Thursday, 9 September 2010

Ghi chú trong tiểu thuyết

Tôi chưa đọc tác phẩm nào trong số các tác phẩm đọat giải tuổi Văn học tuổi 20 năm nay.  Có vẻ như lần này có khá nhiều tiểu thuyết đoạt giải.  Tôi luôn quan tâm đến tiểu thuyết hơn truyện ngắn nên có lẽ sẽ kiếm vài cuốn đọc thử.

Trong trao đổi trực tuyến với độc giả, có người hỏi Mai Anh Tuấn - tác giả một trong những tác phẩm đoạt giải về việc sử dụng ghi chú trong tác phẩm của anh.  Anh đã trả lời như sau: Quả thật khi viết Giảng đường yêu dấu tôi đã muốn lạ hóa cách viết bằng việc đưa vào các ghi chú. Thông thường, các ghi chú chỉ xuất hiện trong văn bản phi hư cấu (non fiction). Nhưng tôi cố tình đưa ghi chú vào một văn bản hư cấu nhằm muốn có một sự hỗn dung thể loại. Các ghi chú được tôi triển khai theo nhiều dạng khác nhau: khi là dạng báo chí, khi dạng chính luận, khi dạng từ điển, nhật ký, kịch bản... Điều đó sẽ mở rộng ra những phạm vi hiện thực khác nhau cũng như những ý vị khác nhau.

Không rõ Mai Anh Tuấn học được ý tưởng về sử dụng ghi chú trong tiểu thuyết từ đâu.

Trong Oracle Night, Paul Auster sử dụng triệt để các ghi chú để mở rộng câu chuyện.  Sau này, khi trả lời phỏng vấn The Paris Review,  ông xác nhận việc sử dụng ghi chú trong tiểu thuyết cũng không phải là phát kiến của ông.  Tuy nhiên, trong tiểu thuyết đó, do câu chuyện chính diễn ra trong hiện tại, giới hạn trong những sự kiện diễn ra trong vòng hai tuần, nên ông không muốn ngắt mạch truyện.  Ông dùng các ghi chú để kể lại những chuyện diễn ra trong quá khứ.

Tôi chưa có dịp đọc các tiểu thuyết khác sử dụng ghi chú như một kỹ thuật kể chuyện.  Tuy nhiên, chắc chắn là có, vì như Paul Auster đã nói, đó không phải là ý tưởng do ông tự nghĩ ra.

14 comments:

  1. Em cũng chưa đọc.

    Nhưng sử dụng ghi chú để kể chuyện thì có gì lạ. Bàn Tải Cân sử dụng nhuần nhuyễn và duyên dáng thành thần :D hehe

    ReplyDelete
  2. nói về footnotes (ghi chú cuối trang, đôi khi dính dáng đến endnotes, ghi chú cuối sách), gần đây có "Cuộc đời diệu kỳ ngắn ngủi của Oscar Wao" của Diaz.

    xa hơn thì có "Ghi chú từ dưới đất" cùa Dostoevsky, "Hai mươi năm sau" của Dumas, "Tên bông hồng" của Eco, "Moby Dick" của Melville, "Vòng quanh thế giới trong 80 ngày" của Verne, và (dĩ nhiên, hề hề) "Tristram Shandy" của Sterne. dĩ nhiên có thể còn nhiều truyện khác... [nsc]

    ReplyDelete
  3. Ghi chú như một kỹ thuật kể chuyện khác với ghi chú tạm gọi là truyền thống chứ bác.

    Mấy cuốn bác kể, ghi chú trong "Hai muơi năm sau" và "Tên của đóa hồng" em cho là ghi chú theo kiểu truyền thống - nghĩa là cung cấp thông tin bổ sung. Cuốn của Verne em không nhớ. Moby Dick và Tristram Shandy em không có nên không biết.

    Ghi chú trong cuốn Oscar Wao nói chung khá dài nhưng cũng gần theo kiểu truyền thồng hơn là ghi chú nhằm để kể chuyện.

    ReplyDelete
  4. trong tiểu thuyết hư cấu (fiction), ghi chú (footnote) trở thành một kỹ thuật kể chuyện, có tác dụng đặc biệt [nsc]

    ReplyDelete
  5. em thấy cái ghi chú " Thiên ký sự của một cô bé ngày xưa " thuộc dạng đỉnh của đỉnh trong VHVN .

    ReplyDelete
  6. Xem David Forster Wallace í.

    ReplyDelete
  7. David Forster Wallace? À, vẫn đang chờ được tặng ạ. Infinite Jest nhé?

    ReplyDelete
  8. Tuấn hay lắm anh, luôn cố gắng thể nghiệm và cực kỳ nghiêm túc. Ý tưởng này của T có lẽ cũng từ kinh nghiệm làm chuyên môn về giảng dạy văn học của cậu ấy. (Z)

    ReplyDelete
  9. xin lỗi làm phiền Goldmund về việc này: tôi mới ghé blog Nhị Linh thì blogspot báo cáo "This blog is open to invited readers only." [nsc]

    ReplyDelete
  10. Bác là người thứ một trăm linh một hỏi em về vấn đề này. Chuyện liên quan đến giò trắng mà cứ đi hỏi giò lang ben, hehe.

    Em cũng thắc mắc y như bác. Nhưng nghe đâu là trục trặc kỹ thuật tạm thời thôi. Không chừng là đòn gió của chàng: thấy pageview xuống thấp nên tạo cảm giác hồi hộp, vài hôm mở cửa lại tấp nập hơn xưa:))

    ReplyDelete
  11. :))) thank you [nsc]

    ReplyDelete
  12. ơ, tìm giò thì phải hỏi giò chứ lị, hai cái ống của một cái quần còn gì :))

    ReplyDelete
  13. Ý tưởng ghi chú như Tuấn là một ý tưởng không mới nhưng hay, nhất là trong bối cảnh VN, khi các nhà văn vẫn hồn nhiên đi theo mấy con đường mòn. Trong văn chương, mình nghĩ người giỏi là người dám cực đoan - hoặc không ghi chú nào (ngay cả những chỗ cần phải ghi chú), hoặc nhiều ghi chú (không phải để giải thích mà để "hỗn dung thể loại" như ý đồ của Tuấn, để đổi mạch viết như Paul Auster, hay thoải mái thêm những điều mình muốn, không cần rào trước đón sau).

    ReplyDelete
  14. To Nặc danh: nhưng chưa chắc cực đoan đã là giỏi ;))

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN