Friday 25 March 2016

Mấy cuốn mới đọc gần đây

Gần đây tôi đọc mấy cuốn tương đối mỏng, nếu không buồn ngủ thì đọc một hai, tối là xong. Sáng dậy gõ vài dòng vào Goodreads làm bằng chứng. Chép  lại ở đây:

Trần Khánh Dư của Lưu Sơn Minh, Đông A xuất bản

đọc cũng được

nhưng "cũng được" chắc không phải từ tác giả muốn nghe :)

nói chung tác giả nói 8 năm mới viết xong, tôi tin, vì rõ ràng tác giả viết công phu và chăm chút

tuy nhiên, công phu và chăm chút không có nghĩa là tác phẩm đạt được những điều tác giả muốn

tác giả muốn khắc họa một Trần Khánh Dư kiêu bạc và cô độc, nhưng cứ lặp đi lặp lại rằng "ông rất cô độc" không hẳn là cách hay

trận hải chiến Vân Đồn gần cuối sách đáng lý phải là một đỉnh điểm, bùng nổ, cái chết của các vị tướng thân cận lẽ ra phải gây nhiều đau đớn hơn, phải làm cho người đọc bùi ngùi, nuối tiếc hơn. Ở điểm này, Lưu Sơn Minh chưa bằng được thầy mình - Hà Ân.

dù sao, tôi vẫn trân trọng nỗ lực của nhà văn và luôn muốn đọc/xem những tác phẩm khai thác đề tài sử Việt


Hồi phục của Phan Hồn Nhiên, Trẻ xuất bản

Rất tệ, một thất vọng lớn so với Ngựa thép của chính Phan Hồn Nhiên ra cách đây hai năm. Ngựa thép đã có dấu hiệu văn hơi Tây, nhưng hãy còn ở trong chừng mực mang đến cho câu văn chút lạ lẫm nhất định, và nói chung thì giọng văn ấy hài hòa với câu chuyện. Còn trong tập này, PHN viết văn như người nước ngoài viết tiếng Việt, hay như dịch từ tiếng nước ngoài ra, mà là một bản dịch rất vụng nữa. Chẳng những PHN dùng cấu trúc dịch từ tiếng nước ngoài, mà cả từ vựng. Người Việt nào sẽ nói "trả từng phần" thay cho "trả góp", hay đặt câu kiểu "cảm xúc được thiết lập bởi...." Hằng hà sa số câu cú và từ dùng ngô nghê như thế trong Hồi phục. Vì văn quá tệ, mọi thứ khác trở nên không còn quan trọng.

Cũng nói thêm, cuốn này đầy lỗi biên tập. Chẳng hạn, trong cùng một trang, lúc thì dùng  "va-li", lúc thì dùng "valise".


Sương mù tháng Giêng của Uông Triều, Trẻ xuất bản

Bối cảnh của Sương mù tháng Giêng chủ yếu trải từ kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai sang kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba của nhà Trần. Thời kỳ này, nếu chỉ đọc chính sử, ta cũng biết có rất nhiều sự kiện diễn ra; quan trọng hơn, có nhiều "chuyện" để nhà văn tưởng tượng, thêm thắt vào, để thành tiểu thuyết, ví dụ chuyện vua Trần gả An Tư cho Thoát Hoan, chuyện Trần Ích Tắc phản bội, chuyện Trần Bình Trọng hy sinh, chuyện Trần Quốc Toản dấy quân, mối bất hòa giữa Trần Quang Khải và Trần Hưng Đạo, chuyện Trần Khánh Dư tòm tem công chúa Thiên Thụy .v.v..

Uông Triều chọn cách gom gần hết những chuyện trên đây vào Sương mù tháng Giêng, thay vì chỉ khai thác sâu một trong những sử liệu trên. Làm vậy cũng được, nhưng nếu vậy, người đọc trông đợi một cuốn tiểu thuyết bề thế, đầy đặn hơn. Đằng này, rất nhiều chương trong Sương mù tháng Giêng chẳng khác gì những bài đọc lịch sử trong sách giáo khoa lớp 5. Sự sáng tạo của nhà văn là hạn chế.

Vậy nhà văn có sáng tạo không? Có, nhưng rất tiếc, những chỗ ấy thường mang màu sắc cải lương, gượng gạo, sến, non yếu. Những đoạn độc thoại nội tâm của Trần Khánh Dư, Trần Nhân Tông, Trần Ích Tắc thậm chí của Hốt Tất Liệt và Thoát Hoan đều được viết na ná nhau. Quay qua quay lại đều có những câu cảm thán như "ta là ai" "nó là ai mới được chứ". Đoạn đối thoại giữa An Tư và Thoát Hoan thì quá sức cải lương, tầm thường đến mức buồn cười. Ngoài ra, việc nhà văn trộn lẫn giữa phong cách người kể chuyện toàn năng và độc thoại nội tâm là không đạt, gây đứt gãy trong mạch kể, khiến các độc thoại nội tâm đều có vẻ giả tạo.

Tôi rất tiếc không tìm ra được điểm sáng trong cuốn tiểu thuyết này, mặc dù rất quý tác giả!

PS. Giá bìa cao phi lý, 112.000 đồng.



Không ai qua sông của Nguyễn Ngọc Tư, Trẻ xuất bản

 3.5 sao, làm tròn thành 4.

Nếu như cầu thủ bóng đá có người chỉ thiên khiếu mà thành tài, có người vừa có khiếu vừa chuyên cần học hỏi luyện tập, thì Nguyễn Ngọc Tư thuộc loại thứ hai. Tư vừa có khiếu, vừa rất chăm học :) Càng về sau, kỹ thuật viết truyện của chị càng cao cường. Kỹ thuật cao không luôn đồng nghĩa có truyện hay, tuy nhiên, cái nào ra cái đó, thấy kỹ thuật cao thì khen kỹ thuật.

Tiêu biểu cho lối viết thiên về kỹ thuật là truyện Đất, truyện dài nhất ở cuối tập. Ở câu chuyện trải qua 4 thế hệ, dữ dội không kém Cánh đồng bất tận này, không thể không phục tác giả tài gói ghém chi tiết, dàn dựng nút thắt nút mở .v.v.. Tuy nhiên, vì khéo quá, dụng công nhiều quá, nên không ép phê bằng Cánh đồng bất tận.

Những truyện đáng chú ý khác trong tập là Tiều tụy vòng quanh, Vực không đáy và một hai truyện nữa nhất thời không nhớ tên (mới nhớ ra một truyện là Giữa mùa chán chết).

Tập truyện này với người khác có thể kể là một thành tựu, nhưng với Tư thì chưa vượt lên chính mình. Tuy nhiên, sự chuyên nghiệp của chị là điều đáng trân trọng.


PS. Tôi sẽ thích hơn nếu tên truyện được rút lại, ví dụ Vực thay vì Vực không đáy, Tiều tụy thay vì Tiều tụy vòng quanh, Chán thay vì Giữa mùa chán chết; còn Không ai qua sông thì có thể rút thành Không! :)


 

1 comment:

  1. Em đồng ý với anh về vụ nói chuyện giữa Thoát Hoan và An Tư. Vì những sự kiện sau khi An Tư về bên ấy không được nhắc đến ở đâu cả, nên đáng lẽ phải viết thật tinh tế chứ không phải rẻ tiền như vậy.

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN