Hôm qua nhìn vào những cụm từ khóa tìm kiếm dẫn đến blog này, tôi thấy có cụm từ “những nhà văn yêu thích của LVT.” Thật là quý hóa quá, bạn nào quan tâm đến độ muốn biết tôi thích đọc những ai. Cứ đà này tôi được The Paris Review phỏng vấn không chừng. Trong mục phỏng vấn các nhà văn của The Paris Review, đây là câu hỏi hay được lặp lại dưới các hình thức khác nhau. Nhân đây, tôi quảng cáo bài trích dịch phỏng vấn Calvino được Nhã Nam đăng lại ở đây. Thật ra, nếu đọc blog này thường xuyên thì cũng biết, vì tôi hay ba hoa mà, chứ còn tìm thế kia thì không ăn thua đâu. Nhưng để giúp bạn, tôi viết hẳn một entry cho bạn khỏi nhọc công kiếm tìm:)
Tôi thích Dostoyevsky. Với tôi, Dostoyevsky là nhà văn duy nhất viết từ thế kỷ mười chín mà nay đọc lại vẫn không thấy cũ, theo kiểu từ các giám khảo American Idol hay dùng là vẫn rất “current” và “relevant”. Nói như vậy không phải các tác giả thế kỷ mười chín khác kém hơn Dos, mà chẳng qua tôi không có sức đọc nổi tất cả. Kundera diễn giải luận điểm này trong một tiểu luận trong tập Bức màn hay Cuộc gặp gỡ gì đó. Đại khái Kundera bảo ai đó chê tranh một danh họa xấu, thì ta chỉ cần đến một viện bảo tàng có bức tranh ấy thì ta có thể thấy ngay người kia chê không có căn cứ. Tương tự với trường hợp âm nhạc, không mất quá nhiều thời gian để kiểm chứng. Trong khi đó, ông có thể thích Conrad và người khác có thể chê Conrad hết lời, đơn giản vì ông và người kia chỉ đọc một hoặc hai cuốn của Conrad và đấy là những cuốn khác nhau. Ví dụ muốn so sánh Dos và Lev Tolstoy ai vĩ đại hơn thì phải mất hàng năm trời để đọc trước tác của hai ông, một điều gần như không thể với tuyệt đại đa số người yêu văn học.
Tôi nhắc đến Kundera. Tôi cũng thích Kundera, vì chất trí tuệ và hài hước của ông. Theo tôi hài hước là phẩm chất nổi trội của một nhà văn lớn. Tôi thích Kundera còn để ủng hộ bác blogger nhà bên cặm cụi dịch hết cuốn này đến cuốn kia của bác ấy.:)
Nói chung mỗi lần hỏi tôi có thể cho ra một danh sách khác nhau, nhưng bây giờ ngoài hai bác trên những cái tên sau đây vụt đến trong đầu tôi: Paul Auster, dĩ nhiên, chỉ cần một cuốn The New York Trilogy là đủ để yêu bác cả đời, cho dù những cuốn về sau này của bác chán lắm. Nếu gặp bác tôi sẽ khuyên bác tạm nghỉ viết đi du lịch vài năm. Paul Auster là dạng nhà văn chỉ cần đọc một câu là có thể thích cả cuốn sách (dại dột chẳng kém vì yêu một má lúm đồng tiền hay một cái răng khểnh mà cưới, không phải cưỡi, nguyên một người phụ nữ), chẳng hạn câu đầu tiên trong The Brooklyn Follies: “Tôi đang tìm một nơi yên tĩnh để chết và người ta giới thiệu Brooklyn với tôi”. Hình như vậy, dịch theo trí nhớ. Bạn nào đang mượn cuốn này của tôi trả mau! Murakami, tôi biết ở đây có mấy bác chê Murakami sến, tôi cũng công nhận bác ấy có sến nhưng tôi vẫn thích bác ấy vì tôi cũng sến. Văn Murakami chẳng khác một món nộm bắt mắt và ngon miệng, vừa có siêu thực, vừa có hậu hiện đại, thỉnh thoảng có con mèo biến mất và vài màn khẩu dâm rùng rợn, vừa thỏa mãn nhu cầu giải trí lại vừa cho ta cái cảm giác được làm trí thức. Văn thế mà không thích mới lạ. Coetzee, tất nhiên, tôi thích cách viết hết sức gọn ghẽ và chính xác của bác này, đặc biệt trong Disgrace và Diary of a Bad Year, chứ không phải Giữa miền đất ấy trong đó "down to earth" được dịch thành "sụp xuống đất", và càng không phải Ruồng bỏ. Pamuk, một tất nhiên không được tất nhiên lắm, mấy tiểu thuyết của bác cuốn thì ảm đạm quá cuốn thì thế kỷ mười chín quá, nhưng Istanbul tuyệt và Other Colors càng tuyệt, hic. Ai nữa nhỉ, Hesse, thật ra chỉ thích Goldmund và Câu chuyện dòng sông. Vũ Trọng Phụng, vì trào phúng và luôn hiện đại. Nguyễn Huy Thiệp của những truyện ngắn thời ông chưa bắt đầu viết tiểu thuyết. Nguyễn Khải của Gặp gỡ cuối năm và Thời gian của người. Thuận của T mất tích và mấy chục trang trong Thang máy Sài Gòn. Đoàn Minh Phượng của Và khi tro bụi và phần nào của Mưa ở kiếp sau. Phạm Thị Hoài của Thiên sứ, Ám thị, Man Nương… Như thế cũng nhiều đấy chứ.
Đầy, nhưng như đã nói, nếu viết entry này cách đây một năm danh sách có thể khác, mà một năm sau càng khác hơn.
hài hước là phẩm chất nổi trội của tất cả những người đọc các nhà văn lớn, kể cả những người đọc này.
ReplyDeletemà anh cho em hỏi, bao nhiêu lần search thì được một entry phúc đáp như này để em còn tính he he
ReplyDeleteEm thích như anh Lâm Vũ Thao và thích cả anh Lâm Vũ Thao nữa.
ReplyDeleteà thế hóa ra là không thích bác Carver à, thế mà mình cứ tưởng ;p đoạn Kundera chắc là lúc ông ấy kể mình khuyên một nhà văn Pháp đọc Wiltold Gombrowicz nhưng ông kia lại chọn một quyển dấm dớ, trong "Le Rideau"
ReplyDelete"Theo tôi hài hước là phẩm chất nổi trội của một nhà văn lớn" << em thấy nhận xét của anh là hợp lý, ít nhất là "theo (ý kiến của) em". :)
ReplyDelete"Theo tôi hài hước là phẩm chất nổi trội của một nhà văn lớn" << em thấy nhận xét của anh là hợp lý, ít nhất là "theo (ý kiến của) em". :) Long
ReplyDeleteCafe: Còn tùy từ dùng để search là gì; có từ nếu nếu để trả lời thì entry phải đi vào cõi thiên thai:))
ReplyDeleteNL: Carver á, không phọt ra từ top of my head, chắc vì văn bác ấy không sexy:)
À, còn đúng là đoạn ấy của Kundera, mỗi tội tên ông Gombrowicz là ông nào vừa chẳng biết là ai vừa khó nhớ:)
ReplyDeleteThật ra em thấy Murakami hài hước hơn Kundera đấy chứ, đọc Kundera chả cười được gì cả.
ReplyDeleteDos thì đọc cứ mà mê say, mất cả ba ngày liên tục với quyển Karamazov, định đọc lại mà không dám rãnh như vậy nữa
mình thấy hài hước là gia vị bắt cơm nhất cho cái món văn chương, khổ nỗi cái lưỡi bây giờ hư rồi, không có gia vị thì không xơi, thành ra gia vị lên ngôi đầu bảng :(
ReplyDeleteKundera à!Sự bất tử của ông ấy hay đấy chứ. Xin mời vào thăm trang: http://dinhlangpy.blogspot.com
ReplyDeletetrân trọng!