quy định, với tâm trạng sẵn sàng cho chuyến đi, và được thông báo rằng máy bay đã bay mất rồi? Đó là chuyện đã xảy ra với tôi vào trưa mùng 6 Tết Canh Dần.

Chuyến bay Hà Nội – Quy Nhơn của Việt Nam Airlines (VNA) được ghi trong vé của tôi là khởi hành lúc 12:30. 11:20 tôi có mặt tại quầy làm thủ tục và được thông báo máy bay đã bay lúc 10 giờ. Nhân viên quầy thủ tục sau đó dẫn tôi tới gặp đại diện của Hãng để giải quyết. Cô nhân viên dễ thương ở Quầy 50 sau khi bấm bàn phím máy tính một cách bận rộn giải thích một cách phức tạp rằng theo thông tin trên hệ thống thì Hãng đã nhắn tin về việc thay đổi lịch trình nhưng tin nhắn đó không tới tôi. Theo cô thì đó là lỗi của đại lý bán vé máy bay đã không kiểm tra tin nhắn này. Bạn thử nghĩ mà xem, nếu bạn là người sử dụng một hàng hoá, dịch vụ nào đó thì bạn có nghĩa vụ phải quan tâm tới việc hàng hoá, dịch vụ đó được sản xuất như thế nào và quá trình thực hiện ra sao không? Sau một lúc lý giải và thắc mắc, cô yêu cầu tôi chờ nhân viên có thẩm quyền cao hơn tới xử lý.

15-20 phút chờ đợi, sau nhiều cú điện thoại giục giã, một người đàn ông trung niên với vẻ mặt thân thiện tiến tới chỗ tôi. Nếu gặp anh trong hoàn cảnh khác rất có thể chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện vui vẻ. Anh nói: thay mặt Hãng thành thật xin lỗi chị. Câu này thì tôi nghe được. Tiếp theo là thế này: tại vì chị không để lại số điện thoại liên lạc nên chúng tôi không thể báo cho chị việc thay đổi giờ bay. Ô hay, bao nhiêu người trong số các bạn – những người đã từng đi máy bay - cho rằng mình có nghĩa vụ (đương nhiên) phải để lại thông tin cá nhân cho hãng hàng không? Hãng hàng không có nghĩa vụ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin khi bán vé không? Giữa nghĩa vụ của Hãng và nghĩa vụ của khách hàng, cái nào phải thực hiện trước và cái nào thực hiện sau? Hay là “nghĩa vụ khách hàng” chỉ được nhắc tới khi xảy ra sự cố. Và tại sao sau khi được xin lỗi thì khách hàng cũng bị “quy lỗi” cho sự cố? Tôi thắc mắc với người có thẩm quyền về điểm này và anh lại đổi giọng xin chị thông cảm. Vâng, tôi có thể thông cảm nhưng những thiệt hại mà tôi phải chịu từ việc bị lỡ chuyến bay thì sẽ xử lý ra sao? Anh trả lời cái này thì tôi chịu. Trong chế độ của Hãng không có những quy định bồi thường thiệt hại cho khách hàng kiểu này. Thật ra vì nhiệt tình với khách hàng nên tôi mới cố gắng tìm cách giải quyết cho chị. Có thể anh nói đúng. Có thể bản tính anh là người nhiệt tình, hay giúp đỡ người khác. Nhưng với tư cách là nhân viên quản lý của một Hãng hàng không đang làm việc với khách hàng thì có lẽ sự chuyên nghiệp của anh vẫn còn nhiều điều để cải thiện. Ngạc nhiên vì thấy anh không đeo biển tên và số hiệu như những nhân viên sân bay khác, tôi muốn biết quý danh của anh. Không hiểu sao anh lại tế nhị từ chối yêu cầu đó mà đưa tên cùng số điện thoại của người khác (station manager). Sau một hồi thắc mắc, giải thích, thu xếp, cuối cùng anh cũng đã cố gắng để có được giải pháp cho tình huống trớ trêu này. Cái giải pháp mà anh đề nghị tôi là bay vào chuyến ngày hôm sau, và Hãng sẽ thu xếp taxi đưa, đón tôi tại nhà. Giải pháp được chấp nhận, và chúng tôi cùng ra cửa để chờ xe tới đón.

Bộ đàm trong tay, anh bận rộn đàm phán với bộ phận nào đó để xếp xe. Tôi được thông báo là xe sẽ tới ngay lập tức. 5 phút, rồi 10 phút trôi qua vẫn chẳng thấy xe đâu. Anh nói với tôi cứ chờ ở đó để anh quay lại vị trí làm việc vì anh còn bận nhiều việc lắm. Nếu xe vẫn không tới thì quay lại tìm anh. Ồ, không! “Giao dịch đặc biệt” giữa anh và tôi sẽ chỉ kết thúc khi tôi đã yên vị trên taxi với đống hành lý của mình. Anh lại tiếp tục điện đàm, lại giục giã. Khoảng 20 phút sau thì anh có được số mobile của người lái taxi. Dường như lúc này sự kiên nhẫn của anh đã cạn. Máy bộ đàm và anh lái xe tội nghiệp lãnh trọn nỗi bực dọc của anh. Có lẽ sự kém may mắn của tôi cuối cùng cũng được bù đắp phần nào nhờ tinh thần phục vụ của anh lái taxi – một người đàn ông kiệm lời nhưng chu đáo. Nếu bạn có ý định sử dụng Airport Taxi đi cho tuyến Hà Nội – Nội Bài thì số điện thoại của anh là 01684344559. Toàn bộ sự việc là một kinh nghiệm “thú vị” của tôi về kỹ năng phục vụ khách hàng, xử lý sự cố, và phối hợp trong công việc của nhân viên Việt Nam Airlines.

Tò mò vì cách lý giải của nhân viên VNA về quyền lợi, nghĩa vụ của khách hàng, tôi đã thực hiện tìm hiểu sơ bộ Điều lệ vận chuyển của VNA, và một số quy định pháp luật có liên quan. Tôi không có ý định làm một phân tích pháp lý đầy đủ về các khía cạnh của tình huống mà tôi gặp phải. Bài viết này chỉ nhằm thảo luận một số vấn đề cơ bản nhất về quyền, nghĩa vụ của khách hàng.

Theo quy định tại Điều 3.1 của Điều lệ vận chuyển của VNA, và Điều 531(2) của Bộ luật dân sự thì vé chính là bằng chứng của hợp đồng giữa khách hàng và VNA. Điều 535(3) Bộ luật dân sự (BLDS) cũng quy định khách hàng có quyền yêu cầu thanh toán chi phí phát sinh hoặc bồi thường thiệt hại trong trường hợp bên vận chuyển có lỗi trong việc không chuyên chở đúng thời hạn.

Rắc rối phát sinh ở chỗ Điều 10 Điều lệ vận chuyển không công nhận lịch trình bay là một phần của Hợp đồng vận chuyển. VNA bảo lưu quyền thay đổi lịch trình bay ngay cả sau khi đã xuất vé cho hành khách. Nếu hành khách thông báo cho VNA địa chỉ liên lạc, Hãng sẽ cố gắng thông báo cho hành khách những thay đổi về lịch trình bay. Điều lệ hoàn toàn không nhắc đến tình huống khách hàng không nhận được thông báo thay đổi lịch trình bay sau khi Hãng đã xuất vé. Rõ ràng Điều lệ này đã giành phần thuận lợi đáng kể cho VNA.

Điều 2.5 của Điều lệ quy định: “Trong trường hợp có điều khoản nào trong Điều lệ vận chuyển này hoặc được tham chiếu đến trong Điều lệ vận chuyển này trái với các điều khoản trong Công ước áp dụng (Công ước Vác–xa–va sửa đổi tại La–hay) và trong bất kỳ luật hiện hành, các quy định của chính phủ, sắc lệnh hoặc các yêu cầu không thể hủy bỏ được bằng các thỏa thuận của các bên, thì điều khoản đó không được áp dụng”.

Tôi chưa có dịp nghiên cứu kỹ Công ước Vác-xa-va quy định về vận chuyển hàng không quốc tế nên không dám mạn đàm về tính phù hợp của Điều 10 trong Điều lệ vận chuyển với Công ước này. Tuy nhiên, Điều 406 của BLDS về Hợp đồng mẫu (loại hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu) đưa ra một nguyên tắc là nếu hợp đồng mẫu có điều khoản không rõ ràng thì bên đưa ra hợp đồng mẫu sẽ phải chịu bất lợi khi giải thích điều khoản đó. Vé máy bay của VNA rõ ràng là một loại hợp đồng mẫu, nhưng giải thích mà nhân viên của Hãng đưa ra thì luôn có lợi cho Hãng chứ không phải là cho khách hàng. Việc thay đổi lịch trình chuyến bay theo hướng hoãn giờ bay là khá phổ biến, và thông thường thì khách hàng chấp nhận chờ đợi tại sân bay. Trong khi đó, thay đổi lịch trình theo hướng đổi giờ bay sớm hơn mà không có cơ chế để xác nhận việc khách hàng đã nhận được thông báo thay đổi giờ bay đặt khách hàng vào tình thế bất lợi tuyệt đối. Cũng theo quy định của BLDS, hai bên có thể thỏa thuận để sửa đổi hợp đồng. Nhưng nếu khách hàng, với tư cách một bên tham gia hợp đồng với VNA không nhận được thông tin về việc thay đổi lịch trình bay sớm hơn lịch ghi trên vé (hợp đồng) thì sự “thỏa thuận” – yếu tố cơ bản nhất để hình thành giá trị của một hợp đồng là chưa được xác lập. Thêm nữa, theo quy định tại Điều 6(1)(a) Nghị định 55/2008/NĐ-CP ngày 24/4/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có trách nhiệm phải cung cấp thông tin kịp thời, trung thực và chính xác cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ do mình cung cấp. Rõ ràng trong trường hợp này VNA đã không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cung cấp thông tin kịp thời tới người tiêu dùng.

Tất nhiên, mối quan hệ pháp lý giữa khách hàng và VNA trong trường hợp này phức tạp hơn vì còn có sự tham gia của đại lý bán vé. Tôi sẽ không đề cập chi tiết đến vấn đề này mà chỉ muốn nhấn mạnh rằng ngay cả trong trường hợp đại lý có lỗi thì VNA vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm với khách hàng vì cuối cùng VNA vẫn là một bên trong hợp đồng với khách hàng chứ không phải đại lý.

Trên đường ra sân bay Nội Bài, tôi nhìn thấy một biển quảng cáo rất to của VNA với khẩu hiệu: “VNA cùng non sông cất cánh”. Hy vọng VNA sẽ tiếp tục bay cao hơn, xa hơn nữa cùng đất nước quê hương trong thời kỳ hội nhập mà không bỏ lại những hành khách trung thành và vô tội như tôi. Trong năm 2009, VNA đã đón hành khách thứ 9 triệu. Tôi chúc cho VNA sẽ đón hành khách thứ 10 triệu trong năm 2010. Tôi cũng hy vọng rằng với số doanh thu khổng lồ mà các hành khách này mang lại, VNA sẽ tạo lập và thực hiện chính sách phục vụ khách hàng chuyên nghiệp hơn, đảm bảo đầy đủ quyền lợi của họ theo quy định của pháp luật.

Tuesday 13 April 2010

Apple apple one two three

Apple, apple, one, two, three

Bạn Alpha học tiếng Anh. Cô giáo dạy cho bài hát thế này, bạn về nhà nghêu ngao suốt:

Apple, apple, one, two, three

Apple, apple, one, two, three

One for you, one for me

One for teacher one, two, three

Cô giáo đến tham, có quả táo cũng giành cho mình. Ba bạn Alpha năn nỉ bạn hát thành “one for daddy one, two, three”, nhưng bạn chưa đồng ý. Bạn còn nhất định gọi “con khỉ” thành “con hỉ”, không quên rành rọt giảng giải “nói con khỉ là đúng, nói con hỉ là sai”. Biết thế, nhưng vẫn nói là “con hỉ”, chắc vì hỉ thì vui:). Mỗi lần nghe bạn nói “con hỉ” chỉ muốn đè nghiến bạn ra hun!

One for me

Bạn nào đọc cái Hướng dẫn sử dụng trước khi dùng, chắc có nhớ hướng dẫn sử dụng thẻ ATM: Thẻ này không có chức năng cách điện.

Trong khi chờ đợi các ngân hàng phát hành thẻ ATM có chức năng cách điện cũng như trong khi chờ đợi các công ty điện lực trên toàn quốc đi kiểm tra điện rò rỉ ở các ATM, người ta không thể sống mà không có tiền mặt. Thế là sáng nay tôi lót tót ra ngân hàng để rút tiền từ quầy. Sau khi viết giấy và nộp chứng minh nhân dân xong, tôi được báo ngồi đợi 20 phút, vì sớm quá tiền từ hội sở chính chưa về. Trong cái rủi chờ đợi có cái may là ghé sang nhà sách ngay bên cạnh và mua được quyển Cuốn sách và tôi của cụ Vương Hồng Sển. Cuốn này mua theo lời dụ dỗ đường mật của cái bạn đang bị nấc cụt nhà bên kia. (Cho bạn cái link để bạn tăng view!). Trong lúc vẫn chờ để được nhận tiền tôi đọc ngay bài Nói chuyện nàng, là bài đầu tiên trong tập sách sau hai cái lời tựa. Chỉ cần đọc bài này xong tôi có thể nói rằng rất rất nên mua và đọc cuốn này. Ôi cái ông già, duyên dáng và hóm hỉnh quá thể. Ai đời cụ già 83 tuổi thấy một phu nhơn xấp xỉ lục tuần mà mắt cứ tít lên, đi sau lưng người ta “mấy lần tay đụng vào mông vào đùi, mông cứng cáp như mông của gái tân, đùi thon thon dội lại nơi đầu ngón tay êm êm mát mát”! Sau đấy, cụ được phu nhơn mời đến nhà, tức thì đầu óc cứ vơ vơ vẩn vẩn suy đi tính lại “cơm đà dọn, còn đợi gì mà chưa cầm đũa”. Ngặt vì, “khí huyết đã suy, lụt đụt lạt đạt, như đèn hụt bấc, như ô tô hết xăng, đang ăn muốn nuốt mà nó nghẹn ngang trợn trắng” thì sao? Ha ha, không thể không cười với cụ Vương. Cuộc gặp gỡ sau đó giữa cụ Vương và phu nhơn ở nhà riêng của phu nhơn cũng hết sức kỳ thú. Bạn nào tò mò muốn biết kết cục thì tôi có thể tiết lộ thế này bằng chính lời cụ Vương: “tôi cũng gàn thật, không phất cờ, vì tự xét rủi đang phất mà gãy cán cờ là điềm bất lợi, không nói là đại họa có khi, và cơm dọn không thưởng thức vì tật ưa mắc nghẹn với tuổi già”.

One for you

Kiều nữ Evil chính thức quay trở lại với blog Một thế giới khác. Xin giới thiệu cùng các bạn Evil hay thường được gọi một cách thân mật là chị Vìu là một nữ sĩ tài ba thông tuệ hơn người, một chiến sĩ đấu tranh không mệt mỏi cho nữ quyền và sự công bằng trên thế giới. Chính vì vậy, vào blog chị có thể nghe tiếng súng đì đùng. Hãy vào blog chị at your own risk!

Three to go

Hiện tại là 197. Tương tự như lần trước, sẽ gửi tặng cuốn Cuốn sách và tôi cho người thứ 200.

Sunday 11 April 2010

Suối mà không phải suối

Trang đầu tiên cuốn sổ tay ghi chép những điều mắt thấy tai nghe trong hai tuần lang thang ở Northern Territories, Australia năm 2003 mà tôi vừa mới khai quật lại từ một trong số những hộc tủ, có mấy dòng sau: 2/7/2003. Got up at 5.am. Peter took us to the airport under the rain. Check-in. Như vậy, chuyến đi của tôi đến Alice Springs, Uluru, King Canyon, Kakadu National Park và những địa danh nổi tiếng khác ở Nothern Territories đã cách đây 7 năm. Northern Territories là xứ sở của thổ dân Úc – nếu các bạn xem phim Chuyện tình Australia do Nicole Kidman và Hugh Jackman đóng có thể thấy nhiều phong cảnh vùng này.

Hầu hết những chuyến du hành về Uluru (Ayers Rock), hòn đá đỏ linh thiêng của thổ dân Úc và là hòn đá lớn nhất thế giới – chu vi đáy của nó gần 10km – đều khởi hành từ Alice Springs, một thành phố nhỏ khoảng 30.000 dân, gần 20% trong đó là thổ dân. Gần Alice Springs, có một thị trấn nhỏ độ 3.000 dân tên là Tennant Creek. Từ Brisbane, Melbourne, hay Sydney, du khách thường bay vào Alice Springs, để rồi từ đó lên đường khám phá Uluru.

Chuyến safari từ Alice Springs đến Uluru rồi quay về trong vòng 6 ngày là chuyến đi thú vị nhất mà tôi đã thực hiện được cho đến bây giờ. Trong suốt chuyến đi, tôi ghi chép vắn tắt những điều thú vị trong một cuốn sổ định bụng dùng để viết thành một bài du ký; thế nhưng nhiều sự việc diễn ra sau đó khiến tôi lần lữa gác lại – rốt cuộc bài ký đó chưa bao giờ được viết,.

Tuy nhiên, vẫn có thể nhặt ra được từ sổ một vài chuyện vui vui. Chẳng hạn, tôi đã chép lại những câu hướng dẫn hành khách của hãng Virgin Blue – một hãng hàng không giá rẻ của Úc có các cô tiếp viên cực kỳ nóng bỏng!

Ghi trên bảng quy định trọng lượng hành lý xách tay: “You can have a huge ego but you can only have a bag of this size (7kg)”. (Quý khách có thể có một cái tôi rất to nhưng chỉ có thể mang một túi xách cỡ này).

Ghi cạnh máy kiểm soát hành lý xách tay: “Laptops must be removed from carrying bags (bikini tops are fine)”. (Lấy laptop ra khỏi túi xách, nhưng không phải tháo biniki ra). (Các kiều nữ Úc hay mặc sẵn bikini trên người, đến bãi biển cởi phăng quần áo ngoài và nhảy ngay xuống nước. Ngoài ra, các cô còn có chiêu quấn khăn tắm thay quần áo ngay giữa bàng dân thiên hạ, rất chi khéo léo nên chưa bao giờ thấy khăn tắm bị rơi giữa chừng!).

Hôm nay lật ra cuốn sổ này, không phải tôi định kể lại một chuyến đi cách đây 7 năm – tôi đã quên quá nhiều chi tiết để có thể viết một cái gì đó nên hồn. Thế nhưng, một địa danh như Alice Springs thì tôi không thể quên. Tôi vừa gặp lại địa danh này cách đây khoảng 4 tuần, trong một cuốn tiếu thuyết trinh thám Thụy Điển có tên là Cô gái có hình xăm rồng – được quảng cáo là cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất châu Âu năm 2009. Một nút thắt quan trọng của câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết này được mở ra ở Alice Springs.

Chắng có gì để nói nếu người dịch không dịch Alice Springs thành suối Alice và Tennant Creek thành Vũng Tennant. Có một câu như thế này: “Blomkvist bay từ Melbourne đi suối Alice”. Tất nhiên không cần thiết phải từng đến Alice Springs mới tránh được lỗi này, vì làm gì có chuyến bay nào mà bay đến một cái suối cơ chứ. Chưa kể, nếu dịch cho sát, phải dịch thành “những suối”! “Blomkvist bay từ Melbourne đi những suối Alice”:)

Friday 9 April 2010

Nguyễn Hưng Quốc viết về Bùi Giáng


Hôm nọ đi hội chợ sách có mua được một quyển về Bùi Giáng do Đông Tây xuất bản. (Hóa ra Đông Tây vẫn còn sống, cứ tưởng là chết rồi. Làm sách cũng hay mà marketing thì dở quá, chả thấy tên tuổi đâu cả. Lúc chưa có Nhã Nam, toàn tìm sách của Đông Tây để mua). Rồi nhiều hôm sau cái hôm đi mua sách mới giở cuốn này ra. Dạo này bận rộn không đọc được cuốn nào tới chốn nên thường giở mỗi cuốn vài trang bất kỳ. Gặp một bài thấy có tả TÔI gặp Bùi Giáng đoán là của người quen nhìn lại tên tác giả thấy đúng y như thế! :) Lật sang bài khác, đọc một đoạn thấy thú vị, xem tên tác giả là ai, hóa ra là Nguyễn Hưng Quốc. Định lọc cọ gõ lại, thì phát hiện ra bài đã đăng talawas rồi. Toàn văn bài đấy ở đây, còn đoạn định chép lại ngay dưới:



[...] Xoá nhoà. Xoá nhoà ranh giới giữa các giọng điệu, giữa truyền thống và hiện đại, giữa thơ và phi thơ, giữa cái lý và cái phi lý, giữa cái tôi và cái ta, cái riêng và cái chung, xoá nhoà mọi sự phân biệt, biện biệt: theo tôi, đó là những đặc điểm nổi bật nhất trong thơ Bùi Giáng. Bằng những sự xoá nhoà ấy, Bùi Giáng xoá nhoà luôn cả ranh giới giữa cái gọi là văn hoá cao cấp và văn hoá bình dân. Đồng thời, Bùi Giáng cũng xoá nhoà luôn cả tính chất nghiêm nghị, nghiêm túc với những khẩu hiệu ồn ào như 'vị nhân sinh', 'vị nghệ thuật' vốn kéo dài rất lâu trong văn học Việt Nam. Khác với các nhà thơ khác lúc nào cũng nhăn mặt nhíu mày, lao vào thơ như lao vào một trận địa, kỳ khu và khắc khổ, lúc nào cũng khắc khoải sáng tạo ra cái mới, mà chưa chắc đã mới và chưa chắc đã hay, Bùi Giáng, ngược lại, làm thơ cứ như đùa như giỡn, như không phải đang làm thơ, vậy mà tự nhiên thơ lại trở thành bát ngát và lấp lánh và lộng sắc và lộng hương. Mai Thảo kể: "ba chữ 'vui thôi mà' là câu trả lời mơ hồ nghịch ngợm duy nhất của Bùi Giáng trước mọi tìm hiểu của (về ?) lực thơ và số lượng thơ không thể tưởng tượng được ở nơi ông", rồi bình tiếp: "Thơ Bùi Giáng vui thật. Một vĩ đại vui".
[12] Theo Leslie Fiedler, sự xoá nhoà ranh giới giữa văn hoá bình dân và văn hoá cao cấp, và cùng với nó, việc đoạn tuyệt với chủ nghĩa đặc tuyển (elitism) và tính chất nghiêm cẩn (seriousness) là những đặc điểm chính yếu của chủ nghĩa hậu hiện đại (postmodernism). [13]

Ở khía cạnh này, Bùi Giáng rất gần các nhà thơ hậu hiện đại. Bùi Giáng còn gần gũi các nhà thơ hậu hiện đại ở một khía cạnh khác nữa: một số khá nhiều những bài thơ của ông là loại thơ không thể giảng. Susan Sontag cho một trong những đặc trưng lớn của chủ nghĩa hậu hiện đại là tính chất phản-diễn dịch (anti-intepretation), là sự nhấn mạnh vào hình thức và sự trình diễn (performance) hơn là nội dung và ý nghĩa.
[14] Chúng ta biết theo quan niệm của Ferdinand de Saussure, ngôn ngữ chỉ là một hệ thống ký hiệu, ở đó, mỗi đơn vị ký hiệu đều có hai mặt: cái biểu đạt (signifier) và cái được biểu đạt (signified). Cái biểu đạt là âm hoặc chữ viết. Cái được biểu đạt là ý niệm do âm hoặc chữ viết ấy gợi lên trong đầu chúng ta. Ví dụ: nghe âm 'chó' (cái biểu đạt), chúng ta nghĩ ngay đến giống vật thường được nuôi trong nhà (cái được biểu đạt). [15] Từ đó, người ta đi đến chỗ coi bài thơ cũng là cái biểu đạt. Đọc thơ là để tìm kiếm cái được biểu đạt, tức ý nghĩa, điều ẩn giấu phía sau bài thơ. Với Bùi Giáng, cũng như với các nhà thơ hậu hiện đại, ngược lại, bài thơ là cái được biểu đạt chứ không phải là cái biểu đạt. Nói cách khác, bài thơ là bài thơ. Không có ý nghĩa nào ẩn đằng sau bài thơ để chúng ta đào xới, tìm kiếm. Nó giống như một bức tượng đá. Bề mặt: đá; trong ruột: cũng là đá. Do đó, nếu hỏi ý nghĩa bài thơ 'Đạm Tiên' tôi dẫn ở trên là gì ư? Chịu! Ý nghĩa của nó là chính sự hiện hữu của nó, là bài thơ có nhan đề là 'Đạm Tiên', vậy thôi. Chúng ta không thể phân tích. Chúng ta chỉ cần nghiệm (experience). Đọc lần thứ nhất: chúng ta không hiểu gì cả. Đọc lần thứ hai: chúng ta vẫn không hiểu gì cả. Đọc lần thứ ba: chúng ta lại vẫn không hiểu gì cả. Nhưng càng đọc chúng ta càng nghe rõ, càng thấm, càng cảm cái nhạc điệu lầm rầm, lầm rầm của bài thơ. Nghe như thần chú. Như tiếng tụng kinh. Như lời cầu hồn. Chúng ta sống trong một không khí huyền bí, ma quái, không có gì rõ nét. Thì Đạm Tiên là một bóng ma mà! Ở nhiều bài thơ khác, điều chúng ta nghiệm được thường là sự bất lực của ngôn ngữ: chúng ta không hiểu vì chính nhà thơ cũng không thể diễn tả được những gì ông chỉ cảm nhận một cách mơ màng hoặc bằng trực giác hoặc bằng tiềm thức.

Chúng ta có thể gọi Bùi Giáng là nhà thơ hậu hiện đại được chăng? Khái niệm hậu hiện đại, mặc dù xuất hiện từ thập niên 30 và 40 với Frederico de Oníz, Dudley Fitts và Arnold Toynbee, được sử dụng khá nhiều tại Mỹ vào thập niên 50 và 60, trở thành thời thượng tại Âu Mỹ từ giữa thập niên 80 đến nay,
[16] vẫn còn khá xa lạ với giới cầm bút Việt Nam. Điều đó dễ gợi cho chúng ta ấn tượng chủ nghĩa hậu hiện đại là cái gì rất mới, chỉ gần đây thôi, gắn liền với máy vi tính, chẳng hạn. Tuy nhiên, trên thực tế, khác hẳn. Danh sách các nhà thơ hậu hiện đại được Jerome Mazzaro phê bình trong quyển Postmodern American Poetry bao gồm W.H. Auden (1907-73), Randall Jarrell (1914-65), Theodore Roethke (1908-63), v.v... [17] Với Margaret E. Gray, ngay cả Marcel Proust (1871-1922) cũng là một nhà văn hậu hiện đại. [18] Chúng ta có thể gọi Bùi Giáng là nhà thơ hậu hiện đại hay hậu 'iện' đại (người vượt ra ngoài chủ nghĩa 'iện' đại tại Việt Nam) hay 'ậu' hiện đại (người ít nhiều - chứ chưa hoàn toàn - nhích ra khỏi chủ nghĩa hiện đại theo cách hiểu truyền thống tại Tây phương) được chăng? [...]

Tuesday 6 April 2010

Đơn Dương trong mắt Land


Có một chàng trai trẻ nghe lời quảng cáo ngon ngọt đã đi du lịch bụi qua cái thị trấn nghèo xơ có tên Đơn Dương và chụp ảnh. Những bức ảnh này được đề tặng Especially for Goldmund. Cảm ơn bạn Land vì những tấm ảnh có thể khiến người Đơn Dương nhớ nhà.

Thung lũng Đơn Dương nhìn từ trên cao




Đơn Dương từ một góc nhìn trên cao khác. Phía xa là đập thủy điện Đa Nhim




Đập thủy điện Đa Nhim. Bạn GM từng ngồi đây câu cá suốt những mùa hè ba năm cấp III. Hết hè thì đen nhẻm như người châu Phi.


Mây trời. Có một làn mây trắng bay đi/ Một làn khói cuối trời quay trở lại. (Thơ GM 1994).




Cây cầu này do người Nhật bắc khi xây đâp thủy điện Đa Nhim vào đầu những năm 60. Cầu đã xuống cấp trầm trọng và sở dĩ còn sử dụng được là do người dân tự lót ván để đi lại. Từ nhà bạn GM ở Đơn Dương muốn đi lên đập Đa Nhim phải đi qua cầu này.



Từ ngôi nhà này người đã đi ra



Một căn nhà gỗ



Một con phố ở Đon Dương. Cái nhà bên góc trái chắc tuổi phải già non thế kỷ.




Sunday 4 April 2010

Hướng dẫn sử dụng trước khi dùng

Ghi trên cuộn giấy ở các nhà vệ sinh công cộng: Tồn tại hay không tồn tại, đó là vấn đề.

Ghi trên thẻ ATM: Thẻ này không có chức năng cách điện.

Ghi trên con mực khô: Sau khi nhai có thể đổi năm bã lấy một bao cao su.

Ghi trên mõm chó bec-giê: Chỉ cắn khi có hoặc không có nhân chứng.

Ghi trên thức ăn đóng hộp dành cho mèo: Nếu nuôi mèo, hãy nuôi ít nhất hai con, để tránh lãng phí thức ăn trường hợp một con biến mất.

Ghi trên tô cháo lòng: Để gió cuốn đi.

Ghi trên mũ bảo hiểm: Để tránh trầy xước, tránh sử dụng khi đi ngang khu vực có nhiều cần cẩu.

Ghi trên tiếng khóc than: 300.000 – 1.000.000 đồng giờ, tùy cường độ âm thanh và mức độ biểu cảm.

Ghi trên một dòng sông: Không thể tắm hai lần ở đây, vì có thể bị ghẻ lở sau lần tắm đầu.

Ghi trên tiếng còi xe: Xin chào nhau giữa con đường/ Mùa xuân phía trước đoạn trường phía sau.

Ghi trên sự thật: Được miễn thuế tiêu thụ đặc biệt khi mua hàng xa xỉ.

Ghi trên bản đồ nước Lào: Tại đây không có đảo.

Ghi trên ca khúc Trịnh Công Sơn: Cẩn thận. Nghe xong có thể thành trí thức.

Ghi trên văn bằng tiến sĩ: Có thể dùng thay thế dụng cụ leo núi.

Ghi trên cửa hàng dược phẩm: Ở đây chỉ bán thuốc theo thư tay bác sĩ.

Ghi trên lời nói dối: Không cần phải hướng dẫn gì thêm.

Friday 2 April 2010

Cá nhỏ từ trên trời rơi xuống

Murakami không được biết đến như là một nhà thơ. Tuy nhiên, nếu bạn đã đọc cuốn tiểu thuyết dày cộp Kafka bên bờ biển của ông, bạn sẽ bắt gặp một bài thơ tuyệt vời được Dương Tường dịch như sau:

Anh ngồi bên rìa thế giới

Em trên miệng núi lửa đã tắt

Đứng khuất trong cánh cửa

Là những lời không còn chữ


Trăng soi con thằn lằn đang ngủ

Cá nhỏ từ trên trời mưa xuống

Ngoài cửa sổ đám chiến binh

Luyện rèn mình để chết

Thật ra đây là lời một bài hát trong truyện, và còn dài nữa nhưng tôi chỉ chép lại phần đầu. Cá nhỏ từ trên trời rơi xuống có vẻ như là chuyện bịa, nhưng cách đây không lâu Vietnamnet và nhiều báo khác có đưa tin một vụ mưa cá như thế đã xảy ra ở một làng nhỏ ở Úc. Có người hát nếu là chim tôi sẽ là bồ câu trắng, còn tôi, nếu là cá tôi mong được một lần chu du cùng một cơn mưa. Chả mấy khi cá được bay trên trời như chim. Bay một phát rồi rớt xuống đất giãy đành đạch văng luôn vào chảo chống dính cũng cam lòng

***

Thế nhưng có vẻ tôi không giỏi lắm trong việc làm cá. Đã kể một câu chuyện rất thê thiế.t mà vẫn bị dính lưới gần như ngay lập tức, báo hại cho bộ lọc comment tự động chạy trên nền tảng Core i7 Extreme phải chạy hết công suất mới xóa được mấy comment bóc trần bộ mặt nàng tiên cá. Rất xin lỗi các bạn có comment bị xóa – ai bảo các bạn nhanh tay quá làm gì:)

***

Và thế là ngày 1 tháng 4 đã đi qua không có chuyện ầm ĩ gì đáng kể. Không giống như ngày 1 tháng 4 mười lăm năm về trước có một con cá bị một cô bạn cùng lớp lôi ra đứng một góc giảng đường rồi thầm thì mình yêu bạn khiến cho con cá ấy cứ ngẩn ngơ không biết là cá hay không phải là cá. Quả nhiên là một trò rất ác.

***

Câu nói hay nhất liên quan đến ngày 1 tháng 4 năm nay được nói không phải ngày Cá mà vào ngày sau đó, 2 tháng 4, trên blog của bạn Phan Xine: Nếu có ngày nói thật thì tự nhiên cả nước im re, he he he.

He he he.

Thursday 1 April 2010

Một thế giới không có osin


Từ sau Tết đến giờ nhà trơ khấc lại một bè lũ bốn tên bao gồm tên bố tên mẹ và hai tên con lúc hai tên con còn bé bây giờ vẫn còn bé nhưng ý là ngày xưa bé hơn bây giờ nhà bao giờ cũng có hoặc ông bà nội hoặc bà ngoại và bạn osin hết sức đảm đang và giỏi giang hai tên con bây giờ đều đi học ông bà nội ngoại cũng được nghỉ phép dài hạn còn bạn osin Tết về quê xong bặt tin thật ra bạn osin cũng không hứa hẹn gì quay lại bạn đã học hết 12 và còn đang nghĩ đến chuyện đi học tiếp nhưng sự thật bạn không quay lại khiến bè lũ bốn tên cũng nhung nhớ là.

Thời khóa biểu bây giờ như thế này:

6 giờ sáng tên bố tên mẹ dậy ăn uống qua loa rồi lùa hai tên con đến trường rồi mạnh ai người nấy đi làm.

4 giờ chiều tên mẹ về nhà trước nấu ăn cho hai tên con sẵn sáng rồi đón hai tên con về;

6 giờ 6 rưỡi tên bố về tới nhà phụ tên mẹ cho hai tên con ăn.

7 giờ tên bố tên mẹ ăn hai tên con chơi với nhau hoặc xem tivi.

7 giờ rưỡi tên bố tên mẹ ăn xong thì chia nhau ra rửa bát lau nhà giặt phơi quần áo tắm cho hai tên con.

9 giờ hai tên con uống sữa đánh răng đi tè thay quần áo đi ngủ

10 giờ nếu tên bố tên mẹ dậy nổi thì đọc báo đọc sách một tí còn không dậy nổi ngủ tít luôn.

Trước đây có bạn osin giúp thì tên bố tên mẹ còn xem tivi chút chút nay thì cắt tiệt

Trước đây đọc sách một hai ngày xong cuốn còn bây giờ hai ba tuần chưa xong cuốn.

Có lẽ không đặt báo nữa vì báo chất đống chả ai xem.

Và sẽ không blog nữa.

Mà không blog nữa thì không duy trì blog làm gì thỉnh thoảng có người hỏi thăm sốt ruột lắm.

Vậy nay quyết định để mở blog này trong vòng 7 ngày nữa rồi sau đó khép cửa hẳn.

Nay kính báo.

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN