Sunday, 12 June 2011

Ngàn lẻ một đêm

Nhơn dịp đọc lại Ngàn lẻ một đêm bản in rất đẹp của nhà Đông A.
----------
Lúc bảy tuổi, tôi đọc những chuyện đầu tiên trong Ngàn lẻ một đêm. Tôi vừa mới xong năm đầu tiểu học, hai anh em tôi đi nghỉ hè ở Geneva, Thụy Sĩ nơi cha mẹ tôi chuyển đến sau khi cha tôi nhận nhiệm sở ở đó. Trong số những cuốn dì tôi đưa khi chúng tôi rời Istanbul để giúp chúng tôi cải thiện việc đọc trong mùa hè là một tuyển truyện từ Ngàn lẻ một đêm. Đó là một tập sách được đóng rất đẹp, in trên giấy tốt, và tôi nhớ đã đọc bốn hay năm lần trong cả mùa hè. Khi trời nóng bức, tôi sẽ vào phòng mình nằm nghỉ sau bữa trưa; duỗi người trên giường, tôi sẽ đọc đi đọc lại những câu chuyện đó. Căn hộ chúng tôi cách bờ hồ Geneva một con phố, và khi làn gió nhè nhẹ luồn vào qua khung cửa mở và tiếng đàn accordion của người ăn mày vọng lên từ khu đất trống sau nhà, tôi sẽ thả mình bồng bềnh trong vùng đất của Ali Baba và bốn mươi tên cướpAladdin và cây đèn thần.

Đất nước mà tôi viếng thăm tên là gì? Những chuyến khám phá đầu tiên mách tôi rằng nó lạ lẫm và xa xôi, sơ khai hơn thế giới chúng tôi nhưng là một phần của một vùng đất đầy quyến rũ. Bạn có thể đi dạo trên bất cứ con phố nào ở Istanbul và gặp những người trùng tên với các nhân vật, và có lẽ điều đó khiến tôi cảm thấy gần gũi với họ hơn, nhưng tôi chẳng hề thấy chút nào của thế giới của tôi trong những câu chuyện của họ; có lẽ cuộc sống thì giống thế này trong những ngôi làng hẻo lánh nhất của Anatolia nhưng không phải ở Istanbul hiện đại. Nên lần đầu đọc Ngàn lẻ một đêm, tôi như một đứa trẻ phương Tây sững sờ trước những điều kỳ diệu của phương Đông. Tôi không hề biết rằng từ cách đây rất lâu, từ Ấn Độ, Ả Rập, Ba Tư, những câu chuyện này đã ngấm vào văn hóa chúng tôi; hoặc rằng Istanbul, thành phố nơi tôi chôn rau cắt rốn về nhiều khía cạnh là bằng chứng sống cho các truyền thống mà từ đó những câu chuyện lộng lẫy này xuất hiện; hoặc rằng những tục lệ của họ - những lời nói dối, xảo thuật, trò lường gạt, tình nhân và kẻ phản bội, những màn hóa trang, trò ngoắt nghéo, và những chuyện ngạc nhiên - được đan quyện sâu vào trong linh hồn bí ẩn và rối rắm của thành phố quê hương tôi. Đến mãi sau này tôi mới phát hiện ra - từ những cuốn sách khác - rằng những câu chuyện đầu tiên tôi đọc trong Ngàn lẻ một đêm không được lấy từ bản thảo cổ mà Antoine Galland, dịch giả người Pháp và người đầu tiên biên soạn các câu chuyện, tuyên bố sưu tầm được ở Syria. Galland không lấy chuyện Alibaba và bốn mươi tên cướp hay Aladdin và cây đèn thần từ một cuốn sách, ông nghe những chuyện này từ một người Ả Rập theo đạo Thiên chúa tên là Hanna Diyab và mãi sau này ông mới viết lại các câu chuyện này, khi ông soạn cuốn hợp tuyển của mình.

Điều này đưa ta đến chủ đề thực sự: Ngàn lẻ một đêm là một kỳ quan của văn học phương Đông. Nhưng vì chúng ta sống trong một nền văn hóa cắt đứt các mối liên kết với chính di sản văn hóa của mình và lãng quên những thứ chúng ta mắc nợ Ấn Độ và Iran, thay vào đó cúi người trước những cú giật nảy của văn học phương Tây, nó trở lại với chúng ta thông qua châu Âu. Dù được xuất bản bằng rất nhiều ngôn ngữ phương Tây - đôi khi được dịch bởi những bậc thông tuệ nhất của thời đại và đôi khi bởi những dịch giả lạ lẫm nhất, tư duy lộn xộn nhất, hay cứng nhắc nhất  - công trình của Antoine Galland là công trình được ca ngợi nhiều nhất. Đồng thời, hợp tuyển mà Galland bắt đầu xuất bản năm 1704 là công trình có ảnh hưởng nhất, được đọc nhiều nhất và trường tồn nhất. Ta thậm chí có thể nói rằng đây là lần đầu tiên chuỗi những câu chuyện kể bất tận này được xuất bản dưới dạng một thực thể xác định, và chính bản sách này mang lại danh tiếng trên toàn thế giới cho các câu chuyện kể. Hợp tuyển này gây ảnh hưởng mạnh mẽ và đa dạng lên văn chương châu Âu trong gần một thế kỷ. Những ngọn gió từ Ngàn lẻ một đêm xao xác thổi qua các trang viết của Stendhal, Coleridge, De Quincey và Poe. Nhưng nếu ta đọc hợp tuyển từ đầu tới cuối, ta cũng có thể thấy ảnh hưởng đó được rào giậu như thế nào.  Nó tràn ngập những cái mà ta có thể gọi là “phương Đông bí ẩn” - những câu chuyện đầy những phép lạ, những sự kiện siêu nhiên và lạ lùng, những cảnh rùng rợn - nhưng Ngàn lẻ một đêm không chỉ có vậy.
..........................

[...]Trong thế giới của Ngàn lẻ một đêm, không người đàn bà nào có thể tin cậy được. Bạn không thể tin được bất cứ điều gì đàn bà nói; họ chẳng làm gì ngoài việc lừa gạt đàn ông bằng những trò chơi và mưu mẹo vặt của họ. Nó bắt đầu ngay trang đầu tiên, khi nàng Sheherazade để khỏi bị giết bởi một người đàn ông không tình yêu đã mê hoặc ông ta bằng những câu chuyện kể. Vì mẫu hình này được lặp đi lặp lại trong suốt cuốn sách, nó chỉ có thể phản ánh một điều rằng trong nền văn hóa sản sinh ra câu chuyện này, đàn ông sợ đàn bà sâu sắc và căn bản đến mức nào. Điều này khá thống nhất với  thực tế là thứ vũ khí mà đàn bà sử dụng thành công nhất là sự quyến rũ về tính dục. Theo  nghĩa này, Ngàn lẻ một đêm là biểu hiện mạnh mẽ của nỗi sợ hãi có căn cứ nhất đeo bám đàn ông của thời đại đó: rằng đàn bà có thể ruồng rẫy họ, cắm sừng họ, và đày ải họ vào cô đơn.  Câu chuyện khơi gợi nỗi lo sợ này mãnh liệt  nhất - và mang đến niềm hoan lạc đau đớn nhất - là câu chuyện vị vua chứng kiến toàn bộ hậu cung phản bội mình với những người nô lệ da đen của họ.[...]

(Orhan Pamuk)

11 comments:

  1. chôn rau hả anh?

    dẫu sao thì mới đầu em tưởng nói cuốn khác, he he

    ReplyDelete
  2. ừa, sợ thật, mình cũng sợ... nhưng mình vẫn yêu và bênh vực họ đến hơi thở cuối cùng ...hơ hơ...

    ReplyDelete
  3. @Càfê sữa : Chôn rau cắt rốn/Chôn nhau cắt rún. Phương ngữ Bắc/Nam, sử dụng tùy thích. Đúng không GM?

    ReplyDelete
  4. hóa ra Pamuk hồi bé xem mình là đứa trẻ phương Tây nhỉ

    ReplyDelete
  5. Có lý do đấy: Nhà Pamuk khá giả, nuôi dạy con theo hướng Âu hóa. Kiểu như ở Vn bây giờ cho con đi học trường quốc tế mí lại ăn cereal buổi sáng. Đấy là một trong những lý do mà Pamuk không ngừng chiêm nghiệm về sự khác nhau giữa Đông và Tây.

    ReplyDelete
  6. tôi đọc những "truyện" đầu tiên trong Ngàn lẻ một đêm... chứ nhỉ

    ReplyDelete
  7. phải tạo việc làm cho biên tập viên chứ!:)0

    ReplyDelete
  8. hehe nói vậy thôi chứ em biết anh có lý do cả mà :))

    ReplyDelete
  9. nhìn chung là be bét lắm, trang giấy đỏ lừ :))

    ReplyDelete
  10. Em bấm cực khoái mãi mới được :D

    ReplyDelete
  11. tất nhiên rồi, cực khoái đâu có dễ:)

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN