Tuesday, 4 September 2012

Raymond Carver - Một tiểu sử văn chương (trích)

Những đoạn dưới đây trích trong bài Biographical Essay của giáo sư William L. Stull tóm tắt cuộc đời và sự nghiệp của Raymond Carver. Bài này nguyên bản tiếng Anh khoảng 8.500 từ, tôi dịch ra tiếng Việt khoảng 9.500 từ. Tôi dịch trọn bài này đã lâu, nay đọc lại thấy nhiều sai sót. Tuy nhiên, không có thời gian chỉnh sửa, nên tôi chỉ post lại ở đây một số đoạn trích nhằm cung cấp thêm thông tin cho những ai quan tâm đến nhà văn viết truyện ngắn của Mỹ được đánh giá là hay nhất từ sau Hemingway và được gọi là Chekhov của người Mỹ.



-------------

Trong cuộc sống, trong nghệ thuật và ngay cả trong cái chết, người có nhiều điểm tương đồng, người thầy và người đồng điệu với Raymond Carver là Anton Chekhov. Cũng như Chekhov (1860 - 1904), người đã phải ở đợ đến khi được ông của mình mua về, còn cha có một tiệm tạp hóa nhưng phá sản, Raymond Carver là con của một gia đình lao động nghèo. Cha ông, Clevie Raymond Carver, lái xe hỏa tuyến Arkansas – Washington trong thời kỳ hạn hán những năm 1930. Clevie Raymond Carver sau trở thành thợ giũa cưa trong một trại cưa và là một người nghiện rượu mất năm 53 tuổi. Vợ ông, Ella Casey Carver, người không xa lạ gì với nạn bạo hành gia đình, phụ giúp thu nhập gia đình bằng nghề hầu bàn và bán cửa hàng. Raymond Clevie Carver, tên thân mật là Junior, Frog và Doc sinh ngày 25 tháng 5 năm 1938 ở Clatskanie, Oregon, một thị trấn chuyên đốn gỗ khoảng bảy trăm dân bên bờ sông Columbia. Cả gia đình quay lại Washington năm 1941, và Carver lớn lên ở Yakima, thành phố trung tâm với hai mươi ngàn dân của “Vựa trái cây quốc gia ”, thung lũng trù phú phía đông Cascades.

Carver là đứa con muộn màng của thời kỳ Đại suy thoái, nên khá lâu sau thời kỳ thịnh vượng hậu chiến nhà ông vẫn chưa có toa-lét trong nhà. Bài thơ Shiftless (1986) của ông mô tả điều kiện kinh tế thời thơ ấu của ông: “Những người giàu hơn chúng tôi thì thoải mái... – Những người nghèo hơn chúng tôi thì thảm hại và chẳng làm gì”. Giống như Chekhov, Carver hiểu rõ cuộc sống bấp bênh cực nhọc và nghèo khó nhờ đó ông viết nên những thiên truyện rạng rỡ về sự thấu cảm, hiểm nguy và sự chật vật khẳng định. Nhiều năm sau ông nói về những người lao động và người phục vụ quê kệch vốn làm nên lớp công chúng ngầm của ông: “Họ là nhân vật của tôi. Không bao giờ tôi có thể coi thường họ được.”
[......]

Chekhov hẳn là chia sẻ [với Carver]. Mười chín tuổi ông chuyển từ tỉnh lẻ Taganrog lên Moscow và gánh vác cái gia đình nghèo túng của mình. Mặc dù là sinh viên y khoa chính quy, “Papa Antosha” vẫn kiếm đủ tiền nhờ vào việc viết những hài kịch ngắn cho những tuần báo phổ thông. Trong thư đề ngày 10 tháng 5 năm 1986, ông đề ra những hướng dẫn cho cái mà các nhà phê bình bảo thủ một thể kỷ sau gọi là truyện mini: “(1) không nhiều lời về chính trị - kinh tế - xã hội”; (2) khách quan xuyên suốt; (3) mô tả nhân vật và sự vật một cách chân thật; (4) cực ngắn; (5) táo bạo và tránh khuôn sáo ; (6) nhiệt thành.” Làm việc dưới những điều kiện tương tự với “trách nhiệm gắn chặt và thường xuyên bị phân tán”, Carver tìm thấy ở Chekhov sự tương hợp về châm ngôn làm việc, và trong những năm 1960 và 1970 ông tái sáng tạo ra truyện ngắn theo phong cách Chekhov. Trong quá trình này ông đã đặt nền tảng cho sự hồi sinh của chủ nghĩa hiện thực trong những năm 1980. Không lâu sau khi Carver qua đời, tiểu thuyết gia Douglas Uner nhận định: “Về mặt văn chương, truyện của Carver hiện hữu như một hình mẫu cho sự phục sinh của truyện ngắn”.

Ít ai sẽ phản đối nhận định của Carver về Chekhov rằng “Chekhov là nhà văn viết truyện ngắn vĩ đại nhất trong lịch sử”. Cũng không ai nghi ngờ đánh giá của Charles May đưa ra trong tác phẩm A Chekhov Companion (1985) rằng Raymond Carver là nhà văn đương đại mang chất Chekhov nhiều nhất. Với tư cách là nghệ sĩ và tư cách con người, cuộc sống cả hai có nhiều nét tương đồng. Bi kịch là sự tương đồng ấy hội tụ trong năm 1988 khi Carver theo chân Chekhov sớm vướng vào căn bệnh tiêu biểu của thời đại mình. Trong trường hợp của Chekhov căn bệnh đó là lao phổi, khiến ông qua đời ở tuổi bốn mươi bốn. Trong trường hợp của Carver đó là chứng ung thư phổi. Nhà văn từng tự mô tả mình là “điếu thuốc có thân người đính kèm” mất vào ngày 2 tháng 8, hai tháng sau sinh nhật thứ năm mươi. Hai năm trước đó tiểu thuyết gia Robert Stone đã gọi Carver “nhà văn Mỹ viết truyện ngắn xuất sắc nhất kể từ Hemingway”. Phát biểu tại lễ tang của Carver ngày 22 tháng 9 ở New York City, ông còn ca tụng Carver hơn thế nữa. Mượn lời từ chính một bài tiểu luận của mình về Chekhov, Stone gọi Carver là “người hùng nhận thức”.

[...]
Sinh nhật thứ năm mươi của Carver đến thật nhanh, trong tháng năm ông nhận được môt số danh hiệu. Những vinh dự này gồm một bài ca ngợi về nghệ thuật sáng tạo của Đại học Brandeis, bằng tiến sĩ văn chương danh dự của Đại học Hartford, và được kết nạp vào Viện Hàn Lâm Nghệ Thuật và Văn Chương Hoa Kỳ. Cũng trong tháng năm, Where I’m Calling From (Từ Nơi Mình Đang Gọi), tuyển tập những truyện mới của ông được Atlantic Monthly Press xuất bản. (Tập Elephant - Voi gồm bảy truyện mới nhất của ông ngay sau đó được xuất bản ở Anh ngày 4 tháng 7). Where I’m Calling From nhận được sự chú ý nồng nhiệt từ bờ Đông sang bờ Tây, bao gồm việc lên trang nhất của tạp chí New York Times Book Review. Quan trọng hơn, sự nhìn lại quá trình sáng tác này đã khiến các nhà phê bình đánh giá lại sự nghiệp và tiếng tăm của Carver. Mặc dù được thừa nhận rộng rãi là “một trong những cây bút truyện ngắn xuất sắc nhất của thời đại chúng ta”, ông bị dán cái nhãn “người theo chủ nghĩa tối giản”, một nhãn hiệu phiến diện không đúng với tinh thần tác phẩm của ông. Where I’m Calling From, gồm ba mươi bảy truyện viết trong vòng hai mươi lăm năm, cho thấy cái được gọi là chủ nghĩa tối giản của Carver là không đúng. David Lipsky viết trên tờ National Review (số ngày 5/8/1988) “Carver không phải là người theo chủ nghĩa tối giản mà là người theo chủ nghĩa chính xác”. Các nhà điểm sách trên Washington Post, San Francisco ChroniclePhụ Trương Văn của tạp chí Times cũng đồng tình. Trên Houston Chronicle số ra ngày 19/6/1988, Roger K. Anderson nhận xét: “Rõ ràng Carver là một bậc thầy. Nhưng giờ đây một tinh thần phóng khoáng mới là cái không thể nhầm lẫn. Đạt được đến mức này có lẽ là đỉnh cao sự nghiệp của ông – một mức độ mới của sự tĩnh lặng.”

[...]

Carver là con một người thợ thủ công, và văn chương của ông phát triển theo những giai đoạn của việc đào tạo một thợ thủ công. Sau khi chuyển gia đình từ Yakima đến Paradise, California, năm 1958, ông ghi danh học trường Chico State College. Ở đó, ông bắt đầu học viết với một người chẳng bao lâu sau sẽ nổi tiếng đó là John Gardner, “nhà văn thật sự” đầu tiên mà ông từng gặp. Trong lời mở đầu cho cuốn On Becoming a Novelist (Về Việc Trở Thành Tiểu Thuyết Gia) của John Gardner, Carver nhớ lại: “Anh đưa cho tôi chìa khóa vào văn phòng của anh. Bây giờ tôi coi món quà đó là một bước ngoặt! Thêm vào đó, Gardner phê bình học trò của mình “sát rạt, từng dòng một”, và dạy cho ông một hệ giá trị “không thể thương lượng được”. Trong số những giá trị này, giá trị về niềm tin là cái mà Carver theo cho đến lúc mất. Cũng như Gardner trong tác phẩm On Moral Fiction (Về Tiểu Thuyết Luân Lý -1978) đã chỉ trích tính “hư vô chủ nghĩa” của chủ nghĩa hình thức hậu hiện đại, Carver cho rằng văn chương vĩ đại là phải kết nối với cuộc sống, khẳng định cuộc sống và thay đổi cuộc sống. Ông viết “trong những truyện hay nhất, nhân vật trung tâm, người hùng cũng là nhân vật “chuyển dịch”, là người mà một điều gì đó xảy ra với anh ta trong truyện làm nên một thay đổi. Một điều gì đó diễn ra và làm thay đổi cái cách nhân vật nhìn chính mình và thế giới”. Từ những năm 1960 đến 1970, ông khuấy động chiều rộng của “ngôi nhà vui” siêu tiểu thuyết do Barth, Barthelme va những người cùng chí hướng dựng nên, thay vì tập trung vào cái mà ông gọi là “những yếu tố căn bản của cách kể chuyện kiểu cũ: cốt truyện, nhân vật, và hành động”. Cũng như Gardner và Chekhov, Carver tự gọi mình là một nhà nhân văn học. Ông khẳng định: “ Nghệ thuật không có nghĩa là tự thể hiện, mà là sự giao tiếp”.

Đầu tiên dưới sự hướng dẫn của Gardner rồi sau đó là Giáo sư Richard C. Day của Humboldt State College, Carver bắt đầu viết truyện. Những truyện đầu tiên, sau này được sửa chữa và đưa vào tập Will You Please Be Quiet Please (Em làm ơn im đi, được không? - 1976) và Furious Seasons and Other Stories (Những mùa dữ dội và những truyện khác - 1977) cho thấy ông đang tìm kiếm giọng điệu của mình dưới ảnh hưởng của những nhà văn đi trước. Truyện xuất bản đầu tiên của ông, Furious Seasons (Những Mùa Dữ Dội - Tuyển, Mùa Đông 1960-1961) là một thử nghiệm kéo dài tính đa thanh của Faulkner. Truyện kế tiếp, The Father (Người Cha – tạp chí Toyon, mùa xuân 1961) một dạng truyện tiết chế kiểu Kafka chưa tới 500 từ. Cũng như các nhà văn khác thuộc thế hệ mình, Carver bị cuốn vào quỹ đạo của Hemingway. Năm 1963, năm ông tốt nghiệp trường Humboldt State, do dự giữa tôn kính và nổi loạn, ông cho đăng cả hai truyện, một truyện bắt chước Hemingway, Pastoral (Truyện Đồng Quê - Western Humanities Review, Mùa đông 1963) và một truyện giễu nhại giải cấu trúc The Aficionados (Toyon, Mùa xuân 1963)
[...]

Carver tìm thấy nhịp điệu của mình. Như Michael Koepf viết năm 1981, “Có một sự trong sáng kiểu Chekhov trong truyện của Carver nhưng cũng có cảm quan kiểu Kafka rằng có gì đó sai lầm kinh khủng đằng sau hậu trường”. Tuy vậy, trong những năm 1960, Carver thực hành những cách thức và phong cách khác. Năm 1963 - 1964 ông học một năm tại Trại viết văn Iowa. (Do thiếu tiền ông đã không thể học năm thứ hai để xong bằng MFA). Năm 1966 ông đăng trên tạp chí December một truyện dài theo phong cách của James Will You Please Be Quiet, Please mà Martha Foley đưa vào trong Những Truyện Ngắn Hay Nhất Hoa Kỳ 1967. Ông thử sức với phong cách văn chương cổ điển (Poseidon and Company – Thần Poseidon và bạn bè, tạp chí Toyon, mùa xuân 1963) và huyễn tưởng (Bright Red Apples - Táo Đỏ Tươi, tạp chí Gato, mùa hè 1967). Ông thử nghiệm phong cách người trần thuật không đáng tin cậy, ngôi thứ nhất kể lại theo phong cách của Sherwood Anderson và khuynh hướng khu vực của Hemingway.
[....]

Chắc chắn rằng đỉnh cao của những năm tháng của con người thạo việc Carver phải là Will You Please Be Quiet, Please? Xuất bản tháng 3 năm 1976 dưới dấu ấn mới của Gordon Lish, tập truyện gồm hai mươi hai truyện nhằm mục đích giới thiệu môt nhà văn “có tầm ảnh hưởng đang tăng” với công chúng. Tập truyện thành công một cách đáng ngưỡng mộ, mang lại cho Carver đề cử National Book Award (Giải thưởng sách quốc gia) năm 1977, cùng năm, tập truyện thứ hai của ông Furious Seasons được nhà xuất bản Capra ấn hành. Nhưng sự thật là cuộc đời bí mật của chính tác giả đã đưa sự nghiệp của ông đến một điểm lặng. Sống tách rời khỏi vợ con, Carver bốn lần phải nằm viện vì nghiện rượu trong thời gian 1976-1977. “Tôi chết dần vì nghiện rượu, tẻ nhạt và đơn giản”, về sau ông nói, “tôi không phóng đại đâu”.
[...]


Tuy nhiên nhìn lại, tập truyện được biết đến nhiều nhất của Raymond Carver thật ra lại là cuốn sách kém tiêu biểu nhất của ông. Với ông, “chủ nghĩa tối giản” thiết yếu của tập What We Talk About When We Talk About Love đánh dấu không phải là một đích đến mà là một bước ngoặt. Sau này ông nói: “Chỉ cần tiến thêm một chút nữa theo hướng ấy là tôi sẽ bế tắc.” Những gì diễn ra trong hai năm sau đó là một khúc quanh nghệ thuật, “một khởi đầu” mà qua đó ông phục hồi và mở rộng những tác phẩm mà ông đã tỉa gọt dưới ảnh hưởng của biên tập viên Lish, “lý thuyết về cắt bỏ” của Hemingway và hứng thú thanh tẩy của chính ông. Hai tập sách nhỏ, FiresIf It Please You thể hiện kết quả của quá trình này. Thêm vào đó, Carver viết hơn chục truyện mới theo một giọng điệu cao hơn, nhiều hy vọng hơn. Truyện đầu trong số này, Cathedral (tạp chí Atlantic Monthly, tháng 9/1981), ông cho là “hoàn toàn khác về quan niệm và phương cách thực hiện so với” những tác phẩm trước của ông
[...]

Cathedral mang lại cho ông đề cử giải Pulizer và Giải của các nhà phê bình sách toàn quốc. Quan trọng hơn, nó đánh dấu sự trưởng thành của ông từ trường học của Godon Lish. Như Jonathan Yardley viết trên Washington Post (4/9/1983): "Những truyện trong Cathedral đã cho thấy rõ rằng Carver đã từ bỏ phong cách tối giản để sang một phong thái rộng mở hơn, bao hàm hơn và rộng lượng hơn." Mặc dù các nhà điểm sách kém sắc sảo hơn mất nhiều năm sau để ghi nhận sự thật này, những ngày thạo việc của Carver đã qua, cũng như khúc đệm xét lại của ông. Với Cathedral, ông tuyên bố sự độc lập của mình với tư cách một bậc thầy. Trong 5 năm còn lại của mình, ảnh hưởng bên ngoài duy nhất đối với tác phẩm của ông là Gallagher và Chekhov.




32 comments:

  1. Cái ông John Gardner hay nhỉ. Bạn Mund có truyện nào của ông ấy không?

    ReplyDelete
  2. "thật sự" (thực sự thì nên viết là "thực sự" chứ không phải "thật sự" :d) nên được coi là trạng từ chứ không phải tính từ, nên cụm "nhà văn thật sự" nên đổi thành "nhà văn thực thụ" hoặc "nhà văn đích thực"

    ReplyDelete
  3. à, thanks, nhưng nếu sửa thì còn phải sửa nhiều lắm, đã bảo đọc lấy thông tin thôi mà:)

    Chị So: Em không quen biết gì ông ấy.

    ReplyDelete
  4. Cảm ơn anh về bài này nhé. Nhân tiện đọc Auster đến đâu rồi anh? ;))

    Em cũng từng băn khoăn về vụ "thực sự" và "thật sự" như anh NL nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên tắc thỏa đáng. Nếu là emphasis thì là "thực sự" nhỉ, nhưng trong nhiều trường hợp khác thì em còn mập mờ lắm. Em thấy anh NL dùng "thật sự" nhiều hơn. :D

    ReplyDelete
  5. À em có quyển hồi ức của bà vợ Carver viết về chồng mình (mà để bên kia mất rồi). Anh đọc quyển ấy chưa nhỉ?

    ReplyDelete
  6. Anh chưa đọc Auster. Đang chiến cuốn của Coetzee trước.

    Thực sự anh không rõ lắm:)

    Anh chưa có cuốn của Tess Gallagher.

    ReplyDelete
  7. anh viết "thật sự" khi chưa nghĩ là nên viết "thực sự" hehe, nguyên tắc của anh khá đơn giản: thực ghép với những từ có tính chất Hán cao hơn, "thật" ghép với những từ có tính chất thuần Việt cao hơn, từ đó mà "thực sự", "thực tình" nhưng "thật lòng", "thật là"

    ReplyDelete
  8. thế đảo ngược lại thì sao, nên viết NXB SỰ Thật hay NXB Sự Thực?

    ReplyDelete
  9. quả thật/quả thực nữa.

    em thì nghĩ chúng có khác nhau về nghĩa.

    "Sự thật" anh Mun ơi, dù "sự" là từ Hán Việt :D. "thực" và "thật" đều có tính Hán nhỉ, nhưng "thực" có tính Hán nhiều hơn. Nói chung là em vẫn rối :(.

    ReplyDelete
  10. Carver là người can đảm, ước mơ duy nhất là viết, túng thiếu nhưng hết lòng với sự nghiệp văn chương.

    còn "chân thật" nữa, chưa hề thấy "chân thực" mặc dù có vẻ... tàu lai. (cũng chưa hề thấy "tay thật" bao giờ. :D)

    hì, người miền nam còn nói thế này: "Nói thiệt em nghe. Em là người thiệt thà cho nên qua thương em thiệt lòng. Tặng em cái đồng hồ làm duyên, bảo đảm đồ thiệt, hổng phải đồ dổm." :) [nsc]

    ReplyDelete
  11. hay sửa thế này: "nhà văn thứ thiệt" :))) [nsc]

    ReplyDelete
  12. "Chân thực" em đã thấy rồi, "chân giả" cũng thấy luôn!:)

    "nhà văn thứ thiệt" hay đó bác.

    ReplyDelete
  13. Murakami Haruki (Thôn Thượng Xuân Thụ) đã dịch Raymond Carver. Murakami và Carver cùng hai bà vợ gặp nhau thân mật tại Mỹ vào năm 1985, hai năm trước khi Carver chết. Một điều họ thảo luận là lý do người Nhật ưa chuộng truyện của Carver, và cho rằng những chi tiết về "may rủi", "sự sống bấp bênh, bất định", "hoài niệm, bóng phủ của quá khứ" là yếu tố chính. (Auster cũng tận dụng những khía cạnh này, như bác đã biết.) Trong dịp ấy, Carver làm thơ - bài "Projectile" về sự ẩn hiện mờ ảo của quá khứ trong hiện tại - tặng Murakami. Sau này, Murakami viết: "Raymond Carver was without question the most valuable teacher I have ever had, and also the greatest literary comrade." (Raymond Carver chắc hẳn là vị thầy quý báu nhất mà tôi đã từng học, và cũng là người đồng hành văn chương vĩ đại nhất.) [nsc]

    ReplyDelete
  14. Murakami thậm chí còn viết What we talk about when we talk about running parody cái What we talk about when we talk about love của Carver.

    Hi hi em quảng cáo luôn em từng viết một lọat entry Mình nói chuyện gì khi mình nói chuyện cầu/ chuyện đường/chuyện đời rất ăn khách đấy ạ:)

    Bác Xu béo nhà bên thì có viết bài này: http://5xublog.wordpress.com/2010/07/28/nh%E1%BB%AFng-motive/

    Nhưng độc giả Việt Nam chắc khoái Murakami hơn, vì Murakami lắm mồm hơn, chứ Carver cạy mồm cả ngày ra có mấy chữ, chưa kể còn bắt người ta đọc đi đọc lại!

    ReplyDelete
  15. cái link bác 5xu đọc thú vị. chắc phải ôm quyển Đô Thị về đọc thêm cho biết.

    à, nhân chuyện "một loạt", độ này ở Mỹ có khối sách với tên "The Girl..." đấy. mà nàng Lisbeth Salander thu hút ra phết: quyển đầu kỳ bí, quyển hai hơi lền khền, quyển ba action :))) mình cũng mới xem tập phim đầu: Noomi Rapace đóng punk xuất sắc [nsc]

    ReplyDelete
  16. Murakami viết nhiều quá mà không chắt lọc, làm em cứ thấy ngồn ngộn thế nào ấy. Em có bản soft khá đủ của Murakami, mà thật vừa nhìn vào đống đấy đã thấy chán ngán rồi. =))

    ReplyDelete
  17. Bác NSC viết blog đi bác. ;))

    ReplyDelete
  18. Cái trilogy The Girl ... đó cuốn đầu đã dịch ra tiếng Việt rồi - hai cuốn sau chắc đang on the way hình như NXB Phụ Nữ làm cả còn Nhã Nam thì ấm ức:)

    Tân: Anh từng dụ bác NSC viết blog nhưng chắc bác không viết đâu để còn đóng góp comment và pageview cho blog NL và blog anh:) Murakami viết tiểu thuyết phải khác chứ. Tiểu thuyết phải lắm mồm mới vui:)

    ReplyDelete
  19. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  20. dài dằng dặc, mình chỉ đọc còm thôi, :D

    ReplyDelete
  21. Hai bác Goldmund và Tân nhận xét về Murakami ngộ nghĩnh đấy, tôi đã ghi "lắm mồm" và "ngồn ngộn" vào sổ tay rồi. :) Tôi không mê Murakami, đọc cho biết thôi: theo tôi, văn ông ấy có vẻ "phô trương" hoặc "bon chen" thế nào í.

    Còn "phong trào" "The Girl" thì có: The Girl Who Fell From The Sky, The Girl Who Leapt Through Time, The Girl Who Chased The Moon, The Girl Who Threw Butterflies... :))) [nsc]

    ReplyDelete
  22. Đảo ngói :D
    Em tưởng nghề này tuyệt diệt rồi cơ đấy.

    ReplyDelete
    Replies
    1. thỉnh thoảng phải đảo cho đời nó tươi:)

      Delete
  23. Replies
    1. nghi cái entry này cũng chỉ vì nhớ bác í :( (luôn và luôn luôn)

      Delete
    2. This comment has been removed by the author.

      Delete
    3. bác nsc là nhân vật huyền bí nhất trên mạng Internet, chắc còn hơn cả QLB :p

      Delete
    4. về mức độ huyền bí thì QLB có thể so sánh với NSC, nhưng chắc chắn QLB không so được về mức độ gieo rắc thương nhớ:))

      Delete
  24. Văn Murakami chỉ hợp với thanh niên thôi ạ :-P

    ReplyDelete
  25. Pulitzer chứ GM

    ReplyDelete

Bánh mì kẹp và Ocean Vương