Sunday, 11 October 2009

Ngày không đẹp trời và món cháo giò

Cần quá nhiều nhận thức và dũng cảm để dấn thân ra đường trong những ngày trời xám xịt, đầy mưa và đầy gió. Những ngày như thế, tôi thích cuộn tròn trong chăn, nửa thức nửa ngủ nghe tiếng mưa ầm ì, tiếng gió cọ vào cửa kính, tiếng xe rì rào vọng lên từ con đường dưới nhà. Tôi thích nằm mãi, nằm mãi cho đến khi nào bụng tròn căng lên bức bối thì mới lồm cồm bò dậy, nhảy một bước vào toa-nét rồi sau khi nhẹ nhõm cõi lòng nhảy vào giường và tiếp tục tục rúc vào chăn. Nhưng, chao ôi, cuộc đời không phải là giấc mơ và tình người không là bài thơ. Dẫu mưa, dẫu gió, dẫu xám xịt âm u thì con heo con và con chó con (tức là bạn Alpha và bạn Pi) vẫn dậy đúng giờ. Thế rồi sau khi hai bạn ăn sáng xong, vì là cuối tuần nên cụ bà lại bắt cụ ông thắng ngựa chở cụ bà đi siêu thị. Điều an ủi là, sau khi từ siêu thị trở về, mặc cho cụ bà chiến đấu với đống chiến lợi phẩm và mặc cho hai con heo con và chó con nhảy lăng xăng khắp nhà như thổ dân, tôi cũng có thể trèo lên sofa và đọc nốt cuốn sách dang dở. Lần này là Hội hè miên man.

Đôi khi tôi băn khoăn tự hỏi giò của biên tập viên trắng hay đen, cong hay thẳng, dài hay ngắn, có lông hay không lông:)? Vì những thắc mắc biết hỏi ai đấy nên hôm nay trong lúc đọc sách tôi nảy ra một ý hay là mình thử bắt giò về nấu cháo xem sao. Và, đối với một cuốn sách liên kết xuất bản, nếu bắt giò thì phải bắt giò của biên tập viên công ty liên kết, chứ ai lại đi bắt giò biên tập viên nhà xuất bản, vì cho dù là người ngoại đạo thì cũng không khó đoán ra ai là người thực sự làm việc.

Cuốn sách này, kể từ khoảng trang 80 trở đi, được chuyển tải bằng một thứ tiếng Việt gần như hoàn hảo, nên dù có sẵn một ý định khá tiểu nhân trong đầu:) tôi vẫn không bắt được một lỗi gì đáng kể. Dường như kể từ khoảng trang này thì dịch giả đã bắt đầu bắt nhịp được cuốn sách và dứt khoát không thả nó ra nữa! Hoặc cũng có thể kể từ khoảng trang này thì biên tập viên lao lực nhiều hơn:) nên ngôn ngữ nhuần nhị, mượt mà gần như không tì vết. Có một từ tôi không hiểu, đó là từ “phỉ phui” (trang 132). Tôi đoán là từ gốc Bắc, nên đã hỏi cả một người Bắc chính gốc là cụ bà mà vẫn chịu. Trước đó ít trang có từ “phỉ thui”, tôi cũng không hiểu từ này, nhưng dựa vào ngữ cảnh cũng đoán được là một từ chỉ việc khỏi mất may mắn. Bác biên tập viên có vào đây vui lòng giảng giải thêm.

Từ khoảng trang 80 trở về trước có thể nhận thấy một số chỗ còn ngập ngừng, trúc trắc, khó hiểu. Vài ví dụ như sau:

+ “Tôi đem theo cam và hạt dẻ nướng trong túi giấy, và mỗi khi đói lại bóc những quả cam bé như quả quất rồi ném vỏ và nhổ hạt vào lửa khi ăn, cũng như đống hạt dẻ” (trang 24). Trúc trắc bắt đầu từ chỗ “khi ăn…’

+ “Những bà vợ, vợ tôi và tôi cảm thấy, đều được chiếu cố” (trang 27). Cái đoạn “vợ tôi và tôi cảm thấy” nằm ở giữa câu có lẽ quá Tây và làm cho câu khó hiểu hơn.

+ “Ta có thể nhận ra mùa xuân đang đến từng ngày trên rất nhiều cây trong thành phố cho đến một đêm đầy gió ấm bất ngờ mang nó đến vào buổi sáng” (trang 64). Rất khó hiểu vì sao “mùa xuân đến từng ngày” rồi sau đó “một đêm đầy gió ấm bất ngờ mang nó đến vào buổi sáng”.

+ Cụm từ “người đàn bà” được dùng lặp đi lặp lại ở trang 67.

+ Đoạn tả Miss Stein và người tình của bà (trang 27), từ đoạn “bà ta có làn da sẫm…” cho đến “…các cuộc nói chuyện không phải của bà” tôi bị lẫn lộn không biết tả Miss Stein hay tả người tình của bà ấy. (Người tình của Miss Stein là phụ nữ nên mới mọc ra cái sự khó hiểu này!)

Ngoài ra, tôi không hiểu tại sao tên các tác phẩm được nhắc tới trong sách khi thì được chú thích bằng tiếng Việt, khi thì không. Tôi cũng thắc mắc vì sao từ “rượu trắng” được sử dụng chứ không phải “vang trắng”. “Rươu trắng” khiến tôi liên tưởng đến rượu đế ở Việt Nam, thay vì loại rượu ướp lạnh hay uống khi dùng hải sản.

Tôi chưa đến Paris bao giờ nên đọc về Paris trong Hội hè miên man với tôi là một cuộc du lịch thú vị. Thú vị không kém là câu chuyện về Hemingway và các bạn văn của ông. Tôi nhặt ra vài chi tiết mà tôi thích:

+ Hemingway không tin vào tính từ.

+ “Mọi thế hệ đều mất mát theo một cách nào đấy, luôn luôn đã và luôn luôn sẽ mất mát”.

+ Văn của Hemingway trong nguyên bản tiếng Anh khá dễ đọc, vì ông không dùng câu hay từ phức tạp. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa viết ra những câu văn đơn giản là một công việc dễ dàng. Hemingway trong cuốn này thú nhận rằng ông thường phải “ngồi trọn một buổi sáng để ra được một đoạn văn”.

+ Hemingway khuyên một người bạn nếu không viết văn được thì hãy chuyển sang viết phê bình!: ):)

+ Scott Fitzgerald, tác giả Gatsby vĩ đại, nghĩ là mình có vấn đề về “kích thước”! :)

Thông tin về cuốn sách: Hội hè miên man, tác giả Ernest Hemingway, Phan Triều Hải dịch từ nguyên bản tiếng Anh Moveable Feast, Nhã Nam và NXB Hội nhà văn 2009, Biên tập viên Nhã Nam: Nhị Linh:)

30 comments:

  1. Tui chưa đọc Hội hè miên man, nên hông biết cái từ "phỉ phui" dùng trong ngữ cảnh câu văn nào, nhưng cái từ này là từ quen(với tui)(mặc dù tui cũng hổng phải người gốc Bắc). Từ này kiểu như khẩu ngữ mà bạn tui hay mắng tui "phỉ phui cái mồm mày" mỗi khi tui hay trù ẻo nó cái chi đó đại loại như "mày mà suốt ngày ăn mặc kín cổng cao tường này có ngày trai của mày hắn bỏ mày":)).

    ReplyDelete
  2. Trời mưa gió, bác GM sờ giò bác NL - no comment :)

    ReplyDelete
  3. Hồi trước thấy anh Nhị Linh giới thiệu có đoạn nói về Scott Fitzgerald nên đọc mỗi phần đó(không phải mua nữa), Hemingway chê thôi rồi, chân ngắn như đầu. Từ "phỉ phui" chắc nhầm với "phủi phui". Câu đầu sao giống khi sống ở Mỹ thế nhỉ:)

    ReplyDelete
  4. Em cũng giống bạn Nặc danh không biết ngữ cảnh của câu có từ "phỉ phui", nhưng thường hay dùng chữ đó để đệm trong câu làm giảm nhẹ.. Ví dụ trong hoàn cảnh này:

    X: Nói phỉ phui chứ, nhỡ anh ấy không qua khỏi lần này....
    Y: Phỉ phui cái mồm, thế nào anh ấy cũng qua khỏi.

    Như vậy "phỉ phui" trong câu của X là để rào đón trước rằng chuyện X sắp nói không phải là chuyện vui vẻ dễ chịu. Còn "phỉ phui" trong câu của Y cũng giống giống chữ "nói bậy không à" trong Nam, nói để khỏa lấp sự căng thẳng lo lắng của X.

    Em giải thích vậy không biết có rõ/chính xác không. Đợi biên tập viên của anh GM vô bàn thêm vậy :)

    ReplyDelete
  5. đây cũng là lần đầu tiên trong đời tui nghe đến từ "phỉ phui," kể cả những ví dụ mà các bạn comment ở trên tui cũng chưa bao giờ được nghe :p
    Cũng đang chờ nghe giải thích đây .

    ReplyDelete
  6. Nếu là "phủi phui" thì được dùng như bạn ẩn danh lúc đầu comment, nhưng chỗ em không dùng "phỉ phui". Nhưng thường em hay nghe từ người phụ nữ nói hơn đàn ông(thường là chửi:))

    ReplyDelete
  7. Đây đây, xin được nghiêng giò giải thích với các bác như sau:

    - Phỉ phui: tra từ điển chắc nhanh nhất hehe: http://tratu.vn/dict/vn_vn/Ph%E1%BB%89_phui, bác nào cẩn thận có thể tra thêm từ điển giấy cho chắc ăn.

    - Chỗ này Hemingway viết rất rối, tôi nhớ phải xoay đi xoay lại rất lâu. Bình thường muốn diễn đạt kiểu ý này tốt hơn hết là dùng cấu trúc "vừa... vừa...", nhưng khỉ cái là ở đây nảy sinh nhiều thành phần phụ quá, vừa trước vừa sau quá xa nhau còn khó hiểu hơn nhiều, cắt câu thì tôi không muốn, với một nhà văn như Hemingway (tiết lộ với các bác là trước nay rất ghét ông ấy, sau quyển này thì nể ơi là nể).

    - Ý kiến của bác thôi. Nếu không lạm dụng thì cũng không vấn đề gì.

    - "mang hẳn nó đến" chắc sẽ làm yên lòng bác GM hơn, nhưng đây là kiểu diễn đạt đặc trưng của Hemingway, bác thử xem nguyên bản xem.

    - Vì là... người đàn bà mà hehe. Lý do là vì kiểu nhân vật chỉ lướt qua rồi biến mất ngay (diễn viên quần chúng) thành ra ta nên chỉ thật rõ bà ấy chính là bà ấy :)

    - Có hai chỗ "bà ta" thay vì "bà" nhằm ngăn cách với Miss Stein rồi mà bác. Vả lại ngay đoạn trên tả Miss Stein xong xuôi, đến đoạn dưới này mới sang bà kia nên xác suất nhầm là nhỏ.

    Tên tác phẩm: có hẳn chiến lược mà bác không nhận ra đấy chứ hehe. Thống nhất từ đầu đến cuối là tên sách ghi nguyên bản, cái đó sẽ được dịch trong phần phụ chú nhân vật ở cuối sách (công trình tốn công tốn sức lắm đấy nhá), trừ tên truyện ngắn (vì làm phụ chú thì viết tên chung của tập thôi), và tên sách bằng tiếng Pháp (cũng chỉ có một trường hợp là Georges Simenon).

    Tôi xin nghiêng giò (trắng tinh) lần nữa ạ. Bác nào có gì phàn nàn nếu kiểm tra thấy đúng tôi xin được cảm tạ và sách tái bản sẽ sửa những chỗ ấy.

    ReplyDelete
  8. à quên mất "rượu trắng": translator's license :)

    ReplyDelete
  9. Okie, cảm ơn anh biên tập viên giò trắng. Như vậy từ đúng là "phỉ phui" còn "phỉ thui" là lỗi typo.

    Thức khuya như cú ấy nhỉ?

    ReplyDelete
  10. Bác đọc kỹ thật. Chuyện dịch thì mình ít có rờ giò lắm, vì qua bàn tay người dịch, ngôn ngữ cũng cần chế biến đôi chút cho nó hợp khẩu vị.

    ReplyDelete
  11. Em bắt giò chính tả anh Goldmund nhá :
    "Tôi đoán là từ gốc Bắc, nên đã hỏi cả một nhười Bắc chính gốc là cụ bà mà vẫn chịu"

    ReplyDelete
  12. Hôm qua em comment mà không được, anh "giò trắng" đã trả lời rồi nên thôi không phải giải thích hộ nữa.

    Em thích đoạn hạt dẻ, chắc là người đấy ăn cam, xong bóc vỏ hạt dẻ, liếm một cái, thấy không ngon như cam nên cho cả vỏ lẫn hạt vào lửa. Xong, gọn ! hì hì..

    -Land-

    ReplyDelete
  13. giò tôi trắng thật, trắng tinh tươm trắng mịn màng trắng mơ màng chứ không trắng làng nhàng, nhưng xin các bác lưu ý giữ privacy đừng để lộ điều đó ra đấy nhé

    ReplyDelete
  14. L'amant: Đã sửa. Nhưng cái đấy là typo, không phải chính tả.

    ReplyDelete
  15. Nhị Linh giò trắng nên mặc quần soóc nhiều con mắt thèm thuồng lắm đấy nhé.

    ReplyDelete
  16. ha! cái màn bắt giò xong giò (trắng) lại nghiêng tới nghiêng lui hay nhỉ. đọc mà cứ liên tưởng đến chuyện 2 lão pcthiện và bgiáng bắt giò (lông) của nhau mấy mươi năm trước.
    quả là thế hệ nào cũng có những mất mát và quả là cứ 1 nhà dịch (oops, nhà văn) thì có 100 nhà phê bình. tôi có dạo mê cái lối hưởng thụ trên đường ngao du của lão hemingway còn hơn văn của lão nên cũng cố trợn mắt trợn mũi thử sling, mojito, và chai margaux thì chần chừ ... xong đem bán lại lấy lời :)

    ReplyDelete
  17. Bác ấy cứ tự quảng cáo, chứ thực ra không trắng lắm đâu ạ. Có hoa là đằng khác, em biết.

    ReplyDelete
  18. Thành thực mà nói, tôi thấy cuốn sách này là một món trộn: xen giữa thứ tiếng Việt đẹp, là những đoạn đọc cứ như nhai cơm rang lạo chạo. Khác với bác Goldmund, tôi lại thấy phần cuối cuốn này có vẻ nhiều sạn hơn. Tôi thử lật một trang bất kỳ ở phía cuối, là trang 251, cũng có thể thấy một số câu đọc không được nhuyễn lắm, cũng có lẽ vì ở đoạn này Hemingway dùng khá nhiều câu phức tạp.

    "Không được khóa giầy vì khi ngã chân có thể gãy" (câu này lẽ ra phải có dấu phẩy ở sau "khi ngã").

    ...nhưng nàng có đôi chân đẹp vô cùng khỏe". Câu này nghe cứ trúc trắc thế nào.
    "Cả hai chúng tôi đều nắm rõ những kiểu tình trạng khác nhau của tuyết". Cụm từ "kiểu tình trạng" nghe cũng không giống tiếng Việt lắm.

    Thêm một điểm nữa, ở cuối sách có phần phụ lục nhân vật rất thú vị nhưng lẽ ra người dịch hoặc nhà xuất bản nên nói rõ là phụ lục này lấy ra ở đâu, từ bản tiếng Anh được dịch ra hay tự thêm vào.

    ReplyDelete
  19. Bác Linh nhận xét thế là tinh đấy, chương khó nhất trong cả quyển chính là chương cuối, "Không bao giờ có kết thúc với Paris", trong đó tài nghệ viết của Hemingway như là xuất phát một lần cuối, muốn nói rất rất nhiều điều trong không nhiều trang sách.

    Tôi sẽ cố gắng xem có thể sửa gì thêm không, nhưng cần phải công bình với người dịch, quyển sách thực sự rất khó, mặc cho vẻ ngoài đơn giản của nó. Tôi còn có thêm cả bản tiếng Pháp để đối chiếu, so sánh mà nhiều lúc vẫn thấy toát mồ hôi vì sợ. Riêng chương cuối này tốn rất nhiều thời gian trao đổi giữa dịch giả và biên tập.

    "Khi ngã chân có thể gãy": kinh nghiệm đọc sách của tôi là mỗi người có một nhịp đọc rất khác nhau, và ở mỗi người cũng khác nhau ở từng thời điểm: dấu phẩy vô thức sẽ đặt ở một vị trí khác ở mỗi lần đọc, nhưng dù sao tôi cũng thấy khó đánh dấu thành "khi ngã chân, có thể gãy".

    "... đôi chân đẹp vô cùng khỏe": ok sẽ nghĩ thêm.

    "kiểu tình trạng": khó nhỉ, tôi nghĩ vì ngay dòng dưới đã có giải thích ngay nên về việc hiểu chắc không vấn đề gì, nhưng nếu nghĩ ra cách giải quyết nào đẹp hơn thì tôi sẽ đề nghị với dịch giả.

    Phần Phụ lục: vì chọn cách không chú thích trong trang nhằm đỡ chặt nát mạch đọc ra thành thử các chú thích được xếp vào một "hồ sơ" ở cuối sách. Đây chỉ liên quan đến lựa chọn của từng nhà xuất bản thôi, và thường thì nếu trong hợp đồng bản quyền không quy định, quyền quyết định là của nhà xuất bản. Phần phụ lục lần này còn có thể hoàn thiện hơn nữa ở vài chỗ, đều sẽ có ở lần tái bản.

    ReplyDelete
  20. Vâng, nói một cách công bằng thì đây là cuốn sách rất hay. Đọc một cuốn sách mà cảm thấy thán phục tài năng của Hemingway và ngâm nga cả những câu văn, những đoạn tả cảnh, tả người rất hay thì có thể thấy công lao của người dịch và người biên tập không nhỏ.
    Chương cuối đúng là chương rất khó. Đột nhiên thấy Hemingway thay đổi cả giọng văn của mình, đang từ những câu ngắn chuyển sang những câu phức, dài và khó hiểu, với nhiều liên tưởng xuôi ngược. Ông cũng không kị dùng tính từ như bình thường (một ví dụ là câu "đôi chân đẹp vô cùng khỏe" trích ở trên). Thành ra đọc xong chương này vẫn cảm thấy băn khoăn, muốn đọc lại bản tiếng Anh để hiểu rõ hơn (nếu có thể hiểu được).
    Bạn Nhị Linh cho hỏi, cái đoạn về "bọn nhà giàu" với tay "cá mồi" trong chương này là nhằm ám chỉ những người/loại người nào?

    ReplyDelete
  21. haha, bác lại tiếp tục động đến đúng yếu huyệt của cả quyển, mấy đoạn khó nhất, mấy câu khó nhất

    ở đây chắc chắn "pilot fish" là một nhân vật có thật, Hemingway rất căm nhưng có vẻ như là căm đến mức nhất định không chịu nói tên ra, và nâng lên thành một loại người, theo thiển ý của dịch giả và người biên tập thì đó là những tay dắt mối, đưa bọn nhà giàu (có thể hiểu là philistin) tiếp xúc với các nghệ sĩ, lúc đầu tưởng như là để giúp đỡ nhưng thực chất là hủy hoại sự sáng tạo cũng như cuộc sống riêng tư

    ReplyDelete
  22. à ha, ra là vì tác giả qua đời trong lúc chưa viết xong đọan cuối nên mới sinh ra lắm còm men thế này.
    chắc mình cũng phải vác thân lười vào thư viện lôi ít nhất 1 bản về đọc thử.

    ReplyDelete
  23. đi tìm thêm thì quả thực điều tôi đoán dường như là đúng: có vẻ như nhiều người nghĩ rằng nhân vật "cá mồi" là John Dos Passos:

    http://clarksclassicflyrodforum.yuku.com/topic/27623/t/Hemingway-s-Pilot-Fish-.html

    http://en.wikipedia.org/wiki/John_Dos_Passos

    còn John Dos Passos là ai? là một nhà văn hiếm hoi được Jean-Paul Sartre khen ngợi nức lời trong tập 1 bộ "Situations"

    ReplyDelete
  24. Bác Kiki xem có nhón được một quyển của thư viện thì cho em xin:) Em cũng đang muốn tìm đọc bản gốc.

    Cái anh John Dos Passos quả tình không quen!

    ReplyDelete
  25. haha, chắc phải lấy lại lời nói vì bản thảo quyển sách này chỉ có ở thư viện Kenedy (Boston, MA) cách nơi tôi ở chắc phải trên nghìn dặm. muốn lắm đều có lẽ nên đọc cả 3 bản: bản thảo, bản in năm 1964 do vợ 4 tác giả viết đoạn kết, bản phục hồi in năm 2009 do cháu ông viết lại đoạn kết. để giờ đọc sách nuôi con cho nó ích nước lợi nhà :)

    ReplyDelete
  26. John Dos Passos có bộ U.S.A. nghe nói kinh khủng lắm mà mình vẫn chưa có dịp đọc :(. Bạn Nhị Linh đọc bộ này chưa?
    Trong đoạn bọn nhà giàu, thấy Hemingway còn nhăc tới một phụ nữ trẻ chơi trò threesome với cặp vợ chồng, hehe. Chắc đó là người vợ thứ hai của ông ta phải không? Nếu đúng thì nói về vợ thứ hai như thế cũng hơi bị phũ.

    ReplyDelete
  27. "In later years, Hemingway would give Dos Passos the derogatory moniker of "the pilot fish" in his memoirs of 1920s Paris, A Moveable Feast."
    http://en.wikipedia.org/wiki/John_Dos_Passos

    ReplyDelete
  28. Hình như em có một quyển trong bộ đó, nhưng chưa bao giờ đọc cả :) Đúng bà đó đấy, Pauline. Bác search trên mạng có thể tìm được trên The New York Times đăng toàn bộ chương cuối theo đúng bản thảo gốc, tức là không phải bản đã bị Mary (vợ 4) pha trộn mà theo báo chí là theo đúng bản Hemingway để lại. Người làm lại này (cũng mới đây thôi) là cháu Hemingway, dòng Pauline :)

    Chương đó không tên là "Không có kết thúc với Paris" mà tên đúng là The Pilot Fish and the Rich hay cái gì đó tương tự.

    ReplyDelete
  29. những ngày không đẹp trời và thèm món cháo lòng vô cùng hu hu

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN