Wednesday 29 June 2011

Hãy trả đũa Calvino

Cùng với Borges, Calvino là cái tên hay được nhắc đến như là người có nhiều ảnh hưởng đến các nhà văn hậu hiện đại. Lừng lẫy là thế, nhưng sự xuất hiện của Calvino ở Việt Nam phải nói rất muộn màng và khiêm tốn. Qua đời năm 1985, khi người ta chưa kịp trao cho ông một giải Nobel, (thực ra, những người như Borges, Calvino, Woolf, Nabokov, Joyce có thể nói là đứng riêng ra một cõi, chia sẻ cái sự không đoạt giải Nobel, nhưng có tầm ảnh hưởng hơn rất nhiều tác giả từng đoạt giải này), mãi đến năm 2004 bản dịch một cuốn sách trọn vẹn của ông mới xuất hiện ở Việt Nam (Palomar, 2004, Vũ Ngọc Thăng dịch), nhưng có lẽ phải đến Nam tước trên cây, (2009, cũng Vũ Ngọc Thăng dịch) thì Calvino mới được biết đến rộng rãi ở Việt Nam.  

Với sự yêu mến dành cho Nam tước trên cây, nhiều người đọc háo hức chờ đợi Nếu một đêm đông có người lữ khách (2011, bản dịch của Cao Đăng tiên sinh), nhịn ăn sáng mấy ngày liền để mua sách ngay cái nhìn đầu tiên. Nhưng đến giờ này, tôi đã nghe được ít nhất từ ba bạn, thuộc loại yêu văn học và đọc nhiều, rằng cuốn này khó đọc quá. Vậy cuốn này là cuốn như thế nào?

Nếu một đêm đông có người lữ khách là một cuốn tiểu thuyết đặc biệt. Ngay trang đầu tiên, ta đã có cảm giác tác giả đang bỡn cợt với mình: “Bạn sắp bắt đầu đọc cuốn tiểu thuyết mới Nếu một đêm đông có người lữ khách của Italo Calvino.” Câu mở đầu này không khỏi khiến người đọc giật mình, xem đi xem lại, có phải mình đang đọc lời tựa hay lời giới thiệu tác phẩm không.  Khi tin chắc rằng câu mình đang đọc là câu đầu tiên của tiểu thuyết, người đọc ngay lập tức nhận ra rằng mình đang đọc một cuốn tiểu thuyết không giống gì với bất cứ tiểu thuyết nào đã đọc.

Thật vậy, trong cả chương đầu tiên, người đọc sẽ sung sướng khi thấy Calvino đi guốc trong bụng mình, khi ông mô tả các tư thế đọc sách( bất cứ ai ưa đọc cũng hiểu niềm vui sướng khi chọn được một tư thế thoải mái để đọc sách như thế nào), và nhất là khi ông phân loại sách ra thành, ví dụ như, Sách Bạn Lên Kế Hoạch Đọc Đã Nhiều Năm Nay, Sách Bạn Cần Xếp Cạnh Những Sách Khác Trên Giá Sách Của Mình, Sách Bạn Luôn Vờ Là Đã Đọc Và Nay Đã Đến Lúc Ngồi Xuống Thực Sự Đọc, .v.v. Chỉ từng ấy cũng khiến bất cứ người đọc nào có thể mỉm cười, vì thấy tác giả quá sức hiểu mình, vì thấy chưa bao giờ mình - với tư cách người đọc - lại được  một nhà văn thấu hiểu và đồng cảm đến thế.

Nếu người đọc cảm thấy như vậy, thì quả nhiên người đọc đã rơi vào “bẫy” của Calvino, vì Nếu một đêm đông có người lữ khách đích thực là một cuốn sách về người đọc, cho người đọc và vì người đọc. Người đọc, ở ngôi thứ hai, chính là nhân vật của tác phẩm. (Sau này, trong Invisible, Paul Auster cũng dùng ngôi thứ hai để chỉ nhân vật chính trong một trong ba phần của cuốn sách, nhưng người ta không thể không cảm thấy sự gượng gạo đến tội nghiệp.  Invisible là một thất bại thảm hại của tác giả những cuốn hết sức hấp dẫn và thông minh như The New York Trilogy hay Moon Palace - tranh thủ quảng cáo cho cuốn sách vô địch ế mọi thời đại của Nhã Nam tí, hehe) Để Người đọc khỏi cô đơn, và để tiểu thuyết của mình có chút lãng mạn, Calvino còn tặng thêm cho Người đọc một Người đọc Nữ, cho cả hai cùng nhau phiêu lưu qua một nửa cuốn tiểu thuyết của mình. Nói một nửa, vì cặp đôi Người đọc này chỉ xuất hiện ở những chương có đánh số.  Xen kẽ với những chương đánh số, là những chương mang nhan đề như nhan đề những cuốn tiểu thuyết. Thật ra, đó chính là những cuốn tiểu thuyết, hay chính xác hơn, mỗi chương này là chương mở đầu của một tiểu thuyết khác nhau, và tổng cộng ta có mười chương mở đầu của mười tiểu thuyết, nội dung khác nhau, giọng điệu khác nhau, được nối kết với nhau thông qua cuộc phiêu lưu của Người đọc và Người đọc Nữ..

Như thế, ta có thể nói, Calvino cho ta đọc mười một tiểu thuyết trong một cuốn sách, mà cũng có thể nói, Calvino chẳng cho ta đọc một cuốn tiểu thuyết nào trọn vẹn cả. Nếu một đêm đông có người lữ khách, do vậy, là một trò chơi tiểu thuyết. Vậy ta có lựa chọn: hoặc chơi cùng Calvino thì đọc hết toàn bộ cuốn sách, còn không, hãy trả đũa ông bằng cách chỉ đọc chương mở đầu thôi.  Đã có biết bao niềm vui nội trong chương ấy!

Thứ hai là ngày đầu tuần

Chuyện xảy ra cách đây hai tuần

Kỳ nghỉ hè của hai bạn Alpha và Pi nhanh chóng trôi qua. Vì chỉ hai bạn được nghỉ, còn ba mẹ vẫn đi làm, nên hai bạn chỉ được đưa đi chơi xa một lần. Ngoài chuyến đi tắm biển Mũi Né này, hai bạn ở nhà với bà ngoại - từ Hà Nội vào để “viện trợ”. Chủ nhật, sau hai tuần mệt lử với hai bạn, bà ngoại về Hà Nội, hai bạn được ba mẹ làm công tác tư tưởng để sáng hôm sau trở lại trường.

Sáng thứ hai, hai bạn được khua dậy sớm hơn những ngày nghỉ hè. Quần áo ba lô giày dép nghiêm chỉnh, hai bạn leo lên xe ba chở đến trường. Từ xa, tôi hơi chột dạ vì thấy cổng trường có vẻ vắng quá. Đến trước cổng, thì thôi rồi, cổng trường vẫn im ỉm khóa. Lẽ nào các cô giáo và cả chú bảo vệ đều ngủ quên nên đi trễ? Nhưng không lẽ nào cả các phụ huynh khác cũng ngủ quên? Tôi rút di động gọi vào số của trường. Bên kia giọng trả lời còn ngái ngủ: “Ngày mai trường mới mở cửa lại mà anh!” Tôi bức xúc: “Sao trường hoãn một ngày mà không thông báo gì hết? Ngoài này còn treo băng rôn 14/6 trường mở cửa lại mà.”. Bên kia nhã nhặn: “Nhưng hôm nay mới 13/6 anh!” Lúc đó tôi mới hoảng hốt nhận ra tuy hôm nay là ngày thứ hai nhưng không có nghĩa là ngày 14/6! Vậy mà chúng tôi cứ đinh ninh học kỳ hè sẽ bắt đầu từ một ngày thứ hai!

Bài toán cần phải giải: Làm gì với hai bạn nhỏ đây? Bà ngoại đã về quê. Ông bà nội ở xa. Mẹ phải đi dạy, không thể bỏ lớp. Còn tôi, thứ hai luôn là ngày của các cuộc họp, thường thì tôi sẽ họp liên tù tì từ cuộc họp này sang cuộc họp kia từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Tôi duyệt nhanh lịch họp trong đầu: vài cuộc có thể từ chối được, vài cuộc sẽ nhờ người khác dự thay, còn những cuộc họp với đồng nghiệp ngoài nước có thể họp bằng điện thoại từ nhà.

Vậy là ngày hôm đó, tôi vừa làm việc từ nhà, vừa quản lý Alpha và Pi, phục vụ nhu cầu đầu vào đầu ra của hại bạn. Hai bạn về cơ bản tự chơi với nhau, thỉnh thoảng Alpha mới chạy vào phòng nhìn màn hình máy tính của ba một hồi rồi hỏi, ba phải làm việc để mua sữa cho con với em Pi hả ba? Tôi hôn con gái và gật đầu, Alpha lại chạy ra ngoài chơi với em Pi.

Những lúc bàn công việc trên điện thoại, để đảm bảo hai bạn không chạy vào phòng, tôi mở hoạt hình cho hai bạn xem. Thường thì một ngày hai bạn chỉ được xem tivi tối đa một tiếng, nếu phim hoạt hình thì hai bạn sẽ được phép xem hết phim, khoảng một tiếng rưỡi. Nhưng trong ngày của tình thế bất khả kháng đó, tôi cho hai bạn xem nhiều hơn thời gian quy định. Sự cố duy nhất diễn ra khi tôi đang có một cuộc điện thoại khẩn cấp từ Mỹ trong phòng làm việc, thì ngoài phòng khách bộ phim hoạt hình đã hết và hai bạn chuyển sang chòng ghẹo nhau rồi cùng nhau chạy vào mách ba. Vừa bịt ống nghe, tôi vừa xua hai bạn ra ngoài, nhưng chỉ được một lúc, hai bạn lại chạy vào, vừa khóc la tố cáo nhau ầm ĩ, vừa gọi ba. Tôi phải xin lỗi đầu dây bên kia một lần nữa, rồi chuyển điện thoại sang chế độ câm để đi dẹp loạn.

Trưa, ba cha con ăn cơm với trứng chiên, không có rau đi kèm vì tủ lạnh không còn rau. Alpha có vẻ ngạc nhiên vì “ba cũng biết nấu ăn!”  Ăn trưa xong, hai bạn đi ngủ nên tôi có thể yên ổn ngồi làm việc gần hết buổi chiều.

Một ngày vừa làm việc vừa giữ trẻ không có sự cố đáng tiếc nào xảy ra, dù hai bạn ăn cơm không rau và xem ti vi nhiều hơn thường lệ, tôi nghĩ mình xứng đáng được thưởng, thế là lên mạng tự cho phép mình mua một lô sách:) 

Tuesday 28 June 2011

Super true linh tinh

* Có kẻ phàn nàn Nếu một đêm đông có người lữ khách không có vần như If on a winter’s night, a traveller trong đó traveller vần với winter.  Mới bàn rằng nếu muốn có vần nên dịch thành Nếu một đêm đông có chị lao công (ref: Chị lao công/ Những đêm đông/ Quét rác), hoặc Nếu đêm một đêm đông có lão công công (thật ra lão công công thì có phân biệt được đêm đông với đêm xuân đâu.)

* Từ ngày chuyển blog sang địa chỉ mới đến giờ, tôi hay được hỏi thăm. Có người hỏi vì tưởng blog bị xóa, có người hỏi vì không thấy blog của mình trong chỗ Who let the blogs out.  Có điều, địa chỉ mới chưa vào danh mục tìm kiếm của Google, đâm ra mất thú vui nho nhỏ xem mọi người search thế nào thì đến blog này.

* Hai entry đứng đầu danh sách ăn khách mọi thời đại là hai entry có nhõn cái hình, nhưng một cái “lộ hàng” và một cái liên quan “người nổi tiếng”. Chả trách báo mạng câu view toàn giật tít người nổi tiếng lộ hàng.

* Tôi hay vào trang Nhanam.vn để xem có sách gì sắp ra. Hiện tôi đang chờ đợi hai cuốn có nhan đề giống nhau là cuốn Chưa có hình


Đùa chứ cuốn mong nhất là Người không quê hương mãi không thấy ra. 

* Entry này ra đời do mới được tặng cuốn này. Chưa đọc.

Monday 27 June 2011

Châm ngôn:)



"Sau chiến tranh, mọi người trở nên phàm ăn trong vòng năm mươi năm."


Frédéric Beigbeder





Saturday 25 June 2011

Ngồi buồn nói chuyện Quan Công

Note của ông nội hai bạn Alpha & Pi trên Facebook.  Chép lại nguyên trạng theo phong cách đánh máy của cụ. 

-------------------

 Không biết từ bao giờ, tôi có thói quen, mỗi khi vào nhà ai , tôi thường đưa mắt quan sát cái bàn thờ. Bàn thờ bố cục ra sao ? Thờ những ai ? Phật hay Chúa.  Bàn thờ trình bày có nghiêm trang không.  Ngoài Phật/Chúa và gia tiên ra, còn thờ những ai nữa.  Kể ra, cái chuyện thờ phượng này cũng lắm nghiêu khê…

      Tôi vào nhà một người quen.  Phòng khách cũng là nơi thờ phượng ở tận lầu ba.  Bàn thờ bài trí khá bề thế. Ngoài bàn thờ Phật, bàn thờ gia tiên còn có bàn thờ Ông. Ông đây là Quan Thánh tức Quan Công, một nhân vật khá nỗi trong Tam quốc chí diễn nghĩa.  Người bạn nói : “ Ông linh lắm “ Tôi hỏi, linh lắm là linh làm sao.  Chịu, không trả lời được.

      Từ lâu, nghe nói ở thủ đô cũng có đền thờ Quan Công, không phải một mà nhiều chỗ.  Mình không tin.  Thầm nghĩ, tại sao lại thờ Quan Công.  . Đọc qua Ngàn Năm Thăng Long – Hà Nội của Nguyễn Vinh Phúc và một số tư liệu khác.  À, thì ra điều đó có thật.  Bực mình.  Thử tìm hiểu: Quan Công, ông là ai ?

      Phần đông, nhất là người Việt, biết nhân vật Quan Công qua truyện Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung.  Biết thì biết vậy thôi chứ mấy ai chịu tìm hiểu về nhân vật này.  Nếu chịu khó một tí, cũng không vất vả bao nhiêu, ta có thể biết Quan Công chỉ là một võ tướng thường  thường bậc trung, không có gì là ghê gớm lắm như mọi người thường nghĩ.và cho rằng  ông ta là người văn võ toàn tài.  Văn ư ? Chẳng có gì  đáng nói, đáng bàn, chẳng có thể so sánh với ai cả, nói chi đến tầm Ngọa Long, Phụng Sồ.  Võ ư ?  Thì đó, có sự hợp sức của Lưu, Trương mà cũng không thắng nỗi Lã Bố.  Tướng lĩnh gì mà giao giữ Kinh Châu thì mất Kinh Châu, giao trấn Hạ Bì thì thất thủ Hạ Bì.  Làm tướng mà không tuân lệnh cấp trên “ Bắc cự Tào Tháo, đông hòa Tôn Quyền “  theo sách lược của  Khổng Minh.  Ăn nói thiếu suy nghĩ ( theo cách nói ngày nay gọi là thiếu văn hóa ),  Khi Tôn Quyền ngỏ lời cầu hôn cho con trai, không nhận lời thiếu gì cách từ chối, lại dùng lời nhục mạ, dẫn đến hệ lụy diệt vong!

      Người ta nói, Quan Ngài không tham.  Tào Tháo cho bao nhiêu vàng bạc, châu báu cũng không nhận.  Nghĩ vậy là lầm.  Những thứ ấy ông ta có thừa. Phải gãi cho đúng chỗ ngứa xem sao. Khi Tào Tháo tặng con ngựa Xích thố thì ông ta mừng quýnh, lật đật quỳ xuống lạy tạ ơn. Lạy kẻ thù.  Nhục chưa ?  Nếu là người có khí phách ắt phải hiểu câu “ Sĩ khả sát bất khả nhục “.  Sợ chết phải lụy Tào. Thế thì chữ Trung để ở đâu ?Nên nhớ rằng, theo quan niệm xưa : Trung thần bất sự nhị quân  ( Tôi trung không thờ hai chúa ) Đằng này, tham sinh úy tử, phải quỳ lụy, cúc cung phục vụ cho Tào, không đáng chê trách sao ? Thử so sánh một chút với tướng Việt.  Khi bị giặc bắt, dụ dỗ, nếu hàng sẽ được phong vương tước, Trần Bình Trọng đã có câu trả lời như chữi vào mặt kẻ thù : TA THÀ LÀM QUỶ NƯỚC NAM CHỨ KHÔNG THÈM LÀM VƯƠNG ĐẤT BẮC.. Một câu nói bộc lộ khí phách anh hùng, lưu danh ngàn thuở.  Đây . Chính đây mới là người đáng cho dân Việt chúng ta kính thờ.

      Trở lại với Quan Công,. một con người kiêu căng, tự phụ.  Tính khí nhỏ nhen, ganh tỵ với kẻ có tài.  Ta thử đọc đoạn này :
       Các nhà sử học nhất trí đánh giá Quan Vũ là người vũ dũng nhưng kiêu ngạo, không chịu ở dưới người khác. Năm 214, nghe tin Mã Siêu đến hàng Lưu Bị ở Tây Xuyên, Quan Vũ đang ở Kinh châu bèn viết thư cho Gia Cát Lượng hỏi:
Nhân phẩm, tài năng của Mã Siêu có thể so sánh với ai?
Gia Cát Lượng phải lựa lời viết thư lấy lòng Quan Vũ:
Mã Siêu chỉ có thể sánh ngang với Trương Phi, không thể siêu phàm tuyệt luân như ngài!
Ông đọc thư rất đắc ý và mang thư khoe với nhiều người
Năm 219, Lưu Bị lên ngôi Hán Trung vương, phong ông làm Tiền tướng quân và lão tướng Hoàng Trung làm Hậu tướng quân Quan Vũ thấy mình ở ngang hàng với Hoàng Trung, không bằng lòng, không chịu nhận ấn tín. Phí Vĩ phải lựa lời khuyên ông nên vì nghiệp lớn của Lưu Bị, ông mới tỉnh ngộ và thụ phong. (Nguồn : Wikipedia )  Như vậy chẳng phải là háo danh, nhỏ nhen, đố kỵ là gì ?  Sao không bắt chước Bá Di, Thúc Tề thà nhịn đói mà chết chứ không thèm ăn rau của nhà Chu.  Đàng này, ăn cơm của Tào, hưởng lộc của Tào rồi giết người nhà của Tào mà gọi là nhân nghĩa ư ?  Lại còn được xưng tụng : Quá ngũ quan trảm luc tướng ! Làm tướng mà không tuân quân pháp, coi ơn riêng lớn hơn việc công, thả Tào ở Huê Dung đạo gây bao hệ lụy , như vậy nên thưởng hay nên phạt ?  Một con người mà nhân cách tầm thường như vậy  có đáng cho ta kính phục hay không ?
      Tóm lại, ta cần phải biết rằng, Quan Công là một nhân vật trong dã sử tiều thuyết, có nhiều tình tiết hư cấu.  Được thần thánh hóa ở mức độ cao nhằm phục vụ ý đồ chính trị qua từng giai đoạn của các triều đại Trung quốc xưa.  Và điều tôi muốn nói với các bạn là :  Đã đến lúc ta nên tống tiễn  ông ta ( Quan Công ) trở về nguyên quán của ông ấy.  Các bạn nghĩ sao ?  Ai thấy có lý,  đồng ý, nhất trí thi giơ tay lên.  À, mà đừng sợ mếch lòng mấy anh Hán[g] –xồm nham hiểm đó nghen. ( Mấy anh này, theo cách gọi của nữ sĩ Hồ Xuân Hương là cái bọn : Chân đi hài Hán, tay bán bánh Đường, miệng hát líu lường, ngây Ngô ngấy ngố ).
                                       Dran, tháng sáu-2011

Thursday 23 June 2011

Nỗi buồn đếm được

Hai là đếm được rồi.

Nỗi buồn thứ nhất, đen đúa, rách nát, nhiều kỷ niệm:








Nỗi buồn thứ hai, hai mươi năm sau, mới cứng, sạch, đẹp, đắt, không quay dọc được:





Hai nỗi buồn, tình cờ cách nhau đúng hai mươi năm.



Đọc lại Thạch Lam

Tôi đọc Thạch Lam lần đầu năm lớp sáu hay bảy gì đó.  Lúc ấy, Thạch Lam vừa được in lại tập Gió đầu mùa. Hình như Thạch Lam là nhà đầu tiên trong Tự Lực Văn Đoàn được in lại, có thể vì ông là nhà văn hiện thực, đằng nào thì cũng gần gũi hiện thực XHCN hơn, nên in lại cũng dễ hơn.  Cùng thời gian ấy, Thơ Mới hình như cũng bắt đầu được in lại với một số bài trong cuốn nho nhỏ Thơ Tình bạn - tình yêu của NXB Giáo dục và tập Bài thơ thôn Vỹ có lời tựa rất hay của Chế Lan Viên. Ấn tượng ngày ấy là những truyện nghèo khổ như truyện lũ con nhà mẹ Lê mót lúa trên đồng sau mùa gặt, truyện anh chàng gì đói mà sĩ, rồi tất nhiên quang cảnh đìu hiu phố huyện có hai chị em ngồi ngóng những chuyến tàu qua.

Mãi đến gần đây tôi mới đọc được những bài có thể gọi là tiểu luận phê bình của Thạch Lam, vốn là những bài về quan niệm văn chương của ông đăng rải rác trên các báo.  Tôi thấy Thạch Lam qua những bài này có ý thức về nghề rất mạnh mẽ, và nhiều quan điểm của ông vẫn còn tìm được sự đồng cảm từ ngày hôm nay. Chẳng hạn, khi phê những người sòn sòn viết thơ, truyện, ông viết: "Làm thợ, đi buôn còn phải khó nhọc, còn phải học nghề; tại làm sao viết văn lại không muốn học, không muốn cố? Những người đó cái gì cũng viết, chỗ nào cũng đăng, làm cho ta chán nản. Andre Gide thật nói phải khi đã nói: Nếu họ viết ít đi, ta sẽ thấy thích viết hơn."  Những bài viết về tiểu thuyết của Thạch Lam có nhiều quan sát, nhận xét thú vị, nhất là phân tích tại sao đọc tiểu thuyết ("Tiểu thuyết dạy ta biết sống, nghĩa là dạy ta biết sung sướng"; "Ây chính tiểu thuyết sẽ đem sự phong phú dồi dào đến cho tâm hồn chúng ta") hay đoạn này: " Và tôi tưởng quyển tiểu thuyết hay nhất - hay công dụng nhất - là quyển tiểu thuyết sẽ làm cho người ta yêu, ham muốn yêu, không phải yêu một người, nhưng yêu mọi người; không phải một vật, nhưng yêu mọi vật."

Trong cơn mê kiếm tiền của xã hội Việt Nam hiện đại, tiểu thuyết bị rẻ rúng.  Sách bán chạy nhất hẳn là các loại sách dạy làm giàu hay sách dạy kỹ năng. Cùng với sự rẻ rúng tiểu thuyết, là sự khô cằn, vô cảm của con người.  Cách đây ít ngày, tôi được nghe kể toàn bộ giáo viên trong một khoa của một trường đại học khá lớn không biết Nỗi buồn chiến tranh là sách gì, trong khi đây là một trong ít ỏi tiểu thuyết thực sự và quan trọng mà toàn bộ nền văn chương Việt Nam có thể sản sinh ra.

Tuesday 21 June 2011

Tiệm sách yêu thích nhất

Vào trang của Guardian, các bạn sẽ thấy họ post hình những tiệm sách được yêu thích. Nhìn cũng hơi ngậm ngùi, vì nếu phải nêu tên tiệm sách yêu thích của mình, tôi sẽ chẳng nêu được tiệm sách nào ở Việt Nam. Phần lớn các hiệu sách được gọi là lớn ở Việt Nam đều hao hao giống nhau, bày bán những cuốn sách giống nhau, nhờ nhờ không tính cách. Còn những tiệm sách vùng ven thật ra là siêu thị hạng ba trá hình, nơi chủ yếu bán  nước tương, dầu gội đầu, mì gói và ti tỉ tạp hóa, chỉ lèo tèo vài cuốn giáo khoa  và vài cuốn sách mốc meo. Tất nhiên nếu may mắn thì bạn vẫn có thể tìm thấy ở những tiệm sách vùng ven này một vài cuốn cũ mèm không nơi nào khác có và rất ít người biết về sự tồn tại của nó: Có lần, tôi mua được tập thơ mỏng Một mùa địa ngục của Rimbaud ở một nhà sách kiêm cửa hàng tạp hóa ở Tân Bình.

Loại nhà sách tôi yêu thích phải là một trong hai loại: Một là những tiệm sách có thể không quá nhiều sách nhưng phải có lịch sử, nghĩa là tiệm sách nằm trong một ngôi nhà lâu năm (không dám nói là cổ nhé) có dấu tích của những người đọc sách nổi tiếng, với những bức tranh gợi một không khí ấm áp. Loại thứ hai là những tiệm sách không cần cổ kính nhưng làm ta rợn ngợp vì số lượng sách của nó. Loại một thì tôi không biết ở Việt Nam có tiệm nào không, còn loại hai chắc chắn không có.

Nhà sách tạm được coi là yêu thích nhất hiện tại chắc là hai nơi này: Betterworld Books và The Book Depository, cả hai đều gửi sách miễn cước phí về Việt Nam. Tuy nhiên, không có gì thực sự "free", họ đều ngầm tính cước phí một cách nào đấy, nhưng nếu biết cách thì vẫn có thể mua được sách rẻ hơn giá bạn nhìn thấy.  Làm thế nào để làm được như vậy thuộc về "bí mật công nghệ"!

PS: Nhìn lại cái link của Guardian, tôi mới để ý thấy tình cờ cái hình tôi trỏ vào lại là tiệm Open Books ở Chicago mà tôi có dịp đặt chân đến và kể lại trong loạt bài Vừa đi đường, vừa kể chuyện hồi năm ngoái!





Saturday 18 June 2011

The Writer [not Sex] and the City

Năm 1960, Calvino viết về Turin, thành phố lý tưởng để viết văn theo ý ông, như sau:

Nếu người ta công nhận rằng môi trường nơi tác phẩm được viết ra và những yếu tố của cảnh quan xung quanh có thể ảnh hưởng đến tác phẩm của nhà văn, thì người ta phải thừa nhận rằng Turin là thành phố lý tưởng cho nhà văn. Tôi không hiểu làm thế nào người ta có thể viết được trong những thành phố nơi hình ảnh của hiện tại ngập tràn và mạnh mẽ đến nỗi không cho nhà văn một rẻo không gian hay yên lặng nào. Ở nơi đây, Turin, bạn có thể viết bởi vì quá khứ và tương lai vượt trội so với hiện tại, tác động của quá khứ và dự báo của tương lai mang lại ý nghĩa và vẻ cụ thể rõ ràng cho những hình ảnh rời rạc, trật tự của hôm nay. 

Chắc ông trầm trọng hóa vấn đề, chứ đã viết, viết ở đâu chả được. 

Nhưng ở Việt Nam, chỗ viết văn lý tưởng nhất bây giờ chắc là Cà Mau:), chứ cả Hà Nội và Sài Gòn đều ồn lắm, ồn kinh khiếp lên được. 



Monday 13 June 2011

Cả một tủ

Có lần nghe Mark Twain nói, đại ý, tác phẩm kinh điển là tác phẩm ai cũng muốn đọc, nhưng không ai thực sự đọc:)

Mò sang nhà Calvino, thấy bác cho cả một tủ định nghĩa về tác phẩm kinh điển. Dưới đây là vài cái:

Là những cuốn mà người ta thường nói: “Tôi đang đọc lại…”, chứ không bao giờ nói “Tôi đang đọc…”: Đúng thế, giờ mà nói mình đang đọc Tội ác và hình phạt  hay Bà Bôvary ngượng chít được.  Mặc dù có khi đang đọc thật:)

Là cuốn mà nỗi lần đọc lại ta lại có cảm giác khám phá như lần đọc đầu tiên: Một ví dụ là Hoàng tử bé, và vấn đề ngáp :)

Là cuốn mà thậm chí khi ta đọc lần đầu cũng cho ta cảm giác như là đọc lại một cái gì ta đã từng đọc.

Là cuốn không bao giờ cạn điều muốn nói với độc giả;

Là những cuốn mà ta càng nghĩ rằng ta đã biết về nó qua lời người khác, thì khi thực sự đọc chúng, ta lại thấy nó càng độc đáo, bất ngờ và sáng tạo;

Còn nhiều nữa, 14 cái tổng cộng.

Kết cục, Calvino lý giải tại sao phải đọc tác phẩm kinh điển: Tại vì đọc luôn luôn tốt hơn không đọc!

Đóng tủ.

Sunday 12 June 2011

Ngàn lẻ một đêm

Nhơn dịp đọc lại Ngàn lẻ một đêm bản in rất đẹp của nhà Đông A.
----------
Lúc bảy tuổi, tôi đọc những chuyện đầu tiên trong Ngàn lẻ một đêm. Tôi vừa mới xong năm đầu tiểu học, hai anh em tôi đi nghỉ hè ở Geneva, Thụy Sĩ nơi cha mẹ tôi chuyển đến sau khi cha tôi nhận nhiệm sở ở đó. Trong số những cuốn dì tôi đưa khi chúng tôi rời Istanbul để giúp chúng tôi cải thiện việc đọc trong mùa hè là một tuyển truyện từ Ngàn lẻ một đêm. Đó là một tập sách được đóng rất đẹp, in trên giấy tốt, và tôi nhớ đã đọc bốn hay năm lần trong cả mùa hè. Khi trời nóng bức, tôi sẽ vào phòng mình nằm nghỉ sau bữa trưa; duỗi người trên giường, tôi sẽ đọc đi đọc lại những câu chuyện đó. Căn hộ chúng tôi cách bờ hồ Geneva một con phố, và khi làn gió nhè nhẹ luồn vào qua khung cửa mở và tiếng đàn accordion của người ăn mày vọng lên từ khu đất trống sau nhà, tôi sẽ thả mình bồng bềnh trong vùng đất của Ali Baba và bốn mươi tên cướpAladdin và cây đèn thần.

Đất nước mà tôi viếng thăm tên là gì? Những chuyến khám phá đầu tiên mách tôi rằng nó lạ lẫm và xa xôi, sơ khai hơn thế giới chúng tôi nhưng là một phần của một vùng đất đầy quyến rũ. Bạn có thể đi dạo trên bất cứ con phố nào ở Istanbul và gặp những người trùng tên với các nhân vật, và có lẽ điều đó khiến tôi cảm thấy gần gũi với họ hơn, nhưng tôi chẳng hề thấy chút nào của thế giới của tôi trong những câu chuyện của họ; có lẽ cuộc sống thì giống thế này trong những ngôi làng hẻo lánh nhất của Anatolia nhưng không phải ở Istanbul hiện đại. Nên lần đầu đọc Ngàn lẻ một đêm, tôi như một đứa trẻ phương Tây sững sờ trước những điều kỳ diệu của phương Đông. Tôi không hề biết rằng từ cách đây rất lâu, từ Ấn Độ, Ả Rập, Ba Tư, những câu chuyện này đã ngấm vào văn hóa chúng tôi; hoặc rằng Istanbul, thành phố nơi tôi chôn rau cắt rốn về nhiều khía cạnh là bằng chứng sống cho các truyền thống mà từ đó những câu chuyện lộng lẫy này xuất hiện; hoặc rằng những tục lệ của họ - những lời nói dối, xảo thuật, trò lường gạt, tình nhân và kẻ phản bội, những màn hóa trang, trò ngoắt nghéo, và những chuyện ngạc nhiên - được đan quyện sâu vào trong linh hồn bí ẩn và rối rắm của thành phố quê hương tôi. Đến mãi sau này tôi mới phát hiện ra - từ những cuốn sách khác - rằng những câu chuyện đầu tiên tôi đọc trong Ngàn lẻ một đêm không được lấy từ bản thảo cổ mà Antoine Galland, dịch giả người Pháp và người đầu tiên biên soạn các câu chuyện, tuyên bố sưu tầm được ở Syria. Galland không lấy chuyện Alibaba và bốn mươi tên cướp hay Aladdin và cây đèn thần từ một cuốn sách, ông nghe những chuyện này từ một người Ả Rập theo đạo Thiên chúa tên là Hanna Diyab và mãi sau này ông mới viết lại các câu chuyện này, khi ông soạn cuốn hợp tuyển của mình.

Điều này đưa ta đến chủ đề thực sự: Ngàn lẻ một đêm là một kỳ quan của văn học phương Đông. Nhưng vì chúng ta sống trong một nền văn hóa cắt đứt các mối liên kết với chính di sản văn hóa của mình và lãng quên những thứ chúng ta mắc nợ Ấn Độ và Iran, thay vào đó cúi người trước những cú giật nảy của văn học phương Tây, nó trở lại với chúng ta thông qua châu Âu. Dù được xuất bản bằng rất nhiều ngôn ngữ phương Tây - đôi khi được dịch bởi những bậc thông tuệ nhất của thời đại và đôi khi bởi những dịch giả lạ lẫm nhất, tư duy lộn xộn nhất, hay cứng nhắc nhất  - công trình của Antoine Galland là công trình được ca ngợi nhiều nhất. Đồng thời, hợp tuyển mà Galland bắt đầu xuất bản năm 1704 là công trình có ảnh hưởng nhất, được đọc nhiều nhất và trường tồn nhất. Ta thậm chí có thể nói rằng đây là lần đầu tiên chuỗi những câu chuyện kể bất tận này được xuất bản dưới dạng một thực thể xác định, và chính bản sách này mang lại danh tiếng trên toàn thế giới cho các câu chuyện kể. Hợp tuyển này gây ảnh hưởng mạnh mẽ và đa dạng lên văn chương châu Âu trong gần một thế kỷ. Những ngọn gió từ Ngàn lẻ một đêm xao xác thổi qua các trang viết của Stendhal, Coleridge, De Quincey và Poe. Nhưng nếu ta đọc hợp tuyển từ đầu tới cuối, ta cũng có thể thấy ảnh hưởng đó được rào giậu như thế nào.  Nó tràn ngập những cái mà ta có thể gọi là “phương Đông bí ẩn” - những câu chuyện đầy những phép lạ, những sự kiện siêu nhiên và lạ lùng, những cảnh rùng rợn - nhưng Ngàn lẻ một đêm không chỉ có vậy.
..........................

[...]Trong thế giới của Ngàn lẻ một đêm, không người đàn bà nào có thể tin cậy được. Bạn không thể tin được bất cứ điều gì đàn bà nói; họ chẳng làm gì ngoài việc lừa gạt đàn ông bằng những trò chơi và mưu mẹo vặt của họ. Nó bắt đầu ngay trang đầu tiên, khi nàng Sheherazade để khỏi bị giết bởi một người đàn ông không tình yêu đã mê hoặc ông ta bằng những câu chuyện kể. Vì mẫu hình này được lặp đi lặp lại trong suốt cuốn sách, nó chỉ có thể phản ánh một điều rằng trong nền văn hóa sản sinh ra câu chuyện này, đàn ông sợ đàn bà sâu sắc và căn bản đến mức nào. Điều này khá thống nhất với  thực tế là thứ vũ khí mà đàn bà sử dụng thành công nhất là sự quyến rũ về tính dục. Theo  nghĩa này, Ngàn lẻ một đêm là biểu hiện mạnh mẽ của nỗi sợ hãi có căn cứ nhất đeo bám đàn ông của thời đại đó: rằng đàn bà có thể ruồng rẫy họ, cắm sừng họ, và đày ải họ vào cô đơn.  Câu chuyện khơi gợi nỗi lo sợ này mãnh liệt  nhất - và mang đến niềm hoan lạc đau đớn nhất - là câu chuyện vị vua chứng kiến toàn bộ hậu cung phản bội mình với những người nô lệ da đen của họ.[...]

(Orhan Pamuk)

Wednesday 8 June 2011

Đi bởi đi bơi

Ngày đầu tiên đến căn hộ mới, hai bạn Alpha và Pi gần như phát cuồng vì phát hiện ra ngay dưới sân có hai cái hồ bơi, một cho trẻ con, một cho người lớn.  Khi chưa được phép xuống nước, đơn giản vì chưa có đồ bơi, hai bạn chạy vòng vòng quanh hồ bơi như hai con chó con được ra vườn sau một ngày bị xích. Dù bị giám sát rất kỹ lưỡng, chỉ một chốc sau đã thấy một bạn, rồi hai bạn, thò tay, rồi cả hai chân xuống nước. Kết quả tuy không được bơi nhưng hai bạn ướt nhem gần bằng bơi.

Phải đến gần ba tuần sau, khi đã yên ổn với mọi thứ ở chỗ ở mới và đã sắm sửa đồ bơi, kính bơi và phao bơi cho hai bạn, tôi mới chính thức cho hai bạn xuống hồ.  Alpha từng có kinh nghiệm đi bơi trước đó nhanh nhảu leo xuống nước, và thoáng đã thấy bạn tung tăng lội khắp hồ, sẵn sàng tạt nước lại các anh chị hắt nước vào mặt bạn để trêu. Trong khi đó, mặc dù cũng từng một số lần đến hồ bơi, và cũng rất hăng hái đi bơi, nhưng bạn Pi chỉ thò đúng hai chân xuống nước, mặc ba mẹ động viên bạn mỏi cả mồm.  Nhiều ngày tiếp theo, Pi cũng chỉ đứng trên cầu thang hồ bơi, nước tới gối, miệng leo lẻo, “Hồ bơi này sâu quá.” Tôi chơi đùa với Alpha, mặc Pi tự làm quen với nước.

Alpha thích chơi những trò này: (i) lấy đầy nước vào một chai Coca rỗng rồi rót lên đầu ba, vừa rót vừa cười khanh khách, (ii) ba nằm úp mặt trên nước, cho Alpha cưỡi lên lưng, (iii) ba cũng nằm úp mặt trên nước, dang hai tay hai chân ra cho Alpha kéo đi, thuận chân kéo chân, thuận tay thì kéo tay, (iv)  ba ôm Alpha ngang ngực, lôi sềnh sệnh sang chỗ có vòi phun, cho nước phun sũng tóc Alpha, (v) Alpha nằm sấp, ngẩng mặt lên trời, hai chân hai tay vẫy vùng kịch liệt, ba xốc nách Alpha kéo trên mặt nước, đến gần thành hồ thì nhấc bổng Alpha lên và nói “Alpha bay này!” còn Alpha thì thích chí cười váng hồ bơi.

Một ngày khi hai ba con đang chơi đùa ầm ĩ, bỗng thấy Pi reo tướng lên,  “Ba ơi, con ra giữa hồ này, nước ở đây không sâu!” Thì ra sau nhiều ngày, cu cậu đã phát hiện ra nước hồ không sâu như cậu nghĩ, cho dù trước đó ba cậu nói rát cổ họng rằng hồ không sâu mà cậu không tin. Pi đúng là theo trường phái thực chứng: tự làm mới tin, nghe không tin! Một khi đã tự tin rằng nước sẽ không ngập đầu mình, Pi nhanh chóng nhập hội cùng Alpha, góp phần làm huyên náo mặt nước. Tôi chơi với Pi những trò như chơi với Alpha, Pi thậm chí vẫy vùng còn kịch liệt hơn. 

Thuyết phục Pi xuống nước đã khó, lôi Pi lên bờ càng khó hơn.  Cu cậu luôn kỳ nèo, cho con chơi năm phút nữa thôi, nhưng dù sau hai phút hay mười phút tôi tuyên bố, “Hết năm phút rồi”, Pi đều phàn nàn, “Sao năm phút nhanh vậy!”

Những ngày cuối tuần, sau khi bơi, hai bạn sẽ được tắm trong bồn.  Alpha sẽ vào trước, nằm úp, nghểnh mặt lên, hai bàn chân chắp lại ve vẩy, nói, “Con là nàng tiên cá!” Khi Pi leo vào, hai chị em sẽ tạt nước nhau, rồi cùng nhau gạt hết bọt xà bông về một phía, một bạn ngồi trong đống bọt, một bạn ngồi bên chỗ nước trong.  Một lúc sau, tôi xả nước, kéo Alpha ra trước để lau người, bao giờ Alpha cũng hét toáng lên, “Pi, lấy đồ chơi chặn bọt xà bông lại!”

Mỗi lần đi bơi và tắm cho hai bạn xong là tôi mệt lử, đói meo. Nhưng tôi rất thích mệt và đói như thế.

Thursday 2 June 2011

Kinh hoàng Goldmund lộ hàng

Posted by Picasa


-------------------------

Naipaul  ném đá các nhà văn nữ.  Bác này gan to bằng trời dám chọc chị Vìu, hehe!



Wednesday 1 June 2011

Thích ai ai thích bây giờ thích ai

Hôm qua nhìn vào những cụm từ khóa tìm kiếm dẫn đến blog này, tôi thấy có cụm từ “những nhà văn yêu thích của LVT.”  Thật là quý hóa quá, bạn nào quan tâm đến độ muốn biết tôi thích đọc những ai. Cứ đà này tôi được The Paris Review phỏng vấn không chừng.  Trong mục phỏng vấn các nhà văn của The Paris Review, đây là câu hỏi hay được lặp lại dưới các hình thức khác nhau.  Nhân đây, tôi quảng cáo bài trích dịch phỏng vấn Calvino được Nhã Nam đăng lại ở đây. Thật ra, nếu đọc blog này thường xuyên thì cũng biết, vì tôi hay ba hoa mà, chứ còn tìm thế kia thì không ăn thua đâu. Nhưng để giúp bạn, tôi viết hẳn một entry cho bạn khỏi nhọc công kiếm tìm:)

Tôi thích Dostoyevsky. Với tôi, Dostoyevsky là nhà văn duy nhất viết từ thế kỷ mười chín mà nay đọc lại vẫn không thấy cũ, theo kiểu từ các giám khảo American Idol hay dùng là vẫn rất “current” và “relevant”. Nói như vậy không phải các tác giả thế kỷ mười chín khác kém hơn Dos, mà chẳng qua tôi không có sức đọc nổi tất cả. Kundera diễn giải luận điểm này trong một tiểu luận trong tập Bức màn hay Cuộc gặp gỡ gì đó.  Đại khái Kundera bảo ai đó chê tranh một danh họa xấu, thì ta chỉ cần đến một viện bảo tàng có bức tranh ấy thì ta có thể thấy ngay người kia chê không có căn cứ.  Tương tự với trường hợp âm nhạc, không mất quá nhiều thời gian để kiểm chứng. Trong khi đó, ông có thể thích Conrad và người khác có thể chê Conrad hết lời, đơn giản vì ông và người kia chỉ đọc một hoặc hai cuốn của Conrad và đấy là những cuốn khác nhau.  Ví dụ muốn so sánh Dos và Lev Tolstoy ai vĩ đại hơn thì phải mất hàng năm trời để đọc trước tác của hai ông, một điều gần như không thể với tuyệt đại đa số người yêu văn học.

Tôi nhắc đến Kundera. Tôi cũng thích Kundera, vì chất trí tuệ và hài hước của ông. Theo tôi hài hước là phẩm chất nổi trội của một nhà văn lớn. Tôi thích Kundera còn để ủng hộ bác blogger nhà bên cặm cụi dịch hết cuốn này đến cuốn kia của bác ấy.:)

Nói chung mỗi lần hỏi tôi có thể cho ra một danh sách khác nhau, nhưng bây giờ ngoài hai bác trên những cái tên sau đây vụt đến trong đầu tôi: Paul Auster, dĩ nhiên, chỉ cần một cuốn The New York Trilogy là đủ để yêu bác cả đời, cho dù những cuốn về sau này của bác chán lắm.  Nếu gặp bác tôi sẽ khuyên bác tạm nghỉ viết đi du lịch vài năm. Paul Auster là dạng nhà văn chỉ cần đọc một câu là có thể thích cả cuốn sách (dại dột chẳng kém vì yêu một má lúm đồng tiền hay một cái răng khểnh mà cưới, không phải cưỡi, nguyên một người phụ nữ), chẳng hạn câu đầu tiên trong The Brooklyn Follies: “Tôi đang tìm một nơi yên tĩnh để chết và người ta giới thiệu Brooklyn với tôi”. Hình như vậy, dịch theo trí nhớ.  Bạn nào đang mượn cuốn này của tôi trả mau! Murakami, tôi biết ở đây có mấy bác chê Murakami sến, tôi cũng công nhận bác ấy có sến nhưng tôi vẫn thích bác ấy vì tôi cũng sến. Văn Murakami chẳng khác một món nộm bắt mắt và ngon miệng, vừa có siêu thực, vừa có hậu hiện đại, thỉnh thoảng có con mèo biến mất và vài màn khẩu dâm rùng rợn, vừa thỏa mãn nhu cầu giải trí lại vừa cho ta cái cảm giác được làm trí thức. Văn thế mà không thích mới lạ.  Coetzee, tất nhiên, tôi thích cách viết hết sức gọn ghẽ và chính xác của  bác này, đặc biệt trong Disgrace Diary of a Bad Year, chứ không phải Giữa miền đất ấy trong đó "down to earth" được dịch thành "sụp xuống đất", và càng không phải Ruồng bỏ. Pamuk, một tất nhiên không được tất nhiên lắm, mấy tiểu thuyết của bác cuốn thì ảm đạm quá cuốn thì thế kỷ mười chín quá, nhưng Istanbul tuyệt và Other Colors càng tuyệt, hic.  Ai nữa nhỉ, Hesse, thật ra chỉ thích Goldmund Câu chuyện dòng sông. Vũ Trọng Phụng, vì trào phúng và luôn hiện đại. Nguyễn Huy Thiệp của những truyện ngắn thời ông chưa bắt đầu viết tiểu thuyết. Nguyễn Khải của Gặp gỡ cuối nămThời gian của người. Thuận của T mất tích và mấy chục trang trong Thang máy Sài Gòn. Đoàn Minh Phượng của Và khi tro bụi và phần nào của Mưa ở kiếp sau. Phạm Thị Hoài của Thiên sứ, Ám thị, Man Nương… Như thế cũng nhiều đấy chứ.

Đầy, nhưng như đã nói, nếu viết entry này cách đây một năm danh sách có thể khác, mà một năm sau càng khác hơn.  
  

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN