Wednesday, 29 June 2011

Hãy trả đũa Calvino

Cùng với Borges, Calvino là cái tên hay được nhắc đến như là người có nhiều ảnh hưởng đến các nhà văn hậu hiện đại. Lừng lẫy là thế, nhưng sự xuất hiện của Calvino ở Việt Nam phải nói rất muộn màng và khiêm tốn. Qua đời năm 1985, khi người ta chưa kịp trao cho ông một giải Nobel, (thực ra, những người như Borges, Calvino, Woolf, Nabokov, Joyce có thể nói là đứng riêng ra một cõi, chia sẻ cái sự không đoạt giải Nobel, nhưng có tầm ảnh hưởng hơn rất nhiều tác giả từng đoạt giải này), mãi đến năm 2004 bản dịch một cuốn sách trọn vẹn của ông mới xuất hiện ở Việt Nam (Palomar, 2004, Vũ Ngọc Thăng dịch), nhưng có lẽ phải đến Nam tước trên cây, (2009, cũng Vũ Ngọc Thăng dịch) thì Calvino mới được biết đến rộng rãi ở Việt Nam.  

Với sự yêu mến dành cho Nam tước trên cây, nhiều người đọc háo hức chờ đợi Nếu một đêm đông có người lữ khách (2011, bản dịch của Cao Đăng tiên sinh), nhịn ăn sáng mấy ngày liền để mua sách ngay cái nhìn đầu tiên. Nhưng đến giờ này, tôi đã nghe được ít nhất từ ba bạn, thuộc loại yêu văn học và đọc nhiều, rằng cuốn này khó đọc quá. Vậy cuốn này là cuốn như thế nào?

Nếu một đêm đông có người lữ khách là một cuốn tiểu thuyết đặc biệt. Ngay trang đầu tiên, ta đã có cảm giác tác giả đang bỡn cợt với mình: “Bạn sắp bắt đầu đọc cuốn tiểu thuyết mới Nếu một đêm đông có người lữ khách của Italo Calvino.” Câu mở đầu này không khỏi khiến người đọc giật mình, xem đi xem lại, có phải mình đang đọc lời tựa hay lời giới thiệu tác phẩm không.  Khi tin chắc rằng câu mình đang đọc là câu đầu tiên của tiểu thuyết, người đọc ngay lập tức nhận ra rằng mình đang đọc một cuốn tiểu thuyết không giống gì với bất cứ tiểu thuyết nào đã đọc.

Thật vậy, trong cả chương đầu tiên, người đọc sẽ sung sướng khi thấy Calvino đi guốc trong bụng mình, khi ông mô tả các tư thế đọc sách( bất cứ ai ưa đọc cũng hiểu niềm vui sướng khi chọn được một tư thế thoải mái để đọc sách như thế nào), và nhất là khi ông phân loại sách ra thành, ví dụ như, Sách Bạn Lên Kế Hoạch Đọc Đã Nhiều Năm Nay, Sách Bạn Cần Xếp Cạnh Những Sách Khác Trên Giá Sách Của Mình, Sách Bạn Luôn Vờ Là Đã Đọc Và Nay Đã Đến Lúc Ngồi Xuống Thực Sự Đọc, .v.v. Chỉ từng ấy cũng khiến bất cứ người đọc nào có thể mỉm cười, vì thấy tác giả quá sức hiểu mình, vì thấy chưa bao giờ mình - với tư cách người đọc - lại được  một nhà văn thấu hiểu và đồng cảm đến thế.

Nếu người đọc cảm thấy như vậy, thì quả nhiên người đọc đã rơi vào “bẫy” của Calvino, vì Nếu một đêm đông có người lữ khách đích thực là một cuốn sách về người đọc, cho người đọc và vì người đọc. Người đọc, ở ngôi thứ hai, chính là nhân vật của tác phẩm. (Sau này, trong Invisible, Paul Auster cũng dùng ngôi thứ hai để chỉ nhân vật chính trong một trong ba phần của cuốn sách, nhưng người ta không thể không cảm thấy sự gượng gạo đến tội nghiệp.  Invisible là một thất bại thảm hại của tác giả những cuốn hết sức hấp dẫn và thông minh như The New York Trilogy hay Moon Palace - tranh thủ quảng cáo cho cuốn sách vô địch ế mọi thời đại của Nhã Nam tí, hehe) Để Người đọc khỏi cô đơn, và để tiểu thuyết của mình có chút lãng mạn, Calvino còn tặng thêm cho Người đọc một Người đọc Nữ, cho cả hai cùng nhau phiêu lưu qua một nửa cuốn tiểu thuyết của mình. Nói một nửa, vì cặp đôi Người đọc này chỉ xuất hiện ở những chương có đánh số.  Xen kẽ với những chương đánh số, là những chương mang nhan đề như nhan đề những cuốn tiểu thuyết. Thật ra, đó chính là những cuốn tiểu thuyết, hay chính xác hơn, mỗi chương này là chương mở đầu của một tiểu thuyết khác nhau, và tổng cộng ta có mười chương mở đầu của mười tiểu thuyết, nội dung khác nhau, giọng điệu khác nhau, được nối kết với nhau thông qua cuộc phiêu lưu của Người đọc và Người đọc Nữ..

Như thế, ta có thể nói, Calvino cho ta đọc mười một tiểu thuyết trong một cuốn sách, mà cũng có thể nói, Calvino chẳng cho ta đọc một cuốn tiểu thuyết nào trọn vẹn cả. Nếu một đêm đông có người lữ khách, do vậy, là một trò chơi tiểu thuyết. Vậy ta có lựa chọn: hoặc chơi cùng Calvino thì đọc hết toàn bộ cuốn sách, còn không, hãy trả đũa ông bằng cách chỉ đọc chương mở đầu thôi.  Đã có biết bao niềm vui nội trong chương ấy!

28 comments:

  1. Cũng vui chứ, lâu lâu lật ra có thể đọc lại chỉ các chương đánh số thôi, hoặc chỉ đọc các chương đặt tên thôi :)

    ReplyDelete
  2. Review thế này thì phải đón mua thôi! Cơ mà em chưa mua được "Nam tước trên cây" :(

    HTp

    ReplyDelete
  3. haha, review nhanh thế, em có Palomar, có Nếu..., nhưng chưa có Nam tước trên cây, ko biết NhịLinh có dành cho em ko, hihihi. Đùa chứ, Nếu... bản tiếng Việt em mua để trên giá, bao giờ có hứng mới đọc, vì trót lỡ đọc bản tiếng Anh trước rồi ;) Anh đọc rồi, thấy bản dịch ra sao? (Z)

    ReplyDelete
  4. đời nhẹ không kam còn bưởi chẳng thể nào quýt mà đem so với chôm chôm.

    :D

    ReplyDelete
  5. Nam tước trên cây, dù không ế như Moon Palace, nhưng vẫn còn nhiều đấy, không khó kiếm đâu. Bản dịch này do hai hot boy của dịch thuật nước nhà song kiếm hợp bích, nhưng không nhận xét đâu, vì tình hình đang nhạy cảm lắm í:))

    ReplyDelete
  6. Calvino nghe cứ như nhãn hiệu thời trang:)

    ReplyDelete
  7. giữa Palomar và Nam tước trên cây: Các bài giảng Mỹ: sáu ghi nhớ cho thiên kỷ mới, người dịch: NL :p

    ReplyDelete
  8. tối qua, lúc viết entry này, có search thấy thông tin trên, vô cùng kinh ngạc và ngưỡng mộ:) nhưng hình như chỉ đăng tạp chí, không in sách? và có thể xin một bản coi như bù trừ cho The Curtain?

    ReplyDelete
  9. xời, Calvino đang giảng loạt Norton Lecture thì chết giữa chừng, thiếu bài cuối, mình đã lục trong các thể loại tuyển tâp phê bình để tòi ra được bản nháp cho bài thứ sáu, tức là bản tiếng Việt còn đủ hơn bản tiếng Anh và bản tiếng Pháp :p đợi search tìm nhé, mới đăng tạp chí thôi, hai kỳ

    ReplyDelete
  10. tức là đã dịch cả sáu bài?

    ReplyDelete
  11. chứ còn gì, cả quyển, cả lời giới thiệu :p

    ReplyDelete
  12. Bác Mun viết điểm sách hay nhỉ.

    ReplyDelete
  13. nhất trí với bác azur, bài điểm sách này hay quá, chả lộ hàng tí gì mà vẫn khiêu khích ghê :))

    ReplyDelete
  14. ối cả hai bác xông vào khen, thảo nào tối qua lăn ra ốm:)

    ReplyDelete
  15. Thế nên chẳng cần 10 tờ báo oách nhất nước đâu, chỉ cần 10 blog như của bác Goldmund là thích lắm rồi.

    ReplyDelete
  16. híhí, em cũng muốn đọc (lại)loạt bài giảng anh NL dịch. Lọ mọ đi lên tviện đọc tạp chí rồi, nhưng hồi đó hiểu được giờ đã chả còn sống ;)). Anh Mund review sách em đi, em lót tay thêm;))

    ReplyDelete
  17. Trên tienve Hoàng Ngọc Tuấn cũng có dịch một bài, nhưng HNT thường dùng quá nhiều từ Hán Việt. Đọc bài dịch của NL hy vọng sẽ dễ hiểu hơn (ra sức nịnh để được tặng tạp chí):)

    hí hí, hối lộ công khai kìa:)

    ReplyDelete
  18. đây là hiện tượng đụng hàng

    hic, cố tí nữa thì có thể hot bằng hiện tượng lộ hàng ;p

    ReplyDelete
  19. Bác Nhị nói luôn Văn học nước ngoài số bao nhiêu cho nhanh nhờ ;))

    ReplyDelete
  20. hai số đầu năm 2007, nếu anh nhớ không nhầm

    ReplyDelete
  21. e mới mua hqua, sách gì đắt thế không biết :(

    ReplyDelete
  22. thế có được giảm giá không?:)

    ReplyDelete
  23. Hehe, giờ các bác có thể đọc Goldmund trên trang Tuổi Trẻ nhé, không nhất thiết phải vào blogspot.

    http://m.tuoitre.vn/tin-tuc/Van-hoa-Giai-tri/63614,Hay-tra-dua-Calvino.ttm

    Đã có biết bao niềm vui nội trong chương ấy! Đọc đi rồi đọc lại vẫn thấy câu kết này hay.

    ReplyDelete
  24. Vào tuoitre anh Thao không thích bằng vào đây đâu nhỉ?:)

    ReplyDelete
  25. Goldmund share 6 bài giảng của Calvino cho mình với. Mình tìm mệt mỏi chỉ ra bài số 5 lấy trên Tiền Vệ. Tks trước

    ReplyDelete
  26. Chia sẻ bằng cách nào hả bác? Vả lại bác con ma nhà họ Hứa đã bao giờ gởi cho tôi số tạp chí kia đâu?

    ReplyDelete
  27. Email cháu đây: abcview@gmail.com

    ReplyDelete

Bánh mì kẹp và Ocean Vương