Tuesday 23 August 2016

Đọc lại: Du hành cùng Herodotus

Chỉ có đọc lại mới đáng kể - một nhà nào đó đã nói về việc đọc sách, chính xác lại là "đọc lại sách", như thế.

Một nhà nào đó khác đã nói, nếu một cuốn sách không xứng đáng để đọc lại, thì mắc mới gì phải cầm nó lên và đọc lần đầu tiên.

Tôi, một mặt "quán triệt"  những lời thông thái trên; mặt khác do tính ham của lạ nên hay đọc tứ tung, tuy vậy hằng năm đều dành thời gian để đọc lại một số cuốn mà tôi thấy đáng để đọc lại. Hiện, tôi đang đọc lại cuốn Du hành cùng Herodotus của nhà báo Ba Lan Ryszard Kapuściński, qua bản dịch từ tiếng Ba Lan của Nguyễn Thái Linh

Hồi đọc lần đầu năm 2009, tôi có nói đâu đó rằng nếu bạn chỉ đọc một cuốn du ký duy nhất thì nên đọc cuốn này. Giờ đọc lại, tôi thấy gọi cuốn này là du ký e có phần lầm lạc. Tôi không có vấn đề với thể loại du ký, nhưng có vẻ những cuốn xuất sắc nhất trong thể loại này đều đứng trên, vượt ra ngoài thể loại. Ngoài ra, du ký nhất là ở Việt Nam gần đây hầu như ai cũng viết được. Đi một tí, ngó nghiêng một tí, wiki một tí, thêm vài chuyện nhăng nhít ngồ ngộ, là lạ thế đã thành sách du ký rồi. Vì vậy, tôi không muốn gọi Du hành cùng Herodotus là du ký nữa.

Vậy nên gọi nó là gì? Tôi thấy nó là một bài review sách khổng lồ, chứa đựng một khối tò mò khổng lồ. Vâng, đúng là trong cuốn sách này, RK sẽ dẫn ta đến Ấn Độ, Trung Hoa, Ai Cập, Congo và rất nhiều địa danh khác .v.v.. Nhưng phần quan trọng nhất của cuốn sách là những trang review cuốn Sử ký của Herodotus, giúp ta gián tiếp đọc cuốn sách ắt là kỳ thú này. 

Cách làm của RK là nhẩn nha lật một trang Sử ký, chép lại cho chúng ta vài đoạn, và rồi đặt ra vô số câu hỏi, hệt như một cậu bé có óc tò mò vô hạn. Chẳng hạn như, RK thuật lại chuyện Herodotus kể về người Babylon chống lại người Ba Tư, để làm việc đó, người Babylon đồng ý với nhau là bóp ngạt các thành viên nữ trong gia đình, trừ mẹ và một người mà họ phải chọn, để tiết kiệm thực phẩm trong công cuộc chống người Ba Tư. Họ bàn bạc với nhau như thế nào? có ai bất đồng không? có ai phát điên không? làm thế nào họ chọn bóp ngạt vợ hay con gái, bà hay em gái? rồi họ xử lý xác như thế nào, những vài chục ngàn xác người cùng một lúc? bóp ngạt xong rồi, họ cảm thấy như thế nào? RK sẽ đặt ra những câu hỏi như thế, xuyên suốt cuốn sách. Du hành cùng Herodotus do đó là tập hợp của cả hàng trăm câu hỏi, những câu hỏi nối tiếp nhau không có câu trả lời?

Tôi nhặt được rất nhiều thứ trong lần đọc lại này. Có quá nhiều thứ hay ho, quá nhiều thứ gợi suy nghĩ. Tôi thậm chí nghĩ nếu các tổng thống Mỹ đã đọc cuốn này thì họ sẽ không làm tan hoang Iraq hay Syrie, bởi giá trị của một nhà độc tài mà cuốn sách có nhắc tới, trong khi trích dẫn Herodotus.

Sách in năm 2009, không biết ngoài tiệm có còn không. Nếu ai chưa có nên tìm mà đọc; nếu có mà chưa đọc thì đọc đi, không phải hối tiếc đâu.

Sunday 15 May 2016

Một buổi ra mắt sách




Môt tối cuối tuần nọ tôi đi dự một buổi ra mắt sách ở một tiệm sách mới khai trương qua lời mời trên trang Facebook của tiệm. Tiệm là  một căn hộ cũ nằm trong một con hẻm nhỏ , vài kệ sách quanh tường, một bàn lớn với mấy bình hoa giữa phòng, chủ và khách có thể quây quần xung quanh, vừa trò chuyện vừa uống trà ăn kẹo.  Sách là một cuốn sách của một tác giả đoạt giải Nobel từ lâu lắm rồi, nay mới được dịch ra tiếng Việt, do một công ty sách ít người biết đến tổ chức ấn hành. Hai vợ chồng chủ công ty, cũng là hai phần ba quân số của công ty, đã lập công ty gần bảy năm. Trong bảy năm đó, họ ra được mười đầu sách. Lần này, họ ra được hai cuốn, có lẽ lần ra mắt sách lớn nhất của công ty.

Buổi ra mắt không có MC. Khách uống trà, xem sách mãi mà buổi trò chuyện vẫn chưa chính thức bắt đầu, vì không ai biết cách bắt đầu như thế nào. Chủ tiệm, một cô gái trẻ, được mời nói vài lời mở đầu thì một mực giãy nãy, em không biết nói gì đâu ạ. Khách khứa, độ hơn hai mươi người ngồi rải rác quanh phòng, mỉm cười. Chị chủ công ty đành phải bắt đầu buổi nói chuyện. Chị bảo, các bạn ơi, yên lặng để nghe chúng tớ nói chuyện nhé.  Rồi khi thì xưng “chúng tớ”, khi thì xưng “bọn mình”, chị nói vài lời không thật sự có đầu đuôi về công ty của "chúng tớ". Được đôi câu, chị bỗng nghẹn giọng, nước mắt chảy ra, phải vội cầm khăn giấy. 

Đến lượt anh, chồng chị, và là dịch giả cuốn sách, cũng nhận mình là người không quen nói trước đám đông. Anh ngập ngừng, ngắc ngứ, nhưng khi đã vào guồng, anh nói rất say sưa về cái duyên của mình với những cuốn sách, về những cuốn sách anh đọc được nhiều năm trước khi học ở nước ngoài, về những cuốn sách giúp anh vượt qua những khúc quanh trong cuộc sống và tâm niệm phải cố dịch ra tiếng Việt để chia sẻ cùng mọi người, về những điều tâm đắc trong cuốn sách anh dịch. Có những quãng im lặng dài khi anh ngưng nói, mà khách cũng không nói gì, mọi người chỉ chăm chú hướng về anh. Thế rồi anh lại nói tiếp, cũng say sưa.

Cứ thế, buổi trò chuyện với rất nhiều quãng lặng kéo dài hơn một tiếng rưỡi. Lúc đó là quãng tám giờ, tám rưỡi tối, khách chắc ai cũng đói, nhưng không ai về sớm. Tôi nghĩ ai cũng thu nhặt được một điều gì đó trong buổi ra mắt sách rất là không kinh điển này. Buổi ra mắt không có ai huyên thiên, không có lời nào khách sáo, chỉ có những lời mộc mạc, chân thành.

Khách đến dự hầu hết là những bạn trẻ. Trông họ thật tươi tắn và sáng láng. Có một bạn chia sẻ với diễn giả về quan niệm sống, về Phật giáo. Cứ tưởng bạn ít ra đã là sinh viên năm cuối, hóa ra hỏi mới biết cậu mới học năm nhất ngành Kỹ thuật Công nghiệp. Ra về, cậu mua cuốn Văn học và cái ác, đây là cuốn sách tôi đã đọc vật vã mãi mà không chắc hiểu được mấy phần. Nói chuyện thì dẫn Phật, dẫn Nietzsche, nhưng trước lúc ra về thì cậu chỉ băn khoăn là không biết ba mẹ có đợi cơm không.

Đi một buổi như thế này, gặp những con người như thế này, trên đường về lòng cảm thấy thật dễ chịu.

Quân Khuê

Friday 8 April 2016

Tháng Tư về



Khi những náo nhiệt của hội sách đã qua, khi không còn phải mướt mồ hôi, chen chân chọn mua sách...giảm giá, ắt là đã đến lúc ngồi lại, thật sự cầm những cuốn sách lên và đọc. Xin giới thiệu một số cuốn sách mới được tung ra trong hội sách vừa rồi.

Thuốc mê, tiểu thuyết của Thâm Tâm

Có một Thâm Tâm thi sĩ đã quá nổi tiếng với Tống biệt hành và những giai thoại gắn liền với TTKH. Khó hình dung ra chàng thi sĩ u uất và u sầu (trong thơ) ấy từng viết tiểu thuyết. Cũng khó hình dung ra làng quê Việt Nam từng có những tục như được kể trong Thuốc mê, nhất là với người đọc ngày nay. Đó là câu chuyện về một tập tục ở một ngôi làng Bắc bộ, ở đó hằng năm làng chọn ra một người con gái mang theo thuốc mê và thuốc độc đi sang làng khác quyến rũ đàn ông rồi giết anh ta, và chỉ được trở về làng khi còn trinh tiết. Truyện được viết gọn, sắc. Mạch truyện nhanh, giàu kịch tính. Đọc Thuốc mê vào đầu thế kỷ hai mươi mốt là để hiểu hơn một chút về một mảng làng quê đầu thế kỷ hai mươi và để tìm những kết nối mong manh giữa hiện tại và quá khứ.

Không ai qua sông, tập truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư

Văn chương thế giới không thiếu những nhà văn chuyên chú khai thác một vùng đất lặp đi lặp lại trong các tác phẩm của mình. Nguyễn Ngọc Tư cũng thế. Hầu hết tác phẩm của chị xoay quanh cảnh và người miền Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, chị luôn sở hữu năng lực làm người đọc ngạc nhiên, cả khi người đọc ngỡ đâu không còn gì mới lạ trong truyện ngắn của chị. Đọc Không ai qua sông, rất dễ nhói tim vì những chuyện ất ơ của đời sống miệt quê. Đó có thể là chuyện một cậu trai đâm chết thằng bạn thân chẳng vì lý do gì (“Giữa mùa Chán Chết”), chuyện một cậu trai khác mắc kẹt trong một vùng đất “yên ả” đến tẻ nhạt (“Tiều tuỵ vòng quanh”), hay chuyện một cậu trai khác nữa mắc kẹt lưng chừng trời trong một vụ tình ái vụng trộm. Không ai qua sông còn là tập truyện của những hụt hẫng mà ở đó vợ chồng hay tình nhân chia tay nhau vì những nguyên nhân người ngoài tưởng nhỏ như con kiến mà người trong cuộc thấy to bằng con voi (“Vực không đáy”, “Dây diều”). Truyện dài nhất tập mang cái tên đầy tham vọng là “Đất”. Ở câu chuyện trải qua bốn thế hệ, dữ dội không kém Cánh đồng bất tận này, không thể không phục tác giả tài gói ghém chi tiết, dàn dựng nút thắt nút mở.  Tuy nhiên, vì dụng công nhiều quá, nên “Đất” có thể không gây “ép phê” bằng Cánh đồng bất tận

Hồ, Kawabata Yasunari, Uyên Thiểm dịch
     
Ám ảnh về cái đẹp là chủ đề thường gặp trong tác phẩm của Kawabata, nhà văn Nhật, chủ nhân giải Nobel Văn chương 1968. Hồ lần đầu tiên được dịch ra ra tiếng Việt, và là một trong hiếm hoi tiểu thuyết của ông được dịch trực tiếp từ nguyên ngữ. Hồ là câu chuyện về Gimpei, người đàn ông kỳ quái bị ảm ánh bởi vẻ đẹp của các cô gái, đồng thời lại mang trong người mặc cảm về cái xấu. Ám ảnh làm cho anh ta trở nên kỳ quái, thậm chí bệnh hoạn, nhưng tận cùng trong anh ta là một tâm hồn cô đơn và dễ bị tổn thương. Có lẽ phần nào Gimpei cũng là hình ảnh nước Nhật thời hậu chiến. Văn của Kawabata bảng lảng như mặt hồ đầy sương khói, mang vẻ khó nắm bắt đặc trưng. Không thể không nói thêm rằng, ấn bản Việt ngữ này có bìa thật hợp.

Quấn-Quít, Émile Ajar (Romain Gary), Hồ Thanh Vân dịch

Một đô thị mười triệu người trong đó bao nhiêu người cô độc? Bao nhiêu người bất lực khi thiết lập mối giao tiếp với người khác? Bao nhiêu người không thể chia sẻ buồn vui với con người, và thay vào đó, chia sẻ với một con trăn? Và bao nhiêu người sẽ hóa thành trăn theo một cách nào đó?  Quấn-Quít , cũng là tên con trăn mà nhân vật chính nuôi làm bạn tâm giao, là cuốn tiểu thuyết viết về sự cô độc kỳ lạ bậc nhất, với ngôn ngữ kỳ lạ bậc nhất (có thể cảm nhận điều này qua bản dịch tiếng Việt của Hồ Thanh Vân). Émile Ajar là bút danh khác của Romain Gary, tác giả của những tác phẩm xuất sắc khác đã được dịch ra tiếng Việt như Lời hứa lúc bình minh, Cuộc sống ở trước mặt, Bao người chờ đợi

Friday 25 March 2016

Mấy cuốn mới đọc gần đây

Gần đây tôi đọc mấy cuốn tương đối mỏng, nếu không buồn ngủ thì đọc một hai, tối là xong. Sáng dậy gõ vài dòng vào Goodreads làm bằng chứng. Chép  lại ở đây:

Trần Khánh Dư của Lưu Sơn Minh, Đông A xuất bản

đọc cũng được

nhưng "cũng được" chắc không phải từ tác giả muốn nghe :)

nói chung tác giả nói 8 năm mới viết xong, tôi tin, vì rõ ràng tác giả viết công phu và chăm chút

tuy nhiên, công phu và chăm chút không có nghĩa là tác phẩm đạt được những điều tác giả muốn

tác giả muốn khắc họa một Trần Khánh Dư kiêu bạc và cô độc, nhưng cứ lặp đi lặp lại rằng "ông rất cô độc" không hẳn là cách hay

trận hải chiến Vân Đồn gần cuối sách đáng lý phải là một đỉnh điểm, bùng nổ, cái chết của các vị tướng thân cận lẽ ra phải gây nhiều đau đớn hơn, phải làm cho người đọc bùi ngùi, nuối tiếc hơn. Ở điểm này, Lưu Sơn Minh chưa bằng được thầy mình - Hà Ân.

dù sao, tôi vẫn trân trọng nỗ lực của nhà văn và luôn muốn đọc/xem những tác phẩm khai thác đề tài sử Việt


Hồi phục của Phan Hồn Nhiên, Trẻ xuất bản

Rất tệ, một thất vọng lớn so với Ngựa thép của chính Phan Hồn Nhiên ra cách đây hai năm. Ngựa thép đã có dấu hiệu văn hơi Tây, nhưng hãy còn ở trong chừng mực mang đến cho câu văn chút lạ lẫm nhất định, và nói chung thì giọng văn ấy hài hòa với câu chuyện. Còn trong tập này, PHN viết văn như người nước ngoài viết tiếng Việt, hay như dịch từ tiếng nước ngoài ra, mà là một bản dịch rất vụng nữa. Chẳng những PHN dùng cấu trúc dịch từ tiếng nước ngoài, mà cả từ vựng. Người Việt nào sẽ nói "trả từng phần" thay cho "trả góp", hay đặt câu kiểu "cảm xúc được thiết lập bởi...." Hằng hà sa số câu cú và từ dùng ngô nghê như thế trong Hồi phục. Vì văn quá tệ, mọi thứ khác trở nên không còn quan trọng.

Cũng nói thêm, cuốn này đầy lỗi biên tập. Chẳng hạn, trong cùng một trang, lúc thì dùng  "va-li", lúc thì dùng "valise".


Sương mù tháng Giêng của Uông Triều, Trẻ xuất bản

Bối cảnh của Sương mù tháng Giêng chủ yếu trải từ kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai sang kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba của nhà Trần. Thời kỳ này, nếu chỉ đọc chính sử, ta cũng biết có rất nhiều sự kiện diễn ra; quan trọng hơn, có nhiều "chuyện" để nhà văn tưởng tượng, thêm thắt vào, để thành tiểu thuyết, ví dụ chuyện vua Trần gả An Tư cho Thoát Hoan, chuyện Trần Ích Tắc phản bội, chuyện Trần Bình Trọng hy sinh, chuyện Trần Quốc Toản dấy quân, mối bất hòa giữa Trần Quang Khải và Trần Hưng Đạo, chuyện Trần Khánh Dư tòm tem công chúa Thiên Thụy .v.v..

Uông Triều chọn cách gom gần hết những chuyện trên đây vào Sương mù tháng Giêng, thay vì chỉ khai thác sâu một trong những sử liệu trên. Làm vậy cũng được, nhưng nếu vậy, người đọc trông đợi một cuốn tiểu thuyết bề thế, đầy đặn hơn. Đằng này, rất nhiều chương trong Sương mù tháng Giêng chẳng khác gì những bài đọc lịch sử trong sách giáo khoa lớp 5. Sự sáng tạo của nhà văn là hạn chế.

Vậy nhà văn có sáng tạo không? Có, nhưng rất tiếc, những chỗ ấy thường mang màu sắc cải lương, gượng gạo, sến, non yếu. Những đoạn độc thoại nội tâm của Trần Khánh Dư, Trần Nhân Tông, Trần Ích Tắc thậm chí của Hốt Tất Liệt và Thoát Hoan đều được viết na ná nhau. Quay qua quay lại đều có những câu cảm thán như "ta là ai" "nó là ai mới được chứ". Đoạn đối thoại giữa An Tư và Thoát Hoan thì quá sức cải lương, tầm thường đến mức buồn cười. Ngoài ra, việc nhà văn trộn lẫn giữa phong cách người kể chuyện toàn năng và độc thoại nội tâm là không đạt, gây đứt gãy trong mạch kể, khiến các độc thoại nội tâm đều có vẻ giả tạo.

Tôi rất tiếc không tìm ra được điểm sáng trong cuốn tiểu thuyết này, mặc dù rất quý tác giả!

PS. Giá bìa cao phi lý, 112.000 đồng.



Không ai qua sông của Nguyễn Ngọc Tư, Trẻ xuất bản

 3.5 sao, làm tròn thành 4.

Nếu như cầu thủ bóng đá có người chỉ thiên khiếu mà thành tài, có người vừa có khiếu vừa chuyên cần học hỏi luyện tập, thì Nguyễn Ngọc Tư thuộc loại thứ hai. Tư vừa có khiếu, vừa rất chăm học :) Càng về sau, kỹ thuật viết truyện của chị càng cao cường. Kỹ thuật cao không luôn đồng nghĩa có truyện hay, tuy nhiên, cái nào ra cái đó, thấy kỹ thuật cao thì khen kỹ thuật.

Tiêu biểu cho lối viết thiên về kỹ thuật là truyện Đất, truyện dài nhất ở cuối tập. Ở câu chuyện trải qua 4 thế hệ, dữ dội không kém Cánh đồng bất tận này, không thể không phục tác giả tài gói ghém chi tiết, dàn dựng nút thắt nút mở .v.v.. Tuy nhiên, vì khéo quá, dụng công nhiều quá, nên không ép phê bằng Cánh đồng bất tận.

Những truyện đáng chú ý khác trong tập là Tiều tụy vòng quanh, Vực không đáy và một hai truyện nữa nhất thời không nhớ tên (mới nhớ ra một truyện là Giữa mùa chán chết).

Tập truyện này với người khác có thể kể là một thành tựu, nhưng với Tư thì chưa vượt lên chính mình. Tuy nhiên, sự chuyên nghiệp của chị là điều đáng trân trọng.


PS. Tôi sẽ thích hơn nếu tên truyện được rút lại, ví dụ Vực thay vì Vực không đáy, Tiều tụy thay vì Tiều tụy vòng quanh, Chán thay vì Giữa mùa chán chết; còn Không ai qua sông thì có thể rút thành Không! :)


 

Wednesday 24 February 2016

Ăn Tết xong rồi

Hôm nay có bạn nhắn tin hỏi về cuốn Cánh cửa, mới sực nhớ ra mình ăn Tết xong rồi, có phần hơi kỹ quá. Mọi năm Tết là thời gian tôi đọc nhiều hơn, vì rảnh. Tết năm nay mắt kém đi nên đọc ít, bù lại xem phim nhiều đi chơi nhiều. Dẫu vậy tự thấy mình cũng nên nhắc qua mấy cuốn đọc gần đây, trước và sau Tết.


  • 451 độ F của Ray Bradbury: Tiểu thuyết kinh điển của dòng dystopian hay được dịch là phản địa đàng, thường được xếp đâu đó cùng 1984 của G.Orwell (một bản underground tiếng Việt cuốn này sắp xuất hiện) và A Brave New World của Huxley. Hai cuốn sau tôi đã có bản tiếng Anh riêng 451 độ F thì chưa có nên chỉ đọc tiếng Việt. Nếu vượt qua được ngôn ngữ của bản dịch vốn, thành thật mà nói, khô và tẻ, thì có cơ hội gặt hái được rất nhiều. Tính chất phi thời gian của cuốn sách nằm ở chỗ khi chúng ta ngỡ như càng ngày càng sống trong một thời đại văn minh hơn thì vấn đề của cuốn sách càng sát sườn với chúng ta.

  • Frankenstein của Mary Shelley: Một cuốn tiểu thuyết khác cũng được coi là cổ điển của văn chương Anh mà giờ tôi mới đọc. Rất thú. Cuốn sách có kiểu dẫn dắt lan man của văn chương ngày xưa hóa ra lại đặt ra những vấn đề rất lớn  về đạo đức và triết học. Nhưng phát hiện lớn nhất của tôi đó là Frankenstein hóa ra không phải tên một con quỷ mà là tên người sáng tạo ra nó. Ôi, Holywood đã làm chi đời tôi?
  •  Zoo: Tập truyện ngắn rất chi kinh dị của tác giả Nhật Bản Otsuichi. Nói chung tôi đã đọc được rất nhiều thứ đen tối quái dị của các nhà văn Nhật, nhưng cũng hiếm có cuốn nào đen tối đến mức như tập này. Hai truyện hay nhất tập là SO far  (SO là viết tắt của Significant Others) và Thơ của ánh dương. 
  • Nỗi đau của chàng Werther: Si tình đến thế thì thôi/ Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi :)
  Nói thế thôi, chứ gần đây tôi thấy thú nhất là Mỹ nhân ngư có em Lâm Doãn đẹp thần tiên!

Monday 25 January 2016

Danh sách đọc dành cho bạn 9-10 tuổi

Danh sách này do mẹ sắp nhỏ tổng hợp từ sách của hai bạn nhỏ ở nhà. Chưa phải là đầy đủ, nhưng cơ bản là những cuốn hai bạn đã đọc và thích.
 

--------

"Nhiều độc giả từng hỏi những câu chuyện của E.B. White có thật không. Trong một lá thư gửi người hâm mộ, ông trả lời rằng: "Không, chúng là những chuyện hư cấu...Nhưng cuộc đời thực chỉ là một dạng cuộc đời, vẫn còn đó những cuộc đời trong thế giới hư cấu."

Không biết các bạn nhỏ đọc sách sẽ mơ mộng đến mức nào? Mẹ cháu mơ mộng tưởng tượng giỏi nhất là ở tuổi này đấy. 

Còn đây là các tựa sách:
1. Bộ Harry Potter (7 cuốn) (J.K. Rowling, NXB Trẻ)
2. Không gia đình (Hector Malot, NXB Kim Đồng)
3. Cánh buồm đỏ thắm (Aleksandre Grin, NXB Văn Học)
4. Phù thủy xứ Oz (Lyman Frank Baum, NXB Mỹ Thuật)
5. Chuyện hoa chuyện quả (Phạm Hổ, NXB Kim Đồng)
6. Ông già Khottabych (Lazar Laghin, NXB Hội Nhà Văn + Nhã Nam)
7. Chuyến phiêu lưu kỳ diệu của Eward Tulane (Kate DiCamillo, NXB Mỹ Thuật + Nhã Nam)
8. Đảo giấu vàng (Robert Louis Stevenson, NXB Trẻ)
9. Khu vườn bí mật (France Hodgon Burnett, NXB Văn Học + Nhã Nam)
10. Alice ở xứ sở diệu kỳ (Lewis Carroll, NXB Văn Học + Đông A)
11. Lớn lên trên đảo vắng (Johann David Wyss, NXB Văn Học + Đông A)
12. Cuộc phiêu lưu kỳ lạ của Karik và Valia (Yan Larri, NXB Văn Học + Đông A)
13. Con Bim trắng tai đen (G.Troieponxki, NXB Văn Học + Đông A)
14. Cuộc phiêu lưu của mũi tên xanh (Gianni Rodari, NXB Kim Đồng)
15. Bộ Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên (NXB Kim Đồng)
16. Chuyện Despereaux (Kate DiCamillo, NXB Hội Nhà Văn + Nhã Nam)
17. Chuyện phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn (Nhicolai Nôxốp, NXB Văn Học)
18. Mít Đặc trên cung trăng (Nhicolai Nôxốp, NXB Văn Học)
19. Bộ Biên niên sử Narnia (7 cuốn) (C.S. Lewis, NXB Kim Đồng)
20. Chuyện nhỏ trong thế giới lớn (E.H. Combrich, NXB Tri Thức)
21. Hoàng tử Bé (Antoine De Saint-Exupéry, NXB Hội Nhà Văn + Nhã Nam)
22. Tìm mẹ (Nguyễn Huy Tưởng, NXB Kim Đồng)
23. Hoàng tử nhỏ và chú bé nghèo khổ (Mark Twain, NXB Kim Đồng)
24. Toto-chan bên cửa sổ (Kuroyanagi Tetsuko, NXB Văn Học + Nhã Nam)
25. Đất rừng phương Nam (Đoàn Giỏi, NXB Kim Đồng)
26. Bộ Chuyện Rừng (5 cuốn khổ lớn, 3 cuốn khổ bình thường) (Tony Wolf, NXB Dân Trí + Đông A) .
27. Chiếc chìa khóa vàng hay truyện ly kỳ của Bu-ra-ti-nô (A.Tolstoy); hoặc
28. Những cuộc phiêu lưu của Pinocchio (Carlo Collodi, NXB Hội Nhà Văn + Nhã Nam)
29. Robinson Crusoe (Daniel Defoe, NXB Văn Học + Đông Á)
30. Thần thoại Hy Lạp (NXB Văn Học)
31. Bài ca mừng giáng sinh (Charles Dickens, NXB Hồng Đức + Nhã Nam)
32. Chuyện con mèo dạy hải âu bay (Luis Sepúlveda, NXB Hội Nhà Văn + Nhã Nam)
33. Gulliver du ký (Jonathan Swift, NXB Văn Học + Đông A)
34. Bác Phi-ô-đo, Con chó và Con mèo (Edward Uspenski, NXB Hội Nhà Văn + Nhã Nam)
35. Nhóc Nicolas, Quả bóng và những chuyện chưa kể khác (Gosinny Sempé, NXB Hội Nhà Văn + Nhã Nam)
36. Con voi của nhà ảo thuật (Kate DiCamillo, NXB Văn Học + Nhã Nam)
37. Những lá thư mèo (Helen Hunt Jackson, NXB Văn Học)
38. Nhắt Stuart (E.B. White, NXB Văn Học + Nhã Nam)
39. Bà nội Găngxtơ (David Walliams, NXB Hội Nhà Văn + Nhã Nam)
40. Trên sa mạc và trong rừng thẳm (Henryk Sienkiewicz, NXB Văn Học)
41. Chiếc hộp giáng sinh (Richard Paul Evans, NXB Văn Học + Nhã Nam)
42. Chiếc mũ của phù thủy (Tove Janson, NXB Kim Đồng)
43. Tên cướp mũi to (Otfried Preussler, NXB Kim Đồng)
44. Ngài bá tước bọ chó (Clemens Brentano, NXB Kim Đồng)
45. Bột xì hơi của tiến sĩ Proctor (2 cuốn) (Jo Nesbø, NXB Trẻ)
46. Dế mèn phiêu lưu ký (Tô Hoài, NXB Kim Đồng)
47. Trạm thu phí quái lạ (Norton Juster, NXB Hội Nhà Văn + Nhã Nam)
48. Thầy phù thủy trong thành phố (Iuritômin, NXB Đà Nẵng)
59. Chuyện rừng xanh (Rudyard Kipling, NXB Hội Nhà Văn + Nhã Nam)
50. Công chúa nhỏ (Frances Hodson Burnett, NXB Hội Nhà Văn + Nhã Nam)
51. Tobie Lolness - Ngàn cân treo sợi tóc (Timothée De Fombelle, NXB Văn Học + Nhã Nam)


SÁCH THAM KHẢO

52. Dokéo: Bách khoa toàn thư thế hệ mới (NXB Kim Đồng)
53. Mười vạn câu hỏi vì sao (NXB Dân Trí + Đông A)
54. Lịch sử bách khoa bằng hình về vạn vật trên trái đất (NXB Dân Trí + Đông A)
55. Bách Khoa Thư Thiếu Niên KingFisher (NXB Dân Trí + Nhã Nam)
56. Cẩm nang con trai (Violeta Babic, NXB Trẻ); hoặc
57. Cẩm nang con gái (-nt-)

Chú thích: số 56 & 57 thích hợp cho lứa tuổi 9-18, để các bạn tìm hiểu những vấn đề ba/mẹ khó nói, khó giải thích.

Saturday 16 January 2016

Mặt trời mù - giữa thú và người

Nếu như Skin (Thượng đế đã chết trong thành phố, Nguyễn Quốc Trụ dịch) hay Kaputt lập tức quyến rũ tôi bằng sự mỉa mai, sắc sảo ngay từ những trang đầu, thì Mặt trời mù (Curzio Malaparte, Bửu Ý dịch, Nhã Nam và NXB Văn học ấn hành) không như thế. Mặt trời mù khá là...tù mù. Cứ như nó bị chính lớp sương mù trên ngọn Bạch Sơn bao phủ. Vì thế, tôi thấy phần "Khai từ cần thiết" của tác giả quả đúng là cần thiết. Tôi chép lại vài đoạn quan trọng:

"Từ nay ta cẩn phải nói, không phải nể nang người sống làm gì rằng chẳng có một cái gì ở châu Âu xứng đáng để ta phải chết. Cũng chẳng đáng phải chết để chứng tỏ rằng chết là vô ích, rằng cái chết chẳng dùng vào việc gì, chẳng giải cứu được gì, rằng thắng trận có lẽ còn vô đạo đức hơn bại trận; mà cũng chẳng cần chết mới chứng tỏ rằng đứa chết xứng đáng hơn đứa sống. (Vâng, nghiễm nhiên sự thắng trận là một điều nhục nhã. Ở châu Âu, còn gì cho chúng ta đâu, ngoại trừ niềm an ủi đến với chúng ta từ đạo Ki-tô.)"

"...Một trận giặc vô vọng, dưới Mặt trời lãnh đạm, trơ ra, đui mù trước bao nỗi thống khổ của con người. Xin mặt trời soi sáng hành động con người: ta không thể đòi hỏi Mặt trời khổ luỵ theo ta, động lòng vì những nỗi khổ  của ta. Ta không thể đòi hỏi Mặt trời từ tâm, công chính, xót thương. Mặt trời mù."

Khi vượt qua được lớp sương mù trên ngọn Bạch Sơn, tôi thấy mình yêu cuốn sách này không kém gì hai tác phẩm kia của Malaparte. Tôi thích những đoạn viết về thú nói chung và lừa, bò, chó, ngựa nói riêng. Những con vật ấy xâu lại với nhau thành sợi chỉ đỏ, chỉ hồng, chỉ xanh, chỉ đen giúp tôi lần theo những bước chân của viên đại uý, cửa cậu sơn binh Calusia với tiếng lục lạc âm trầm của cậu, không khiến tôi lạc lối trong lớp sương mù chưa lúc nào thôi dày đặc dưới mặt trời mù.

Trong Kaputt, các con vật đóng vai trò cực kỳ quan trọng thì đã hẳn. Tôi lười giở lại sách ra xem, nhưng nhớ không nhầm thì sách chia thành sáu phần, mỗi phần mang tên một con vật: ngựa, chó, chuột, rồi mấy con nữa. Tôi nhớ (thật ra đọc cảnh này rồi thì không thể nào quên, nó đóng đinh vào óc) bầy ngựa chiến đóng băng trên mặt hồ mùa đông. Nhớ lũ chuột chui ra chui vào chân tường một khu ghetto.

Trong Mặt trời mù  củng có thú. Hơn một lần, Malaparte nhắc đến màn đêm như một con thú rình rập con người. Đêm cũng mang lại cho con người cảm giác còn sống, còn sống "trong lòng con thú vĩ đại, nóng hổi." Và khi viên đại uý thì nói với cha Plassier rằng mình chẳng phải là người mà là thú, thì cha Plassier đáp rằng tất cả đều là tạo vật của Chúa. Giữa thú và người là sự bình đẳng. Phải vậy chăng, hay người còn kém thú?

Dưới lớp sương mù trên ngọn Bạch Sơn, là những bước chân hành quân của quân Ý dưới làn đạn pháo của quân Pháp, Dưới lớp sương mù trên ngọn Bạch Sơn, là bước chân lan man của viên đại uý, là tiếng lục lạc bò thấp thoáng ẩn hiện của cậu sơn binh Calusia. Giữa hai nhân vật ấy, có mối dây liên hệ thông qua những con thú (tiếng lục lạc của những con bò đã được đưa đến lò sát sinh, treo trên cổ Calusia). Cả hai cũng có những mối liên hệ riêng rẽ với những con vật. Calusia đeo lục lạc bò trên cổ. Cậu ta có thể trần truồng giữa bầy bò, tự nhiên như thể cậu ta là một thành viên của bầy bò ấy. Calusia cũng là người lao ra dưới trận mưa trái phá để vỗ về một con lừa đang hấp hối. 

Trong cuộc hành quân trên ngọn Bạch Sơn, viên đại uý bị thu hút, luôn dõi theo tiếng lục lạc trên cổ Calusia. Một chi tiết trong hồi ức của viên đại uý hé lộ cho ta biết nguồn gốc sâu xa về mối liên hệ giữa viên đại uý và tiếng lạc: thuở nhỏ, một thằng bé bị rớt xuống hố băng, bạn bè bỏ chạy, chỉ một con chó ngoạm tay cố lôi thằng bé lên. Con chó có lạc đeo ở cổ. Hành động của thằng bé đối với con chó ngay sau khi nó được cứu có thể giải thích bằng cơn hoảng loạn của nó (hay là ngầm chỉ về sự vô ơn của con người?), nhưng dù gì đi nữa, hành động ấy trở thảnh nỗi nhục nhã di căn mà viên đại uý mang theo.

Trước khi phát điên, viên đại uý đã nói những lời minh triết: "Tôi nghĩ bọn vật khá hơn mình nhiều. Chúng nó là những sinh vật thuần khiết, vô tư...Cái làm hỏng con người, cái làm cho con người trở nên dữ tợn, hèn nhát, ích kỷ chính là ý thức về cái chết. Loài vật chúng nó chỉ có cái bản năng sinh tồn, có thể là một linh cảm xa xôi nào đó. Nhưng loài vật không ý thức cái chết. Chúng nó biết chúng nó có thể chết, chứ không biết chúng nó phải chết."

Tuesday 5 January 2016

The Sympathizer của Viet Thanh Nguyen

The Sympathizer là tiểu thuyết đầu tay của tác giả Việt Kiều Viet Thanh Nguyen. Cuốn sách nhận được khá nhiều lời khen ngợi từ các nhà điểm sách trên báo Mỹ. 

Trước khi đọc cuốn này, tôi nghe nói đâu đó rằng nếu như Nỗi buồn chiến tranh là góc nhìn chiến tranh của một người miền Bắc Việt Nam thì The Sympathizer là góc nhìn về chiến tranh Việt Nam từ góc độ một người miền Nam. Đọc rồi thì thấy không hẳn như vậy.

Cuốn tiểu thuyết bắt đầu từ những ngày cuối tháng 4 năm 75, khi Sài Gòn sụp đổ và người Mỹ đang tháo chạy. Nhân vật xưng tôi, người kể chuyện, là một điệp viên Cộng sản cài trong bộ máy cảnh sát của chế độ Sài Gòn với vai trò trợ lý cho một viên tướng cảnh sát. Anh này được lệnh của cấp trên cùng thoát sang Mỹ để tiếp tục báo cáo tin tức về hoạt động chống phá cách mạng từ Mỹ của viên tướng kia cũng như của người Việt ở nước ngoài. Viên tướng rồi sẽ tổ chức được một lực lượng vũ trang nhỏ đưa về Thái Lan, dự định xâm nhập biên giới Việt Nam từ đó. Anh điệp viên, vì lý do muốn bảo vệ người bạn của mình, một chuyên gia ám sát do CIA đào tạo, đã chống lệnh cấp trên  mà cùng về trong chuyến đi này. Những gì đón chờ anh và đồng đội tại Việt Nam không quá khó để đoán ra. 

Phần lớn cuốn sách là lời thú tội của anh viết trong trại giam. Vài chương cuối thuật lại những gì xảy ra trong trại giam, những găp gỡ bất ngờ, và khoảnh khắc anh nhận ra, among others, cái gì quý giá hơn độc lập tự do. Chúng ta đều biết đó là cái gì!

Cuốn sách không hẳn là góc nhìn về chiến tranh. Cuốn sách là góc nhìn vào chính mình của một người vừa thuộc về hai nơi chốn vừa chơi vơi không thuộc về nơi nào. Không thuộc về bên này cũng không thuộc về bên kia. Không thuộc về Mỹ cũng chẳng thuộc về Việt Nam. Thậm chí, để cho chủ đề không thuộc về đâu thêm trọn vẹn, tác giả còn cho nhân vật của mình là một đứa con lai nửa Việt nửa Pháp. Số phận của anh ta vì thế định mệnh là một số phận bi kịch.


Trừ vài chỗ hơi trầm trọng, thì The Sympathizer là một cuốn sách well-written, viết rất có nghề. Đoạn tả cảnh tháo chạy ở sân bay Tân Sơn Nhất hồi hộp như xi nê hành động Hollywood. Đoạn tả cảnh tra tấn trong trại giam thì giống như phim Hitchcock:). Nhiều đoạn viết về văn hoá Mỹ và văn hoá Việt Nam đích đáng. Chẳng hạn, viết về người Mỹ, thông qua phát ngôn của một Việt Cộng:"Americans are a confused people because they can't admit this contradiction. They believe in a universe of divine justice where the human race is guilty of sin, but they also believe in a secular justice where human beings are presumed innocent. You can't have both...They pretend they are eternally innocent no matter how many times they lose their innocence." (Người Mỹ là một dân tộc hoang mang/rối rắm bởi lẽ họ không thừa nhận mâu thuẫn này. Họ tin vào một vũ trụ với công lý Chúa trời mà ở đó giống người là có tội, nhưng họ cũng tin vào một thứ công lý thế tục nơi con người được giả định là vô tội. Ngươi không thể có cả hai...Họ vờ mình vĩnh viễn ngây thơ vô tội bất kể họ đánh mất sự ngây thơ vô tội bao nhiêu lần rồi.) Hay đoạn viết về người Việt: "...the government doing its best to steal from the Americans, the average man doing its best to steal from the goverment, the worst of us doing our best to steal from each other." ("...chính quyền cố hết sức để ăn cắp của người Mỹ, dân thường cố hết sức để ăn cắp của chính quyền, còn đám tệ nhất trong chúng ta thì cố hết sức để ăn cắp lẫn nhau.")

Ngoài ra, đoạn tả mực ống trong cuốn sách này rất có thể khiến ta ngờ vực mỗi khi món mực ống được dọn ra trên bàn ăn, rằng liệu có thằng nhóc nào đã chơi ngẵng với con mực trước khi được cho lên chảo không? :)

Monday 4 January 2016

2016: Forward looking

+  Cuối năm ngoái, lúc viết bài Sách của năm 2015, tôi có hỏi vòng quanh một số nhà sách về những cuốn sách nổi bật họ dự định phát hành trong năm tới, rồi tóm tắt thành một đoạn ngắn như sau:

"Gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, những người yêu sách có quyền nhoẻn miệng cười tươi khi biết các nhà sách đang có nhiều hàng độc giấu trong tay áo. Phần lớn sẽ được tung ra trong đợt hội chợ sách tháng 3/2016, nhưng các dịch giả và biên tập viên luôn tỏ ra bận rộn có thể khiến một số cuốn ra mắt muộn hơn. Người yêu văn chương hẳn nóng lòng chờ đợi tập truyện ngắn mới nhất của Nguyễn Ngọc Tư Không ai qua sông (NXB Trẻ), cũng như bản dịch phần tiếp theo của tiểu thuyết kinh điển Giết con chim nhạiGo Set a Watchman – cuốn sách lập kỷ lục về việc được đặt trước khi nó ra đời ở Mỹ hồi năm ngoái. Bản dịch sẽ do Nhã Nam phát hành. Một tiểu thuyết kinh điển khác về chiến tranh thế giới thứ hai là Catch 22 cũng dự kiến có bản dịch trong năm nay (Nhã Nam). Các fan của Suối nguồn sẽ được gặp lại Ayn Rand  trong cuốn tiểu thuyết rất được độc giả Âu Mỹ yêu thích Atlas vươn mình (NXB Trẻ). Nhà văn Áo quan trọng Thomas Bernhard lần đầu tiên sẽ được dịch ra tiếng Việt với hai cuốn Những gã tiều phuKẻ thất bại (tạm dịch theo nhan đề tiếng  Anh WoodcuttersThe Loser, công ty sách Tao Đàn phát hành).  Về sách phi hư cấu, Alphabooks sẽ mang đến các bản dịch Lược sử  vạn vật (A Short History of Neary Everything)  của Bill Bryson và Trật tự thế giới (World Order) của nhà ngoại giao lão luyện Henry Kissinger. Alphabooks cũng trình làng tập đầu tiên trong bộ sách đồ sộ Sự suy tàn và sup đổ của đế chế La Mã (The Decline and Fall of the Roman Empire) của nhà sử học Edward Gibbon. Cuối cùng, các bà mẹ Việt vốn tất bật tìm cách dạy con ắt sẽ có thêm nguồn tham khảo từ bộ sách 4 tập Mẹ các nước dạy con của NXB Kim Đồng."

Hy vọng Atlas vươn mình ra được như kế hoạch. Không phải vì tôi mê gì Ayn Rand, mà vì sách dày như thế, dịch chẳng khác gì khổ sai, mà mãi không in thì cũng ức chứ, dịch giả nhỉ?

+ Vài nghị quyết cá nhân cho 2016:

  • Học tiếng Đức qua Duolingo, mỗi ngày 10 phút: tôi đã bắt đầu được 2 tuần, sẽ quyết duy trì suốt năm;
  • Viết Việc từng ngày cho Alpha và Pi: Quà Noel Alpha tặng ba là một cuốn sổ nhỏ và một cây bút. Sẽ dùng sổ và bút vào việc này.
  • Viết tay nhiều hơn máy tính (bài Sách 2015 viết theo cách này rồi đánh máy lại): Mục đích chính là giảm thời gian dùng máy tính. Ngoài ra tôi cũng có cảm giác viết dễ dàng hơn.
  • Tập thể dục sáng và tối mỗi ngày: Thể dục sáng đã duy trì hơn 2 năm qua, còn buổi tối thì đã được 1 tháng. Chỉ cần tiếp tục như thế.

Friday 1 January 2016

Một năm đọc sách: 10 cuốn sách của năm 2015

Một năm qua đi, sách vở còn lại gì? Phải chăng là những huyên náo từ vài vụ tố cáo đạo văn, những ầm ĩ không đáng có về bản dịch một bài thơ cổ, hay cuộc tranh cãi có phần vô duyên về một cái bìa sách? Rất may, đối với người đọc sách, cái còn lại sau một năm là…những quyển sách. Trong bài viết này, người viết nhìn lại một năm đọc sách của mình, và chọn ra 10 cuốn sách đáng đọc nhất trong năm. Lựa chọn này giới hạn trong những cuốn sách xuất hiện lần đầu trên thị trường sách Việt Nam từ cuối 2014 cho đến hết 2015. Tất nhiên, lựa chọn của người viết mang tính chủ quan, bởi lẽ, có sự lựa chọn nào mà không chủ quan?

Cánh cửa (Szabó Magda, Giáp Văn Chung dịch, Nhã Nam & NXB Văn học)

Szabó Magda là nhà văn hàng đầu Hungary, tác giả nhiều vở kịch, tiểu thuyết, tiểu luận. Cánh cửa chỉ mới là tác phẩm đầu tiên của bà được dịch ra tiếng Việt. Cuốn sách kể về mối quan hệ lạ lùng giữa một nhà văn nữ - hiện thân của chính tác giả, và Emerenc, người giúp việc nhà. Tuy nhiên, Emerenc không phải là một người giúp việc bình thường. Đó là một bà già lập dị, mạnh mẽ cả về thể xác lẫn tinh thần, làm việc chuyên cần, đồng thời có những sức mạnh tinh thần gần như siêu nhiên. Emerenc chắc chắn là một trong những nhân vật giàu cá tính nhất trong lịch sử văn chương. Trên nền mối quan hệ giữa hai người đàn bà này, và trong khi những bi kịch cá nhân của Emerenc dần được hé lộ, Szabó Magda khéo léo phác thảo lịch sử Hungary từ hai cuộc thế chiến đến thời kỳ Stalinist cũng như tình hình chính trị đất nước. Đây là cuốn sách có vẻ ngoài dường như buồn tẻ nhưng thực chất là một kiệt tác. Cánh cửa cũng được chọn là một trong 10 cuốn sách hay nhất năm theo tờ The New York Times.

Những quy luật về sự tiến hóa của các dân tộc (Gustave le Bon, Nguyễn Tiến Văn dịch, Alphabooks & NXB Thế giới)

Đây là cuốn sách thứ ba của Gustave le Bon, nhà tâm lý xã hội, nhà nhân chủng học người Pháp, được dịch ra tiếng Việt sau Tâm lý học đám đôngCách mạng Pháp và tâm lý học của các cuộc cách mạng. Tác phẩm của ông luôn đưa ra những kiến giải đặc sắc về tâm lý nhóm, cộng đồng hay chủng tộc. Quan điểm của ông thường gây tranh cãi, thậm chí bị coi là cực đoan. Trong cuốn sách này, luận điểm chính của ông là mỗi chủng tộc có những đặc điểm tâm lý nhất định mà ông gọi là tâm hồn của chủng tộc. Tâm hồn ấy được hình thành từ một quá trình lâu dài trong lịch sử, không chỉ tổng hợp đặc điểm tinh thần những người đang sống mà trên hết là tích lũy phẩm chất của tổ tiên. Tâm hồn của chủng tộc do vậy mang tính ổn định cao và là yếu tố căn bản quyết định định mệnh của chủng tộc. Ông chứng minh cho luận điểm của mình bằng những ví dụ về hưng và vong của La Mã cổ đại, cách mạng Pháp, bằng cách so sánh Hợp chủng quốc Hoa Kỳ với các nền cộng hòa Nam Mỹ…Có những quan điểm của ông có thể coi là phân biệt chủng tộc mà ngày nay chúng ta khó lòng chấp nhận. Tuy vậy, nhìn chung đây là cuốn sách rất đáng đọc và suy ngẫm, nhất là trong mối liên hệ với chính chủng tộc chúng ta.

Bức xúc không làm ta vô can (Đặng Hoàng Giang, Nhã Nam & NXB Hội nhà văn)

Trong khoảng hai năm gần đây, một loạt bài bình luận các hiện tượng văn hóa, xã hội được viết theo một phong cách vừa nghiêm túc vừa hài hước thường xuyên được chia sẻ trên mạng xã hội, mà mỗi khi được chia sẻ lại gây phân hóa dư luận khá mạnh. Những bài bình luận ấy giờ đây được sắp xếp cùng nhau trong cuốn sách có cái tên sắp trở thành một thành ngữ mới: Bức xúc không làm ta vô can. Đã lâu rồi, chúng ta mới có một nhà bình luận xã hội sắc sảo mà không chua ngoa, thông tuệ nhưng không kém hài hước như Đặng Hoàng Giang. Những vấn đề Đặng Hoàng Giang đề cập, có thể người khác cũng nhìn thấy, chẳng hạn chuyện ngôi sao làm từ thiện câu “like”, hay chuyện xã hội đắm chìm trong các chương trình truyền hình thực tế, nhưng Đặng Hoàng Giang có khả năng phân tích các hiện tượng như thế rành mạch, dí dỏm, và đáng quý hơn, gợi ý những ứng xử phù hợp hơn. Các bài viết của anh do đó mang một phong vị tích cực. Cuốn sách chủ yếu bàn tới các vấn đề thời sự, nhưng giá trị của nó nằm ở hơn một lần đọc.

Cuộc đời yêu dấu (Alice Munro, Nguyễn Đức Tùng dịch, NXB Trẻ)

Sau Trốn chạy, Alice Munro đến với độc giả Việt Nam qua tập truyện ngắn mới nhất và cuối cùng (bà đã tuyên bố ngừng viết), Cuộc đời yêu dấu. Vẫn là một Munro ta từng biết: văn phong giản dị, những con người bình thường và những sự vật bình thường. Vẫn luôn có rất ít chuyện xảy ra trong truyện của Munro. Các biến cố, nếu có, đều được kể thoáng qua, khiến người đọc lơ đãng có thể mất dấu những chi tiết quan trọng. Munro có biệt tài xử lý thời gian. Truyện của bà thường diễn ra trong một thời gian rất dài, nhưng chỉ bằng một, hai nhát bút, người đọc có thể bị đẩy đi vài chục năm về quá khứ hay tới tương lai. Tương tự, trong cách xử lý nhân vật, ngòi bút bà di chuyển linh hoạt, đưa nhân vật từ hậu cảnh ra trung tâm và ngược lại một cách mượt mà, không cần gắng sức. Đi cùng kỹ thuật viết cao cường, là khả năng khai thác những chiều sâu thăm thẳm, phức tạp của con người. Đặc biệt, Munro cực kỳ thấu hiểu tâm lý phụ nữ, do đó, mô tả chính xác đến rùng mình những trạng thái tâm lý mâu thuẫn của các nhân vật nữ của mình. Những nhận xét trên đây thực ra có thể áp dụng cho bất cứ truyện nào của Munro, nên cũng có thể nói bất cứ tập truyện nào của Munro in ở Việt Nam cũng có thể lọt vào danh sách này.

Đỉnh cao đế quốc và sự hưng vong của Đông Dương thuộc Pháp (Eric T.Jennings, Bùi Thanh Châu & Phạm Viêm Phương dịch, Trần Đức Tài hiệu đính, NXB Hồng Đức)

Đây là cuốn khảo cứu do Ban tu thư của Đại học Hoa Sen giới thiệu và tổ chức ấn hành. Tác giả, Eric T.Jennings, là giáo sư sử học chuyên ngành thực dân người Canada. Bằng phương pháp nghiên cứu của một giáo sư đại học và nhờ vào nguồn tư liệu dày công thu thập từ nhiều quốc gia, ông đã hoàn thành một công trình khảo cứu tỉ mỉ bậc nhất về Đà Lạt, địa điểm ban đầu được chọn làm nơi nghỉ dưỡng cho người Pháp của Đông Dương, nhưng về sau đóng một vai trò quan trọng hơn về quân sự và hành chính. Ngoài những thông tin quý giá, cuốn sách còn mang đến những câu chuyện hấp dẫn không kém một cuốn tiểu thuyết phiêu lưu, chẳng hạn cuộc chạy đua tìm địa điểm xây dựng trạm nghỉ dưỡng cho người Pháp, chuyện nhà bác học Yersin đã phạm sai lầm thế nào khi đánh giá về khí hậu Đà Lạt, hay những chuyện săn voi săn hổ thời đầu thế kỷ hai mươi.

Xa xăm gõ cửa (Nguyễn Bình Phương, Nhã Nam & NXB Văn học)

Từ lâu, Nguyễn Bình Phương đã xác lập vị trí của một nhà văn hàng đầu của văn học Việt Nam thời hiện tại. Nhưng anh còn là một nhà thơ, một nhà thơ đích thực với các tập thơ ra đời tương đối đều đặn, và quan trọng là có một giọng thơ “chất lừ”. Xa xăm gõ cửa, là một tuyển thơ với những bài thơ chọn từ các tập thơ trước (hiện rất khó tìm) cộng thêm một số bài mới, cho phép độc giả tha hồ thưởng thức thơ Nguyễn Bình Phương. Thơ anh nhiều khi ma mị như tiểu thuyết của anh, nhất là những bài thời kỳ đầu. Những lúc không ma mị, thơ anh mang nhiều chất tự vấn (có lẽ là lý do của khá nhiều dấu chấm hỏi trong các bài thơ trong sách). Lúc nào đi nữa, thơ anh vẫn toát ra một vẻ chân thành, ắt vì anh không quá quan tâm đến hình thức. Xa xăm gõ cửa xứng đáng có mặt trên kệ sách những người yêu thơ, bởi lẽ, trong ấy có rất nhiều …thơ, thứ không phải lúc nào cũng có được khi ta đi mua thơ!

Ca tụng bóng tối (Junichiro Tanizaki, Trịnh Thùy Dương dịch, NXB Tổng hợp TPHCM)

Chiếm một vị trí trong danh sách này là cuốn tản văn mỏng Ca tụng bóng tối của nhà văn Nhật Bản Tanizaki. Lừng lẫy không kém Kawabata, nhưng ở Việt Nam, Tanizaki ít được biết đến hơn. Trước đây, ông chỉ mới có hai tác phẩm được dịch ra tiếng Việt là hai cuốn tiểu thuyết ngắn Chiếc chìa khóaYêu trong bóng tối. Ca tụng bóng tối là tác phẩm Tanizaki viết về không chỉ nghệ thuật sử dụng bóng tối trong kiến trúc và thiết kế Nhật Bản, mà hơn thế, về thẩm mỹ và văn hóa Nhật Bản nói riêng, phương Đông nói chung trong cuộc đụng độ với thẩm mỹ và văn hóa phương Tây. Trong cuộc đụng độ ấy, có những người cho rằng ánh sáng – phương Tây mới là đại diện của cái đẹp, cái văn minh, thể hiện ở đèn điện chói lòa, đồ sứ lấp lánh .v.v; còn Tanizaki thì trìu mến chỉ ra vẻ đẹp của bóng tối – phương Đông như một cân bằng với ánh sáng: vẻ đẹp của bát xúp mi-xô sơn mài đen, sân khấu kịch Nô, cách gia giảm ánh sáng trong các nhà hàng, khách sạn. Điều Tanizaki mong muốn là “giữ lại bằng văn chương cái thế giới bóng tối mà chúng ta đang đánh mất”. Với người đọc Việt Nam, cuốn sách này là một gợi ý thật đẹp về cách giữ gìn những giá trị văn hóa và thẩm mỹ Việt, đặc biệt trong thời đại rối loạn về chuẩn thẩm mỹ hiện nay, khi cái giả tạo, cái kệch cỡm, lai căng đang lan tràn.

Là người Nhật – Lịch sử, Thi ca và Kịch bản học quá trình hình thành chế độ toàn trị (A.N. Mesheriakov, Phạm Nguyên Trường dịch, NXB Tri thức)

Mesheriakov là nhà Nhật Bản học người Nga. Đây là cuốn sách tiếp theo của cuốn Hoàng đế Minh Trị và nước Nhật Bản của ngài (chưa được dịch ra tiếng Việt). Là người Nhật là nghiên cứu về những nét đặc thù của sự hình thành chủ nghĩa toàn trị tại Nhật Bản trong nửa đầu thế kỷ hai mươi, có phân tích những điểm khác biệt với chủ nghĩa toàn trị tại Đức và Liên Xô cùng thời. Tác giả khiêm tốn tự nhận cuốn sách chỉ là những nghiên cứu bước đầu, nhiều vấn đề cần đào sâu thêm. Tuy nhiên, độc giả phổ thông hoàn toàn có thể thoả mãn với những phân tích sâu sắc của tác giả về chủ nghĩa toàn trị Nhật Bản. Đó là một “hiện tượng nội sinh”, tức một thứ chủ nghĩa sinh ra bởi bản chất văn hóa nội tại, tuy không đoạn tuyệt, không phá hoại quá khứ (như chủ nghĩa toàn trị tại Đức và Liên Xô) nhưng không phải không gây ra những hậu quả khủng khiếp đối với các dân tộc khác.

Kiên ngạnh như thủy (Diêm Liên Khoa, Minh Thương dịch, NXB Hội nhà văn và Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây)

So với Mạc Ngôn hay Dư Hoa, Diêm Liên Khoa ít được bạn đọc Việt Nam biết tới hơn, song ông cũng là một tên tuổi lớn của văn học Trung Quốc đương đại. Ông từng đoạt các giải thưởng lớn của Trung Quốc như giải Lỗ Tấn, Lão Xá và quốc tế như giải Văn học Kafka 2014. Kiên ngạnh như thủy là tác phẩm thứ ba của ông được dịch ra tiếng Việt sau Vì nhân dân phục vụPhong nhã tụng. Lấy đề tài cách mạng văn hóa như khá nhiều tiểu thuyết Trung Quốc khác, Kiên ngạnh như thủy tạo ra sự khác biệt nhờ cách kể chuyện từ góc độ người trong cuộc. Người kể chuyện ở đây, nhân vật xưng tôi, là một “hồng vệ binh” hăng hái triển khai cách mạng, chứ không phải nạn nhân của cách mạng văn hoá, một góc kể đã quá phổ biến. Dĩ nhiên, không thể không nhắc tới màu sắc tính dục đậm đặc trong tiểu thuyết, làm nền cho một chất hài hước đen hiếm có. Diêm Liên Khoa là giọng lạ của văn học Trung Quốc đương đại. Bản dịch của Minh Thương từng được trao giải văn học dịch của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2015.

Lan Hữu (Nhượng Tống, Tao Đàn & NXB Văn học)

Quy tắc nào cũng có thể có ngoại lệ. Chín cuốn trên đây đều là những cuốn sách in lần đầu trong giai đoạn từ cuối 2014 đến hết 2015. Riêng Lan Hữu là sách tái bản. Tuy nhiên, khoảng thời gian 75 năm sau khi in lần đầu và 65 năm sau lần tái bản duy nhất, khiến sự trở lại của Lan Hữu trong năm 2015 chẳng khác một cuốn sách hoàn toàn mới. Đọc Lan Hữu, người ta không khỏi ngạc nhiên cho số phận long đong của một cuốn tiểu thuyết đẹp đẽ, vì sao có thể bị bỏ quên trong một thời gian dài như thế. Lan Hữu là câu chuyện tình tay ba thơ mộng tuổi thiếu niên, của một cậu trai mười sáu tuổi bàng hoàng nhận ra mình đem lòng say mê cả hai cô gái Lan và Hữu. Chuyện tình ấy, như muôn vàn chuyện tình thuở đầu đời khác, lẽ dĩ nhiên chẳng đi đến đâu, chỉ có nỗi mộng mơ mà nó gieo vào lòng người đọc là mãi không tan. Để nói gọn về cuốn sách, chẳng gì bằng nhắc lại lời của Beaudelaire mà Lưu Trọng Lư trích trong lời tựa lần xuất bản đầu tiên: “Một giấc mộng nồng nàn dệt xe trên gối kẻ thiếu niên.”


Quân Khuê

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN