Saturday 16 January 2016

Mặt trời mù - giữa thú và người

Nếu như Skin (Thượng đế đã chết trong thành phố, Nguyễn Quốc Trụ dịch) hay Kaputt lập tức quyến rũ tôi bằng sự mỉa mai, sắc sảo ngay từ những trang đầu, thì Mặt trời mù (Curzio Malaparte, Bửu Ý dịch, Nhã Nam và NXB Văn học ấn hành) không như thế. Mặt trời mù khá là...tù mù. Cứ như nó bị chính lớp sương mù trên ngọn Bạch Sơn bao phủ. Vì thế, tôi thấy phần "Khai từ cần thiết" của tác giả quả đúng là cần thiết. Tôi chép lại vài đoạn quan trọng:

"Từ nay ta cẩn phải nói, không phải nể nang người sống làm gì rằng chẳng có một cái gì ở châu Âu xứng đáng để ta phải chết. Cũng chẳng đáng phải chết để chứng tỏ rằng chết là vô ích, rằng cái chết chẳng dùng vào việc gì, chẳng giải cứu được gì, rằng thắng trận có lẽ còn vô đạo đức hơn bại trận; mà cũng chẳng cần chết mới chứng tỏ rằng đứa chết xứng đáng hơn đứa sống. (Vâng, nghiễm nhiên sự thắng trận là một điều nhục nhã. Ở châu Âu, còn gì cho chúng ta đâu, ngoại trừ niềm an ủi đến với chúng ta từ đạo Ki-tô.)"

"...Một trận giặc vô vọng, dưới Mặt trời lãnh đạm, trơ ra, đui mù trước bao nỗi thống khổ của con người. Xin mặt trời soi sáng hành động con người: ta không thể đòi hỏi Mặt trời khổ luỵ theo ta, động lòng vì những nỗi khổ  của ta. Ta không thể đòi hỏi Mặt trời từ tâm, công chính, xót thương. Mặt trời mù."

Khi vượt qua được lớp sương mù trên ngọn Bạch Sơn, tôi thấy mình yêu cuốn sách này không kém gì hai tác phẩm kia của Malaparte. Tôi thích những đoạn viết về thú nói chung và lừa, bò, chó, ngựa nói riêng. Những con vật ấy xâu lại với nhau thành sợi chỉ đỏ, chỉ hồng, chỉ xanh, chỉ đen giúp tôi lần theo những bước chân của viên đại uý, cửa cậu sơn binh Calusia với tiếng lục lạc âm trầm của cậu, không khiến tôi lạc lối trong lớp sương mù chưa lúc nào thôi dày đặc dưới mặt trời mù.

Trong Kaputt, các con vật đóng vai trò cực kỳ quan trọng thì đã hẳn. Tôi lười giở lại sách ra xem, nhưng nhớ không nhầm thì sách chia thành sáu phần, mỗi phần mang tên một con vật: ngựa, chó, chuột, rồi mấy con nữa. Tôi nhớ (thật ra đọc cảnh này rồi thì không thể nào quên, nó đóng đinh vào óc) bầy ngựa chiến đóng băng trên mặt hồ mùa đông. Nhớ lũ chuột chui ra chui vào chân tường một khu ghetto.

Trong Mặt trời mù  củng có thú. Hơn một lần, Malaparte nhắc đến màn đêm như một con thú rình rập con người. Đêm cũng mang lại cho con người cảm giác còn sống, còn sống "trong lòng con thú vĩ đại, nóng hổi." Và khi viên đại uý thì nói với cha Plassier rằng mình chẳng phải là người mà là thú, thì cha Plassier đáp rằng tất cả đều là tạo vật của Chúa. Giữa thú và người là sự bình đẳng. Phải vậy chăng, hay người còn kém thú?

Dưới lớp sương mù trên ngọn Bạch Sơn, là những bước chân hành quân của quân Ý dưới làn đạn pháo của quân Pháp, Dưới lớp sương mù trên ngọn Bạch Sơn, là bước chân lan man của viên đại uý, là tiếng lục lạc bò thấp thoáng ẩn hiện của cậu sơn binh Calusia. Giữa hai nhân vật ấy, có mối dây liên hệ thông qua những con thú (tiếng lục lạc của những con bò đã được đưa đến lò sát sinh, treo trên cổ Calusia). Cả hai cũng có những mối liên hệ riêng rẽ với những con vật. Calusia đeo lục lạc bò trên cổ. Cậu ta có thể trần truồng giữa bầy bò, tự nhiên như thể cậu ta là một thành viên của bầy bò ấy. Calusia cũng là người lao ra dưới trận mưa trái phá để vỗ về một con lừa đang hấp hối. 

Trong cuộc hành quân trên ngọn Bạch Sơn, viên đại uý bị thu hút, luôn dõi theo tiếng lục lạc trên cổ Calusia. Một chi tiết trong hồi ức của viên đại uý hé lộ cho ta biết nguồn gốc sâu xa về mối liên hệ giữa viên đại uý và tiếng lạc: thuở nhỏ, một thằng bé bị rớt xuống hố băng, bạn bè bỏ chạy, chỉ một con chó ngoạm tay cố lôi thằng bé lên. Con chó có lạc đeo ở cổ. Hành động của thằng bé đối với con chó ngay sau khi nó được cứu có thể giải thích bằng cơn hoảng loạn của nó (hay là ngầm chỉ về sự vô ơn của con người?), nhưng dù gì đi nữa, hành động ấy trở thảnh nỗi nhục nhã di căn mà viên đại uý mang theo.

Trước khi phát điên, viên đại uý đã nói những lời minh triết: "Tôi nghĩ bọn vật khá hơn mình nhiều. Chúng nó là những sinh vật thuần khiết, vô tư...Cái làm hỏng con người, cái làm cho con người trở nên dữ tợn, hèn nhát, ích kỷ chính là ý thức về cái chết. Loài vật chúng nó chỉ có cái bản năng sinh tồn, có thể là một linh cảm xa xôi nào đó. Nhưng loài vật không ý thức cái chết. Chúng nó biết chúng nó có thể chết, chứ không biết chúng nó phải chết."

1 comment:

  1. Cuốn này mình đã đọc cách này 1 tháng. Rất hay. Do công việc nên gần đây mình cũng hay đọc về các dịch vụ làm đẹp. Bạn có biết sách nào nói về lĩnh vực này không, đại loại như nhấn mí mắt hàn quốc ở đâu đẹp

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN