Hồi nhỏ, có lần tôi phải làm bài văn tả cái mũ. Tả cái mũ dễ
không? Dễ, thì cứ hình dáng, màu sắc, chất liệu, công dụng mà tương, rồi thêm
vào, làm sao có nó (ai cho, tặng, mua?), tình cảm với cái mũ (em yêu quý cái
mũ, vì nhờ có mũ mà mà em không bị cảm nắng, đại khái thế). Nhưng làm thế nào
cái mũ trong bài văn của mình có gì khác với cái mũ trong bài văn của những đứa
khác. Chúng nó, đứa thì cho bố ghi tên mình lên mũ, đứa thì cho mẹ thêu tên lên
mũ. Tên, đã đành mỗi đứa một tên, nhưng chả lẽ mình cũng cho bố mẹ ghi tên giống
chúng nó. Nghĩ một hồi, tôi bịa ra chi tiết khi mẹ ghi tên mình lên mũ, mẹ vô ý
làm rơi giọt mực (vì xài bút máy Hồng Hà chuyên gia dây mực tèm lem), mà hồi ấy
không có Omo, giặt hoài không ra nên mũ mình hóa đặc biệt. Bài văn nhờ chi tiết
ấy mà được khen là sáng tạo, điểm cao hơn tí.
Trong ngành luật, có khái niệm vật cùng loại và vật đặc định.
Tỷ như giày dép Bitis, sơ mi Việt Tiến may hàng loạt gọi là vật cùng loại, còn
nếu ra thợ thửa riêng một đôi giày hay bộ váy áo, theo kiểu dáng, kích thước,
chất liệu, màu sắc mình lựa chọn, thì đôi giày hay bộ váy ấy là vật đặc định. Lại có khái niệm đặc định
hóa. Ví như mua một cái áo Việt Tiến may
hàng loạt về, mặc một thời gian cổ tay áo hơi mòn, cổ áo hơi đen, hay đứt khuy
phải thay khuy khác, thì vật cùng loại đã đặc định hóa trở thành vật đặc định.
Cái mũ trong bài văn thuở nhỏ của tôi đã đặc định hóa nhờ vào giọt mực tưởng tượng
sổ ra từ cây bút máy Hồng Hà ấy.
Thường, người ta có nhu cầu (chính đáng và hợp pháp) muốn sở
hữu một cái gì đó khác biệt, một cái gì đó là
một, là riêng, là thứ nhất. Hôm nào đến công sở mặc phải cái váy chẳng may giống
y chang con mẹ mình đang ghét thể nào mặt cũng sẽ cau có đăm đăm, về nhà thể
nào cũng đánh chó chửi mèo, không có chó mèo thì chồng con lãnh đủ. Còn nếu được
đồng nghiệp khen cái váy/áo/túi xách chị lạ
ghê thì sướng tấm tít, mấy ngày không cần ăn vẫn sống phây phây.
Đương nhiên, càng là dân chơi thì càng ưa hàng đặc định, ý
là hàng độc. Dân chơi nào cũng thế, chẳng loại trừ dân chơi sách. Đối với người
chỉ cần đọc, sách bản nào cũng như bản nào, miễn là đủ trang, đủ chữ là được.
Còn đối với người chơi sách, phải sở hữu
bản in đặc biệt, bản có thủ bút, bản in lần đầu.v.v. mới thỏa. Với dân chơi sách nửa mùa như tôi, có được một
bản lành lặn là quý lắm rồi. Chưa kể, với chút kiến thức từ ngành luật cộng
thêm chút AQ, tôi hoàn toàn có thể đặc
định hóa bản sách của mình, không phải
bằng cách nhỏ lên ấy mấy giọt mực từ cây bút máy Hồng Hà, mà bằng cách ký tên,
đóng dấu lên sách oai như cóc. Cuốn Quê
hương tôi của Tràng Thiên Võ Phiến chẳng hạn, trong khi các cao thủ chơi
sách ngồi so nhau bản đặc biệt số mấy,
thì tôi rung đùi ngửa mặt lên trên trời mà rằng bản của ta là bản đặc biệt nhất
trên đời! Ngoài ra nếu giở sách ra, sẽ thấy chỗ vô số đánh dấu bằng bút
highlight vàng chóe mà chẳng bản đặc biệt nào có được:)
tự sướng kiểu Úc
ReplyDeleteanh giấu song song vào đâu rồi?
ReplyDeletecái đó post nhầm, xóa rồi
DeleteVẫn còn lưu ở Reader:
DeleteTừ "song song" hay được dùng trong thơ trước 45. Nào là " Những bước song song xéo dặm trường/ Đôi hồn tươi đậm ngát hoa hương" của Xuân Diệu, rồi "Con thuyền xuôi mái nước song song" và "Sầu thu lên vút song song" của Huy Cận rồi...
hic, lợi hại thế:) đúng phần mở đầu nó thế, nhưng sau quên mất định viết gì:)
Deletethì viết về song song chứ viết gì :P
DeleteHe, em cũng có con dấu đặt làm hết 150k, mua được cuốn sách nào cộp luôn phát đó, đọc sách đến đoạn nào sướng lại cộp phát nữa vào góc trang :)
ReplyDeleteCòn em thì mua được cuốn sách nào mình thích, hoặc những cuốn không được "chánh phủ" ủng hộ nhiệt tình khi xuất bản là mừng rồi. Lo ôm về nhà, đọc liền khi còn nóng hổi :)
ReplyDeleteCó định đá đểu Văn Yên - Yên Ba không? Đồng ý với GM.
ReplyDeletenào dám! nói nhảm cho vui thôi.
Delete