Saturday 30 May 2009

"Khuôn mặt em phi điên cuồng"

Những thời điểm khác nhau tôi bị ám bởi những câu thơ khác nhau. Hôm nay đang bị ám bởi câu này "Khuôn mặt em phi điên cuồng". Câu này thuộc loại đọc một cái thì giật mình, lắc đầu, nếu cầm bút chỉ muốn bẻ bút (cũng may tôi đã tự bẻ bút từ lâu!), còn nếu tác giả ở ngay trước mắt thì sẽ sụp xuống lạy luôn mấy lạy. Tôi không diễn tả được nó hay như thế nào, chỉ biết đọc xong thì choáng váng mặt mày, chỉ chực té lăn quay ra đất. Ngôn ngữ ngày xưa gọi những câu thế này là tuyệt cú, là thần bút.

Đây là một câu thơ của Lãng Thanh, một nhà thơ tài hoa bạc mệnh, sinh 1977, mất 2002 vì bị một người bà con nghiện ma túy sát hại. Thơ của Lãng Thanh chỉ được in ra sau đã mất. Chỉ với một tập thơ vỏn vẹn 14 bài đã in, Lãng Thanh đã để lại theo tôi không dưới chục câu thơ thuộc loại thất kinh bạt vía như câu thơ trên. Tài cao đỏan số, thật đúng trời ghen. Người đáng sống thì chết sớm, ngừơi đáng chết lại sống nhăn răng.

Tết Đoan Ngọ ngày hôm kia. Nhiều người rủ nhau đi trừ sâu bọ. Năm nào cũng trừ vậy mà vẫn nhan nhản sâu bọ đội lốt người.

Wednesday 27 May 2009

Viết cho Đơn Dương



Tôi sinh ra và lớn lên ở thị trấn Dran, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Nhắc tới Lâm Đồng, người ta thường chỉ biết đến Đà Lạt. Đà Lạt quá nổi tiếng rồi, dù rằng cũng như rất nhiều trường hợp nổi tiếng khác, nổi tiếng chưa chắc đã có nghĩa là “hay”.

Đơn Dương ít người biết đến, trừ những người sinh ra và lớn lên ở…Đơn Dương. Nổi tiếng nhất ở Đơn Dương có lẽ là đập thủy điện Đa Nhim. Thời lâu lắm rồi, thủy điện Đa Nhim, vốn được người Nhật xây để bồi thường chiến tranh, được xếp vào hàng lớn thứ ba cả nước. Sau này, với sự ra đời của Trị An, Hòa Bình, Ya Li..., Đa Nhim không biết được xếp hạng thứ mấy. Dẫu sao Đơn Dương vẫn được coi là quê điện. Điều đó không ngăn cản quê điện bị cúp điện thường xuyên, có khi đến ba ngày một tuần, chắc là để nhường cho những thành phố lớn, Sài Gòn chẳng hạn, lấp lánh ánh đèn hoa lệ hằng đêm.

Thị trấn Dran là “thủ phủ” của Đơn Dương. Giống như người Sài Gòn gọi quận I là Sài Gòn, người Đơn Dương gọi Dran là Đơn Dương. Điều này có nghĩa ở Thạnh Mỹ (kiểu như Gò Vấp), Ka Đơn (kiểu như Bình Chánh) mà muốn ra Dran, người ta sẽ rủ nhau: “Đi Đơn Dương chơi không?”. Trong bài viết này kể từ đây trở đi, khi nói tới Đơn Dương bạn sẽ hiểu tôi đang nói tới Dran, “thủ phủ” của Đơn Dương, nơi có ba con đường (Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng) và một cái bùng binh (mà dân địa phương khi chạy xe không bao giờ đánh vòng quanh), sau này được bổ sung thêm một số tên đường cho dù không có con đường nào mới mở.

Ai hỏi Đơn Dương ở đâu, tôi sẽ chỉ đường như thế này: Anh/chị/bạn đi Đà Lạt chưa? Thế này nhé, từ Sài Gòn đi Đà Lạt, khi còn cách Đà Lạt khoảng 25 cây số, sẽ có một ngã ba tên là ngã ba Finom. Thay vì rẽ hướng lên Đà Lạt, anh/chị/bạn rẽ hướng kia, đi khoảng 25, 26 cây số sẽ tới Đơn Dương. Đơn Dương rất nhỏ, nên bạn đừng đi nhanh quá coi chừng vuột mất. Đi thẳng đường đó, bạn sẽ đổ đèo Ngoạn Mục xuống Song Pha rồi Phan Rang.

Đà Lạt cao 1,500 mét so với mặt nước biển. Đơn Dương thấp hơn 500 mét, nghĩa là vẫn cao khoảng 1000 mét so với mặt nước biển. Nhờ đó, Đơn Dương có một khí hậu tuyệt vời. Mùa Đông, nhiệt độ sáng sớm và tối khoảng 15 độ, ban ngày khoảng 20-22 độ C. Mùa hè, giữa trưa, nhiệt độ trong nhà ít khi vượt quá 28 độ. Ở Sài Gòn, buổi tối đi ngủ tôi mở máy lạnh ở mức 27 độ C. Từ khi có con, tôi mở mức 28 độ C vì sợ bé nhiễm lạnh. So sánh thế để biết, Đơn Dương là một cái máy lạnh khổng lồ, chẳng những không tốn điện, mà còn hết sức “sinh thái”, phù hợp với với những tiêu chuẩn văn minh nhất về môi trường. Cái máy lạnh ấy có cái nhiệt độ tự nhiên của trời đất, có cái gió rì rào triền miên của những đồi thông vây quanh.

Đơn Dương là một thung lũng. Đứng bất cứ chỗ nào ở Đơn Dương, nhìn đi hướng nào bạn cũng thấy đồi thấy núi. Những đồi thông, những đồi thông. Khi tôi còn bé, tôi thường theo anh leo lên một trong những đồi thông quanh thị trấn lấy củi. Chúng tôi không bao giờ mang giày. Vào những năm 80 ấy, giày là một khái niệm xa lạ đối với trẻ con và phần đông người lớn. Chúng tôi đi chân không trên những đoạn đường nhựa nóng bỏng, trên những đoạn đường đất nho nhỏ men chân đồi lấp xấp cỏ ống, cỏ gà, cỏ mực, lội qua một con suối rồi trèo lên một, hai, ba, hoặc bốn con dốc. Chúng tôi tìm những thân cây đã gãy khô, chặt ra một đoạn vừa sức vác rồi mang đi. Đi trong núi, tôi có những cảm giác kỳ lạ mà mãi mãi về sau này tôi không bao giờ có được. Thông cứ reo rì rào như lúc nào cũng có ai đó đang nói chuyện, mùi nhựa thông phảng phất, bước chân chúng tôi trệu trạo trên lá thông khô, trên đá dăm. Đá dăm có thể găm vào gót chân chúng tôi, những gót chân bao giờ cũng nứt nẻ, có khi bật máu vào mùa đông. Ấy là mãi sau này khi đã thành người thành phố có gót chân mịn màng tôi mới nhớ lại, chứ ngày ấy tôi không để ý. Má tôi cũng không để ý. Chẳng ai để ý cả, vì hầu như gót chân ai cũng nẻ.

Những đồi thông bây giờ vẫn còn đấy, nhưng cây đã trở nên thưa nhiều vì năm nào cũng cháy rừng, rồi người ta phá rừng làm rẫy, làm nhà. Bây giờ chẳng mấy ai nấu củi nữa, nhà nào cũng xài bếp ga hay điện, trẻ con không còn phải đi lên núi. Thay vào đó, chúng đi chơi game. Chơi game, nếu không nghiện cũng không có gì xấu. Chỉ có điều chúng không có cơ hội leo núi, không được đứng giữa đồi thông để nghe thông rì rào, không được nằm trên thảm lá thông để ngắm nắng lọt qua tán cây, và cũng không bị đá dăm găm vào chân. Chúng có mơ mộng như tôi không?

Đon Dương, mùa mưa. Đã bao nhiêu năm rồi tôi không về Đơn Dương vào mùa mưa? Hỏi là để nhớ. Nhớ năm nào tháng chín, cứ vào mùa tựu trường là mưa dai mưa dẳng. Mưa một tuần, mưa hai tuần thậm chí cả tháng liền, hầu như không dứt. Mưa lúc to, lúc nhỏ, rỉ rả suốt ngày, rả rich suốt đêm. Đất đỏ từ những triền đồi chảy khắp mặt đường, những con đường bẩn và hẹp càng trở nên bẩn hơn, hẹp hơn. Ai ra đường cũng quần xắn quá gối, lùng nhùng trong một đống áo mưa. Đơn Dương ngày trước nhiều nhà làm bằng gỗ, mưa thấm vào gỗ sau nhiều ngày toát ra mùi hăng hắc. Cái mùi ấy theo tôi cả đời. Ngay lúc này đây, nhắm mắt lại, hít vào nhè nhẹ, là tôi hình dung ra mùi ấy ngay. Mùi của một ngôi nhà, mùi của một vùng quê, đã thấm vào người không bao giờ dứt được. Hình dung ra mùi ấy tôi cũng hình dung ra gương mặt ba má, anh chị tôi , rồi thầy cô, bạn bè cũ. Rồi hình dung ra cái hồ xi măng chứa nước mưa sau nhà, ra cái máng xối nghẹt đầy lá vú sữa, ra con mương trước nhà nước tràn be, đỏ quạch. Lần gần đây nhất về nhà con mương ấy đã được lấp xi măng rồi, không biết bây giờ trời mưa nước chảy đi đâu.

Đơn Dương, mùa đông, mùa đẹp nhất năm khi hơi lạnh treo trên từng hơi thở, khi đầu ngọn cỏ lóng lánh sương, bầu trời xanh trở nên khoáng đạt, nắng óng như rơm. Và hoa quỳ vàng. Hơn một người đã phải lòng cái màu vàng của hoa quỳ miền cao nguyên vốn chỉ nở rực vào những ngày lạnh nhất... tháng mười một, tháng mười hai. Càng lạnh hoa càng rực rỡ. Tháng mười hai qua, hoa rụi dần. Để rồi Tết đến, khi trăm ngàn loại hoa khác đua nhau khoe sắc, thì những cụm hoa quỳ ven triền đồi chỉ còn trơ lõi, xấu xí, thảm hại. Hoa quỳ là sứ giả của mùa đông cao nguyên. Mùa đông không có nhiều sứ giả, nên hoa quỳ là sứ giả hiếm hoi và độc đáo. Du khách đến trầm trồ đã đành, dân bản xứ tha hương, cứ những ngày tiết trời se se lạnh lại bồi hồi nhớ cái màu vàng ấy. Cái màu vàng bàng hoàng những triền đồi. Ngày xưa, có anh chàng sinh viên đi học đại học ở Sài Gòn, hứa với một cô bạn rằng về quê ăn Tết xong sẽ mang hoa quỳ vào, nhưng Tết xong thì làm gì còn hoa quỳ. Anh chàng đâm ra thơ thẩn:

“Khi anh về hoa quỳ thôi nở
Còn biết tìm đâu quà tặng em
Anh xoa tay cho ấm mùa nắng vỡ
Ngủ trong mây một áng trăng mềm”

Đơn Dương, tôi đã đi xa nhiều năm rồi. Mỗi năm trở về thấy đường phố nhiều ổ gà hơn, bụi nhiều hơn, cả thị trấn mòn đi, cũ đi. Người trẻ đi xa, người già ở lại. Cái rạp xi-nê duy nhất của thị trấn, luôn đông nghẹt người những năm tám mươi bị bỏ hoang, khai ngáy. Thị trấn không còn hiệu sách, không còn sân banh, công viên thì chưa bao giờ có. Tôi đứng trước sân nhà, mắt nhìn về phía núi, cố nhìn ra những con dốc mình đã leo ngày xưa. Tôi đã đi và leo nhiều con dốc khác trong cuộc đời, tuy chưa đến đỉnh nhưng chắc chắn không còn trong thung lũng. Mắt tôi nhìn bốn phía không còn bị chắn bởi những đồi những núi, nhưng lòng tôi sao vẫn mãi hoang mang?

Tháng 5/2009

Tuesday 26 May 2009

Rõ đầu, rõ mặt, rõ hai tai

1. Trích Nghị định 34/2008/NĐ-CP ngày 25/3/2008 của Chính phủ về điều kiện để một người nước ngoài có thế làm việc tại Việt Nam:

1. Đủ 18 tuổi trở lên;

2. Có sức khỏe phù hợp với yêu cầu công việc;

3. Là nhà quản lý, giám đốc điều hành hoặc chuyên gia theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 2 của Nghị định này;

4. Không có tiền án về tội vi phạm an ninh quốc gia; không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành hình phạt hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật nước ngoài.

5. Có giấy phép lao động do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ các trường hợp không phải cấp giấy phép lao động quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này.


Cũng trong Nghị định này “Nhà quản lý, Giám đốc điều hành’’ được định nghĩa là những người trực tiếp quản lý doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam, chỉ chịu sự giám sát hoặc chỉ đạo chung từ hội đồng quản trị hoặc các cổ đông của doanh nghiệp hoặc cấp tương đương; quản lý doanh nghiệp bao gồm việc chỉ đạo doanh nghiệp đó hoặc một phòng, ban hoặc một đơn vị trực thuộc. Còn "Chuyên gia“ người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao về dịch vụ, thiết bị nghiên cứu, kỹ thuật hay quản lý (bao gồm kỹ sư hoặc người có trình độ tương đương kỹ sư trở lên; nghệ nhân những ngành nghề truyền thống) và người có nhiều kinh nghiệm trong nghề nghiệp, trong điều hành sản xuất kinh doanh và những công việc quản lý.


Như vậy, theo luật hiện hành, chỉ những người nước ngoài nào là nhà quản lý, giám độc điều hành hay có trình độ chuyên gia mới được phép làm việc ở Việt Nam. Những người này phải xin giấy phép lao động. Hồ sơ xin giấy phép lao động cũng được quy định chi tiết trong Nghị định 34, bao gồm đơn, lý lịch tư pháp, lý lịch tự thuật, giấy khám sức khỏe, bản sao giấy chứng nhận về trình độ chuyên môn hoặc xác nhận về kinh nghiệm, và 3 ảnh màu. Quy định về ảnh cũng hết sức chặt chẽ: kích thước 3x4cm, đầu để trần, chụp chính diện, rõ mặt, rõ hai tai, không đeo kính, phông ảnh máu trắng, ảnh chụp không quá sáu tháng kể từ ngày nộp hồ sơ. Tất cả các hồ sơ này nếu cấp tại nước ngoài điều phải được công chứng, chứng thực, hợp pháp hóa lãnh sự và dịch ra tiếng Việt. (Thực tế, phải mất từ hai đến ba tháng để hoàn chỉnh một bộ hồ sơ xin giấy phép lao động. Nếu suông sẻ, Sở Lao động sẽ cấp giấy phép lao động trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, tức 3 tuần. Thực tế, thời gian này thường kéo dài hơn, và Sở Lao động có thể yêu cầu thêm hồ sơ).


Điều 18.4 của Nghị định 34 giao cho Sở Lao động Thương binh xã hội các tỉnh thành trách nhiệm kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của Nghị định 34.


Điều 15.3 của Nghị định cũng quy định rằng sau 06 (sáu) tháng làm việc tại Việt Nam nếu người lao động nước ngoài không có giấy phép lao động thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Bộ Công an ra quyết định trục xuất khỏi Việt Nam.


  1. Trích Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về vấn đề bauxite:


Phần xây dựng Nhà máy luyện alumin (gói thầu EPC): chủ yếu do lao động của nhà thầu Chalieco, Trung Quốc thực hiện, một phần do lao động Việt Nam thực hiện. Số lượng lao động Trung Quốc tại công trường nhà máy alumin hiện nay (tháng 5 năm 2009) khoảng 600 người, lao động Việt Nam khoảng 350 người.


Câu hỏi 1: Phải chăng lao động của nhà thầu Chalieco, lực lượng chủ yếu xây dựng Nhà máy luyện alumin, đều là nhà quản lý điều hành, giám đốc điều hành, chuyên gia theo quy định của Nghị định 34?


Câu hỏi 2: Liệu 600 lao động Trung Quốc hiện đang tại có mặt tại công trường đều có giấy phép lao động theo quy định của Nghị định 34?


Câu hỏi 3: Nếu 600 lao động này không có giấy phép lao động, liệu họ có bị trục xuất theo quy định tại Nghị định 34?


Câu hỏi 4: Nếu câu trả lời cho tất cả 3 câu hỏi trên là KHÔNG, thì câu hỏi phải đặt ra là gì?

  1. Trích phần trả lời phỏng vấn Vietnamnet của ông Lê Thanh Phong, Bí thư Đảng ủy Lâm Đồng:

VNN: Ông có thể nói gì về số lượng lao động phổ thông nước ngoài đang làm việc ở Tân Rai như vừa rồi báo chí đã mô tả?

LTP: Sơ sót ban đầu của TKV là không kí kết ràng buộc về sử dụng lao động VN với Chalieco. Theo con số chúng tôi nắm được, hiện có 643 lao động Trung Quốc ở dự án, trong đó cán bộ quản lý là 156 người. Công nhân làm việc trực tiếp (lao động phổ thông) là 487 người, trong đó có 47 nữ. Số người có hợp đồng lao động trên 3 tháng là 490 người. (...)

VNN: Với số lao động không hợp pháp này, các ông đã chấn chỉnh thế nào?

LTP: (...) Không trục xuất người ta ra ngay được, đuổi người ta đi đâu. Đã đưa vào rồi. Chỉ yêu cầu nhà thầu từ nay trở đi làm đúng quy định của VN. Không lí họ vào rồi, bằng hình thức này hình thức kia, còn quan hệ quốc tế giữa hai bên, không phải muốn làm gì cũng được. Vì thế, trong xử lý công việc cũng phải hết sức thận trọng, không phải làm sao cũng được

Hiện giờ chúng tôi đang làm, giao cho các ngành chức năng làm việc với chủ đầu tư và chủ đầu tư làm việc lại với họ. Bây giờ phải từng bước hạn chế và đi đến chấm dứt cái chuyện hợp đồng chui này, họ phải đưa công khai và theo quy định của pháp luật Việt Nam. Cái này chúng tôi nhắc nhở họ qua nhà đầu tư chứ bản thân Lâm Đồng cũng không làm việc trực tiếp với họ được.

VNN: Nhưng vừa rồi, một lãnh đạo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nói rằng, không chấp nhận lao động phổ thông là người nước ngoài?

LTP: Hợp đồng giữa tập đoàn TKV và nhà thầu Chalieco không đặt vấn đề lao động trong quá trình đó là ai. Khi trúng thầu rồi, nhà thầu vì lợi ích của người ta, vì mục tiêu của họ để hoàn thành các hạng mục công trình, họ có quyền thuê công nhân. Mình không bắt họ làm được vì trong hợp đồng không ràng buộc.

Câu hỏi 1: Hợp đồng và luật cái nào cao hơn? Hợp đồng phải theo luật hay luật phải theo hợp đồng?


Câu hỏi 2: Tại sao không trục xuất được khi Nghị định 34 đã quy định biện pháp chế tài này?


Câu hỏi 3: Tại sao Lâm Đồng không trực tiếp làm việc với họ được khi Nghị định 34 đã trao quyền kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các tỉnh trực thuộc Ủy Ban Nhân Dân tỉnh?


Câu hỏi 4: Ông Lê Thanh Phong giữ chức vụ gì ấy nhỉ?

Sunday 24 May 2009

Để những giấc mơ đẹp về...mì gói sẽ luôn bên em...

Có hai chương trình tivi mà cả nhà tôi thường xuyên theo dõi: thứ nhất là chương trình thời sự của VTV, và thứ hai là Chúc bé ngủ ngon của VTV3. Chả là vì nhà tôi có hai khán giả nhí, rất nhí: Alpha gần 3 tuổi, và Pi, 20 tháng tuổi.

Chúc bé ngủ ngon thường được phát khoảng 9 giờ tối hàng ngày. Chương trình có chị Kính Hồng mặc váy hồng và dĩ nhiên đeo kính hồng, có cậu bé Nam thần đồng ngoại ngữ và dịch thuật và hai bạn Thỏ Láu láu lỉnh và Heo Mập háu ăn, có bài hát “Bé ơi ngủ ngon đêm đã khuya rồi, để những giấc mơ đẹp sẽ luôn bên em”. Chương trình sinh động, nhiều màu sắc, giáo dục nhẹ nhàng, hai khán giả nhí nhà tôi rất mê. Tối tối, sau khi măm xong mỗi đứa một bình sữa, hai chị em nhảy phốc lên sofa, nghếch mắt lên tivi, chờ. Alpha nói rành rồi nên hay hỏi “Hôm nay có Chúc bé ngủ ngon chưa ba?”. Dạo này tất cả các câu hỏi của Alpha đều bắt đầu bằng từ “hôm nay”.

Thường tôi trả lời con đợi một chút xúi nha, sắp có rồi đó. Hôm nay, hai đứa ngồi chóc ngóc trên sofa, mắt dán lên tivi, coi quảng cáo tạp chí truyền hình, quảng cáo phim mới, dầu gội đầu trị gàu, sữa, mì ăn liền, rồi lại sữa. Mí mắt cu Pi muốn sụp xuống, nhưng vẫn nghếch mặt nhìn tivi chăm chú. Alpha sốt ruột: “Sao lâu thế ba?”. Chữ “thế” luôn được nhấn mạnh và kéo dài. Tôi động viên, con ráng chờ chút xíu, chắc sắp có rồi đó. Thì có thiệt! Nhạc hiệu Chúc bé ngủ ngon nổi lên, có chiếc nón đủ màu quay quay. Alpha reo lên: “Có Chúc bé ngủ ngon rồi!’ Mắt cu Pi bừng sáng. Nhưng chỉ vừa hết nhạc hiệu thì lại tèng teng teng chương trình quảng cáo. Hai đứa lại phải ngồi coi mì gói, tã lót siêu thấm, sữa chúng tôi là những con bò. Tổng cộng hai khán giả nhí phải coi hơn chục mẩu quảng cáo trước và sau nhạc hiệu, tổng thời gian có lẽ dài hơn chương trình Chúc bé ngủ ngon vốn chỉ dài 5 phút.

Hôm nay có nghĩa là “dạo gần đây”. Dạo xa hơn một chút không đến nỗi tệ như thế. Chắc từ ngày chương trình thêm ăn khách, nhà đài mới tranh thủ nhồi nhét nhiều quảng cáo hơn, một cách hành xử rất quen thuộc và rất “thị trường”, bất kể đối tượng khán giả chương trình là các bà nội trợ mê phim Hàn Quốc hay trẻ con nói chưa sõi đều được đối xử bình đẳng trước …lợi nhuận. Chương trình nào chả là chương trình, phải không VTV? Chỉ tội các khán giả rất nhí, nhí đến nỗi đi tè có khi còn chưa biết gọi, nhiều lúc mắt mở không lên mà vẫn phải nuốt bao nhiêu mẩu quảng cáo trước khi được coi chương trình yêu thích của mình.

Bé ơi ngủ ngon đêm đã khuya rồi, để những giấc mơ đẹp về mì gói, tã lót, dầu gội đầu trị gàu.v.v. sẽ luôn bên em!

Đừng hỏi tại sao

Cải cách giáo dục là vấn đề trọng đại. Tính “trọng đại” của vấn đề này là hiển nhiên, không phải bàn cãi. Điều cần bàn cãi, là cải cách như thế nào thôi!


Theo dõi tin tức trên mạng vài ngày gần đây, tôi nảy ra một sáng kiến nho nhỏ, mong muốn đóng góp vào công cuộc cải cách giáo dục trọng đại và vĩ đại của nước nhà.


Tôi nhận thấy, học sinh từ tiểu học đến trung học phải học hàng chục môn, thế nhưng không môn nào dạy cho các em kỹ năng đặt câu hỏi cả. Không dưng tự nhiên mà chúng ta có từ “học hỏi”. Từ xưa đến nay, hỏi luôn đi kèm với học. Học là để hỏi, hỏi là để học. Không thể học nếu không hỏi. Không hỏi tức là không biết học. Học mà không hỏi tức là không học. Hỏi mà không học thì làm sao biết cách hỏi. Vậy nên tôi mới đặt vấn đề, phải dạy học sinh cách đặt câu hỏi.


Vì chưa được học cách đặt câu hỏi, nên chúng ta (nên nhớ tất cả chúng ta đều từng là học sinh) không biết cách đặt câu hỏi. Tệ hơn, chúng ta có thể hỏi không đúng chỗ. Hỏi không đúng chỗ làm sao người được hỏi trả lời được. Cho nên, rất mong Bộ Giáo dục và đào tạo chú trọng đến việc dạy kỹ năng hỏi trong nhà trường. Để sau này, không ai lại đi hỏi Bộ trưởng Bộ giáo dục cái câu “Tại sao trường học lại thiếu nhà vệ sinh?”. Hỏi như thế là không đúng chỗ.


Xem Đừng hỏi Bộ trưởng vì sao trường học thiếu nhà vệ sinh



Friday 22 May 2009

Đánh răng buổi tối

* Sáng đánh răng cho hơi thở thơm tho, còn tối trước khi đi ngủ cũng phải đánh răng kẻo không hỏng hết hàm răng ngà ngọc:)

* Nhân chuyện cái bác phê bình tre trẻ, xấu như cú và khó tính như ma ở bên kia kể chuyện hồi bé đọc toàn giấy gói xôi, chợt nhớ hồi bé tồi toàn đọc giấy gói bánh mì (lol). Nói xạo một chút, chớ hồi nhỏ bánh mì cũng không có ăn, lấy đâu ra giấy gói. Nhưng ham đọc là chuyện có thật, âu cũng do "gặp thời thế thế thời cũng thế", ngoài sách ra có phương tiện giải trí nào khác đâu. May mà nhà tôi có tủ sách cũng kha khá. Sau khi chén hết các thể loại Timua và đồng đội, Buratinô etc. trong tủ sách của mấy anh chị em, tôi tấn công sang tủ sách của ba. Chính xác là những gì còn sót lại trongh tủ sách của ba. Sau 75, ba tôi sau một thời gian giấu giếm số sách của mình, đã đứt ruột đốt luôn phần lớn gia tài sách của mình mong triệt tiêu mối lo sợ thường trực. Những gì còn lại chủ yếu là sách khảo cứu, văn hóa, phong tục, nếu ai bắt gặp "chắc cũng không sao". Hầu hết những cuốn này đều của các nhà Khai Trí, Lá Bối, bìa luôn được bọc một lớp ni-lông mỏng, cuối sách hay có phần giới thiệu những nhan đề khác cùng nhà sách. Tôi đọc những cuốn như Cười của Dương Tấn Tươi, Bảng lược đồ văn học Việt Nam của Thanh Lãng, Cao Nguyên Miền Thượng, Gia Định Xưa và Nay, v.v. say mê không kém gì... Mít Đặc và Biết Tuốt. Để quản lý cái sự đọc lộn xộn của tôi, một hôm ba tôi ra sắc lệnh muốn đọc cuốn gì phải xin phép trước. Tôi còn nhớ theo chế độ quản lý mới này cuốn đầu tiên tôi xin phép đọc là Tín Ngưỡng Việt Nam. Ba tôi cười sặc sụa. Năm đó tôi học lớp 4.

* Không biết tại hồi nhỏ toàn đọc những cuốn dày dày đâm ra lớn lên tôi không khoái mấy cuốn mỏng mỏng, những truyện ngăn ngắn lắm. Tôi nghĩ nhà văn oách phải viết được truyện dài, truyện ngắn ai viết chả được! :) Vì lẽ đó tôi hầu như không có khả năng đọc được một tập truyện ngắn cùng một lúc, tới nay chỉ có hai ngoại lệ là Nguyễn Huy Thiệp và Marcel Ayme (Người đi xuyên tường). Tôi cảm thấy rất khó khăn khi sau 5, 10 phút đã phải rời không gian truyện này, để bắt đầu lại từ đầu, khởi sự đi vào không gian truyện khác, cảm thấy đầu bị giật lục cục. Tôi thích đọc cái gì dài dài hơn, tôi thả sức miên man trong đó mà không sợ đầu óc bị giật lục cục. Cuốn nào hấp dẫn, tôi có thể đọc một mạch. Đồi gió hú, Báu vật của đời, hay Nửa kia của Hitle, chừng một đêm là xong. Tiếu ngạo giang hồ thì hai ngày. Tư duy kinh tế Việt Nam 1975-1990 của Đặng Phong thì mất chừng 3 tiếng (cuốn này hấp dẫn chả kém tiểu thuyết)!

* Thật ra ngoài Nguyễn Huy Thiệp và Marcel Ayme, còn một tác giả truyện ngắn mà tôi cũng đọc hết một lần. Vì bị tác giả ép! :) :)


Thursday 21 May 2009

Đánh răng buổi sáng

1. Hôm nay không phải họp hành gì nên quyết định sử dụng quyền WFH của mình. Tiết kiệm được hơn một tiếng đồng hồ rong ruổi trên đường. Dành thời gian ấy lượng một vòng quanh net. Thêm blog của chị gái này vào danh sách blog. Vẫn nhớ cái bài Cốm ngày xưa của chị. Hóa ra bao nhiêu năm qua chị vẫn đẻ thơ tù tì. (Chú thích: WFH là working from home, một số công ty của các bọn tư bản đang giãy chết hay có trò này. Đại khái nếu anh không phải gặp gỡ face to face ai đó ở văn phòng thì anh có quyền ở nhà, miễn sao công việc vẫn chạy là được. Rất chi là result oriented.)

2. Đêm qua vừa đọc xong Không phải huyền thoại của Hữu Mai, có dòng quảng cáo rất to trên bìa "Tiểu thuyết lịch sử đầu tiên về đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ". Chính vì dòng quảng cáo này mà tôi rất háo hức mua nó về, vì rất muốn xem nhân vật Võ Nguyên Giáp được xây dựng trong tiểu thuyết sẽ như thế nào. Đọc xong có thể kết luận được dòng quảng cáo kia gây nhầm lẫn (misleading) nghiêm trọng (misleading là một khái niệm trong luật quảng cáo) bởi vì cuốn sách này chắc chắn không phải là tiểu thuyết. Nó gần giống như sách kể chuyện lịch sử, kết hợp với hồi ký của một số nhân vật trong đó có chính tác giả, pha trộn một số trang sách của các tác giả nước ngoài, đặc biệt là Bernard Fall. Có thể tác giả gọi cuốn sách của mình là tiểu thuyết để tự cho mình quyền bỏ qua những yêu cầu nghiêm nhặt về khảo cứu và trích dẫn tư liệu mà một cuốn non-fiction nghiêm túc cần phải có. Tuy nhiên, điều này khiến độc giả phải nửa tin nửa ngờ. Những gì tác giả viết trong cuốn sổ dường như là sự thật hoặc rất gần với sự thật, nhưng chính cha đẻ của nó lại gọi là tiểu thuyết nghĩa là phải có yếu tố hư cấu, thế thì biết nghĩ sao bây giờ.

3. Vài hôm trước đây, có dụ dỗ một nhà phê bình tre trẻ, xấu như ma và khó tính như cú bình luận về Trại hoa đỏ của DiLi, nhưng không thấy nhà ấy nói gì, chắc lại chê hàng nội. Với các bạn mê truyện trinh thám và giàu lòng yêu nước, ủng hộ chủ trương người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, tôi rất nồng nhiệt giới thiệu các bạn cuốn này. Cho dù hơi lạm dụng những thây ma và các chi tiết tình cờ, đây vẫn là một cuốn truyện hấp dẫn và không có quá nhiều tình tiết vô lý. Chắc chắn hấp dẫn hơn cuốn Người vô tội của Coben mà nhà phê bình xấu như ma và khó tính như cú kia từng giới thiệu. À, mà cho dù không hấp dẫn bằng đi nữa, thì tại sao không ủng hộ hàng nội cơ chứ. Chúng ta đều là những người yêu nước cơ mà!


Monday 18 May 2009

Ông Trần Đình Đàn không phải là Quốc hội

Tôi vốn không phải là người "nhiều chuyện". Blog này lập ra chủ yếu để thơ ca hò vè đá nhăng đá cuội vớ vẩn tí, coi như là giải trí lành mạnh. Những vụ như bô xít Tây Nguyên, website china này nọ kia, tôi đọc tin, ít khi đưa ra ý kiến. Nhưng hôm nay đọc tin này, không thể không mở mồm.

Quốc hội có bốn năm trăm đại biểu nghĩa là về danh nghĩa có thể có bốn năm trăm ý kiến (thực tế có những vị chả bao giờ thấy phát biểu gì). Ông Trần Đình Đàn chỉ là một trong số đó. Ông là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhưng cho dù ông là Chủ tịch Quốc hội đi nữa, ông cũng không thể nói thay cho bốn năm trăm người khi phiên họp còn chưa khai mạc, nhất là đối với một vấn đề đang gây ra nhiều dư luận trái chiều và đang được trông đợi sẽ được thảo luận cặn kẽ tại Quốc hội. Quốc hội chưa họp mà ông đã tuyên bố "Quốc hội ủng hộ". Các đại biểu còn lại sẽ nghĩ gì về ông, và, quan trọng hơn, nhân dân sẽ nghĩ gì về Quốc hội? Liệu nhân dân có thể tin tưởng được rằng các đại biểu mà mình đã bầu ra sẽ thảo luận một vấn đề quan trọng đối với đất nước ra ngô ra khoai, tính toán cân nhắc các tác động tích cực, tiêu cực của dự án từng ly từng tí, hay nhân dân buộc phải tin rằng đấy là chuyện đã rồi. Nhân dân đã từng thất vọng về vụ Hà Nội - Hà Tây, nay xem ra nhân dân đang đứng trước cơ hội để được thất vọng một lần nữa!

Thursday 14 May 2009

Để học sử tốt hơn

Cô gái nhân vật chính trong tiểu thuyết Nếu còn có ngày mai của Sydney Sheldon nói một câu đại khái thế này: Các giáo sư trường luật đã biến một ngành học đầy thú vị liên quan đến con người thành những giờ giảng tẻ ngắt và vô vị. Thiết tưởng cũng có thế nói một câu tương tự như thế đối với môn lịch sử trong nhà trường Việt Nam: Các thầy cô giáo đã biến một môn học lẽ ra đầy thú vị liên quan đến những vinh quang và lỗi lầm của con người thành một môn "phụ", môn "học bài" tẻ ngắt.


Lịch sử, một khoa học đòi hỏi trí tưởng tượng không thua kém bất cứ một khoa học đích thực nào khác, đã bị đơn giản hóa một cách thô thiển thành những con số, những ngày tháng năm, địch thua ta thắng.v.v. Cái tai hại của việc tầm thường hóa môn lịch sử trong nhà trường có thể không thấy ngay trước mắt, mà sẽ để lại những hậu quả lâu dài. Nếu không hiểu lịch sử, chúng ta sẽ bối rối trong hiện tại và hoàn toàn mất phương hướng trong tương lai.


Trong quá khứ, chúng ta đã có một ví dụ hoành tráng về việc hiểu lịch sử và vận dụng lịch sử để điều chỉnh hành động từ chính Hồ Chí Minh. Năm 1946, đứng trước những chỉ trích từ bên ngoài cũng như bên trong nội bộ Việt Minh về việc đồng ý cho Pháp ra miền Bắc giải giáp quân Nhật thay thế quân Tàu Tưởng, Hồ Chí Minh đã bảo, đại ý, các chú không thuộc sử à, người Pháp đến rồi sẽ phải đi, người Tàu đến thì sẽ ở lại, chúng ta thà ngửi phân người Pháp một thời gian ngắn còn hơn ăn (tự đục bỏ) Tàu mãi mãi. (Nguyên văn tiếng Việt tôi không rõ, nhưng các bạn có thể đọc bản dịch tiếng Anh câu nói này trong tác phẩm Hồ Chí Minh của Duiker). Hồ Chí Minh cũng là người phổ sử ra vè để truyền bá trong nhân dân: Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam.


Có lẽ, nếu chỉ đổ thừa cho các thầy cô giáo về việc tầm thường hóa môn lịch sử cũng hơi oan, vì sách giáo khoa thì chỉ có một, mà sách giáo khoa thì do ai kia ở trên cao cao soạn ra. Tuy nhiên, nếu có nhiều nhiệt tâm và một ít trí tưởng tượng, không bao giờ thiếu cách để môn lịch sử trở nên hấp dẫn hơn. Ví dụ, học về thời kỳ nhà Trần chống quân Nguyên xâm lược, có thể cho học sinh viết chữ Sát Thát lên cánh tay để tái hiện lại không khí hào hung thời ấy. Học về Nguyễn Trãi, Lê Lợi có thể cho học sinh viết mỡ lên lá, xem thử mưu mẹo tranh thủ nhân dân ngày xưa của Nguyễn Trãi có hiệu quả không. Tuỳ địa bàn, có thể tổ chức cho học sinh đi đến những địa điểm lịch sử xưa để tố chức những tiết học lịch sử ngoài trời. Học sinh ở Đồng Nai có thể ra thăm chiến khu D khi học về chiến tranh chống Mỹ để hình dung Trung ương Cục ngày xưa sinh hoạt ra sao. Học sinh ở Quảng Ninh có thể ra bờ sông Bạch Đằng để học về Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo. Ví dụ thế.


Tất cả những đoạn loằng ngoằng trên đây tôi nghĩ ra khi đi trên đường phố Sài Gòn. Chẳng là tôi thấy đường phố Sài Gòn ngày nay đang tạo cơ hội rất tốt để cho các thây cô dạy sử giáo dục cho học sinh về …đường Trường Sơn huyền thoại. Đi trên đường phố Sài Gòn có khác gì đi trên núi rừng Trường Sơn thời chiến tranh. Có thể tổ chức một tiết học về đường Trường Sơn bằng cách chở các em học sinh đi một vòng thành phố. Đường Nguyễn Hữu Cảnh gập ghềnh, đầy bụi đất có thể giúp học sinh hình dung ra Trường Sơn ngày xưa gian khó như thế nào. Cần cẩu rơi trên cầu Thủ Thiêm là minh họa tốt cho B52 oanh tạc. Lội nước trên đường 3/2 là khi xe ta xưa lội suối, qua ngầm. Điện giật chết trên đường là khi chiến sĩ ta xưa hy sinh. Ùn tắc là hình ảnh từng đoàn xe ngày xưa rù rì nối đuôi Nam tiến. Và bất cứ lô cốt nào rõ ràng là hình ảnh… lô cốt.


Đấy, chỉ cần một ít trí tưởng tượng thôi, giờ học lịch sử có thể sinh động, đáng nhớ hơn rất nhiều!

Tuesday 12 May 2009

Cái nhà là nhà của ta

Hừ, wordpress trở chứng nên phải chuyển nhà sang đây. Loay hoay một hồi với đủ thể loại error thì cũng chuyển xong, nhưng chẳng hiểu tại sao entry nào cũng tự động nhân đôi. Giá như tiền trong tài khoản của mình thỉnh thoảng cũng được tự động nhân đôi như thế này thì thích thật.

Một trong những lý do khiến yahoo 360 ở Việt Nam sống lâu cho dù chính Yahoo coi nó như con ghẻ chắc là nhờ sức mạnh bầy đàn, một cách nói khác đi của tính kết nối :) Yahoo 360 tiện một cái mỗi lần đăng nhập có thể ngó nghiêng các bạn khác có gì mới, rồi bạn của bạn có gì nữa. Ai cũng thích connectivity cho nên mãi đến khi Yahoo chính thức thông báo sẽ đóng cửa Yahoo 360 mọi người mới lục tục chuyển đi, cho dù đã ngấy nó đến tận cổ. Lúc đầu tôi chả có ý định chuyển nhà, ví cả năm nay có blog bliếc, connectivity gì đâu, nhưng sau đọc được mấy chỉ dẫn về xuất nhập khẩu blog bèn táy máy làm thử. Đầu tiên phải chuyển sang wordpress làm trung gian, rồi mới sang blogspot, nhưng thấy wordpress hay quá nên định ở đấy. Được mấy hôm thì wordpress đỏng đảnh nên phải chuyển sang đây. Nhìn quanh thấy mấy cái blogs tôi hay theo dõi cũng ở blogspot cả, thôi thế cũng tiện cho cái connectivity!

Bây giờ cần phải thanh toán bớt nửa số tiền trong tài khoản cho nhà cửa gọn gàng. Hura, cái nhà là nhà của ta, công khó ông cha làm ra, cháu con phải gìn giữ lấy...:) Welcome welcome.

Saturday 9 May 2009

Tôi làm gì khi tôi chửi thề

(Nhại theo Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình, tức What we talk about when talk about love của Raymond Carver)

Tôi từng là một đứa trẻ ngoan. Ít nhất trừ việc bị cột chân vào giường do đi chơi quá nhiều và việc gấu ó với ông anh hơn tôi tám tuổi tôi nghĩ tôi không làm gì để ba má phiền lòng. Là một đứa trẻ ngoan tôi không bao giờ chửi thề. Kể cả khi hết làm trẻ con tôi cũng không chửi thề. Cho đến khi tôi bắt đầu lái xe. Thật ra, tôi nghĩ ai lái xe được ở Việt Nam mà không chửi thề hẳn phải là thánh nhân. Hoặc bị câm. Tôi không phải là thánh nhân mà cũng không câm nên tôi đã bắt đầu chửi thề như một tất yếu của lịch sử.

Làm sao mà không chửi thề được khi đang chạy ở tốc độ 40km/h chẳng hạn thì bỗng có một xe máy đội nhiên xuất hiện ở bên phải, hay tệ hơn là bên trái, chìa tay ra vẫy vẫy mấy cái rồi cúp ngay đầu xe mà lượn qua bên kia đường? Hoặc khi đang phóng 80km/h trên đường cao tốc thì trước mặt ngay trong làn đường của bạn xuất hiện một chiếc ô tô đang chạy vơi tốc độ khoảng 20km/h, để không ủi vào đít nó bạn buộc phải lấn sang phải, để rồi phát hiện chủ nhân chiếc ô tô rùa bò kia đang cho xe chạy chậm lại để nói chuyện điện thoại? Rồi bao nhiêu lần trên đường xe máy vô tư lự phóng từ bên này sang bên kia, vèo vèo trước mũi xe không thèm cảnh báo? Bao nhiêu lần khác khi đang cố giữ một khoảng cách an toàn với xe trước thì một xe khác vượt phải bạn rồi điền vào chỗ trống nhỏ nhoi ngay trước mặt. Ngồi sau vô lăng hàng ngày rong ruổi trên các nẻo đường Sài Gòn thật sự là cơ hội để lòng kiên nhẫn được thử thách và dây thần kinh được kéo căng ra và khi lòng kiên nhẫn chỉ có giới hạn cũng như để thần kinh khỏi bị đứt thì chỉ có nước giải stress bẳng cách chửi thề, dù rằng biết mình chửi cũng chỉ để mình nghe, nhưng nếu không chửi được “thì chết mất”!

Tôi đã đi qua nhiều thành phố trên thế giới nhưng chưa ở đâu tôi thấy giao thông lộn xộn và người tham giao thông coi thường luật giao thông, coi thường tính mang chính mình và người khác như ở các thành phố Việt Nam. Tôi có những người bạn nước ngoài đi qua nhiều thành phố hơn tôi và họ hoàn toàn nhất trí với nhau và với tôi rằng giao thông ở Việt Nam là hỗn loạn nhất. Tại sao? Tôi nghĩ một phần lỗi là do sự yếu kém của cơ sở hạ tầng, một phần lỗi là sự ngu xuẩn cũ những người quy hoạch giao thông, nhưng phần lớn hơn cả là ý thức, hay chính xác hơn là vô ý thức của người tham gia giao thông. Nếu mọi người tuân thủ luật hơn, nhường nhịn nhau hơn thì tình trạng giao thông của chúng ta không đến nỗi hỗn mang như thế. Ví dụ như, khi đường chật xe đông, nhưng mọi người không lấn phải, lấn trái, xoay ngang xoay dọc cố tìm cách vượt lên thì mọi người chỉ bị chậm đi một chút, chứ đâu đến nỗi xe các chiều quyện vào nhau, quấn vào nhau như mứt dẻo, hay như là rơm trong tổ chim.

Nói cho rốt, tôi nghĩ tình trạng hỗn loạn của giao thông hiện nay chính là một thất bại khổng lồ của hệ thống giáo dục, cho dù ngành giáo dục có muốn hay không muốn nhận giao thông làm con của mình. Ngành giáo dục phải nhận trách nhiệm về hai việc: 1) đào tạo ra những người không biết tuân thủ luật giao thông, và 2) đào tạo ra những người không biết luật giao thông. Trong hai tội này thì tội thứ nhất là tội to hơn, vì biết luật mà không tuân thủ thì tệ hơn là không biết luật.

Thursday 7 May 2009

Một vài sách đọc gần đây hơn

Mấy ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 không đi đâu nên có thời gian đọc thêm vài cuốn khác, ít nhiều đều có liên quan đến chiến tranh Việt Nam. Với lại, 30/4, có dịp nào khác "hoàn hảo" hơn để đọc và nghĩ về cuộc chiến tranh khốc liệt đã qua!

5/ Từ chiến trường khốc liệt của Peter Arnett, phóng viên chiến trường người Mỹ gốc New Zealand, bản dịch tiếng Việt của Phạm Hoàng Chung. Bản gốc tiếng Anh hình như dài hơn, bản tiếng Việt chỉ dịch những phần liên quan đến Việt Nam và Iraq. Đọc để thấy cuộc sống của những phóng viên chiến trường như thế nào, trong nhiều trường hợp họ dũng cảm còn hơn những người lính trực tiếp chiến đấu. Lính thì có thế bỉ đẩy ra chiến trường còn phóng viên tự nguyện lao đầu vào chốn hiểm nguy. Đọc cũng để thấy ở đâu cũng có tầng tầng lớp gatekeeper, không phải chỉ ở Việt Nam mới có "lề bên phải". Bản dịch có vẻ như có nhiều lỗi, nhiều câu tiếng Việt không thể hiểu được. Dịch giả hình như là học trò của Peter Arnett trong một khóa học báo chí.



6/ Điệp viên hoàn hảo của Larry Berman viết về cuộc đời của nhà tình báo chiến lược Phạm Xuân Ẩn, bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Đại Phượng. Bản dịch này năm ngoái trên mạng có nhiều người chê, nhưng tôi đọc thấy ổn, ít ra là không gặp nhiều lợn cợn như bản dịch Từ chiến trường khốc liệt. Ấn tượng của tôi về ông Ẩn, theo những gì đã đọc ở đây, là một người hết lòng vì bạn bè. Như cách ông tìm cách cứu một người ạn phóng viên Mỹ rơi vào tay Việt Cộng, mặc dù điều đó có thể gây ảnh hưởng đến vỏ bọc của ông. Hay như cách ông lo cho Trần Kim Tuyến lên trực thăng di tản. Có lẽ do hết lòng với bạn bè, mà hầu hết nhửng người bạn Mỹ và bạn Việt phía bên kia, khi đã biết ông là cộng sản vẫn tôn trọng và quý mến ông. Sách có nói sau chiến tranh ông Ẩn không được chính quyền tin cậỵ, bị giám sát và không được giao chức vụ gì. Tôi nghĩ đó là điều bình thường. Nếu tôi là chính quyền tôi cũng hành xử y như thế.



7/ Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh: Bản mà tôi có cũ mèm, đen thui. Lâu lắm rồi mới đọc cuốn sách tả tơi như thế. Tôi đọc Nỗi buồn chiến tranh một vài lần rồi nhưng chưa lần nào đọc kỹ như lần này. Càng đọc càng thấy cái tên khác của cuốn truyện, "Thân phận của tình yêu" thật là vô vị. Nó đúng phải là như thế, là nỗi buồn chiến tranh, cái nỗi buồn thấm đẫm làm nên giá trị của cuốn sách. Đọc lại thấy nhiều đoạn thật là thấm thía. Chẳng hạn đoạn Phương nói với Kiên em là người lạc thời, anh là người đúng thời, và vì thế lẽ ra em phải yêu cha anh, ông họa sĩ vẽ những bức tranh không ai hiểu cũng là một người lạc thời như Phương. Hay đoạn những ngày trước khi tiến vào Sài Gòn, trung đội của Kiên hành quân qua Đon Dương, Đức Trong, Di Linh, ghé vào nhà một cặp vợ chồng giữa những đồi trà, nói chuyện với họ và khao khát cuộc sống thanh bình của họ, cuộc sống mà chẳng bao lâu nữa sẽ bị đảo lộn vì những vị tuyên huấn từ miền Bắc kéo vào, như dự cảm của một đồng đội của Kiên. Hai mươi năm qua, văn học Việt Nam có tiểu thuyết nào khác đạt đến tầm như Nỗi buồn chiến tranh?

Wednesday 6 May 2009

Một vài sách đọc gần đây

1/ Ho Chi Minh - A Life by William J. Duiker:

Nghiên cứu toàn diện về cuộc đời của Hồ Chí Minh trong mối liên hệ chặt chẽ với lịch sử Viêt Nam thế kỷ 20. Trên cơ sở nghiên cứu tư liệu về Hồ Chí Minh lưu trữ ở Việt Nam, Liên Xô, Pháp, Anh, Trung Quốc .v.v. và phỏng vấn hàng trăm nhân vật đã từng tiếp xúc hoặc làm việc với Hồ Chí Minh, tác giả cố gắng đưa ra những đánh giá khách quan về Hồ Chí Minh (cho dù ông không thể che giấu được sự ngưỡng mộ dành cho đối tượng nghiên cứu của ông). Lịch sử và sự thật vốn luôn có khoảng cách. Một sự kiện diễn ra mới hôm qua chưa chắc gì đã được tường thuật chính xác như nó đã thật sự diễn ra trên báo ngày hôm nay, huống hồ cuộc đời 79 năm của Hồ Chí Minh với biết bao nhiêu sự kiện. Thế cho nên tôi nghĩ đọc sách sử hoặc sách nghiên cứu lịch sử bao giờ cũng phải có phần nghi ngờ. Cái phần nghi ngờ đó tăng lên hay giảm xuống ở mức độ nào tùy thuộc vào tác giả làm cho người đọc tin rằng tác giả đã nghiêm túc đến đâu trong nghiên cứu. Về việc này ông Duiker làm cho tôi tin hơn rất nhiều so với các sử gia ở cả hai phía bởi vì ông không có sẵn thành kiến trong đầu. Cho dù có nhiều tranh cãi về nhân vật lịch sử Hồ Chí Minh, điều không thể tranh cãi là Hồ Chí Minh là một nhà yêu nước lớn, có một uy tín cá nhân lớn mà không nhân vật chính trị nào của Việt Nam trong thế kỷ 20 có được.

2/ Victory at Any Cost: The Genius of Viet Nam's Gen. Vo Nguyen Giap (The Warriors) by Cecil B. Currey

Đọc Hồ Chí Minh xong, tôi muốn tìm hiểu thêm về những nhân vật chung quanh ông, và tất nhiên là tôi muốn đọc về Võ Nguyên Giáp. Cuốn sách này, cũng như cuốn về Hồ Chí Minh, tôi mua trong chuyến đi Singapore năm ngoái. Bây giờ, mới có thời gian và cảm hứng để đọc. Cũng có thể là tôi cảm tính, nhưng tôi có cảm giác rõ ràng rằng cuốn này, so với cuốn về Hồ Chí Minh của Duiker, không thuyết phục bằng. Tôi đoán là ông Currey viết tiểu sử Võ Nguyên Giáp với một kết luận có sẵn trong đầu , và cuốn sách của ông là nhằm chứng minh kết luận đó - rằng Võ Nguyên Giáp là một thiên tài quân sự. Với cách tiếp cận như vậy, ông gần như gán mọi thắng lợi quân sự của cách mạng Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh cho Võ Nguyên Giáp, và những thất bại cho người khác, ví dụ như Trường Chinh hay Lê Duẩn. Dù vậy, đây vẫn là một cuốn sách đáng đọc. Tuy nhiên, lần tới đi nước ngoài, tôi sẽ cố tìm những cuốn viết về Võ Nguyên Giáp của những tác giả khác.

3/ Điện Biên Phủ - Một góc địa ngục của Bernard Fall:

Ít khi nào tôi đọc sách thành một mạch như thế này. Nói tới Võ Nguyên Giáp dĩ nhiên phải nói tới Điện Biên Phủ. Thế là tôi lôi cuốn sách của Bernard Fall nằm mốc 5 năm trên kệ sách ra đọc. Bernard Fall là phóng viên người Pháp gốc Do Thái, viết nhiều sách về Việt Minh và chiến tranh Việt Nam. Ông chết vì mìn năm 1967 trên chiến trường Việt Nam khi đang hành quân cùng một trung đội lính thủy đánh bộ Mỹ.

Cuốn sách của Fall tường thuật chi tiết cuộc chiến Điện Biên Phủ từ góc nhìn người Pháp, với ít nhiều thiện cảm cho Việt Minh (có lẽ là lý do cuốn sách được dịch phát hành tại Việt Nam). Một chi tiết thú vị là tướng De Castries bị bắt nhưng, khác với sách giáo khoa sử, chưa bao giờ giương cờ trắng đầu hàng cả.

4/ Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của vương quốc An Nam của Daniel Grandclement:

Tôi quan tâm đến Bảo Đại từ khi đọc cuốn Hồ Chí Minh - A Life. Duiker có đề cập việc Bảo Đại đồng ý làm cố vấn cho chính phủ của Hồ Chí Minh sau Cách mạng tháng Tám. Tôi nhận ra mình biết quá ít về vị hoàng đế cuối cùng này nên nhân thấy nhà sách Xuân Thu có bày bán cuốn Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của vương quốc An Nam của một tác giả Pháp bèn tóm ngay. Ông Bảo Đại có vẻ không phải là người không có tài, không phải không biết lo cho dân cho nước, nhưng mối quan tâm của ông dành cho các thú vui lái xe, lái máy bay, lái...đàn bà, đi săn, tennis và đánh bạc hẳn là nhiều hơn quan tâm dành cho đất nước. Lịch sử Việt Nam chắc chưa có ông vua nào ham chơi, chịu chơi và biết chơi như Bảo Đại. Ông thích đóng vai vua hơn là làm vua (như là một nghề). Nếu có một chế độ quân chủ lập hiến, nơi vua chỉ ngồi chơi và làm vì mà vẫn có các đặc quyền và được dân chúng tôn kính, hẳn ông sẽ vui vẻ làm như thế, bao lâu cũng được. Đọc cuốn này biết được một số chi tiết thú vị. Chẳng hạn sự ngưỡng mộ của Bảo Đại dành cho nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc mà hẳn ông chỉ nghe phong thanh. Lúc Việt Minh yêu cầu ông thoái vị và trao ấn kiếm cho chính phủ của Hồ Chí Minh, ông nói nếu Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc thì ông trao ngay. Sau được biết Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc rồi ông rất yên tâm. Ví dụ khác, ông quốc trưởng rất nhắng này cho Bình Xuyên thầu sòng bạc Tân Thế Giới, rồi lấy tiền Bình Xuyên chung đem sang Pháp đánh bạc và bao gái!



Tuesday 5 May 2009

Ngày vắng mặt trời (10 bài cuối)

Ngày Vắng Mặt Trời là tập hợp những bài thơ tôi viết từ 1993  - 2003.  Trong giai đoạn này tôi đã viết hàng trăm bài thơ, nhưng trong tập này chỉ có 30 bài.  Hồi năm 2004 tôi đã có dự định xuất bản, giấy phép đã có, bìa đã làm, nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên lại thôi.  Nhiều bài trong số này đã đăng rải rác trên các trang web như evan (thời anh Đinh Tuấn Anh và Trần Tiễn Cao Đăng làm biên tập viên), tienve, và các forum mà tôi tham gia như TTVN, Thăng Long dưới nickname Goldmund.  Hôm nay, nhân dịp mày mò chuyển nhà từ Yahoo 360 (mà tôi đã bỏ lửng từ hơn năm nay) sang worldpress để lưu trữ, tôi post lại toàn bộ tập Ngày Vắng Mặt Trời ở đây, coi như  mượn wordpress thay thế cho ổ cứng máy tính cá nhân!  (Goldmund - Lâm Vũ Thao).

 

Màu Xanh


 

Đi - giữa tách cà phê búp măng ngờ ngợ sương mai dang dở

Đi - ứa máu từng đốt tay

Đi - mặc thiên đường lả hơi réo gọi

Em vẫn đi.

 

Đến một căn phòng khác rách nát âm thầm vôi tường rơi

Những rèm cửa sổ nhiều năm còn xanh

Treo một lồng đèn xanh

Váy xanh

Buông mình lên tấm nệm xanh

Rồi khiêu vũ triền miên với những mộng mị không rõ màu sắc

 

Những hợp âm gay gắt hôm qua hôm kia có lẽ đã rất xưa chập chờn dậy

Em ngước nhìn tiếng harmonica

Để bóng đổ dài bên chiếc thìa đang gục đầu bên tách cà phê (lại cà phê!)

Chớ  tưởng rằng em không hốt hoảng

Trong nỗi cô đơn đặc quánh

Sinh ra cùng với tình yêu

Mà không bao giờ chết đi

Cả khi tình yêu không còn nữa.

3/97




 

 

 

 

 

Không Đề


 

“Anh yêu em!”

Lời nói dối nhẹ tênh

Nhẹ đến nỗi ngỡ chưa nói ra

Khi biết vuột rồi lại ngỡ mình nói thật



 


 


 


 


 


Sơn Nhà


1.

Sơn nhà

Khẩu hiệu vĩ đại

Trắng ngà chuyển thành xanh

Quạt - xuống đất

Kệ sách xuống đất

Các thánh hiền nghễu nghện nhìn nhau

Tủ - ra đường

Ghế bàn chồng chất

Hỗn loạn tạm thời đợi ngày mở mặt

Trật tự vãn hồi.

2.

Hậu sơn nhà

Bốn bức xun xoe mới

Quạt bay lên tường

Vẫn tiếng quay rè rè như cũ.

Các thánh hiền nhao nhao

Bụi rơi lả tả

Tủ xỉn màu

Bàn ghế hờ ngay ngắn lại

Màu xanh vĩ đại

Trật tự vãn hồi trong thế chông chênh.




 

 

 

 

 

Người Khác


 

Ở ngoài kia là đám đông

Anh thấy hắn hoa tay múa chân

Nói rộn ràng

Cười ha hả

Hắn không nhận ra anh

 

Trong im lặng cồn cào

Anh nghiến răng chịu đựng cơn đau

U u mê mê váng vất váng vất

Củi cháy kiệt mình thành than, than âm ỉ cháy thành tro, tro rùng mình đau ngất

Anh không nhìn ra hắn đã đi đâu

 

Giữa hắn và anh

Có khoảng cách của một thiên hà

Hắn văn minh hơn hay anh văn minh hơn, câu trả lời bỏ dở

Anh, chỉ một mình anh, còn hắn bình phương lập phương thành vô số

Nếu được chọn là anh, hắn sẽ gật đầu chăng hay anh tự nguyện nhập vào hắn như một bóng ma

Là một, là hai, là tất cả hay là không ai cả

Cánh chuồn bay trên giàn mướp đương hoa

Lúa trổ đòng quyện vào trong gió

Bờ đê lả, chiều xanh rất cỏ

Anh lịm đi cơn khát quê nhà

 

Đây là dấu chấm câu

Anh bám vào vượt qua cơn đau

Và môi cười thanh thản….

20.03.02




 

 

 

 

 

Một Con Đường


 

Con đường ấy anh đã từng đi

Một vầng trăng dằn vặt đêm hè

Một con đường anh đi và nhắm mắt

Lảng tránh ánh sáng và lảng tránh cả bóng tối

Rình rập nuốt chửng anh

 

Con đường ấy rất mê man

Ngả rẽ trái cuộc đời anh, trái tim anh có thể

Anh tần ngần

Reo ca và dấn bước?

Mặc kệ chuông tàu điện đổ dồn?

 

Có nhiều tiếng nói cười xôn xao quá

Mưa, bất chợt mưa

Ướt ròng và mát lạnh

Anh vuốt mặt

Tóc ướt đẫm

Con đường vụt nhòa trong tia chớp

Dáng em vụt hiện từ đỉnh đồi và thong thả bước xuống trong ánh sáng một vì sao rơi

 

Anh quay đi và chạy

Trong hồi chuông ngân nga

Hoa rơi trên hè phố

Trong hồi chuông ngân nga

Trong hồi chuông gióng giả

Một bóng người vấp ngã.

27.05.02

 




 


 


 


 


 


Tình Khúc Cho Em


 

Này là núi thẫm

Này là biển xanh

Này là cát trắng

Mà em xa anh

 

Có bao nhiêu trời xanh


Anh gửi về em cả

Một mình nơi xứ lạ

Anh cần chi những ngày

 

Mở cửa nhìn mây trắng bay

Khép cửa nhìn tường trắng tệ

Mơ môi em cười như thể

Hoa rơi một hôm xuống đầy

 

Bên này đông đã choàng thêm áo

Càng nhớ Sài Gòn vắng bóng cây

Em có rong xe trưa phố nắng

Khan gió vai em mồ hôi gầy

 

Như thể chẳng đại dương nào ở giữa

Trời xanh kia choàng cả hai ta

Em khẽ nói cười anh ngơ ngẩn gió

Nghe như đâu đây long lanh tình ca.

6/2002



 


 


 


 


 


Xóa


 

một nhà ga không có ai

một đoàn tàu không có người

một bài thơ không có tôi

 

một chiếc đồng hồ không có kim giây

một đêm trung cổ không có đèn cầy

không thủy triều dâng, không tiếng gà gáy

cung kéo căng rồi mà tên không bay

 

một bờ biển không có cát

một Ai Cập không có kim tự tháp

đi tìm mãi đi

không có châu Phi

không có đường đi

không có đường

không có một nền văn hóa khác

không khác

 

không có táo, không ai hái táo, không có ai hái táo, không có ai bảo ai không hái táo

không có vụ nổ đầu tiên, không có đầu tiên, không

giật lùi, co lại, biến đi, không còn gì

n…bốn…ba…hai…một….

Xóa!

3/2003

 




 

 

 

 

 

Chiến Tranh


1.

Đèn tắt dần

nhạc ngắc ngứ râm ran

những hình thù dần dà chuyển động

một giọng nữ xé lên cao vút

tiếng vỗ tay uỳnh uỳnh

2.

Đã thấy rõ từng nhân vật một

họ đã đứng, ngồi, nằm sẵn đấy từ bao giờ

đèn rọi nếp nhăn, tóc tím, mắt xanh, mồ hôi rịn trên từng gương mặt

nói, cười, khóc, hát, ngâm thơ

3.

Dương cầm im tiếng đi

để nghe rõ tiếng đồng xu nhảy múa (*)

còn nhiều đồng lớn hơn đồng xu nữa

biên đạo phía sau kia

(*) Cảnh trong phim “Nghệ sĩ dương cầm” – Roman Polanski

 

3/2003


 

 

 

Đất


Tu tu tu tu tu tu

Gió thổi ù ù tạc đá

Ốc rạn mình vật vã

Hàng triệu năm đau nhau cuống rạ

Trẻ con nâu

 

À ơi chuyển dạ đất đau

À ơi đồi núi về sau nhoẻn cười

À ơi tát nước lên trời

À ơi sông bể đứng ngồi không yên

 

Chớp giật mưa nguồn

Thuồng luồng cõng thóc lên

Phù sa nồng nàn xanh ràn châu thổ

Khăn nâu yếm đỏ

Vắt vẻo sừng trâu

Trăng vàng kẻ chợ

Cha con mùa thóc mẩy nuôi nhau

 

À ơi cò cấy đồng sâu

À ơi cái vạc đi hầu cái nông

À ơi cò cấy đồng gần

À ơi đây mẹ để phần cho con

 

Nghiến răng cắn hạt thóc non

Sữa giòn đắng họng

Bờ thì dày mà ruộng ngày càng mỏng

Con đàn cháu đống

Cha con mùa thóc kém vẫn nuôi nhau

 

À ơi hạt gạo trắng phau

À ơi cò cũng trắng hầu gạo kia

À ơi sàng sảy nong nia

À ơi gạo vẫn sớm khuya nuôi cò.

 


 


 


 


 


Bông Huệ Tím


 


Khi người đàn bà gục đầu vào ngực người đàn ông

Người ta bắt đầu nghe tiếng gầm của biển

Sóng, từng đợt sóng xám bạc chồm lên nuốt chửng những toà lâu đài

Nếu tai thính hơn, người ta sẽ nghe tiếng rạn vỡ của đáy biển

Sự rã rời diệu kỳ, mênh mang, chới với

Như những thành quách cổ âm trầm lụn đi trong tiếng mối

Hoang tàn

Sự sống tinh khôi

Em thấy không?

(Đôi môi em như một bông huệ tím)

Ánh nắng 4 giờ chiều len lỏi qua rừng dây leo, tràn qua ô cửa kính không bao giờ được gài chốt cẩn thận rồi nhảy múa trên nền thảm xám

Có tiếng chân người giẫm lên những bậc thang cỏ nhà bên cạnh

Mắt em trong như bầu trời chiều một thành phố

Những ý nghĩ lượn lờ rồi rủ nhau chui tọt vào hang thẳm

Tôi ngấu nghiến bông huệ tím

Tìm ra em

Em dụi đầu vào ngực tôi

Như mặt trời gác vào vách núi

Sự tin cậy ứa ra từ khoé mắt nóng hổi

Tôi và em là một thế giới

Rất cách xa loài người xa xăm

Khi người đàn bà gục đầu vào ngực người đàn ông

Chiều rơi bóng đêm dệt thành lưới ánh sáng

Họ thức giấc và kinh ngạc nhận thấy bão đã tan, biển đã lặng, thuỷ triều đã rút chỉ còn những vỏ ốc ngơ ngác

Và họ mắc vào bình minh như cá mắc lưới

Môi tím một màu hoa.

10/2003

Ngày vắng mặt trời (10 bài đầu)

Ngày Vắng Mặt Trời là tập hợp những bài thơ tôi viết từ 1993  - 2003.  Trong giai đoạn này tôi đã viết hàng trăm bài thơ, nhưng trong tập này chỉ có 30 bài.  Hồi năm 2004 tôi đã có dự định xuất bản, giấy phép đã có, bìa đã làm, nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên lại thôi.  Nhiều bài trong số này đã đăng rải rác trên các trang web như evan (thời anh Đinh Tuấn Anh và Trần Tiễn Cao Đăng làm biên tập viên), tienve, và các forum mà tôi tham gia như TTVN, Thăng Long dưới nickname Goldmund.  Hôm nay, nhân dịp mày mò chuyển nhà từ Yahoo 360 (mà tôi đã bỏ lửng từ hơn năm nay) sang worldpress để lưu trữ, tôi post lại toàn bộ tập Ngày Vắng Mặt Trời ở đây, coi như  mượn wordpress thay thế cho ổ cứng máy tính cá nhân!  (Goldmund - Lâm Vũ Thao).



Em Có Biết


 

Em có biết ta một ngày đông lạnh

Co ro trên ghế ngồi

Con chim sẻ xù lông đón nắng

Tách cà phê bốc khói

Điếu thuốc ngượng ngùng ngọ ngoạy trên môi

 

Em có biết ta một ngày đông lạnh

Lang thang trên phố không người

Cô gái thạch cao cười qua tủ kính

Trái đất này băng giá - chỉ em thôi!

 

Em có biết ta một ngày đông lạnh

Con gấu tìm hang trú qua mùa đông

Ta chết cóng ngoài vòng tay một người quen xa lạ

Hồn lắt lay một đóa môi hồng.

 

Noel 1993

 

 

 


 

Khi Anh Về


 

Khi anh về hoa quỳ thôi nở

Còn biết tìm đâu quà tặng em

Anh xoa tay cho ấm mùa nắng vỡ

Ngủ trong mây một áng trăng mềm

 

Em ở lại cưới mùa xuân lộc nõn

Áo hồng dâu vương Tết bờ vai

Hãy cười bằng mắt môi em nhé

Anh sẽ thôi buồn nếu biết em vui.

 

Anh về nơi gió nắng chạy quanh đồi

Mặt trời lăn qua những triền cỏ ướt

Những cụm thông già làm sao biết được

Anh tìm chi

 

Có một ngày mây trắng bay đi

Một làn khói cuối trời quay trở lại

Chàng trai thảo nguyên rong ruổi

Đi tìm…

 

01/94

 




 

 

 

 

 

Con Chim Trúng Thương


 

Ngày sắp thức dậy

Anh đi ra đường không no không đói

Khoác trên vai dăm ba trò đùa

Một lời tỏ tình bị từ chối

Và những cơn ác mộng đêm qua

 

Anh đi đến bao giờ gặp đêm

Cỏ, sương, sao ngấn ánh trăng mềm

Chiếc lá thiền môn rụng canh gà gáy

Ngày khẽ bảo:

-          Về đi! Con chim trúng thương.

 

22/03/94

 


 




 


 


 


 


 


Ký Ức


 

Rồi một chiều không thấy mây bay

Cô bé xanh làm rơi kẹp tóc

Từ một nơi những vì sao không mọc

Đàn kiến bò qua phần còn lại của ngày

 

Rồi một người không rõ tỉnh hay say

Hát vu vơ nhìn sông bảo biển

Trôi xa mãi những cánh chuồn màu tím

Đợi đêm về buông nắng để hong tay

 

Rồi một ngày…một ngày…một ngày

Lối đi cũ lơ ngơ cuội trắng

Giọt cà phê và dòng sông hoang nắng

Đã hóa thành ký ức…không hay!

 

21/04/94



 


 


 


 


 


Ngày Vắng Mặt Trời


 

Có ngày nào tôi nghe tiếng chim

Rơi vào lặng lẽ

Dấu chấm than cuối câu chuyện kể

Khua khoắng chút buồn tênh

 

Ngày nào nghe văng vắng tiếng chân quen

Trời động nắng khe khẽ vàng trên mái

Con nhện miên man mấy sợi im lìm

Vọng vào tim tiếng thì thầm nhoi nhói

 

Có những lúc một mình ngồi với

Lọ hoa vải đầy bụi

Sao không là cúc trắng

Chia nỗi buồn cùng tôi?

 

Ngày không người quen nào ghé chơi

Cũng chẳng còn ai để nhớ

Không một vệt bùn trên bánh xe

Ô nắng lùi dần ra ngưỡng cửa

Tôi dựa tường và bắt đầu hoảng sợ

 

Mặt trời rơi.

 

11/05/94

 



 


 


 


 


 


Sinh Nhật


 

Tháng sáu ngày mười rồi sẽ đến

Mưa sẽ rắc hạt lên vai áo em

Chiếc bong bóng tím trôi về phía chân cầu

Em có cô đơn trong niềm hạnh phúc

 

Tháng sáu gót giày tôi đầy cát

Những hạt cát từng nằm ngưỡng cửa nhà em

Có lẽ em đã hơn một lần giẫm chân lên đấy

Tôi sẽ mang trả vào hôm sinh nhật

 

Tôi sẽ đến và đổ cát đầy những chậu hoa

Những bông hoa đỏ thắm và run rẩy

Cơn gió liếm qua mũi gai

Tay tôi vô tình rướm máu

 

Tôi chiêm nghiệm đất trời ngày mười tháng sáu

Rơi một vì sao vào tay

Đọng lại những mảnh vỡ, còn hào quang bay mất

Em có mời tôi dự lễ cưới hoa hồng?

 

5/94

 

 




 

 

 

 

 

Đoạn Cuối


 

Đến một ngày

khi thấy không còn đam mê nữa

tôi lặng lẽ bỏ đi

trò chơi còn lại hai người đâm ra nhiều dang dở

nước mắt

chín mặt trời may còn lại một

hóa lung linh ánh sáng bình thường

 

Vẫn biết rằng có thật yêu thương

và tiếc nuối còn hằn in đáy mắt

nhưng biết sao hơn

tôi quay đi và rũ sạch tất cả buồn vui cay đắng

hòng lắng mình trong sắc tím hoàng hôn

 

Còn ai ngồi bên biển sóng

phác thảo mãi một chân dung chưa định hình lại xóa

bọt biển tình cờ chồm lên mái tóc

sóng òa vào cát

hòa âm Beethoven đã thôi nghe từ lâu

 

Không còn gì cho nhau

ánh mắt nụ cười trôi vào ký ức

may ra thì nhớ - may ra thì quên

ngày quá quen nên hụt hẫng

đêm rơi vào thăm thẳm

ra đi không đến chốn bình yên.

 

1994

 




 

Tiếng Chuông


 

1.

 

Khi nào chợt không vui

Em hãy dang tay gõ vào ký ức

Sẽ vang lên tiếng chuông ngần

 

2.

 

Nếu cộng anh vào nỗi buồn

Sẽ thành: nỗi buồn gấp bội

Sao em đang tay đánh vào trái tim

Anh còn bao điều chưa nói

Đã lịm vào hoài niệm

Đậm đầy sương khói

 

3.

 

Khi nào em ghé thăm

Chỗ trú anh và cất giấu nỗi buồn

Bức tường găm đầy mảnh chai nói rằng anh đi vắng

Em sẽ làm gì sau tiếng chuông?

 

21/10/94

 




 

 

 

Phương Đông Và Em


 

Phương Đông và em kéo rèm

Cỏ nhún nha

Xôn xao gạch ngói

Suối lả tóc bờ phau phau mới

Yểu điệu em

 

Tôi ám ảnh Ngân Hà trên ngực

Bầu trời cong căng mẩy vàng sao

Thơ lẩy bẩy trong vùng cổ tích

Đất gọi hồn

Chim - quả chín mời chào

 

Phương Đông mềm mặt trống

Ngất ngưỡng em lấp lánh hoa văn

Sông Hồng chớp mắt cuồn cuộn sóng

Bập bùng thuyền xô mê trận

Mạ rờn bay gấu váy em xuân

 

Trăng ca dao

Loang loáng vũ điệu em kỳ ảo

Đầu tre cong vít yếm lơi

Mình trúc xếnh xang áo mão

Chung hồ nghiêng

Nghiêng ngả hồ nghiêng

Phương Đông hồ choàng tỉnh.

 

8/11/94

 



 


 


 


 


 


Mất Ngủ


 

Tôi nằm mơ những giấc mơ lập thể

Những cạnh khối vuông cấn đau điếng linh hồn

Trong cơn mơ tôi biết chắc mình buồn

 

Giá như tôi rộng lượng hơn

không lấy niềm tự hào của cây đinh rỉ sét áp đặt cuộc chơi

Giá như tôi can đảm hơn

đủ sức đứng trong im lìm suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ

Giá như tôi thực sự ngu ngơ

không day dứt dày vò vì đôi lần lầm lỗi

 

Thành phố rộng bao nhiêu mét vuông

Đêm phủ không chừa một lối

Cơn mơ chập chờn toàn khối lập phương

Giấc ngủ ngon gọi hoài không thấy tới.

 

14/01/95

 

Ngày vắng mặt trời (10 bài tiếp)

Ngày Vắng Mặt Trời là tập hợp những bài thơ tôi viết từ 1993  - 2003.  Trong giai đoạn này tôi đã viết hàng trăm bài thơ, nhưng trong tập này chỉ có 30 bài.  Hồi năm 2004 tôi đã có dự định xuất bản, giấy phép đã có, bìa đã làm, nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên lại thôi.  Nhiều bài trong số này đã đăng rải rác trên các trang web như evan (thời anh Đinh Tuấn Anh và Trần Tiễn Cao Đăng làm biên tập viên), tienve, và các forum mà tôi tham gia như TTVN, Thăng Long dưới nickname Goldmund.  Hôm nay, nhân dịp mày mò chuyển nhà từ Yahoo 360 (mà tôi đã bỏ lửng từ hơn năm nay) sang wordpress để lưu trữ, tôi post lại toàn bộ tập Ngày Vắng Mặt Trời ở đây, coi như  mượn wordpress thay thế cho ổ cứng máy tính cá nhân!  (Goldmund - Lâm Vũ Thao).



Nỗi Buồn


 

1.

Con gián lưng nâu, bụng nâu nhấm nhấm ngón chân tôi

Hệt như tôi nhấm nhấm nỗi buồn

Nỗi buồn không có gì vĩ đại

Quẳng được đi mà sống thì hơn

 

2.

Nỗi buồn làm tổ không cần nguyên cớ

Tôi quất nó vài roi, nó bỏ đi rồi lại quay về

Đời thiếu chi nơi trú ngụ

Hay tại tôi quá chừng quyến rũ

Nỗi buồn ơi

 

3.

Tôi ôm chầm nỗi buồn không nói năng chi

Nó ngước mắt bảo tôi đừng buồn nữa!

Ôi lời khuyên cắc cớ

Khiến lòng tôi úa đi như cỏ

Khiến lòng tôi day nhớ

Một người đã quá xa.

 

17/4/95

 

 



 


 


 


 


 


Không Đề Cuối


 

Sau ngày em đi xa

Không còn tôi ở lại

Trên trần thế thằng bé ngẩn ngơ

Mùa đông vì thiếu những cơn nực nội

 

Đêm đã đi

Trời biết lấy chi làm tối

Em đã đi

Ngọn gió miên man những triền đồi

 

Vì một hoàng hôn lặn xuống trong tôi

Tôi dang tay kéo sập vòm trời

Nắng mưa xì xầm khô ướt áo.

 




Bắt Đầu

 

Cái lá rơi như mũi tên

Xuyên qua cảm giác lạ lùng mang tên tình yêu

Rùng lên đau nhói

Mỉm cười

Và đêm ngờ ngợ trên vai

Mèo con bắt đầu ngoan ngủ

Người nào còn thức thì say

 

Lá sóng sánh đêm hoảng hốt

Đường dài ra những giấc chưa mơ

Những con chuột bé tí ngậm đuôi nhau chạy trốn

Mặt trăng vàng thượt bắt đầu bay

 

Mặt trời bắt đầu hắt ban mai

Bước chân đầu tiên nuối tiếc

Lầm lì đi mải miết

Bắt đầu.




Qua Đi

 

Rồi sẽ qua đi tất cả

Những ngày vắt xác thời gian

Những đêm cuồng xoay hoang tưởng

Những mộng mơ sóng sánh

 

Rồi sẽ qua đi

Cứ lừ lừ mà đi

Mang cả tơi cả mũ mà đi

Không một Hercules nào có thể nhấc bổng lên và quẳng lại

Dẫu có thể điên vì bớt dại

Qua đi

 

Đắc thắng cười với chiếc bình hoa lăn lóc trống không

Những vỏ bao diêm chơ chỏng

Hòang hôn trắng và đen

Dăm bào mục

Mắt dế nhìn đau đáu

 

25/6/96

 

 

 

 




 

Trăng


 

Ta ở dưới trăng vàng rộng rãi

Suốt sông dài cho gió lên ngôi

Trong vòng anh có đôi hàng tóc đỗ

Cứ môi em là tôi lại mặt trời.

 



 


 


 


 


 


Nuối Tiếc


 

Trở về rất lâu sau hoàng hôn

Khẽ chạm phần trái tim hoang dã nhất

Cánh đồng tím phớt mắc cỡ rợp chiều chuồn chuồn

Mím khóc

Đứa bé ngủ say - Căng dây - Bong bóng - Diều

 

Trở về rất lâu sau hoàng hôn

Mật ngọt đầu môi lôi nhau vào giấc ngủ giả vờ

Ác mộng nhe răng nhọn hoắt

 

Trở về rất lâu sau hoàng hôn

Biết sao hơn - đêm dường hơi buồn

Con nai cuối cùng mất tích

Ký ức - gió thì thào

Hiện tại - gió giong chuông.

 




 

 

 

 

 

Đợi


 

Trên luống đất sẫm màu đẫm sương nhiều đêm

Tôi nắn nót gieo những hạt hoa mới nhặt

Rồi ngủ lại bên rãnh

Đợi bùng lên những bông hoa nửa xanh nửa đỏ hình lục giác

 

Trong khu rừng già nhăn nheo vì già

Tôi cưỡi nai gạc dài xạc xào lá đổ từ nhiều mùa

Lẩm bẩm những hàng cây chao ngã

Đợi một túp lều rơm óng ả chờ tôi

 

Trên nẻo đường dẫn đến nơi tôi quất ngựa lần đầu

Cỏ hắc mùi khung cửa gỗ sau nhiều ngày dai dẳng mưa

Tôi đợi một cú ngã bê bết đất đỏ

Đợi bằng tất cả run rẩy bất an

Bằng tất cả hân hoan gom góp được

Và những lê la gió bụi dọc đường.

 

4/7/96

 



 


 


 


 


 


Khoảng Cách


 

Tôi rụng một chiếc lá thẳm vàng xuống dòng đêm lấp lánh

Trăng xòe vây bơi sấp mặt hoàng hôn

Những tượng đá xám rêu ngẩn cười ngơ ngác

Bất động giữa rừng tràn trề mầm và lộc

Hoang mang sa mạc xương rồng

 

Tôi bật khóc một đêm cuối hạ huyền

Sờ soạng những hình nhân xanh tươi sắp lạnh lùng hóa đá

Những tượng đá răm rắp vận hành

Theo những chiếc nút ám khói nhờ nhờ toan tính

Bông hồng thôi rưng rức tim xanh

 

Trong khoảng sân rợp bóng tre ra hoa

Thơ thẩn tôi chơi với cánh diều điện tử

Chim khuyên hót mai vàng tư lự

Ông ngoại tôi thong thả bình Kiều…

 

15/7/96

 



 


 


 


 


 


Giết Kiến


 

Buồn còn biết làm gì

Thôi thì ta giết kiến

Rồi hí cười độc ác vay cơn hoảng loạn

Hả hê nỗi lau phơ phất vàng trong ta

Hả hê cái cảm giác em đã cấy sang vờ vật nụ hôn

 

Năm ngón tay sừng sững Ngũ Hành Sơn

Trái tim lẩm cẩm nói gì gần đúng

Chạy vòng vèo hòng trốn gương mặt mình

Rồi về lủi thủi xó nhà ngắm kiến

 

Đồng hồ chưa bao giờ réo trên đầu chúng 5 giờ sáng

Loài kiển giương râu – một chạm

Nụ hôn rũ sạch cô đơn

Hôm nay giống hệt hôm qua

Hôm qua hệt ngày trước đó

Cứ như thế giới không hề bom nổ

Cứ như loài người không hề vắt chân lên cổ

Mà vẫn cắn nhau ngoài ánh sáng

Và trong bóng tối thản nhiên giẫm nhau

 

Kiến ơi! Mi làm ta nhức đầu

(Cái đầu công nghiệp nghênh ngang ống khói)

Nhân danh loài người ta giết ngươi  bằng cái búng tay

Để rú lên chuỗi cười nhân tính.

 

13/8/96

 



Thí Nghiệm


 

Có một lần tôi cố đi thật xa

Căn phòng ấm áp

Nơi những nỗi buồn gối vào nhau

Lẵng hoa giả gồm hai mươi bảy chiếc

Ngọn đèn bàn mẻ góc

Ô gạch vuông sũng một dấu chân

 

Tôi ngậm miệng bước đi

Giọt sương óng buốt

Một ít sao tít tắp phía cánh rừng đang mùa lá rụng

Đám sỏi sau nhà không hề xao động

Tôi nâng niu từng ngọn cỏ giấu chân tôi

 

Tôi đã đi thật xa

Chỉ mong một ngày quay lại

Trong một hình hài lấm bụi

Khẽ khàng đẩy cửa

Xem căn phòng tôi ở

Có gì khác chăng?

 

1996

 


 


 

Ba bài thơ về biên giới

1. 1979

Trần Mạnh Hảo

Cao Bằng

Núi đuổi trời cao, núi hụt hơi

Vực thẳm chênh vênh hút mặt trời

Mõ trâu bản nhỏ lùa sương khói

Cao Bằng trấn giữ một vùng xuôi

.

Núi vặn mình ra dòng thác réo

Lối lên Hà Quảng mút chân đèo

Áo chàm một giải Nguyên Bình ấy

Khuổi Nậm người đi suối vẫn reo

.

Đâu là tiếng sáo đâu lời suối

Bóng em tỏa mát một triền nương

Tôi nhớ Cao Bằng em ít nói

Mới đó mà nay lại chiến trường

.

Giặc lại ào sang từ phía đó

Lại Tôn Sĩ Nghị lại Liễu Thăng

Chúng như trận lốc mù đen gió

Phút giây định cuốn cả Cao Bằng

.

Một giải biên cương bùng khói lửa

Giặc xưa tràn đến bản thành tro

A lũ giặc này không thuộc sử

Vác xác sang đây đắp mấy gò?

.

Núi ở Cao Bằng mà đổ xuống

Giặc kia dữ mấy cũng tan thây

Vực ở Cao Bằng thăm thẳm lắm

Dù triệu quân kia lấp chẳng đầy

.

Nơi suối Lê Nin hang Pắc Bó

Giặc sao dám động đến lòng ta

Đá ở Cao Bằng đang tóe lửa

Núi vẹt trời xanh mũi mác lòa

.

Người ở Cao Bằng đều xạ thủ

Nghìn đời quen mặt bọn xâm lăng

Núi buông một tiếng dài như hú

Xác thù ứ nghẹn nước sông Bằng

.

Ngày mai có về thăm Khuổi Nậm

Tiếng khèn vén núi áo chàm giăng

Hãy nhớ những người đang xuất trận

Không cho giặc thoát khỏi Cao Bằng.

3/3/1979.

.

.

2.1989

Nguyễn Duy

Lạng Sơn, 1989

Ta về thăm chiến trường xưa

em-hoa đào muộn Kỳ Lừa mùa xuân

gió đi để lạnh mưa dầm

người đi để buốt dấu chân trên đường

.

Đồng Đăng… Ái Khẩu… Bằng Tường…

chợ trời bán bán buôn buôn tít mù

ta đầy một bị ưu tư

giá như cũng bán được như bán hàng

.

Trớ trêu nỗi Hữu-Nghị-Quan

giá như máu chẳng luênh loang mặt đèo

A Qui túm tóc Chí Phèo

để hai bác lính nhà nghèo cùng thua

.

Nỗi Tô Thị xót xa chưa

giá như đừng biết ngày xưa làm gì

giá như đã chả vô tri

để ta hỏi lối trở về thiên nhiên

.

Giá như ta chớ gặp em

để không mắc nợ cái duyên Kỳ Cùng

giá như em đã có chồng

để bòng bong khỏi rối lòng người dưng.

Kỷ niệm 10 năm mặt trận biên giới tháng 2/1979-tháng 2/1989.

.

.

3.2009

Chung Do Kwan

Linh hiển

.

Đánh xong polpot ta về ngủ

Kẽo kẹt đêm đêm võng một mình

Tiếng chân mẹ rót như sương rụng

Vẫn làm giật bắn cả bình minh

.

Chưa xong giấc ngủ thèm mơ mộng

Máu đỏ loang từ biên giới xa

Balo xốc lại chờ ra trận

Lại cúi hôn lên trán mẹ già

.

Thôi thì chinh chiến không ai muốn

Vẫn phải sôi gan giặc đến nhà

vận trời- máu chỉ loang chừng ấy

Rừng đào linh hiển vẫn ra hoa

.

Đá núi nghìn năm nằm thở khói

Lau trắng nghìn năm lau trắng thêm

Cớ gì sông núi hao gầy mãi

Ai nhớ và ai đang muốn quên?

(17-2-1979-17-2-2009)

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN