Thursday, 6 September 2012

Cái sự khai giảng


‎"Anh kia, sao đi khai giảng về mà mặt anh chảy ra bí xị vậy hử? Đầu năm học mà tinh thần anh đã xuống thế à?". "Mẹ ơi, mẹ không biết đâu, ngồi mãi ngoài sân nắng vỡ sọ, cô lại không cho đi uống nước. Rồi cô hiệu trưởng đọc diễn văn, rồi cô hiệu phó đọc diễn văn, rồi một bác lãnh đạo lên đọc diễn văn, rồi bố một bạn lên đọc diễn văn, rồi các thầy cô lên múa hát, rồi có một anh học sinh cũ làm ảo thuật chán phèo. Rồi tụi con nhìn các cô thả bóng bay, rồi chờ mẹ đón về". "Ô thế các anh không được thả bóng bay à?". "Mẹ ơi, mẹ không biết gì cả. Toàn là các cô thả, năm nào chả vậy".

Trên đây là status trên FB của một bà mẹ có con đi học. Tôi nhảy vào bình luận, đây có thể là tứ cho một truyện ngắn xuất sắc, kiểu truyện Raymond Carver:) Tít truyện có thể là Sao con không được thả bóng bay? Hay Tại sao các cô thả bóng bay?. Vầng, ai đã đọc tập truyện mới nhất của Raymond Carver mới được phát hành ở Việt Nam, Em làm ơn im đi, được không?  do bổn blog chuyển ngữ,thì có thể nhận ra đây là phong cách đặt tít tiêu biểu của Carver: mang một câu trong truyện, đặc biệt là câu hỏi, ra làm tít. :)

Cách đây ba năm, khi tôi chưa có bạn nhỏ nào đi học, tôi có dịp dự lễ khai giảng một trường trung học ở một quận TPHCM. Lần ấy tôi thay mặt công ty trao quà cho trường trong ngày khai giảng. Từ hàng ghế khách, tôi có thể quan sát toàn cảnh buổi khai giảng, đặc biệt thú vị là quan sát các bạn học sinh, ngồi ngay ngắn thành hàng, thả hồn lên trời cao khi các thể loại diễn văn đang được đọc.

Có vài điều thú vị, cũng có thể không thú vị lắm, có thể nhận ra ở mọi buổi khai giảng ở bất cứ trường nào đó là ngày khai giảng là ngày của diễn văn. Nhìn vào mật độ diễn văn ở lễ khai giảng, tưởng cũng nên ngạc nhiên tại sao ở nước ta, sính đọc diễn văn như thế, mà hiếm khi có một diễn văn nào gây thu hút lớn lao đối với đông đảo quần chúng, kiểu như diễn văn của bà Obama chẳng hạn?  Một điều nữa là các trường  phải đồng phục, à nhầm, đồng loạt khai giảng vào ngày 5/9, khi hầu hết các trường đã đi học từ hai ba tuần trước đó.  Có nhất thiết phải khai giảng vào cùng một ngày không?  Và như vậy, có nên định nghĩa lại từ “khai giảng” khi khai giảng không còn là ngày đầu tiên của năm học mới mà là ngày học sinh xếp hàng trong sân trường và nghe đọc diễn văn (và không được thả bóng bay)?

Viết đến đây, thì lại đọc được status của một bà mẹ khác.

 “-Hôm nay khai giảng ở trường em có vui không?
-Không vui lắm mẹ ạ.Con bị phạt đấy, tất cả bọn con trai bị phạt-Sao thế?-Thì nhiều người lên nói quá, bọn con đứng mỏi cả chân.Rồi lại còn đọc cái thư rât dài của ông Dương Chí Khang hay Vương Văn Giang nào í, bọn con chả hiểu gì, thèm nói chuyện quá, quay ra nói chuyện với nhau, thế là cả bọn bị phạt.”


Vầng, hoàn toàn có thể là tứ cho một truyện ngắn xuất sắc khác. Lần này là truyện của Azit Nexin.

4 comments:

  1. hehe. cháu là trường hợp của bạn nhỏ thứ 2 đấy. Tại sao bọn cháu lại phải nghe những thứ ko đâu vào đâu thế ?

    ReplyDelete
  2. trẻ con Việt nam bị chính cha mẹ mình, thầy cô giáo mình khinh thường , văn hoá bề trên đã giết chết những khoảnh khắc đặc quyền của tuổi thơ, thậm chí giết chết những tài năng vừa hé nhú :-((

    ReplyDelete
  3. Em mà còn facebook, em xin đăng bài này của bác cho bà con đọc rồi. Cái sự hay của nước mình nó nằm ở đấy đấy bác ạ. Nhân tài từ sự bức bách, khốn khó mà ra mới sướng, chứ để phát triển từa lưa, tà la, không có "quy hoạch' gì cả, nó ra.. thiên tài bác ạ.
    Mà nước mình em thấy các bác nhà nước khuyến khích nhân tài mà, nên... nó ra thế là phải đạo rồi, éc éc...

    ReplyDelete
  4. Tặng bác một tứ nữa: Cô phụ trách đội hầm hầm quát các bạn gái đội văn nghệ trong buổi tổng duyệt khai giảng: Các chị kia, mặt tươi lên, khai giảng mà mặt mũi thế kia à?

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN