Friday 30 October 2009

Hoàng Trúc Ly

Nhân đọc Thi pháp và chân dung của Đặng Tiến, thấy có bài về Hoàng Trúc Ly nên lang thang lên mạng tìm thêm thơ của ông, tìm ra luôn bài của Đặng Tiến trên Da Màu.

Thơ của ông có nhiều bài cũng hay, đôi chỗ phảng phất Nguyễn Bính và Quang Dũng như bài Tình đầy dưới đây, nhưng ca thành thiên tài thì hơi quá. Thiên tài thơ ca Việt Nam cuối cùng theo bác cú vọ là Tản Đà (nhân tiện, cái chữ vèo trong bài này có nhãn hiệu độc quyền của Tản Đà mất rồi)! Cái bài mà tôi đưa link vừa rồi có chi tiết về đồng hồ một kim luôn chỉ lúc 6 giờ của HTL, được cho là phần nào nguồn gốc thi tài của ông.

Tình đầy (Hoàng Trúc Ly)

Gió lạnh mười năm lạnh lắm rồi
Vườn dâu cô gái hái dâu ơi!
Quê hương xa lắm dòng sông lạnh
Lẩy bẩy chiều mưa bến lạnh người

Xóm xóm nhà ta
Nhớ buổi hoa bay bừng nắng hạ
Môi em thơm mãi gió giang hồ
Áo thêu màu lá xanh như lá
Nhịp lướt nhịp nhàng vai nhấp nhô

Giờ đã mấy mùa thu lã chã
Đã mấy mùa thu vèo lá bay
Thương kẻ một đi là tất cả
Năm năm sông nghẹn sóng lưu dày

Ôi một mùa thu đẹp mắt huyền
Em về vui hội lá hoa duyên
Quê xưa tang tóc tàn đi hết
Trong ánh trăng này mộng ngủ yên

Có thể đọc thơ Hoàng Trúc Ly ở đây, ở đây và ở đây.

Happy HalloQueen!







Thursday 29 October 2009

Những giấc mơ

NHỮNG GIẤC MƠ

Raymond Carver

Vợ tôi thường kể lại những giấc mơ của nàng.

Tôi xuống dưới nhà lấy cà phê và nước trái cây cho nàng rồi ngồi lên chiếc ghế bên cạnh giường khi nàng thức dậy và vén tóc cho khỏi xòa lên mặt. Trông vẻ mặt nàng rõ là mới thức giấc, nhưng trong ánh mắt nàng lại có cái vẻ như người mới đi đâu về.

Tôi hỏi: “Thế nào? Em mơ thấy gì?”

“Thật điên rồ”, nàng nói. “Còn hơn cả một giấc mơ anh ạ. Em mơ thấy em là một thằng con trai đi câu cá cùng với em gái em và bạn nó, mà em say mèm. Hình dung xem. Thế có kỳ quái không? Lẽ ra em phải chở bọn nó đi câu cá, nhưng em không thể nào tìm thấy chìa khóa xe. Đến khi thấy rồi, thì xe không nổ máy. Đột nhiên, cả đám đã ở nơi câu cá trên một cái thuyền giữa hồ. Trời bắt đầu nổi giông, mà em không tài nào khởi động máy được. Hai đứa kia cứ nhìn em cười. Còn em thì sợ. Rồi em tỉnh dậy. Thế không lạ sao? Anh nghĩ gì về chuyện này? ”

“Em ghi lại đi”, tôi nhún vai. Tôi không biết nói gì. Tôi không nằm mơ. Đã nhiều năm rồi tôi chẳng mơ mộng gì.

Hoặc cũng có thể có nhưng tôi chẳng nhớ gì khi tỉnh dậy. Tôi không phải là chuyên gia về những giấc mơ dù của tôi hay của ai khác. Có lần Dotty kể ngay trước khi lấy tôi nàng nằm mơ thấy mình đang sủa. Tỉnh dậy nàng thấy con chó nhỏ Bingo của nàng đang ngồi bên cạnh giường nhìn nàng một cách lạ lùng. Nàng nhận ra rằng nàng sủa khi đang ngủ. Điều ấy có nghĩa là gì, nàng băn khoăn. “Đó là một giấc mơ tồi tệ”, nàng nói. Nàng ghi thêm một giấc mơ vào sổ, nhưng chỉ có thế. Nàng không giở lại. Nàng không giải nghĩa những giấc mơ. Nàng chỉ ghi lại và rồi khi nàng nằm mơ lần tiếp theo, nàng cũng ghi lại giấc mơ ấy.

Tôi nói: “Anh đi lên nhà đây. Anh cần đi tắm”.

“Em sẽ lên theo ngay. Nhưng truớc hết em phải tỉnh táo đã. Em muốn ngẫm giấc mơ này thêm một chút.”

Gần như cả tháng qua chúng tôi ngủ ở tầng hầm. Lúc đó là tháng tám, đang đợt nóng. Chúng tôi vác nệm xuống đây – cả gối, ga giường, mọi thứ. Chúng tôi có một cái bàn nhỏ, một cái đèn, một gạt tàn thuốc. Chúng tôi cười vang. Cũng tạm ổn. Cứ như là mới lấy nhau. Tôi lên nhà, Dotty ngồi trên giường, cầm cốc của nàng nhưng không uống. Nàng ngồi nghĩ tiếp về giấc mơ.

Tôi vào buồng tắm sau đó lấy cà phê rồi ngồi ra bàn. Nóng, nóng thật. Cái nóng giết người. Các cửa sổ đều mở. Các cửa sổ nhà bên cạnh cũng đang mở. Tôi ngồi ở bàn nhà bếp uống cà phê, nghe tiếng Mary Rice nhà bên cạnh. Còn sớm, nhưng chị đã dậy và mặc áo ngủ đứng trong bếp. Chị hát khe khẽ, còn tôi ngồi đó nghe và uống cà phê. Rồi bọn trẻ ùa vào nhà bếp. Chị nói với chúng thế này:

“Chào các con. Chào các con yêu của mẹ.”

Thật đấy. Người mẹ nói với các con mình như thế. Chúng ngồi vào bàn, cười đùa về một cái gì đấy, và một đứa vừa cười vừa đập ghế thình thình.

“Michael, đủ rồi’, Mary Rice nói. “Ăn cho xong bữa sáng đi con”.

Một lúc sau, Mary Rice lùa bọn trẻ ra khỏi phòng để thay quần áo chuẩn bị đi học. Chị lại hát khe khẽ khi lau bát đĩa. Tôi lắng nghe, và khi lắng nghe tôi nghĩ tôi là người giàu có. Tôi có một cô vợ đêm nào cũng nằm mơ thấy một cái gì đó, nàng nằm bên tôi đến lúc ngủ thiếp đi và rồi đêm nào cũng đi đâu xa lắc vào cõi mơ trù phú. Đôi khi nàng mơ thấy ngựa, thời tiết và người, đôi khi thậm chí nàng mơ thấy mình thay đổi giới tính. Tôi không cảm thấy thiếu những giấc mơ. Tôi có thể nghĩ về những giấc mơ của vợ tôi nếu như tôi muốn có một cuộc đời mơ mộng. Và tôi còn có chị hàng xóm hát hoặc ngâm nga gì đấy suốt ngày. Nói chung, tôi cảm thấy tôi khá may mắn.

Tôi đến bên cửa sổ nhìn bọn trẻ nhà bên ra khỏi nhà đi học. Tôi thấy Mary Rice hôn từng đứa và nghe chị chào tạm biệt chúng.

“Tạm biệt các con”, chị nói với chúng. Rồi chị chốt cửa, đứng trông theo bọn trẻ đi về phía cuối đường, một lúc sau mới quay vào trong.

Tôi biết những thói quen của chị. Bây giờ chị sẽ ngủ vài tiếng – chị đã không ngủ khi từ chỗ làm đêm về nhà, vào khoảng năm giờ hơn. Cô trông trẻ - Rose Mary Bandel, một cô bé hàng xóm – sẽ đợi chị và sẽ ra khỏi nhà và băng qua đường về nhà mình. Và rồi đèn sẽ được bật cho đến sáng. Đôi khi, nếu cửa sổ nhà Mary Rice để mở như bây giờ, tôi sẽ nghe tiếng nhạc dương cầm cổ điển, có lần thậm chí tôi còn nghe cả tiếng Alexander Scourby đọc Great Expectations.

Đôi khi, nếu không ngủ được – trong khi vợ nằm bên cạnh ngủ và trôi dạt vào những giấc mơ – tôi trèo ra khỏi giường và lên gác, ngồi ở bàn và lắng nghe nhạc hoặc băng đọc truyện của chị, và chờ đến khi chị đi ngang sau tấm màn hoặc đến khi tôi thấy bóng chị sau mành cửa sổ. Thỉnh thoảng chuông điện thoại bất chợt reo vào lúc sớm tinh mơ, nhưng chị luôn luôn nhấc máy sau hồi chuông thứ ba.

Tôi biết được tên của bọn trẻ là Michael và Susan. Trong mắt tôi chúng không có gì khác những đứa trẻ hàng xóm khác, trừ một điều là khi nhìn chúng tôi nghĩ chúng là những đứa trẻ may mắn vì chúng có một bà mẹ hát cho chúng nghe. Chúng không cần có cha. Một lần chúng gõ cửa nhà tôi bán xà phòng tắm, lần khác đến bán hạt giống. Chúng tôi không có vườn, dĩ nhiên không – làm gì có cây cối nào mọc nổi nơi chúng tôi ở - nhưng tôi vẫn mua một ít, khỉ thật. Và vào dịp lễ Halloween chúng gõ cửa nhà tôi, luôn đi cùng với cô trông trẻ - mẹ chúng bận đi làm, dĩ nhiên – và tôi cho chúng vài thanh kẹo và gật đầu chào Rosemary Bandel.

Vợ chồng tôi sống ở vùng này lâu hơn bất kỳ ai. Chúng tôi chứng kiến hầu hết mọi nguời đến rồi đi. Vợ chồng con cái nhà Mary Rice dọn đến cách đây ba năm. Chồng chị làm thợ đường dây cho một công ty điện thoại, và anh thường ra khỏi nhà lúc bảy giờ sáng và về nhà lúc năm giờ chiều. Rồi một hôm anh không về nhà lúc năm giờ. Anh về nhà sau đó, hoặc chẳng về nữa. Vợ tôi cũng để ý thấy vậy.

Nàng bảo: “Ba ngày rồi em không thấy anh ta về nhà”

Tôi bảo: “Anh cũng không thấy”. Một sáng nọ tôi nghe nhà bên đấy to tiếng, rồi một hay cả hai đứa trẻ cùng khóc.

Ngoài chợ, vợ tôi nghe bà hàng xóm phía bên kia nhà Mary Rice kể rằng vợ chồng Mary đã chia tay. Bà này nói: “Nó bỏ vợ con đi rồi. Cái thằng khốn đấy!”

Rồi không lâu sau, cần phải kiếm tiền vì chồng đã bỏ việc và dọn đi, Mary Rice đi làm trong một nhà hàng phục vụ cocktails, và rồi bắt đầu thức suốt đêm nghe nhạc và băng đọc truyện. Và đôi khi hát và đôi khi ngâm nga. Cũng bà hàng xóm kia bảo Mary đã ghi danh hai lớp học hàm thụ ở trường đại học. Bà bảo Mary đang khởi dựng một cuộc đời mới, và cuộc đời mới này bao gồm hai đứa con của chị.

Khi mùa đông gần đến tôi quyết định lắp cửa chống bão lên. Lúc tôi đang loay hoay ở trên thang, bọn trẻ hàng xóm, Michael và Susan, cùng với con chó phóng ra khỏi nhà làm cho cái cửa sập đánh rầm sau lưng chúng. Chúng mặc áo khoác chạy xuống vỉa hè, đá tung những đống lá.

Mary Rice ra cửa để trông chừng chúng. Rồi chị nhìn qua phía tôi.

“Chào anh”, chị nói. “Có vẻ nhà anh đã chuẩn bị cho mùa đông rồi”

“Vâng”, tôi nói. “Cũng sắp đến rồi còn gì.”

“Ừ, sắp đến thật”, chị nói. Rồi chị ngừng một chút, như thể định nói thêm điều gì. Rồi chị nói, “Rất vui khi nói chuyện với anh.”

“Tôi cũng vậy”, tôi trả lời.

Lúc đó gần đến Lễ Tạ ơn. Vợ chồng tôi đã dời trở lại phòng ngủ từ giữa tháng chín, khi trời dịu đi. Một sáng tôi lên gác mang cà phê và nuớc trái cây vào phòng ngủ cho vợ, tôi thấy nàng đã ngồi dậy, sẵn sàng kể lại giấc mơ của nàng. Nàng vỗ vỗ vào thành giường, và tôi ngồi xuống.

“Chuyện này đáng để ghi vào sổ đây”, nàng nói. “Nếu anh muốn nghe một chuyện gì đó thì hãy lắng nghe em kể.”

“Kể đi”, tôi bảo. Tôi nhấp một ngụm cà phê trong cốc của nàng rồi đưa cho nàng. Nàng ấp hai bàn tay quanh cốc như thể tay nàng đang lạnh.

“Em thấy mình đang ở trên một cái tàu”, nàng nói.

“Mình chưa bao giờ đi tàu”, tôi nói.

“Em biết rồi, nhưng em thấy mình ở trên một cái tàu, một cái tàu lớn, em nghĩ là du thuyền. Mình đang nằm trên giường, một cái giường tầng hay đại loại như vậy, thì có nguời gõ cửa mang vào một khay bánh nướng. Họ vào, để khay bánh lại rồi đi ra. Em bước xuống giường để lấy một cái bánh. Em đang đói, anh biết đấy, nhưng mới chạm vào bánh thì nó làm em phỏng cả mấy đầu ngón tay. Rồi ngón chân em tự nhiên cong lại – thường khi sợ thì ngón chân cong lại đúng không? Sau đó em quay lại giường thì bắt đầu nghe tiếng nhạc. Nhạc của Scriabin, rồi có tiếng ai đó làm vỡ ly loảng xoảng, hàng trăm cái, có khi đến hàng ngàn cái ly, tất cả vỡ cùng một lúc. Em đánh thức anh dậy để kể lại, anh nói anh sẽ ra xem thử có gì. Khi anh đi rồi em nhớ em nhìn thấy trăng đi ngang bên ngoài, ngang qua khung cửa, rồi hình như con tàu rẽ, hay sao đấy. Rồi trăng lại đi ngang một lần nữa, thắp sáng cả căn phòng. Rồi anh quay lại, cũng vẫn mặc bộ pajamas, chui vào giường ngủ lại ngay mà không nói năng gì. Trăng vẫn sáng rực ngoài cửa sổ và mọi thứ trong phòng đều lóng lánh, nhưng anh vẫn chẳng nói gì. Em nhớ cảm thấy hơi sờ sợ vì anh chẳng nói gì, mấy ngón chân em lại bắt đầu cong lại. Thế rồi em ngủ mất - và bây giờ em ở đây. Anh nghĩ sao? Có phải đó là mơ không? Chúa ơi, anh nghĩ sao chứ? Anh chẳng mơ thấy gì cả, đúng không?” Nàng nhấp một ngụm cà phê rồi nhìn tôi.

Tôi lắc đầu. Tôi không biết phải nói gì, nên tôi chỉ nói rằng nàng nên ghi lại vào cuốn sổ của nàng. “Tốt hơn là em ghi lại đi.”

“Chúa ơi, em không biết nữa. Chúng ngày càng trở nên kỳ quặc. Anh nghĩ sao?”

“Em ghi vào sổ đi.”

Chẳng mấy chốc đã đến Giáng sinh. Chúng tôi mua một cây thông, dựng lên và vào sáng hôm Giáng sinh chúng tôi trao đổi quà. Dotty mua cho tôi một đôi găng mới, một quả địa cầu và phiếu đăng ký dài hạn tạp chí Smithsonian. Tôi tặng nàng một lọ nuớc hoa – mặt nàng ửng hồng khi mở gói quà – và một cái áo ngủ mới. Nàng ôm ghì lấy tôi. Rồi chúng tôi lái xe băng qua thị trấn ăn tối với mấy người bạn.

Trời lạnh hơn trong khoảng giữa Giáng sinh và đầu năm mới. Tuyết rơi, rồi tuyết lại rơi. Một hôm Michael và Susan ra ngoài trời khá lâu để đắp người tuyết. Chúng nhét một quả cà rốt vào miệng người tuyết. Ban đêm tôi có thể trông thấy ánh sáng ti vi hắt ra từ cửa sổ phòng ngủ của chúng. Đêm nào Mary Rice cũng đi đi về về, Rosemary đến trông bọn trẻ, và đêm nào đèn cũng sáng phía nhà bên đấy.

Đêm giao thừa chúng tôi lại lái xe băng qua thị trấn đến nhà bạn ăn tối, chơi bài, xem ti vi và đúng nửa đêm thì khui một chai sâm banh. Tôi bắt tay Harold và hút chung một điếu xì gà. Rồi Dotty và tôi lái xe về nhà.

Nhưng – và đây bắt đầu phần nặng nề của câu chuyện - khi chúng tôi về đến khu của mình, hai xe cảnh sát đã chắn ngang đường. Đèn trên mui xe quay không ngừng. Nhiều chiếc khác của những kẻ hiếu kỳ cũng dừng lại, và người ta đổ ra khỏi nhà. Hầu hết mọi người ăn bận chỉnh tề và có áo khoác ngoài, nhưng cũng có vài người mặc đồ ngủ và áo choàng hẳn là được trùm lên vội vàng. Hai chiếc xe cứu hỏa đỗ ven đường. Một chiếc ngay trước sân nhà chúng tôi, chiếc kia ngay lối vào nhà Mary Rice.

Tôi xưng tên mình với một viên cảnh sát và nói rằng chúng tôi sống ở đó, cái chỗ xe cứu hỏa đang đỗ. "Chúng đỗ ngay trước nhà mình!" Dotty thốt lên – còn viên cảnh sát bảo chúng tôi đỗ xe.

"Chuyện gì xảy ra vậy?", tôi hỏi.

"Tôi đoán là một trong mấy cái máy sưởi bắt lửa. Có người nói vậy. Mấy đứa trẻ còn trong nhà. Ba đứa, tính cả cô giữ trẻ. Cô bé thoát ra ngoài. Mấy đứa kia thì không, tôi nghĩ là không. Bị ngạt khói. "

Chúng tôi bắt đầu bước về phía nhà mình. Dotty đi sát tôi, nắm lấy cánh tay tôi. “Ôi lạy Chúa”, nàng thì thào.

Gần đến nhà Mary Rice, nhờ ánh sáng hắt lên từ mấy xe cứu hỏa, tôi thấy trên nóc nhà một người đang đứng, tay cầm vòi cứu hỏa. Nhưng bây giờ nước chỉ chảy nhỏ giọt. Cửa sổ phòng ngủ đã bị đập vỡ, và tôi thấy trong phòng một người đang di chuyển, cầm cái gì trông như cái rìu. Rồi một người bước ra phía cửa trước bế vật gì trên tay, tôi nhận ra đó là con chó của bọn trẻ. Và tôi chợt rùng mình.

Một xe truyền hình lưu động của một trong các đài địa phương đã có mặt, và có một người đang quay bằng máy quay đeo trên vai. Hàng xóm túm tụm xung quanh. Xe cứu hỏa vẫn đang nổ máy, thỉnh thoảng qua loa có tiếng người nói. Nhưng những người đứng xem không ai nói gì. Tôi nhìn họ, nhận ra Rosemary đang há hốc mồm đứng cạnh bố mẹ cô. Rồi họ, những người lính cứu hỏa, những anh chàng lừng lững đi bốt, đội mũ và mặc áo bảo hộ, những người trông như bất khả xâm phạm, như có thể sống cả trăm năm nữa, cáng bọn trẻ ra. Họ ra ngoài, mỗi đầu cáng một người, mang theo bọn trẻ.

“Ôi không”, những người đứng xem bật kêu. Và lại “Ôi không, không”, ai đó kêu lên.

Họ đặt cáng xuống nền tuyết gần chỗ xe cứu thương. Một người bận com-plê, đội mũ len bước tới – có lẽ ông là bác sĩ - nghe tim từng đứa trẻ bằng ống nghe rồi gật đầu ra hiệu cho các nhân viên cứu thương bước tới khênh cáng lên.

Đúng lúc đó một chiếc xe nhỏ trờ tới và Mary Rice nhảy ra khỏi xe. Chị chạy thẳng về phía những người đang định đặt cáng vào xe cứu thương.

“Đặt xuống!”, chị gào lên. “Đặt xuống!” Và các nhân viên cứu thương dừng lại, đặt cáng xuống rồi đứng lui ra. Mary Rice đứng cạnh các con và tru lên – đúng thế, không có từ nào diễn tả đúng hơn. Mọi người lùi lại, rồi lại nhích tới khi chị khuỵu xuống quỳ trên tuyết bên cạnh cáng, hai tay sờ mặt đứa này rồi tới mặt đứa kia.

Người đàn ông bận com-plê đeo ống nghe lúc nãy nghe nhịp tim bọn trẻ bước tới và quỳ bên cạnh Mary Rice. Một người khác – chắc là trưởng hay phó đội cứu hỏa, một trong hai người đó – ra hiệu cho các nhân viên cứu thương và rồi bước tới chỗ Mary Rice đỡ chị đứng dậy và choàng tay qua vai chị. Người bận com-plê cũng đứng cạnh nhưng không chạm vào chị. Cậu bé lái xe đưa chị về nhà bây giờ mới bước lại gần xem chuyện gì đang xảy ra, nhưng cậu ta chỉ là một đứa trẻ trông có vẻ sợ sệt, chắc là phục vụ bàn hay rửa bát gì đấy ở chỗ làm của chị. Cậu không có quyền có mặt ở đó để chứng kiễn nỗi đau của Mary Rice và cậu biết điều đó. Cậu đứng tách xa khỏi mọi người, dõi mắt nhìn theo những cái cáng khi người ta đặt chúng vào khoang xe cứu thương

“Không!”, Mary Rice gào lên và lao về phía khoang xe khi người ta đặt cáng vào xe.

Tôi bước lại chỗ chị - mọi người không ai nhúc nhích - nắm lấy cánh tay chị bảo “Mary, Mary Rice”.

Chị quay ngoắt lại nhìn tôi, nói: “Tôi không biết anh, anh muốn gì?”. Chị rụt tay lại rồi giáng vào mặt tôi một cái tát. Rồi chị trèo lên xe cùng với các nhân viên cứu thương, và chiếc xe cứu thương ngoặt ra phố, lướt đi, còi hụ ầm ĩ, mọi người dạt ra tránh đường cho nó.

Đêm đó tôi ngủ không yên. Dotty ú ớ trong giấc mơ và cứ trở mình liên tục. Tôi biết chắc nàng đang nằm mơ. Tôi biết cả đêm nàng ở chốn nào đấy xa xôi. Sáng hôm sau, tôi không hỏi nàng mơ thấy gì, mà nàng cũng không tự nguyện kể. Nhưng khi tôi mang cà phê và nước trái cây vào cho nàng, nàng đã có quyển sổ và cây bút trên đùi. Nàng gài cây bút vào cuốn sổ và nhìn tôi.

“Nhà bên kia thế nào rồi?”, nàng hỏi.

“Không thấy gì”, tôi nói. “Nhà tối om. Vết bánh xe đầy trên tuyết. Cửa sổ phòng bọn trẻ vỡ toang. Thế thôi. Không có gì khác. Nếu không có cái cửa sổ đó, chẳng ai biết đã có một vụ cháy. Chẳng ai biết hai đứa trẻ đã chết.”

“Tội nghiệp chị ấy,” Dotty nói. “Chúa ơi, chị ấy thật bất hạnh. Chúa phù hộ chị. Và cả cho mình.”

Cả sáng hôm đó những người chạy xe ngang nhà chị đều đi chậm lại để ngó vào nhà. Cũng có người đến trước cửa nhà, nhòm vào cửa sổ, nhìn xem tuyết đã bị xới tung lên như thế nào phía trước nhà, rồi đi tiếp.

Gần trưa tôi ngó ra cửa sổ thấy một chiếc xe tải nhỏ đỗ xịch lại. Mary Rice và chồng cũ của chị, cha của bọn trẻ, bước ra và đi vào nhà. Họ bước chậm, và anh ta đỡ cánh tay chị khi bước lên bậc thang. Cánh cổng vẫn mở từ tối qua. Chị bước vào trong. Rồi anh ta vào theo. Tôi thấy đèn phòng khách bật sáng

Đêm hôm đó trên bản tin địa phương chúng tôi xem mọi chuyện diễn ra một lần nữa. "Em không thể xem được," Dotty nói, nhưng rồi nàng vẫn xem, cùng với tôi. Truyền hình chiếu cảnh nhà Mary Rice và một người đàn ông trên mái nhà cầm vòi xịt nước qua khung cửa vỡ. Rồi bọn trẻ được mang ra ngoài, và chúng tôi lại xem cảnh Mary Rice khuỵu xuống. Rồi lúc mấy cái cáng được đưa vào xe cứu thương, Mary Rice ngoảnh đầu quát ai đó, “Anh muốn gì?’.

Giữa trưa ngày hôm sau, chiếc xe tải nhỏ lại đỗ trước nhà Mary Rice. Xe vừa đỗ, ngay trước cả khi anh ta tắt máy, Mary Rice đã bước xuống cầu thang. Anh ta bước ra ngoài, nói “Chào Mary”, rồi mở cửa xe cho chị. Họ đi đến đám tang.

Sau đám tang, anh ta ở lại bốn đêm, rồi sáng hôm cuối cùng khi tôi thức dậy, sớm như thường lệ, chiếc xe tải nhỏ đã không còn ở đó và tôi biết rằng anh ta đã đi trong đêm.

Sáng hôm đó Dotty kể lại giấc mơ tối qua. Nàng thấy mình ở trong một ngôi nhà ở vùng quê và một con ngựa trắng chạy đến nhìn nàng qua cửa sổ. Rồi nàng thức dậy.

“Em muốn làm một cái gì đó để bày tỏ tấm lòng chúng mình”, Dotty nói. Tôi biết nàng đang nghĩ về Mary Rice. “Có lẽ em muốn mời chị ấy đến ăn tối.”

Nhưng nhiều ngày trôi qua mà cả Dotty và tôi chẳng ai đả động gì đến chuyện mời chị sang ăn cơm. Mary Rice đi làm trở lại, chỉ có điều bây giờ chị đi làm ban ngày, trong một văn phòng, và tôi thấy chị ra khỏi nhà vào buổi sáng và về nhà khoảng sau 5 giờ chiều. Đèn sẽ tắt khoảng 10 giờ tối. Tấm mành phòng bọn trẻ luôn được kéo xuống, và mặc dù không biết chắc, tôi cho rằng cửa phòng luôn được đóng chặt.

Một ngày thứ bảy khoảng gần cuối tháng 3, tôi ra bên ngoài nhà tháo những cánh cửa chống bão xuống. Tôi nghe tiếng động và trông thấy Mary Rice đang loay hoay đào xới mảnh đất sau nhà. Chị mặc quần ở nhà, áo len, mũ rộng vành. “Chào chị”, tôi lên tiếng.

“Chào anh”, chị đáp. “Như thế này kể cũng hơi sớm, nhưng tôi rỗi và không biết làm gì, vả lại trên vỏ hộp cũng nói phải gieo vào mùa này trong năm.” Chị lấy trong túi ra một hộp hạt giống. “Năm ngoái mấy đứa trẻ nhà tôi đi lòng vòng trong xóm bán hạt giống. Tôi bắt gặp mấy cái hộp này lúc lau chùi mấy cái ngăn kéo.” Tôi không nhắc đến mấy hộp hạt giống trong ngăn tủ bếp nhà tôi.

“Vợ chồng tôi mấy lần định mời chị sang nhà ăn tối”, tôi nói. “Hôm nào chị sang được không. Nếu được, tối nay chị sang luôn nhé.”

“Chắc là được. Vâng. Nhưng tôi còn chưa biết cả tên vợ chồng anh.”

Tôi nói tên vào bảo: “Sáu giờ được không chị?”

“Mấy giờ? À, sáu giờ cũng được.” Chị nắm lấy cán xẻng và ấn xuống.

Tôi quay vào nhà bảo với Dotty về bữa ăn tối. Tôi lấy mấy cái đĩa xuống và bộ đồ ăn bằng bạc ra. Khi tôi nhìn ra ngoài, Mary Rice đã từ vườn quay vào nhà.

Goldmund dịch từ nguyên bản tiếng Anh Dreams.

Tuesday 27 October 2009

Linh tinh chuyện ngoài đường

1. Hôm nay đi tái khám dạ dày về thế nào lại đau đầu kinh. Đau đầu sinh lý chứ không phải đau đầu tâm lý, nghĩa là đầu cứ giật giật chả hiểu tại sao, chứ không phải do bị vợ mắng hay người yêu ruồng rẫy:)

Ai đau dạ dày rồi cũng biết đi khám dạ dày bao giờ cũng có trò nội soi. Đại khái nằm đơ ra há họng, bác sĩ chèn một cái vòng tròn tròn vào mồm để bệnh nhân khỏi cắn răng bất tử, sau đó luồn một sợi dây đen đen to tướng từ họng vào dạ dày, ngoáy ngoáy vài cái rồi rút ra. Có bạn bảo nội soi đau như đau đẻ. Tôi chưa đẻ bao giờ nên không biết câu ấy đúng hay sai, nhưng tôi thấy cũng không ghê gớm lắm, chỉ hơi khó chịu một tí. Rốt cuộc bác sĩ kết luận dương tính, nghĩa là có một con vi trùng chết tiệt chui vào làm tổ trong đấy. Bệnh này bây giờ khá phổ biến và dễ lây lan, qua đường nước bọt hay hơi thở. Vì vậy, vợ con là nhóm nguy cơ cao:)

Nội soi là chuyện diễn ra tuần trước. Tuần này chỉ tái khám. Hóa đơn thuốc tuần trước tám trăm mấy chục ngàn. Hóa đơn tuần này lẽ ra cũng thế nếu như tôi không nổi cáu với nhà thuốc trong bệnh viện. Chuyện là tôi yêu cầu hóa đơn đỏ để khai bảo hiểm, họ bảo hai ngày quay lại lấy. Tuần trước thì tôi chấp nhận vì nghĩ khi tái khám thì lấy luôn thể. Tuần này tôi bảo ra hóa đơn ngay thì lấy thuốc, không thì trả toa lại đây. Cô bán thuốc mặt lạnh như tiền trả đơn thuốc lại. Ra ngoài, tôi tìm được một nhà thuốc khá lớn có đủ thuốc, hóa đơn chỉ có gần năm trăm ngàn, lại được khuyến mãi mấy thứ linh tinh. Lúc đấy mới biết là nhà thuốc bệnh viện bán giá như ăn cướp. Bài học rút ra là chớ nên mua thuốc tại nhà thuốc của bệnh viện.

2. Trưa, đi ăn với hai đồng nghiệp cũ. Nhà hàng lịch sự, phục vụ mặc đồng phục, sau khi làm đổ nước lên người một người bạn của tôi thì nói xin lỗi ba lần liền. May là nước trắng chứ không phải nước mắm. Trên mỗi bàn ăn, nhà hàng để một bảng thông báo rằng theo quy định của Cục thuế, nhà hàng sẽ ra hóa đơn VAT cho tất cả các khoản thanh toán, và giá trong menu chưa gồm VAT. Sau khi ăn xong, gọi tính tiền, nhà hàng mang ra một cái bill, loại in ra từ máy tính tiền, có cộng 10% VAT hẳn hoi. Phần lớn khách hàng sẽ trả tiền và đi, mà không để ý họ đã bị móc túi khoản 10% VAT kia, vì khoản thuế đó sẽ chạy vào túi ông chủ nhà hàng chứ không phải Cục thuế. Cục thuế chỉ thu được số thuế đó nếu nhà hàng xuất hóa đơn VAT, hay còn gọi là hóa đơn đỏ. Vì thế, tôi vẫn yêu cầu xuất hóa đơn đỏ mặc dù lấy về chỉ để vứt đi. Tiền thuế cần đến nơi mà nó phải đến, chứ không phải chạy vào túi ông chủ nhà hàng. Các bạn nhớ đấy, khi đi ăn uống mua sắm mà giá thanh toán có cộng VAT thì nhớ đòi hóa đơn đỏ. Được như vậy là bạn đã góp phần làm giàu cho đất nước rồi!

Sunday 25 October 2009

Đọc Hội Thề của Nguyễn Quang Thân

Tôi vốn vẫn thích tiểu thuyết lịch sử nên mỗi khi nghe về một tiếu thuyết lịch sử nào đó là cố tìm cho được. Đọc tiếu thuyết lịch sử có cái thú là được đu theo trí tưởng tượng của nhà văn. Chính sử, nhất là chính sử nước ta thời phong kiến, rất vắn tắt. Mỗi sự kiện, nhân vật, có khi chỉ được một hai dòng. Tiểu thuyết lịch sử làm công việc điền vào chỗ trống kia, cho người đọc thấy những hình hài nhân vật (dĩ nhiên theo trí tưởng tượng của nhà văn), vẽ thêm nét vào bức phác thảo quá sơ sài của chính sử.
Tôi vừa mới đọc xong Hội Thề của Nguyễn Quang Thân. Hội Thề viết về những ngày cuối cùng của khởi nghĩa Lam Sơn, cuộc khởi nghĩa mà thành công của nó đặt nền móng cho một triều đại kéo dài hơn ba trăm năm và làm nguội đi cái tham vọng xâm chiếm nước Nam của các chính quyền Trung Hoa ngần ấy thời gian, mãi cho đến khi một hậu duệ của triều đại lẫy lừng đó là Lê Chiêu Thống dẫn đường cho đoàn quân Tôn Sĩ Nghị kéo sang. Tưởng cũng nên nhắc thời Lam Sơn có hai hội thề quan trọng: một là hội thề Lũng Nhai khởi đầu cho cuộc khởi nghĩa, và hai là hội thề Đông Quan kết thúc cuộc khởi nghĩa đó trong thắng lợi.
Tác phẩm của Nguyễn Quang Thân viết về hội thề sau - hội thề giữa các tướng lĩnh Lam Sơn và các tướng Minh do Vương Thông cầm đầu, theo đó Lê Lợi cấp lương thuyền cho quân Minh về nước, chấm dứt chiến tranh mà không đổ thêm máu của cả hai bên, mở ra một thời kỳ hòa bình bền vững. Chính xác hơn, cuốn sách không viết về bản thân hội thề Đông Quan (chỉ được tả trong độ ba, bốn trang sách), cũng không thật sự viết về loạt chiến thắng Tốt Động, Chúc Động, Chi Lăng, Cần Trạm, Lãnh Câu, Xương Giang của nghĩa quân Lam Sơn - tiền đề lịch sử của hội thề Đông Quan, mà viết về những mâu thuẫn của phe võ tướng gốc Lam Sơn (đại diện là Phạm Vấn, Lê Sát, Lê Ngân) và phe nho sĩ tướng lĩnh gốc Bắc Hà, tiêu biểu là Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn (Phạm Văn Xảo và Lưu Nhân Chú được nhắc đến, nhưng không xuất hiện trực tiếp) trong quá trình dẫn đến hội thề. Ở đó, Nguyễn Trãi xuất hiện với tư cách một trí thức thông tuệ, có tầm nhìn xa, và, dĩ nhiên, cô đơn, cho dù ông có tình yêu của Nguyễn Thị Lộ và sự cảm phục của Lê Lợi. Bi kịch cuối đời Nguyễn Trãi đã có mầm mống từ khi kháng chiến chống Minh chưa kết thúc và mang tính tất yếu. Những võ tướng Lam Sơn, dũng cảm trong chiến đấu, nhưng thô lậu, ít học và tham lam ghét cay ghét đắng Nguyễn Trãi và tư tưởng nhân đạo của ông - tư tưởng “lấy chí nhân để thay cường bạo” vì một nền thái bình vững bền cho dân tộc. Với tầm nhìn hạn hẹp của mình, họ không thể nào hiểu được nhân cách và trí tuệ của con người trí thức vĩ đại đó. Nguyễn Quang Thân đặt vào mồm Lê Sát, mà không ghi nhận bản quyền, câu nói của Mao: “Trí thức không bằng cục phân”. May thay, Lê Lợi không phải là Lê Sát, cho nên cái tài của Nguyễn Trãi được dùng.
Lê Lợi được mô tả từ nhiều góc cạnh: một nhà lãnh đạo tài ba biết lắng nghe những tiếng nói phản biện của trí thức, một nhà chính trị mưu mô và đa nghi đến tàn nhẫn (dùng cái chết của người vợ yêu để lấy lòng ba quân), một ông bố với những mơ ước về một gia đình bình thường như những ông bố khác (mơ ước được bò ra cõng con trên lưng) và một người đàn ông với những ham muốn rất con người: được thỏa mãn về tình dục.
Mối quan hệ giữa Lê Lợi và Nguyễn Trãi cũng cho thấy một điều: người lãnh đạo cần lắng nghe trí thức; tuy nhiên, trí thức thì không nên làm lãnh đạo. Người lãnh đạo có những phẩm chất khác hơn mà trí thức không có, chẳng hạn như tính quyết đoán, sự thông thạo các đòn phép chính trị, và trong chừng mực nào đó, sự nhẫn tâm.
Có thể còn nhiều điều khác để nói về tiểu thuyết Hội Thề của Nguyễn Quang Thân, và bản thân điều đó đã là điều đáng khích lệ: sợ nhất là đọc xong một cuốn sách mà chẳng biết nói gì về nó!
------------
Phỏng vấn Nguyễn Quang Thân về Hội Thề, do một người quen thực hiện:)



Saturday 24 October 2009

Cảm ơn

Cảm ơn:

  • Chị Sonana vì đã tặng một cuốn Thơ Thiền Lý Trần to đùng, hoành tráng, có chữ ký của Nguyễn Duy, người dịch, lẫn chữ ký Sonata, người tặng.
  • Bạn Cát Khuê vì đã tặng hai cuốn Cafe với người nổi tiếngInterview người nổi tiếng cho hai bạn Alpha và Pi vẽ mặt trời. Hy vọng khi bạn Cát Khuê làm cuốn sách thứ ba Interview người không/chưa/sắp nối tiếng, sẽ có bài phỏng vấn GM!:)
  • Anh Hồ Bất Sầu i.e. Phan Văn Hưng vì đã hứa tặng cuốn Những mối tình nực cười cách đây hai tuần, đến bay giờ vẫn chưa nhận được. Ba hồn bảy vía bác Sầu đâu?
  • Bạn Nhị Linh vì trong quá khứ xa từng tặng một vài cuốn, nhưng trong quá khứ gần từ chối tặng Moon Palace mặc dù bị dụ dỗ rất nhiều, và hy vọng trong tương lai không xa sẽ cân nhắc tái lập việc tặng sách;
  • Bác PQV vì dù không nói ra nhưng đã thầm hứa tặng cuốn Chúng ta là bạn sắp in:);
  • Tất cả các bạn khác vì đang xem xét/sẽ nghĩ đến/sắp sửa/sẽ/suýt tặng sách cho bạn GM.
Để thuận tiện, đây là vài cuốn bạn GM muốn có nhưng chưa có:

  • Ăn phở rất khó thấy ngon
  • Tự nhiên như người Hà Nội
  • Xứ Cát
  • Trên cánh rừng vĩnh cữu
  • Moon Palace
  • Lịch sử nội chiến (Tạ Chí Đại Trường)
  • Bàn về tự do
  • Giết con chim nhại
  • Đi tìm thời gian đã mất
  • Trên đường
  • Di sản của mất mát

24/10: Cập nhật danh sách:

Tôi đã có:

- Ăn phở rất khó thấy ngon
- Bàn về tự do
- Giết con chim nhại
- Trên đường
- Những mối tình nực cười.

29/12: Cập nhật danh sách:

Đã có thêm:
- Xứ Cát
- Moon Palace
- Đi tìm thời gian đã mất
- Di sản của mất mát


Friday 23 October 2009

Thơ thiền Lý Trần

Những bài dưới đây chép lại từ tập Thơ Thiền Lý Trần, Nguyễn Duy chủ biên và là người dịch sang tiếng Việt, Kevin Bowen và Nguyễn Bá Chung dịch sang tiếng Anh. Sách do NXB Văn hóa Sài Gòn ấn hành, bìa cứng, giấy đẹp, in màu, trang nhã và sang trọng. Chân thành cảm ơn chị Sonata một lần nữa, vì đã tặng cuốn này và vì đã kỳ công lấy được chữ ký của Nguyễn Duy.


Quốc Tộ

Thiền sư Pháp Thuận

Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lý thái bình
Vô vi cư điện các
Xứ xứ tức đao binh

Bản dịch của Nguyễn Duy

Vận nước

Bời bời vận nước quấn mây
Trời Nam mở lượng đó đây thái bình
Thiền tâm thấm tận triều đình
Thì nhân gian dứt đao binh đời đời


***

Thị đệ tử

Quốc sư Vạn Hạnh


Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thư hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô


Bản dịch của Nguyễn Duy

Bảo đệ tử

Thân như chớp có lại không
Cỏ cây xuân thắm rồi đông úa tàn
Sợ gì suy thịnh thế gian
Thịnh suy như cỏ bên đàng treo sương


***

Ngẫu tác

Tuệ Trung Thượng Sỹ



Đường trung đoan tọa tịch vô nghiên
Nhàn khán Côn Luân nhất lũ yên
Tự thị quyện thời tâm tự tức
Bất quan nhiếp niệm bất quan thiền


Bản dịch của Nguyễn Duy


Chợt hứng làm thơ


Giữa nhà ngay ngắn ngồi yên
Thanh nhàn ngắm khói trên triền Côn Luân
Mỏi thần ắt tự tắt tâm
Thì thiền với niệm đâu cần làm chi


Thursday 22 October 2009

Hesse

Hesse là ai? Dĩ nhiên là cha của Goldmund:)

Hermann Hesse là nhà văn Đức, sinh 1887, mất 1962, đoạt giải Nobel văn học 1946. Tác phẩm của ông được các dịch giả Sài Gòn trước đây dịch khá nhiều. Sau này, hầu hết các bản dịch đều được tái bản, và thường có một câu thòng "do nhu cầu xuất bản, chúng tôi cho in lại tác phẩm này, rất tiếc chúng tôi chưa liên lạc được với dịch giả"!

Tôi có các bản sách sau đây của Hesse:

- Tuổi trẻ băn khoăn (Demian), Hoài Khanh dịch, NXB Hội nhà văn 1998;
- Peter Camenzind, bản tiếng Anh, rất rất khó đọc. Sách do cụ bà tặng khi chưa trở thành cụ bà:)
- Narcisse & Goldmund, Viễn Nguyên dịch, NXB Lao động 2001. Cuốn này có nhiều bản dịch khác nhau. Bản hay nhất theo tôi là bản Nhà khổ hạnh và gã lang thang, Hoài Khanh hay Phùng Khánh dịch tôi quên mất. Tôi không có bản này, và rất muốn có nó.
- Câu chuyện dòng sông (Siddhartha), NXB Hội nhà văn 1998,. Sách không ghi tên người dịch, nhưng tôi đoán là Hoài Khanh. Gần đây, Lê Chu Cầu dịch lại cuốn này từ nguyên bản tiếng Đức. Tôi chưa có bản này (gợi ý đấy!).
- Mối tình của chàng nhạc sĩ (Gertrud), NXB Hội nhà văn 2001, Vũ Đằng dịch.
- Hành trình sang phương Đông (Die Morgenlandfahrt), NXB Hội nhà văn 2001, Hoài Khanh dịch.
- Đâu mái nhà xưa (Rosshalde), NXB Văn hóa Sài Gòn 2008, Hoài Khanh dịch.
- Huệ tím và những truyện khác (Iris und andere Marchen), NXB Đà Nẵng 1998, sách song ngữ Đức Việt, Thái Kim Lan dịch.

Tôi vẫn còn đang tìm Sói đồng hoang (Der Steppenwolf) và Trò chơi hạt thủy tinh (Das Glasperlenspiel). Có lần nhìn thấy Sói đồng hoang trong nhà sách cũ nhưng giá khá chát, mà hồi đó là sinh viên nên ngần ngại không dám mua, bây giờ thì tiếc. Trò chơi hạt thủy tinh được coi là tác phẩm lớn nhất của ông.

Truyện của Hesse khó đọc, khó hiểu. Narziss und Goldmund được coi là tác phẩm dễ đọc nhất, giọng văn quyến rũ, câu chuyện hấp dẫn vì viết về lý tính và dục tính:), ai chưa đọc thì nên đọc để biết Goldmund là ai và không viết Goldmund thành Goldmun!

Wednesday 21 October 2009

Vẫn ngắn

* Sáng nay, đột nhiên nhận được điện thoại của một đồng nghiệp người Mỹ lâu không gặp. Cậu này cũng ở Sài Gòn thôi, nhưng lần cuối cùng gặp nhau đã hơn năm. Chúng tôi không thật sự thân, nên rất ít khi gọi điện. Vì vậy, khi thấy tên cậu ta hiện lên điện thoại, tôi ngỡ là có chuyện gì. Rất nhanh tôi nhận ra cậu ta gọi vì tôi trót để câu này trên status của tôi trên Facebook "I just could not resist the impossible sorrowness that I felt moved over me". (Tôi không thể nào kháng cự nỗi buồn bất khả mà tôi cảm thấy tràn ngập lòng tôi). Cậu bạn kia lo lắng, không biết chuyện gì đã xảy ra với tôi. Vì thế, cũng rất nhanh, tôi đã phải vừa cười vừa giải thích với cậu bạn kia rằng tôi chẳng buồn việc gì cả, tôi chỉ đang đọc một số truyện ngắn tiếng Anh và tự nhiên nổi hứng bắt chước nhà văn kia viết một câu chơi!

* Cái hồi hai mươi tuổi, tôi có viết một cặp bài thơ về Nỗi buồnNiềm vui. Bài Nỗi buồn được khá nhiều người copy trên mạng, có khi còn quên ghi tên tác giả. Bài Niềm vui tôi bỏ đâu rồi kiếm không ra, nhưng tôi nhớ có mấy câu như thế này :"Mỗi sáng tôi dắt xe ra cổng/ Khóa cửa, đi, và chờ đợi những bất ngờ/ Dẫu biết, đợi, bất ngờ không còn thú vị/ Nhưng bất ngờ có thể hóa ra thơ/ Tôi đợi một người không quen tặng tôi hoa/ Một người không thân vỗ vai, tầm phào ba chuyện/ Niềm vui không uẩn hình phù phiếm/ Để được là mình bối rối giữa tin yêu".

* Như rất nhiều bạn đã biết, tôi thích được tặng sách. Ai đó bất ngờ hoặc không bất ngờ tặng tôi sách tôi đều rất vui. Nhưng đôi khi những câu được đề tặng trên sách lại là những câu "chết điếng" người. Nhớ có lần, một bạn mà ai cũng biết là bạn nào đấy, gửi tôi cuốn sách, với lời tặng "Cảm ơn vì deep petting" thế có chết không chứ. Nguyên do chỉ vì tôi đọc bản thảo của bạn, thấy chú thích chữ deep petting không chính xác nên email cho bạn biết. Chả là vì tôi đã đọc nguyên một cuốn về Sex and Sexuality và nhờ chăm đọc truyện erotic bằng tiếng Anh nên vốn từ của tôi về lĩnh vực này rất dồi dào:) Lần gần đây, được tặng Những mối tình nực cười, người tặng ghi "Tặng Goldmund, người luật sư yêu sách nhất mà tôi từng biết". "Yêu sách nhất", hừ! (Chú thích thêm, người tặng không phải là dịch giả!)

* Nhân ở bên blog bác cú vọ có nhiều người quan tâm đến tiếng Việt, tôi quảng cáo luôn các bác lọ mọ ở đây có nhiều trao đổi thú vị lém:)

Monday 19 October 2009

Ngăn ngắn

Cái truyện của Raymond Carver trong hai post trước là một truyện ngắn dài, chắc không phải ai cũng đủ kiên nhẫn để đọc hết. Cái này tôi ngẫm ra từ tôi: khi lướt web, cái nào dài quá tôi chỉ lướt qua, nếu thấy hay thì đánh dấu rồi quay lại đọc sau, cái nào ngắn mới đọc ngay một lúc. Truyện của Raymond Carver nhìn lướt qua thì chẳng có gì hay cả, vì cốt truyện đơn giản, thậm chí không cốt truyện. Biệt tài của ông là viết thật chính xác về những chi tiết bình thường, vặt vãnh, cái không nói nhiều hơn cái nói ra. Do đó, chỉ khi đọc chậm rãi, đọc kỹ, người ta mới thấy hết cái hay của Carver. Lần đầu đọc Carver, tôi cũng thấy chả có gì thú vị. Nhưng chỉ sau khi đọc kỹ, mới thấy ông thuộc dạng khủng. Haruki Murakami, nhà văn đang rất popular ở Việt Nam hiện nay, là người đã dịch rất nhiều tác phẩm của Carver sang tiếng Nhật, tự nhận chịu ảnh hưởng của Carver, và từng nói rằng Carver có khả năng biến người đọc ông trở thành nhà văn:) Điều này không có nghĩa cứ đọc Carver rồi bạn sẽ trở thành Carver hay ít ra là Murakami:)

Carver được coi là đại diện xuất sắc của trường phái tối giản, nhưng bản thân ông không ưa gì cái danh xưng đó. Trong đời văn của Carver, có một biên tập viên mà ông chịu ơn, cũng là người biên tập truyện của Carver một cách khốc liệt dã man, tàn bạo, có khi cắt hoặc sửa hơn 50% bản gốc của Carver. Ông này tên là Gordon Lish. Chữ tối giản có khi phải gán cho ông này.

Hôm nay viết ngắn thế này thôi. Ý định ban đầu của tôi khi viết entry này là để giới thiệu blog của một bác sĩ với những câu chuyện đau lòng trong ngành y tế, những câu chuyện mà là người Việt Nam chúng ta không lạ lùng gì, nhưng nghe người trong cuộc nói ra vẫn xót xa. Chỉ định giới thiệu blog thôi mà thế nào lại huyên thiên về Raymond Carver!

Btw, vừa đọc xong tập truyện ngắn Những mối tình nực cười của Kundera. Rất thích hai trong số bảy truyện, là Chơi trò xin đi nhờ xeEdouard và Chúa. Phần còn lại hoặc chỉ hơi hơi thích, hoặc có thể không nhận ra ý đồ của tác giả.


Saturday 17 October 2009

Em làm ơn im đi, được không? (tiếp theo và hết)

II

Anh phải dừng lại và vịn vào một cái xe trước khi đi tiếp. Có hai cặp trong trang phục dạ hội đang đi trên vỉa hè hướng về phía anh, và một trong hai người đàn ông đang kể chuyện bằng giọng rất to. Những người khác cười giòn giã. Ralph rời khỏi chỗ chiếc xe và băng qua đường. Mất vài phút anh đến được quán Blake, chỗ buổi chiều anh thỉnh thoảng ghé vào nhâm nhi tí bia với Dick Koenig trước khi đón con ở trường mẫu giáo.

Bên trong quán tối. Nến lập lòe trong những chiếc chai cổ dài trên những chiếc bàn dọc theo tường. Ralph nhìn lướt qua những bóng trai gái đang trò chuyện, đầu chụm vào nhau. Một cặp ngồi gần cửa ngừng nói chuyện và ngẩng lên nhìn anh. Một vật hình hộp treo trên trần xoay qua xoay lại ném ra những tia sáng. Hai người đàn ông ngồi phía cuối quán, và một bóng người đứng tựa vào máy chọn nhạc trong góc, hai bàn tay tõe ra hai bên cái ly. Anh ta sắp sửa chơi một cái gì đó, Ralph nghĩ như thể vừa có một phát hiện tối quan trọng, anh đứng giữa sàn nhìn anh ta.

“Ralph! Ngài Wyman!”

Anh nhìn quanh. Hóa ra là David Parks gọi anh từ bên sau quầy bar. Ralph bước lại, tì mạnh vào quầy bar rồi chuồi người lên cái ghế cao.

“Em rút ra một cái nhé, bác?”. Parks cầm một cái ly trong tay, mỉm cười. Ralph gật đầu, nhìn Parks nghiêng cái ly dười vòi bia, rồi nhẹ nhàng dựng thẳng nó lên khi đầy.

“Công việc thế nào, bác?” Parks gác chân lên một cái kệ phía dưới quầy bar. “Ai sẽ thắng trận đấu tuần tới, bác?” Ralph lắc đầu, nâng ly bia lên môi. Parks khẽ ho. “Em mua cho bác một ly nhé. Em đãi bác ly này.” Anh ta buông chân xuống, gật đầu khẳng định, và lần tay vào túi dưới tạp dề. “Đây. Tôi có mấy đồng đây này”, Ralph nói và móc ra mấy đồng lẻ, kiểm tra chúng trong tay mình. Một đồng hai lăm xu, một đồng mười xu, hai đồng năm xu, hai đồng một xu. Anh đếm chúng như thể có một mật mã cần được giải. Anh đặt đồng hai lăm xu xuống và đứng lên, bỏ mấy đồng lẻ lại vào trong túi. Người kia vẫn đứng trước máy chọn nhạc, hai tay vẫn xòe ra hai bên ly.

Ra ngoài, Ralph ngoảnh lại, ngần ngừ nghĩ xem mình nên làm gì. Tim anh thình thịch như thể anh đang chạy. Cánh cửa bật mở sau lưng anh và một đôi trai gái bước ra. Ralph nhích ra tránh đường cho họ và họ ngồi vào xe đỗ bên lề đường và Ralph thấy cô gái hất tóc khi ngồi vào xe. Anh chưa bao giờ nhìn thấy gì đáng sợ như thế.

Anh đi bộ đến cuối dãy nhà, băng qua đường, đi thêm một dãy nhà nữa rồi quyết định đi thẳng vào trung tâm thị trấn. Anh rảo bước, tay nắm tròn trong túi quần, giày nện trên hè phố. Anh chớp mắt liên tục và nghĩ thật khó tin đây là nơi anh sống. Anh lắc đầu. Anh muốn ngồi lại một chỗ nào đó một lúc để nghĩ về nó, nhưng anh biết anh không thể ngồi, không thể nghĩ về nó. Anh nhớ lại có lần anh thấy một ngừơi đàn ông ngồi bên vệ đường ở Arcata, một ông già râu ria xồm xoàm đội mũ len nâu ngồi co ro. Và rồi Ralph nghĩ đến: Marian! Dorothea! Robert! Không thể được! Anh cố tưởng tượng hai mươi năm tới mọi chuyện ra thế nào. Nhưng anh không thể tưởng tượng được gì. Rồi anh tưởng tượng bắt gặp một mẩu giấy chuyền tay giữa đám học sinh trong đó viết Chúng mình làm chuyện ấy nhé?. Rồi anh không thể nghĩ được nữa. Rồi anh cảm thấy hoàn toàn dửng dưng. Rồi anh nghĩ về Marian. Anh nghĩ về Marian như anh mới gặp cách đây ít giờ, mặt nhăn nhúm. Rồi Marian nằm trên sàn nhà, mồm đầy máu: “Tai sao anh đánh em?” Rồi Marian thò tay vào dưới váy cởi nịt bít tất. Rồi Marian nhấc váy lên ưỡn người ra sau. Rồi Marian kích động, Marian gào lên: Nào! Nào! Nào!

Anh đứng lại. Anh tin rằng mình sắp nôn. Anh tiến lại mép vỉa hè. Anh nuốt nước bọt liên tục, ngẩng đầu lên khi một đám thiếu niên reo hò phóng xe ngang qua, nhấn một hồi còi có tiếng nhạc dài. Ừ, quả có một cái ác lớn lao đang thúc đẩy thế giới, anh nghĩ, và nó chỉ cần một lối trượt nho nhỏ, một cửa ngỏ nho nhỏ.

Anh đi đến Phố số 2, khu mà người ta vẫn gọi là “Phố Hai”. Nó bắt đầu từ đây ở Shelton, dưới những ngọn đèn đường cuối dãy nhà cũ cho thuê, chạy dài bốn hay năm dãy phố nữa cho đến cầu tàu, chỗ buộc những chiếc thuyền đánh cá. Anh đã đến khu này một lần, cách đây sáu năm, đến một cửa hàng đồ cũ để lục lọi những kệ sách cũ. Có một tiệm rượu bên kia đường, và anh có thể nhìn thấy một người đàn ông đứng đọc báo bên trong cửa kính.

Cái chuông cửa ngân lên. Âm thanh làm Ralph suýt khóc. Anh mua mấy điếu thuốc rồi quay ra, đi dọc theo con phố, nhìn vào các cửa sổ, một số cái có dán biển: một buổi khiêu vũ, gánh xiếc Shrine đã đến và đi mùa hè vừa rồi, một cuộc bầu cử - bầu Fred C. Walters làm ủy viên Hội đồng. Anh thấy bồn rửa bát và những ống nối ống nước nằm vương vãi trên bàn qua một trong những cửa sổ mà anh nhìn vào, và những cái này cũng làm anh rơi nước mắt. Anh đến một phòng tập thể dục của Vic Tanney, ở đó anh nhìn thấy ánh sáng hắt ra dưới màn cửa, nghe thấy tiếng nước tóe và tiếng gọi nhau í ới trong hồ bơi bên trong. Phố bây giờ sáng hơn, ánh sáng hắt ra từ những quán cà phê và quán bar hai bên phố, người cũng đông hơn, từng nhóm ba bốn người nhưng thỉnh thoảng cũng có một người đàn ông đi một mình hoặc một phụ nữ mặc quần màu sáng rảo bước vội vã. Anh dừng lại trước một cửa sổ và nhìn mấy người da đen chơi bi-da, khói lẩn quẩn trong ánh đèn thắp phía trên bàn. Một người đang thoa phấn lên cơ, đầu đội mũ, miệng ngậm thuốc, nói gì đấy với một người khác rồi cả hai cùng ngoác miệng cười, rồi người kia chăm chú ngắm mấy quả bi và cúi xuống bàn.

Ralph dừng lại trước Jim’s Oyster House. Anh chưa từng đến đây, chưa từng đến bất kỳ những chỗ như thế này. Phía trên cánh cửa dòng chữ JIM’S OYSTER HOUSE được gắn bằng những bóng đèn vàng. Phía trên dòng chữ, được gắn vào một cái lồng sắt, có một cái vỏ nghêu lớn chiếu đèn neon sáng và một đôi chân người thò ra. Phần thân được giấu trong vỏ và đôi chân nhấp nháy đỏ, lên xuống, nên chúng trông có vẻ như đang đá. Ralph dùng điếu thuốc đang cháy dở châm một điếu khác rồi đẩy cửa vào.

Bên trong đông đúc, người nghẹt trên sàn nhảy, tay đan vào nhau, để hờ chờ ban nhạc bắt đầu chơi lại. Ralph len lỏi đến phía quầy bar, và có lúc một cô gái say bám vào áo khoác anh. Không còn cái ghế nào cho nên anh đành đứng phía cuối quầy bar giữa một nhân viên bảo vệ và một anh chàng mặc đồ jeans nhăn nhúm. Nhìn vào gương anh có thể thấy được ban nhạc ngồi ở bàn đang đứng dậy. Họ mặc sơ-mi trắng, quần đen, cổ đeo nơ đỏ. Có một bếp lửa bằng gas phía sau một đống củi kim loại, và cái bục dành cho ban nhạc ngay bên cạnh bếp lửa này. Một nhạc công gá thử dây đàn ghi-ta điện, nói gì đó với những người kia và cười ra vẻ hiểu ý. Ban nhạc bắt đầu chơi.

Ralph nâng ly và uống cạn. Ở đằng kia quầy bar Ralph nghe thấy tiếng một phụ nữ giận dữ: “Này, đây nói cho mà biết, thế nào cũng có rắc rối đấy nhé.” Các nhạc công chơi xong bản nhạc và bắt đầu một bản khác. Một trong số họ, tay chơi bass, tiến lại micrô và bắt đầu hát. Nhưng Ralph không hiểu anh ta hát gì. Khi ban nhạc nghỉ giải lao lần nữa, Ralph nhìn quanh xem toa-lét chỗ nào. Anh nhìn ra cánh cửa đóng mở liên tục ở đầu kia của quầy bar và hướng về phía đó. Anh hơi lảo đảo, biết rằng mình đã say. Bên trên một trong những cánh cửa là một giá sừng hươu. Anh thấy một người đi vào và một người khác giữ cánh cửa rồi đi ra. Vào trong, xếp hàng sau ba người khác, anh thấy mình nhìn chằm chằm vào hình vẽ một cặp đùi dạng ra khoe âm hộ trên tường bên cạnh máy bán lược bỏ túi. Bên dưới là dòng chữ viết tháu XƠI EM ĐI, dưới nữa ai đấy viết thêm Betty M. xơi đi – RA 52275. Người đứng trước Ralph nhích lên, Ralph bước tới một bước, tim anh co thắt dưới trọng lượng của Betty. Cuối cùng, anh đến trước bồn và bắt đầu tiểu. Đó là một tia chớp lóe lên. Anh thở dài, rướn người lên trước, cụng đầu lên tường. Ôi chao, Betty, anh nghĩ. Đời anh đã thay đổi, anh sẵn sàng để hiểu điều đó. Anh lơ mơ tự hỏi liệu những người khác có thể nhìn vào một sự kiện trong đời họ và cảm nhận trong nó những thành phần nhỏ bé của một thảm họa mà sau đó hướng cuộc đời họ sang một ngả hoàn toàn khác? Anh đứng đó một lúc nữa rồi nhìn xuống: anh đã tiểu lên tay mình. Anh lại bồn rửa tay, quyết định không dùng thỏi xà phòng bẩn mà chỉ vặn cho nước chảy qua tay. Lúc anh kéo khăn giấy xuống, anh dí mặt vào gương và nhìn vào mắt mình. Một cái mặt: chẳng có gì bất thường. Anh sờ vào gương, nhưng lại tránh ra vì một người khác cố vượt qua anh đến chỗ bồn rửa tay.

Khi anh ra cửa, anh để ý thấy một cánh cửa khác ở đầu bên kia hành lang. Anh đi tới và nhìn qua cửa kính thấy bốn người đang chơi bài quanh một chiếc bàn dường như màu xanh lá cây. Với Ralph dường như bên trong có vẻ thật là tĩnh lặng và yên bình, những cử động câm của những người kia như hàm ngôn và chất chứa nhiều ý nghĩa. Anh tì vào kính và nhìn họ cho đến khi anh cảm thấy họ đang nhìn anh.

Phía đằng quầy bar tiếng ghi-ta đang chơi ầm ĩ, mọi người bắt đầu vỗ tay và huýt sáo. Một phụ nữ đứng tuổi phục phịch trong chiếc váy đầm trắng đang bị đẩy lên sân khấu. Chị ta cố vùng vẫy nhưng Ralph có thể nhận thấy chỉ là vùng vẫy giả vờ, và cuối cùng chị ta chịu cầm lấy micrô và khẽ nhún người. Đám đông huýt sáo và giẫm chân rầm rầm. Đột nhiên anh biết rằng không gì có thể giải cứu được anh ngoại trừ việc vào trong phòng kia cùng với những người chơi bài, xem họ. Anh móc ví ra, giơ lên xem thử còn bao nhiêu. Phía sau anh chị gái kia bắt đầu hát bằng một thứ giọng trầm buồn ngủ.

Người chia bài ngẩng đầu lên.

“Muốn nhập hội à?” anh ta hỏi, nhìn quét khắp người Ralph và chia bài một lần nữa. Những người khác nhướn mắt lên rồi quay lại nhìn những quân bài nằm rải rác trên bàn. Họ cầm bài lên, người ngồi xoay lưng lại Ralph thở hắt ra bằng mũi, ngọ ngoạy trong ghế tỏ vẻ khó chịu.

“Benny, mang thêm một cái ghế!” người chia bài gọi ông già đang quét dưới gầm cái bàn chất đầy ghế chổng ngược. Người chia bài là một tay đô con; anh ta mặc sơ-mi trắng, cổ mở, tay áo xắn để lộ cẳng tay mập và lông quăn đen. Ralph hít một hơi dài.

“Uống gì không?” Benny hỏi khi mang ghế đến bàn.

Ralph đưa ông già một đô-la và cởi áo khoác ra. Ông già đỡ lấy áo khoác, treo gần cửa khi ông đi ra. Hai người trong đám nhích ghế cho Ralph ngồi xuống đối diện với nhà cái.

“Khỏe không?” người chia bài hỏi, không nhìn lên.

“Bình thường’, Ralph đáp.

Người chia bài nói nhẹ nhàng, vẫn không nhìn lên: “Chơi bài nhỏ ăn hoặc năm lá. Mỗi ván cược không quá năm đô.”

Ralph gật đầu, khi ván đó xong anh mua mười lăm đô phỉnh. Anh ngắm những quân bài được ném quanh bàn, nhặt bài của mình lên theo cách anh đã thấy cha anh làm, luồn quân này dưới quân kia khi chúng rơi trước mặt anh. Anh nhướn mắt nhìn vào mặt những người khác. Anh tự hỏi không biết chuyện đó có xảy ra với ai trong số họ không.

Trong vòng nửa tiếng đồng hồ anh thắng hai ván, và, không cần đếm đống phỉnh trước mặt anh nghĩ anh vẫn còn khoản mười lăm hay thậm chí hai mươi đô la. Anh trả tiền cho một ly nữa bằng một phỉnh và đột nhiên nhận ra rằng tối hôm đấy anh đã đi một quãng đường dài, một quãng đường dài trong cuộc đời. Jackson, anh nghĩ. Anh có thể là Jackson.

“Anh cược hay không?” một người hỏi. “Clyde, cược thế nào nhỉ, lạy Chúa?” anh ta hỏi người chia bài.

“Ba đô”, người chia bài nói.

“Cược”, Ralph nói. “Tôi cược”. Anh đặt ba phỉnh vào giữa bàn.

Ngườ chia bài ngẩng lên rồi lại nhìn bài của mình. “Nếu cậu thật sự muốn tưng bừng, đêm nay chúng ta có thể đến chỗ tôi khi chúng ta xong ở đây”, người chia bài nói.

“Không, thế được rồi”, Ralph nói. “Tối nay đủ tưng bừng rồi. Tối nay tôi mới phát hiện ra. Vợ tôi lăng nhăng với một thằng khác cách đây hai năm. Tối nay tôi mới phát hiện ra.” Anh hắng giọng.

Một người gác bài xuống và châm xì gà. Anh ta nhìn Ralph chằm chặp trong khi bập thuốc, rồi vẫy tắt que diêm và cầm bài lên. Người chia bài ngẩng lên, gác hai tay lên bàn, lông đen cứng trên cánh tay nâu sẫm.

“Cậu làm việc ở đây?” anh ta hỏi Ralph.

“Tôi sống ở đây’, Ralph nói. Anh thấy ráo hoảnh, trống rỗng rã rời.

“Mình có chơi tiếp hay không?’ một người hỏi. “Clyde?”

“Gượm tí nào”, người chia bài nói.

“Vì Chúa”, anh ta khẽ nói.

“Tối nay cậu phát hiện ra cái gì?” người chia bài hỏi.

“Vợ tôi”, Ralph nói. “Tôi phát hiện ra.”


Trong ngõ hẻm, anh lại móc ví ra, lần đếm những tờ tiền còn lại: hai đô la - và anh nghĩ anh còn vài đồng xu trong túi. Đủ để kiếm một cái gì đó ăn. Nhưng anh không đói, anh tựa người vào tòa nhà gắng nghĩ ngợi. Một chiếc xe rẽ vào ngõ, dừng lại rồi lùi ra. Anh bắt đầu đi bộ. Anh đi lại trên con đường lúc đến. Anh đi sát vào các tòa nhà, tránh những nhóm trai gái ồn ào đi lại trên vỉa hè. Anh nghe tiếng một phụ nữ mặc áo khoác dài nói với người đàn ông đi cùng: “Hoàn toàn không phải như thế, Bruce. Anh không hiểu gì cả.”

Anh dừng lại trước tiệm rượu. Vào trong anh tiến lại quầy và quan sát những hàng chai dài xếp ngay ngắn. Anh mua nửa pint rượu rum và thêm mấy điếu thuốc. Hình những cây cọ trên nhãn chai, những tàu lá to rũ xuống với hồ nước trên nền xa đập vào mắt anh, và anh chợt nhận ra rum! Và anh nghĩ anh sẽ ngất. Người bán hàng, một người gầy, hói mặc quần có dây đeo, bỏ chai rượu vào trong túi giấy, tính tiền và nháy mắt. “Đêm nay ra trò đấy nhỉ?” ông nói.

Ra ngoài, Ralph đi về phía cầu tàu; anh nghĩ anh muốn nhìn ánh đèn phản chiếu xuống nước. Anh mường tượng Tiến sĩ Maxwell sẽ xử lý một tình huống tương tự như thế nào, và anh thò tay vào túi giấy trong khi đang đi, bóc lớp niêm của cái chai nhỏ và dừng lại trước một lối vào nhà để tu một hơi dài, và nghĩ Tiến sĩ Maxwell hẳn sẽ ngồi một cách huy hoàng bên mép nước. Anh băng qua môt vài lối xe điện cũ và rẽ vào một ngõ khác, tối hơn. Anh đã nghe được tiếng sóng ồm oàm dưới chân cầu tàu, và rồi anh nghe thấy ai đó lại gần sau lưng anh. Một tên da đen nhỏ thó mặc áo khoác da bước ra trước mặt anh, nói: “Cho xin một phút thôi, anh bạn”. Ralph định đi vòng qua. Gã kia nói: “Có Chúa chứng giám, bé con, mày giẫm lên chân tao đấy!” Ralph chưa kịp chạy thì đã bị gã da đen đấm một cú vào bụng, và khi Ralph rên rỉ, chực ngã thì gã kia đấm vào mũi anh, làm anh bật vào tường, anh ngồi gục xuống, một chân gập lại, đang cố nhấc người lên thì gã da đen tát vào má anh và đấm anh bò lăn ra vỉa hè.

III

Anh nhìn cố định vào một chỗ và thấy chúng, vài chục con, lượn vòng và bổ nhào dưới đám mù, chim biển, những con chim từ biển bay vào đây giờ này buổi sáng. Đường hãy còn nhờ nhờ tối trong sương mù giăng; và anh phải thận trọng để tránh đạp lũ sên đang bò qua vệ đường ẩm ướt. Một chiếc xe hơi để đèn sáng chạy chậm lại khi đi ngang qua anh. Một chiếc khác lướt qua. Rồi một chiếc khác nữa. Anh nhận ra họ là công nhân nhà máy, anh thì thầm với chính mình. Đó là sáng thứ hai. Anh rẽ vào một góc phố, đi ngang qua quán Blake: rèm cửa cuốn lên, mấy cái chai rỗng như đứng canh sau cửa. Trời lạnh. Anh cố đi thật nhanh, thỉnh thoảng khoanh tay và rụt vai. Rồi anh cũng về đến nhà, đèn ở cổng vẫn sáng, cửa sổ tối. Anh băng qua bãi cỏ rồi vòng ra sau nhà. Anh vặn quả đấm cửa, cánh cửa mở ra yên ắng và căn nhà cũng yên ắng. Kia là cái ghế cao bên cạnh giá phơi bát đĩa. Kia là cái bàn nơi họ đã ngồi. Anh đã đứng lên từ ghế sofa, vào nhà bếp, ngồi xuống. Anh đã làm gì nữa? Anh đã chẳng làm gì nữa cả. Anh nhìn cái đồng hồ phía trên bếp lò. Anh có thể ngó vào phòng ăn, cái bàn trải khăn đăng ten, đôi hồng hạc bằng thủy tinh nặng nề giữa bàn, cánh xòe ra, rèm phía trên bàn để mở. Có phải vợ anh đã đứng ở cửa sổ kia ngóng đợi anh về? Anh bước lên tấm thảm phòng khách. Áo khoác của của cô vất trên ghế sofa, trong ánh sáng mờ mờ anh vẫn nhận ra cái gạt tàn đầy nhóc đầu lọc thuốc. Anh để ý thấy danh bạ điện thoại để mở trên bàn uống trà khi đi ngang qua. Anh khựng lại trước cánh cửa phòng ngủ mở hờ. Dường như đối với anh mọi thứ đều mở. Trong giây lát anh kháng cự lại cái ý muốn mở cửa nhìn cô, và rồi anh khẽ đẩy cửa mở rộng ra chút nữa. Cô đang ngủ, đầu chệch khỏi gối, xoay vào tường, mái tóc đen của cô xõa trên khăn trải giường, tấm phủ dồn lại quanh vai, những tấm phủ hờ hững trễ xuống chân giường. Cô nằm nghiêng, thân thể bí mật của cô tạo thành một góc nơi hông. Anh nhìn trừng trừng. Sau tất cả mọi chuyện, anh nên làm gì đây? Lấy đồ rồi bỏ đi? Tới khách sạn? Thu xếp vài chuyện gì đó? Người ta phải cư xử như thế nào trong những tình huống như thế này? Anh hiểu những sự việc đã diễn ra. Nhưng anh không hiểu bây giờ phải làm những việc gì. Căn nhà rất yên ắng.

Anh ngồi bên bàn trong nhà bếp đầu gục vào tay. Anh chẳng biết phải làm gì. Không phải chỉ ngay bây giờ, anh nghĩ, không phải trong chuyện này, không phải chỉ về chuyện này, hôm nay và ngày mai, mà tất cả những ngày khác. Rồi anh nghe tiếng lũ trẻ khuấy động. Anh ngồi thẳng dậy và cố mỉm cười khi chúng vào trong bếp.

“Bố, bố”, chúng reo lên, những thân hình bé nhỏ chạy lại với anh.

“Bổ kể chuyện đi”, con trai anh nói, trèo vào lòng anh.

“Bố không kể chuyện đâu”, con gái anh nói. “Còn sớm quá nên không thể kể chuyện được, phải không bố?”

“Mặt bố có gì thế”, con trai anh chỉ.

“Để con xem nào”, con gái anh nói. “Bố để con xem.”

“Tội nghiệp bố”, con trai anh nói.

“Bố làm gì cái mặt bố thế?”, con gái anh hỏi.

“Không có gì đâu”, Ralph đáp. “Mọi chuyện ổn cả mà, con gái cưng. Robert con trèo xuống nào, bố nghe có tiếng mẹ.”

Ralph buớc nhanh vào buồng tắm, khóa cửa lại.

“Bố có ở đây không?” anh nghe tiếng Marian hỏi. “Bố đâu, trong buồng tắm à? Ralph?”

“Mẹ, mẹ”, tiếng con gái anh kêu. “Mặt bố bị thương.”

“Ralph!” Cô vặn nắm đấm. “Ralph, cho em vào. Ralph? Cho em vào, anh. Em muốn gặp anh, Ralph? Đi mà!”

Anh bảo, “Đi đi, Marian”.

Cô nói, “Em không đi. Thôi nào, Ralph, mở cửa một phút thôi, anh! Em chỉ muốn nhìn anh, Ralph. Ralph? Con nói anh bị thương? Có chuyện gì không anh, Ralph?”

Anh bảo, “Đi đi.’

Cô nói, “Ralph, mở cửa đi mà anh.”

Anh bảo, “Em làm ơn im đi, được không?”

Anh nghe tiếng cô đợi ở cửa, anh thấy nắm đấm xoay lần nữa, và rồi nghe tiếng cô đi lại trong bếp, cho bọn trẻ ăn sáng, trả lời những câu hỏi của chúng. Anh nhìn mình trong gương một lúc lâu. Anh nhại chính mình. Anh cố tạo ra nhiều vẻ mặt khác nhau. Rồi anh bỏ cuộc. Anh quay ra, ngồi trên mép bồn tắm tháo dây giày. Anh ngồi đó, tay cầm một chiếc giày nhìn những chiếc thuyền buồm lướt qua đại dương xanh mênh mông là tấm màn phòng tắm bằng nhựa. Anh nghĩ đến những chiếc xe nhỏ màu đen trên khăn trải bàn và suýt kêu lên Ngừng lại! Anh cởi cúc áo, thở dài khom người vào bồn tắm, và lắp nút vào chỗ xả nước. Anh vặn nước nóng, và hơi bắt đầu bốc lên.

Anh đứng trần truồng trên nền gạch trước khi bước vào bồn tắm. Anh nắn chỗ mỡ chảy sệ bên lườn. Anh ngắm nghía mặt mình một lần nữa trong tấm gương đã mờ đi. Anh giật mình khi nghe Marian gọi tên.

“Ralph, con đang chơi trong phòng. Em đã gọi Von Williams nói hôm nay anh không đi làm, và em cũng sẽ ở nhà”. Rồi cô tiếp: “Em đã làm sẵn bữa sáng ngon lành trên bếp khi nào tắm xong thì anh ăn nhé. Ralph?”

“Làm ơn im đi”, anh nói.

Anh ở trong buồng tắm cho đến khi anh nghe tiếng vợ trong phòng các con. Cô đang mặc quần áo cho chúng, hỏi không phải là chúng muốn chơi với Warren và Roy hay sao? Anh đi băng qua nhà vào phòng ngủ, đóng cửa lại. Anh nhìn cái giường trước khi trườn vào. Anh nằm ngửa nhìn trần nhà. Anh đã đứng lên từ ghế sofa, đã vào nhà bếp, đã …ngồi… xuống. Anh nhắm mắt lại và xoay người nằm nghiêng khi Marian vào trong phòng. Cô cởi váy, ngồi xuống bên giường. Cô luồn tay vào dưới tấm đắp và bắt đầu vuốt ve chỗ thắt lưng anh.

“Ralph”, cô gọi.

Anh gồng người lại khi cô chạm vào, rồi anh thả lỏng một chút. Thả lỏng môt chút thì dễ chịu hơn. Tay cô lần qua hông anh, qua bụng anh và bây giờ thì người cô áp vào người anh, dịch chuyển tới lui trên người anh. Anh ghìm mình lại, sau này anh nhớ vậy, lâu hết mức có thể. Và anh nghiêng sang cô. Anh lăn qua lăn lại trong một giấc lẽ ra là giấc ngủ tuyệt vời, và anh vẫn còn xoay trở, kinh ngạc về sự thay đổi không ngờ mà anh cảm thấy dịch chuyển trong anh.


Goldmund dịch từ nguyên bản tiếng Anh Will you please be quiet, please?

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN