Thursday 30 September 2010

Đọc

"Đọc thôi không đủ.  Đọc lại  - theo các chuyên gia - là quan trọng nhất.

Và cần đọc lại, không chỉ những cuốn sách mà ký ức về nó mờ nhạt dần hoặc lần đọc đầu tiên chúng ta không hiểu kỹ: phải đọc lại cả câu, danh từ, tính từ nhằm xác định một điều gì đó vĩnh viễn trong cuốn sách.  Một cuốn sách muốn gì?  Muốn được hiểu đúng.  Điều đó diễn ra từ từ, chậm rãi và phức tạp gần như trong cuộc đời.  Các cặp vợ chồng có khi mất hàng chục năm để người nọ làm người kia hiểu rõ mình.  Sách vở cũng là những người quen thân khó nắm bắt như thế.

Đọc theo danh mục, theo mốt hay theo truyền thống chưa đủ, phải tìm đến sách theo cảm giác, cuốn sách có thể nói - với chúng ta, trực tiếp - một điều gì đó.  Phải đọc thường xuyên, như người ta thường ăn, ngủ, yêu đương và hít thở vậy.  Những cuốn sách, cũng như con người, chúng chỉ trao gửi cho bạn những bí mật, sự tin cậy của chúng khi bạn cũng trao hết mình cho chúng.

Tôi không muốn viết sách kiểu khác, chỉ viết những cuốn thuộc sở hữu của mình.  Làm chủ tư tưởng và kiến thức có trong cuốn sách chưa đủ.  Hãy làm chủ toàn bộ cuốn sách, như một túi càn khôn của ý tưởng - vô điều kiện, như người ta khao khát một người tình".

------------

Trên đây là một đoạn của Márai Sándor trong tập tản văn Bốn mùa, trời và đất (Giáp Văn Chung dịch) do Nhã Nam mới xuất bản.  Tôi chỉ mới đọc một phần cuốn này, nhưng tôi biết tôi sẽ yêu nó ngang tầm với Other Colors của Orhan Pamuk.  Vì thế, xin nồng nhiệt giới thiệu người yêu mới nhất của tôi với các bạn.:)

+  Cuốn Chế độ dân chủ - Nhà nước và xã hội của hai tác giả Nga N.M Voskresenskaia và N.B. Davletshina (NXB Tri Thức - Phạm Nguyên Trường dịch) là một cuốn dễ đọc và nên đọc đối với những ai quan tâm đến, ừm, nhà nước và xã hội.  Khác với những tác phẩm kinh điển được NXB Tri Thức giới thiệu trong Tủ sách Tinh hoa, cuốn này thuộc Tủ sách Dẫn nhập nên văn chương không quá mức uyên áo, khó hiểu.  Nó là  một cuốn sách được soạn như là một cuốn sách giáo khoa cho người dân Nga, và dĩ nhiên tầm hữu ích của nó không giới hạn cho người dân Nga.   Chỉ với 240 trang khổ nhỏ, in đẹp, bạn hoàn toàn có thể đọc xong nó chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ.  Rất thích hợp với những ai muốn tìm hiểu, tìm hiểu, tìm hiểu, mà ngại sách dày!   Rất cảm ơn dịch giả Phạm Nguyên Trường (cũng là người dịch Đường về nô lệ) và NXB Tri Thức đã giới thiệu cuốn này ở Việt Nam.





-----------
Cập nhật 1/10:


Đoạn văn trên được bác Trương Đức dịch như sau.  Xin chép lại để các bạn cùng tham khảo:




"Đọc, không đủ. Đọc lại – theo tất cả những nhà tư vấn – quan trọng hơn. Và đọc lại, không chỉ riêng những cuốn sách, mà ký ức về chúng đang phai mờ, hay, chúng ta đã không hiểu hết khi đọc lần đầu: mà cả những câu văn, danh từ, động từ và cả chỉ dẫn nữa, những cái xác định một cách cốt tử điều gì đấy trong cuốn sách. Một cuốn sách muốn gì? Nó muốn phải hiểu được nó. Nhưng điều này xảy ra chậm chạp, chậm chạp và rắc rối gần giống như trong cuộc sống vậy. Đối với những cặp vợ chồng, đôi khi họ cần một khoảng thời gian là vài ba chục năm thì người này cuối cùng mới làm kẻ kia hiểu mình được. Sách cũng là người quen biết không dễ nắm bắt như thế. Đọc theo sưu tập, theo mốt, hay theo truyền thống, là thiếu sót; dựa theo bản năng, chúng ta cần tìm đến cuốn sách, cái cuốn sách mà nó có thể nói điều gì đó một cách trực tiếp với chúng ta. Nên thường xuyên đọc, như con người ta thường xuyên ngủ, thường xuyên ăn, thường xuyên yêu và hít thở. Sách, giống như con người vậy, chỉ dâng hiến bí mật, tin cậy của nó cho ta, khi mà ta cũng trao gởi bản thân mình cho sách. Ta không thích đọc những cuốn sách loại khác, chỉ những loại là sở hữu của ta. Chiếm lĩnh được ý nghĩ, kiến thức có trong sách, chưa đủ. Mà, – một cách không khoan nhượng, như con người ta thèm muốn người tình – phải là của ta cả bản thân cuốn sách nữa, cái bồ đựng bụi tư duy trần gian này"






Wednesday 29 September 2010

Băn khoăn

1.    Đọc cái này, thấy tác giả Trần Thị Trường (phát âm cho chuẩn nhé), nói:  "Một an ủi lớn, đó là bài học kinh nghiệm. "Lý Công Uẩn đường tới thành Thăng Long" cho giới nghiên cứu, văn nghệ sĩ, kể cả kinh doanh... một bài học lớn về nghệ thuật thứ 7, để hiểu rằng, tinh thần tự trọng, tự tôn, tự ái của một dân tộc chẳng phải là điều dễ động chạm." bỗng dưng băn khoăn.  Hóa ra bộ phim mười chín tập này là điện ảnh, không phải truyền hình à?


2.  Đọc cái này, lại băn khoăn, tại sao xây sai phép không bị phạt, không phải dỡ bỏ, hay một hình thức chế tài nào khác, mà lại là chỉ là "rút kinh nghiệm, xin lỗi, và nhìn nhận sai phạm một cách nghiêm túc"?  Hay đây là những chế tài xử lý vi phạm hành chính mới được quy định trong luật?


3.  Đọc thêm cái này, lại càng băn khoăn tợn.  Ông này đi dạy cho người ta cách đọc sách, mà bảo đọc "chậm và kỹ", "đọc ngược lại" là sai lầm, là sao?  Đọc sách có phải ăn cướp đâu mà đọc cho nhanh, đọc lấy được.  Dĩ nhiên phải biết cách đọc nhanh khi cần, nhất là khi nghiên cứu, cần phải đọc một khối lượng tài liệu lớn;  nhưng điều đó không có nghĩa đọc chậm, đọc kỹ, cố hiểu 100% là sai.  Haizz:)





Tuesday 28 September 2010

Một nghìn năm

Một số ý tưởng cho một số tỉnh thành khác cùng một số tầng lớp nhân dân cùng một số tập thể cùng một số cá nhân mừng đại lễ nghìn năm:

+          Sài Gòn đào một nghìn cái lô cốt;

+          Đà Nẵng bắc một nghìn cây cầu qua sông Hàn;

+          Đà Lạt đốn một nghìn cây thông;

+          Kiên Giang phát một nghìn tờ rơi tuyên truyền giáo dục bảng hiệu giao thông;

+          Lê Kiều Như bán một nghìn quyển truyện tranh khuyến mãi kèm một nghìn sợi xích;

+          5Xu tặng độc giả một nghìn cuốn Thời Tiết Đô Thị;

+          Xăng bán giá một nghìn đồng/lít và giá này ổn định trong vòng một nghìn ngày;

+          EVN không cắt điện một nghìn giờ liên tục;

+          Doremon và Nobita đi ngược thời gian một nghìn năm để chụp hình cung điện, nhà cửa, trang phục thời Lý;

+          U16 Việt Nam quyết tâm thắng Trung Quốc 1000-0;

+          Long Nhật mọc một nghìn cái ria mép;

+          Một nghìn con kiến bò qua phần còn lại của ngày;

+          Một nghìn con rùa bị giẫm lên lưng;

+          Một nghìn con bọ xít [hút máu] bơi qua sông;

+          Một nghìn nghìn con ong canh giữ đèo Mimosa;

+          Báo Tuổi Trẻ thay mục truyện ngắn một nghìn chữ bằng bài thơ một nghìn chữ;

+          Bác Đàm Hà Phú làm một nghìn bài thơ;

+          Bác Goldmund được tặng một nghìn cuốn sách;

+          Bác Nhị Linh review một nghìn cuốn sách (cho chết luôn, hehe);

+          Nhân dân làng Khương Thượng làm một nghìn suất chả nhái;

+          […] Gia Lâm […] một nghìn cái;

+          Bác Lý Đợi khóc hu hu hu.

Monday 27 September 2010

Nhà có hàng rào gỗ (refresh!)

Tôi thích những ngôi nhà có hàng rào làm bằng gỗ. Nếu hàng rào ấy được sơn trắng thì càng tuyệt, còn không, cứ để màu tự nhiên của gỗ cũng không sao. Điều cần nhất là hàng rào phải làm bằng gỗ, và nhất định phải thấp. Những ngôi nhà với hàng rào gỗ thấp luôn gợi sự thân thiện. Khi đó, hàng rào hoàn toàn không có chức năng bảo vệ hay chống trộm, mà thường chỉ có ý nghĩa trang trí cho ngôi nhà. Hãy tưởng tượng xem, sáng chủ nhật, trời xanh, mây trắng, nắng vàng, bạn bật nhạc và cắt cỏ trong vườn nhà. Nhà bên, cô hàng xóm có thể đang phơi quần áo. Vì hàng rào thấp, hai người hoàn toàn có thể nhìn thấy nhau, nói chuyện với nhau, thậm chí nhảy qua hàng rào để đến với nhau, và chuyện tình của bạn có thể lên phim Holywood, hoặc thực tế hơn thì Facebook.

Tôi đã thấy nhiều ngôi nhà với hàng rào như vậy ở Toowoomba, một thành phố nhỏ ở phía đông nam bang Queensland, Úc. Tôi cũng thấy nhiều ngôi nhà với hàng rào gỗ ở ngoại ô Melbourne. Tôi còn nhìn thấy nhiều hàng rào như vậy trong phim Mỹ, trong những tấm bưu thiếp châu Âu. Tất cả đều xinh xắn, thân thiện.

Ở Việt Nam, thật khó mà tìm được một ngôi nhà có hàng rào gỗ, thấp, và sơn trắng. Ở thành thị, đất chật người đông, phổ biến nhất là những ngôi nhà hình ống quay mặt ra phố. Nhà ống không có hàng rào, chỉ có cửa sắt. Nếu tất cả những căn nhà quay mặt ra phố đều đồng thời đóng cửa, thì ta sẽ có phố cửa sắt, và hiển nhiên ta không thể nhìn thấy ai phía sau những cánh cửa nặng nề, xấu xí đó. Nhà trong hẻm có thể khá hơn, có thể có tường và cổng. Tường thường cao, có nhà còn gắn mảnh chai hoặc dây thép gai. Cổng thì nặng, mở ra mở vào thế nào cũng kêu ken két. Cơ hội để hai người trông thấy nhau, bắt chuyện, và đến với nhau là tương đối mỏng manh. Thực tế cho thấy, đằng sau những bức tường găm mảnh chai và những cánh cổng nặng nề, người ta có khuynh hướng gắt gỏng, chửi sau lưng, hoặc chửi đổng hàng xóm nhiều hơn. Ở nông thôn, người ta thường có nhiều đất hơn, nhưng không hiểu sao kiểu nhà phổ biến vẫn là nhà ống, cứ như phi ống bất thành nhà. Đôi khi một cái ống ba tầng nằm giữa một mảnh đất to đùng. Tất nhiên, sẽ không có chuyện một cái hàng rào gỗ thâm thấp chạy quanh cái ống ba tầng đó. Cần phải có một bức tường hoành tráng tương xứng với chiều cao ngôi nhà. Vả lại, không ai xây nhà to rồi làm một cái hàng rào gỗ mỏng manh để mời mọc các anh đạo chích.

Thật ra, tôi biết, ở Sài Gòn hoặc Hà Nội bây giờ, nếu muốn sở hữu một ngôi nhà có hàng rào bằng gỗ thấp và sơn trắng, bạn chỉ cần có khoảng 6 tỷ [giá này đã lạc hậu]. Có những công ty xây những khu nhà như thế, vừa nhà vừa vườn khoản ba bốn trăm mét vuông, và vây quanh nhà là những hàng rào gỗ trắng, cao hơn đầu gối một tí. Những hàng rào đó hoàn toàn không có chức năng bảo vệ hay chống trộm vì bạn dễ dàng nhảy qua nó, chúng chỉ có ý nghĩa trang trí cho ngôi nhà. Tuy nhiên, để vào được những khu nhà này bạn phải đi qua cổng có mấy chú bảo vệ ngồi canh, vì tuy giữa những những ngôi nhà trong khu với nhau chỉ có hàng rào tượng trưng, bao quanh khu nhà lại là những bức tường thật thụ.

Friday 24 September 2010

Có một tình yêu Sài Gòn


Đọc Thị Dân  - Tản văn của Quốc Bảo - Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn

“Phải bứt ra khỏi thành phố này, thế nào tôi cũng khóc.  Đứa bé khi buộc phải ra khỏi tử cung mẹ đã khóc, hệt như vậy.”

Thành phố nào mà được yêu đến vậy? Xin thưa ngay, đó chính là Sài Gòn, hay Saigon, theo cách viết dính liền và không bỏ dấu của Quốc Bảo trong suốt 159 trang khổ 20 x 21 cm của tập tản văn mang tên Thị Dân mà tác giả tự nhận là “cuốn sách ai cũng viết được, ai cũng có thể là tác giả, nếu hắn ta yêu Saigon đủ nghĩa một tình yêu”.  Dĩ nhiên, đó là chỉ là một cách nói khiêm tốn,  vì không phải ai yêu cũng nói được nên lời, chưa kể lời yêu đó phải đủ chân thành  và duyên dáng, để người khác đọc vào biết đấy là người đang yêu.  Sài Gòn tám triệu dân thì có không kém tám triệu người yêu, chưa kể những người yêu phương xa, mà Quốc Bảo từ đầu đến cuối sách một mực khẳng định tôi yêu Sài Gòn “của tôi” thế cũng có phần ích kỷ.  Nhưng đấy là cái ích kỷ đáng yêu  - đáng yêu như chính Sài Gòn qua cảm nhận trong văn Quốc Bảo.

Sài Gòn trong mắt anh là một thành phố “không hề đẹp”.  Đọc câu đấy xong đừng vội lo Quốc Bảo chê nhan sắc người yêu mình.  Vì liền kề đấy, anh bảo nó “cũng không hề xấu”, và quan trọng hơn, đồng thời tinh tế hơn, anh nhận ra: “Nó ở đó, để người ta sống”.  Anh nhìn thấy vẻ đẹp của Sài Gòn trong sức sống của nó, trong sự thay đổi nhanh đến chóng mặt của nó (dầu những thay đổi đôi khi kệch cỡm), và cả trong sự chắp vá xộc xệch như bản hòa âm “đầy tiết tấu phá bĩnh”.   Anh tỉ mẩn so sánh vị cà phê của từng thành phố để rồi rủ rê ta ngồi cùng anh nơi quán cóc Sài Gòn đợi bình minh lên để hiểu hơn về thành phố.  Rồi anh lại nhẩn nha bình luận về chất giọng Sài Gòn.

Thị Dân chia làm bốn phần: Tôi - những mẩu chuyện mang dáng dấp tự truyện; Bạn - viết về những người bạn của tác giả; Saigon; và Ảnh - những bức ảnh do chính Quốc Bảo chụp bằng điện thoại.  Bố cục là thế, nhưng thật ra không chỉ ở phần ba Sài Gòn mới là chủ đề.  Cho dù Quốc Bảo kể chuyện mình hay chuyện bạn, vẫn luôn man mác một tình yêu với thành phố.  Hơn một nửa số ảnh ở phần cuối cũng là những góc nhìn về Sài Gòn.

Cũng như lời nhiều ca khúc của Quốc Bảo, ngôn ngữ trong Thị Dân là một thứ ngôn ngữ được chăm chút đến độ mỹ miều - thậm chí đôi lúc quá mỹ miều.  Nhưng dĩ nhiên ta biết phải yêu lắm thì mới dày công chăm đến thế.

Quốc Bảo còn những bài viết khác hay hơn về Sài Gòn.  Tiếc rằng, những bài đó không có mặt trong Thị Dân - anh mới để trên blog cá nhân hoặc đăng rải rác trên các tạp chí.  Vì thế, ta có quyền hy vọng sẽ còn được đọc về Sài Gòn trong một quyển sách khác nữa của Quốc Bảo.  Trong khi chờ đợi, chẳng có lý do gì mà ta không tự thưởng cho ta ly cà phê đá trên một vỉa hè Sài Gòn, nhấm nháp vị đắng tan trong miệng cùng Thị Dân trên tay - cuốn sách do chính tác giả thiết kế mỹ thuật cầm rất vừa tay và cũng rất xinh xắn.







Đây là bn full.  Còn bn trên Tui Tr thì tri li như con gà b vt lông, mà toàn ch lông đp í.:)


Wednesday 22 September 2010

Thơ của Hoàng



Thơ bây giờ, dù chính tôi có làm thơ và thỉnh thoảng vẫn còn làm thơ đăng chỗ này chỗ nọ, nói chung là nản.  Thơ  bây giờ thường rơi vào hai cực: hoặc nhạt nhẽo, sáo rỗng; hoặc cách tân vô nghĩa, khuỳnh khuỳnh cơ bắp.   Chính vì vậy, đôi khi lang thang trên mạng, bắt gặp được những thứ rất chân thành từ những người viết chưa có tên tuổi đọc rất thích.  Chẳng hạn những bài thơ tôi chép lại dưới đây của Hoàng (tên đầy đủ là Đỗ Văn Hoàng).  




Ngày




Ngày 
anh không tìm được cho mình một câu thơ
anh trốn
nhưng sau dấu ba chấm không đủ một chiều dài vô nghĩa cho anh nằm
và tại sao một ẩn dụ dù nhạt nhẽo về thân thể em cũng chối bỏ chính bóng đổ của nó lên lời anh lồi lõm không gian

Ngày 
anh không tìm được cho mình một câu thơ
là những nốt
ngày-ngày-ngày-ngày-ngày-ngày-ngày
không trọng lượng đi tìm cho mình một khuông nhạc

Ngày
anh không tìm được cho mình một câu thơ
là ngày anh đã vứt đi rất nhiều những chữ làm biến dạng em trong anh
và cũng là ngày
anh thấy mình là tờ giấy trắng
để ánh mắt thanh sạch của em
nhìn xuống đó
hiện lên
những câu là câu thơ bất chợt đến từ em. 






Trên mái nhà




Lỗ thủng giấc mơ đêm qua
-do ngôi sao băng xuyên qua-
giờ đây
đang hoang hoắc trên mái nhà.
Và lũ chim đến làm tổ trên đó.
Và mùa xuân không đến.
Cánh chim bay đi
đậu trên lỗ thủng của mái nhà trong tranh.
Từ lỗ thủng mái nhà
một giọt mưa đọng lại
rơi xuống
đỉnh đầu gã hoạ sĩ nghèo
gã tỉnh mộng ngước nhìn.
Lỗ thủng bịt kín bởi đám mây trắng.
Gã hoạ sĩ nhìn vào bức tranh
phân vân mãi về cánh chim lạ.
Mùa xuân đã chín già từ lâu trên mái nhà.









Chiếc chìa khóa vàng



Làm sao anh với em tìm thấy nhau
trong thành phố thiếu
tượng đài người Điên-nơi
ta hỏi nhau
"Anh ! Sao tháng mưa ngâu
dài dòng thế ? "
"Bởi ! Một giọt rơi hay
một vạn giọt mưa rơi
cũng không bao giờ là dấu chấm dôi
rơi xuống nơi ta hẹn hò".

Làm sao anh với em tìm thấy nhau
trong thành phố thiếu
quảng trường mất trí-nơi
ta có thể
"Em: hai mốt, hai mốt, hai mốt"
"Anh: mốt hai, mốt hai, mốt hai"
"Em: hai mốt, hai mốt, hai mốt, hai mốt, hai mốt, hai mốt"
"Anh: mốt hai, mốt hai, mốt hai, mốt hai, mốt hai, mốt hai"
"Em: hai mốt, hai mốt, hai mốt, hai mốt, hai mốt, hai mốt, hai mốt, hai mốt, hai mốt"
"Anh: mốt hai, mốt hai, mốt hai, mốt hai, mốt hai, mốt hai, mốt hai, mốt hai, mốt hai"
 ...
Anh sẽ hỏi " diễu binh tình yêu có bao giờ kết thúc?"
Em nín lặng. Mình cứ đếm nhau trong thân thể mốt hai.

Làm sao anh với em tìm thấy nhau
trong thành phố quá thừa
những Anh với Em.




Mùa ốm


Anh có thể ốm
suốt mùa không?
Như loài cỏ chỉ sống có một mùa.
Thân anh có mục ruỗng chỉ sau
một trận mưa không?
Như mái nhà hoang, như chuồng ngựa cũ
như củi ẩm chờ người lữ hành?
Trận ốm mùa có tẩy sạch em
khỏi anh
theo mớ tóc rụng, theo giọt mồ hôi
theo cơn teo tóp giấc mộng gầy gửi về đêm?
Anh có được ôm mùa ốm trong tay
mà ngỡ ôm em dưới vực?
Hay mùa ốm ôm siết hai ta như hai vết sẹo
không liền vào nhau.

Và ốm mùa đã ốm lên khắp mùa rồi em ơi!
Chỉ cần thở ta cũng thấy
ốm nhau.

Monday 20 September 2010

Xốn



Tôi tng nht quyết không đc mt cun tiu thuyết n vì nó có quá nhiu dấu chấm than Còn Ngô Phan Lưu thì làm tôi mt vì ông dùng quá nhiu du ba chm (trong Cơm chiu?) du rng truyn ngn Ngô Phan Lưu thuc loi đáng đc nht hin nay.  Ai đó, hình như Kurt Vonnegut, có ln bo du chm phy ch là mt trò làm điu, khi người viết c ý chng t rng mình đã tt nghip đi hc.

Tht ra, du chm than, hay ba chm, hay chm phy hay bt kỳ mt du câu nào khác bn thân nó chng có ti tình gì.  Nó ch tr nên “ti tình” khi dùng không đúng ch hoc b lm dng.

Nói gì thì nói, bây gi vào mng đc tin vn không th b qua Vietnamnet, cho dù Vietnamnet ngày càng lu.  Nhưng nhìn đng tít mà già na trong đó s dng ngoc kép thì không th không xn con mt.  

Sunday 19 September 2010

Thay một nén hương



Cuộc đời không ngớt có những điều lạ kỳ. Đôi khi, những điều ấy có thể rất liên quan đến mình, mà ngẫm lại mình thấy vẫn lạ kỳ. Chẳng hạn, có những tình cảm không nói ra, cả hai bên đều biết rõ điều đó, nhưng không bao giờ nói ra. Rồi đến một ngày nào sẽ chẳng có cơ hội nói ra nữa rồi.

Trong cuộc đời học sinh của tôi, có nhiều thầy cô mà tôi yêu quý. Sự yêu quý đó thể hiện bằng những mối liên lạc mà tôi duy trì mãi rất nhiều năm sau khi ra trường. Nhưng có một cô giáo mà tôi rất mực yêu quý, nhưng chẳng bao giờ tôi nói ra, ngay cả khi tôi còn là học sinh trong trường và cô chỉ dạy một lớp nào khác gần đó. Và kể từ khi ra trường, tôi chưa bao giờ gặp lại cô, cho dù năm nào tôi cũng về quê một đến hai lần, mà cô thì vẫn ở đó thôi, nào có xa xôi gì.

Cô dạy văn tôi năm lớp tám. Tôi còn nhớ rõ, ngày đầu tiên vào lớp, cô yêu cầu học sinh viết một bài văn ngắn, nói là mình thích đọc sách gì và tại sao. Bài này thay cho bài kiểm tra đầu năm, cô không chấm điểm, cô nói cô chỉ đọc để hiểu học sinh mình hơn. Trong bài viết đó, tôi nói tôi không biết mình thích loại sách nào hơn. Tôi nói tôi băn khoăn giữa những cuốn sách trong tủ sách truyện các nước của Nhà xuất bản Trẻ, hồi đó có những cuốn như Cánh buồm đỏ thắm, Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer, và những cuốn sách tham khảo như Mẹo luật chính tả của Lê Trung Hoa, hay Các vị thuốc Nam. Tôi nói những cuốn truyện kia cho tôi trí tưởng tượng bay bổng, còn những cuốn sách tham khảo cho tôi kiến thức. Tôi không biết mình “thích” loại sách nào hơn. Khi trả bài, cô nhắc đến bài của tôi trước lớp, không quên nhắc đến chữ “thích” của tôi trong dấu ngoặc kép.

Vài tuần sau, bài kiểm tra một tiết, cô yêu cầu học sinh phân tích một bài thơ mà em yêu thích nhất, mở ngoặc đó không nhất thiết phải là một bài thơ trong chương trình. Tôi, lúc đó, vì thiếu chuẩn bị mà lại muốn lựa chọn an toàn, nên phân tích ngay một bài thơ vừa mới học xong, bài Anh chủ nhiệm của Hoàng Trung Thông. Bài đó cô cho tôi bảy điểm, kèm theo nhận xét, em viết văn gọn ghẽ, phân tích đủ ý nhưng không có hồn. Chắc chắn đó không phải là bài thơ mà em thích nhất. Bài viết này không tương xứng với bài viết đầu năm của em. 

Đó là những lời nhận xét mà tôi nhớ nhất trong đời học sinh của tôi. Tôi đã rất xấu hỗ vì không trung thực với chính mình, và cô nhận ra điều đó ngay tắp lự.

Tôi học với cô chỉ trong một năm lớp tám đó. Những giờ học văn với cô luôn cho tôi cảm giác thời gian trôi quá nhanh, vì cô luôn biết cách làm cho những bài thơ, đoạn văn buồn tẻ nhất sinh động hơn, có hồn hơn. Hai mươi tháng mười một năm đó, chúng tôi tặng cô tập Bài thơ thôn Vỹ - tuyển tập thơ tiền chiến về Huế có lời tựa xuất sắc của Chế Lan Viên. Qua giáo viên chủ nhiệm, cô gửi lời cảm ơn chúng tôi, bảo sao biết cô là người Huế mà tặng cô tập đó. Tôi biết đó chỉ là một cách nói rằng cô thích món quà của chúng tôi, chứ chất giọng Huế của cô bao nhiêu năm xa quê có bao giờ phai, ai mà không biết. 

Tôi quý cô, và biết cô cũng quý tôi. Nhiều năm sau khi ra trường, tôi vẫn nghe nói lại cô khen tôi trước các thế hệ học sinh khác như thế nào. Tuy nhiên, chúng tôi không bao giờ gặp nhau, mà lý do chủ yếu là vì tôi biết cô thích sống kín đáo, không thích học sinh đến nhà.

Trưa nay, tôi nhận tin nhắn của ba tôi trên điện thoại: Đọc tin trên danhim.net. Danhim.net là trang web của quê tôi.  Tôi mở danhim.net ra và bàng hoàng đọc tin cô đã ra đi sau một cơn tai biến mạch máu não ngay khi cô vừa mới nghỉ hưu. 

Đã muộn rồi một lời nói rằng tôi yêu quý cô biết nhường nào. Thì xin hãy cho tôi viết đôi dòng này, thay một nén hương.

19/9/2010

Friday 17 September 2010

Trở lại tuổi 17


Đã hơn ngần ấy năm qua đi kể từ khi tôi mười bảy tuổi.  Tôi tự hỏi nếu được trở lại cái tuổi ấy bằng một cách nào đó, chiếc máy vượt thời gian của Doremon chẳng hạn, thì tôi sẽ làm gì.  Tôi sẽ sửa chữa như thế nào cái tuổi mười bảy của tôi, để rồi khi lại hơn ngần ấy năm qua đi, tôi nhìn lại tuổi mười bảy giả tưởng đó mà tuyệt nhiên không mong muốn thay đổi một điều gì.  Dĩ nhiên, đó là chuyện giả tưởng của giả tưởng, vì nếu tôi có một tuổi mười bảy khác đi, thì tôi của thời hiện tại cũng khác đi, và cái tôi hiện tại đó có thể không gõ những dòng này.

Tôi nghĩ tôi sẽ không tiếc nuối quyết định bỏ văn đi học luật, cho dầu thật lòng mà nói cái tôi học được trong trường luật ít hơn rất nhiều so với những gì tôi học được ở thư viện và từ các luật sư mà tôi làm việc cùng sau này.  Nhưng theo học luật cũng có nghĩa là tôi chú tâm đến …luật hơn, và nhờ đó rèn luyện cách nghĩ, cách viết, cách dùng từ và nhiều kỹ năng khác.  Ngoài ra nhờ học luật mà tôi có nhiều tiền mua sách hơn:)

Tôi sẽ không tiếc nuối những ngày những giờ đọc thơ và làm thơ, dù sự thể là việc làm thơ nhiều lúc là một đề tài để cười cợt hay thương hại nhiều hơn là chia sẻ.   (Tôi từng cảm thấy rất bất an khi ai đó chào tôi là nhà thơ)!   Điều quan trọng là thời gian ấy tôi đã có một đam mê.  Sống mà không có đam mê thì sống làm gì.  Tôi cũng không tiếc những bài thơ tôi đã đốt.  Cả đời làm thơ chỉ cần giữ được một câu thơ là đủ - mấy ai được như Trần Dần hầu như viết câu nào cũng ra thơ.

Tôi cũng không sửa chữa những khoảng thời gian tôi dành vào việc băn khoăn.  Băn khoăn hẳn là đặc tính của tuổi trẻ.  Không dằn dọc, không băn khoăn, thì hẳn người ta cứ mãi là “như đá ngây ngô”.

Chỉ một thứ tôi muốn thay đổi, đó là những gì tôi đọc.  Nếu có được sự hướng dẫn tốt hơn, có lẽ tôi đã biết đọc định hướng hơn, rộng mở hơn. 

Viết tới đây, tôi nhìn lên kệ sách, và chợt nảy ra ý tưởng nếu tôi chọn mười hai cuốn sách trong số những cuốn mà tôi có cho một bạn mười bảy tuổi đang tràn đầy băn khoăn và háo hức tìm hiểu cuộc sống đọc mỗi tháng một cuốn thì danh sách đó sẽ như thế nào.   Sau một hồi “băn khoăn”, tôi lập một danh sách như sau.  Danh sách này giới hạn trong những cuốn đang đập vào mắt tôi trên kệ sách, liệt kê không theo thứ tự nào, phục vụ cho việc “tìm hiểu cuộc sống”, và không phải cho một mục đích chuyên biệt.

1/ Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh
2/ Đường về nô lệ - F.A.Hayek
3/ Du hành cùng Herodotus - Ryszard Kapuscinski
4/ Thế giới của Sophie - Jostein Gaarder
5/ Bắt trẻ đồng xanh - J.D. Salinger
6/ Nhà khổ hạnh và gã lang thang (Goldmund và Narziss) - Hermann Hesse
7/  Bàn về tự do - J.S. Mill
8/ Chúa ruồi - William Golding
9/ Giết con chim nhại - Harper Lee
10/ Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm - Kim Woo Choong
11/ Tuyển tập Lỗ Tấn
12/ Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt - Cao Xuân Hạo

Wednesday 15 September 2010

Mười bảy tuổi

Thỉnh thoảng, tôi lại nhớ mình như thế nào khi mười bảy tuổi.  Tại sao thì không rõ.  Dưới đây là vài thứ tôi nhớ ra.  Ghi lại để chia sẻ với những người mười bảy, mười sáu, hay mười tám tuổi:

Mười bảy tuổi, tôi:

  • làm bốn câu  thơ sau và dán lên trên bàn học: “Trời ơi ai cản lối tôi đi/Cứ để yên tôi với những gì/ Mà tôi tìm được trong hoa cỏ/ Và trong thế giới của hồn si” để bảo vệ cho quyết định bỏ khối A mà thi khối C.
  • đậu đại học khoa Văn nhưng đột nhiên chuyển sang học Luật.
  • xa nhà và bước chân vào đại học.  Sài Gòn không làm tôi choáng ngợp như tôi nghĩ là nó sẽ.
  • chạy một chiếc xe đạp màu xanh mượn của bác tôi.  Xe không có ổ khóa, nên bác tôi gắn một sợi dây xích to đùng ở yên sau và thêm một cái ổ khóa to không kém.  Mỗi khi để xe trên vỉa hè hoặc ở những nơi không thể gửi xe, tôi hí hoáy mở dây xích ra, vòng qua bánh sau xe rồi khóa lại.  Việc đó mất khá nhiều thời gian và thu hút khá nhiều chú ý.
  • một ngày đạp xe hai đến ba chục cây số, không đội mũ.
  • cân nặng 55kg, chia cho chiều cao 1.75m.
  • không biết hủ tíu và phở khác nhau thế nào, và rất ngạc nhiên tại sao hầu hết bạn bè không chịu ăn trưa bằng bánh mì kẹp mà phải đi ăn cơm dĩa. 
  • không biết “rút căm” có nghĩa là gì.
  • trung bình ba ngày làm một bài thơ, nhưng hai năm sau thì đốt sạch và thề không làm thơ nữa.
  • luôn băn khoăn bạn bè nghĩ gì về mình, và luôn băn khoăn về bạn bè.  Có lần, tôi và một anh bạn hơn tôi bốn tuổi ngồi ở quán cà phê suốt một ngày để thảo luận về tất cả bạn bè của mình.
  • luôn băn khoăn.
  • bỏ ra hàng tháng trời ở Thư viện Quốc gia để đọc Tư bản luận  của Marx và Kinh tế học của Samuelson, giải lao bằng các tạp chí Sông Hương, Văn, .v.v.
  • đặt chỉ tiêu khi tốt nghiệp đại học phải có bằng B tiếng Anh.
  • ghi trên một cuốn từ điển Việt  - Anh một câu tiếng Anh sai bét về văn phạm, nhưng nội dung là: Không bao giờ lãng phí thời gian và tiền bạc.
  • dùng tất cả tiền có được để đi thu băng nhạc từ đĩa CD.
  • viết nhật ký.
  • rất khoái chí khi đọc, nghe, hay viết được một câu triết lý nào đó - những thể loại triết lý mà bây giờ tràn ngập trong các file powerpoint hay được chia sẻ trong email giữa giới văn phòng, trong các cuốn súp gà cho tâm hồn, Facebook status hay trong rất nhiều truyện ngắn đăng báo.
  • chưa bao giờ đi thang máy.  Lần đầu tiên đi thang máy là khi gần tốt nghiệp đại học, đi phỏng vấn xin việc.
  • có ba hay bốn bộ quần áo gì đó, đại khái khi chuyển nhà chỉ cần cho vào một ba-lô là xong.
  • đong đưa vì một bông súng.  Viết Tình khúc thứ nhất, Tình khúc thứ hai, Tình khúc thứ ba xong rồi thì hết đong đưa.
  • không hay kêu “chán quá”.


Đại khái thế.  Khi nào nhớ thêm sẽ bổ sung.

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN