Wednesday, 28 June 2017

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN






BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN

Tôi có người bạn viết ba cuốn sách vài trăm nghìn chữ mất 7 năm, lấy tựa chung “Bất hạnh là một tài sản”.

Tôi viết bộ ba đoản thiên lan man tùy bút về ba người bạn Đức tổng cộng bảy nghìn chữ trải dài trong quãng mười lăm năm, vừa bằng thời gian nàng Kiều lưu lạc. Nhân đang lưu lạc ở Đức, tuy không như Kiều, tôi tái bản hai phần đầu và viết nốt phần thứ ba, cho thành một trilogy không phải threesome, lấy tên chung “Bạn bè cũng là một tài sản”.

Phần 1.  Joerg – The Jogger (Biên ở Úc, 2003)

Đã bao lâu rồi tôi chưa quay lại bờ hồ? Tôi không nhớ rõ. Tháng ngày trôi nhanh quá. Cái chiều mà tôi lang thang ra bờ hồ và bắt đầu viết tản mạn là một ngày cuối đông. Những cây phong sân trường lúc đấy đang đỏ rực. Sáng nay, khi tôi đến trường thật sớm để chụp ảnh, tôi chợt nhận ra cũng những cây phong đấy đã sum suê xanh lá. Hôm nay đã là giữa mùa xuân. Sân trường nghiêng sang sắc tím của những cây tôi gọi là phượng tím. Các bạn tôi gọi là jacaranda, tôi tra từ điển Lạc Việt thấy cho nghĩa là lan dạ hương. Để cho đơn giản, nếu tôi có nhắc lại tên loại cây này trong bài viết này tôi sẽ gọi chúng là phượng tím.

Đà Lạt cũng có một cây phượng tím. Tôi chưa bao giờ ngắm nó thật kỹ để có thể chắc chắn rằng phượng tím Đà Lạt chính là phượng tím Brisbane. Tôi chẳng dại gì khẳng định một điều tôi không biết rõ. Điều duy nhất mà tôi có thể chắc chắn vào lúc này là tôi đang rơi vào một tình trạng hết sức bi kịch.

Xin đừng vội trầm trọng hóa vấn đề. Đã từng sống ở một thành phố như Sài Gòn gần mười năm, nơi mọi bi kịch vốn không nhiều trên sàn diễn đều ít nhiều nhuốm màu hài kịch, thì khi tôi nhắc đến bi kịch cũng có thể chẳng là vấn đề gì ghê gớm lắm. Đó là chưa kể bi kịch của tôi có thể khác hoàn toàn bi kịch của bạn. Càng khác ghê gớm cái bi kịch về miếng ăn và nhà ở mà Nguyễn Huy Thiệp từng nhắc đến. Bi kịch của tôi vài ngày gần đây đơn giản chỉ là tôi không ngủ được khi muốn ngủ và buồn ngủ khi muốn thức. Đang giữa một chương trình ti vi yêu thích, mắt tôi díp lại và không còn nghe anh chàng hoạt náo viên ba hoa những gì. Nhưng khi quyết định ngủ thì mắt tôi lại thao láo mở ra như chưa từng bao giờ buồn ngủ. Sau một hồi lăn qua lộn lại, tôi quyết định ngồi dậy và viết một cái gì đó cho đến khi nào không nhấc nổi mí mắt nữa thì thôi. Tôi đã có ý định viết về những người bạn Đức của tôi từ lâu, có khi đêm nay là một dịp tốt.

Tôi vốn không ưa nuớc Đức. Như bao cậu học trò từng ngồi dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, tôi yêu nuớc Nga một cách vô điều kiện. Mà Đức thì gây chiến với Nga…

Tôi không ưa Đức còn vì bóng đá Đức. Thứ bóng đá lạnh lùng, khô khan từ đội tuyển cho đến câu lạc bộ, tàn nhẫn diệt những đội bóng lãng mạn mà tôi yêu thích.

Ấn tượng của tôi về người Đức càng tệ hại hơn khi người Đức đầu tiên tôi gặp ở trường Queensland là một cô gái luôn chun mũi lại khi nói chuyện. Tên cô ta là Astrich thì phải, nhưng nếu ai đó nghĩ rằng cô ta phải tên là Ostrich tôi cũng không phản đối.Tôi gặp Ostrich, à quên Astrich, trong buổi tiệc trà chào đón các sinh viên luật quốc tế mới đến trường. Astrich bắt tay tôi, nhăn mũi, xưng tên (hoặc trình tự ngược lại, không nhớ rõ lắm), rồi sau đó nói chuyện với những người khác mà không liếc tôi đến lần thứ hai. Sau đó tôi còn gặp cô nàng trong lớp Luật Nhãn hiệu hàng hóa và lớp Hệ thống pháp luật các nuớc Đông Á nữa, thế mà cô nàng chả buồn cười với tôi lấy nửa cái. Tôi chỉ thấy cô nàng vẫn nhăn mũi mỗi khi tranh luận bốp chát với giảng viên. Sau này tôi hỏi Philipp về Astrich, Philipp bưng mặt và nói trời ạ, con gái Đức học luật điển hình đấy, không thể nào chịu nổi. Con trai Đức còn không chịu nổi, huống gì con trai Việt Nam như tôi.

Chẳng hiểu sao ngừơi Đức đến Queensland học luật nhiều thế, vào lớp nào cũng gặp ít ra ba, bốn tên. Ngừơi Đức chăm học nên đâm ra hay gặp tôi ở thư viện.(Câu này nhằm khẳng định sự chăm học của người Đức, chứ tôi không có ý định tự khoe. Tôi thường có mặt ở thư viện nhưng điều này không có gì bảo đảm cho sự chăm học của tôi.) Vài câu chào hỏi xã giao, rồi đi ăn trưa chung, đi uống café. Rốt cuộc bây giờ tôi có ba người bạn Đức khá thân, tên là Joerg, Philipp và Sirko.

Joerg cao một mét tám muơi tư, 24 tuổi, dân miền Bắc nuớc Đức, giáp với Đan Mạch. Joerg trắng nhất trong các người Đức tôi đã gặp, người da trắng điển hình. Câu lạc bộ bóng đá yêu thích của Joerg là Werder Bremen. Tôi nhìn thấy Joerg cũng trong cái ngày mà tôi gặp Astrich, nhưng mãi đến học kỳ hai chúng tôi mới nói chuyện với nhau, thông qua một người bạn chung người Malaysia. Phải gặp Joerg trước Astrich, thì ấn tượng về ngừơi Đức của tôi đã tốt hơn nhiều lần.

Nhà Joerg cách nhà tôi chỉ mỗi cái trạm xăng. Từ lúc chơi với nhau thì cứ cách ngày một lần, vào lúc năm giờ chiều, Joerg sẽ đến gõ cửa căn hộ của tôi. Chúng tôi đi bộ một quãng, đến con đường nhỏ dành cho xe đạp và người đi bộ dọc bờ sông thì bắt đầu chạy. Hồi chưa chạy cùng Joerg tôi chạy một mình, thường chỉ chạy một phần ba con đường thì thở hổn hển và đi bộ ngược lại. Hôm đầu chạy cùng Joerg, được hai phần ba đường tôi đứng lại còn Joerg vẫn chạy cho đến cuối đường. Hôm sau tôi cố thêm một chút. Hôm sau tôi cố thêm một chút nữa và đến lần chạy cùng thứ tư thì tôi đã có thể thoải mái chạy đến cuối đường, cùng nghỉ khoảng 5 phút rồi chạy bộ trở về. Thật là chỉ cần cố một chút thì người ta có thể khá hơn rất nhiều. Từ đấy trở đi tôi bao giờ cũng hoàn thành đường chạy, kể cả những hôm Joerg bận và tôi chạy một mình.

Hay gặp nhau nên chúng tôi nói chuyện với nhau khá nhiều. Có lần chúng tôi gặp trên đường chạy một thiếu niên Australia, là bạn ở cùng nhà cũ với Joreg. Joerg khoe cậu nhóc đấy (mười chin tuổi) uống rượu rất nhiều, hút thuốc rất kinh, nhưng ở cùng với Joerg một thời gian, cậu này bỏ thuốc và bắt đầu chạy cùng với Joerg. Bây giờ Joerg đã chuyển sang nhà khác, cậu đấy vẫn tiếp tục chạy. Nhưng độ chục hôm sau Joergebảo tôi là cậu này bỏ chạy rồi, và uống bia nhiều hơn trước. Joerg bảo bọn thiếu niên Australia này uống ghê quá, cha mẹ chúng giàu chúng chỉ biết tiêu tiền thôi chứ chả biết quý tiền. Ở Đức bây giờ nhiều thanh niên mới lớn cũng chỉ biết hưởng thụ như thế. Joerg nói Joerg cảm thấy lo lắng, vì thành công của xã hội Đức là dựa trên tính kỷ luật và lao động chăm chỉ. Nay nếu lớp trẻ chỉ hưởng thụ thì xã hội Đức sẽ xuống dốc.Trong khi đó những nước như Trung Quốc, cả nước họ đang làm việc rất hăng để phát triển thật nhanh…Joerg chính là người đã đọc Hermann Hesse cho tôi, còn tôi thì đọc Từ thế chi ca của Chế Lan Viên cho Joerg.

Mười lăm năm qua, tuy không đều đặn, nhưng tôi vẫn duy trì thói quen chạy bộ. Lúc nào chạy không nổi thì đi. Mỗi khi có một sự kiện nào đó trong cuộc đời, chúng tôi biên thư cho nhau. Joerg, vào thời điểm này, đang làm phụ tá cho thẩm phán đâu đó gần Hamburg, đã có hai con và một bạn gái, không rõ cưới chưa. Chúng tôi sẽ gặp lại nhau vào tháng 8. It’s going to be fun.


Phần 2. Sirko – The Professor (Biên tại Việt Nam, 2009)

Tôi vừa ăn xong con tôm hùm to nhất trong đời tại Mũi Né. Nó to đùng, to đoàng, thịt trắng phau, cắn một miếng nước bọt ứa ra, cắn hai miếng muốn xỉu. Tôi chỉ ăn có nửa con thôi mà đã xiểng liểng. Tiếc là tôi chỉ nghĩ đến chuyện chụp hình, sau khi nó chỉ còn trơ vỏ. It's 25 minutes too late. Dù sao đi nữa, tôi cũng không mang máy ảnh theo trong chuyến đi này. Giáo sư, hay con chuột bạch (hoặc con heo Ghi-nê tùy bạn gọi), là người xơi nửa con còn lại, và giáo sư cũng thừa nhận rằng it was the best lobster he's ever had.

Đây là lần đầu tiên tôi lái xe đi xa đến thế. Hồi nào đến giờ tôi chỉ quanh quẩn tại Sài Gòn. Nhân dịp giáo sư đến thăm Việt Nam, tôi đem giáo sư ra làm vật thí nghiệm. Giáo sư ngáp dài ngán ngẩm suốt ba tiếng đồng hồ đầu tiên trên xe, khi tôi đi mãi mà chưa ra khỏi Dầu Giây. Tôi đã đề nghị với giáo sư xuất phát từ Tân Bình vào lúc 6 giờ, nhưng giáo sư còn choáng với cú sốc visa tại cửa khẩu, không thể dậy quá sớm. Cuối cùng, chúng tôi xuất phát lúc 8 giờ 15 từ khách sạn Đệ Nhất, Tân Bình. Giáo sư đã phải trả 123 đô la Mỹ cho một đêm tại khách sạn 4 sao Đệ Nhất. Tôi thì không hiểu tại sao khách sạn này tên là Đệ Nhất và tại sao nó được mang 4 sao. Tôi không hình dung ra loại du khách nào thì chọn ở khách sạn này, một khách sạn vừa xa trung tâm thành phố, vừa rất trung bình về chất lượng trong khi rất cao cấp về giá cả. Tất nhiên tôi đã không book cho giáo sư vào khách sạn này. Việc giáo sư phải ở khách sạn này trong một đêm chỉ là một tai nạn. Cái tai nạn này, cũng như câu chuyện visa, xứng đáng được kể cặn kẽ, nhưng tôi sẽ chỉ làm việc đó sau khi giáo sư đã rời Việt Nam an toàn.

Suốt ba tiếng đồng hồ trên đường từ Tân Bình đến Dầu Giây, giáo sư lộ rõ vẻ ngán ngẩm. Giáo sư bình luận bằng một giọng hết sức giáo sư, mà cũng hết sức giống một người Đức điển hình. Tao nghĩ giao thông ở Trung Quốc là tệ lắm rồi, nhưng nay tao mới biết giao thông ở đây còn hơn nhiều. Thật là vô tổ chức. Nếu mọi người kỷ luật hơn chút xíu, ai cũng tôn trọng phần đường của mình, thì giao thông của bọn mày chắc không đến nỗi tệ như thế này. Ặc ặc giáo sư ơi, nếu chúng tớ cũng kỷ luật như người Đức của giáo sư, chúng tớ đã khác lắm rồi.

Chúng tôi bò như rùa từ Sài Gòn đến Dầu Giây. Từ Dầu Giây trở đi, đường sá quang đãng hơn rất nhiều. Đến một lúc, tôi nhận thấy chỉ mình xe chúng tôi trên đường, đường rất vắng và rất tốt, có thể chạy hơn 90km/h hoàn toàn thoải mái và nhẹ nhàng. Một lúc nữa thì tôi phát hiện ra đã nhầm vào đường đi Bà Rịa. Có một ngã ba, gọi là ngã Tân Phong mà tôi không để ý. Thay vì rẽ vào hướng đi Mũi Né, tôi lại chạy thẳng. Thế là, tôi phải vòng lại một đoạn khá xa.

Giáo sư là người Đức, bạn tôi khi học ở Brisbane. Giáo sư được gán biệt danh “giáo sư” vì anh hành xử như một giáo sư và uyên bác như một giáo sư. Thời đi học, tôi hay lên thư viện trường nghịch internet và nhong nhóng xem có ai quen thì rủ đi uống café. Nếu tôi rủ giáo sư, trước hết giáo sư sẽ liếc nhìn đồng hồ, rồi bảo OK, tao đi được nhưng tao cần phải tìm một bài báo/cuốn sách, nửa tiếng nữa tao tới. Đúng nửa tiếng giáo sư sẽ tới, gọi một ly gì đó, chuyện trò dăm ba câu rồi giáo sư lại nhìn đồng hồ và bảo, tao phải đi đây, còn phải viết thêm một nghìn chữ cho bài essay vào hôm nay. Tôi nghĩ không có đồng hồ giáo sư sẽ chết mất.

Trước khi học Master ở Úc, giáo sư đã xong Doctoral continental law (hệ thống luật lục địa) ở Đức và đã trợ giảng một số năm. Giáo sư đến Úc vì muốn hoàn thiện tiếng Anh và muốn tìm hiểu thêm về hệ thống common law. Trong khi tôi chật vật lắm mới được điểm 6 hoặc mấp mé 7, thì giáo sư dễ dàng lấy điểm 7 ở hầu hết các môn. Điểm 7 là điểm cao nhất trong thang điểm đại học ở Úc. Sau khi hoàn tất Master ở Úc, giáo sư sang Aberdeen, Scotland để làm thêm một cái Ph.D common law (hệ thống thông luật) rồi trở thành một giáo sư thực thụ tại Leicester, UK. Tổng cộng giáo sư mất mười lăm năm học và nghiên cứu luật trước khi chính thức dạy đại học. Tôi nhớ lúc học luật ở Việt Nam, có những thầy cô chỉ trên tôi ba khóa. Cơm chấm cơm, cháo chấm cháo, nên rõ ràng cơm, cháo chả là cơm cháo gì so với xúc xích, phô-ma.

7 tháng trước khi sang Việt Nam, giáo sư gửi email thông báo ý định và kiểm tra xem tôi có đi đâu trong thời gian đó hay không. Một tháng sau, giáo sư đã mua vé và tôi đã biết chính xác ngày giờ giáo sư hạ cánh. Nửa tháng trước khi đến, tôi đã hoàn tất kế hoạch cho giáo sư tham quan Việt Nam. Trong rất nhiều email qua lại chuẩn bị cho chuyến đi, chúng tôi không mảy may đề cập đến chuyện visa, vì tôi nghĩ đó là chuyện hiển nhiên phải làm trước khi đến bất cứ nước nào. Đúng ra tôi hoàn toàn không nghĩ đến chuyện này và giáo sư cũng hoàn toàn không có bất cứ câu hỏi nào. Thế nên, tôi không biết giáo sư đã quyết định một cách hết sức kém sáng suốt, không đúng tầm giáo sư tí nào: xin visa tại cửa khẩu Việt Nam.

Tôi đến sân bay khi giáo sư vừa hạ cánh. Tôi gọi điện chúc mừng giáo sư, hướng dẫn khi ra ngoài gặp tôi ở chỗ nào. Hai mươi phút sau giáo sư nhắn tin “tao đang chờ lấy visa, mất khoảng 30 phút”. Hơi ngạc nhiên vì không biết rằng visa có thể xin tại cửa khẩu, nhưng tôi vẫn yên bụng ngồi chờ. Đúng 30 phút sau, giáo sư lại nhắn tin “chắc tao còn phải chờ lâu nữa, visa chưa xong”. Bắt đầu hơi nghi ngại, tôi gọi cho giáo sư. Giọng giáo sư vang vang trên điện thoại: “It’s totally unorganised here. I don’t know how much longer I have to wait.” Tôi an ủi giáo sư mày ráng chờ một chút đi, nhưng nếu gặp rắc rối gì thì gọi cho tao. Thêm khoảng 40 phút nữa, điện thoại tôi rung lên. Tin nhắn của giáo sư: “Big problem. I need an invitation, which I don’t have.” Trời ạ, sao không ai bảo với giáo sư rằng cần phải có một invitation mới có được visa, nếu như thủ tục xin visa tại cửa khẩu quả thật cần phải có một invitation?

Khi đã gặp nhau tại khách sạn Đệ Nhất rồi, giáo sư mới nói tao kiểm tra rất kỹ trên trang web (tôi không hỏi kỹ trang web nào, của đại sứ quán Việt Nam hay một trang khác của UK, nhưng tôi đã yêu cầu giáo sư gửi cho cái link). Trên đó nói chỉ cần mang theo hai tấm ảnh và hộ chiếu. Hồi đó tao đi Malaysia cũng xin visa tại cửa khẩu nhanh lắm nên tao nghĩ Việt Nam cũng tương tự. Giáo sư, tuy là giáo sư rồi mà nhiều khi suy nghĩ thật thơ ngây. Thơ ngây hệt như lúc giáo sư tròn mắt ở Tân Phong, cái ngã ba mà tôi đi lạc, khi quành lại rồi tôi phát hiện ra có mấy hàng trái cây ngon lành ven đường. Nghĩ rằng giáo sư sẽ thích trái cây nhiệt đới vừa tươi vừa rẻ nên tôi dừng lại mua hai ký măng cụt và hai ký chôm chôm nhãn. Em bán hàng vừa khúc khích cười vừa cân măng cụt cho tôi. Em nói măng cụt đây ba ký rưỡi luôn rồi anh lấy luôn nhe. Tôi không khúc khích cười như em, tôi thấy bịch măng cụt chút xíu nên nói với em rằng em tính giỡn chơi anh sao chừng này mà hai ký. Em vẫn khúc khích cười mang một cái cân khác ra và thật là tài tình vẫn bịch măng cụt đó bây giờ vừa đúng hai ký. Không biết em còn một cái cân thứ ba nữa không. Tôi áng chừng chừng đó măng cụt chắc cũng xấp xỉ hai ký thật nên móc tiền ra trả. Em khúc khích cười nhận tiền, còn giáo sư thì tròn mắt. Hai mắt giáo sư tròn như hai cái đít tô.

Giáo sư đã mắt chữ O, mồm cũng chữ O nhiều lần từ khi đến Việt Nam. Đêm đầu tiên ở Việt Nam, sau khi đã trả 100 đô để nhận visa và passport, giáo sư được tự do. (Trước đó giáo sư bị buộc phải ở trong khách sạn vì visa chưa có.) Tôi chở giáo sư đi ăn tối. Vừa ló ra đường chính, giáo sư đã ồ lên kinh ngạc khi thấy người và xe lúc nhúc từ mọi hướng. Đến lúc đi trên Hoàng Văn Thụ, đoạn bên hông công viên, giáo sư lại ồ lên khi thấy xe máy và ô tô đan xen vào nhau, chịu không biết làn nào ra làn nào. Giáo sư ồ to hơn khi một chiếc taxi lấn qua mặt tôi từ bên phải đồng thời một chiếc taxi lấn qua từ bên trái. Nhưng đến lúc xe nhích từng mét một trên đường Nguyễn Văn Trỗi, nơi có những lô cốt trơ gan cùng tuế nguyệt bao nhiêu tháng qua, giáo sư chán không ồ à nữa, chỉ van vỉ tôi chở đến một quán ăn nào càng gần càng tốt. Giáo sư chỉ ồ lên một lần nữa khi xe vào Nam Kỳ Khởi Nghĩa, vì lúc đó giáo sư vui sướng phát hiện ra đường này có làn riêng cho xe máy và ô tô. Tôi không kể cho giáo sư rằng người ta đã thi công con đường này gần 4 năm qua. Tuy vậy giáo sư cũng kịp nhận xét chính phủ mày phải làm một điều gì đó về giao thông, vì giao thông không trôi chảy thì kinh tế sẽ trì trệ. Tôi cười.

Tôi cười vì tôi không thể khóc. Không khóc khi gặp bạn cũ sau 6 năm. Không khóc ở Ho Chi Minh City. Không khóc trên đường đi Mũi Né.

Lần đầu tiên lái xe đi xa với một con chuột bạch nặng 85 kg, tôi phát hiện ra mình lái xe cũng không tồi và lái xe đường dài cũng không đến nỗi kinh hãi lắm. Tuy vậy tôi cũng sợ vài thứ. Thứ nhất là xe bus. Bus ở đây không phải là loại lô cốt di động thường thấy ở nội thành Sài Gòn mà loại xe chở du khách của các công ty du lịch. Cánh lái xe bus mặc nhiên biến làn bên trái thành làn xe của mình và chỉ chịu đi đúng làn khi có xe từ hướng ngược lại. Thứ hai là các bác OS. OS là diễn đàn otosaigon.com, một diễn đàn chuyên về xe pháo các loại, nếu cần bất cứ thông tin gì về xe cộ, đường sá, đi lại bạn có thể vào đây luôn có người sẵn lòng trả lời cho bạn. Các thành viên OS, như thể hiện trên forum, thường xuyên kêu gọi nhau lái xe an toàn, đúng luật lệ. Họ dán logo otosaigon.com màu cam trên xe để nhận ra nhau.

Sau đây là chuyện tôi “gặp” các bác OS: Lúc ra khỏi Phan Thiết một đoạn, đột nhiên tôi thấy một đoàn bốn, năm chiếc nhấp nha nhấp nháy đèn từ một cây xăng ven đường phóng ra đường chính với tốc độ khá cao. Đoàn xe này khi nhập với dòng xe trên quốc lộ rồi vẫn nhá đèn xi-nhan trái liên tục, có xe còn bật cả đèn khẩn cấp. Ở ngay phía sau họ nhìn tới, tôi quá chóng mặt với tín hiệu đèn không ngừng nhấp nháy bèn chạy chậm hẳn lại cho họ đi khuất mắt cho rồi. Lúc qua khỏi Dầu Giây chút xíu, xe phía trước hơi ùn cả lại. Thì ra có bốn năm chiếc cùng tấp vào lề đường. Tôi vượt lên, nhìn thấy một tốp năm bảy bác đứng quay lưng bên đường, hai tay hẳn là ở phía trước bụng cầm một cái gì đó. Tôi không nghĩ rằng tôi cần phải miêu tả cụ thể hơn họ đang làm gì. Đến lúc đó tôi vẫn chưa biết rằng đây là các bác OS mà tôi vẫn ngưỡng mộ. Chỉ khi, hẳn là sau khi các bác giải quyết tình yêu thiên nhiên xong và đồng loạt qua mặt tôi, một bác bên trái, ba bác bên phải gần như cùng lúc, thì tôi mới choáng váng nhìn thấy logo otosaigon.com trên xe các bác, gồm hai chiếc BMW, một chiếc Mercedes và một Ford Escape. Trừ chiếc Ford Escape, ba chiếc kia đều bật đèn khẩn cấp. Quả là một sáng kiến phi thường!

Nếu vấn đề giao thông và đường sá có mang lại đôi chút phiền toái và mệt mỏi, thì Mũi Né thật sự là món quà tuyệt vời cho giáo sư, một người đã 6 năm chôn thân ở một xứ ướt át lạnh lẽo như Aberdeen và sau đó là Leicester. Đang giữa mùa mưa nhưng may cho giáo sư chúng tôi không gặp phải một cọng mưa nào. Trời nắng to, biển xanh, cát trắng, ngồi nhấm nháp ly mojito trong quán bar bên bờ biển, giáo sư công nhận rằng it’s worth the drive. Buổi tối, tôi chở giáo sư chạy tà tà trên con đường chính ở Mũi Né, hai bên đường resort, quán ăn và spa nằm san sát. Tôi cho giáo sư tự chọn quán nào vừa mắt thì xông vào. Rốt cuộc giáo sư chọn một nhà hàng seafood BBQ tên là Quê Hương. Chính ở trong quán này chúng tôi đã phanh thây con tôm hùm trắng phau, ngọt lừ kể trên. Tôi rất tiếc không chụp hình được con tôm hùm này, vì như đã nói, lúc nhớ ra thì đã quá muộn. Con tôm hùm vùng vẫy trong đại dương kết thúc cuộc đời oai hùng lừng lẫy trong bao tử chúng tôi mà không có lấy một tấm ảnh để tôm hùm vợ và tôm hùm con hương khói. Đời nhiều khi chẳng biết nói thế nào. Tương lai bao giờ cũng khó đoán định.

Cho dù thế, với một nửa con tôm hùm trong bụng, giáo sư đã dự đoán một tương lai tươi sáng cho ngành du lịch Việt Nam. Đại để ở châu Âu chẳng mấy ai biết Việt Nam chúng mày có bãi biển đẹp thế này, resort oách thế này, tôm hùm ngon thế này. Dân châu Âu phần lớn chỉ biết Thái Lan, Malaysia, Bali. Chúng mày phải quảng cáo cho thế giới biết. Chính phủ mày phải làm một cái gì đó để thu hút thêm du khách. Tôi cười. Chính phủ tao is working on it. Ít nhất trong vòng năm năm qua slogan ngành du lịch Việt Nam đã đổi những ba lần. Từ “Vietnam – a destination for the new millennium”, cho đến “Welcome to Vietnam” rồi bây giờ là “Vietnam – a hidden charm”. Very well hidden, indeed.

Mũi Né thay đổi nhiều chỉ sau một năm. Năm ngoái đến đây, tôi chưa thấy nhiều spa như bây giờ. Trung tâm tắm bùn khoáng tương tự như ở Tháp Bà Nha Trang, cũng như nhà hàng Hoa Viên bia Đức, nơi tôi và giáo sư ngồi uống bia tươi và tưởng nhớ tôm hùm cũng chưa có. Mới nhất và đặc sắc nhất là con đường mới mở từ đầu Mũi Né, xuyên qua đồi cát đến thẳng Hòn Rơm. Đường chạy trên cao uốn lượn theo đồi, trông xuống vịnh Mũi Né đẹp đến nghẹt thở. Chất lượng đường cực tốt, có thể chạy trên 100km/h hết sức nhẹ nhàng. Tuy nhiên, tôi không hiểu vì sao người ta cắm bảng giới hạn tốc độ 30km/h trên toàn tuyến. Trên đường từ Sài Gòn ra Mũi Né, nhiều đoạn đường khá tốt, dân cư thưa thớt, tôi cũng không hiểu tại sao tốc độ giới hạn là 50km/h, khiến cả đoàn xe phải nối đuôi nhau rù rì. Cảm giác những lúc đó thật là tưng tức, y như sau khi bạn uống nước quá nhiều, bụng căng tròn mà không thể nào đi ấy được.

Cho dù hết sức mê Mũi Né, bảo rằng nếu có thời gian sẽ ở Mũi Né cả tuần, giáo sư vẫn muốn quay lại Sài Gòn để đi thăm địa đạo Củ Chi. Giáo sư chỉ có ba ngày ở Việt Nam. Giáo sư rất muốn nhìn thấy hệ thống địa đạo lừng danh, muốn hiểu vì sao Mỹ đã thua ở Việt Nam. Giáo sư nói, chỉ có mỗi Việt Nam mày là thắng được Mỹ thôi. Đúng là như thế thật, tôi bảo, nhưng cái giá chúng tao phải trả rất đắt, mày có biết hơn ba triệu người Việt đã ngã xuống trong hai mươi năm chiến tranh không? Mỹ thua trận nhưng chỉ có 58.000 người chết, người Mỹ sang đây nhặt từng bộ xương mang về, còn chúng tao, chúng tao có cả một đất nước tan hoang, có những vết thương không bao giờ hàn gắn, và đến bây giờ, vẫn còn những hận thù không nguôi. Giáo sư bảo đó là một cuộc chiến không cần thiết. Có cuộc chiến nào là cần thiết không hả giáo sư của tôi? Nhân dân có bao giờ cần chiến tranh, chỉ có một số ít người “cần” nó…

Để tránh kẹt xe trong nội thành, tôi chở giáo sư theo đường Nguyễn Văn Linh ra quốc lộ 1A rồi ra đường Xuyên Á, tuy xa hơn tí nhưng không gặp thảm cảnh nhích từng mét một như hôm đi Mũi Né. Đường Xuyên Á khá tốt, nhưng tốc độ cho phép cũng chỉ có 50km/h.

Củ Chi, một vùng quê xanh mướt dần hiện ra trong mắt chúng tôi. Hứng nửa triệu tấn bom trong chiến tranh, Củ Chi từng là đất trắng. Tất cả cây cối nơi đây chỉ mọc lại từ sau chiến tranh kết thúc. Đi giữa rừng rậm, tôi hỏi giáo sư nếu mày là lính Mỹ mày có dám đến đây không? Giáo sư lắc đầu, lè lưỡi.

Giáo sư kinh ngạc thật sự khi biết rằng hệ thống địa đạo dài đến 250km, có chỗ sâu đến 10m, gồm 3 tầng, tầng trên cùng để sinh hoạt và chiến đấu, tầng thứ hai dự trữ lương thực và vũ khí, tầng thứ 3 sâu nhất để tránh bom. Ở tầng dưới cùng, đường hầm có những đoạn eo để lính Mỹ có vào đến đó cũng không thể chui qua được. Nhưng tôi nghĩ, chắc là khó có lính Mỹ có thể vào đến đây mà còn sống sót. Cái nắp hầm trên mặt đất, nếu phát hiện ra cũng khó có thể chui vào, chưa kể nhấc nắp hầm lên sẽ có nguy cơ trúng mìn mà người du kích cuối cùng vào hầm đã cài lại. Còn qua khỏi cửa hầm, nếu không dính đạn cũng rơi vào hầm chông. “Cái hầm chông là điều nhân đạo nhất” (Chế Lan Viên). Hãy thử hình dung một anh lính Mỹ to béo ngắc ngoải không sống mà chưa chết giữa hầm chông.

Sau khi tham quan một số đoạn tiêu biểu của hệ thống địa đạo như hầm chỉ huy, hầm cứu thương, hầm hội họp, bếp Hoàng Cầm .v.v., giáo sư, hẳn lúc đấy bụng đang diễn ra phản ứng phức tạp giữa tôm hùm và trái cây nhiệt đới, đột nhiên hỏi cậu hướng dẫn viên, ngày xưa du kích muốn đi toa-let thì đi đâu, làm bên trong này luôn hay ra ngoài. Tôi thấy giáo sư ngu chi lạ! Ra ngoài để mà ăn kẹo đồng à? Du kích Củ Chi anh hùng gan dạ mưu trí, không lẽ chết vì một lý do lãng xẹt. Cậu hướng dẫn viên, con trai một cựu du kích Củ Chi từng bị thương trong chiến tranh, kiên nhẫn giải thích rằng người ta sẽ đào một ngách nhỏ, sau đó đổ tro vào lấp lại. Tôi biết người ta có thể đào một cái ngách, hoặc một cái lỗ, nhưng không chắc người ta có đủ thời gian lấp lại hay không. Giáo sư sau khi đã được giải thích tường tận, thỏa mãn trèo ra ngoài đi kiếm restroom. Tôi ngồi ở canteen nhấm nháp một que kem Kinh Đô. Lúc sau, giáo sư đi ra, nhìn trước nhìn sau rồi thì thào với tôi, chết rồi mày ơi, lúc nãy không để ý tao vào nhầm toa-lét nữ!

Ngoại trừ tai nạn nho nhỏ đó, giáo sư rất hứng thú với chuyến tham quan. Giáo sư nói tao hết sức khâm phục dân tộc mày đã xây dựng được một hệ thống địa đạo tài tình như thế chỉ với một cây cuốc nhỏ. Bây giờ tao hiểu sao Mỹ phải thua ở Việt Nam. Chiến tranh ở nước mày thật sự là chiến tranh nhân dân.

Nghĩ ngợi một hồi, đột nhiên giáo sư hỏi, nhưng sao hồi đó bọn mày xây dựng được một hệ thống địa đạo vĩ đại như vậy, mà bây giờ bọn mày chưa xây dựng được một đường cao tốc tử tế? Giáo sư hỏi câu hỏi khó, tôi không trả lời được. Cũng như tôi đã không trả lời được câu hỏi tại sao có nhân viên một công ty dịch vụ xuất hiện ở của khẩu đề nghị làm giúp visa với giá 100 đô, mà nếu không chịu làm giáo sư chỉ có nước lên máy bay về nước ngay tức khắc.

Buổi tối cuối cùng, giáo sư đến nhà chúng tôi ăn tối. Chúng tôi tặng giáo sư một khăn trải bàn thêu tay xem như là quà cưới cho giáo sư. Sáng hơm sau giáo sư bay đi Melbourne. Ổn định công việc ở Melbourne, giáo sư sẽ phải đón cô vợ mới cưới người Trung Quốc sang. Giáo sư nói bọn Úc thế mà lề mề, visa vợ chồng mà mất đến những ba tháng mới xong. Tuy nhiên tôi tin, cho dù mất ba tháng, giáo sư sẽ không bị bắt chẹt. Như đã từng bị bắt chẹt trên một sân bay lạ.

Sirko, hiện là giáo sư khoa luật ở Edinburg, vợ người Trung Quốc, đã có hai con. Chúng tôi sẽ gặp lại nhau vào tháng 8 ở Munich. It’s going to be fun.

Phần 3. Philipp  - The Vagabond (Biên tại Đức, 2017)

Tôi chưa bao giờ có ý định đặt các ông bạn Đức của mình lên bàn cân (nghĩa đen, không phải nghĩa bóng) để coi ông nào nặng nhất, nhưng tôi biết chắc Philipp là ông nhẹ cân nhất. Thời điểm 2002, Philipp chỉ nặng 67 cân cho thân hình một mét tám mấy. Sở dĩ tôi biết rõ cân nặng của Philipp, là vì vào cái năm 2002 khi chúng tôi còn trẻ trung và hoang dại ấy, một đám sinh viên đủ quốc tịch đang học ở Brisbane rủ nhau đi chơi đảo Fraser. Trước khi đi, cả đám chỉ biết nhau sơ sơ, đại khái đứa này rủ đứa kia, đứa kia rủ đứa nọ. Đi về rồi thì vẫn chỉ biết nhau sơ sơ thôi. Bạn ba ngày cũng như tình một đêm, vui không cam kết. Trên đảo Fraser, tại hồ nước ngọt McKenzie, nơi cát tuyệt đối trắng và nước tuyệt đối tinh khiết đến nỗi không sinh vật nào sống được, đám chúng tôi chơi trò trồng tháp người. Bốn tên to khỏe nhất làm đế, ba tên đứng trên vai bốn tên kia, và một tên nhẹ cân nhất leo lên làm tầng trên cùng. Tôi đứng ở tầng thứ hai, còn Philipp chính là tên leo làm đỉnh tháp, vì hắn khéo, khỏe, lại nhẹ cân nhất theo khai báo. Lần ấy, một em người Brazil, bồ của một cậu Mexico trong đám, là người duy nhất chụp hình tháp người trên hồ McKenzie nhưng mải vui không thu thập email hay số liên lạc của nhau nên tôi chưa bao giờ có tấm hình đó. Ngoài trò tháp người, điều tôi nhớ nhất trong chuyến cắm trại ấy là việc Philipp moi móc, nhặt nhạnh từng mảnh vỡ chai bia mà đám La tinh thác loạn kia (!) quăng tung tóe, thậm chí vùi vào tro, cho vào thùng rác.

Mười lăm năm gặp lại, Philipp dường không thay đổi mấy. Vẫn kiểu tóc bồng bềnh, thân hình vẫn mảnh khảnh vẻ không tăng kí lô gam nào, nói vẫn nhanh và giọng vẫn sôi nổi, trên đường đi công tác mà quần jean áo thun tuềnh toàng, ba lô sau lưng, trông ngài luật sư của một hãng phim Munich vẫn chẳng khác gì gã lãng tử lang thang khắp Úc năm nào. 18 tuổi, Philipp đến Úc lần đầu, lang thang vài tháng như nhiều thanh thiếu niên Đức khác.  Hơn chục năm sau, Philipp quay lại Úc để học thạc sĩ luật, nhưng trước khi vào chương trình đã kịp làm thêm một tua vòng quanh Úc. Rời Úc vài năm, Philipp quay lại Úc một lần nữa để đi nốt những nơi chưa kịp đến trong những chuyến đi ngày xưa. Ngày trước cũng như bây giờ, mỗi lần Philipp kể chuyện Úc là bọn tôi lại mắt tròn mắt dẹt. He knows everything about Australia. Well, not just Australia, to be accurate. Nhưng không như Sirko, kiến thức của Philipp hoàn toàn không dấu vết kinh viện. Những gì Philipp biết là những gì Philipp thu thập từ những chuyến đi. Nếu Sirko là sách thì Philipp là đời. Sách uyên bác mà đời thì phong phú, giàu trải nghiệm. Philipp chính là người chỉ cho tôi dây leo ở Nam Bán cầu xoắn ngược hướng với dây leo ở Bắc Bán cầu như thế nào, và mãi gần đây thì J. – cậu đồng nghiệp Ecuador mới kể cho tôi rằng cả xoáy nước toa lét cũng ngược nhau ở hai bán cầu, và đó là một trong những thứ khiến Ecuador nổi tiếng.

Tôi chưa nói là tôi gặp lại Philipp sớm hơn dự định một chút nhờ vào một trong những đặc sản nước Đức, hay cũng có thể cả châu Âu, đó là tự tử trên đường tàu. Hôm ở Paris tôi hay đi lại đường tàu B mà bạn bè Paris của tôi ai cũng bảo đường tàu này lắm người tự tử, nguyên do đường tàu này đẹp hơn các đường tàu khác. Ở Đức thì, Philipp bảo, bác tài nào cũng từng đâm người rồi, bình quân một tài xế sẽ gặp phải ba vụ tự tử trong suốt đời lái tàu của mình. Số vụ tự tử đặc biệt cao vào dịp Giáng sinh. Mùa đông dài u ám, lạnh lẽo, ai không có gia đình người thân ở bên dễ quẫn trí. Thế nhưng tại sao không chọn những cách khác mà chọn cách lao vào đường tàu, thân xác nát tan, còn làm tài xế bấn loạn và làm khổ bao hành khách? Tôi đem câu hỏi ấy hỏi A., cậu sếp cũ của tôi, và câu trả lời là, biết đâu cuối đời họ muốn thu hút sự chú ý. Những con người cô đơn ấy sống không ai biết, không ai quan tâm, chỉ có cái chết mới đem lại tiếng xôn xao, nếu không phải vài hàng trên tờ báo địa phương, thì cũng đôi lời nguyển rủa trên môi đám hành khách lỡ chuyến. Tôi, do bệnh nghề nghiệp, nên bảo A. hay là ta soạn một bản cẩm nang tự tử, kiểu như Làm thế nào để tự tử một cách có đạo đức, hay Tự tử - nên và không nên. A. lúc đấy đang lái xe chở tôi đi ăn trưa ở một quán Thổ về, suýt đâm xe vào lề đường. 

Số là Philipp và tôi hẹn nhau ở Cologne. Philipp sẽ từ Munich sang gặp tôi, kết hợp một cuộc họp cho công ty vào sáng hôm sau. Còn tôi, thì từ Heidelberg trở về, đổi tàu ở Manheim. Lẽ ra sẽ gặp nhau ở Cologne, nhưng khi biết tôi đang ở Heidelberg, Philipp, vừa ghé thăm bố mẹ ở Stuttgart, cũng đổi tàu ở Manheim như tôi. Kế hoạch mới là sẽ gặp nhau trên tàu từ Manheim về Cologne. Thế nhưng do một vụ tự tử, ấy là Philipp đoán vậy, vì thông báo chính thức chỉ nói về một vụ tai nạn, nên chúng tôi có khoảng hơn một tiếng cà phê ngoài dự tính ở Manheim rồi mới cùng lên tàu về Cologne. 

Ở quán cà phê cũng như trên tàu, Philipp là người nói nhiều nhất, không ngớt, cả với tôi lẫn với J.. cậu đồng nghiệp Ecuador đồng hành Heidelberg cùng tôi. Philipp gần như không hề sử dụng tiếng Anh trong công việc, vậy mà tiếng Anh của Philipp vẫn lưu loát đáng kinh ngạc, tằng tằng không chút ngượng nghịu nào. Tôi không hiểu người Đức học tiếng Anh kiểu gì. Ví như giáo sư Sirko, lúc mới gặp ở Úc, giáo sư bảo tao chỉ học tiếng Anh ở phổ thông, ra trường rồi thì chẳng sử dụng bao giờ, vậy mà sang Úc cãi nhau với thầy cô như ngóe, trong khi tôi khoe mình làm cho tây nhiều năm, tiếng Anh tao á, prossional lắm á, mà mấy tháng đầu tiên ở Úc, nghe  giảng cứ ù ù cạc cạc, đừng nói tới chuyện mở mồm cãi nhau. 

Hóa ra từ khi ở Úc trở về, Philipp cũng làm tiến sĩ, rồi đi làm luật sư cho một hãng phim ở Munich, suốt từ bấy. Tôi vẫn biết Philipp làm trong ngành phim ảnh, chỉ không biết cậu ta làm mỗi một chỗ suốt bao năm. Chỗ làm thì một, bạn gái thì một vài, nhưng chẳng move in với ai. Philipp thú nhận có gia đình cũng hay, nhưng tao sống một mình quen rồi, ngại phải chia sẻ cuộc đời mình với ai đó. Chẳng phải ở Việt Nam, nên chẳng ngại trả lời những câu hỏi kiểu bao giờ cho bác uống rượu/ ăn kẹo? (Viết tới đây chợt nhớ cách đây vài hôm một bạn gái tôi chưa gặp bao giờ bỗng inbox tâm sự với tôi em buồn quá anh ạ, cưới nhau mấy năm rồi mà chưa có con, mọi người cứ hỏi mãi làm em rơm rớm nước mắt. Tôi, chuyên viên gỡ rối tơ lòng bất đắc dĩ, chỉ có thể bảo là cứ bơ đi mà sống em ạ, kệ mọi người.) 

Trong bữa ăn tối, chúng tôi nói về Donald Trump (người Đức nào chẳng nói về Donald Trump?), khí hậu (xứ mày khô thấy mà ghê, môi tao lúc nào cũng khô, da tao lúc nào cũng ngứa, phải xài cả lotion), về môi trường (xứ tao có công ty Đài xây nhà máy thép xả nước thải ra biển, cá chết hàng loạt, dân đi biểu tình mà chánh phủ cóc cho, bọn nó hứa bồi thường năm chăm chiệu giờ chẳng biết tiền đi đâu về đâu), về hệ thống chính trị Đức (tổng thống tao ngồi chơi thôi mày ơi, giống như nữ hoàng vậy, chỉ ký giấy chớ hông làm gì), về EU (thì Hy Lạp nó làm biếng đã đành, nhưng giờ bọn tao sợ nhất là Ý, Ý nó tèo thì EU gay go to), các nước Đông Âu cũ (mày qua Prague đi mày không thấy người nước ngoài nào đâu, trừ đám tourist như mày, tất nhiên),  và nhiều nhiều thứ khác nữa. Nói nhiều vậy nhưng tới 10 giờ đã về, vì Philipp không uống bia, mà tôi buồn ngủ sớm. Bữa trước đi Heidelberg share phòng với J. mà cậu ta kéo cưa hơi kinh nên tôi hầu như không ngủ mấy.

Bọn tôi sẽ gặp lại nhau tháng 8 ở Munich, có cả Sirko từ Anh bay qua và Joerg từ Hamburg. Sẽ leo lên dãy Alps. It’s going to be a lot of fun, like the good old days, when we went to Fraser Island or Alexandria Beach in Noosa Heads. That damn nudist beach, with a lot of ugly naked people!

1 comment:

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN