Wednesday, 27 May 2009

Viết cho Đơn Dương



Tôi sinh ra và lớn lên ở thị trấn Dran, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Nhắc tới Lâm Đồng, người ta thường chỉ biết đến Đà Lạt. Đà Lạt quá nổi tiếng rồi, dù rằng cũng như rất nhiều trường hợp nổi tiếng khác, nổi tiếng chưa chắc đã có nghĩa là “hay”.

Đơn Dương ít người biết đến, trừ những người sinh ra và lớn lên ở…Đơn Dương. Nổi tiếng nhất ở Đơn Dương có lẽ là đập thủy điện Đa Nhim. Thời lâu lắm rồi, thủy điện Đa Nhim, vốn được người Nhật xây để bồi thường chiến tranh, được xếp vào hàng lớn thứ ba cả nước. Sau này, với sự ra đời của Trị An, Hòa Bình, Ya Li..., Đa Nhim không biết được xếp hạng thứ mấy. Dẫu sao Đơn Dương vẫn được coi là quê điện. Điều đó không ngăn cản quê điện bị cúp điện thường xuyên, có khi đến ba ngày một tuần, chắc là để nhường cho những thành phố lớn, Sài Gòn chẳng hạn, lấp lánh ánh đèn hoa lệ hằng đêm.

Thị trấn Dran là “thủ phủ” của Đơn Dương. Giống như người Sài Gòn gọi quận I là Sài Gòn, người Đơn Dương gọi Dran là Đơn Dương. Điều này có nghĩa ở Thạnh Mỹ (kiểu như Gò Vấp), Ka Đơn (kiểu như Bình Chánh) mà muốn ra Dran, người ta sẽ rủ nhau: “Đi Đơn Dương chơi không?”. Trong bài viết này kể từ đây trở đi, khi nói tới Đơn Dương bạn sẽ hiểu tôi đang nói tới Dran, “thủ phủ” của Đơn Dương, nơi có ba con đường (Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng) và một cái bùng binh (mà dân địa phương khi chạy xe không bao giờ đánh vòng quanh), sau này được bổ sung thêm một số tên đường cho dù không có con đường nào mới mở.

Ai hỏi Đơn Dương ở đâu, tôi sẽ chỉ đường như thế này: Anh/chị/bạn đi Đà Lạt chưa? Thế này nhé, từ Sài Gòn đi Đà Lạt, khi còn cách Đà Lạt khoảng 25 cây số, sẽ có một ngã ba tên là ngã ba Finom. Thay vì rẽ hướng lên Đà Lạt, anh/chị/bạn rẽ hướng kia, đi khoảng 25, 26 cây số sẽ tới Đơn Dương. Đơn Dương rất nhỏ, nên bạn đừng đi nhanh quá coi chừng vuột mất. Đi thẳng đường đó, bạn sẽ đổ đèo Ngoạn Mục xuống Song Pha rồi Phan Rang.

Đà Lạt cao 1,500 mét so với mặt nước biển. Đơn Dương thấp hơn 500 mét, nghĩa là vẫn cao khoảng 1000 mét so với mặt nước biển. Nhờ đó, Đơn Dương có một khí hậu tuyệt vời. Mùa Đông, nhiệt độ sáng sớm và tối khoảng 15 độ, ban ngày khoảng 20-22 độ C. Mùa hè, giữa trưa, nhiệt độ trong nhà ít khi vượt quá 28 độ. Ở Sài Gòn, buổi tối đi ngủ tôi mở máy lạnh ở mức 27 độ C. Từ khi có con, tôi mở mức 28 độ C vì sợ bé nhiễm lạnh. So sánh thế để biết, Đơn Dương là một cái máy lạnh khổng lồ, chẳng những không tốn điện, mà còn hết sức “sinh thái”, phù hợp với với những tiêu chuẩn văn minh nhất về môi trường. Cái máy lạnh ấy có cái nhiệt độ tự nhiên của trời đất, có cái gió rì rào triền miên của những đồi thông vây quanh.

Đơn Dương là một thung lũng. Đứng bất cứ chỗ nào ở Đơn Dương, nhìn đi hướng nào bạn cũng thấy đồi thấy núi. Những đồi thông, những đồi thông. Khi tôi còn bé, tôi thường theo anh leo lên một trong những đồi thông quanh thị trấn lấy củi. Chúng tôi không bao giờ mang giày. Vào những năm 80 ấy, giày là một khái niệm xa lạ đối với trẻ con và phần đông người lớn. Chúng tôi đi chân không trên những đoạn đường nhựa nóng bỏng, trên những đoạn đường đất nho nhỏ men chân đồi lấp xấp cỏ ống, cỏ gà, cỏ mực, lội qua một con suối rồi trèo lên một, hai, ba, hoặc bốn con dốc. Chúng tôi tìm những thân cây đã gãy khô, chặt ra một đoạn vừa sức vác rồi mang đi. Đi trong núi, tôi có những cảm giác kỳ lạ mà mãi mãi về sau này tôi không bao giờ có được. Thông cứ reo rì rào như lúc nào cũng có ai đó đang nói chuyện, mùi nhựa thông phảng phất, bước chân chúng tôi trệu trạo trên lá thông khô, trên đá dăm. Đá dăm có thể găm vào gót chân chúng tôi, những gót chân bao giờ cũng nứt nẻ, có khi bật máu vào mùa đông. Ấy là mãi sau này khi đã thành người thành phố có gót chân mịn màng tôi mới nhớ lại, chứ ngày ấy tôi không để ý. Má tôi cũng không để ý. Chẳng ai để ý cả, vì hầu như gót chân ai cũng nẻ.

Những đồi thông bây giờ vẫn còn đấy, nhưng cây đã trở nên thưa nhiều vì năm nào cũng cháy rừng, rồi người ta phá rừng làm rẫy, làm nhà. Bây giờ chẳng mấy ai nấu củi nữa, nhà nào cũng xài bếp ga hay điện, trẻ con không còn phải đi lên núi. Thay vào đó, chúng đi chơi game. Chơi game, nếu không nghiện cũng không có gì xấu. Chỉ có điều chúng không có cơ hội leo núi, không được đứng giữa đồi thông để nghe thông rì rào, không được nằm trên thảm lá thông để ngắm nắng lọt qua tán cây, và cũng không bị đá dăm găm vào chân. Chúng có mơ mộng như tôi không?

Đon Dương, mùa mưa. Đã bao nhiêu năm rồi tôi không về Đơn Dương vào mùa mưa? Hỏi là để nhớ. Nhớ năm nào tháng chín, cứ vào mùa tựu trường là mưa dai mưa dẳng. Mưa một tuần, mưa hai tuần thậm chí cả tháng liền, hầu như không dứt. Mưa lúc to, lúc nhỏ, rỉ rả suốt ngày, rả rich suốt đêm. Đất đỏ từ những triền đồi chảy khắp mặt đường, những con đường bẩn và hẹp càng trở nên bẩn hơn, hẹp hơn. Ai ra đường cũng quần xắn quá gối, lùng nhùng trong một đống áo mưa. Đơn Dương ngày trước nhiều nhà làm bằng gỗ, mưa thấm vào gỗ sau nhiều ngày toát ra mùi hăng hắc. Cái mùi ấy theo tôi cả đời. Ngay lúc này đây, nhắm mắt lại, hít vào nhè nhẹ, là tôi hình dung ra mùi ấy ngay. Mùi của một ngôi nhà, mùi của một vùng quê, đã thấm vào người không bao giờ dứt được. Hình dung ra mùi ấy tôi cũng hình dung ra gương mặt ba má, anh chị tôi , rồi thầy cô, bạn bè cũ. Rồi hình dung ra cái hồ xi măng chứa nước mưa sau nhà, ra cái máng xối nghẹt đầy lá vú sữa, ra con mương trước nhà nước tràn be, đỏ quạch. Lần gần đây nhất về nhà con mương ấy đã được lấp xi măng rồi, không biết bây giờ trời mưa nước chảy đi đâu.

Đơn Dương, mùa đông, mùa đẹp nhất năm khi hơi lạnh treo trên từng hơi thở, khi đầu ngọn cỏ lóng lánh sương, bầu trời xanh trở nên khoáng đạt, nắng óng như rơm. Và hoa quỳ vàng. Hơn một người đã phải lòng cái màu vàng của hoa quỳ miền cao nguyên vốn chỉ nở rực vào những ngày lạnh nhất... tháng mười một, tháng mười hai. Càng lạnh hoa càng rực rỡ. Tháng mười hai qua, hoa rụi dần. Để rồi Tết đến, khi trăm ngàn loại hoa khác đua nhau khoe sắc, thì những cụm hoa quỳ ven triền đồi chỉ còn trơ lõi, xấu xí, thảm hại. Hoa quỳ là sứ giả của mùa đông cao nguyên. Mùa đông không có nhiều sứ giả, nên hoa quỳ là sứ giả hiếm hoi và độc đáo. Du khách đến trầm trồ đã đành, dân bản xứ tha hương, cứ những ngày tiết trời se se lạnh lại bồi hồi nhớ cái màu vàng ấy. Cái màu vàng bàng hoàng những triền đồi. Ngày xưa, có anh chàng sinh viên đi học đại học ở Sài Gòn, hứa với một cô bạn rằng về quê ăn Tết xong sẽ mang hoa quỳ vào, nhưng Tết xong thì làm gì còn hoa quỳ. Anh chàng đâm ra thơ thẩn:

“Khi anh về hoa quỳ thôi nở
Còn biết tìm đâu quà tặng em
Anh xoa tay cho ấm mùa nắng vỡ
Ngủ trong mây một áng trăng mềm”

Đơn Dương, tôi đã đi xa nhiều năm rồi. Mỗi năm trở về thấy đường phố nhiều ổ gà hơn, bụi nhiều hơn, cả thị trấn mòn đi, cũ đi. Người trẻ đi xa, người già ở lại. Cái rạp xi-nê duy nhất của thị trấn, luôn đông nghẹt người những năm tám mươi bị bỏ hoang, khai ngáy. Thị trấn không còn hiệu sách, không còn sân banh, công viên thì chưa bao giờ có. Tôi đứng trước sân nhà, mắt nhìn về phía núi, cố nhìn ra những con dốc mình đã leo ngày xưa. Tôi đã đi và leo nhiều con dốc khác trong cuộc đời, tuy chưa đến đỉnh nhưng chắc chắn không còn trong thung lũng. Mắt tôi nhìn bốn phía không còn bị chắn bởi những đồi những núi, nhưng lòng tôi sao vẫn mãi hoang mang?

Tháng 5/2009

23 comments:

  1. Bác viết hay và cảm động quá!

    ReplyDelete
  2. Nhớ con đường từ Finom đi Lạc Dương vàng rực rỡ màu dã quỳ . Một thị trấn êm đềm và sung túc sản phẩm nông nghiệp những năm cả nước đói mờ mắt ( 77-80 ) . Cám ơn bạn về bài viết hay .

    ReplyDelete
  3. Bài này hay lắm anh ạ.

    ReplyDelete
  4. Đọc bài của bạn, tôi cũng thấy yêu Đơn Dương, mặc dù c65hưa hề đến đó. Có dịp mò lên ĐD, bạn làm tour guide dẫn tôi đi nhậu với nghen.
    Cảm ơn về một bài viết rất đẹp
    Quí mến

    ReplyDelete
  5. Bác Drnikonian, Đơn Dương nhỏ xíu hà, nhưng vẫn rất vui lòng làm tour guide cho bác khí có dịp. Cảm ơn bác đã lại nhà:)

    ReplyDelete
  6. Lần này là lần thứ ba em đọc bài này, vẫn thấy rất hay và xúc động, cũng muốn có dịp sẽ qua Dran - Đơn Dương như bác gì ở trên.
    Cảm ơn bác vì bài viết.

    ReplyDelete
  7. Bạn Teq bao giờ ghé thì hú tôi một tiếng. Tôi cố chạy về Đơn Dương tiếp bạn.

    ReplyDelete
  8. em o sg em den don duong roi wa la mot cach dep em thix nhat la buoi sang o do ..........

    ReplyDelete
  9. Dưng không nhớ phố núi, nhớ cao nguyên, nhớ những vạt dã quỳ, nhớ đồi thông, và nhớ ..nhiều nhiều nữa. Kiểu này mà cứ ngồi đọc những bài viết này của bác GM thì DQ có mà khóc ngất thôi :( :( ..hic .....

    Cám ơn bài viết thật hay!!

    Dưng không lại nhớ có lần đạp xe đạp mấy chục cây số vào nhà dòng Châu Sơn nè trời. ..hic

    ReplyDelete
  10. Bạn Dã Quỳ người Đon Dương à?

    GM

    ReplyDelete
  11. Bác GM ui, DQ hổng có ở Đơn Dương, Dran, Ka Đơn hay Thạnh Mỹ gì cả, nhưng hay "trốn mẹ" lái xe mấy chục cây số xuống đó lắm :)) .....

    ReplyDelete
  12. ;D, sau này thì mỗi lần mùa mưa thang 9, 10 thì tụi em được nghỉ học vì mấy bạn bên kia sông Kado không qua cầu đi học được

    Hoa quỳ bây giờ cũng không còn nhiều nữa

    Còn rừng thông thì vẫn có 1 chỗ gần như giữ nguyên: Châu sơn ;D

    Tết nào em cũng về nhà, chắc anh GM thì ở lại Sagigon rồi ;D

    ReplyDelete
  13. Trời, mình cũng từng ở nơi đó. Đi xa cũng đã từng nhớ về nới đó nhưng chưa bao giờ mình nói lên hết được những cảm xúc của riêng mình. Đọc bài này của V xong, thời thơ ấu lại quay về... và lại nhớ DD, nhớ hoa dã quỳ, nhớ đồi thông, nhớ con đường đất đỏ, nhớ vú sữa tím sau hè...

    ReplyDelete
  14. Em đã tick vào sổ tay cuả mình một dấu nhỏ, đánh dấu một dự định đã hoàn thành trong năm nay, ghé qua Đơn Dương..

    Nếu không có bài viết này cuả anh, có lẽ em cũng vuột mất nơi chốn đó.

    -Land-

    ReplyDelete
  15. Don Duong, do la mot noi ma ky uc tuoi tho toi khong bao gio quen duoc.cam on nguoi da viet bai nay

    ReplyDelete
  16. Tôi đến Đơn Dương lần đầu tiên cách đây 15 năm, từ ngã ba Phinom, bên phải là Đức Trọng, đi xuống bến trái là Đơn Dương hoang sơ và đẹp tuyệt vời dưới con mắt của một cô bé 15 tuổi.Tuần rồi,ghé lại Đơn Dương để thăm những ký ức cũ, thấy buồn vời vợi,ước chi mình đừng ghé lại,để Đơn Dương mãi đẹp hoang sơ trong trí tưởng tượng của mình.Bài này làm tôi nhớ thời xa xưa quá Bác à

    ReplyDelete
  17. Cảm ơn bạn. Tôi thì rất khoái chí khi thỉnh thoảng có người lôi bài này lên:)

    ReplyDelete
  18. Khi ta ở chỉ là nơi đất ở,
    Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn.

    Đã từng ước mình là cây ,cỏ hay hoa lá để mãi được ở bên những rừng thông! Khi buồn em hay đến với Đà Lạt, và bây giờ thêm cả Đơn Dương.

    ReplyDelete
  19. Mỗi khi nghĩ về Đơn Dương, em lại nghe văng vẳng bài "Đàn bò vào thành phố", đọc đâu đó có nhớ bác Sơn viết bài này ở Đơn Dương.
    Sao bác nhắc Ka Đơn mà không nhắc Ka Đô nhỉ (vậy thì chắc phải thêm cả P'ró, Lạc Lâm...
    À không biết Fimnom và Finom cái nào là đúng!

    ReplyDelete
  20. là người Đơn Dương nhưng khi đọc bài này mới thấm ý nghĩa của nó.....(kí tên : Việt Trung_12a5_Lạc Nghiệp.....

    ReplyDelete
  21. Viết đúng là FIMNOM nhưng nguòi ta thườc đoc là Finom.

    ReplyDelete
  22. Bài này hay và đẹp quá. Tôi không biết sao mà tôi dùng từ đẹp. Nhưng quả tình là tôi thấy bài này đẹp. Bác làm tôi nhớ không khí trong suốt và lạnh giá vùng cao quá đi mất, nhất là không khí cực kỳ trong lành của rừng thông. Tôi cũng mê hoa dã quỳ. Tặng bác một chùm hoa dã quỳ trong ánh nắng cuối đông, dưới bóng thông, mà tôi vừa chụp Tết rồi.


    http://www.flickr.com/photos/mgjy/6311155711/

    ReplyDelete

BẠN BÈ CŨNG LÀ MỘT TÀI SẢN