Thursday 30 August 2012

Vật đặc định



Hồi nhỏ, có lần tôi phải làm bài văn tả cái mũ. Tả cái mũ dễ không? Dễ, thì cứ hình dáng, màu sắc, chất liệu, công dụng mà tương, rồi thêm vào, làm sao có nó (ai cho, tặng, mua?), tình cảm với cái mũ (em yêu quý cái mũ, vì nhờ có mũ mà mà em không bị cảm nắng, đại khái thế). Nhưng làm thế nào cái mũ trong bài văn của mình có gì khác với cái mũ trong bài văn của những đứa khác. Chúng nó, đứa thì cho bố ghi tên mình lên mũ, đứa thì cho mẹ thêu tên lên mũ. Tên, đã đành mỗi đứa một tên, nhưng chả lẽ mình cũng cho bố mẹ ghi tên giống chúng nó. Nghĩ một hồi, tôi bịa ra chi tiết khi mẹ ghi tên mình lên mũ, mẹ vô ý làm rơi giọt mực (vì xài bút máy Hồng Hà chuyên gia dây mực tèm lem), mà hồi ấy không có Omo, giặt hoài không ra nên mũ mình hóa đặc biệt. Bài văn nhờ chi tiết ấy mà được khen là sáng tạo, điểm cao hơn tí.

Trong ngành luật, có khái niệm vật cùng loại và vật đặc định. Tỷ như giày dép Bitis, sơ mi Việt Tiến may hàng loạt gọi là vật cùng loại, còn nếu ra thợ thửa riêng một đôi giày hay bộ váy áo, theo kiểu dáng, kích thước, chất liệu, màu sắc mình lựa chọn, thì đôi giày hay bộ váy ấy  là vật đặc định. Lại có khái niệm đặc định hóa.  Ví như mua một cái áo Việt Tiến may hàng loạt về, mặc một thời gian cổ tay áo hơi mòn, cổ áo hơi đen, hay đứt khuy phải thay khuy khác, thì vật cùng loại đã đặc định hóa trở thành vật đặc định. Cái mũ trong bài văn thuở nhỏ của tôi đã đặc định hóa nhờ vào giọt mực tưởng tượng sổ ra từ cây bút máy Hồng Hà ấy.

Thường, người ta có nhu cầu (chính đáng và hợp pháp) muốn sở hữu một cái gì đó khác biệt, một cái gì đó là một, là riêng, là thứ nhất. Hôm nào đến công sở mặc phải cái váy chẳng may giống y chang con mẹ mình đang ghét thể nào mặt cũng sẽ cau có đăm đăm, về nhà thể nào cũng đánh chó chửi mèo, không có chó mèo thì chồng con lãnh đủ. Còn nếu được đồng nghiệp khen cái váy/áo/túi xách chị lạ ghê thì sướng tấm tít, mấy ngày không cần ăn vẫn sống phây phây.

Đương nhiên, càng là dân chơi thì càng ưa hàng đặc định, ý là hàng độc. Dân chơi nào cũng thế, chẳng loại trừ dân chơi sách. Đối với người chỉ cần đọc, sách bản nào cũng như bản nào, miễn là đủ trang, đủ chữ là được. Còn đối với người  chơi sách, phải sở hữu bản in đặc biệt, bản có thủ bút, bản in lần đầu.v.v. mới thỏa.  Với dân chơi sách nửa mùa như tôi, có được một bản lành lặn là quý lắm rồi. Chưa kể, với chút kiến thức từ ngành luật cộng thêm chút AQ, tôi hoàn toàn có thể đặc định hóa bản sách của mình, không phải bằng cách nhỏ lên ấy mấy giọt mực từ cây bút máy Hồng Hà, mà bằng cách ký tên, đóng dấu lên sách oai như cóc. Cuốn Quê hương tôi của Tràng Thiên Võ Phiến chẳng hạn, trong khi các cao thủ chơi sách ngồi so nhau bản đặc biệt số  mấy, thì tôi rung đùi ngửa mặt lên trên trời mà rằng bản của ta là bản đặc biệt nhất trên đời! Ngoài ra nếu giở sách ra, sẽ thấy chỗ vô số đánh dấu bằng bút highlight vàng chóe mà chẳng bản đặc biệt nào có được:)

Friday 24 August 2012

Qua hàng, vắt dòng


Chế Lan Viên có bài Tập qua hàng nổi tiếng, tôi chép lại theo trí nhớ:

Chỉ một ngày nữa thôi. Em sẽ
Trở về nắng sáng cũng mong. Cây
Cũng nhớ. Ngõ cũng chờ. Và bướm
Cũng thêm màu trên cánh đang bay.

Kỹ thuật vắt dòng, rớt chữ trong thơ Việt Nam đầu tiên hẳn được các nhà thơ mới sử dụng, nhiều nhất là Xuân Diệu, chẳng hạn trong mấy câu này:

Bâng khuâng chân tiếc giậm lên vàng 
Tôi sợ đường trăng tiếng dậy vang, 
Ngơ ngác hoa duyên còn núp lá 
Và làm sai lỡ nhịp trăng đang

Dịu dàng đàn những ánh tơ xanh…

Chữ “đang” ở khổ trên phải đọc liền xuống câu dưới thì mới có nghĩa.

Sau này, kỹ thuật vắt dòng trên được các nhà thơ trường phái Bút Tre tận dụng triệt để. Những câu nổi tiếng nhất có thể kể:

Anh đi công tác Pờ-lây-
Cu dài dằng dặc biết ngày nào ra

Hay

Chị em nô nức đánh cầu
Lông bay vun vút trên đầu chúng ta

Gần đây,  đọc  Thư kiếm ân cừu lục - bộ truyện đầu tiên của Kim Dung mà tôi lại đọc sau cùng, mới biết Kim Dung cũng đã cho Càn Long làm thơ vắt dòng khi ông vua si tình này ca ngợi nàng ca nữ Ngọc Như Ý ở Hàng Châu:

Hàng Châu có ả Ngọc Như
Ý nghìn con gái kinh sư không bằng.

Vì vụ si tình này mà Càn Long đã bị nàng Ngọc Như Ý dụ lột hết quần áo ra, rồi bị phe Trần Gia Lạc bắt cóc đi.

Cuối cùng, mời thưởng lãm hai câu thơ vắt dòng của ông nội bạn Pi & Alpha:

Hẹn nhau ở đỉnh đèo Cù
Mông em láng lẩy trơn tru đợi chàng.:)


Wednesday 22 August 2012

Vịt xiêm


Tôi là người yêu loài vật, tất nhiên, trừ những con mà tôi ghét. Trong những con tôi ghét, có những con mà tình cảm của tôi đối với chúng thay đổi từ thái cực này sang thái cực kia nếu tình trạng của chúng thay đổi: chẳng hạn, từ trạng thái hung hãn truy đuổi tôi sang trạng thái ngoan ngoãn ngậm một quả ớt hoặc ngậm một bông hoa cà rốt tỉa tót cẩn thận nằm trên đĩa, hoặc hay hơn nữa thì hóa thân vào tô bún. Hơi dông dài, nhưng thực ra là tôi muốn nói tới con ngan, mà vùng tôi sống thường được gọi là vịt xiêm.

Vì sao tôi ghét ngan? Có hai lý do: Lý do thứ nhất, hồi còn bé, nhà tôi có nuôi một đàn ngan, trong đó có một đực cực kỳ hung hãn. Nó đã từng rượt tôi chạy rớt cả dép vào tận giường, bất chấp việc tôi là con của ba tôi, tức chủ của nó. Lý do thứ hai, ngan là nhân vật chính trong thiên truyện đồng thoại Văn Ngan tướng công của nhà văn Vũ Tú Nam. Trong truyện này, ngan chỉ giỏi mấy thứ: làm biếng, ăn tục và phóng uế bậy. Chỉ một trong ba tính đó đủ làm tôi ghét rồi, huống gì cả ba gộp lại.

Sau này, tôi biết tôi không phải là người duy nhất ghét ngan ở dạng chưa nấu chín. Ắt là nhiều người khác sau khi đọc Văn Ngan tướng công cũng đã nhất quyết không nuôi ngan nữa. Trong tập Viết về bè bạn, nhà văn Bùi Ngọc Tấn có kể lại chuyện ngày xưa có người lý luận rằng cuốn truyện của Vũ Tú Nam nói xấu ngan nên làm cho mọi người, nhất là thiếu nhi, không yêu ngan.  Trong khi đó, thời ấy Đảng vừa mới ra một nghị quyết về phát triển nông nghiệp. Trong nông nghiệp có gia súc, gia cầm. Ngan là một loại gia cầm.  Làm cho mọi người ghét ngan là thủ đoạn tinh vi của nhà văn Vũ Tú Nam đánh thẳng vào Nghị quyết  của Đảng!

Tôi không nhớ đích xác thời điểm Văn Ngan tướng công bị đánh, hình như khoảng năm sáu mấy bảy mươi. Cứ cho là năm bảy mươi, tính đến giờ phải bốn chục năm có lẻ. Cái tư duy con ngan ấy, tưởng chỉ còn tồn tại trong truyện cười, gần đây lại trở về.  Nhờ có sự vụ này, tôi đọc bài thơ Lời những cây dầu cổ thụ ở trụ sở ủy ban nhân dân vài lần. Có vẻ như nếu không có sự sốt sắng của nhà văn trẻ nọ thì bài thơ này cũng sống một cuộc đời như đại đa số bài thơ khác: trôi vào quên lãng.  Chút xôn xao mà bài thơ gây ra, tôi ngờ rằng là vì mấy cây dầu cổ thụ kia mọc nhầm chỗ. Giả như những cây dầu ấy mọc ở chợ, trường tiểu học, trạm xe buýt  hay trụ sở ủy ban bảo vệ phụ nữ và trẻ em thì bài thơ sẽ trở thành Lời những cây dầu cổ thụ ở chợ/trường tiểu học/ trạm xe buýt/ trụ sở ủy ban bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Khi ấy chắc chắn không có cô nhà văn nào, dù sốt sắng đến mấy, ngan đến mấy, biết  báo cáo gì với tuyên giáo.

Monday 13 August 2012

Một mối chân tình với Raymond Carver


Khoảng năm 2003 - 2004, tôi nhận được email từ anh TA, lúc ấy là biên tập viên của e-Van Tinh thần thế giới: “T có hứng thì dịch giùm anh vài truyện của Carver, theo anh là tay viết truyện ngắn số một hiện giờ.” Tìm hiểu, tôi mới biết Carver chết từ đời tám hoánh, nên không rõ ý anh TA “hiện giờ” là hiện giờ nào. Tuy vậy, tôi rất ấn tượng với hai truyện “Dreams” và “Kindling” nên bắt tay vào dịch. Sau đấy, tôi dịch tiếp cho e-Van khoảng 3-4 truyện khác của Carver và một số bài tiểu luận về ông. Những bài này bây giờ đã bay hết cùng cơ sở dữ liệu cũ eVan cũ. eVan cũ chết, tôi không cộng tác với eVan mới, nhưng thời gian ấy tôi nhờ người  quen từ Úc mang về được hai tập Will you please be quiet, please?Cathedral. Tôi đọc mỗi tập vài truyện, rồi bỏ đấy. Thành thực mà nói, lúc ấy tôi không thích Carver trong hai tập này bằng Carver của “Dreams”, “Kindling”, .v.v tức chùm truyện tìm thấy sau khi Carver đã mất. Mãi đến 2009, khi viết blog, thỉnh thoảng tôi lại lôi một truyện của Carver dịch cho vui thì tôi mới thực sự thẩm thấu bút lực của Carver. Ấy thế nhưng tôi lại từ chối một lời mời dịch tập Cathedral, với lý do “để yên cho mình làm luật sư!”  Tôi đã phát thệ là tránh xa con đường dịch dọt, vậy mà rốt cuộc không giữ được lời, y như Kim Địch Tú Tài Dư Ngư Đồng trong Thư kiếm ân cừu lục phát thệ đi tu rồi chẳng những hoàn tục sát sinh mà còn lấy cả vợ nữa! (Mới luyện xong pho này trong mấy ngày nghỉ nên sẽ còn nhắc tới dài dài.)

Năm 2010, trong một cuộc nhậu với  NPV và ĐHP, hai người tỏ ra rất thích những truyện Carver mà tôi đã dịch và khích bác gì gì ấy. Sau lần đó tôi liên hệ với CVD để dịch Carver thì được bảo “Cathedral” đã dịch gần xong rồi. Thời điểm ấy tập Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện tình do Dương Tường và Nguyễn Hạnh Quyên dịch cũng đã phát hành. Ít lâu sau, CVD báo tôi Nhã Nam đã mua bản quyền Will you please be quiet, please? và tôi có thể bắt đầu dịch. Tôi tập trung làm vào các buổi tối và cuối tuần, trong vòng  3 tháng, tức đến tháng 10/2010 thì xong. Ngâm một thời gian, đến tháng 6/2011 thì bản thảo được biên tập hoàn chỉnh.  Chờ mãi, tới giờ rốt cuộc cuốn sách cũng gần ra lò. Theo tin tức trên giang hồ, bản tiếng Việt của Will you please be quiet, please? mà tôi dịch thành Em làm ơn im đi, được không? sẽ được phát hành vào cuối tháng 8. Ngoài lời cảm ơn gửi đến biên tập viên chính thức, một người không xa lạ mà tên của hắn sẽ chình ình trên trang cuối sách, và những người tôi chưa biết hết là những ai giúp cho cuốn sách ra lò, tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn đến các biên tập viên không chính thức mà hẳn sẽ không thích bị nêu tên, những người đã giúp tôi hiểu bản tiếng Anh chính xác hơn cũng như rà soát, góp ý phần tiếng Việt - tên các bạn không được ghi trên sách nhưng sẽ được ghi vào tim tôi (sợ chưa? hehe).

Vài hôm nữa, các bạn hãy ra hiệu sách, tìm và mua cuốn Em làm ơn im đi, được không? Xin cảm ơn bạn đã chia vui cùng tôi. Cũng theo đồn đại của giang hồ, cuốn sách này rất thích hợp để đàn ông ve vẩy trước mặt phụ nữ, thay vì phải nói những lời phũ phàng. Còn phụ nữ thì sao? Dĩ nhiên, phụ nữ cũng rất cần hiểu vì sao mình lại bị bảo im đi. :)

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN